ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 30/12/2014

               

 

mediaBiểu tình ngày 10/12/2014 tại Manuagua chống dự án kênh đào do Trung Quốc đầu tư.REUTERS/Oswaldo Rivas
 

Nicaragua : Biểu tình liên tục chống dự án kênh đào Trung Quốc đầu tư

Theo RFI  

«ngày 30-12-2014 17:34
Dự án kênh đào ở Nicaragua gây phẫn nộ » là tựa đề một hồ sơ trong mục « Hành tinh » của Le Monde. Bài viết do phóng viên gửi về từ Mêhicô mô tả cuộc phản kháng của người dân địa phương chống lại dự án kênh đào khổng lồ đe dọa hồ chứa nước ngọt lớn nhất Trung Mỹ và khiến khoảng 30.000 người phải di dời. Dự án công trình quy mô lớn nhất Châu Mỹ Latinh với tổng trị giá 50 tỷ đô la, được chính quyền Nicaragua thỏa thuận « trong mờ ám tuyệt đối » với nhà tài phiệt Trung Quốc Wang Jing (Vương Kinh), lãnh đạo tập đoàn Hong Kong Nicaragua Canal Development Investment Co (HKND).
Ngày 24/12 vừa qua được dân cư hai làng El Tule và Rivas, miền nam Nicaragua, gọi là « Ngày Noel đen tối ». Cuộc nổi dậy của hàng trăm người chống lại dự án kênh đào nối liền vịnh Caribe với Thái Bình Dương bị cảnh sát đàn áp khiến 21 người bị thương, 33 người bị câu lưu. « Không kênh đào, Trung Quốc cút đi ! » là khẩu hiệu của những người phản đối. Kể từ tháng 9/2014 đến nay, khoảng 15 cuộc biểu tình tương tự đã được tổ chức.
Cùng đứng về phía dân cư địa phương, còn có nhóm Grupo Cocibolca, một liên hiệp gồm hơn mười tổ chức khoa học và bảo vệ môi trường. Một luật sư của nhóm cho biết đã đệ đơn kiện vì tính chất « vi hiến », « xâm phạm chủ quyền quốc gia » của dự án. Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nicaragua là đồng tác giả một bài viết được công bố trên tạp chí Khoa học Nature, cảnh báo nguy cơ nước mặt tràn vào hồ nước ngọt Cocibolca (rộng gần 9.000 km²), với một hệ đa dạng sinh học đặc biệt.
Về phần mình, chính phủ Nicaragua cho rằng con kênh đào, dài 278 km (gấp 3 lần kênh Panama), dự kiến hoàn thành năm 2020 sẽ cho phép giải quyết nạn nghèo đói tại quốc gia, với khoảng 45% dân nghèo, và ảnh hưởng đến môi trường là không lớn.
Nhưng cư dân địa phương đối lập với dự án kênh đào tỏ ra hết sức quyết tâm. « Tôi sống ở đây, tôi cũng sẽ chết tại đây ! », một cư dân cho biết. Cuộc chiến xung quanh dự án kênh đào Nicaragua chỉ mới bắt đầu.

Đảng Cộng sản Trung Quốc : « Đế chế của tội ác »

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có bài phân tích rất đáng chú ý mang tựa đề « Đảng Cộng sản Trung Quốc hay đế chế của tội ác », do phóng viên gửi về từ Bắc Kinh. Với việc ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), nguyên là cánh tay mặt của Hồ Cẩm Đào, trở thành đối tượng điều tra, tổng cộng bốn « con hổ » đã sa lưới trong chiến dịch « đả hổ đập ruồi » của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Lược thuật lại cuộc thanh trừng nhắm vào nhiều lãnh đạo thuộc hàng cao cấp nhất Trung Quốc, nhà báo Le Monde đặt câu hỏi : « Phải chăng đảng Cộng sản Trung Quốc bị thao túng bởi một băng đảng mafia thực sự ? ». Hồi tháng 11 vừa qua, một bài viết của Tân Hoa Xã cảnh báo nạn mua bán chức quyền hết sức phổ biến trong đảng, đã bị kiểm duyệt cắt bỏ.
Trên thực tế, Le Monde nhận xét, dưới vỏ bọc của cuộc thanh trừng tham nhũng hay việc lợi dụng cơ hội chống tham nhũng để thanh trừng phe phái, dưới danh nghĩa chống đảo chính, mục tiêu chủ yếu của giới lãnh đạo Trung Quốc là chống lại sự hình thành « các phe nhóm » trong nội bộ đảng, như tuyên bố của Tập Cận Bình, được từ Nhân dân nhật báo trích dẫn.
Dưới thời Mao trước đây, người ta chỉ thanh trừng vì lý do chính trị. Trong nước Trung Quốc thời mở cửa, đương sự chủ yếu bị kết án vì các lý do kinh tế. Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình nhằm « cứu » đảng Cộng sản Trung Quốc, nhắm vào các lực lượng được gọi là « các nhóm lợi ích » (như lĩnh vực dầu mỏ do phe nhóm của Chu Vĩnh Khang kiểm soát trước đây), nhưng mục tiêu chủ yếu là để thiêng liêng hóa quyền lực tối cao của « trung ương ». Đó là giới hạn của chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, như ghi nhận của nhà nghiên cứu Hồng Kông Samson Yuen.
Trong khi đó, trên thực tế, chỉ riêng ngôi biệt thự mà con gái Tập Cận Bình và chồng của bà ta sở hữu tại Hồng Kông chẳng hạn trị giá 23 triệu euro, nghĩa là nhiều hơn 5 lần so với biệt thự tại Cannes (Pháp) của vợ ông Bạc Hy Lai. Và, những thông tin về tài sản của « các hoàng tử (và công chúa) đỏ » của chế độ cộng sản Trung Quốc, được truyền thông nước ngoài công bố, thì lại bị ngăn chặn ngay tại Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, « hiếm có ai trong số các ‘ông hoàng đỏ’ không lợi dụng hệ thống hiện hành, nơi đồng lõa trong im lặng để hưởng lợi đã trở thành nguyên tắc »
.
Dù nhiều tai nạn, hàng không vẫn là phương tiện an toàn nhất

Liên quan đến tai nạn máy bay tại Đông Nam Á, bên cạnh những bài phân tích đi tìm các nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn của chuyến bay QZ8501 của AirAsia, Le Figaro điểm lại 10 tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất trong một thập niên qua. Bên cạnh đó, tờ báo cung cấp cho độc giả một đồ thị cho thấy mức độ tăng của số hành khách máy bay so với tỷ lệ người thiệt mạng vì các tai nạn hàng không.
Nếu như trong 10 năm qua, số khách đi máy bay tăng từ hơn 2 tỷ lượt đến hơn 3,5 tỷ lượt, thì tỷ lệ người chết vì tai nạn máy bay lại giảm từ gần 40 người/ 100 triệu người xuống còn 5 người/100 triệu. Theo so sánh nói trên, cho dù các tai nạn thảm khốc gần đây, việc di chuyển bằng máy bay vẫn được coi là phương tiện giao thông an toàn nhất.

Châu Á tiếp tục là đầu tầu kinh tế thế giới

Về xu thế kinh tế trong năm tới, Les Echos nhận xét « Châu Á sẽ vẫn là đầu tầu của nền kinh tế thế giới 2015 ». Theo Les Echos, tăng trưởng của Trung Quốc vẫn tiếp tục suy giảm, trong khi Ấn Độ lại bắt đầu khởi sắc. Tỷ lệ tăng trưởng của Châu Ấ, với 44% dân số toàn cầu, nhìn toàn thể sẽ gấp đôi tỷ lệ trung bình của phần còn lại của thế giới.
Trong số các nước Châu Á, Les Echos chú ý đến ba quốc gia nhiều hứa hẹn. Ngoài Ấn Độ, còn có Malaysia và Indonesia. Malaysia được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong số các quốc gia đang trỗi dậy, với sự tăng vọt của nhu cầu nội địa. Năm 2015, Malaysia sẽ cho ra đời thuế tiêu thụ TVA. Đầu tư tại Malaysia sẽ tiếp tục giữ mức ổn định, nhờ chương trình đầu tư của chính phủ, đặc biệt bao gồm việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị vùng thủ đô Kuala Lumpur
.
Việt Nam : các tiềm năng chưa được huy động tương xứng

Việt Nam, Miến Điện và Thái Lan, cho dù có nhiều tiềm năng, nhưng bị đánh giá là chưa phát triển đúng mức. Trong trường hợp Việt Nam, Les Echos chú ý đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, sau biến cố giàn khoan HD-981, với nhận xét « nằm dưới cái bóng của người láng giềng khổng lồ, Hà Nội khó tìm ra được con đường cho mình ». Tuy nhiên, vẫn theo Les Echos, Việt Nam đang đi đúng hướng. Năm tới, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sẽ tiếp tục gia tang.

Pháp : Trung tâm « chăm sóc » những người lầm đường theo Thánh chiến Hồi giáo

Trở lại nước Pháp, một số hiện tượng xã hội mới lạ được báo chí ghi nhận. « Làm thế nào ‘chăm sóc’ những người muốn đầu quân vào Thánh chiến Hồi giáo » là tựa đề phóng sự của Le Monde, kể lại các hoạt động tại một trung tâm gần thủ đô Paris, nơi các nhà chuyên môn sử dụng các phương pháp xã hội học, tâm lý học, kể cả tôn giáo, để giúp đỡ những thanh niên có xu hướng tham gia các lực lượng khủng bố có cơ hội trở lại với cuộc sống bình thường.
Tại cơ sở mang tính thực nghiệm này, trả lời Le Monde một người phụ trách phơi bày các phương pháp mà giới thánh chiến thường sử dụng để tuyển mộ các tín đồ mới. Trên thực tế, những người tuyển mộ quan tâm trước hết đến mặt xã hội, trước cả vấn đề tôn giáo. Họ quyến rũ những người yếu đuối nhất, bằng cách hứa hẹn giúp đỡ về vật chất, trước khi hướng các thanh niên đi vào con đường tôn giáo.
Trung tâm thực nghiệm nói trên có liên hệ chặt chẽ với các cơ sở thuộc ngành giáo dục, trung tâm việc làm, hay cơ quan tái hội nhập cho người ra tù, nhằm giúp cho những người lạc đường trở lại học tập, lấy bằng lái xe, hay tìm được việc làm.

Cơ hội dùng xe hơi chung giá rẻ với các dịch vụ môi giới

Một hiện tượng lạ khác được Libération ghi nhận là các start-up cung cấp dịch vụ môi giới dùng chung xe hơi, có cơ hội phát triển sau khi công ty UberPop buộc phải đóng cửa tại Pháp vào thứ năm tới. Theo Libération, dịch vụ vận chuyển taxi UberPop là một hình thức kinh doanh hướng đến lợi nhuận, dưới danh nghĩa của việc sử dụng chung xe hơi giữa các tài xế không chuyên và.hành khách. Trong khi đó, hiện tại Pháp và nhiều nơi khác, đã tồn tại các dịch vụ môi giới chia sẻ xe hơi giữa những người có nhu cầu, nhu cầu đi lại giá rẻ đối với người không có xe, và nhu cầu giảm chi phí của người sở hữu xe. Các dịch vụ này đều không nhằm mục đích kiếm lời là chính.
Libération dẫn ra trường hợp 1275, một địa chỉ môi giới quy mô nhỏ trên mạng (1275.fr), chỉ do một người duy nhất điều hành, thành lập từ 2010. Dịch vụ được tạo ra bởi « thú vui và lòng yêu nước » là quan điểm của người sáng lập. Từ khi ra đời đến nay, có 2.500 người nhờ đến 1275.
Hay BlablaCar, doanh nghiệp Pháp thành lập từ 2013, hoạt động tại 13 quốc gia, với doanh số 100 triệu đô la. Hiện tại, BlablaCar (Covoiturage.fr) có 10 triệu người đăng ký tham gia, trong đó có 2 triệu người sử dụng dịch vụ thường xuyên hàng tháng. Một phần ba số thành viên vừa là người lái, vừa là người đi nhờ, tùy theo trường hợp.
Theo Libération, bốn « start-up » được giới thiệu trong số báo này đều không có nguy cơ bị đe dọa về pháp lý, do các hoạt động cụ thể đi đúng theo chủ trương phát triển dịch vụ phi lợi nhuận được đăng ký.

Trang nhất các báo : Tai nạn hàng không, cánh tả Hy Lạp, cực hữu Pháp... 
Chuyến bay của hãng hàng không Đông Nam Á AirAsia mất tích tiếp tục là tâm điểm chú ý của báo Pháp. « Indonesia khóc những người mất tích của chuyến bay AirAsia » là hàng tựa đi cùng hình ảnh lớn trên Le Monde. Le Figaro dành sự quan tâm cho « Các tai nạn hàng không : những câu hỏi về loạt rủi ro » của năm 2014 sắp qua, được ghi nhân như một năm đen tối với nhiều vụ máy bay gặp nạn gây chấn động, cho dù số lượng người chết giảm đi.
Báo chí Pháp hôm nay quan tâm nhiều đến « Quyền lực nằm trong tầm tay đảng cánh tả cấp tiến tại Hy Lạp » (trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm cuối tháng 1/2015) - tựa Les Echos. « Cú bắn cảnh cáo của Hy Lạp với Châu Âu » là tựa đề trang nhất La Croix. « Tại sao Syriza (tên đảng cánh tả Hy Lạp) lại làm những người chủ trương chính sách kinh tế khắc khổ phải lo sợ ? », l’Humanité chạy tựa lớn trang nhất. Về chủ đề này, Libération có bài « Syriza, cánh tả triệt để trên đường trở nên ôn hòa ».
Trong khi đó, báo Le Monde chú ý trước hết đến tình hình tại nước Pháp « Thế mạnh của đảng Mặt trận Quốc gia trong cuộc bầu cử 2015 ». Theo điều tra dư luận mới đây của Odoxa (16/12), đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia có khả năng giành 28% phiếu, vượt đảng cánh hữu UMP (25%) và vượt xa đảng Xã hội cánh tả (17%).
Nhật báo Libération quan tâm trước hết đến vấn đề « Nhà trường. Cuộc chiến lớp học/giai cấp » (Ecole. La lutte des classes), với ghi nhận : khác hẳn với những lời tuyên bố bình đẳng về cơ hội, tại Pháp, trẻ em xuất thân từ các môi trường khó khăn rất thường gặp phải thất bại, bất bình đẳng có xu hướng gia tăng mạnh. Tờ báo thiên tả đặt chính phủ đảng Xã hội đứng trước những cam kết chưa thực hiện trong lĩnh vực giáo dục. Trong hồ sơ này, có bài : « 10 bất công (trong trường học Pháp) được xem xét cặn kẽ » hay « Cần phải khêu gợi ham muốn hiểu biết của học sinh », một phóng sự nói về kinh nghiệm thành công của phương pháp sư phạm Freinet tại trường học thuộc một khu phố bình dân miền bắc nước Pháp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện