Tin Việt Nam – 31/08/2016

No sub-categories
Tin Việt Nam – 31/08/2016

Chính phủ Việt Nam

phản đối người dân xúc phạm Thủ tướng Campuchia

Hà Nội khẳng định những ý kiến bình luận trên Facebook được cho là của một số người Việt về Thủ tướng Campuchia không phản ảnh quan điểm của Việt Nam.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình tuyên bố như vừa nêu vào hôm 30 tháng 8. Ông Lê Hải Bình còn nhấn mạnh rằng Việt Nam rất coi trọng tình hữu nghị và hợp tác với Campuchia, đồng thời không đồng tình bất kỳ ai sử dụng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm, kích động, hay chia rẽ hai quốc gia láng giềng.
Đây là phản hồi của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước cáo buộc của Bộ Ngoại giao Campuchia rằng trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số bình luận, được cho là của người Việt, đã xúc phạm Thủ tướng Hun Sen, liên quan đến lập trường của Phnom Penh trong vấn đề Biển Đông.

Việt Nam – Campuchia họp bàn phân giới cắm mốc

Đại diện của hai nước hôm qua, 30/8, đã gặp nhau ở Phnom Penh để bàn về chuyện phân định biên giới, sau khi Campuchia cáo buộc Việt Nam “lấn chiếm đất trên vùng biên”.
Đại diện phía Việt Nam là ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia của Bộ Ngoại giao, còn trưởng đoàn phía Campuchia là Bộ trưởng cao cấp phụ trách công tác biên giới Var Kimhong.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, hai bên đã “kiểm điểm tình hình triển khai công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia trong giai đoạn vừa qua” cũng như “trao đổi cởi mở và thẳng thắn một số vấn đề phát sinh trong công tác quản lý biên giới giữa hai nước”.
Tin cho hay, đôi bên đã nhất trí sẽ “tiếp tục trao đổi về các nội dung liên quan đến việc mời chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ giải quyết dứt điểm các đoạn biên giới chưa phân giới cắm mốc, nhằm đạt kết quả khách quan, khoa học, chính xác và phù hợp với các hiệp định hoạch định biên giới giữa hai nước”.
Nhận định với VOA Việt Ngữ về cuộc họp này, ông Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới chính phủ, nói:
“Với tư cách là người đã từng trực tiếp tham gia trong quá trình giải quyết vấn đề biên giới, đất liền giữa hai nước, đề nghị của phía Việt Nam trong việc đề xuất nên để một nước thứ ba, đặc biệt là Pháp, vào giúp cho hai bên xử lý vấn đề kỹ thuật bản đồ biên giới vì hiện nay có nhận thức khác nhau thì tôi nghĩ rằng đây là một đề nghị hết sức cầu thị, rất khách quan, bởi vì rất nhiều lý do, có thể là lý do khả năng của hai bên, độ tin cậy lẫn nhau, trong một số khu vực còn có tranh chấp. Pháp là nước thể hiện bản đồ mà hai bên dựa vào đó để làm cơ sở pháp lý để đàm phán”.
Trong khi đó, tờ The Phnom Penh Post dẫn lời ông Var Kimhong nói rằng đôi bên vẫn “bất đồng” về cách thức phân định và cắm mốc biên giới.
Mới đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo kế hoạch xây đường dọc biên giới với Việt Nam ở tỉnh Takeo, và yêu cầu chính quyền địa phương đưa dân tới đó sống, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên vùng biên.
Ông Hun Sen được trích lời nói rằng “cách tốt nhất để bảo vệ biên giới là đưa người Campuchia tới sinh sống tại các vùng biên ở phía đông, tây và bắc đất nước”.
Trước cuộc gặp ở Phnom Penh, Việt Nam bị phía Campuchia cáo buộc đã “đào ao” và “xây dựng tiền đồn”, lấn sang lãnh thổ Campuchia.

Ân xá Quốc tế lên án nhân quyền Việt Nam

Việt Nam đã giật lùi trong vấn đề nhân quyền khi kết án tù hai thanh niên Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa phổ biến một bản tuyên bố với nội dung vừa nêu, đồng thời cũng nhắc đến chính quyền Việt Nam vi phạm quyền tự do đi lại của công dân khi ngăn cản và bắt giữ những người đến tham dự phiên tòa, kể cả mẹ của nạn nhân.
Trong bản tuyên bố, Tổ chức Ân xá nhấn mạnh mặc dù Việt Nam có sự gắn kết tích cực với các tổ chức nhân quyền thế giới nhưng vẫn tiếp tục vi phạm các quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp cũng như vi phạm các điều ước quốc tế nhân quyền, điển hình mới nhất qua bản án tù đối với hai thanh niên Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền khi là thành viên của Hội đồng Nhân quyền và phải hủy bỏ bán án tù đối với hai thanh niên này cũng như trả tự do ngay lập tức cho họ.
Ngoài ra, Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng khẳng định Việt Nam vi phạm công ước quốc tế về tra tấn và đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hay hạ nhục người khác trong trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi cộng đồng thế giới cần có hành động khẩn cấp qua việc gửi lời yêu cầu đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trước ngày mùng 7 tháng 10 để thúc giục trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức đối với Trần Huỳnh Duy Thức.
Đồng thời, trong thời gian bị giam giữ, ông Thức phải được chuyển đến trại gần gia đình, được gặp gỡ với thân nhân và luật sư cũng như không bị tra tấn hay hành hạ dưới hình thức khác và được điều trị thuốc men đầy đủ khi cần thiết.

‘Người tù thế kỷ’ tiếp tục kiện ra tòa

Ông Huỳnh Văn Nén, được gọi là “người tù thế kỷ”, sẽ tiếp tục kiện ra tòa sau khi cuộc thương lượng lần ba với TAND tỉnh Bình Thuận về khoản tiền bồi thường thất bại ngày 31/8.
Một trong các luật sư của ông Nén, Phạm Công Út, cho BBC biết tòa đồng ý bồi thường khoảng 10 tỷ rưỡi cho ông Nén.
Nhưng tòa chỉ chấp nhận bồi thường 1,5 tỉ đồng chi phí kêu oan của những người khác, thay vì hơn 5,6 tỉ đồng theo yêu cầu.
Vì vậy, cuộc thương lượng kết thúc với dự kiến ông Nén cùng gia đình sẽ kiện ra tòa án thành phố Phan Thiết.
Tường thuật với BBC, luật sư Phạm Công Út nói phiên thương lượng đã xong “90%” liên quan bồi thường các thiệt hại về tinh thần, danh dự, mất thu nhập, sức khỏe…
Nhưng điểm mấu chốt không thương lượng được là việc nhóm của ông Nén yêu cầu tòa bồi thường cho những người đã đi “kêu oan” cho ông Nén suốt 17 năm.
Cụ thể là ông Huỳnh Văn Truyện (cha ông Nén), được nói là đã bán ba mảnh đất để đi kêu oan cho con.
Ông Huỳnh Trung Nghĩa (anh rể ông Nén) cũng bán 10ha đất.
Ông Nguyễn Thận, nguyên là chủ tịch xã tin rằng ông Nén bị oan, đã bán 18ha đất nuôi trồng.
Theo luật sư Phạm Công Út, chi phí đòi bồi thường của những người này là hơn 5,6 tỷ, nhưng tòa chỉ chấp nhận 1,5 tỉ.
Vì vậy, ông Nén được luật sư dẫn lời nói rằng: “Tôi không cần tiền.”
“Tôi cần trả lại sự công bằng cho những ân nhân của tôi.”
Ông Nguyễn Thận được luật sư nói là tuyên bố tại phiên thương lượng rằng “tòa sẽ thua về uy tín”.
Hôm 26/8, Nguyễn Thọ, nghi can giết người, cướp tài sản trong vụ án mạng tại huyện Hàm Tân mà ông Huỳnh Văn Nén bị kết án oan, đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên phạt 20 năm tù.
Tháng 12/2015, cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén, bị buộc tội, giam oan hơn 17 năm trong hai vụ án giết người.
Hôm 31/8, ông Nguyễn Thận, cựu chủ tịch xã Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận), người đồng hành cùng ông Nén trong hành trình kêu oan, viết trên mạng xã hội: “Cách đây đúng 16 năm, ngày 31/8/2000, Huỳnh Văn Nén nhận bản án tù chung thân. Đằng đẵng sau gần 18 năm cay đắng, tủi nhục trong cảnh tù đày và phải chịu tổn thất sức khỏe đến 63%.”

Phúc thẩm vụ vượt biên đến Úc

Phiên tòa phúc thẩm xử bốn người Việt Nam vượt biên đến Úc sẽ diễn ra vào thứ Năm 1/9, luật sư bào chữa nói.
“Sau đó thấy mức án quá cao, tất cả các bị cáo đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo,” luật sư Võ An Đôn nói với BBC Tiếng Việt.
Trong năm 2015, có hai tàu xuất phát từ Bình Thuận, mỗi tàu có 46 người tìm đường đến Úc.
Ngày 26/5, Tòa án thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận kết án tù bốn người trong vụ 46 người vượt biên đi Úc.
Bà Trần Thị Lụa bị kết án 30 tháng tù giam, bà Huỳnh Thị Kiều chịu 27 tháng tù, ông Nguyễn Minh Quyết bị kết án 24 tháng tù và ông Nguyễn Đình Quý bị kết án 24 tháng tù.
Trước đó, công an tỉnh Bình Thuận khởi tố và bắt giam bốn người, bà Trần Thị Lụa, bà Huỳnh Thị Kiều, chồng bà Kiều ông Nguyễn Đình Quý và ông Nguyễn Minh Quyết về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo Điều 275 Bộ luật hình sự.
Bốn người đã cùng đi trên một chuyến tàu gồm 46 người, cả họ hàng, anh em, từ cảng Phan Thiết ngày 1/7/2015, vượt biển đến Úc ngày 21/7/20115. Họ bị phía Úc trao trả lại Việt Nam ngày 25/7/2015.
Luật sư Võ An Đôn và luật sư Nguyễn Khả Thành nhận bào chữa miễn phí cho bốn người trong vụ án vượt biên này.
Chính phủ Úc?
Một tổ chức nhân quyền cho rằng chính phủ Úc có trách nhiệm trong vụ việc.
“Chính phủ Úc chỉ phỏng vấn họ ngắn trên tàu của Hải quân Úc và trả họ về. Quan điểm của chúng tôi là như vậy là chưa có quyết định hợp lý về việc họ có nỗi sợ thật sẽ bị truy tố khi quay về, ” ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói với BBC hôm 31/8.
“Chính phủ Úc nói với chính phủ Việt Nam không trừng phạt những người này vì họ muốn rời khỏi đất nước. Ở Việt Nam, chính phủ đồng ý. Và bây giờ chính phủ Việt Nam đi ngược lại điều đó, họ truy tố những người này và Úc đang ở đâu? Phía Úc im lặng.”
“Chính phủ Úc đã bỏ rơi những người này. Đầu tiên, là trả họ về lại nơi họ có thể gặp nguy hiểm, và thậm chí không theo dõi việc gì đang xảy ra theo cách cơ bản nhất,” nhà hoạt động nhân quyền này bình luận.
“Khi chúng tôi nêu vấn đề này với Chính phủ Úc ở Canberra, đề nghị họ đảm bảo chính phủ Việt Nam không trừng phạt những người này. Chính phủ Úc nói với chúng tôi tại sao họ phải bảo vệ những người vận chuyển người lậu. Và họ phủi tay khỏi việc đó.
“Rõ ràng là với thông tin chúng tôi nhận được, những chiếc tàu này được tổ chức theo kiểu cộng đồng truyền thống. Mọi người cùng góp tiền tiền lại và cùng ra đi. Australia nói rằng có nạn chuyển lậu người và đó là hoạt động tội phạm, nhưng điều này hoàn toàn không phải vậy. ”
Ông Phil Robertson bình luận như vậy về phiên tòa phúc thẩm ngày 1/9 với bốn người trong chuyến tàu 46 người vượt biên đi Úc.
Một vụ án vượt biên tương tự xét xử vào tháng 4/2016 có một bị cáo là bà Trần Thị Thanh Loan, bị kết án ba năm tù, trong khi đó chồng bà bị kết án hai năm tù. Trường hợp bà Loan khi đó đặt ra câu hỏi bốn đứa con của bà sẽ sống ra sao nếu cả hai vợ chồng bà phải vào tù.
Một nhà báo và một nghị sĩ Đảng Xanh từ Úc đã đến Việt Nam và tổ chức quyên góp để bốn đứa trẻ có thể được sống bên ông bà mà không phải vào trại mồ côi khi cha mẹ đi tù.
Bà Shira Sebban, một phóng viên người Úc, là người đứng ra quyên góp cho gia đình này.
Cuộc gây quỹ của bà Shira Sebban nhận được sự ủng hộ của cả người Úc, người Việt và nhanh chóng đạt được số tiền hỗ trợ cho gia đình bà Loan khi bà phải thụ án tù.
Ngày 16/8, sau cuộc gây quỹ của Shira Sebban, bà Loan nhận được Quyết định hoãn thi hành án phạt tù, thời hạn hoãn một năm, cho đến khi chồng bà thụ án tù xong quay trở về.

Diễn biến vụ đòi bồi thường vì cá chết

Luật sư trợ giúp pháp lý cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết bình luận với BBC rằng công văn hướng dẫn của chính quyền “còn mập mờ” và “dân có quyền đòi bồi thường bằng tranh chấp dân sự”.
Hiện tại, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đang tổ chức cho người dân kê khai thiệt hại theo chỉ đạo của chính phủ và công văn hướng dẫn số 6851 của Bộ nông nghiệp.
Một số luật sư tham gia Liên danh Phục vụ Công lý đang có mặt tại Hà Tĩnh để trợ giúp hàng ngàn hộ dân khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại do phía công ty Formosa gây ra.
Hôm 30/8, trả lời BBC, luật sư Nguyễn Duy Bình, Văn phòng luật sư Duy -Trinh (TP Hồ Chí Minh), người tham gia liên danh này, nói: “Các luật sư đang tư vấn giúp người dân hoàn tất thủ tục khiếu kiện và nộp đơn tại Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh.”
“Dân kiện ở tòa là đúng quy định, tuy nhiên để được tòa thụ lý là rất khó vì chính phủ đã thương lượng và nhận tiền bồi thường từ Formosa.”
Việc chính phủ tự đứng ra thương lượng, thỏa thuận tổng thể và nhận toàn bộ số tiền bồi thường từ phía Formosa là chưa đúng quy địnhLuật sư Nguyễn Duy Bình
“Nhưng chúng tôi tin rằng tòa sẽ phải thụ lý vì pháp luật đã quy định, không ai có thể cướp mât quyền khiếu kiện của người dân.”
‘Chưa có tiếng nói chung’
Luật sư phân tích thêm: “Nội dung công văn còn mập mờ, chưa xác định rõ người dân sẽ được bồi thường hay trợ giúp trong khi tiền mà chính phủ nhận từ phía Formosa là tiền bồi thường.”
“Trên nguyên tắc, chính phủ đã nhận tiền bồi thường từ phía gây thiệt hại thì sau đó phải chi trả bồi thường cho dân chứ không phải trợ giúp.”
“Dựa vào các biểu mẫu kê khai xác định thiệt hại, tôi thấy chính quyền chỉ cho phép người dân kê khai tàu, thuyền và số nhân khẩu bị mất việc, mà không có phần kê khai thu nhập bị mất thì kê khai cái gì, chẳng lẽ phía chính quyền tự xác minh thiệt hại?”
“Chính vì vậy, những ngày qua chính quyền và người dân vẫn chưa có tiếng nói chung trong việc kê khai và dân sẽ phải khiếu nại yêu cầu giải quyết những vấn đề bất hợp lý.”
Ông Bình cũng cho hay, “Theo tôi nắm được thì mỗi người dân mất việc do ảnh hưởng của thảm họa chỉ được trợ giúp tạm thời 15kg gạo/tháng, trong thời gian 6 tháng; mỗi tàu thuyền được trợ giúp 3.500.000 đồng.”
“Việc chính phủ tự đứng ra thương lượng, thỏa thuận tổng thể và nhận toàn bộ số tiền bồi thường từ phía Formosa là chưa đúng quy định.”
“Chính phủ chỉ có quyền thương lượng, nhận bồi thường phần thiệt hại của nhà nước, còn phần thiệt hại của dân thì dân có quyền tự thương lượng hoặc yêu cầu tòa án giải quyết bằng tranh chấp dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, luật sư Bình nói với BBC.
Hôm 29/8, Văn phòng Chính phủ Việt Nam thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp về tiến độ triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại cho ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Thông báo cho biết bốn tỉnh này được lùi thời hạn trình kết quả xác định mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn đến trước ngày 15/9.
Các bộ, ngành sẽ trình Thủ tướng phương án phân bổ kinh phí bồi thường, hỗ trợ trong tuần cuối tháng 9.

Giáo phận Vinh thông báo

tiếp tục ngày vì thiên nhiên môi trường

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, Ban Công Lý và Hòa Bình trực thuộc Tòa giám mục giáo phận Vinh đã ra thông báo, mời gọi tòan thể Linh mục, các tu sĩ nam nữ và bà con giáo dân trong toàn giáo phận hãy hưởng ứng ngày cầu nguyện chăm sóc cho thiên nhiên, môi trường sống vào ngày 01 tháng 9 năm 2016.
Trong thông báo có đoạn: “… Cùng với toàn thể Hội Thánh đang hướng về ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên lần thứ hai (01/9/2016), Ban Công Lý và Hòa Bình giáo phận gửi tới quý Cha và toàn thể cộng đoàn dân Chúa một vài tâm tình sau:
Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố ngày 01/9/2016, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ chủ sự giờ kinh chiều lúc 17 giờ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô. Chúng ta cùng hiệp thông với Ngài để cầu nguyện cho việc bảo tồn thiên nhiên mà toàn thể Hội Thánh và những người thiện chí đang nỗ lực ngày một hiệu quả hơn.
Thông điệp “LaUdato Si”  của Đức Thánh Cha Phanxico là giáo huấn quan trọng của Hội Thánh về việc chăm sóc thiên nhiên. Vì thế, xin quý Cha quản xứ, quý bề trên các cộng đoàn dòng tu tạo điều kiện để các giáo dân và từng người được học hỏi thông điệp, để ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc môi trường thiên nhiên.
Ban Công Lý và Hòa Bình giáo phận xin cám ơn quý Đức cha, quý Cha, các cộng đoàn dòng tu, các giáo xứ, các hội đoàn và tất cả những ai đã hưởng ứng “Ngày môi trường của giáo phận” vừa qua bằng những việc làm cụ thể, và những sự hiệp thông đáng trân trọng…”
Trong bản thông báo cũng đã nhắc lại thông điệp Laudato Si: “…Trái đất đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng, chúng ta chính là chủ nhân và chủ sở hữu nên được quyền lam dụng. Bạo lực nằm trong trái tim bị tôi lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và nơi các sinh vật. Vì thế, giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, chúng ta sẽ thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, đang rên siết và quằn quaị trong cơn sinh nở…”
Xin được nhắc lại, vào ngày 07/8/2016, hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Công Lý và Hòa Bình giáo phận Vinh về “Một ngày vì môi trường” nên đồng loạt các giáo xứ trong toàn giáo phận từ Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã đồng loạt xuống đường tuần hành kêu gọi người dân hãy ý thức với môi trường, yêu cầu nhà cầm quyền CSVN khởi tố Formosa và đuổi Formosa cút vĩnh viễn khỏi Việt Nam. Hàng chục ngàn người đã tham gia vào cuộc biểu tình này.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà cầm quyền CSVN vẫn bất chấp tiếng nói của người dân, dư luận quốc tế, vẫn bao che, sắp xếp cho công ty Formosa hoạt động trở lại.
Trong một diễn biến khác, vào ngày 30/8/2016, Đức Cha Phaolô Nguyễn thái Hợp đã về thăm giáo xứ Quý Hòa, Kỳ Anh, và tặng cho các em trong giáo xứ một số tiền rất lớn tất cả gồm 389.000.000 đồng; tặng cho các em học sinh cấp 3 được mỗi em 1 triệu đồng; học sinh cấp 2 mỗi em 5 trăm ngàn đồng, nhằm hỗ trợ cho bà con ngư dân chịu ảnh hưởng thiệt hại do Formosa gây nên. Được biết, nhiều gia đình dự tính cho con em của mình nghỉ học vì không có tiền đóng tiền học, trong khi chính quyền CSVN thì không thấy có sự trợ giúp nào cụ thể.
Nguyên Nguyễn/SBTN

Đường Sài Gòn bị sụp do nhà thầu Trung Cộng thi công ẩu

Vào ngày 4 tháng 8 2016, trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận, Sài Gòn đã xuất hiện những vết nứt sau đó phần mặt đường bắt đầu bị sụp lún kéo dài từ vỉa hè ra đến lòng đường. Đoạn hố bị sụp tại đoạn giữa cầu số 4 và 5 thuộc phường 14, rộng 40 m², sâu 3m.
Sau gần 1 tháng dò tìm nguyên nhân làm sụp, lún trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận, Sài Gòn, chiều 31-8, Sở Giao thông Vận tải có thông báo, do mối nối đốt cống số 16 bị hở đã dẫn đến việc mặt đất bị sụp lún mặt đường. Trách nhiệm thuộc về nhà thầu Trung Cộng TMEC-CHEC 3 – đơn vị thi công gói thầu số 7 thuộc dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 1.
Do công trình còn trong thời gian bảo hành, nên nhà thầu Trung Cộng TMEC-CHEC 3 phải chịu chi phí sửa chữa. Công việc sửa chữa bắt đầu từ tháng 9-2016, dự kiến hoàn thành sau 2 tháng.
Ông Lê Văn Thịnh, cựu trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, khu vực đang xảy ra sụt lún thuộc gói thầu số 10, của nhà thầu China State Construction Engineering Corporation (CSCEC) – Trung Cộng. “Bản thân nhà thầu này khi thực hiện gói thầu cũng đã gặp rất nhiều tai tiếng, thi công chậm tiến độ.
Tình trạng các nhà thầu Trung Cộng trúng thầu xây dựng với giá rẻ, sau đó là hàng loạt các trục trặc kỹ thuật, chậm tiến độ… diễn ra khắp nơi ở Việt Nam. Vẫn chưa có một hành động nào từ chính quyền CSVN để ngăn chặn những sai lầm này xảy ra trong những dự án tương lai. Dư luận cho rằng nguyên do là vì các nhà thầu Trung Cộng “…chi rất đậm và chi dễ dàng…” cho các quan chức CSVN.
Vũ Minh Ngọc / SBTN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?