Tin Việt Nam 26/08/2016

Posted on 26/08/2016

TDV Formosa03

Formosa hứa

trả số tiền bồi thường 250 triệu Mỹ kim còn lại trong tháng 8

Công ty Formosa cam kết sẽ trả số tiền bồi thường 250 triệu Mỹ kim còn lại vào tháng 8, trong khi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam vẫn chưa bắt đầu kế hoạch trả tiền bồi thường cho ngư dân chịu thiệt hại trong thảm họa ô nhiễm môi trường vừa qua.
Truyền thông trong nước cho hay tại một hội nghị hôm Thứ Sáu 26/08, Thứ Trưởng Tài Chính Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Hữu Chí cho biết công ty Formosa đã chuyển vào kho bạc nhà nước 250 triệu Mỹ kim tiền bồi thường, và 250 triệu Mỹ kim còn lại được Formosa cam kết sẽ chuyển trong ngày 28 tháng 8. Ông Chí cũng giải thích rằng sở dĩ cho đến nay chính quyền chưa khởi động việc trả tiền bồi thường của Formosa cho ngư dân các tỉnh, là vì trong 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại, đến nay mới có tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa ra một kế hoạch hỗ trợ, trong khi 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh chưa báo cáo. Ông Chí cho biết khi nào cả 4 tỉnh báo cáo kế hoạch hỗ trợ của địa phương mình, thì số tiền 500 triệu Mỹ kim sẽ được phân phát.
Cho đến nay, chưa có tổ chức hay cơ quan nào xác định số tiền 500 triệu Mỹ kim này là đủ để bồi thường cho những thiệt hại mà người dân Việt Nam phải gánh chịu. Ước lượng có tới gần 300,000 người đã và đang tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ thảm họa ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra. Ngư dân, giáo dân của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn đang biểu tình đòi đóng cửa vĩnh viễn và khởi tố Formosa, bất chấp thỏa thuận đền bù của công ty này với chính quyền CSVN.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/formosa-hua-tra-so-tien-boi-thuong-250-trieu-my-kim-con-lai-trong-thang-8.html

Cá bè trên sông Chà Và Vũng Tàu bị chết hàng loạt vì ô nhiễm

Hiện tượng cá nuôi ở làng bè trên sông Chà Và, xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu bắt đầu chết cả tuần lễ này. Nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm.
Mãi đến sáng ngày 26-8, khi tình trạng cá chết dày đặc, thì báo chí mới nhận được thông tin này. Cá chết lần này chủ yếu là cá chim và cá bớp. Hầu hết số cá chết đều ở các bè nuôi ở tiểu khu 8. Bè nhà ông Trịnh Văn Năm, nuôi 8,000 con cá bớp, 10,000 con cá chim. Ông Năm cho biết cá có biểu hiện đốm đỏ trên mình, trắng mình, rồi bỏ ăn hàng loạt. Đến nay, gần 2 tấn cá bớp nuôi được 8 tháng đã bị chết.
Bè nhà bà Lê Thị Tuyết Hồng đầu tư 700 triệu đồng nuôi cá. Những ngày qua cá lồng bè của bà Hồng chết sạch. Do cá chết nhiều nên người dân vớt đổ đầy ở gần sông Chà Và, gây mùi hôi thối nồng nặc
Còn bè cá nhà ông Huỳnh Văn Sa, nuôi 13,000 con cá chim, với 8 lồng đã nuôi được khoảng hơn 5 tháng, cá chết giờ chỉ còn 3,000 con, ước thiệt hại khoảng gần 600 triệu đồng. Bình thường cá chim thương lái mua với giá 195,000 đồng/kg, đến giờ cá lờ đờ, bỏ ăn thương lái chỉ mua với giá chỉ 30,000 đồng đến 40,000 đồng/kg.
Mọi năm, khu vực này hiện tượng cá chết hàng loạt diễn ra không nhiều. Nhưng đợt năm nay cá lại chết nổi trắng các bè. Cũng theo các nhà bè, nhiều ngày nay nước sông có nhiều lớp váng nổi lên và có màu đỏ. Nguyên nhân là do 14 công ty chế biến hải sản đóng tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) xả chất thải ra sông Chà Và.
Người dân ở đây kể lại, vào tháng 9-2015, hàng chục nhà dân nuôi cá bè trên sông Chà Và trở thành con nợ, không có khả năng chi trả do cá chết vì nguồn nước ô nhiễm. ông Nguyễn Văn An (69 tuổi, ngụ xã Long Sơn) nói: “Năm 2013, cá cũng chết hàng loạt khiến tôi trắng tay. Thấy tôi không có khả năng thanh toán vốn vay 1 tỷ đồng, những chủ nợ đã cho nhóm người xã hội đen đến nhà ép tôi giao ruộng muối gần 1 ha, ghe đánh cá trị giá 60 triệu đồng cho họ. Lần này (9-2015) lại lâm nợ, không biết sự việc sẽ đến đâu”. Sau vụ cá chết ồ ạt hôm tháng 9-2015, nhiều nhà bè nói rằng: “Nếu không nuôi cá thì chẳng biết làm nghề gì khác. Nếu họ tiếp tục xả thì ngư dân chúng tôi hết đường sinh nhai”.
Vũ Minh Ngọc / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/ca-be-tren-song-cha-va-vung-tau-bi-chet-hang-loat-vi-o-nhiem.html

VN bắt 98 kg súng và 2.000 viên đạn

trong lô hàng từ Mỹ về Tân Sơn Nhất

Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan Việt Nam, vừa tịch thu 98 kg súng và bộ phận, linh kiện súng trong lô hàng nhập từ Mỹ về Việt Nam.
Theo báo Công An, lô hàng gồm 1 khẩu súng hơi và 2.000 viên đạn được giấu trong quần áo, giày dép, máy tính, phụ tùng xe đạp…
Tin cho hay người đứng tên nhận hàng là một người đàn ông quốc tịch Việt Nam, 34 tuổi, nhưng không cho biết danh tính người này.
Cũng theo báo Công An, người nhận hàng đã không xuất trình được giấy tờ liên quan đến số vũ khí trên.
Hồi tháng 7/2015, Việt Nam cũng bắt được lô vũ khí quân dụng cực lớn được nhập từ Cộng hòa Czech đến Tân Sơn Nhất. Lô vũ khí này cũng được cất giấu tinh vi với 94 khẩu súng ngắn quân dụng và 472 băng đạn. Vụ việc này sau đó được cho biết là đã bị “gửi nhầm” sang Việt Nam.
Theo Công An, Tiền Phong
http://www.voatiengviet.com/a/vn-bat-98-kg-sung-2000-vien-dan-trong-lo-hang-tu-my-ve-tan-son-nhat/3481926.html

Lại rớt máy bay quân sự,

Thủ tướng VN yêu cầu ‘rà soát quy trình bay’

Một máy bay quân sự huấn luyện L-39 của Việt Nam vừa bị rơi ngày hôm nay (26/8) tại tỉnh Phú Yên khiến 1 viên phi công tử nạn, nguyên nhân được Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết là do hỏng động cơ. Đây là vụ rớt máy bay quân sự thứ 3 của Việt Nam kể từ tháng 6 tới nay.
Các vụ rớt máy bay quân sự gây chết người liên tục xảy ra gần đây khiến nhiều người quan ngại về kỹ thuật và quy trình bảo đảm an toàn bay trong công tác huấn luyện quân đội Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cùng ngày đã ra công điện chỉ đạo Bộ Quốc phòng phải xác định nguyên nhân và rà soát toàn bộ quy trình trong huấn luyện, điều hành bay để tránh xảy ra tai nạn tương tự trong tương lai, đồng thời gửi lời chia buồn đến gia đình viên phi công gặp nạn.
Máy bay L-39 là loại máy bay huấn luyện chiến đấu do hãng Aero Voochody của Tiệp Khắc sản xuất từ thập niên 1960. Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết đây là loại máy bay tốt nhất của Không quân Việt Nam và hiện được sử dụng để huấn luyện phi công quân sự. Hiện Không quân Việt Nam có khoảng 40 chiếc L-39 và hầu hết phi công chiến đấu của Việt Nam đều được huấn luyện trên máy bay L-39.
Tai nạn mới nhất đã khiến học viên phi công bay huấn luyện Phạm Đức Trung, 22 tuổi, bị thiệt mạng.
Theo Báo Tuổi Trẻ, chiếc máy bay của Trung đoàn 910 đã rơi ngay sau khi cất cánh được vài phút.
Báo Thanh Niên cho biết chỉ huy bay đã ra lệnh cho phi công nhảy dù nhưng tai nạn đã xảy ra.
Chiếc L-39 đã va quẹt vào giải phân cách quốc lộ 1 trước khi rớt xuống một ruộng lúa ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, khiến lực lượng công an phải can thiệp để không xảy ra ách tắc giao thông trên đoạn đường này.
Báo Dân Việt dẫn lời Đại tá Nguyễn Đức Quý, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan không quân, Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam, xác nhận chỉ có một học viên bay đơn trên máy bay.
Báo Thanh Niên cho hay một người dân địa phương, ông Đặng Hùng, cũng đã bị sức gió của máy bay trước khi rơi đánh bật cả người và xe xuống đường khiến ông bất tỉnh. Hiện ông Hùng đã ổn định, có nhiều vết thương và chảy máy ra lỗ tai.
Trong tháng 6, Việt Nam đã xảy ra vụ rớt máy bay quân sự Su-30MK2 khiến 1 phi công tử nạn. Máy bay tìm kiếm cứu nạn CASA-212 đi tìm chiếc máy bay trên cũng đã mất tích ở vùng biển phía nam đông nam đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khiến phi hành đoàn gồm 9 người cũng được xem là “đã hy sinh”.
Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Việt
http://www.voatiengviet.com/a/rot-may-bay-quan-su-thu-tuong-vn-yeu-cau-ra-soat-quy-trinh-bay/3481850.html

VN ‘không xây dựng trên đất Campuchia’

Việc Việt Nam và Campuchia gặp nhau và đối thoại về các vấn đề biên giới, lãnh thổ là điều hết sức ‘cần thiết’, theo lời một cựu quan chức, Trưởng Ban biên giới Chính phủ Việt Nam.
Ý kiến này được Tiến sỹ Trần Công Trục đưa ra hôm 26/8/2016 khi bình luận với BBC Tiếng Việt về việc Bộ Ngoại giao Campuchia kêu gọi Việt Nam ‘chấm dứt xâm phạm biên giới’ và gửi thư cho Hà Nội cáo buộc Việt Nam ‘vi phạm’ lãnh thổ Campuchia ở một số khu vực thuộc miền Đông, như các tỉnh Kandal và Takeo.
Ngày 29/8, hai quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á theo kế hoạch sẽ có phiên họp về vấn đề này.
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Trần Công Trục phỏng đoán về diễn biến và kết quả của cuộc họp:
Chắc chắn trong lần gặp nhau đó, người ta sẽ đặt ra những nơi mà phía Campuchia nói rằng Việt Nam đã xây dựng và vi phạm Hiệp ước về quản lý biên giới, rồi Việt Nam sẽ bảo vệ và chứng minh… những điều mình làm…Tiến sỹ Trần Công Trục
“Để cầu thị, tôi nghĩ rằng hai bên cần phải gặp nhau. Tôi cho rằng giữa Việt Nam và Campuchia đã có một cơ chế đàm phán, trong quá trình nếu có những vấn đề tranh chấp thì việc hai bên gặp nhau là một chuyện hết sức cần thiết.”
“Chắc chắn trong lần gặp nhau đó, người ta sẽ nêu ra những nơi mà phía Campuchia nói rằng Việt Nam đã xây dựng và vi phạm Hiệp ước về quản lý biên giới, còn Việt Nam sẽ bảo vệ và chứng minh những điều mình làm [là đúng]“
“Nếu như quá trình đó mà thấy ai mà làm sai thì bên đó phải thay đổi, sửa đổi, thực hiện cho đúng hiệp ước đã ký kết, tức là Hiệp ước quản lý biên giới trong vùng hiện nay, trước khi có đường biên giới mới…”
“Trong thực tế giải quyết những vấn đề biên giới giữa những nước láng giềng, Việt Nam cũng làm điều tương tự, giống như giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam – Lào cũng thế.”
“Rõ ràng trong quá trình thực hiện việc phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đó, không tránh đi những hiểu lầm, thậm chí không tránh đi những tranh chấp do lợi ích của các địa phương, các đơn vị cụ thể đó, cho nên vai trò của nhà nước và chính phủ của hai bên cử ra những đoàn đàm phán chính phủ để giải quyết, tôi cho đó là điều hết sức cần thiết.”
Về quan điểm của Campuchia mới đây cho rằng Việt Nam đã ‘xâm phạm biên giới’ và yêu cầu phải ‘chấm dứt’ hành động này, trong đó có liên quan tới ‘việc đào 9 hồ chứa nước, xây dựng các tòa nhà và đường xá ở phía đông nước này (Campuchia), cũng như xây một tiền đồn ở tỉnh Kandal và một cửa khẩu trên đất Campuchia trong tỉnh Takeo”, Tiến sỹ Trần Công Trục bình luận:
“Tôi khẳng định rằng tất cả những công trình Việt Nam đang làm, những nhà cửa đang xây, những công trình thủy lợi đang làm rõ ràng là hoàn toàn nằm trên đất Việt Nam, chứ không phải nằm trên phía đất của Campuchia.”
Tuy nhiên cựu lãnh đạo Ban biên giới lãnh thổ Việt Nam cũng nói thêm:
“Tôi cũng xin nói rằng là thật sự một cách cầu thị và khách quan, hiện nay công tác phân giới, cắm mốc trên thực tế chưa hoàn thiện một cách toàn tuyến, chưa thông tuyến.”
Tôi cũng xin nói rằng là thật sự một cách cầu thị và khách quan, hiện nay công tác phấn giới, cắm mốc trên thực tế chưa hoàn thiện một cách toàn tuyến, chưa thông tuyếnTS. Trần Công Trục
“Nghĩa là đường biên giới mà hai bên đã có và chỉ ra trên thực địa cũng như đã phân giới, cắm mốc, thì chưa thông tuyến. Tức là đường biên giới đó và mốc giới đã cắm [được quản lý] theo tình hình thực tế và theo Hiệp ước quản lý biên giới trước khi hai bên thực hiện việc giải quyết phân định biên giới. Nghĩa là trước đây bên nào quản lý đến đâu, thì bây giờ bên đó cứ tiếp tục quản lý đến đấy cho đến khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc.”
“Trên thực tế đã có những nghị định thư xác định kết quả của phân giới cắm mốc thì hai bên mới bắt đầu tiến hành quản lý trên cơ sở của đường biên giới mới và mốc biên giới mới.”
“Cho nên đây cũng là một yếu tố để nảy sinh những quan điểm khác nhau, những nhận thức khác nhau về khu vực mà họ quản lý trước đây,” Tiến sỹ Trần Công Trục nói với BBC.
Trước đó, hôm 23/8, Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen đã công bố kế hoạch xây một con đường dọc biên giới Campuchia – Việt Nam và yêu cầu giới chức các tỉnh biên giới nỗ lực đưa người dân đến sống tại các khu vực gần phía biên giới Việt Nam, theo tờ báo Khmer Times.
Tổng tuyển cử ở Campuchia sẽ diễn ra tháng Bảy 2018 và Thủ tướng Hun Sen dự định tranh cử nhiệm kỳ thứ năm.
Tờ này cũng trích lời ông Hun Sen nói: “Tôi đã chỉ đạo chủ tịch tỉnh Take [tên Lay Vannak] và những lãnh đạo các tỉnh biên giới khác là cách tốt nhất để bảo vệ biên giới là đưa người Campuchia đến sống gần các biên giới phía đông, tây và bắc đất nước”.
‘Lần này rất cứng rắn’
Trả lời BBC Tiếng Việt trong một phỏng vấn gần đây, Chủ tịch Viện nghiên cứu Chiến lược Campuchia (CISS) Vannarith Chheang nhận định: “Có vẻ vấn đề an ninh biên giới lại nổi lên sau khi căng thẳng ở biên giới với Việt Nam ba tuần trước.
“Ba tuần trước, Bộ Ngoại giao Campuchia gửi một công hàm ngoại giao để phản đối Việt Nam trong trường hợp xây dựng mương trong khu vực biên giới mà cả hai nước chưa phân định,” ông nói.
Nhưng ông cũng nhận định việc Campuchia muốn xây đường xá và đưa dân cư tới các tỉnh biên giới giáp Việt Nam không phải “chiến lược mới”.
Ông nói: “Tăng dân cư sống ở khu vực này có nghĩa là cần đưa làng mạc và người dân Campuchia đến đó, vì khu vực gần biên giới Việt Nam có rất ít dân cư sinh sống vì thế nông dân Việt Nam tới thuê đất và thu hoạch trong khu vực. Ông Hun Sen cũng đưa ra chính sách không cho phép công ty Việt Nam hay cộng đồng người Việt thuê đất nông nghiệp dọc theo biên giới.”
Ông Hun Sen cần phải chứng minh ông là người bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền vì thế bất cứ điều gì mà ông nghĩ xâm phạm chủ quyền Campuchia, ông sẽ phản đối. Lần này ông rất cứng rắnÔng Vannarith Chheang
Các tỉnh Campuchia giáp Việt Nam hiện chưa có đường xá dọc biên giới là Rattanakiri, Mondulkiri, Kratie và Takeo, mà theo một quan chức từ Ủy ban Biên giới Campuchia nói vì thiếu đường xá mà “bất ổn”.
Nhà nghiên cứu Vannarith cũng nhận định vốn đầu tư xây các hệ thống đường xá và thị trấn dọc biên giới này sẽ đến từ Trung Quốc với vai trò “có lẽ sẽ là nhà đầu tư chính”, trong khi ông cũng cho rằng có việc chính trị đảng phái ở Campuchia trước các kỳ bầu cử sử dụng ‘lá bài’ dân tộc chủ nghĩa.
Ông nhận định: “Quan hệ giữa người Việt Nam và người Campuchia luôn luôn căng thẳng. Quan niệm của đa số người Campuchia về người Việt Nam khá tiêu cực, vì thế sự kiện này cũng bị khơi lên một phần vì chính trị nội bộ của Campuchia về vấn đề chủ nghĩa dân tộc. Tôi nghĩ chủ nghĩa dân tộc là lá bàn quan trọng để có thể thắng cuộc bầu cử.”
“Trong quá khứ, vị trí của đảng lãnh đạo Campuchia rất mạnh, nhưng giờ tôi nghĩ đảng cầm quyền cũng phải dùng đến lá bài chủ nghĩa dân tộc. Bởi vì kỳ bầu cử sắp đến vào năm tới, và cuộc tổng tuyển cử 2018 sắp tới. Vì thế nó cũng thể hiện chiến lược chính trị, bằng cách tăng cường chính sách dân tộc. Ông Hun Sen cần phải chứng minh ông là người bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền vì thế bất cứ điều gì mà ông nghĩ xâm phạm chủ quyền Campuchia, ông sẽ phản đối. Lần này ông rất cứng rắn.
“Trước đây ông thỏa hiệp và xuống giọng khi nói đến vấn đề biên giới với Việt Nam. Nhưng bây giờ tôi nghĩ ông sẽ rất, rất cứng rắn,” nhà nghiên cứu chiến lược từ Campuchia nói với BBC.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160826_vn_campuchia_border_disputes

Thi Hoa hậu VN: Giải trí hay văn hóa?

Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/08, BBC Tiếng Việt mời nhà thơ Vi Thùy Linh và nhà văn, dịch giả Trang Hạ bình luận về cuộc thi này và các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam nói chung.
Nhà văn Trang Hạ nói với BBC Tiếng Việt hôm 24/08 từ Hà Nội rằng nên coi các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp là hoạt động giải trí thay vì coi đó là hoạt động văn hóa như cách Việt Nam đang làm hiện nay.
“Nếu coi thi hoa hậu là hoạt động giải trí thì sẽ gỡ được rất nhiều gánh nặng tinh thần và mặc cảm của Việt Nam ngày hôm nay về hoa hậu, cũng như gỡ nghĩa vụ không cần thiết đối với người đăng quang.”
“… Cá nhân Trang Hạ cho rằng không có cô hoa hậu nào đại diện được cho Trang Hạ và 40 triệu phụ nữ Việt Nam khác.”
“Cô hoa hậu ấy chỉ đại diện cho một mình cô ấy và có thể là cho cuộc thi mà cô đó tham gia bao gồm vài chục ứng viên, hoặc thậm chí là vài trăm, vài ngàn ứng viên đi chăng nữa.”
Tuy nhiên, nhà thơ Vi Thùy Linh, trả lời trong cùng ngày, nói cô “hoàn toàn bác bỏ” ý kiến trên, và cho rằng thi hoa hậu phải được coi là một hoạt động văn hóa.
“Hoa hậu thì đầu tiên phải đẹp, nhưng vì là một biểu tượng của phái đẹp một quốc gia và là người được tôn vinh trong cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia để từ đó đại diện cho quốc gia đi ra quốc tế thì người đó chắc chắn không chỉ đẹp mà phải có phẩm cách, tri thức, đạo đức.”
“Bản thân những quy định đó của Việt Nam cũng tương ứng, tiệm cận với khá nhiều cuộc thi hoa hậu truyền thống khác ở châu Âu, châu Mỹ trong việc nghiêm cẩn về hành vi, đạo đức, học vấn, phát ngôn. Thì bản thân những điều đó hoa hậu là một sứ giả của cái đẹp, của văn hóa, bởi vậy nó không thể là cấp độ của một chương trình giải trí.”
Nhà thơ đã có 20 năm cầm bút giải thích thêm, nhiều khi các chương trình giải trí “đi theo thị hiếu số đông, và không được nâng lên ở mức chuẩn mực nữa.”
Bất bình đẳng?
Dịch giả Trang Hạ giải thích quan điểm của cô về việc nên coi thi hoa hậu là hoạt động giải trí: “Nhiều nghiên cứu về nữ quyền và phụ nữ đã chỉ ra rằng bản chất của các cuộc thi hoa hậu và người đẹp không phải là tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ nữ người ta vẫn hay tuyên truyền mà ở góc nào đó họ nhìn nhận người phụ nữ – những thí sinh tham gia, được nhìn nhận như một sex partner [bạn tình].”
“Và khi người ta nhìn bằng cái nhìn rất giới tính đó thì cái gì điều khiển người ta? Có thể loại trừ dục vọng, bản năng không? Liệu có thể khẳng định văn hóa là giá trị duy nhất?”
“Sau các cuộc thi hoa hậu cũng không có nghĩa là giá trị phụ nữ, nữ quyền lên ngôi. Như Venezuela giữ nhiều ngôi vị hoa hậu ở các cuộc thi nhan sắc đình đám nhất, nhưng đồng tiền và chính trị của họ đã trượt giá thê thảm thế nào trong mắt công chúng?”
“Và liệu với 15 cuộc thi người đẹp trong một năm thì liệu họ cứu vãn được những lỗ hổng trong xã hội, kể cả từ văn hóa, kinh tế, hay những bất an xung đột hay không?” nhà văn nói.
Cũng lấy ví dụ về Venezuela, nhưng để chứng minh quan điểm ngược lại, nhà thơ Vi Thùy Linh cho rằng, nhan sắc là một loại “nguyên khí quốc gia”, “như Venezuela là đất nước nhiều hoa hậu mà người dân đang khốn đốn vì thiếu nhu yếu phẩm hàng ngày, thì người ta vẫn nhớ đến nó một thời là một vương quốc của sắc đẹp, và đấy cũng là một niềm tự hào chứ sao”.
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về một số quan điểm nữ quyền cho rằng các cuộc thi sắc đẹp hạ thấp phụ nữ và bất bình đẳng giới, nhà thơ Vi Thùy Linh nói những ý kiến đó là “cực đoan và đầy cay nghiệt”.
“Bình đẳng ở đây không phải là 50/50. Bình đẳng ở đây là sự tôn trọng về nhân quyền. Phải nhìn nhận trong khía cạnh rất nhân văn, chứ không phải bình đẳng là phải chia việc.”
“… Người đẹp đi trên sân khấu để mọi người thưởng lãm cái đẹp đó. Tại sao không nhìn khía cạnh thưởng lãm mà lại coi đó là xác thịt, giống cái, thân thể đang phô bày hay khêu gợi tình dục? Tại sao lại nghĩ thô thiển như vậy?”
“Những cuộc thi sắc đẹp vẫn cho người ta hy vọng, sự kết nối văn hóa, biểu tương về nhan sắc chủng tộc của các châu lục hội tụ, các dòng văn hóa và khán giả được thưởng lãm.”
“Cái đẹp thuần khiết và nguyên bản cần được tôn vinh trong thế giới nhiều nhiễu loạn và lệch chuẩn này,” nhà thơ Vi Thùy Linh nói.
‘Kinh doanh vương miện’
Nhà văn Trang Hạ cho biết, là một người đã học thạc sỹ về truyền thông và nghiên cứu các đề tài về phụ nữ, cô thấy ở Việt Nam “đã hình thành thứ gọi là nền kinh tế hoa hậu”, mà cô đánh giá là điều “vô cùng bất ổn trong xã hội”.
Cô cũng chia sẻ, việc cấp phép tràn lan cho các cuộc thi sắc đẹp, hay kinh doanh hoa hậu, “hay quá nhiều hoa hậu không chịu xuống ngôi, vẫn tự xưng là hoa hậu dù đã 20 năm trôi qua, tất cả những thứ đó nó phản ánh việc hoa hậu là một món hàng.
“… Chính việc các lò đào tạo hoa hậu, các thí sinh được gọi là ‘gà nhà’ mang đi thi đấu trong các cuộc thi nhan sắc liên tục chính là biểu hiện rõ ràng nhất của nền kinh tế hoa hậu, nơi mà vương miện có sinh lời.”
Ở điểm này dường như hai nữ tác giả cùng chung quan điểm, khi nhà thơ Vi Thùy Linh cũng đánh giá các cuộc thi nhan sắc, hay giới “show biz” [kinh doanh chương trình truyền hình, giải trí] ở Việt Nam đã bị kém đi về chất lượng.
“Trong khoảng hơn một thập niên qua thì tôi thấy rằng giới show biz nói riêng ở Việt Nam cũng như các cuộc thi nhan sắc, người mẫu, hay những gì liên quan đến danh tính và danh tính bề nổi đang bị nhàm và rẻ đi bởi chính nội hàm của nó, nội dung câu chuyện của những chương trình ấy.”
“Nó rẻ đi bởi những scandal, bởi sự tự phong, sự dễ dãi, những giá trị đảo lộn, những rởm và giả.”
Nhà thơ nói thêm, việc có quá nhiều cuộc thi cũng cho thấy một xã hội thực dụng, “trong đó nhiều tham vọng và mưu cầu thực dụng. Háo danh và tham vọng vật chất được giải quyết nhanh nhờ nổi tiếng”.
“Ở Việt Nam bây giờ có nhiều người không làm nghề gì cụ thể, không được đào tạo chính thức mà rất chăm đi các cuộc thi dù chỉ để lên hình và bị loại.”
“Tôi thất vọng khi có rất ít em trẻ, thế hệ 9X và sau này, khát khao học vấn, khát khao dùng vương miện và giá trị của chiếc vương miện ấy để cống hiến cho cộng đồng mà họ mưu cầu cho cá nhân nhiều hơn.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160824_miss_vietnam_2016_comments

Tưởng bị bắt cóc, hóa ra được công an “mời”!

Một vụ công an “mời” làm việc được báo chí trong nước mô tả như một vụ bắt cóc. Công an thị xã La Gi và tỉnh Bình Thuận đã tung lực lượng trinh sát truy đuổi. Mãi đến chiều mới phát hiện ra nạn nhân bắt cóc được công an “mời”!
Câu chuyện hi hữu trên phần nào cho thấy lối hành xử theo kiểu du côn của công an CSVN.
Sự việc xảy ra vào khoảng 7h20 sáng ngày 26/8/2016. Anh Lê Hồng Phong (37 tuổi, trú tại xã Phước Hội, thị xã La Gi, Bình Thuận) chủ khách sạn, nhà hàng ở đây chở con bằng xe 4 chỗ đến trường mầm non Tuổi Thơ.
Khi vừa đến nơi, bất ngờ một toán người đi trên chiếc xe hơi 7 chỗ mang biển kiểm soát ập đến, khống chế cả hai cha con. Sau đó dùng xe của anh Phong chạy ra hướng Quốc lộ 1A về Sài Gòn.
Mặc dù bị bắt đi nhưng anh Phong vẫn kịp nhắn tin cho người nhà để báo công an. Ngay lập tức, công an thị xã La Gi và công an tỉnh Bình Thuận tung lực lượng trinh sát ra để truy đuổi.
Đến khoảng 13h cùng ngày, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết đó không phải là vụ bắt cóc trẻ con, mà anh Phong và con của mình “được” công an “mời” làm việc.
Hơn 13h, anh Phong được biết có mặt tại trụ sở công an phường Tân Phú, quận 7 (Sài Gòn) cùng một toán công an quận ở Hà Nội. Công an cho biết, anh Phong liên quan đến một vụ án làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức mà công an Hà Nội đang thụ lý điều tra. Sau một thời gian điều tra, công an Hà Nội đã vào tận La Gi để “mời” anh Phong đi làm việc theo kiểu của bọn bắt cóc. Ngay cả đứa con của anh Phong, dù không liên quan đến vụ án cũng được “mời”.
Lối hành xử giống như cách làm của bọn du côn khiến cho dư luận, báo chí tưởng nhầm đó là một vụ bắt cóc trẻ con đòi tiền chuộc.
Ngọc Quân/SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/tuong-bi-bat-coc-hoa-ra-duoc-cong-moi.html

Việt Nam sắp phải ‘thí điểm’ công đoàn độc lập?

Bắt đầu xuất hiện vài dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam, sau một thời gian cố tình trì hoãn, đang phải thúc đẩy việc “thí điểm” định chế Công đoàn độc lập – một điều kiện tiên quyết để Việt Nam được vào TPP.
Ngày 23/8/2016, tại buổi làm việc với Liên đoàn Lao Động TPHCM, Bí thư Thành Ủy TP. HCM Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Công đoàn đã tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa?”.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Kim Yến trả lời: “Chưa bao giờ!”.
Thậm chí ông Thăng còn tỏ vẻ quan tâm: “Sao công đoàn không tổ chức đình công theo luật cho công nhân?”, vì các chủ doanh nghiệp đều chấp nhận yêu cầu khi công nhân đình công, và không đồng ý khi công đoàn thương lượng, do đó việc đình công theo luật là cần thiết.
Bí thư Thăng còn cho rằng “chưa thành công là do tổ chức công đoàn chưa mạnh dạn làm việc đó”, và yêu cầu Liên đoàn Lao động TP.HCM nếu chưa tổ chức thành công thì cứ mạnh dạn tổ chức cho thành công.
Động thái trên từ Đinh La Thăng cho thấy nhiều khả năng luật lập hội sắp được quốc hội thông qua, và giờ đây chính quyền đang phải tính đến phương án “chấp nhận trong danh dự” và làm sao “cài” được người của mình vào các tổ chức công đoàn dộc lập.
Cùng lúc, giới dư luận viên bắt đầu chuyển giọng. Nếu trước đây giới này kịch liệt lên án công đoàn độc lập, ghép công đoàn dộc lập với “diễn biến hòa bình” cùng “các thế lực thù địch”, thì giờ đây bắt đầu lái sang quan điểm đánh giá về công đoàn nhà nước và Công đoàn độc lập:
“Công đoàn (nhà nước) mặc dù là một tổ chức đại diện cho công nhân, người lao động nhưng họ lại được chủ doanh nghiệp trả lương để hoạt động. Việc bị ràng buộc về mặt quyền lợi cũng như tâm lý “ăn cây nào rào cây ấy” đã khiến họ vô tình lãng quên mất chức năng của mình, thậm chí thay vì bảo vệ quyền lợi của công nhân, người lao động thì họ lại quay sang gỡ rối, đứng về phía giới chủ doanh nghiệp mỗi khi có đình công.
Căn cứ vào lý giải này thì đã đến lúc tổ chức công đoàn hiện tại cần được thay thế bởi một hình thức mới, với những cơ chế không quá phụ thuộc vào doanh nghiệp và giới chủ. Họ cần được hưởng lương và chịu giám sát của công nhân, người lao động, thực thi nhiệm vụ trên cơ sở quy định của pháp luật! Điều chỉnh sự biến tướng của tổ chức công đoàn vì thế là một yêu cầu đặt ra trong bối cảnh đất nước đang tiến lên Công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
“Việc thực thi những cam kết trong chương lao động của TPP sẽ đem lại lợi ích lâu dài đối với người lao động. Sự xuất hiện của CĐĐL (công đoàn độc lập) sẽ giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, tuy nhiên không ai có thể khẳng định tất cả các CĐĐL đều hoạt động vì mục đích tốt đẹp như vậy”.
Trong thực tế, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (VGCL) và các cấp công đoàn cơ sở của hệ thống nhà nước cũng được biết như những tổ chức hữu danh vô thực, một khâu trung gian hưởng thụ ít nhất 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp, mà chưa hề đồng thuận với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân, trong gần 1,000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Nhiều nguồn tin còn khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư, và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng, không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn, và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn.
Lê Dung / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/viet-nam-sap-phai-thi-diem-cong-doan-doc-lap.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?