Tin Việt Nam – 28/08/2016

Tin Việt Nam – 28/08/2016

Một người dân Nghệ An tử vong sau khi ăn hải sản

Người dân tỉnh Nghệ An lại vừa hoảng loạn, sau khi một người đàn ông ở xã Nghi Phú, Tp Vinh, tỉnh Nghệ An đã bị trúng độc và tử vong sau khi ăn hải sản.
Nạn nhân là anh Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1970. Theo người nhà nạn nhân cho biết vào sáng ngày 21/08/2016 anh Hải đi xuống chợ Mai Trang, đã mua khoảng 1kg rạm biển về ăn. Sau khi ăn, anh Hải đã có triệu chứng tức ngực, choáng đầu, buồn nôn, ngón tay bị sưng và biến dạng thành màu đen. Sau một thời gian, tay anh đã biến dạng thành màu đen và sưng nhiều chỗ. Người nhà đã đưa anh Hải đến tới bệnh viện Đông Âu, TP Vinh trong tình trạng nguy kịch. Bệnh viện đã làm một số xét nghiệm chẩn đoán, và kê đơn thuốc cho anh về nhà. Tuy nhiên, vào ngày 22/08, bệnh tình anh Hải nặng hơn, nên người nhà đã đưa anh Hải vào cấp cứu ở bệnh viện Đa Khoa Hữu Nghị Nghệ An. Đến sáng ngày 23/08, anh Hải đã được chuyển tới khoa Nhiễm Độc Tích Cực thuộc bệnh viện Nhiệt Đới. Đến khoảng 10 giờ sáng ngày 26/08, bệnh viện đã trả về; và anh Nguyễn Thanh Hải đã tử vong vào lúc 13 giờ 30 chiều cùng ngày.
Theo người nhà và hàng xóm anh Hải cho biết: “Anh Hải từ trước tới nay luôn khoẻ mạnh, không mắc bệnh tật gì. Nguyên nhân cái chết của anh Hải chắc chắn là do ăn hải sản. Gia đình chúng tôi đang còn giữ lại một số rạm biển để yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ cái chết của anh Hải.”
Được biết, kể từ sau thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra cá chết hàng loạt, đã có nhiều người dân tử vong sau khi ăn hải sản. Tuy nhiên, quan chức CSVN luôn thông báo là biển đã sạch, hải sản đã an toàn, và khuyến khích người dân ăn hải sản. Một người dân cho biết đa phần người dân chưa dám ăn vì sợ nhiễm độc. Chỉ một vài gia đình dám ăn thử, hoặc cho chó mèo ăn mà thôi.
Nguyên Nguyễn/SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/mot-nguoi-dan-nghe-tu-vong-sau-khi-hai-san.html

Mẹ của Facebooker ‘không được gặp con’

Mẹ của một thanh niên bị bắt và bị kết án tù vì viết Facebook ở Việt Nam nói bà “không được gặp con” suốt chín tháng từ khi người này bị bắt.
Phiên tòa xử Nguyễn Hữu Quốc Duy (sinh năm 1985) và Nguyễn Hữu Thiên An diễn ra tại Tòa án tỉnh Khánh Hòa hôm 23/8/2016.
Nguyễn Hữu Quốc Duy, thường trú ở phường Cam Phú, thành phố Cam Ranh, làm nghề buôn bán. Quốc Duy bị đưa ra xét xử theo điều 88, Bộ luật Hình sự Việt Nam, với “Tội tuyên truyền chống nhà nước” và bị phạt ba năm tù. Quốc Duy bị tạm gia trong tám tháng kể từ sau khi bị bắt. Thiên An bị tuyên án hai năm tù.
Vào tháng 11/2015, Quốc Duy bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt vì lý do mà gia đình được nói là ‘tuyên truyền chống phá Nhà nước’ trên mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Nay, mẹ của Nguyễn Hữu Quốc Duy, dành cho BBC một trao đổi sau ngày diễn ra phiên tòa:
Hỏi:Xin bà cho biết thời điểm Quốc Duy bị bắt mọi việc diễn ra thế nào?
Đáp: Duy được công an phường xuống mời Duy lên công an thành phố nhận điện thoại và máy tính. Tôi đi chợ về tới nhà thì trước cổng nhà mình có hai xe biển xanh, nên chạy vào nhà hỏi, thì anh Long, ba thằng Duy nói:”Người ta thu đồ đạc trong phòng của Duy hết.” Anh nói người ta làm biên bản rồi anh đã ký. Sau đó thì họ đóng cửa xe rồi đi.
Tôi làm đơn khiếu nại Viện Kiểm sát, Công an tỉnh, công an điều tra, tôi gửi đi ba nơi đó, hỏi tại sao bắt con tôi, đến giờ hai tuần lễ tôi không nhận được tin tức gì hết. Tôi không biết nó bị bắt và giam ở đâu. Và tôi muốn biết là bắt về chuyện gì mà giam con tôi ở đâu cho tôi biết, và thu giữ đồ đạc của tôi cái gì, phải có tờ biên bản đó.
Sau đó, tôi lên công an họ mới đưa ra kêu kêu đem biên bản tôi nhận lại tờ giấy giữ đồ nhà bà, và đây là lệnh bắt con của bà.
Tôi nghe là giam Duy ở Trại giam Ninh Hòa, tôi muốn đem ít đồ ăn cho con tôi. Tôi từ Cam Ranh ra Ninh Hòa hơn tám mươi cây số, trúng ngày thăm nuôi. Tất cả mọi người nhận đồ thăm nuôi vô. Tới tôi thì họ nói an ninh điều tra tỉnh Khánh Hòa không cho bà đem đồ ăn vô đây.
Cứ hai tuần tôi lại đem đồ ăn ra tỉnh gửi. Họ đưa cho tờ phiếu phiếu nhận đồ, Duy chỉ ghi “Tôi nhận đủ. Con khỏe mạnh, ba mẹ đừng lo lắng gì, mẹ giữ gìn sức khỏe”. Ba bốn tháng thì Duy ghi con bị lác (hay ‘hắc lào’), bị ghẻ mẹ mua thuốc thì tôi mua gửi cho công an. Cứ như vậy chín tháng thì con tôi ra tòa.
Hỏi: Việc bà mời luật sư cho Nguyễn Hữu Quốc Duy diễn ra thế nào?
Đáp: Tôi xin mời luật sư bên ngoài. Con tôi từ bé đến lớn chưa biết một luật sư nào, sao biết luật sư Phan Bạch Mai để mời bào chữa cho mình. Tôi đã làm đơn khiếu nại. Nhưng tỉnh, tòa án và công an coi như không có gì xảy ra dù tôi gủi bằng thư tín có báo phát, nhưng không trả lời.
Khi biết con tôi ra tòa, tôi có tìm đến nhà ông luật sư Bạch Mai, thì ông nói rằng vì ông được mẹ Thiên An mời bào chữa, ông vô trại giam, thấy thằng Duy, ông tới ông mời hỏi Duy có cần bào chữa không thì Duy nhận là xin bào chữa. Ông nói với tôi như vậy. Ông rút tờ đơn ra vì Duy không biết áp lực từ đâu đã ghi trong thời gian ở trại giam tôi nhận thấy có tội với nhà nước, tôi xin ông luật sư Phan Bạch Mai bào chữa.
Với hai luật sư tôi mời thì tòa án trả lời Duy đã có mời luật sư riêng cho Duy rồi.
Hỏi: Bà có đến tham dự phiên tòa xét xử con trai Nguyễn Hữu Quốc Duy ngày 23/8 không?
Đáp: Ngày 23 xử án. Nhiều người chặn tôi lại trước cổng tòa án, chứ chưa được vô sân tòa. Tôi nói tôi là mẹ của bị can Nguyễn Hữu Quốc Duy, chồng tôi, là bố Duy, thì cho tôi vô. Họ hỏi: Bà có thư mời không? – Không thư mời không được vô.
Lúc xe bịt bùng chở con tôi tới, tôi muốn chen vô để nhìn thấy nó bước xuống xe để nhìn thấy con tôi như thế nào. Chín tháng nay tôi không nhìn thấy nó. Bên phía nhà Thiên An là được gặp mặt, còn Duy là cách biệt, không cho gặp, không cho tin tức gì vô hết.
Chín tháng tôi chưa gặp mặt con trai lần nào. Giờ ra tòa kết tội con tôi rồi đó, mà vẫn không cho gặp mặt là quá vô lý.Bà Nguyễn Thị Nay, mẹ của Quốc Duy
Khi tôi chen vô thì bị hất ra. Tôi nói tại sao tôi làm ba làm mẹ mà không được vô phiên tòa xử con mình. Và tôi rút điện thoại ra, họ thấy tôi muốn ghi âm cho nên họ nói có biển cấm quay phim chụp hình. Con tôi cứ giơ máy di động lên họ tới chụp điện thoại và hất con tôi. Tôi nói mấy anh không được đánh con tôi, không được chụp điện thoại con tôi.
Người ta xúm lại và níu tôi và khiêng tôi xốc lên bỏ vô xe và cứ chạy miết, đến Vĩnh Lương bỏ vô phòng ngồi đó.
Chiều khoảng bốn giờ tôi mới nói giờ này bãi tòa rồi, mấy anh chở tôi về, đừng làm việc này với tôi. Họ không thả tôi ở ngay tòa, vô một phường gần tòa án, không cho về tòa án lấy xe.
Họ đòi lập biên bản thu điện thoại của tôi. Họ thu hết điện thoại và lập biên bản. Xuống tới đường, tôi nghe tin là con trai tôi án là 3 năm.
Hỏi: Bà nghĩ gì về phiên tòa mà bà không thể tham dự?
Đáp: Trước tòa, con mình ra tòa có tội thì tù tội là chuyện của tòa. Tại sao công an xử sự với gia đình mình như một đám côn đồ.
Tôi thật sự thấy khó lòng trách Duy con mình sao nó làm khổ mình dữ vậy, vừa lo sợ, vừa cực khổ chạy ra chạy vô, tôi cũng gần 60 tuổi rồi. Mà bây giờ mình có đem đồ ăn con mình cũng ăn không được. Con mình vô nhà giam, nó có ăn được không.
Trước đây tôi nghĩ nó viết làm gì. Mình cứ sống, cứ an toàn cho mình như mọi người. Thì hôm nay tôi thật sự thấy được tất cả sự đối xử với gia đình tôi. Tôi thấy đúng, con tôi nói lên là đúng, quá bất công đi.
Trong khoảng chín tháng tôi chưa gặp mặt con trai lần nào. Giờ ra tòa kết tội con tôi rồi đó, mà vẫn không cho gặp mặt là quá vô lý.
Hỏi: Bà có quyết định kháng án cho con trai không?
Đáp: Có, tôi phải nhờ hai luật sư mà tôi đã từng nhờ bao nhiêu tháng nay rồi là luật sư Võ An Đôn và luật sư Nguyễn Khả Thành, sẽ kháng án.
Từ chối bào chữa?
Ngày 23/8, bên lề phiên tòa, luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong hai người tình nguyện bào chữa kể lại: “Chúng tôi nộp đơn bào chữa vào cách đây khoảng ba tuần. Theo quy định của pháp luật thì trong vòng ba ngày, cơ quan tiến hành tố tụng, ở đây là tòa án, phải cấp giấy cho luật sư.”
“Nhưng sau đó chúng tôi đợi một tuần sau khi nhận được văn bản từ chối luật sư với lý do em Duy ở trong trại giam đã viết đơn nhờ một luật sư là luật sư Bạch Mai của Đoàn luật sư Khánh Hòa và trong đơn đó Duy cũng viết không nhận một luật sư nào khác bào chữa cho em.”
“Đó là theo thông báo của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa trả lời cho chúng tôi, chứ chúng tôi cũng chưa bao giờ thực sự thấy bức thư đó là thế nào. Với lý do đó, tòa án tỉnh Khánh Hòa đã từ chối cho chúng tôi bào chữa.”
Việc kết án như vậy không phù hợp với quyền tự do biểu đạt và tự do hội họp ôn hòa được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam, và với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như với các cam kết quốc tế khác.Thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội
Theo luật sư Nguyễn Khả Thành, việc tạm giam nhiều tháng “dứt khoát là vi phạm pháp luật về tạm giam, tạm giữ rồi.”
Sau phiên xử sáng 23/8, Nguyễn Hữu Quốc Duy bị phạt ba năm tù giam, Nguyễn Hữu Thiên An bị phạt hai năm tù giam.
Nguyễn Hữu Quốc Duy là anh họ của Nguyễn Hữu Thiên An, người tham gia phong trào Zombie bị cho là có xu hướng chống đối chính quyền trên mạng xã hội, đã bị bắt từ cuối tháng Tám cùng Nguyễn Hữu Quốc Duy nhưng chưa được thả.
Trên trang Facebook của mình, Quốc Duy đăng nhiều status bình luận chỉ trích hoặc châm biếm hệ thống trong nước.
Quốc tế lên tiếng
Sau phiên tòa, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói về phiên tòa trong một thông cáo: “Khó có thể tìm thấy một sự vi phạm quyền tự do thể hiện nào ồn ào hơn vụ này, khi nhà chức trách Việt Nam kết án tù hai người vì họ đăng những bình luận phê phán trên Facebook.”
“Không thể chấp nhận được vì điều 88 bộ luật hình sự về ‘tuyên truyền chống nhà nước’ quá chung chung và được định nghĩa không rõ ràng đến mức chính phủ có thể kết tội bất cứ bình luận nào mà họ muốn, và đó là điều đang xảy ra.”
Tổ chức này cũng nói kêu gọi các nhà ngoại giao và cộng đồng quốc tế “phối hợp thúc đẩy để yêu cầu thả hai tù nhân chính trị này, những người bị bỏ tù chỉ vì đã thực hiện quyền của họ theo hiến pháp Việt Nam và theo công ước quốc tế về nhân quyền đã được chính phủ công nhận.”
Hôm 24/8, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng phát đi một thông cáo nói về phiên tòa với việc “nhà chức trách Việt Nam sử dụng các điều khoản hình sự để trừng phạt các cá nhân thực hiện quyền tự do biểu đạt và hội họp ôn hòa là điều đáng lo ngại.”
“Việc kết án như vậy không phù hợp với quyền tự do biểu đạt và tự do hội họp ôn hòa được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam, và với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như với các cam kết quốc tế khác,” thông cáo này viết và kêu gọi “thả tự do vô điều kiện hai cá nhân này”".
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160828_quoc_duy_case_88_mother

Vụ Yên Bái là ‘khủng hoảng mô hình?’

Quốc Phương- BBC Việt ngữ
Các vụ bạo lực từ nổ súng ở tỉnh Yên Bái cho tới sỹ quan công an xã ở tỉnh Bình Thuận của Việt Nam bắn hai viên đạn cao su vào lưng của công dân địa phương khi ‘mời’ lên trụ sở làm việc tiếp tục là đề tài được dư luận quan tâm.
Hôm Chủ Nhật, bình luận xung quanh hệ quả của những ‘tiếng súng ở Yên Bái’ và cách thức truyền thông nhà nước và chính quyền Việt Nam công bố, loan tin về sự việc, có ý kiến từ nhà quan sát thời sự, xã hội Việt Nam từ Paris, Pháp cho rằng:
“Trước cách thức vừa đưa tin vừa làm nhiễu loạn thông tin như ta đang thấy, thì chưa có thể có bình luận nào khả tín hoàn toàn về nguyên nhân vụ việc, ngoài việc thừa nhận đây là một sự kiện bạo lực giết người diễn ra trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng. Nó là một biểu hiện của sự khủng hoảng trầm trọng của mô hình lãnh đạo, mô hình xã hội, mô hình luật pháp ở Việt Nam.”
Ý kiến này được nhà nghiên cứu chính trị, Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy, đưa ra trong cuộc trao đổi với BBC hôm 28/8/2016, mà sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn qua bút đàm.
Hậu quả không thể tránh khỏi là người dân buộc phải suy luận từ cái nguồn thông tin hỗn loạn và bất trắc mà báo chính thống cung cấp, và đưa ra các phỏng đoán đủ các loạiTS. Nguyễn Thị Từ Huy
BBC: Vụ nổ súng chết người là các quan chức lãnh đạo ở tỉnh Yên Bái (18/8/2016) hiện đang được chính quyền Việt Nam điều tra, có người cho rằng đằng sau đó có thể có những nguyên nhân phức tạp hơn là đã được công bố trên truyền thông nhà nước, bà bình luận thế nào về sự kiện này và cách thức nó được loan báo trên truyền thông chính thức?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Có thể nhận thấy sự khác biệt rất rõ ràng giữa truyền thông Việt Nam và truyền thông của các nước dân chủ. Lấy một ví dụ, ở Pháp khi xảy ra một vụ giết người gây chấn động xã hội thì các thông tin đều được cung cấp đầy đủ, rõ ràng, vì thế các báo đều đưa các tin giống nhau, sau khi đã có xác nhận từ cơ quan điều tra, thường là tin do tổng kiểm soát trưởng thông báo trước truyền hình. Cho dù có thể có nhiều bình luận khác nhau, nhưng thông tin về sự kiện thì không thể khác nhau.
Và tin được đưa rất nhanh, thậm chí từng phút một nếu ta ở trên mạng internet (online). Trong trường hợp khi chưa có các thông tin cuối cùng, thì có những báo, hoặc những kênh truyền hình, mỗi ngày đều điểm tình hình: đã biết được gì về thủ phạm, về nguyên nhân… và những gì còn chưa được biết về thủ phạm, về nguyên nhân, về những kẻ đồng lõa… Như vậy người dân hoàn toàn làm chủ thông tin, họ có thể bình luận, phán xét về sự kiện, và tránh được những phỏng đoán sai lầm.
Trường hợp truyền thông Việt Nam, do không có tự do báo chí, truyền thông bị chỉ đạo từ trên xuống nên có hiện tượng tin đăng lên rồi phải gỡ xuống, có những chuyện hôm nay được nói nhưng ngày mai bị cấm. Bản thân các nhà báo có thể rất không muốn như vậy, nhưng họ buộc phải phục tùng cơ chế, vì thế mà, truyền thông, thay vì đóng vai trò truyền tin chính xác cho dân chúng, rốt cuộc lại tạo ra sự nhiễu loạn thông tin, khi mà các thông tin mỗi báo đăng một khác, khi mà thông tin ngày hôm nay khác thông tin ngày hôm qua, khi bài đăng lên rồi bị gỡ xuống.
‘Khủng hoảng mô hình’
Hậu quả không thể tránh khỏi là người dân buộc phải suy luận từ cái nguồn thông tin hỗn loạn và bất trắc mà báo chính thống cung cấp, và đưa ra các phỏng đoán đủ các loại. Từ phỏng đoán về mâu thuẫn lợi ích cá nhân giữa các lãnh đạo trong nội bộ đảng, cho đến phỏng đoán mà ngày hôm nay có người đã đưa ra về một sự chỉ đạo thanh trừng từ cấp trung ương đưa xuống, như trong bài “Rối loạn tại Quân khu II: từ cái chết của tướng Lê Xuân Duy đến cuộc thanh toán máu nhuộm Yên Bái”. Điều đáng nói là không ai có thể đoan chắc phỏng đoán nào là chính xác, phỏng đoán nào là sai lầm. Và cái giá mà những người lãnh đạo phải trả, ngoài những người đã bị giết, thì những người ở hàng ngũ cao cấp cũng bị cho là có liên quan trực tiếp.
Cho đến thời điểm này, trước cách thức vừa đưa tin vừa làm nhiễu loạn thông tin như ta đang thấy, thì chưa có thể có bình luận nào khả tín hoàn toàn về nguyên nhân vụ việc, ngoài việc thừa nhận đây là một sự kiện bạo lực giết người diễn ra trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng. Nó là một biểu hiện của sự khủng hoảng trầm trọng của mô hình lãnh đạo, mô hình xã hội, mô hình luật pháp ở Việt Nam.
Nguy hiểm cho sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng và của chế độ thì đã đành, nhưng đó không phải là mối quan ngại của những người lâu nay công khai bầy tỏ ý kiến bất đồng đối với những đường lối, chủ trương, chính sách sai trái của đảng và nhà nước. Những người này, trong đó có chúng tôi, âu lo về sự an nguy của dân tộc khi xẩy sự bạo loạn ngoài tầm kiểm soátGiáo sư Chu Hảo
BBC: Sau diễn biến ở Yên Bái, một cựu Thứ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Việt Nam, Giáo sư Chu Hảo bình luận trên truyền thông mạng cho rằng: “Tiếng súng ở Yên Bái không phải chỉ phơi bày tình trạng tha hóa tột độ trong nội bộ đảng cầm quyền, mà còn chứng tỏ mức độ bất ổn chính trị-xã hội ở nước ta đã đến hồi nguy hiểm. Nguy hiểm cho sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng và của chế độ thì đã đành, nhưng đó không phải là mối quan ngại của những người lâu nay công khai bầy tỏ ý kiến bất đồng đối với những đường lối, chủ trương, chính sách sai trái của đảng và nhà nước. Những người này, trong đó có chúng tôi, âu lo về sự an nguy của dân tộc khi xẩy sự bạo loạn ngoài tầm kiểm soát”, bà nghĩ sao về quan điểm này?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Tôi đồng ý với bình luận của ông Chu Hảo : sự kiện thanh toán lẫn nhau trong hàng ngũ lãnh đạo ở Yên Bái đúng là phơi bày tình trạng tha hóa tột độ trong nội bộ đảng. Thực ra sự tha hóa thì đã diễn ra từ lâu. Khi đọc lại các bài viết của ông Hồ Chí Minh từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước, ta có thể nhận thấy một nỗi ám ảnh trở đi trở lại trong nhiều bài viết : cần phải chỉnh đốn đảng. Từ thời đảng còn mạnh như vậy mà đã phải chỉnh đốn rồi. Phải chỉnh đốn đảng là bởi vì nó đã tha hóa từ bên trong. Nhưng sự tha hóa này được giấu kỹ trong một thời gian dài.
Giờ đây, như ông Chu Hảo nói, nó được phơi bày ra, nó vang lên trong tiếng súng khai tử các lãnh đạo của đảng nổ ra giữa ban ngày ngay nơi công sở. Cái giá mà đảng phải trả là sự hoen ố tột cùng của hình ảnh đảng trong lòng nhân dân. Và cái giá mà nhân dân phải trả rất có thể là họ sẽ bắt chước lãnh đạo, tự xử lý lẫn nhau không cần đến pháp luật. Cái giá mà xã hội phải trả là bạo lực cách mạng mà đảng nuôi dưỡng trong từng trang sách giáo khoa đã trở thành một thứ bạo lực xã hội đen được sử dụng trong ánh sáng trắng của cuộc sống thường nhật. Nếu đến lúc này mà lãnh đạo và người dân không chịu hiểu điều đó thì hỗn loạn xã hội ở Việt Nam là điều mà tất cả mọi người đều phải chờ đợi.
‘Hai con đường giải quyết’
địa phương hôm 22/8.BBC: Mới đây hơn, cũng theo truyền thông Việt Nam, một sỹ quan Thiếu tá Công an Xã ở Phan Thiết, Bình Thuận, dùng súng ‘ bắn hai phát đạn cao su‘ vào một công dân khi không ‘mời’ được người này lên trụ sở công an làm việc hôm 22/8, vụ việc cũng đang được chính quyền ‘điều tra, làm rõ’, tuy nhiên theo bà, sự kiện này nói thêm điều gì về xã hội VN hiện tại?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Điều này nói lên rằng xã hội Việt Nam là một xã hội không có luật pháp đúng nghĩa. Một việc như vậy chỉ có thể xảy ra khi ngành công an cho phép mình sử dụng pháp luật như một công cụ để làm lợi cho ngành công an và đàn áp nhân dân. Và khi ngành công an được bật đèn xanh cho muốn làm gì thì làm. Nói cách khác, đó là biểu hiện của một nhà nước công an trị, của một xã hội công an trị.
Chính quyền Việt Nam đang đối diện với một mâu thuẫn: chính quyền cần công an để bảo vệ chế độ vì thế mà dung túng cho ngành công an sử dụng bạo lực ; nhưng một khi việc sử dụng bạo lực bất chấp luật pháp đã trở thành thói quen ở những người công an thì việc đụng độ và gây hậu họa cho người dân là không tránh khỏi, như trường hợp nêu trên đây ; và lúc đó, người dân để tự bảo vệ mình, nhất định sẽ dẫn đến xung đột, ở các mức độ khác nhau. Một chính quyền công an trị cần phải chờ đợi ngày mà người dân bị trị sẽ nổi lên vì họ không còn chịu đựng được nữa. Một nhà nước công an trị tất yếu sẽ làm gia tăng bạo lực và đối kháng. An toàn xã hội và sự bình yên của xã hội chỉ có thể được đảm bảo khi có một nhà nước pháp quyền.
Bạo lực ở Việt Nam có nguyên nhân cốt lõi từ hệ thống chính trị Việt Nam, một hệ thống chính trị lấy bạo lực và cưỡng bức làm nguyên lý tồn tại. Hai con đường nhanh nhất bổ sung cho nhau để giải quyết vấn đề bạo lực là luật pháp và giáo dụcTiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy
BBC: Cuối cùng, qua các sự kiện trên, dù là với động cơ nào, nguyên nhân nào, dường như đã có những diễn biến, dấu hiệu khá rõ ràng của bạo hành hay lạm dụng bạo lực trong xã hội Việt Nam hiện nay, vậy nhà nước, xã hội và cộng đồng cần ưu tiên làm gì để giải quyết căn bản, gốc rễ vấn đề và xu hướng này, theo bà?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Bạo lực ở Việt Nam có nguyên nhân cốt lõi từ hệ thống chính trị Việt Nam, một hệ thống chính trị lấy bạo lực và cưỡng bức làm nguyên lý tồn tại. Hai con đường nhanh nhất bổ sung cho nhau để giải quyết vấn đề bạo lực là luật pháp và giáo dục.
Nhưng hệ thống chính trị đã biến cả luật pháp và giáo dục thành công cụ để bảo tồn nguyên lý của nó, vậy làm sao có thể giải quyết một cách căn bản vấn đề bạo lực trong xã hội, nếu không giải quyết các vấn đề căn bản của hệ thống chính trị? Bạo lực học đường là điều mà chúng ta đã nói đến từ lâu. Bạo hành trẻ mầm non đã bao nhiêu lần làm rúng động dư luận.
Nếu không nhanh chóng giải quyết các vấn đề của hệ thống chính trị, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi kể từ đây bạo lực sẽ phát triển với tốc độ chóng mặt trên toàn xã hội Việt Nam.
Trên đây là quan điểm riêng của Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy, người có bằng tiến sĩ văn chương bảo vệ tại Pháp năm 2008 và từng giảng dạy tại một số trường đại học ở Việt Nam. Hiện bà đang làm luận án tiến sĩ về triết học chính trị tại Đại học Paris Diderot, PhápBBC cũng có Tọa đàm Bàn tròn về chủ đề này, mời quý vị theo dõi thêm tại đây.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160828_nguyenthituhuy_yenbai_shooting_inv

Bí thư Thăng thực sự muốn nói gì?

Dư luận Việt Nam tuần này tiếp tục quan tâm một phát biểu của đương kim Bí thư thành ủy Thành phố Hồ đầu tuần này đưa ra với lãnh đạo công đoàn nhà nước ở địa phương, khi ông đề xuất “tại sao công đoàn không tổ chức đình công theo luật cho công nhân”.
Quan điểm này được Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị phát biểu khi ông tới thăm và làm việc ở Khu chế xuất Tân Thuận hôm 23/8/2016, trong đó ông đượctruyền thông Việt Nam trích thuật nói:
“Các cuộc đình công là tự phát nhưng lại đem kết quả cho công nhân. Như vậy, rõ ràng yêu cầu của công nhân là chính đáng. Chúng ta phải đặt câu hỏi vì sao chủ doanh nghiệp chấp nhận khi công nhân đình công, còn công đoàn thương lượng thì họ không đồng ý. Vậy tại sao công đoàn không tổ chức đình công theo luật cho công nhân?”
Các cuộc đình công đều có thủ lĩnh. Vì sao công nhân lại coi những người công nhân không phải là cán bộ công đoàn là những thủ lĩnh các cuộc đình công mà không coi cán bộ công đoàn là thủ lĩnh? Chúng ta phải suy nghĩ về việc này Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.
Bình luận về quan điểm này của Bí thư Thăng, hôm thứ Bảy, một nhà quan sát từ Sài Gòn nói với BBC:
“Trên mạng xã hội người ta bàn tán về câu đó, có người thậm chí khá là lạc quan cho rằng ông Đinh La Thăng muốn đổi mới hay là ông Đinh La Thăng muốn chấp nhận công đoàn độc lập. Nhưng tôi cho rằng đó là một cái nhìn khá lạc quan, quá hy vọng vào ông Đinh La Thăng.
“Có lẽ ông Đinh La Thăng chỉ trách tổ chức công đoàn của nhà nước như hiện nay không làm được nhiều việc.”
“Và điều đó chỉ có nghĩa ông muốn công đoàn đứng ra làm được nhiều việc hơn để cho công nhân không phải tự đình công và không phải nhờ đến những tổ chức mà hiện nay nhà nước không công nhận, nhưng có những tổ chức xã hội làm những việc giúp công nhân,” nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính nói với BBC hôm 27/8.”
Vẫn theo truyền thông Việt Nam, Đinh La Thăng còn đề cập đến vấn đề ai đang là ‘thủ lĩnh’ của công nhân liên quan tới vai trò của công đoàn, ông được trích thuật nói:
“Các cuộc đình công đều có thủ lĩnh. Vì sao công nhân lại coi những người công nhân không phải là cán bộ công đoàn là những thủ lĩnh các cuộc đình công mà không coi cán bộ công đoàn là thủ lĩnh? Chúng ta phải suy nghĩ về việc này.”
Đảng và giai cấp công nhân
Hôm thứ Bảy, từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà hoạt động và quan sát chính trị, xã hội Việt Nam đưa ra bình luận về các phát biểu của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, ông nói:
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì Đảng Cộng sản Việt Nam là nhà nước và đảng bảo vệ cho giai cấp công nhân, thì nó có một sự rất phức tạp trong vấn đề này.
“Tôi không thấy là đảng bảo vệ cho giai cấp công nhân gì hết, mà ba mươi năm qua với tiến trình đổi mới, thì quyền lợi của giai cấp công nhân và quyền lợi của chính quyền cộng với quyền lợi của giới chủ, trong và ngoài nước, tức là giới tư bản, giới chủ, có những xung đột, bất đồng rất nhiều.”
Cũng hôm 27/8, khi được hỏi về tương lai của các tổ chức công đoàn độc lập Việt Nam và phản ứng của giới công đoàn hiện chưa được nhà nước Việt Nam chấp nhận này trước phát biểu của ông Đinh La Thăng, nhà quan sát từ Sài Gòn nêu quan điểm:
“Tôi nghĩ rằng TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) sẽ là cơ hội cho công đoàn độc lập, tuy nhiên hiện nay mọi người cũng nghĩ rằng TPP không phải là dễ dàng và vì thế nếu không có TPP thì công đoàn độc lập vẫn là ngừng.”
“Tức là trong tình hình hiện nay, tất cả các quyền vẫn nằm trong tay Đảng Cộng sản và tôi không thấy có dấu hiệu là Đảng Cộng sản có ý định nhường bất cứ lãnh vực gì cho người ngoài đảng. Cho nên không có TPP thì đừng nói chuyện công đoàn độc lập.”
“Trong một thời gian mà tôi mường tượng được, xa vài chục năm thì tôi không biết, nhưng trong vòng 5 năm thì tôi không nghĩ (là có công đoàn độc lập).”
“Còn nếu có TPP, đó là một điều kiện, thì công đoàn độc lập sẽ có thể ra đời được, tuy nhiên ngay cả công đoàn độc lập đó nó có thực sự ‘độc lập’ hay không cũng là một dấu hỏi,” nhà quan sát từ Sài Gòn nói thêm với BBC.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160827_dinhlathang_union_strike_comments

Loa phường Hội An bị nhiễu sóng tiếng Hoa

Sau các đài phát thanh ở Huế và Đà Nẵng, giờ đây đến lượt hệ thống loa phường ở thành phố Hội An bị nhiễu sóng tiếng Hoa kéo dài, khiến các giới chức nháo nhào tìm biện pháp nâng cấp các bộ loa.
Truyền thông trong nước cho hay sự việc xảy ra lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy 27/08 tại phường Cẩm Châu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Vào lúc đó, nhiều người nghe thấy loa phường ở chợ Bà Lê phát toàn tiếng Hoa. Hiện tượng này kéo dài gần nửa giờ. Ban đầu, họ tưởng loa phường phát nhầm chương trình hay có chương trình bằng tiếng Hoa. Sau đó, nhiều người kinh ngạc vì “chương trình tiếng Hoa” được phát khá lâu.
Bà Trương Thị Nguyệt Cầm, trưởng đài truyền thanh truyền hình thành phố Hội An, nói đây là một vụ hệ thống phát thanh địa phương bị nhiễu sóng. Không chỉ riêng khu vực chợ Bà Lê, một vài loa khác của phường Cẩm Châu cũng bị nhiễu sóng như vậy. Do sự việc xảy ra vào ngày nghỉ, phường không có người theo dõi cho nên vụ nhiễu sóng này kéo dài lâu. Đến khi được người dân báo tin, các giới chức mới cử chuyên viên kỹ thuật đến các loa bị nhiễu sóng để sửa chữa.
Vẫn theo bà Nguyệt Cầm, hiện tượng nhiễu sóng tiếng Hoa đã xảy ra một lần nhưng chỉ kéo dài chừng 5 phút. Sự việc đã được báo cáo lên thành phố Hội An, và bà Cầm cho biết đài phát thanh đề nghị thành phố giải quyết vụ này bằng cách cấp kinh phí nâng cấp các bộ loa phường.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/loa-phuong-hoi-bi-nhieu-song-tieng-hoa.html

Côn đồ đập phá nhà, hành hung người tố cáo công ty gây ô nhiễm

Nhà chức trách huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai hôm Chủ Nhật 28/08 cho biết đang điều tra vụ một nhóm côn đồ xông vào nhà đập phá tài sản và hành hung một người đàn ông, từng tố cáo một công ty ở địa phương gây ô nhiễm môi trường.
Nạn nhân là anh Nguyễn Trí Quốc 35 tuổi, ngụ tại xã Vĩnh Tân. Theo tường thuật của báo Dân Việt, trước đó vào khoảng 9 giờ tối Thứ Bảy 27/08, khi anh Quốc đang ở trong quầy tạp hóa tại nhà, thì thấy một chiếc xe 7 cỗ hiệu Toyota Inova dừng trước cửa. Tài xế ngồi yên trên xe, trong khi 6 người khác trên xe bước xuống cầm theo gậy sắt, xông vào quầy tạp hóa. Một trong những người này bất ngờ đá vào mặt anh Quốc gây thương tích, máu tuôn ướt áo. Thấy những người còn lại cầm gậy sắt xông tới, anh Quốc bỏ chạy vào trong nhà lánh nạn. Trong lúc người nhà anh hoảng sợ la lên, nhóm côn đồ quay sang đập phá tủ kính, hàng hóa và các tài sản khác trong quầy hàng. Đập phá một lúc, nhóm người này mới lên xe bỏ đi.
Anh Quốc được người nhà đưa đến bệnh viện Đa Khoa Thống Nhất ở thành phố Biên Hòa cấp cứu. Theo bác sĩ điều trị, vết thương của anh Quốc rách sâu và rộng, nên các bác sĩ phải khâu 2 lớp với 11 mũi. Theo lời kể của anh Quốc, thời gian gần đây, anh từng tố cáo một công ty giải quyết chất thải nguy hại đóng tại địa phương gây ô nhiễm môi trường. Anh nghi vụ nhóm người đi xe hơi đến hành hung và đập phá có liên quan đến việc anh tố cáo công ty này.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/con-do-dap-pha-nha-hanh-hung-nguoi-cao-cong-ty-gay-o-nhiem.html

Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt?

Hiện nay không rõ Trịnh Xuân Thanh-cựu phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, người làm thua lỗ hơn 144 triệu Mỹ kim tại Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam- đang ở đâu. Ngay cả những lãnh đạo chính quyền tỉnh Hậu Giang cũng không rõ tông tích ông này. Có nguồn tin nói rằng, ông này đã bị cục cảnh sát điều tra tội phạm bắt vào ngày 26/8.
Trước tin đồn Trịnh Xuân Thanh bị bắt, báo chí đã liên lạc với lãnh đạo chính quyền CSVN tại tỉnh Hậu Giang. Trả lời báo Tuổi trẻ vào chiều ngày 27/8/2016, Đồng Văn Thanh-phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết, đã hơn một tháng nay, Trịnh Xuân Thanh không có mặt ở ủy ban nhân dân tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng không hề nghe bất cứ tin tức gì của Thanh từ các cơ quan trung ương.
Cũng theo Đồng Văn Thanh, kể từ sau khi Đoàn kiểm tra Trung ương vào Hậu Giang làm việc, Trịnh Xuân Thanh không còn xuất hiện, ngay cả những cuộc họp quan trong như họp ban chấp hành đảng bộ tỉnh. Lần sau cùng mà người ta thấy Thanh xuất hiện tại Hậu Giang là chiều ngày 13/7, khi phái đoàn của Ủy ban kiểm tra Trung ương vào tranh tra ông này. Từ đó cho đến nay, phòng làm việc của Thanh tại trụ sở ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang luôn đóng cửa.
Trong khi đó, phóng viên báo Dân Trí đã liên lạc với Trần Công Chánh-Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, thì lại được cho biết: “Ông Trịnh Xuân Thanh đang xin nghỉ phép mấy hôm, hiện tại chúng tôi chưa nghe thông báo gì mới về ông Trịnh Xuân Thanh”.
Những tin tức bất nhất về Thanh như trên chỉ làm cho những tin đồn thêm dậy sóng.
Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà trên Facebook của mình vào khoảng 21h30 ngày 26/8 cho biết, lúc 16h ngày 26/8, tại khu biệt thự cao cấp Ciputra, Tây Hồ- Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng C.46 của bộ công an đã tiến hành khám xét nhà Trịnh Xuân Thanh. Ông này được biết có rất nhiều tài sản có giá trị. Ngoài chiếc xe Lexus, tòa biệt thự Ciputra có giá trị đến gần 1,5 triệu Mỹ kim. Theo nhà báo Hương Trà, Thanh bị câu lưu tại tư gia từ hai ngày nay. Đến 23h30 thì công an đưa Trịnh Xuân Thanh đi.
Trịnh Xuân Thanh bị điều tra vì liên quan đến những sai phạm thời còn làm tại Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam. Đích thân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu điều tra làm rõ những sai phạm. Việc điều tra những sai phạm Trịnh Xuân Thanh theo dư luận là để đánh vào Nguyễn Tấn Dũng. Có thể việc đánh Thanh như là con tốt thí, nhằm cứu vãn niềm tin của dân chúng vào chính quyền.
Theo Ngọc Quân/SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/ong-trinh-xuan-thanh-da-bi-bat.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?