Tin Việt Nam – 30/08/2016

Tin Việt Nam – 30/08/2016

VN mua tên lửa của Ấn Độ từng khiến TQ ‘quan ngại’?

Thủ tướng Ấn Độ sẽ tới Việt Nam vào đầu tháng sau nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược, và các nhà quan sát dự báo, đôi bên có thể ký thỏa thuận mua bán loại tên lửa từng khiến quân đội Trung Quốc buộc phải bày tỏ lo ngại.
Theo báo chí Việt Nam và Ấn Độ, ông Narendra Modi sẽ đặt chân đến Hà Nội vào đêm 2/9 và sẽ dành trọn ngày 3/9 để gặp gỡ các quan chức cấp cao của nước chủ nhà.
Tiến sĩ Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, cho VOA Việt Ngữ biết rằng quan hệ Việt – Ấn “mang tính truyền thống” và “không có bất cứ một trở ngại gì”.
Ông nói thêm rằng Hà Nội và New Delhi lâu nay “quyết tâm thúc đẩy hợp tác quốc phòng”:
“Quân sự là một trong bảy hay tám lĩnh vực hợp tác chủ chốt mà hai bên đã cam kết trong việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, và được nhắc lại trong chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sang Ấn Độ trước đây. Hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quân sự cũng là một trong các mặt mà hai nước cùng quan tâm. Ấn Độ cũng hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong chuyện gia tăng năng lực quốc phòng của Việt Nam”.
Câu chuyện biển Đông “cũng là một nhân tố” thúc đẩy mối bang giao giữa New Delhi và Hà Nội, và theo ông Bình, việc “Ấn Độ điều chỉnh chính sách hướng đông sang hành động phía đông chứng tỏ rằng nước này quan tâm tới vấn đề biển Đông”.
Nhiều hãng tin quốc tế từng đưa tin về khả năng Việt Nam có thể mua tên lửa hành trình BrahMos. Hiện chưa rõ là thỏa thuận về loại tên lửa do Ấn Độ và Nga liên doanh sản xuất có được ký kết trong chuyến thăm của ông Modi hay không.
Trả lời báo điện tử VnExpress về việc Ấn Độ cân nhắc bán loại tên lửa này cho Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành nói rằng “Việt Nam sẽ cân nhắc mua các loại vũ khí cần thiết, nhằm tăng cường khả năng tự vệ của mình. Trong khi đó, Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, chế tạo và sản xuất các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại như tàu chiến, tàu ngầm, máy bay, tên lửa, trong đó có BrahMos”.
Nhận định về việc Hà Nội mua vũ khí từ New Delhi, Tiến sĩ Ngô Xuân Bình nói:
“Nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ cũng là một trong những nội dung của quan hệ quốc phòng hai bên. Tôi cho rằng câu chuyện Ấn Độ bán vũ khí cho Việt Nam hay Việt Nam mua vũ khí của Ấn Độ là chuyện bình thường. Nếu vũ khí ấy, một là, nó đảm bảo yêu cầu kỹ thuật mà Việt Nam đặt ra trong vấn đề phòng thủ, và giá cả nó hợp lý, thì người Việt Nam có thể mua. Trên thực tế, nghe nói rằng người ta sẽ mua. Tôi không nắm cụ thể về câu chuyện này lắm, nhưng qua báo chí, qua truyền thông, thì thấy rằng Việt Nam họ tính tới câu chuyện này. Trong tương lai, nếu Ấn Độ có các loại vũ khí hiện đại hơn, giá cả hợp lý hơn thì người Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục mua”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 25/8 bày tỏ hy vọng rằng Ấn Độ sẽ nỗ lực hơn nữa để duy trì hòa bình và ổn định khu vực thay vì làm điều ngược lại, sau khi các tin tức nói rằng New Delhi có kế hoạch triển khai tên lửa hành trình tối tân dọc theo biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Các quan chức quân sự Ấn Độ nói rằng nước này dự tính trang bị cho các đơn vị đóng trên biên giới với Trung Quốc tên lửa BrahMos trong nỗ lực nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự ở vùng biên.
Chính quyền của ông Modi từng lệnh cho liên doanh BrahMos, vốn sản xuất tên lửa tối tân trên, tăng cường bán chúng sang năm nước tiềm năng mà đứng đầu là Việt Nam.
Trong một diễn biến khác liên quan, báo điện tử VnExpress dẫn lời Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết rằng hai nước “có thể hoàn tất việc ký kết thoả thuận cung cấp 4 tàu cho Việt Nam trong gói tín dụng 100 triệu USD nhân chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi”.

Việt Nam phủ nhận tin xâm phạm vùng biên giới chung

Một quan chức Bộ Ngoại giao Campuchia nói rằng Việt Nam phủ nhận tin nói Việt Nam tiến hành hoạt động xây dựng tại vùng chưa phân định biên giới giữa đôi bên, gọi là ‘vùng trắng’.
Thông tin này được Bộ ngoại giao Campuchia đưa ra vào hôm qua và được tờ Campuchia thời báo, bản tiếng Anh loan tải hôm nay.
Theo bản tin, ông Long Visalo, Quốc vụ Khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế của Campuchia nói rằng các viên chức Việt Nam trong Ủy ban Biên giới Chung, cho rằng Hà Nội không làm điều gì sai.
Ông Visalo nói thêm là nếu đúng là Việt Nam xây cất trên phần đất tranh chấp giữa hai bên thì ông sẽ yêu cầu phía Việt Nam phá hủy.
Khu vực biên giới được nói đến là giữa các tỉnh Ratanakiri, Mondolkiri, và Svay Rieng của Campuchia, giáp với các tỉnh Đồng Tháp, Long An, và Tây Ninh của Việt Nam. Và từ năm ngoái phía Campuchia thường xuyên gửi các phản đối của mình theo kênh ngoại giao đến chính phủ Việt Nam, nói rằng Việt Nam vi phạm biên giới Campuchia.
Ông Var Kimhong, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề biên giới của Campuchia nói rằng trong các cuộc họp của Ủy ban Biên giới Chung, Việt Nam và Campuchia đã tìm kiếm các bản đồ thời thuộc địa Pháp, có phân định biên giới giữa hai nước.
Từ trước đến này, các nghị sĩ đối lập trong Quốc hội Campuchia thường xuyên nói rằng cả Hà nội và Phnom Penh đều bỏ qua các bản đồ thời thuộc địa, mà theo họ là tài liệu duy nhất có phân chia biên giới một cách rõ ràng, và được Hiến pháp Campuchia công nhận.
Ông Kimhong nói rằng cũng đừng nên nói rằng Việt Nam xâm lấn, vì nếu nói xâm lấn tức là có sử dụng sức mạnh, đằng này các công trình xây cất chỉ là làm trái phép một cách lén lút thôi.
Vào ngày 29 tháng 8, Ủy ban Biên giới Chung Việt Nam – Campuchia tiến hành vòng họp tại thủ đô Phnom Penh để bàn về các vấn đề liên quan đường biên giới giữa hai nước. Ủy ban này từng làm việc từ năm 1995 về việc phân định đường biên giới Việt Nam- Campuchia.

VN-Campuchia ký bản ghi nhớ về biên giới

Việt Nam và Campuchia vừa ký biên bản ghi nhớ về vấn đề cắm mốc biên giới sau cuộc họp từ 29 đến 30/8.
Văn bản do đại diện mỗi bên, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung và Bộ trưởng cao cấp phụ trách công tác biên giới Campuchia Var Kimhong, ký sẽ được trình lên thủ tướng hai nước tiếp tục xem xét.
Trong văn bản vừa ký có nội dung đề nghị Pháp trợ giúp xác định đường biên sau khi có những tường thuật nói Việt Nam đào hồ chứa nước và xây một tiền đồn trên đất Campuchia.
Hai phía tuyên bố trong khi chờ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, hai nước sẽ “không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới; giáo dục, không để nhân dân xâm canh, xâm cư”.
Về mặt lịch sử, đường biên giới giữa hai quốc gia được xác định dựa vào bản đồ thời thuộc địa Pháp và Hiến pháp Campuchia.
Hai nước có kế hoạch đặt 317 điểm đánh dấu tính đến cuối năm nay và sau đó có kế hoạch đàm phán về đường biên trên biển.
Campuchia đã chi hơn 16 triệu đô la để làm các cột mốc, nhưng vẫn chưa các định được các tuyến vận chuyển để đưa các cột mốc tới vị trí nào, Reuters nói.
Hai bên tại cuộc họp xác định đã thực hiện được khoảng 83% việc phân giới, cắm mốc trên thực địa, trang tin thuộc Đài truyền hình Việt Nam nói, và “đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn” và “nhất trí tiếp tục thực hiện quản lý biên giới” theo các văn bản hai bên đã ký kết hồi 1983 và 1995.
Tuy nhiên, báo Bưu điện Campuchia (Cambodia Post) nói rằng cuộc họp kín kết thúc sau sáu tiếng thương thảo hôm 29/8 nhưng hai bên đã không thể đồng ý được về mức độ cần trợ giúp từ Pháp trong vấn đề phân định đường biên.
Báo này dẫn lời Bộ trưởng Var Kimhong nói phía Việt Nam nêu ra danh sách bảy điểm cần Pháp trợ giúp, nhưng phía Campuchia chỉ đồng ý được hai điểm và cho rằng năm điểm còn lại cần phải được giải quyết trực tiếp mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài.
Ông bộ trưởng từ chối cho biết nội dung bảy điểm mà phía Việt Nam nêu ra, nhưng nói mục tiêu của cuộc họp lần này là nhằm soạn thảo thư yêu cầu Pháp cung cấp các bản đồ đường biên có tỷ lệ 1/100.000 và 1/50.000.
Campuchia cáo buộc
Còn tờ Nhật báo Campuchia ngày 30/8 dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này nói phía Việt Nam bác bỏ cáo buộc xây dựng trên các “vùng trắng” chưa được phân định dọc biên giới, nhưng sẽ xem xét các khiếu nại của Phnompenh.
“Thường thì Việt Nam nói là họ xây trên đất của họ,” ông Long Visalo, Trợ lý Ngoại trưởng, được báo này trích lời nói lúc nghỉ giải lao giữa cuộc họp.
“Cuối cùng thì họ nói họ sẽ đưa vấn đề ra thảo luận với các bộ ngành liên quan.”
Nếu các công trình được xây trên vùng đất có tranh chấp vẫn tiếp diễn, ông Visalo nói ông sẽ yêu cầu Hà Nội dỡ bỏ chúng.
Phía Campuchia nói việc xây dựng được thực hiện ở các tỉnh đường biên Ratanakkiri, Mondolkiri và Svay Rieng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Var Kimhong thúc giục người dân Campuchia không nên nhanh chóng cáo buộc Việt Nam “xâm chiếm” Campuchia khi việc phân định biên giới chưa hoàn tất.
“Xâm chiếm là dùng vũ lực. Còn đây là việc bí mật xây cất,” ông nói về các cáo buộc Việt Nam lấn đất.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã không trả lời các câu hỏi của phóng viên khi ông rời cuộc họp, báo Bưu điện Campuchia nói.
Đảng đối lập ở Campuchia đã thúc giục chính phủ phải dừng tiến trình đàm phán về đường biên cho tới sau kỳ tổng tuyển cử tới, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào 2018.
Phe này nói Campuchia đã mất những vùng đất rộng lớn vào tay Việt Nam.
Thượng nghị sỹ Hong Sok Hour và nhà lập pháp Um Sam An từ phe đối lập, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đã bị tù do nói Việt Nam lấn đất hồi đầu năm nay.
Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 26/8, một cựu quan chức phụ trách vấn đề biên giới của Việt Nam nói “tất cả những công trình Việt Nam đang làm, những nhà cửa đang xây, những công trình thủy lợi đang làm rõ ràng là hoàn toàn nằm trên đất Việt Nam, chứ không phải nằm trên phía đất của Campuchia”.
Tiến sỹ Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ cũng thừa nhận là hai bên có “những quan điểm khác nhau, những nhận thức khác nhau” về khu vực mỗi bên quản lý.

Diễn biến vụ đòi bồi thường vì cá chết

Luật sư trợ giúp pháp lý cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết bình luận với BBC rằng công văn hướng dẫn của chính quyền “còn mập mờ” và “dân có quyền đòi bồi thường bằng tranh chấp dân sự”.
Hiện tại, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đang tổ chức cho người dân kê khai thiệt hại theo chỉ đạo của chính phủ và công văn hướng dẫn số 6851 của Bộ nông nghiệp.
Một số luật sư tham gia Liên danh Phục vụ Công lý đang có mặt tại Hà Tĩnh để trợ giúp hàng ngàn hộ dân khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại do phía công ty Formosa gây ra.
Hôm 30/8, trả lời BBC, luật sư Nguyễn Duy Bình, Văn phòng luật sư Duy -Trinh (TP Hồ Chí Minh), người tham gia liên danh này, nói: “Các luật sư đang tư vấn giúp người dân hoàn tất thủ tục khiếu kiện và nộp đơn tại Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh.”
“Dân kiện ở tòa là đúng quy định, tuy nhiên để được tòa thụ lý là rất khó vì chính phủ đã thương lượng và nhận tiền bồi thường từ Formosa.”
Việc chính phủ tự đứng ra thương lượng, thỏa thuận tổng thể và nhận toàn bộ số tiền bồi thường từ phía Formosa là chưa đúng quy địnhLuật sư Nguyễn Duy Bình
“Nhưng chúng tôi tin rằng tòa sẽ phải thụ lý vì pháp luật đã quy định, không ai có thể cướp mât quyền khiếu kiện của người dân.”
‘Chưa có tiếng nói chung’
Luật sư phân tích thêm: “Nội dung công văn còn mập mờ, chưa xác định rõ người dân sẽ được bồi thường hay trợ giúp trong khi tiền mà chính phủ nhận từ phía Formosa là tiền bồi thường.”
“Trên nguyên tắc, chính phủ đã nhận tiền bồi thường từ phía gây thiệt hại thì sau đó phải chi trả bồi thường cho dân chứ không phải trợ giúp.”
“Dựa vào các biểu mẫu kê khai xác định thiệt hại, tôi thấy chính quyền chỉ cho phép người dân kê khai tàu, thuyền và số nhân khẩu bị mất việc, mà không có phần kê khai thu nhập bị mất thì kê khai cái gì, chẳng lẽ phía chính quyền tự xác minh thiệt hại?”
“Chính vì vậy, những ngày qua chính quyền và người dân vẫn chưa có tiếng nói chung trong việc kê khai và dân sẽ phải khiếu nại yêu cầu giải quyết những vấn đề bất hợp lý.”
Ông Bình cũng cho hay, “theo công văn, mỗi người dân mất việc do ảnh hưởng của thảm họa chỉ được trợ giúp tạm thời 15kg gạo/tháng, trong thời gian 6 tháng; mỗi tàu thuyền được trợ giúp 3.500.000 đồng.”
“Việc chính phủ tự đứng ra thương lượng, thỏa thuận tổng thể và nhận toàn bộ số tiền bồi thường từ phía Formosa là chưa đúng quy định.”
“Chính phủ chỉ có quyền thương lượng, nhận bồi thường phần thiệt hại của nhà nước, còn phần thiệt hại của dân thì dân có quyền tự thương lượng hoặc yêu cầu tòa án giải quyết bằng tranh chấp dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, luật sư Bình nói với BBC.
Hôm 29/8, Văn phòng Chính phủ Việt Nam thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp về tiến độ triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại cho ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Thông báo cho biết bốn tỉnh này được lùi thời hạn trình kết quả xác định mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn đến trước ngày 15/9.
Các bộ, ngành sẽ trình Thủ tướng phương án phân bổ kinh phí bồi thường, hỗ trợ trong tuần cuối tháng 9.

Hun Sen ‘khó chịu’ vì bình luận của người Việt

Bộ Ngoại giao Campuchia phê phán các bình luận của người Việt trên trang Facebook của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Những ngày qua, nhiều bình luận để lại trên Facebook của ông Hun Sen đã cáo buộc Thủ tướng Campuchia “không nhớ ơn” Việt Nam và “đi theo” Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
Trong thông cáo 27/8 do người phát ngôn ngoại giao Chum Sounry ký, Campuchia nói các bình luận cáo buộc ông Hun Sen phản bội các lãnh đạo Việt Nam là mang tính xúc phạm.
Thông cáo “cực lực lên án hành vi phi đạo đức của một nhóm người Việt…ảnh hưởng nghiêm trọng danh dự của nhà lãnh đạo đất nước”.
Thông cáo này “kêu gọi giới chức Việt Nam tìm kiếm và xác minh những người có hành vi phi đạo đức xúc phạm lãnh đạo Campuchia”.
Trong khi đó, ngày 26/8 trên Facebook của mình, Thủ tướng Hun Sen ra tuyên bố bằng tiếng Khmer và tiếng Anh bác bỏ chỉ trích của một người Việt ký tên “Nguyen Van Tai”.
Người này ban đầu bình phẩm trên Facebook ông Hun Sen rằng Campuchia và Lào cần ủng hộ Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông.
Mặc dù lúc đầu ông Hun Sen hồi đáp, nhưng nay có vẻ ông bực mình.
Tuyên bố hôm 26/8 của ông Hun Sen đáp lời ông Nguyen Van Tai rằng: “Quý vị nên tôn trọng Lào, đặc biệt cả Campuchia vì chúng tôi không liên quan vấn đề Biển Đông.”
“Tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ hiểu phản ứng của tôi bằng cách giáo dục cho nhân dân rằng đừng làm phiền tôi nữa.”
Ông Hun Sen nói: “Tôi đã nhận nhiều bình luận không phù hợp và xúc phạm của người Việt nhắm vào tôi và nhân dân Khmer.”
“Tôi muốn nói quý vị hãy tôn trọng sự độc lập và chủ quyền của đất nước chúng tôi,” ông Hun Sen viết.
Ông kết luận: “Tôi không phải con rối Việt Nam phục vụ lợi ích Việt Nam, và tôi cũng không phải là ông chủ của Việt Nam. Tôi cũng không yêu cầu Việt Nam phục vụ lợi ích chính trị của Campuchia.”

Trung Cộng

chính thức truy tố nữ thương gia Mỹ gốc Việt tội gián điệp

Bộ Ngoại Giao Trung Cộng hôm Thứ Ba 30/08 thông báo chính thức truy tố  bà Sandy Phan-Gillis, người Việt gốc Hoa, và là một công dân nhập tịch Hoa Kỳ. Bà bị bắt giữ hồi tháng 3 năm 2015 và bị giam giữ mà không có một cáo buộc nào từ đó đến nay.
Diễn biến mới nhất này đã làm tăng thêm căng thẳng trong các mối quan hệ Mỹ-Trung. Bắc Kinh đã phản bác cáo buộc của Nhóm Làm Việc Về Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc, cho rằng việc giam giữ bà Phan-Gillis đã vi phạm các quy chuẩn quốc tế về nhân quyền. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã hối thúc Trung Cộng giải quyết vụ này một cách nhanh chóng.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Hoa Xuân Oánh nói rằng nhà chức trách Trung Cộng sẽ giải quyết vụ này theo đúng luật. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ bà Phan-Gillis bị cáo buộc vì những hành vi cụ thể nào.
Hãng tin Reuters cho hay, bà Phan-Gillis đã nói trong một bức thư do một giới chức lãnh sự Hoa Kỳ ghi lại ở Trung Cộng, rằng việc bắt giữ bà có nguyên do chính trị, mà không vì một tội hình sự nào. Bà đã đi đến Trung Cộng cùng với một phái đoàn thương mại từ thành phố Houston, và bị câu lưu trong khi tính đi từ thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông, sang Macau.
Chồng của bà Sandy Phan- ông Jeff Gillis- từ nhà ở Texas, nói rằng bà không phải là gián điệp hay kẻ trộm. Trung Cộng có thể xem bất cứ điều gì là bí mật nhà nước, từ dữ liệu kỹ nghệ cho tới ngày sinh của các lãnh tụ chóp bu. Các thông tin trước đây không phải là bí mật cũng có thể được tuyên bố là bí mật. Tòa án và các cơ quan thực thi pháp luật Trung Cộng không làm việc dưới sự giám sát độc lập, và chỉ theo lệnh của đảng cộng sản.
Huy Lam / SBTN

Việt Nam

báo cáo GDP không minh bạch và bỏ qua yếu tố môi trường

Bộ Kế hoạch và Đầu tư CSVN vừa có phúc trình chi tiết về việc thông tin minh bạch trong các doanh nghiệp quốc doanh. Trong số 31 doanh nghiệp quốc doanh quy mô tập đoàn kinh tế, tổng công ty, tất cả đều không có một doanh nghiệp nào thực hiện yêu cầu minh bạch trong các thông tin về tài chính.
Thời hạn công bố báo cáo tài chính năm 2015 là 31-5-2016 nhưng đến nay mới có 44 doanh nghiệp thực hiện. Tương tự, việc công khai báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo quản trị cũng có tỷ lệ hoàn thành thấp…
Những doanh nghiệp cố tình phớt lờ qui định về báo cáo tài chính, có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công Thiết bị y tế Việt Nam…
Một số doanh nghiệp có thực hiện nhưng không đầy đủ, có thể kể đến như Tập đoàn Điện lực (EVN), Hàng hải (Vinalines), Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) hay 3 ‘ông lớn’ viễn thông là Viettel, Mobifone, Vinaphone…
Chỉ số GDP (Gross Domestic Product) của Việt Nam đang ngày càng giả dối, tô hồng cho sự phát triển của nền kinh tế, cũng từ việc thiếu minh bạch của các số liệu kinh doanh của những tập đoàn quốc doanh của CSVN.
Việt Nam cũng được ghi nhận nền kinh tế xem nhẹ vấn đề phát triển bền vững. Nhà báo Hoàng Hải Vân phân tích: hạ tuần tháng 8-2016, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà công bố những con số nghe mà ghê rợn: Trên toàn quốc hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550,000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống chế biến nước thải tập trung. Các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự chế biến nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường.
Có hơn 13,500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125,000 m3 nước thải y tế; 787 đô thị với 3,000,000 m3 nước thải ngày/đêm, nhưng hầu hết không qua chế biến. Hàng năm, có 100,000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng, trong đó, khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định; hiệu suất sử dụng chỉ đạt 25-60%; công tác thu gom, lưu giữ và tái chế bao bì chưa được quan tâm, nhiều nơi thải bỏ ngay tại đồng ruộng gây phát sinh mùi, khí thải…
Việt Nam đang lưu hành gần 43 triệu xe máy và trên 2 triệu xe hơi tạo ra nguồn phát thải lớn đến môi trường không khí.
Như vậy, có quá nhiều hoạt động hủy hoại môi trường vào sự tăng trưởng GDP. Nhà báo Hoàng Hải Vân, nhận xét: “…Chúng gây ra biết bao nhiêu là bệnh tật, làm què quặt biết bao nhiêu là đứa trẻ, làm suy thoái nòi giống ta như thế nào thì không hề bị trừ đi khi tính GDP. Đó là chưa kể bệnh tật phát triển làm tăng chi phí chữa bệnh, cũng làm góp phần vào sự tăng trưởng GDP. Chưa ai tính có bao nhiều phần trăm trong GDP là GDP đen, GDP bẩn, chỉ biết là hàm lượng đen bẩn trong GDP là quá nhiều…”.
Vũ Minh Ngọc / SBTN

‘Chữa bệnh’:Từ Nguyễn Bá Thanh,

Phùng Quang Thanh đến Trịnh Xuân Thanh

Sân khấu chính trị Việt Nam một lần nữa dậy tràng pháo tay cho một nhân vật hài hước mới: Trịnh Xuân Thanh.
Vở hài kịch ngắn được tung hứng bởi Ủy ban Kiểm tra trung ương dưới chỉ đạo diễn xuất của tổng đạo diễn Nguyễn Phú Trọng, để giờ đây nhường sân khấu cho Ban thường vụ tỉnh ủy Hậu Giang, nơi mà ông Trịnh Xuân Thanh vẫn còn là tỉnh ủy viên.
Về trạng thái biến mất không sủi tăm của ông Trịnh Xuân Thanh, Hậu Giang giải thích “đồng chí Trịnh Xuân Thanh xin nghỉ phép một tháng để trị bệnh”.
Tháng 7/2015, một viên tướng phát ngôn cho Bộ Quốc phòng đã giải thích “Bộ trưởng Phùng Quanh Thanh đi Pháp chữa bệnh”, trước vô số đồn đoán về việc ông Phùng Quang Thanh “bị ám sát ở Paris”.
Cuối năm 2014, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe trung ương cùng Ban Tuyên giáo trung ương đồng nhận trách nhiệm phát ngôn về “đồng chí Nguyễn Bá Thanh đi Mỹ chữa bệnh”, trước vô số đồn đoán về việc ông Nguyễn Bá Thanh “bị đầu độc”.
Cả hai trường hợp Nguyễn Bá Thanh và Phùng Quang Thanh đều bị giới quan chức bất nhất và cực kỳ thiếu ăn ý ở Việt Nam biến thành những diễn viên hài bất đắc dĩ.
Còn lần này là Trịnh Xuân Thanh.
Cả ba nhân vật đều tên Thanh.
Nếu chiếu theo hai vụ cười ra nước mắt trước đây thì có thể rút ra một kết luận: cứ nhân vật nào được báo cáo “đi chữa bệnh” thì y như rằng hoặc chết hoặc “sống cũng như chết”.
Vào lần này, có lẽ tỉnh ủy Hậu Giang cũng sao y bản chính kịch bản của trung ương về Nguyễn Bá Thanh và Phùng Quang Thanh, để cho Trịnh Xuân Thanh “nghỉ phép trị bệnh”.
Không biết rồi đây số phận của ông Trịnh Xuân Thanh sẽ ra sao – như Nguyễn Bá Thanh hay “sống cũng như chết” của Phùng Quang Thanh?
Chỉ biết rằng ngay trước mắt, dân Hà Nội dậy lên dồn đoán về việc ông Trịnh xuân Thanh đã bị bắt.
Quả vậy, khám nhà thì đã có, tố tụng hình sự cũng đã bắt đầu. Nhưng không hiểu sao không thể công bố?
Đến khổ báo giới nhà nước, chạy suốt ngày săn tin mà chỉ được đăng “Ông Trịnh Xuân Thanh xin nghỉ phép 1 tháng để trị bệnh”, hay “Ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu?”
Đến nỗi một nhà báo quốc doanh là Ngọc Vinh đã phải cảm thán như thế này: “Bị khám nhà chưa phải là bị bắt. Bị câu lưu cũng chưa phải là bị bắt. Bị bắt nhưng công an chưa xác nhận thì … chưa bị bắt. Mà chưa bị bắt thì ko thể đưa tin là… bị bắt. Nếu đưa tin chưa bị bắt thì… kỳ cục quá vì nó chưa phải là tin. Vậy phải làm sao đây? Thôi đành lủi thủi ra về chứ sao. Hôm nay chưa được, ngày mai ta phục tiếp, khi nào “bị bắt chính thức” thì ta đưa tin. Làm báo lề phải khổ bỏ mẹ chứ có sướng đâu, mà nhiều thằng nói bậy là sướng. Nhiều khi cực như con chó ghẻ để kiếm tin, mà đăng cho đám “phây” (Facebook) nó có cái mà bình… noạn”.
Lê Dung / SBTN

Nghệ An: Thêm một trường hợp tử vong trong đồn công an

Vào sáng ngày 29 tháng 8 năm 2016, người nhà ông Đinh Hồng Quân (56 tuổi) nhận được tin ông chết trong phòng tạm giữ đồn công an huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An nhưng không biết nguyên nhân.
Bà Đinh Thị Hà, 58 tuổi (chị gái ông Quân) cho biết: “vào ngày 28/8/2016, tôi và hai con trai của cậu Quân có lên đồn công an huyện Diễn Châu để thăm em trai. Lúc đó, cậu Quân vẫn đang ở phòng tạm giữ chờ ngày xét xử tội “tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép”. Công an chỉ cho gặp có hơn 5 phút, nhưng tôi thấy cậu Quân vẫn còn rất khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào. Trước đó, em trai tôi vẫn chưa hề mắc bệnh tật gì. Nhưng giờ nhận được hung tin này, gia đình tôi rất khó tin. Tôi yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra rõ ràng nguyên nhân dẫn đến cái chết của em trai tôi.”
Trước đó, vào tháng 10/2015, ông Quân bị công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, kết án 30 tháng tù giam, về tội làm giả giấy tờ để đi nước ngoài. Sau khi bị bắt, công an tỉnh Thái Bình, và công an huyện Diễn Châu về khám nhà, thì thu được một khẩu súng quân dụng, nên truy tố thêm tội danh tàng trữ vũ khí trái phép. Tuy nhiên, theo người nhà cho biết khẩu súng này của bố ông Quân giữ làm kỉ niệm, sau khi đi bộ đội ở Lào về. Khẩu súng đã hư hỏng không còn sử dụng được, nhưng công an vẫn đòi truy tố.
Được biết, sau khi toà án tỉnh Thái Bình kết án 30 tháng tù giam, công an huyện Diễn Châu đã ra đưa ông Quân về để chờ xét xử tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” vào ngày 30/8/2016.
Hiện tại, thi thể ông Quân đang được để tại nhà xác bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu để điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết. Bệnh viện cho biết: “ông Quân đã tử vong trước khi đưa đến bệnh viện, và chúng tôi cũng chưa biết nguyên nhân dẫn đến cái chết”. Tuy nhiên, công an huyễn Diễn Châu nói rằng, nguyên nhân có thể là do đột tử.
Nguyên Nguyễn/SBTN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?