Tin Việt Nam – 29/08/2016

Tin Việt Nam – 29/08/2016

Cựu giám đốc Sở Tư Pháp TP Hồ Chí Minh tuyên bố từ bỏ đảng

Một đảng viên cộng sản từng có chức vụ trong bộ máy cầm quyền tại Việt Nam hôm nay (28/8) tuyên bố từ bỏ đảng.
Thân hữu của ông Võ Văn Thôn, cựu giám đốc Sở Tư Pháp thành phố Hồ Chí Minh xác nhận tin này vào ngày hôm nay.
Tin cho biết ông Võ Văn Thôn là một trong những người tham gia phong trào sinh viên trước năm 1975 và bị đi tù Côn Đảo.
Mặc dù đã về hưu được 16 năm, nhưng ông này vẫn tham gia lên tiếng về tình hình đất nước như ký vào Kiến nghị tập thể của 61 đảng viên. Trong kỳ bầu cử vừa qua, ông tham gia tự ứng cử.
Nhà báo Võ Văn Tạo người nói chuyện trực tiếp với ông Võ Văn Thôn về thông báo ra khỏi đảng, nói với Đài á Châu Tự Do về tin vừa nêu như sau:
“Khi tôi hỏi anh Thôn thì anh nói có ký Kiến nghị 61 và vừa rồi có sự kiện anh ra tự ứng cử độc lập vào  các các cơ quan dân cử như Quốc hội là hội đồng nhân dân cấp thành phố trực thuộc trung ương. Sau khi anh tự ứng cử, người ta như thế thì các cơ quan đảng, không rõ chỉ đạo ở đâu nhưng tôi nghĩ là từ trung ương giao cho thành ủy thành phố Hồ Chí Minh rồi giao cho quận trực tiếp làm.
Anh nói hôm thứ tư ngày 24 tháng 8 vừa rồi đảng bộ có mời anh tới để nghe  chỉ đạo kiểm điểm và xử lý kỷ luật anh. Anh Thôn trình bày anh đã nghỉ hưu 16 năm nay, trước kia anh làm giám đốc sở tư pháp nhưng không ai thông báo cho anh nguyên tắc đảng viên ra ứng cử buộc phải được phép của đảng. Anh tường trình chỉ nghĩ là công dân, đảng viên thì có quyền ứng cử và anh cho rằng nếu nói là kiểm điểm thì anh thấy đó là khuyết điểm nhỏ thôi chứ đâu đến mức kỷ luật. Nhưng sau đó anh biết đảng ủy quận 3 ra quyết định kỷ luật.”

Phú Mỹ Hưng bị mùi hôi thối ‘bao vây’

Mùi hôi thối trong khu đô thị sang trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể đến từ “bãi rác”, một nhà nghiên cứu môi trường nói.
“Mùi rác không thể lẫn vào bất kỳ mùi nào cả. Và người ta dễ dàng phân biệt được mùi rác khác với mùi phân heo, phân gà và những hầm cầu…,” Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Lê Huy Bá, chuyên gia về độc học môi trường từ Sài Gòn nói với BBC Tiếng Việt.
Cư dân tại khu Phú Mỹ Hưng, phía nam Thành phố Hồ Chí Minh nói họ chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi thối bất thường.
Bà Mai Vân, một cư dân sống ở Khu Mỹ Viên, Phú Mỹ Hưng, Quận 7 nói với BBC Tiếng Việt: “Khu Mỹ Viên của tôi bị [mùi hôi] khoảng 3-4 năm nay, thường xuất hiện ở khu vực bãi xe và sân thượng. Tuy nhiên mùi chua đặc trưng từ 20 giờ tối đến sáng hôm sau thì khoảng hơn hai tuần nay. Cách đây 4-5 ngày, mùi chua biến mất. Tuy nhiên, tối hôm qua mùi hôi như thường lệ xuất hiện khoảng gần 20 giờ, 22 giờ rồi hết nhưng đến 3 giờ sáng hôm sau lại có lại.”
Bà cũng mô tả tình trạng này khiến “Tối đến phải đóng cửa, mấy đứa nhỏ nhà tôi đi học cả ngày máy lạnh, tối lại không được thở khí trời.”
Bà Mai Văn không phải người duy nhất gặp phải tình huống về mùi khó chịu này. Trong một nhóm các hộ dân Phú Mỹ Hưng lập ra trên mạng xã hội tên “Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng”, nhiều cư dân khác cũng đăng các báo cáo thời điểm khu nhà họ chịu đựng mùi khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Hôm thứ Bảy 27/8, hơn 40 hộ dân đại diện cho 18 khu phố trong khu Phú Mỹ Hưng đã làm việc với Trung tâm Dịch vụ khách hàng (thuộc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng).
Phú Mỹ Hưng nằm ở phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là khu vực nổi tiếng của những người những người có thu nhập cao và có cơ sở hạ tầng hiện đại.
Báo chí tại Việt Nam khai thác tâm điểm gây mùi hôi thối ở khu Nam Sài Gòn xung quanh bãi rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh.
Tờ Tuổi Trẻ tại Việt Nam viết: “Các nhà chuyên môn nghi ngờ rằng việc tăng khối lượng rác tiếp nhận và chôn lấp mỗi ngày ở khu Đa Phước (Bình Chánh) do Công ty TNHH Xử lý chất thải VN (VWS) quản lý sẽ làm gia tăng áp lực đảm bảo môi trường.”
‘Hướng gió’
“Khu Đa Phước là khu rác thải sinh ra mùi. Mùi rác không thể lẫn vào bất kỳ mùi nào cả. Và người ta dễ dàng phân biệt được mùi rác khác với mùi phân heo, phân gà và những hầm cầu… Nguồn phát sinh đã xác định được là từ bãi rác Đa Phước. Không có lý do để chối tội cả,” Giáo sư – Tiến sỹ Khoa học Lê Huy Bá nói.
Khi BBC hỏi có phải lượng rác tăng đột biến góp phần vào nguyên nhân gây mùi khó chịu lan đến khu dân cư, Tiến sỹ Bá nói: “Cơ bản không phải là lượng rác thải. Cơ bản nhất là cách xử lý rác thải và quản trị rác. Còn lượng rác thải cũng là một nguyên nhân gây quá tải nhà máy xử lý rác đó. Tuy nhiên với nhũng nước tiên tiến, phương pháp tiên tiến thì rác thải sẽ bị khống chế mùi, khống chế quá trình phân hủy.
“Trở lại vấn đề là vị trí của bãi rác do quy hoạch của mình cũng chưa đi trước khoảng vài chục năm, nên khi đô thị hóa tăng dần ra thì lại tiến dần dần đến bãi rác.
Nhà nghiên cứu này cũng phân tích vị trí của bãi rác Đa Phước là “nằm ở hướng gió Tây Nam, hướng gió chính của mùa này, và gió rất mạnh, đưa hơi nước từ tây nam Vịnh Thái Lan vào thì Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ mới có lượng mưa lớn như thế. Nếu hướng gió chính là hướng khác sẽ không có mùi vậy.”
“Vùng Quận 8, Nhà bè, phía Nam thành phố là bị ảnh hưởng mùi của phía Đa Phước là đúng.”
“Độ lan truyền khoảng 10-13km thì có mùi là bình thường và quá rõ. Mùi có thể đi xa đến 20-25km vẫn cảm thấy được,” tiến sỹ Lê Huy Bá nhận định
Trang tin tức Zing News đưa ra những cảnh quay video cho thấy xử l‎y rác tại Đa Phước chủ yếu là chôn lấp và dùng bạt nhựa phủ kín.
Xác định nguồn của mùi hôi?
“Với những nước tiên tiến, phương pháp tiên tiến thì rác thải sẽ bị khống chế mùi, khống chế quá trình phân hủy. Xử lý rác tiên tiến là phải chỉ còn 3-4% hoặc phải dưới 10% là chôn lấp thôi. Còn lại là tái sử dụng, tái chế. Nhưng của mình không làm được, bao nhiêu là chôn lấp hết.
“Và đây cũng là chôn lấp không hợp vệ sinh. Chôn lấp hợp vệ sinh thì là lượng chôn lấp ít. Mùi thối là phân hữu cơ, quá trình các chất bán phân hủy, các chất bốc mùi. Nếu xử lý triệt để, phân loại từ đầu thì không đến nỗi. Chôn lấp của Đa Phước là đổ đống, phó mặc cho thời tiết, nắng mưa, gió. Quá trình chôn lấp hở sẽ gây bốc mùi. Phân giải yếm khí, phân giải háu khí trộn lẫn vào nhau giữa vùng nhiệt đới thì không thể tránh khỏi mùi,” vị tiến sỹ này bình luận.
Khi BBC hỏi, có cách nào để xác định chính xác nguồn của mùi hôi gây ảnh hưởng đến dân cư, ông Lê Huy Bá nói: “Máy đo mùi vẫn có, nhưng hiện ở Việt Nam chỉ mới đo được 5-6 chỉ tiêu thôi. Nên những chỉ tiêu về mùi rác, mùi này kia thì có những chỉ tiêu chỉ lệ các chất có khác nhau người ta vẫn biết được. Các nhà chuyên môn vẫn sẽ xác định được mùi từ đâu.”
Khu liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước nằm ở khu vực huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh do công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Xử Lý Chất Thải Việt Nam vận hành. Người sáng lập công ty là ông David Dương, một Việt kiều Mỹ và cũng là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của công ty California Waste Solutions.
Khi BBC hỏi, bà Nguyễn Hồng Thu, một người đại diện cho nhóm kiến nghị xử lý vấn đề mùi hôi đến khu dân cư ở Phú Mỹ Hưng nói một trong hai nghi vấn gây mùi là bãi rác Đa Phước .
Tuy nhiên bà Thu cũng cho biết: “Nghi vấn thứ hai là nhà máy xử lý nước thải của Phú Mỹ Hưng. Việc này chúng tôi chỉ đang nghi ngờ, chưa khẳng định. Chính vì thế khi gặp Ban quản lý Phú Mỹ Hưng, chúng tôi cũng có đề nghị họ cung cấp đầy đủ thông tin về nhà máy này”.
BBC đang liên lạc và tìm phản ứng của Khu liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước.

Chủ tịch TQ đưa nhân vật thân cận tới vùng biên giáp Việt Nam

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa nhân vật thân tín tới đảm nhiệm trọng trách tại một tỉnh nằm ở vị trí chiến lược giáp với Việt Nam.
Trong một bản tin ngắn đăng hôm 28/8, Tân Hoa Xã cho biết rằng ông Tập đã bổ nhiệm ông Trần Hảo và Đỗ Gia Hào, hai người từng có thời làm việc chung với ông tới đảm nhiệm vị trí bí thư tỉnh ủy Vân Nam ở tây nam nước này, giáp với Việt Nam, cũng như tại tỉnh đông dân là Hồ Nam.
Cả ông Trần và ông Đỗ từng làm việc với ông Tập khi Chủ tịch Trung Quốc làm bí thư của Trung tâm Tài chính Thượng Hải năm 2007.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin giấu tên hiểu rõ tình hình của giới lãnh đạo Trung Quốc nói rằng “ông Tập có mối quan hệ thân cận với cả hai quan chức này”.
Theo nhận định của giới quan sát, đây được coi là cuộc “thay máu” quan trọng ở cấp lãnh đạo tỉnh trước khi Trung Quốc tổ chức Đại hội đảng 5 năm một lần vào năm 2017.
Không chỉ giáp ranh với Việt Nam, Vân Nam còn nằm sát Miến Điện và Lào.
Ngoài Vân Nam và Hồ Nam, theo Tân Hoa Xã, Tây Tạng cũng có tân bí thư.
Đưa tin về sự thay đổi nhân sự này, báo Lao Động của Việt Nam viết rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội lần tiếp theo vào mùa thu 2017, trong đó dự kiến Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ củng cố thêm quyền lực bằng việc bổ nhiệm những đồng minh thân cận vào các vị trí vòng trong của đảng, bộ chính trị và ủy ban thường vụ bộ chính trị”.
​“Thưởng công”
Vài tháng trước, việc ông Tập Cận Bình bổ nhiệm Tướng Lý Tác Thành, người được mệnh danh là “sát thủ” trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, cũng gây chú ý.
Các nhà quan sát nhận định, ông Lý được coi là sẽ giúp quân đội Trung Quốc trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, khi tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang nóng lên.
Ông Lý, 63 tuổi, được chỉ định làm tư lệnh Quân chủng Lục quân mới được thành lập của quân đội Trung Quốc. Ông là một trong số 7 vị tướng lĩnh của quân đội Trung Quốc có kinh nghiệm trận mạc.
Ông gia nhập quân ngũ năm 1970, và tin nói ông từng bị thương trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, nhưng từ chối “ngưng chiến đấu”.
Ngoài khía cạnh quân sự, các nhà quan sát cho rằng việc bổ nhiệm này giúp Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được một số mục tiêu chính trị.
Báo điện tử Một thế giới chạy hàng tít: “Trung Quốc: Tướng tham gia chiến tranh biên giới Việt -Trung được trọng dụng”.
Tờ này gọi việc bổ nhiệm của ông Tập là sự “thưởng công cho tướng trung thành”.
Còn tờ Giáo dục gọi ông Lý là một trong hai viên tướng “sát thủ” nhất trong Chiến tranh Biên giới Việt – Trung.
Theo Reuters, Lao Động, The Straits Times, Xinhua

Phó GĐ Sở TTTT Quảng Nam

bác tin loa phát thanh nhiễu sóng Trung Quốc

Loa phát thanh ở Hội An bị nhiễu sóng tiếng Anh, chứ không phải tiếng Trung Quốc, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam khẳng định với đài VOA.
Ông Võ Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam, cho VOA biết vụ nhiễu sóng tiếng Trung Quốc ở một số loa phát thanh phường Cẩm Châu, thành phố Hội An, là “do báo đưa lộn”.
Ông Thơ nói: “Không có vấn đề gì. Báo nó đưa lộn đó. Tần số của VOV nó bị nhiễu qua tiếng Anh chứ không phải tiếng Trung Quốc”.
Giới chức của Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam xác nhận với VOA rằng sự cố đài VOV bị nhiễu sóng là do “đang thử nghiệm”. Ông Võ Văn Thơ cũng khẳng định từ trước tới nay chưa hề xảy ra hiện tượng nhiễu sóng tương tự tại địa phương.
Trước đó trong ngày 28/8, báo Tuổi Trẻ đưa tin nhiều người dân ở khu vực chợ Bà Lê đã rất bất ngờ khi nghe loa phát thanh của phường phát toàn tiếng Trung Quốc trong gần nửa giờ vào trưa 27/8.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, trưởng Đài truyền thanh – truyền hình thành phố Hội An, được Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết nguyên nhân vụ việc là do sự cố nhiễu sóng. Bà Cẩm xác nhận với Tuổi Trẻ rằng sự cố nhiễu sóng tiếng Trung Quốc trước đây đã xảy ra một lần, nhưng chỉ trong khoảng 3 – 5 phút. Bà Cẩm cho Tuổi Trẻ biết Chủ tịch UBND thành phố Hội An đã “tham mưu” cho thành phố để “xử lý triệt để” hiện tượng này. Một trong những đề nghị của đài là xin cấp kinh phí để mua bộ lọc mã hóa chắn sóng chống nhiễu để cài đặt tại các đài truyền thanh xã, phường của Hội An.
Thông tin từ nhiều tờ báo Việt Nam cho biết hiện tượng nhiễu sóng Trung Quốc còn xảy ra ở các đài truyền thanh phường Cẩm Kim, Cẩm Thanh của thành phố Hội An.
Trước đây trong tháng 7, loa phát thanh phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, và loa phát thanh ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cũng đã bị tình trạng nhiễu, chèn sóng Trung Quốc.

Lào chuyển hướng, thân thiện hơn với VN?

Với chính quyền mới của Thủ tướng Thongloun Sisoulith, các nhà ngoại giao có vẻ như đang thấy một số dấu hiệu về sự thay đổi trong thái độ của Lào đối với Bắc Kinh và Việt Nam, theo Reuters.
Đáng chú ý là việc Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad, người dẫn dắt dự án đường sắt với Trung Quốc trị giá 7 tỷ USD, nay đã nghỉ hưu còn dự án này cũng bị tạm ngưng do Lào không hài lòng với một số điểm trong thỏa thuận.
Hơn nữa, “nhiều quan chức trong chính quyền mới của thủ tướng Thongloun Sisoulith từng theo học ở Việt Nam, đồng loạt tới thăm Hà Nội trong thời gian gần đây, là những chuyến công du nước ngoài đầu tiên” của chính quyền mới.
Lào trong vai trò chủ tịch ASEAN đang chuẩn bị tiếp đón các lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh Asean và hội nghị với các đối tác ở Vientiane, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama.
Theo kế hoạch, ông Obama có mặt từ 6-8 tháng Chín, là lúc ông sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ-Asean bên cạnh các cuộc họp khác.
Chuyến đi Lào của ông Obama được đánh giá là nỗ lực cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống nhằm “tái cân bằng” chính sách ngoại giao của Washington ở châu Á, “một chiến thuật được coi là nhằm đáp trả việc Trung Quốc phô trương sức mạnh kinh tế và quân sự ở khu vực,” Reuters viết.
Các nhà ngoại giao cho rằng ông Obama có thể mở rộng hơn cánh cửa tại Lào nhờ những thay đổi diễn ra tại quốc gia này hồi tháng Tư vừa rồi.
“Tân chính phủ Lào chịu ảnh hưởng từ Việt Nam nhiều hơn là từ Trung Quốc,” một nhà ngoại giao phương Tây tại Đông Nam Á nói. “Chuyện một tổng thống Mỹ tới thăm không bao giờ là điều quá muộn.”
Bài báo cũng dẫn lời chuyên gia Phương Nguyễn, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế từ Washington, nói: “Lợi ích chiến lược của Mỹ ở Lào là nhìn thấy đất nước này có thể thực thi được quyền tự trị nhất định nào đó vì người ta không muốn… [xảy ra] điều tương tự như quan hệ Trung Quốc và Campuchia.”
Ở hai trong số các cuộc gặp của ASEAN do Lào chủ trì, Vientiane đã bày tỏ thái độ khó chịu đối với láng giềng Campuchia, quốc gia ngày càng bị coi là vệ tinh của Trung Quốc.
Đầu tư kinh tế
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là quốc gia có khoản đầu tư khổng lồ vào Lào, so với Hoa Kỳ hay Việt Nam.
Trong năm 2014, Bắc Kinh đầu tư 1 tỷ USD vào Lào, và nâng lên mức kỷ lục vào năm 2015 với số tiền 4,5 tỷ USD, bài viết dẫn số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc và báo chí địa phương.
“Ở Lào, chúng tôi có khoảng 7-8 công ty so với 30–40 công ty của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc lại là một cuộc chơi khác hẳn,” người đứng đầu hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-Asean, ông Anthony Nelson được Reuters trích lời.
“Thế nên không phải là ngẫu nhiên khi các quốc gia phát triển ở mức thấp nhất như Lào và Campuchia lại là những người muốn lên tiếng bênh vực cho quan điểm của Trung Quốc trong các cuộc thảo luận quốc tế.”
Tuy nhiên, về văn hóa thì Lào gần gũi với Việt Nam hơn Trung Quốc. Các cửa hiệu kinh doanh dùng tiếng Lào và các gia đình Lào –Việt cũng hòa nhập với phong tục địa phương, trong khi các gia đình Trung Quốc thường tách biệt hơn.
Lào có vai trò quan trọng chiến lược với cả Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam có đường biên giới dài trên đất liền với Lào, có thể giúp tới được thị trường Thái Lan và xa hơn. Với Trung Quốc, Lào là cánh cửa quan trọng để với tới Đông Nam Á trong chiến lược thương mại “con đường tơ lụa mới” của nước này, theo bài báo.
Lào đang phát triển hàng loạt thủy điện ở dòng sông dài nhất thế giới, sông Mekong, với mục tiêu trở thành quốc gia cung cấp điện năng cho châu Á.
Tuy nhiên, các nhà khoa học và môi trường Việt Nam bày tỏ lo ngại trước dự án Don Sahong trên dòng chính sông Mekong tại Lào, sau đập Xayaburi.
Dự án thủy điện của Lào “có khả năng cản đường cá đi”, gây tác động xấu tới nguồn cá và hệ sinh thái dòng chảy sông Mekong, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về nghiên cứu biến đổi khí hậu nói với BBC Tiếng Việt hôm 21/08.
Đập thủy điện này đã được bắt đầu thi công vào tháng 10/2015 được cho là sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Quỹ Singapore mua cổ phần Vietcombank

Quỹ đầu tư của Singapore, GIC Pte Ltd, hôm thứ Hai nói sẽ mua 7,73% cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng có mức vốn hóa cao nhất Việt Nam.
Theo thỏa thuận ghi nhớ được ký kết hôm 29/8 giữa hai bên tại Diễn đàn Doanh nghiệp Singapore-Việt Nam, GIC sẽ mua gần 306 triệu trong tổng số gần 360 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ mới của Vietcombank như một phần trong thương vụ không được tiết lộ tổng giá trị.
Tuy nhiên, một số nguồn tin nói rằng số tiền trong giao dịch này là vào khoảng 400 triệu đô la Mỹ, theo Wall Street Journal.
Tin tức nói thỏa thuận được trông đợi sẽ hoàn tất vào quý tư năm nay.
“Khoản đầu tư này cho thấy sự tin tưởng của chúng tôi đối với tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam,” Amit Kunal, giám đốc phụ trách mảng đầu tư trực tiếp của GIC tại Đông Nam Á trong lĩnh vực cổ phần tư nhân và cơ sở hạ tầng, nói.
Hiện GIC quản lý khoảng 344 tỷ đô la, theo Viện Quỹ đầu tư Quốc gia (Sovereign Wealth Fund Institute), và là quỹ quản lý đầu tư quốc gia lớn thứ tám trên thế giới.
Quỹ này hồi tháng trước cảnh báo về tình hình môi trường đầu tư khó khăn, lâu nay đã tìm kiếm cơ hội tại các thị trường đang nổi, theo Wall Street Journal.
Hồi đầu năm nay, GIC đã đồng ý đầu tư 387 triệu đô la vào PT Trans Retails, một nhà bán lẻ và là hãng điều hành chuỗi siêu thị ở Indonesia.
Hồi 2013, cùng với tập đoàn tài chính Ayala Corp của Philippines, quỹ chi 680 triệu đô la để mua gần 10% cổ phần tại Ngân hàng Philippines Islands, là đơn vị tài chính chuyên cho vay lớn thứ ba của Philippines.
Giới đầu tư nước ngoài quan tâm
Với thương vụ mới, Vietcombank nay có thêm một nhà đầu tư nước ngoài nữa, bên cạnh Ngân hàng Nhật Bản Mizuho vốn đã nắm 15% cổ phần.
Hồi 2011, việc đầu tư hơn 567 triệu đô la Mỹ vào Vietcombank là khiến Mizuho trở thành nhà đầu tư nước ngoài chi nhiều tiền nhất tính đến tới thời điểm đó trong hoạt động mua bán-sáp nhập tại Việt Nam.
Quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong mỗi ngân hàng Việt Nam được giới hạn ở mức tối đa là 30%, và thỏa thuận giữa GIC với Vietcombank sẽ cần được giới chức phê chuẩn trước khi có giá trị thực hiện.
Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức trong chuyến thăm chính thức ba ngày của Chủ tịch nước Việt Nam tới Singapore, 28-30/8/2016; lễ ký kết giữa GIC với Vietcombank được thực hiện sự chứng kiến của Chủ tịch Trần Đại Quang và Bộ trưởng Công Thương Singapore Iswanran.
Thỏa thuận mới giữa Vietcombank và GIC cho thấy sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng, Wall Street Journal nói.
Hồi cuối năm ngoái, tập đoàn Singha của Thái Lan đã đạt thỏa thuận chi 1,1 tỷ đô la mua cổ phần của một số công ty con thuộc tập đoàn Masan của Việt Nam.
Trong tháng Bảy vừa rồi, chính phủ Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về quyền sở hữu của nước ngoài tại Vinamilk, vốn đã áp dụng từ lâu nay, một quyết định mà Wall Street Journal đánh giá là sẽ càng làm tăng sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài.

Ngư dân miền Trung sắp được nhận tiền bồi thường

Việt Nam chuẩn bị trả tiền bồi thường cho các ngư dân tại bốn tỉnh miền Trung bị thiệt hại vì thảm họa môi trường gây cá chết hàng loạt.
Đó là nội dung được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu lên trong một cuộc họp của chính phủ Việt nam sáng nay tại Hà nội.
Sau cuộc họp một bản thông cáo của văn phòng chính phủ được đưa ra, theo đó bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế, sẽ báo cáo số thiệt hại của các tỉnh này lên chính phủ chậm nhất là vào ngày 15 tháng chín tới đây.
Còn về chuyện ai sẽ được nhận tiền bồi thường, thì thông cáo của chính phủ cho biết ngoài ngư dân chịu thiệt hại một cách trực tiếp, các chủ tàu và người làm thuê trên các chiếc tàu đánh cá có công suất máy 90 mã lực trở lên cũng sẽ được nhận tiền. Ngoài ra những người làm việc ở các vựa tôm cá, kho đông lạnh, xưởng sản xuất nước mắm, các trang trại nuôi cá tôm cũng sẽ được nhận tiền.
Thông báo của chính phủ cũng yêu cầu Bộ tài nguyên môi trường công bố vị trí các vùng biển chưa an toàn, đó là Vịnh Sơn Dương ở Hà Tĩnh, Cửa Nhật Lệ ở Quảng Bình, Hòn Sơn Chà ở Thừa Thiên Huế.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ y tế thì phải tiếp tục lấy mẫu hải sản đưa đi phân tích để xem có an toàn hay chưa.
Đặc biệt là các lô hải sản đánh bắt được sau ngày 22 tháng tám, sẽ được công bố chất lượng công khai trong và ngoài nước.
Ngày 22 tháng tám là ngày mà Bộ tài nguyên môi trường công bố nước biển tại bốn tỉnh miền Trung đã sạch có thể tắm được, tuy nhiên lại nói là chưa chắc chắn rằng hải sản có thể ăn được vào lúc đó.
Công ty thép Formosa đóng tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, do người Đài Loan làm chủ, đã thải chất độc làm hàng chục tấn cá bị chết tại vùng biển bốn tỉnh miền Trung vào cuối tháng tư năm nay. Sau đó Formosa đã công nhận gây ra thảm họa môi trường này và hứa sẽ đền bù một số tiền trị giá 500 triệu đô la Mỹ cho Việt Nam.
Thảm họa môi trường này đã làm cho hàng ngàn ngư dân và gia đình bị mất việc làm, đang chờ trợ giúp của nhà nước.
Cách đây mấy hôm, Hiệp hội thủy sản Việt Nam cũng cho biết rằng nhiều hợp đồng xuất khẩu hải sản của Việt Nam bị đối tác nước ngoài hủy bỏ vì lo ngại cá tôm bị nhiễm độc sau tai họa môi trường Vũng Áng.

Tổng thống Pháp sang thăm Việt Nam

Chuyến công du Việt Nam của tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ diễn ra từ ngày 5-7/9 tới đây.
Mạng báo Thanh niên loan tin này hôm qua, 28 tháng 8, dẫn nguồn từ Tổng lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Lịch trình làm việc của tổng thống Francois Hollande tại Hà Nội vào ngày 6 tháng 9 sẽ có những cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam: chủ tịch nước Trần Đại Quang, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân và tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng.
Ông tổng thống Pháp sẽ có bài nói chuyện về hướng hợp tác Pháp – Việt tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tại Sài Gòn, nguyên thủ Pháp sẽ gặp gỡ doanh giới Pháp.
Quan hệ Pháp – Việt
Chuyến làm việc của ông Francois Hollande tại Việt Nam là lần thứ tư một nguyên thủ Pháp kể từ thập niên 90 công du đất nước từng là cựu thuộc địa của Pháp trước kia.
Năm 1993, tổng thống Francois Mitterand thăm Việt Nam, và tổng thống Jaques Chirac công du Việt Nam hai lần: một lần vào năm 1997, và lần sau là năm 2004.
Hồi đầu tháng, chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang trong trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AFP, nói rõ Việt Nam hy vọng Pháp và những nước khác giúp Hà Nội trong việc giảm căng thẳng tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông.
Năm 2013, Pháp và Việt Nam ký kết đối tác chiến lược với nhau, trong đó có nội dung tăng cường hợp tác quốc phòng.

Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế

tố cáo việc gia tăng đàn áp ở Việt Nam

Nghị quyết của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế đưa ra trong tuần tố cáo tình trạng gia tăng đàn áp ở Việt Nam kể từ sau đại hội đảng cộng sản lần thứ 12 vào tháng giêng năm nay.
Nghị quyết của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế được thông qua tại kỳ họp thứ 39 diễn ra ở Johannesburg, Nam Phi từ ngày 23-27/ 8 vừa qua.
Theo nghị quyết vừa nêu thì tình tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam do nhà cầm quyền Hà Nội thực hiện mang tính hệ thống và được hệ thống hóa. Cùng với biện pháp bắt giữ tràn lan và những án tù nặng dành cho những nhà bất đồng chính kiến cũng như các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, sự đàn áp khốc liệt những cuộc biểu tình ôn hòa, và sách nhiễu hằng ngày đối với những cộng đồng tôn giáo không được nhà nước công nhận, chính phủ Việt Nam tiếp tục thực thi luật lệ cho phép những hành xử tùy tiện và luật hóa nạn sách nhiễu những quyền con người được quốc tế công nhận.
Bản nghị quyết được nhất trí thông qua bởi 178 thành viên của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế còn bày tỏ quan ngại về thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh gây nên. Việc này được cho là bao gồm mọi khía cạnh về tình hình nhân quyền ở Việt Nam như đàn áp những cuộc biểu tình, và rõ ràng nhà cầm quyền tìm cách bóp nghẹt sự trỗi dậy của ý thức về nhân quyền trong nước.

Quyền giám sát của người dân đối với nhân viên Nhà nước

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
Dư luận xã hội bàn tán rất nhiều về phát biểu của quan chức ngành CA về quyền giám sát hành vi thực thi pháp luật của nhân viên Nhà nước.
Quyền hạn của người dân
Trong cuộc họp ngày 15/8/2016, Thiếu tướng Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cảnh sát giao thông, Bộ CA khẳng định rằng:“Chúng ta ra đường xử lý vi phạm được các cấp có thẩm quyền cho phép, nên người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch, chuyên đề hay kiểm tra tem kiểm định của máy bắn tốc độ là không đúng, họ không có quyền như vậy”.
Ngay sau đó, Thiếu tướng Trần Thế Quân  – Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính Tư pháp – Bộ Công an cho rằng, nếu người dân yêu cầu được kiểm tra các tài liệu nghiệp vụ là không khả thi.
Các phát biểu trên đã vấp phải sự tranh cãi của các học giả cũng như dư luận xã hội.
Xét về quy trình, nghiệp vụ của ngành công an thì ông ấy nói đúng quy trình. Nhưng ông ấy nói sai ở chỗ người dân có quyền kiểm tra pháp nhân của cảnh sát giao thông. 
- Nhà báo Nguyễn An Dân 
Từ Nghệ An, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh cho rằng, việc giám sát là cách thức tốt để cho người dân và viên chức nhà nước có thể thực hiện quyền của mình. Bà nói với chúng tôi:
“Tôi nghĩ là ông Trần Sơn Hà có phát ngôn như vậy là ông ấy đã vi phạm hiến pháp, bởi vì phần 2 điều 8 hiến pháp 2013 quy định: ‘Người dân có quyền giám sát cán bộ’. Giám sát ở đây ta phải hiểu là ta có quyền kiểm tra công việc của cán bộ làm”.
Từ Sài gòn, nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng, phát biểu của ông Thiếu tướng Trần Sơn Hà là chỉ đúng một nửa. Theo ông kế hoạch tuần tra, kiểm tra chuyên đề, lệnh hay thẻ tuần tra… là những văn bản làm căn cứ để CSGT thực hiện nhiệm vụ. Ông giải thích:
“Xét về quy trình, nghiệp vụ của ngành công an thì ông ấy nói đúng quy trình. Nhưng ông ấy nói sai ở chỗ người dân có quyền kiểm tra pháp nhân của cảnh sát giao thông. Thứ 2 là trong nghiệp vụ công an nói chung, không phải cái gì người dân cũng được phép biết, và có những chuyện không nên cho người dân biết, cái đó tôi đồng ý”.
LS. Lê Công Định không đồng ý với phát biểu của Thiếu tướng Trần Thế Quân, theo ông quan điểm đòi hiến pháp phải ‘có điều khoản quy định cụ thể, chi tiết về từng trường hợp người dân được kiểm tra hay không được kiểm tra cảnh sát giao thông’, mới cho phép thực thi quyền giám sát của công dân, đó là việc nguỵ biện. Trả lời RFA qua thư điện tử, ông phản bác:
“Đó là việc vừa nguỵ biện để bao che cho sự lộng quyền của cảnh sát giao thông, vừa bộc lộ sự khiếm khuyết nghiêm trọng trong tư duy và kiến thức pháp lý, đặc ­biệt về ngành luật hiến pháp, của người lãnh đạo Cục Pháp chế tại một Bộ quan trọng về chấp pháp của Quốc gia”.
Nhà báo Nguyễn An Dân thấy rằng, dưới góc độ pháp lý thì việc giám sát quyền lực nhà nước phải bắt đầu từ cơ quan dân cử, có nghĩa là Quốc hội và Hội đồng Nhân dân phải tăng cường trách nhiệm giám sát của mình. Theo ông pháp luật cần phải quy định rõ là người dân được quyền giám sát những cái gì? Ông chỉ rõ:
“Những cái gì thuộc về danh mục bí mật quốc gia thì công bố rõ ra bằng luật. Nó cũng phải có những giới hạn, vì trong chính trị quốc gia và an ninh quốc gia thì không phải những gì anh cũng được quyền nói ra, và không phải cái gì cũng nên công bố ra ngoài cho người ta biết”.
Theo báo Tiền Phong, LS. Nguyễn Anh Tuấn – Công ty luật TNHH Trường Lộc cho rằng, phát biểu cho rằng người dân không có quyền kiểm tra CSGT là trái với Luật Công an nhân dân. Theo ông, Luật Tiếp cận Thông tin được Quốc hội thông qua tháng 4/2016 đã quy định: ‘Mọi công dân có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời’. Tại điều 10 còn cho phép công dân được tiếp cận mọi thông tin được cơ quan nhà nước công khai và có quyền yêu cầu nhà nước cung cấp thông tin.
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính tư pháp – Bộ Công an, để tìm hiểu về vấn đề này nhưng không nhận được hồi đáp.
Giải pháp nào?
Khi được hỏi cần có các giải pháp nào để tăng hiệu quả trong việc thực hiện quyền giám sát quyền lực nhà nước của dân chúng?
Luật sư Lê Công Định khẳng định:
“Giải pháp tốt nhất là cơ quan công quyền phải tôn trọng quyền công dân như hiến pháp quy định, đừng viện cớ luật chưa ban hành hay hướng dẫn cách thực thi quyền công dân,… để hạn chế hay tước đoạt nó.”
Cô giáo Hạnh cho rằng, người dân phải phát huy cao độ quyền giám sát, mọi nơi, mọi lúc. Theo bà, khi người dân được quyền giám sát thì đương nhiên người dân đã được thực hiện những quyền hiến định của mình. Bà nói:
“Người dân được nói lên tiếng nói của mình, kể cả tiếng nói đó là bất đồng chính kiến thì người dân vẫn được nói. Hơn nữa chính người cán bộ đó khi được người dân chỉ ra những cái lỗi, những cái sai… thì người cán bộ đó mới có cơ hội để mà thay đổi, học hỏi và như thế là một cách rất tốt”.
Nhà báo Nguyễn An Dân thấy rằng, ở VN cần phải có Tòa án Hiến pháp để xem xét và bãi bỏ những luật, những nghị định, thông tư… trái với Hiến pháp. Và để người dân có thể khởi kiện ở Tòa án Hiến pháp khi bị xâm hại các quyền và hiến pháp. Ông tiếp lời:
Giải pháp tốt nhất là cơ quan công quyền phải tôn trọng quyền công dân như hiến pháp quy định, đừng viện cớ luật chưa ban hành hay hướng dẫn cách thực thi quyền công dân,… để hạn chế hay tước đoạt nó.”
- Luật sư Lê Công Định
“Các cơ quan viện kiểm sát, tòa án và cơ quan công an từ cấp Trung ương đến địa phương cần phải bỏ cơ chế liên ngành. Như vậy họ trở nên độc lập với nhau để họ giám sát và chế tài quyền lực nhà nước vi hiến, vi phạm pháp luật. Cần phải có cơ chế ‘cung cấp thông tin cho nhà báo’ và cần quy định rõ cần cung cấp cái gì, và bất kỳ thông tin nào mà xã hội quan tâm thì phải cung cấp”.
Về việc người dân cần làm gì để thực hiện quyền giám sát nhà báo Nguyễn An Dân cho biết thêm:
“Cái đó là cần thiết, tuy nhiên nhân dân cần chủ động hơn. Thí dụ như họ phải tìm, họ phải gặp những người Hội đồng Nhân dân, rồi Đại biểu Quốc hội của họ để mà kiến nghị. Cái kiến nghị đó nó đúng hay sai, hay nó có hiệu quả hay không là một vấn đề khác, nhưng mà phải làm những vấn đề này, ngoài chúng ta công bố ra công luận, chúng ta cũng phải công bố đến cho những người đang đại diện cho mình. Còn họ xử lý hay không, xử lý đến đâu thì đó là chuyện khác.”
Theo Infonet online, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TP. HCM), khẳng định rằng tinh thần ‘Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra’ được thể hiện và thực hiện bằng nhiều hình thức trên nguyên tắc phù hợp với quy định của pháp luật và không gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác. Việc trao cho người dân cái quyền được kiểm tra ngay tức khắc CSGT là hơi bất tiện và dễ bị người dân lạm dụng. Nhưng, nếu không trao cho người dân cái quyền này thì CSGT có nhiều cơ hội hơn để lạm quyền. Vì vậy, cần phải nghĩ đến một hình thức khác, mà dù có muốn cả 2 bên cũng không thể ‘lạm’ được.

Việt Nam và Cambodia

bắt đầu đàm phán về tranh chấp biên giới

Bộ trưởng đặc trách các vấn đề biên giới của Cambodia, ông Va Kimhong, hôm 29/08 cùng với Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Lê Hoài Trung bắt đầu cuộc đàm phán, nhằm giải quyết các tranh chấp còn tồn tại ở vùng biên giới giữa hai nước.
Phái đoàn quan chức hai nước gặp nhau tại tòa nhà Hội Đồng Bộ Trưởng ở thủ đô Phnom Penh. Hãng tin Reuters cho hay, các ủy ban của hai bên đang xem xét một bản dự thảo thỏa thuận đã được thủ tướng hai nước chấp thuận. Thỏa thuận bao gồm việc cả hai bên yêu cầu Pháp trợ giúp vẽ bản đồ biên giới, sau khi có tin Việt Nam đã đào ao và xây dựng trạm gác trên lãnh thổ Cambodia.
Biên giới giữa hai nước đã được thiết lập dựa trên bản đồ có từ thời thuộc địa Pháp. Hai nước dự trù thiết lập 317 cột mốc biên giới vào trước cuối năm nay, và sau đó sẽ bắt đầu đàm phán về biên giới trên biển. Cambodia đã chi hơn 16 triệu Mỹ kim để tạo ra các cột mốc, nhưng chưa làm đường giao thông đến nhiều nơi có cột mốc.
Đảng đối lập Cambodia đã hối thúc chính phủ Hun Sen ngừng tiến trình phân giới cắm mốc cho đến sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018. Phe đối lập cáo buộc rằng chính phủ đã để một vùng đất rộng lớn ở biên giới lọt vào tay Việt Nam. Ông Hun Sen đã trả đũa bằng cách bỏ tù Nghị Sĩ Hong Sok Hour và Dân Biểu Um Sam An của Đảng Cứu Quốc Cambodia vì những phát ngôn của họ liên quan đến vấn đề tranh chấp biên giới với Việt Nam.
Huy Lam / SBTN

Báo Ấn Độ : Thủ tướng Modi thăm Việt Nam

để khẳng định vai trò của New Delhi ở Đông Nam Á

Báo chí Ấn Độ hôm nay, 29/08/2016 tiết lộ một số nội dung về chuyến ghé thăm Việt Nam của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 03/09 tới đây nhân dịp ông đến Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu. Đối với báo chí Ấn Độ, mục tiêu của ông Modi chính là khẳng định sự hiện diện của nước này trong khu vực Đông Nam Á vào lúc Trung Quốc không che giấu tham vọng bành trướng tại Biển Đông.
Chính sách chung của Ấn Độ hiện nay đối với Việt Nam là sẽ tăng thêm phần giúp đỡ quân đội, cả trên phương diện tài chính lẫn huấn luyện, trợ giúp trong lĩnh vực không gian, đầu tư nhiều hơn cũng như mua thêm phần hùn trong các lô dầu khí.
Một số nguồn thạo tin đã cho Economic Times biết là đỉnh cao chuyến công du kéo dài một ngày tại Việt Nam của thủ tướng Ấn Độ sẽ là việc ký kết hợp đồng cung cấp bốn chiếc tàu tuần tra cho quân đội Việt Nam, trong khuôn khổ ngân khoản 100 triệu đô la tín dụng được thông qua nhân chuyến thăm Ấn Độ của thủ tướng Việt Nam vào tháng 10/2014.
Ngoài ra, Ấn Độ có thể trợ giúp thêm Việt Nam về mặt tài chánh để nâng cao năng lực quân sự, như tăng số lượng cán bộ lực lượng vũ trang được Ấn Độ đào tạo, hỗ trợ thêm trong việc sửa chữa và bảo trì thiết bị quân sự. Sự giúp đỡ về mặt quốc phòng của New Delhi cho Hà Nội nhằm mục đích tăng cường năng lực của quân đội Việt Nam.
Theo Economic Times, trong khối ASEAN, cùng với Singapore, Việt Nam là một trong hai đối tác chiến lược hàng đầu của Ấn Độ. Mọi người đều chú ý đến quan hệ đối tác quốc phòng Ấn-Việt ngày càng tăng, nhưng bên cạnh đó, hai nước còn hợp tác với nhau trong lãnh vực an ninh hàng hải và an ninh mạng. Một kết quả quan trọng của chuyến thăm Việt Nam sắp tới đây của ông Modi có thể là một tài liệu về hợp tác an ninh mạng.
Theo ghi nhận của Economic Times, quan hệ thân hữu giữa New Delhi và Hà Nội đã trở nên gắn bó hơn trong một thập niên gần đấy trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng và lộ rõ tham vọng ở khu vực Đông Nam Á trong đó có Biển Đông.
Việc ông Modi chọn ghé thăm Việt Nam, một bên tranh chấp ở Biển Đông, trước khi đến Trung Quốc, rồi sau đó là Lào để tham dự các hội nghị với ASEAN và khối Thượng Đỉnh Đông Á EAS, tự nó đã mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?