Tokyo xin lỗi các phụ nữ Hàn Quốc, nạn nhân nô lệ tình dục của quân đội Nhật

Theo RFI

mediaNgoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (T) và đồng nhiệm Hàn Quốc Yun Byung-Se trong cuộc họp báo tại Seoul, ngày 28/12/2015REUTERS
Một bất đồng nghiêm trọng, kéo dài hàng chục năm qua, giữa Tokyo và Seoul đã được giải quyết. Chính quyền Nhật Bản chấp nhận xin lỗi và bồi thường cho các nạn nhân, bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong thời gian Thế chiến II, trong một thỏa thuận, được ký kết ngày hôm nay, 28/12/2015 và được đánh giá là "lịch sử".

AFP cho biết, theo thỏa thuận này, Tokyo sẽ đền bù một tỷ yen (tương đương 7,5 triệu euro) cho hơn 40 phụ nữ Hàn Quốc hiện còn sống, vốn là nạn nhân nô lệ tình dục cho quân đội Nhật, còn được gọi là “các phụ nữ giải sầu”.
Trước báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản – ông Fumio Kishida – tuyên bố : “Hệ thống nhà chứa với các phụ nữ giải sầu (…) sở dĩ tồn tại là do có sự can dự của quân đội Nhật (…) và chính phủ Nhật hoàn toàn ý thức được trách nhiệm của mình”.
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ “những lời xin lỗi và hối hận từ đáy lòng”, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se khẳng định, thỏa thuận này sẽ là “không thể đảo ngược”, nếu phía Nhật thực thi các cam kết.
Vấn đề “phụ nữ giải sầu” là một trở ngại vô cùng lớn cho quan hệ giữa hai láng giềng Đông Bắc Á, đều là đồng minh của Hoa Kỳ. Theo phần lớn các sử gia, trong thời gian Thế chiến II, có đến 200.000 phụ nữ bị quân đội Nhật cưỡng ép phục vụ trong nhà thổ. Phần lớn trong số họ là người Triều Tiên, nhưng cũng có nhiều người Trung Quốc, người Indonesia, và một số quốc gia Châu Á khác.
Trước thỏa thuận hôm nay, chính quyền Nhật cho rằng vấn đề này đã được giải quyết vào năm 1965, với thỏa thuận tái lập quan hệ ngoại giao. Trong khi đó, Hàn Quốc cho rằng thỏa thuận 1965 không liên quan đến việc đền bù riêng cho các phụ nữ là nạn nhân của chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Seoul liên tục đòi Tokyo phải xin lỗi thực sự.
Kể từ khi lên nắm quyền, tháng 2/2013, Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-Hye có lập trường rất cứng rắn, coi bất đồng này là “cản trở lớn nhất” cho việc cải thiện quan hệ. Washington cũng liên tục hối thúc hai đồng minh giải quyết nhanh nhất vấn đề này, để chung sức đối mặt với các tham vọng gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Theo thỏa thuận nói trên, chính quyền Seoul cam kết đàm phán với các hiệp hội ủng hộ những nạn nhân nô lệ tình dục của quân đội Nhật, để rời đi một bức tượng, biểu tượng cho nỗi đau của “những phụ nữ giải sầu”, được đặt trước cửa đại sứ quán Nhật Bản, ở Séoul, kể từ năm 2011.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?