Tin BiểnĐông – 29/08/2016

Tin BiểnĐông – 29/08/2016

Tổng thống Philippines sẵn sàng

« tạm gác » phán quyết Biển Đông

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phải chăng đang áp dụng sách lược vừa cứng, vừa mềm với Trung Quốc ? Sau khi cho biết là sẽ dùng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông khi đàm phán với Trung Quốc, vào hôm nay, 29/08/2016, ông lại tung ra tín hiệu trái ngược khi cho biết sẵn sàng tạm gác phán quyết qua một bên khi giải quyết tranh chấp Biển Đông với Bắc Kinh.
Theo báo chí Philippines, trong bài phát biểu của mình nhân một buổi lễ ở Libingan, có mặt đại sứ Trung Quốc Triệu Kiến Hoa, ông Duterte đã nói thẳng với vị khách mời rằng ông không muốn đi đến chiến tranh với Trung Quốc, và ông sẽ giữ im lặng trên vấn đề tranh chấp Biển Đông vì điều đó có thể dẫn đến việc đình chỉ các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Báo Philippine Star trích nguyên văn lời ông Duterte như sau : « Tôi sẽ không sử dụng phán quyết trọng tài vào lúc này, nhưng một ngày nào đó tôi sẽ ngồi trước mặt đại diện của quý quốc hay chính ngài, và khi đó tôi sẽ bộc lộ quan điểm của tôi và tôi sẽ nói rằng tôi không thể nào từ bỏ nội dung của phán quyết đó, và đó là phán quyết trọng tài ».
Ngày 26/08, tổng thống Duterte cho biết là trong cuộc hội đàm nhiều giờ với đại sứ Trung Quốc tại Manila, ông đã nói đến việc không thể từ bỏ nội dung của phán quyết của Tòa Trọng Tài.
Còn hôm nay, tổng thống Philippines đã đề nghị thêm với Trung Quốc là hai bên cùng nên « hạ cánh êm nhẹ » trong mọi lãnh vực. Ông cũng không ngần ngại nói đùa là ông muốn có thêm thời gian để cho Philippines kịp xây dựng lực lượng của mình chống lại Trung Quốc.
Tổng thống Duterte cũng không ngần ngại yêu cầu thẳng đại sứ Trung Quốc là Bắc Kinh phải chú ý đến hoàn cảnh khó khăn mà ngư dân Philippines phải chịu khi đánh bắt quanh các vùng biển tranh chấp.
Tổng thống Philippines kêu gọi Trung Quốc đối xử với người Philippines như là anh em, vì bản thân ông cũng có « dòng máu Trung Hoa » trong người.

Người Việt tại Pháp kiến nghị

Trung Quốc tôn trọng phán quyết về Biển Đông

Trên trang web change.org dành riêng cho những kiến nghị trên mạng, đã xuất hiện một bản kiến nghị đòi hỏi « Tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ngày 12/07/2016 liên quan đến tranh chấp Biển Đông ». Kiến nghị viết bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Việt do CRAFV (Hội đồng đại diện các hội Pháp-Việt) đề xướng.
Bản kiến nghị tố cáo những hành động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông từ nhiều thập kỷ qua. Trước hết là việc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Đến năm 1988, đến lượt Đá Gạc Ma (Johnson Reef) thuộc Trường Sa, năm 1995 Trung Quốc chiếm giữ Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và xây lên một căn cứ hải quân. Năm 2012 bãi cạn Scarborough của Philippines lọt vào tay Bắc Kinh.
Đáng chú ý là năm 2012 Trung Quốc đã cắt đứt dây cáp một tàu thăm dò của Việt Nam, năm 2014 cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những hành vi đánh đắm tàu đánh cá Việt Nam, bắt cóc ngư dân…tiếp diễn trong nhiều năm. Và từ năm 2014 Bắc Kinh đã cho xây dựng các hòn đảo nhân tạo cùng với cơ sở hạ tầng có thể phục vụ mục đích quân sự tại quần đảo Trường Sa.
Kiến nghị nhắc lại phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye (PCA) ngày 12/07/2016 đã khẳng định « đường lưỡi bò » do Trung Quốc tự vẽ để yêu sách chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, bác bỏ lý lẽ « quyền lịch sử », đồng thời buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc phá hoại hệ sinh thái biển. Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết.
Bản kiến nghị viết : « Với mục đích ủng hộ duy trì hòa bình thế giới, chúng tôi, công dân Pháp và châu Âu, gốc Việt, Việt kiều và những người Việt sống ở Việt Nam kêu gọi các cơ quan chính trị Pháp, châu Âu và toàn thế giới tìm các biện pháp thích hợp để yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ». Đồng thời « dừng mọi hành động xây dựng bất hợp pháp các đảo nhân tạo, sách nhiễu ngư dân Việt Nam ».
Sau khi thu thập chữ ký, bản kiến nghị sẽ được gởi đến tổng thống, ngoại trưởng và Quốc hội Pháp, chủ tịch Nghị viện Châu Âu và Ủy ban Châu Âu, đại sứ tại Pháp của các nước Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và các nước ASEAN khác, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đại diện Đài Loan, các cơ quan truyền thông Pháp và châu Âu.
Trả lời RFI Việt ngữ, ông Vũ Ngọc Cẩn, chủ tịch MCFV (Mouvement des Citoyens Français d’origine Vietnamienne – Phong trào Công dân Pháp gốc Việt), một hiệp hội là thành viên của CRAFV đã cho biết thêm một số chi tiết liên quan đến kiến nghị.

Phán quyết về Biển Đông : Việt Nam cân nhắc phản ứng

Ngày 12/07/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện về Biển Đông của Philippines, bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này. Tuy cũng là một quốc gia có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, nhưng Việt Nam lại có phản ứng thận trọng, chỉ đưa ra một tuyên bố ngắn ngọn ngày 12/07, trong đó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói rằng Việt Nam “hoan nghênh” việc Tòa Trọng tài đã ra phán quyết nói trên, nhắc lại lập trường của Việt Nam là “ ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình”, đồng thời tái khẳng định của chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Lê Hải Bình lúc đó cho biết Việt Nam “sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết”.
Thế nhưng, đã hơn một tháng rưỡi kể từ khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, người ta vẫn chưa thấy bản tuyên bố của Việt Nam về nội dung phán quyết này, cho thấy là giới lãnh đạo Hà Nội đang cân nhắc rất nhiều, có lẽ vì họ chưa lường hết được những tác động của phán quyết ngày 12/07 đến chủ quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.
Trong một bài viết đăng trên trang Asia Maritime Transparency Initiative ( của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS ) ngày 18/08/2016, tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn, Sài Gòn và tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế của đại học này đã phân tích những thách thức của phán quyết Tòa Trọng tài với Việt Nam.
Theo nhận định của hai tác giả, ngoài Philippines, Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ phán quyết của tòa, cho nên việc đã hơn một tháng rồi mà Hà Nội vẫn chưa đưa ra quan điểm chi tiết về phán quyết khiến nhiều nhà quan sát Việt Nam khó hiểu. Một số người cho rằng tiếp theo phán quyết ngày 12/07, Việt Nam nên kiện Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa. Cho tới nay Trung Quốc vẫn từ chối mọi thương lượng với Việt Nam về Hoàng Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam từ năm 1974.
Hai tác giả bài viết cho biết chính phủ Việt Nam không muốn làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, vì điều này có thể làm phức tạp việc thực hiện mục tiêu cốt lõi của Việt Nam ở Hoàng Sa, đó là bảo vệ chủ quyền trên quần đảo này. Hà Nội chủ trương duy trì nguyên trạng, cho dù rõ ràng là Việt Nam ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị có thể được sử dụng vào mục đích quân sự lẫn dân sự.
Theo hai tác giả Trương Minh Huy Vũ và Nguyễn Thành Trung, Hà Nội sợ rằng mọi sự leo thang căng thẳng với Trung Quốc có thể làm thay đổi nguyên trạng theo hướng bất lợi cho Việt Nam.
Cho tới nay, chiến lược của Việt Nam là tránh đưa ra một lập trường về phán quyết của Tòa Trọng tài. Đây là được xem là chiến lược “ an toàn” nhất vào thời gian trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, vì lúc đó Hà Nội chưa biết chắc là tòa có sẽ ra phán quyết có lợi cho Philipines hay không và không biết là phán quyết này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.
Nay phán quyết đã ra hơn một tháng rưỡi, mà Việt Nam vẫn im lặng, nên hai tác giả Trương Minh Huy Vũ và Nguyễn Trung Thành đưa ra hai giả thuyết: Thứ nhất, chính phủ Việt Nam cần có thêm thời gian để đánh giá đầy đủ về tác động của phán quyết đối với Việt Nam. Để đưa ra quan điểm chính thức, nhiều cơ quan khác nhau phải xem xét kỷ lưỡng trước khi trình một dự thảo lên Bộ chính trị chuẩn y.
Giả thuyết thứ hai là chính phủ Việt Nam đang bị Trung Quốc gây áp lực yêu cầu không được đưa ra quan điểm về phán quyết. Sự im lặng này không có lợi cho Việt Nam, nhưng cũng không hẳn là một thảm họa.
Tuy vậy, theo hai tác giả của bài viết, nếu chính phủ Việt Nam không nhanh chóng tranh thủ lợi thế từ phán quyết của tòa bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, họ sẽ mất một cơ may thu hút sự ủng hộ của công luận. Các nước khác có cùng lợi ích cũng đang chờ phản ứng của Việt Nam về phán quyết. Việt Nam càng trả lời chậm thì Hà Nội càng có ít phương án để chọn lựa. Cho nên Việt Nam phải nhanh chóng nêu rõ lập trường.
Hà Nội có thể chọn phương án ủng hộ một số đoạn trong phán quyết của tòa. Tòa đã phán quyết rằng bản đồ đường “lưỡi bò” là vô giá trị và những hoạt động của Trung Quốc gây tổn hại môi trường và khiến tranh chấp thêm trầm trọng. Phán quyết này phục vụ cho các lợi ích của Việt Nam.
Nhưng phán quyết về quy chế của các thực thể ở Biển Đông không rõ ràng là có lợi cho Việt Nam, bởi vì tòa cho rằng các đảo nhỏ mà Việt Nam kiểm soát không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Việc ủng hộ một cách chọn lọc những điểm mấu chốt có thể phản ánh sự chọn lựa một cách thực dụng những quyết định nào có lợi cho Việt Nam.
Cũng theo hai tác giả bài viết, Việt Nam cũng có thể hợp tác với các nước ASEAN khác và các cường quốc khu vực để ra các thông cáo chung về phán quyết của tòa. Chẳng hạn như cùng với Indonesia, Philippines và Malaysia ra tuyên bố chung nhấn mạnh tính chất vô giá trị của bản đồ đường “lưỡi bò” và những đòi hỏi của Trung Quốc về các quyền lịch sử ở Biển Đông, vì những quốc gia đó có những lợi ích tương đồng với Việt Nam ở khu vực này. Việt Nam cũng có thể tranh thủ sự trợ giúp của Úc, Ấn Độ và Nhật, bắt đầu bằng việc ra các thông cáo chung về việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và bảo vệ môi trường biển, theo tinh thần của phán quyết. Đó là những lĩnh vực hợp tác có thể tương đối an toàn cho Việt Nam.
Trên đây là ý kiến của hai chuyên gia trong nước. Còn về phần chuyên gia người Việt ở nước ngoài, giáo sư Tạ Văn Tài ở Boston, Hoa Kỳ, thì cho rằng Việt Nam có thể không cần đưa ra phản ứng về phán quyết ngày 12/07, nhưng theo ông, nếu Trung Quốc có những hành động gì khác, chẳng hạn như lập vùng nhận dạng phòng không ở Trường hoặc có hành động tương tự như vụ giàn khoan năm 2014 ở Hoàng Sa, thì có thể kiện ngay, dựa theo phán quyết của Tòa Trọng tài:
GS Tạ Văn Tài:  Khi Trung Quốc có động tĩnh gì thì phải kiện liền, cả về Hoàng Sa. Nếu có động tĩnh về Hoàng Sa thì phải kiện để xác nhận là theo đúng tiêu chuẩn của phán quyết vừa rồi là các đảo của Hoàng Sa cũng là đá hết, tức là chung quanh những đá ấy chỉ có 12 hải lý, ông Tàu không để lấn sang vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ. Đó vụ có thể kiện liền, khi nó lại gây hấn như vụ giàn khoan.
Còn việc đòi lại lãnh thổ thì cứ phải luôn luôn làm, nhưng bây giờ thì chắc là chưa có thể lấn tới việc đó, bởi vì Trung Quốc bây giờ đang căm hờn, đang giận dữ, thành ra đừng gây gì thêm.
Nhưng nếu Trung Quốc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không ở Trường Sa, thì phải kiện liền để nói rằng những đá đó không phải là lãnh thổ quốc gia, mà theo luật quốc tế thì không phải là lãnh thổ thì không một quốc gia nào được quyền lập vùng nhận dạng phòng. Nếu Trung Quốc tuyên bố thì phải kiện liền và xin tòa án về luật biển tuyên bố rằng không phải lãnh thổ của một quốc gia thì không thể nào lập vùng nhận dạng phòng không. Tòa án có thể có đủ thẩm quyền để đưa ra một giải thích như thế và đấy sẽ là một thắng lợi của Việt Nam.
RFI: Trước mắt, về phán quyết ngày 12/07 thì theo giáo sư, Việt Nam nên đưa ra lập trường như thế nào? Có nên ủng hộ một cách có chọn lọc? Chẳng hạn như phán quyết có xác định rằng những thực thể ở Trường Sa không phải là đảo mà chỉ là đá, tức là không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Điều đó có ảnh hưởng thế đến Việt Nam không?
GS Tạ Văn Tài: Có chứ. Như tôi đã nói trong nhiều bài trước đây và trong bài mà tôi gởi cho hội nghị Nha Trang ( hội thảo về Biển Đông tại Nha Trang ngày 17/08/2016 ), vì đó là những đá, cho nên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam Trung Quốc không được quyền xía vào. Có nghĩa là những tài nguyên dưới thềm lục địa ở những vùng mà Trung Quốc chiếm các đá và xây đảo nhân tạo trên đó vẫn thuộc về các nước cận duyên Việt Nam và Philippines. Việt Nam không kiện, nhưng ăn theo, nhờ vả vào phán quyết rất có lợi trong vụ kiện của Philippines.
RFI: Như vậy theo giáo sư, Việt Nam có nên nhanh chóng đưa ra một phản ứng về nội dung phán quyết, chứ nếu để lâu thì sẽ không hưởng được cái lợi đó?
GS Tạ Văn Tài: Có thì càng hay. Chứng tỏ là Việt Nam có một lập trường mạnh mẽ. Nhưng không có thì cũng không sao cả là bởi vì phán quyết của tòa là luật quốc tế rồi, mà trong đó đương nhiên là có những phần lợi cho Việt Nam. Chả cần nói gì cả.
Quyền về thềm lục địa và vùng kinh tế đặc quyền, theo luật biển quốc tế, là không cần tuyên bố, tự nó có. Thành ra Việt Nam chả cần tuyên bố gì hết. Trung Quốc đang giận dữ thì mình chẳng cần, nếu mình ra tuyên bố chẳng khác gì dằn mặt  họ thêm.
Không tuyên bố không có nghĩa là hèn. Ngoại giao khôn khéo là mình im lặng để cho họ đở cáu đã, để cho họ “liếm cái vết thương “ đã. Nhưng tới lúc họ có hành vi xâm lấn nào đó, như tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không, thì mình phải phản ứng liền và kiện liền. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện