Việt Nam vẫn còn chia cách: vết thương chậm hồi phục, ít có triển vọng cho con cái của đồng minh Mỹ
Vũ Tiến, một sinh viên đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, giữ hình ảnh của cha, người đã phục vụ trong quân đội VNCH đã từng cầm quyền miền nam từ năm 1954 đến 1975. Nguồn: Bloomberg
Bloomberg John Boudreau và K Oanh Ha Người dịch: Trần Văn Min 23-12-2015
Những gia đình từng là đồng minh Mỹ, bị ngăn cản, không được gia nhập Đảng Cộng sản
Là một sinh viên tốt nghiệp từ một trong những trường có uy tín nhất ở Việt Nam, Cao, 22 tuổi, dường như có một tương lai tươi sáng phía trước – nếu gạt bỏ vấn đề lý lịch sang một bên. Anh tìm thấy triển vọng về sự nghiệp của mình bị vây hãm bởi những di sản còn sót lại của một cuộc chiến đã kết thúc gần hai thập niên trước khi anh được sinh ra.
Hai người bác của anh đã phục vụ trong quân đội bị thua trận của miền Nam Việt Nam, là đồng minh của Hoa Kỳ trong suốt những gì được biết ở Việt Nam là “cuộc chiến chống Mỹ”. Sau khi đất nước thống nhất dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, mẹ của anh đã bị từ chối không được vào học đại học vì sự liên hệ của người anh với chính quyền miền Nam. Ngay cả khi Việt Nam nới lỏng các quy định cũ trừng phạt những người có liên quan tới Việt Nam Cộng Hòa trước đây, nhiều người ở miền Nam tin rằng hệ thống vẫn ưu đãi những người có mối quan hệ với cộng sản.
Cha của Vũ Tiến, bên phải, đứng cùng với các đồng đội trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Nguồn: Vũ Tiến
Cao thậm chí không màng xin việc tại các công ty do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam, là các công ty cung cấp việc làm bền vững, các khoản tiền thưởng và gia tăng cơ hội việc làm cho các thành viên gia đình. “Để có thể kiếm được việc làm trong hệ thống nhà nước, một người phải có bố mẹ hoặc người thân làm việc ở đó, vì vậy những người dân bình thường như chúng tôi không thể tới gần những công ty đó được”. Cao, một sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.Thảo luận về mối quan hệ của một người với chính quyền Sài Gòn cũ là một chủ đề nhạy cảm và Cao yêu cầu chỉ sử dụng tên họ của mình. Cuối cùng, anh tìm được việc làm tại một công ty bất động sản tư nhân. “Nếu công ty nhà nước quan tâm đến lý lịch gia đình của tôi, chắc chắn tôi sẽ thất bại”, anh nói.
Quân đội Cộng sản tấn công dinh tổng thống ở Sài Gòn, đánh dấu sự kết thúc chiến tranh vào ngày 30-4-1975. Ảnh: Jean-Claude Labbe/Gamma-Rapho via Getty Images
Cuộc chiến bên trongKinh nghiệm của anh phản ánh một thực tế kinh tế đối với người dân miền Nam 40 năm sau khi quân đội cộng sản thống nhất đất nước – một sự mỉa mai vô cùng tận. Ngay cả khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã cải thiện đáng kể từ khi quan hệ ngoại giao đầy đủ được khôi phục vào năm 1995, các vết thương xã hội bên trong chưa hoàn toàn bình phục từ cuộc chiến huynh đệ tương tàn, đã giết chết khoảng 3 triệu người Việt.
Việt Nam vẫn là một quốc gia phân biệt giai cấp, trong đó truyền thống phân biệt đối xử đối với các cựu đồng minh của Mỹ đang kềm hãm nền kinh tế, bằng cách loại trừ một số người giỏi và thông minh nhất nước, ra khỏi những vị trí hàng đầu tại các công ty nhà nước và chức vụ chính quyền. Mối căng thẳng chiến tranh chưa giải tỏa tại quốc nội cũng xua đuổi đầu tư tiềm năng và chuyên môn cần thiết của nhiều người Việt Nam ở nước ngoài.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, với con số đông 1,8 triệu người, là nhóm cộng đồng hải ngoại lớn nhất bên ngoài quê hương, bị chia rẽ trong mối liên hệ với chế độ cộng sản. Nhiều người không muốn đầu tư tiền và khả năng chuyên môn về quê hương vì chính quyền vẫn nhìn họ dưới con mắt ngờ vực, ông Nguyễn Thịnh cho biết, là người đã bỏ sự nghiệp ở Silicon Valley để thành lập một công ty phần mềm tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ông nói: “Trừ khi các cộng đồng ở nước ngoài thấy một vài nỗ lực hòa giải, Việt Nam sẽ không hấp dẫn được những thành phần tinh túy nhất ở nước ngoài. Rất nhiều lần, người Việt nước ngoài không được đối xử công bằng, chứ đừng nói đến được hoan nghênh ở đây”.
Một trở ngại lớn cho phát triển kinh tế của Việt Nam là sự thiếu hụt kỹ năng bởi vì hệ thống đại học của Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của một nền kinh tế hiện đại, Trinh Nguyễn, nhà kinh tế kỳ cựu về Á Châu đang trỗi dậy, làm cho Công ty Natixis SA có trụ sở ở Hồng Kông, nói: “Một trong những cách dễ nhất để Việt Nam lấp đầy khoảng cách này là ban hành những chính sách thu hút và giữ chân những người Việt ở nước ngoài có kỹ năng cao”.
Lập trường của Hà Nội rằng cuộc xung đột không phải là một cuộc nội chiến, mà là cuộc cách mạng chống lại Mỹ và chính quyền bù nhìn Sài Gòn, là “trở ngại lớn nhất đối với hòa giải”. Huy Đức, một cư dân đến từ Hà Nội và là tác giả sách “Bên Thắng Cuộc”, một quyển sách về Việt Nam sau khi thống nhất đất nước, nói.
Ông Đức nói: “Chế độ hiện tại này chưa từng suy nghĩ một cách nghiêm túc về vấn đề hòa giải thực sự. Họ luôn luôn khẳng định mình là kẻ thắng cuộc chiến và là bậc thầy của dân tộc”.
Sau chiến tranh, các đảng viên được tin cậy của Đảng Cộng sản và gia đình của họ được tưởng thưởng với những chức vụ hàng đầu, trong khi những người Việt Nam là đồng minh của Mỹ thì bị trừng phạt và con cái của họ bị từ chối các cơ hội. Nhiều người miền Bắc đã được gửi đến miền Nam bị chinh phục. Ngày nay, chính sách đó đã góp phần vào hệ thống vững chắc, vẫn mang vẻ nghiêng về phía người Bắc và Đảng viên Cộng sản:
- 22 trong số 25 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội, thủ đô của đất nước.
- Đảng Cộng sản không chấp nhận là đảng viên nếu cha mẹ của một người (hoặc cha mẹ của người phối ngẫu) từng làm việc trong chính quyền [cũ] hoặc “quân đội của kẻ thù”.
- Hai phần ba trong khoảng 3 triệu đảng viên Cộng sản của Việt Nam cư ngụ ở các tỉnh phía Bắc của đất nước, từ Quảng Trị trở ra, tính đến năm 2010, theo Carlyle Thayer, giáo sư danh dự và chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra. Miền Bắc chiếm 46%, trong số 87 triệu dân của đất nước.
- Khoảng 70% nội các chính phủ hiện nay là người miền Bắc, so với 30% từ các tỉnh miền Nam và miền Trung.
Trong một bài diễn văn nhân ngày 30 tháng 4 tại thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi người Việt tại quê hương và hải ngoại “nêu cao chủ nghĩa dân tộc, lòng yêu nước, truyền thống nhân đạo, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, để thật tâm hòa giải dân tộc”
Trả thù sau chiến tranh
Sau khi bị cộng sản tiến chiếm, Sài Gòn được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh và hơn 1 triệu người, gồm những người đã chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ hoặc phục vụ trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũ, đã bị đưa đến các trại cải tạo, theo báo cáo của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc.
Toàn bộ các gia đình, thường kéo dài đến ba thế hệ, được coi là có “lý lịch gia đình xấu” bởi vì mối liên quan của họ với chính phủ đã bị sụp đổ. Hệ thống kiểm tra lý lịch đó, vẫn còn tồn tại đến ngày nay, đã ngăn cản nhiều người không xin được việc làm hay bước vào các trường đại học. Sự đối xử khắc nghiệt góp phần vào luồng di cư của hơn 1 triệu người Việt Nam tỵ nạn.
“Đó là sự phân biệt đối xử khi có quy định ngăn cấm gia nhập đảng đối với những người có cha mẹ hoặc cha mẹ bên vợ, bên chồng làm việc cho chế độ cũ”, anh Vũ Tiến, người học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh và yêu cầu không sử dụng tên đầy đủ của mình, cho biết. Cha anh phục vụ trong quân đội miền Nam, Việt Nam, và anh quyết định di cư đến một nước phương Tây vì anh thấy triển vọng kinh tế tốt hơn cho bản thân ở nước ngoài. “Đó là một chính sách bất công và vô nghĩa, từ khi chiến tranh kết thúc 40 năm trước đây”.
Bằng nhiều cách, hận thù đã dịu lại qua nhiều thập niên giữa những kẻ thù cay nghiệt một thời, và thái độ của khu vực cũng góp phần vào sự mất cân bằng chính trị và kinh tế. Con gái của ông Dũng, một người miền Nam, từng bị thương khi là một y tá Việt Cộng trong cuộc chiến, đã kết hôn với Henry Nguyễn, người Mỹ gốc Việt, người có cha từng làm việc cho chính phủ miền Nam Việt Nam. Người Việt có quan hệ với chế độ cũ hiện nay, có thể đạt được một số vị trí trong chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước, mặc dù họ không thể giữ các chức vụ hàng đầu, ông Đức và các nhà nghiên cứu khác cho biết.
Sự phân chia giữa đảng viên miền Bắc và miền Nam gắn liền với di sản của cuộc chiến – đa số các nhà cách mạng cộng sản đến từ miền Bắc – và sự thờ ơ của người miền Nam đối với đảng, ông Thayer nói. “Điều này là khá rõ rệt. Gia nhập đảng không cần thiết đối với nghề nghiệp của họ. ‘Tôi không thể làm một công an, thì sao nào?’ Miền Bắc thắng được cuộc chiến và miền Nam thắng được kinh tế”. Ông Thayer cho biết.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp trẻ, đặc biệt là những người ở miền Nam, thích làm việc cho các công ty nước ngoài như Intel Corp và Samsung Electronics Co. Nền kinh tế phồn thịnh của Việt Nam – mà chính quyền dự báo sẽ phát triển 6,7% trong năm tới, tốc độ nhanh nhất trong 9 năm – cung cấp nhiều cơ hội nghề nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Nhiều chuyên gia trẻ ở miền Nam cũng cho biết, họ không có ý muốn gia nhập Đảng Cộng sản.
Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính của Việt Nam và quê hương của những người Việt có quan hệ với chính quyền miền Nam cũ, đã làm nên gần ¼ tổng sản lượng quốc nội (GDP) của đất nước. Hà Nội, ngược lại, đóng góp 10% cho GDP.
Dù sao những thuận lợi cho kẻ chiến thắng tiếp tục làm thay đổi hình thái kinh tế, từ việc tuyển dụng các chức vụ quan chức chính phủ quan trọng, giúp định hình chính sách tài khóa, cho tới sự ưu đãi đối với các công ty nhà nước có trụ sở ở miền Bắc, là các công ty có được sự tiếp cận ưu tiên nguồn vốn từ các ngân hàng do Chính phủ bảo trợ. Các công ty nhà nước sử dụng khoảng 50% đầu tư công của Việt Nam và hút 60% các khoản vay ngân hàng của đất nước, trong khi chỉ đóng góp 1/3 cho GDP, theo số liệu của chính quyền.
Những con gà chạy nhảy ngang qua một nghĩa trang đổ nát của hàng ngàn binh lính miền Nam, Việt Nam gần thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Nguồn ảnh: John Boudreau/Bloomberg
Quân đội cộng sản vui cười, ngồi trên nóc xe tải và xe bọc thép ở Sài Gòn khi chiến tranh kết thúc vào tháng 4-1975. Nguồn: AFP/Getty Images
Vấn đề trung thànhThuật ngữ sau chiến tranh dùng để ngăn cản sự tiếp cận vẫn là một phần của tâm lý và tiếng địa phương của Việt Nam ngày nay: các mẫu đơn chính thức về lịch sử gia đình được yêu cầu đối với các trường học và công việc, đòi hỏi người nộp đơn phải liệt kê những gì các thành viên gia đình đã làm “trước và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975”. Cho đến hôm nay, thuật ngữ “ngụy” dùng cho “chế độ bù nhìn” vẫn còn được sử dụng thường xuyên.
Người Việt viết cho các hãng tin trực tuyến và luật sư trên mạng để hỏi xem họ có thể gia nhập Đảng Cộng sản nếu họ có người trong gia đình phục vụ chế độ “ngụy“. Một công ty luật trả lời một câu hỏi trực tuyến vào tháng 10, liệu kết hôn với một viên công an sẽ được phép, khi người phối ngẫu có quan hệ với chế độ cũ. (Luật sư trả lời rằng sẽ không được Bộ Công an cho phép). Một người yêu cầu hỗ trợ pháp lý sau khi ông bị các quan chức tỉnh từ chối việc làm, với lý do bố vợ của ông là một nhân viên kế toán trong chính quyền Sài Gòn.
“Hệ thống chính trị Việt Nam đánh giá cao sự trung thành”, ông Nguyễn Xuân Thành, một thành viên thâm niên của Đại học Hành chánh Kennedy của Harvard tại Việt Nam, có trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết. “Hiện vẫn còn mối quan tâm thực sự về những gì họ gọi là diễn biến hòa bình – giới cao cấp trong hệ thống chính quyền từ từ trở nên chống đảng và mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội”.
Trong khi đó, các cựu chiến binh và những người “có công với cách mạng” khác – một sự chỉ định tính anh hùng vẫn được sử dụng ngày nay – và gia đình của họ nhận được trợ cấp theo luật hàng tháng, bảo hiểm y tế và sự đối xử ưu đãi trong việc gia nhập trường học và công ăn việc làm. Cựu chiến binh cộng sản được ưu tiên khi xếp hàng lên máy bay.
Các lợi ích kinh tế
Tình cảm phổ biến về phía những kẻ chiến bại được minh họa bằng một nghĩa trang đổ nát của hàng ngàn binh lính Nam Việt Nam, gần thành phố Hồ Chí Minh. Một số ngôi mộ không còn gì hơn một đống đất và những mộ khác thiếu bia đá. Nhân viên bảo vệ sử dụng nghĩa trang để nuôi gà. Bên kia đường cao tốc gần đó, những ngôi mộ của các cựu chiến binh chiến đấu bên phía những người Cộng sản thì được chăm sóc cẩn thận và được bao quanh với những luống hoa trong “nghĩa trang liệt sĩ”.
Việc hòa giải những vết thương cũ sẽ mang lại cho nền kinh tế sức mạnh hơn nữa, ông Tương Lai nói. Ông là một giáo sư xã hội học và là đảng viên Đảng Cộng sản, là người đã từng cố vấn cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cựu Thủ tướng trông coi việc cải cách kinh tế vào thập niên 1990, nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ và kêu gọi hòa giải dân tộc trong một cuộc phỏng vấn của báo chí năm 2005.
Ông Tương Lai nói: “Để hội nhập với thế giới, chính quyền Việt Nam đầu tiên cần phải hòa giải và làm bạn vớinhững người dân mà họ coi là kẻ thù. Nếu chúng ta không có một sự hòa giải thực sự trong nước, làm sao chúng ta có thể làm điều đó với thế giới?”
Nhận xét
Đăng nhận xét