Đọc báo Pháp – 30/08/2016

Đọc báo Pháp – 30/08/2016

Cú sốc Daech khiến dân Kurdistan đoàn kết

Can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đặt lực lượng vũ trang thuộc sắc tộc thiểu số Kurdistan, đối thủ của chế độ Damas, vào một tình thế trên đe dưới búa. Trong cuộc xung đột với nhiều bên tham chiến tại Syria, người Kurdistan – vốn được Hoa Kỳ và Nga hậu thuẫn, làm chủ nhiều khu vực thuộc miền bắc Syria – đang nổi lên như một thế lực quan trọng. Bài phân tích “Cú sốc Daech khiến người Kurdistan đoàn kết” mô tả thực trạng địa chính trị của các phong trào Kurdistan và lý giải động lực nào đã thúc đẩy người Kurdistan hợp nhất trong một phong trào chung.
Libération có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu trường Cao học về Khoa học Xã hội Pháp (EHESS) Hamit Bozarslan, tác giả cuốn “Xung đột Kurdistan, lò lửa bị bỏ quên của khu vực Trung Đông”, xuất bản năm 2009. Theo tác giả, trong những năm 80, phong trào tranh đấu Kurdistan nói chung là nạn nhân của cuộc chiến Iran-Irak và nội chiến Liban. Còn hiện nay, các cộng đồng người Kurdistan “nằm ở trung tâm của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Mỗi bên đều cố gắng kiểm soát tối đa người Kurdistan”. Chính phủ vùng tự trị Kurdistan tại Iran hiện nằm trong vòng ảnh hưởng của Ankara.
Nhà nghiên cứu Hamit Bozarslan nhấn mạnh, trước hết cần phải phân biệt hai nhóm người Kurdistan chính, một tại Irak (với đảng chính trị PDK) và một tại Thổ Nhĩ Kỳ (với đảng PKK và chi nhánh PYD tại Syria). Cho đến nay, cộng đồng Kurdistan tại Irak đã thiết lập được một định chế bán dân chủ, bán truyền thống, và đang hướng tới một nhà nước độc lập, trong khi đó người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria – đang gặp nhiều khó khăn để xây dựng một định chế dân chủ – thì lại mơ đến một cộng đồng xuyên lãnh thổ. Ranh giới giữa hai cộng đồng Kurdistan tưởng như không thể vượt qua.
Tuy nhiên, chính sự nổi lên của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo năm 2014 đã làm tình hình biến đổi hoàn toàn. Người Kurdistan ở khắp nơi có xu hướng tự vũ trang để chống lại kẻ thù chung. Tham vọng của Daech xây dựng một vương quốc Hồi Giáo, trùm lên nhiều vùng đất của cả Irak và Syria, “là một cú sốc sống còn”, buộc các cộng đồng Kurdistan phải vượt qua các khác biệt về tôn giáo và tư tưởng. Nhà nghiên cứu Pháp dẫn ra chiến dịch Kobane, nơi lực lượng Kurdistan Pesmerga đến từ Irak để hỗ trợ người Kurdistan Syria chống lại Daech.
Về quan hệ tương lai giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurdistan, theo tác giả, chính sách dân tộc chủ nghĩa cực đoan hiện nay của tổng thống Erdogan khiến các đối thoại giữa hai bên là rất khó khăn, cho dù người Kurdistan sẵn sàng. Nhà nghiên cứu Pháp cũng cho biết thêm: Tinh thần dân tộc hiện đang dâng cao trong cộng đồng người Kurdistan tại Iran. Tiếng Kurdistan kể từ năm học này sẽ được giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình của người Kurdistan ủng hộ đồng bào tại Thổ Nhĩ Kỳ bị chính quyền Teheran đàn áp khốc liệt.

Syria : Can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi tới đâu?

Vẫn liên quan đến xung đột Syria, mục thảo luận trên báo La Croix đưa ra hai góc nhìn đối lập. Chuyên gia về Trung Đông Thomas Pierret, đại học Edimbourg, Scotland, cho rằng dù muộn còn hơn không, can thiệp quân sự của Ankara cho phép phá vỡ dự án của người Kurdistan kiểm soát một dải lãnh thổ dài dọc biên giới.
Về phần mình, nhà địa chiến lược người Bỉ Gérard Chaliand dự báo với việc các nhóm Hồi Giáo thánh chiến – được Ả Rập Xê Út và Qatar ủng hộ – trỗi dậy trong tình thế mới, trong khi đó chế độ Assad duy trì được trạng thái hiện nay. Vẫn theo chuyên gia Gérard Chaliand, xung đột Syria chắc chắn sẽ còn có “nhiều đảo lộn”.

Thủ tướng Đức suy yếu ngay tại căn cứ địa

Về thời sự chính trị quốc tế, báo Le Monde có bài phóng sự “(Thủ tướng) Merkel bị phản đối ngay tại căn cứ địa”, với dự báo trong cuộc bầu cử địa phương mùng 4/9 tới, đảng của thủ tướng Đức có nguy cơ bị đảng cực hữu AfD vượt qua tại vùng đông bắc Mecklenburg-Vorpommern, với 20% phiếu bầu trở lên theo các thăm dò dư luận.
Một năm trước cuộc bầu cử Quốc Hội Đức, với ba chiến thắng trong bầu cử khu vực, đảng bài ngoại AfD đang trên đường trở thành đối thủ đáng gờm của đương kim thủ tướng Merkel. Theo một nhà chính trị học thuộc đại học Rostock, vùng Mecklenburg-Vorpommern, ba lý do khiến đảng cực hữu thu hút nhiều cử tri. Thứ nhất là cử tri không còn nhìn thấy sự khác biệt giữa hai đảng phái tả – hữu cầm quyền, vì vậy khi bất bình họ dễ chọn đảng thứ ba. Thứ hai là đảng cực hữu đánh đúng vào tình cảm địa phương của cử tri, khi khuyến khích dân chúng tiếp nối truyền thống tự giải phóng, với bước ngoặt lịch sử năm 1989, với sự tan rã của khối cộng sản. Và thứ ba là trong hàng ngũ ứng cử viên cực hữu, có người thuộc giới truyền thông, nổi tiếng ăn nói hoạt bát.

Clinton và Trump chuẩn bị “nước rút”

Le Figaro thì quan tâm đến cuộc tranh cử bên kia đại dương đang chuẩn bị bước vào “giai đoạn nước rút”, sau một cuộc chạy việt dã kéo dài hơn một năm. Theo Le Figaro, 70 ngày trước trận chung kết, hai đối thủ Clinton và Trump “không cho phép mình phạm nhiều sai lầm”. Mười tuần lễ còn lại chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ, bởi cho đến nay cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đã diễn ra với nhiều điều vượt quá dự đoán.
Le Figaro lưu ý : Cho dù ứng cử viên Cộng Hòa vượt đối thủ 6 điểm theo các thăm dò dư luận, thì ngược lại, ông Trump đã được thêm 2 điểm trong hai tuần gần đây. Và vẫn còn đến 10% cử tri tuyên bố có thể quyết định vào giờ chót (thăm dò của đại học Quinnipiac).
Hillary Clinton và Donald Trump sẽ còn ba dịp tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Vào tuần trước, bà Clinton tuyên bố sẵn sàng đối mặt với “những trò đùa ngớ ngẩn” của một kẻ sống “trên mây”, và bà khẳng định sẽ sử dụng “các kinh nghiệm thời tiểu học” để đối phó với ông ta. Về phần mình, ông Trump, với 14 năm kinh nghiệm về “truyền hình thực tế”, tỏ ra “thư giãn hơn”. Chủ nhật vừa qua, ông Trump tổ chức bữa ăn trưa tại sân golf của gia đình với một lãnh đạo của hãng truyền hình Fox News (người vừa phải từ chức vì bị cáo buộc quấy nhiễu tình dục), để trao đổi các kinh nghiệm triệt hạ đối thủ.
Cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên sẽ diễn ra ngày 26/09, dự kiến sẽ có khoảng 100 triệu khán giả theo dõi.
“Đối diện với sự hỗn loạn trên thế giới, cần tỉnh táo”
Khủng hoảng nghiêm trọng khắp nơi trên thế giới, trong nhiều lĩnh vực, làm thế nào để có được một thái độ đúng. Mục tranh luận của báo kinh tế Les Echos có bài “Đối diện với sự hỗn loạn của thế giới, cần tìm lại sự tỉnh táo”, đề xuất với độc giả nhiều suy nghĩ về vấn đề này.
Bài viết mở đầu với nhận xét: “Xung đột Syria, khủng hoảng áo tắm Hồi Giáo, Daech, chủ nghĩa mỵ dân. Trước sự hỗn loạn của thế giới, chúng ta cũng đồng thời phải đối mặt với quá trình các chỗ dựa tinh thần tan vỡ với tốc độ chóng mặt. Trước việc một số sự kiện được truyền thông ưu tiên đăng tải dồn dập, chúng ta cần phải học lại cách sắp xếp các thách thức theo thứ tự ưu tiên, để có thể đương đầu với chúng tốt hơn”.
Theo tác giả, cuộc tranh cãi sôi sục xung quanh vụ (cấm) áo tắm Hồi Giáo tại Pháp là một ví dụ “vừa thê thảm, vừa khá nực cười” cho tình trạng này, trong lúc nhiều khu vực trên thế giới lại rất ít được chú ý như cuộc khủng hoảng Venezuela, hay tình trạng nghèo khó tại châu Phi. Mà đây là một lục địa sẽ rất có ảnh hưởng đến biến đổi toàn cầu trong vài thập niên tới.
Tác giả bài viết tự an ủi với điều mà ông cho là điểm sáng “duy nhất”, khi nhiều cử tri Mỹ nhận ra bộ mặt thật của ứng cử viên Donald Trump, người tự hủy diệt mình với phong cách nói năng bừa bãi.

Philippines : Quan hệ sóng gió giữa Giáo hội với chính quyền

Về thời sự châu Á, Le Monde nhắc đến việc “Thái Lan lún sâu trong chế độ độc tài quân sự”, còn La Croix thông báo việc Giáo hội Công Giáo Philippines “chính thức lên án” cuộc chiến chống thuốc phiện của tổng thống Duterte, khiến hơn 1.900 người thiệt mạng, kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền. Bài viết do thông tín viên gửi về từ Manila cho thấy “những quan hệ đầy sóng gió giữa Giáo hội và chính quyền”.
Theo một nhà tu hành (cha Bernard Holzer), được La Croix dẫn lời, với quyết định phản đối công khai này, Giáo hội Công Giáo Philippines chuốc lấy nguy cơ bị quần chúng tín đồ xa lánh, bởi trong những tháng hoạt động đầu tiên chính phủ mới đã có một số thành công, đặc biệt là việc đem lại hòa bình cho đảo Mindanao.
Còn nhà xã hội học tôn giáo Manuel Spitula, đại học Philippines-Diliman, cho rằng quan hệ giữa ông Duterte và Giáo hội vốn rất phức tạp, ông Duteter – có cha theo đạo Công Giáo, mẹ theo đạo Hồi – có quan hệ cá nhân rất tốt với nhiều giám mục, nhưng với ban lãnh đạo Giáo hội thì không. Vẫn theo nhà tu hành nói trên, dù sao kể từ khi đắc cử đến nay, ông Duterte có vẻ ít tấn công Giáo hội, so với thời gian tranh cử.
La Croix nhấn mạnh việc tổng thống Duterte, trong một phát biểu về tình hình đất nước cách đây một tháng, “bất ngờ khẳng định ông không chấp nhận nguyên tắc chia tách Giáo hội khỏi Nhà nước”. Về các vụ cảnh sát giết người có liên hệ với ma túy không qua xét xử, tổng thống Philippines đe: “Nếu muốn chết, hãy tin các cha xứ và các luật sư nhân quyền”.

Người tị nạn môi trường bị bỏ quên

Trong lĩnh vực môi trường, báo Libération chú ý đến việc những người phải tị nạn vì môi trường không được quốc tế chú ý, qua bài phỏng vấn nhà nghiên cứu François Gemenne, Học Viện Chính Trị Paris Sciences – Po, đồng tác giả tập “Bản đồ thế giới về tị nạn môi trường”, xuất bản đầu năm nay.
Ông Gemenne nhấn mạnh nhiều đến những nạn nhân của biến đổi khí hậu, môi trường và nghèo đói, nhưng không có điều kiện đi tị nạn. Ông gọi họ là “những người bị mắc kẹt”. Đa số những người này thuộc nhóm cao tuổi nhất, ít học vấn nhất và nghèo khổ nhất. Các khu vực có nhiều người tị nạn vì môi trường nằm tại Tây Phi, Trung Á, các đảo Thái Bình Dương hay Ấn Độ, Nam Mỹ, thậm chí các vùng ven biển Mêhicô, Trung Quốc… Nhà địa chính trị học Sciences – Po lên án việc phân chia người di cư “thành hai nhóm, tị nạn chính trị và di cư kinh tế”. Theo ông, trong rất nhiều trường hợp “tị nạn do môi trường cũng là tị nạn chính trị và kinh tế” và “không thể phi chính hóa vấn đề môi trường”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?