Tin Biển Đông – 30/08/2016

Tin Biển Đông – 30/08/2016

Chủ tịch VN: Tất cả sẽ thua nếu bùng ra xung đột ở biển Đông

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang hôm nay, 30/8, cảnh báo rằng sẽ không có ai thắng cuộc nếu xảy ra xung đột vũ trang vì tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Ông Quang nói như vậy tại một diễn đàn ở Singapore khi công du tới quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á này. Nguyên thủ Việt Nam nói thêm rằng các diễn biến gần đây tại biển Đông đe dọa tới an ninh khu vực, nhưng không đề cập cụ thể tới một quốc gia nào, dù Hà Nội gần đây bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc thực hiện các dự án xây đảo nhân tạo quy mô lớn cũng như các cơ sở quân sự trên biển Đông.
Phát biểu trước các nhà ngoại giao, các học giả và sinh viên tại sự kiện do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tổ chức, ông Quang nói rằng, với vị trí trung tâm ở Đông Nam Á, biển Đông “không những mang lại các lợi ích quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn là nơi có tuyến hàng hải và hàng không sống còn của thế giới”.
Chủ tịch Việt Nam nói thêm rằng “những diễn biến đáng ngại gần đây có tác động tiêu cực tới tình hình an ninh khu vực, đặc biệt là an toàn và an ninh hàng hải, vấn đề tự do đi lại và bay ngang qua” biển Đông.
Ông Quang cảnh báo rằng nếu “chúng ta để cho bất ổn xảy ra, đặc biệt là trong trường hợp bùng ra xung đột vũ trang, sẽ không có người thắng, kẻ thua, mà tất cả sẽ thua”.
Trong bài phát biểu của mình, ông Quang cũng nói rằng thành công của Singapore là một “bài học giá trị” cho Việt Nam trong việc xây dựng và bảo vệ quốc gia.
Chủ tịch Việt Nam thăm Singapore từ ngày 28 tới 30/8 theo lời mời của nguyên thủ nước chủ nhà. Theo tuyên bố chung, trong cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Singapore, đôi bên “khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông”.
Theo AFP, ISEAS, Channel NewsAsia, VGP

Quan chức Trung Quốc nói gì với Bộ trưởng Quốc phòng VN?

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc hôm nay, 30/8, hội đàm tại Bắc Kinh sau đó ra tuyên bố nói rằng hai nước láng giềng nên “thúc đẩy hợp tác quốc phòng và đóng góp vào hòa bình khu vực”.
Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn nói với người đồng nhiệm phía Việt Nam, ông Ngô Xuân Lịch, rằng quân đội Trung Quốc “sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như huấn luyện, phòng thủ biên giới, và các vấn đề an ninh đa phương”.
Chuyến công du của ông Lịch từ ngày 28 tới ngày 31/8 đánh dấu lần đầu tiên ông tới Trung Quốc trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng chuyến đi này “cho thấy tầm quan trọng của quan hệ quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc”.
Ông nói thêm:
“Điều đó không có nghĩa rằng quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên cao nhất. Đó là ưu tiên, nhưng mà nó không phải là tất cả. Trong điều kiện Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra khu vực này, bằng tất cả những biện pháp, kể cả quyền lực ngầm, việc đi thăm Trung Quốc không có nghĩa là làm cho quan hệ quá gần gũi, hay là nó nghiêng về một bên nào. Nó cho thấy là để thích ứng và đối phó với sự thách thức từ Trung Quốc do điều kiện địa chiến lược của mỗi quốc gia”.
Theo hãng tin nhà nước của Trung Quốc, trong cuộc gặp với ông Lịch, phía Trung Quốc bày tỏ hy vọng rằng đôi bên “có thể xử lý phù hợp các khác biệt để đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực”.
Cả Xinhua và các hãng tin chính thống của Trung Quốc đều không nhắc tới biển Đông trong các bản tin của mình, nhưng tiến sĩ Trường nhận định rằng tranh chấp lãnh hải là “một phần quan trọng” và “không thể thiếu” trong nghị trình làm việc của ông Lịch ở Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu này nói thêm:
“Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam đi Trung Quốc mà lại không trao đổi về biển Đông thì không phải là Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam. Tất nhiên ông Bộ trưởng Quốc phòng thì liên quan đến quân sự và quốc phòng, làm thế nào phải để cho quan hệ đó minh bạch và có thể dự đoán được, và có thể kiểm soát được mối quan hệ đó. Quan hệ hai nước là hợp tác, nhưng đồng thời cũng có những khía cạnh đấu tranh”.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lịch nói rằng hai nước “nên tăng cường hợp tác quân sự và đưa quan hệ quốc phòng trở thành một thành tố chính trong mối quan hệ song phương”.
Trong khi đó, tính tới 7 giờ 30 tối giờ Hà Nội ngày 30/8, truyền thông Việt Nam vẫn chưa đưa tin về cuộc hội đàm quan trọng giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và người đồng nhiệm Trung Quốc.

Chuyên gia Nhật :

Các nước ASEAN bên Biển Đông hãy đoàn kết lại !

Một số nhà phân tích đã cho rằng việc ASEAN không ra được phản ứng về phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye không phải là một triệu chứng của sự thiếu hiệu quả của khối nước Đông Nam Á, mà là một điều phù hợp với phong cách ngoại giao của ASEAN và những khiếm khuyết « lành mạnh » của luật pháp quốc tế. Nhung quan điểm này đã bị phản bác.
Trong một bài viết đăng ngày 25/08/2016 trên tuần san PacNet thuộc Diễn Đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế Mỹ CSIS, giáo sư người Nhật Masashi Nishihara, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Hòa Bình và An Ninh Tokyo, đã bác bỏ ý kiến này, cho rằng cách tiếp cận của ASEAN đối với Trung Quốc « không hiệu quả » và phản ánh một sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên có biển và thành viên lục địa.
Trong bài phân tích mang tựa đề « Một nhóm riêng cho các quốc gia ‘duyên hải’ trong ASEAN », giáo sư Nishihara cho rằng các nước Đông Nam Á có biển cần đoàn kết thành một nhóm riêng để tạo thành một tập hợp có thế lực hơn để đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
ASEAN chia rẽ đến mức bị tê liệt trước Trung Quốc
Chuyên gia Nhật Bản trước hết ghi nhận là tình trạng chia rẽ trong ASEAN hiện đã trở thành nghiêm trọng đến mức làm cho bất kỳ một cuộc đàm phán ASEAN-Trung Quốc nào cũng trở thành vô nghĩa.
Tại cuộc họp được tổ chức ở Vientiane (Lào) vào ngày 24/07, các ngoại trưởng ASEAN lại không thể nhất trí về một tuyên bố chung. Các thành viên « duyên hải » của ASEAN muốn bản Tuyên Bố Chung nhắc đến phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (PCA), bác bỏ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, trong khi Lào và Cam Bốt thì chống lại, dưới áp lực mạnh mẽ của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Bản Tuyên Bố Chung hôm sau đó đã được công bố, nhưng không đề cập đến phán quyết của tòa La Haye.
Giáo sư Nishihara đánh giá là ASEAN cần xem xét lại cách tiếp cận Trung Quốc không hiệu quả hiện nay. Hầu hết các cuộc họp gần đây của ASEAN và liên quan đến ASEAN, đều không đưa ra được các tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc là đã không tôn trọng quan sát các nguyên tắc của luật pháp trong vùng Biển Đông, bất chấp việc ASEAN và Trung Quốc đã thông qua bản Tuyên Bố về Ứng Xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002.
Mười năm sau, năm 2012, Trung Quốc đã đồng ý nâng cấp bản tuyên bố, biến nó thành một Bộ Quy Tắc Ứng Xử ràng buộc hơn. Tuy nhiên cho đến nay, không có bất kỳ thỏa thuận nào đạt được. Trung Quốc chỉ đơn giản là đã kéo dài cuộc đàm phán, trong khi tiếp tục bồi đắp và xây dựng trên các rạn san hô và bãi ngầm mà họ chiếm giữ.
Sự chia rẽ chính trị giữa các quốc gia « duyên hải » ASEAN và phe ủng hộ Trung Quốc trong khối Đông Nam Á lộ rõ lần đầu tiên vào năm 2012, khi Cam Bốt hỗ trợ Trung Quốc tại Diễn Đàn Khu Vực ASEAN để chặn không cho các ngoại trưởng ban hành một tuyên bố chung chỉ trích hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Từ khi đó, cả hai đã ngăn cản bất kỳ sự chỉ trích nào nhắm vào Trung Quốc tại các hội nghị về sau của ASEAN và liên quan đến ASEAN. Do kinh tế yếu kém, Lào và Cam Bốt bị phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Trung Quốc, do đó đã sợ không dám lên tiếng chống lại Bắc Kinh. Ngoài ra, các nước này không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, cho nên hầu như không quan tâm đến an ninh hàng hải, mà chỉ đơn giản là theo đuôi Trung Quốc.
Bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực ngày 12/07, Trung Quốc tiếp tục bám chắc lập trường của mình, gạt bỏ phán quyết gọi đấy là « giấy vụn », và thậm chí còn tiến hành một cuộc tập trận Hải Quân ở vùng Biển Đông một vài ngày trước khi phán quyết PCA được ban hành.
Hơn nữa, vào cuối tháng Bảy, Trung Quốc và Nga đã thông báo rằng họ sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào tháng Chín. Bắc Kinh cũng bác bỏ các cuộc đàm phán song phương với Philippines nếu Manila khăng khăng đòi chú ý đến phán quyết của PCA.
Nên thành lập một nhóm nước ‘duyên hải’ bên trong hay bên ngoài ASEAN
Đối với giáo sư Masashi Nishihara, tất cả các quốc gia hàng hải ASEAN – Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam – đang quan tâm không chỉ đến an toàn của đường giao thông trên biển mà còn đến nguyên tắc của pháp luật.
Khi Singapore có một tranh chấp với Malaysia về đảo Pedra Blanca, ngoài khơi Singapore, hai bên đã nhờ đến Tòa Án Công Lý Quốc tế, vốn đã phán quyết vào năm 2008 rằng đảo này thuộc về Singapore. Hai nước đều đã sẵn sàng chấp nhận phán quyết. Đó là cách vận hành cần có của pháp luật.
Trên tinh thần đó, sáu nước ASEAN đồng quan điểm, hoặc bốn thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông nên thành lập một nhóm nước ở bên trong hay bên ngoài ASEAN, để có thể tham khảo ý kiến với nhau và cùng nhau đàm phán với Trung Quốc. Điều này sẽ hữu ích hơn là các cuộc họp gồm cả 10 thành viên ASEAN, vốn sẽ bị những mâu thuẫn nội bộ làm cho vô hiệu.
Ông Nishihara khẳng định là tính chất thống nhất hoặc « trung tâm » của ASEAN không vì thế mà giảm bớt. ASEAN có nhiều mối quan tâm, trong đó có cả việc thúc đẩy thương mại và du lịch trong khu vực, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Trên các vấn đề này, ASEAN vẫn có tiếng nói chung mỗi khi cần thiết.
Các quốc gia duyên hải ASEAN có thể quyết định với nhau về cách tốt nhất để giảm căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, rồi sau đó hành động. Ví dụ, các nước này có thể tổ chức một đội tuần tra biển hỗn hợp với sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài của mình, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản. Việc tuần tra như vậy có thể góp phần kiểm soát việc phá hủy san hô trái phép và đánh bắt quá mức để bảo vệ môi trường biển.
Các quốc gia bên ngoài ASEAN cũng nên có vai trò ở Biển Đông. Ngoài các chiến dịch bảo đảm quyền tự do hàng hải, Hoa Kỳ hay Úc đã có những tuần tra không phận. Tàu Hải Quân Nhật Bản cũng tiến hành tập trận chung với đối tác Philippines, và thường xuyên ghé thăm Vịnh Cam Ranh của Việt Nam, còn Pháp thì đã kêu gọi lực lượng Hải Quân châu Âu thực hiện một cuộc tuần tra chung trên Biển Đông.
Các cơ chế khu vực như Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF), Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+, tức là ASEAN và các đối tác khu vực) sẽ không thể phát huy tác dụng và cung cấp các giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Biển Đông khi mà Trung Quốc (và những nước đi theo, bao gồm cả Nga) từ chối thương lượng.
Thay vào đó, các quốc gia đồng quan điểm trong khu vực nên tham khảo ý kiến lẫn nhau về các cách thiết thực nhằm thúc đẩy yêu cầu của mình, nhưng đồng thời giảm bớt căng thẳng.

Philippines :

Trung Quốc sẽ thiệt nếu bác bỏ phán quyết về Biển Đông

Trung Quốc sẽ « thiệt thòi » nếu không công nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm nay 30/08/2016 tuyên bố như trên.
Điều trần trước Quốc hội Philippines, ông Yasay nói : « Chúng ta cố gắng làm cho Trung Quốc đặc biệt hiểu rằng, khi tình hình yên ắng lại, rốt cuộc họ sẽ là người thua thiệt trong vấn đề này, trừ phi họ tôn trọng và công nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài ».
Ông cho biết, trước khi tiến hành đối thoại song phương, Manila muốn Bắc Kinh để cho ngư dân Philippines hành nghề tại bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đã chiếm vùng biển giàu tài nguyên này vào năm 2012, không cho ngư dân Philippines vào đánh bắt – đây là một trong những yếu tố khiến Manila phải tìm đến giải pháp trọng tài.
Ngoại trưởng Philippines tuyên bố : « Khi chúng ta khởi động đàm phán chính thức hay cam kết song phương với Trung Quốc, cần phải tiến hành trong khuôn khổ phán quyết của Tòa Trọng Tài. Chính sách của chúng ta về vấn đề này dứt khoát là như thế ».
Tuần trước, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng ông hy vọng bắt đầu đối thoại với Bắc Kinh trong năm nay.
Hôm 12/7, Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye khẳng định Trung Quốc không có « quyền lịch sử » tại Biển Đông, cho rằng yêu sách chủ quyền theo đường lưỡi bò tự vẽ là vô căn cứ. Bắc Kinh không công nhận phán quyết của tòa.
Tổng thống Mỹ gặp tổng thống Philippines tại Lào
AFP hôm nay 30/08/2016 trích tuyên bố của Nhà Trắng cho biết tổng thống Mỹ Barack Obama nhân thượng đỉnh ASEAN tuần tới tại Lào, sẽ gặp đồng nhiệm Philippines, ông Rodrigo Duterte – người đã nhiều lần đe dọa cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ.
Philippines vốn là một trong những quốc gia Đông Nam Á thân thiết nhất với Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông. Hai nước có ký kết một hiệp ước liên minh quân sự.
Nhưng từ khi lên làm tổng thống hồi tháng Năm, sau một chiến dịch tranh cử thô bạo và mị dân, ông Duterte liên tục đưa ra những lời thóa mạ – nhất là đối với đại sứ Mỹ. Ông đe dọa rút ra khỏi Liên Hiệp Quốc, cắt đứt quan hệ với Washington và Canberra.
Tổng thống Philippines bị Liên Hiệp Quốc và bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích vì đã cổ vũ các công dân tự tay sát hại những người sử dụng và buôn bán ma túy, để diệt trừ tệ nạn này. Theo con số chính thức, các vụ giết người ngoài luật pháp đã làm cho gần 2.000 người chết.
Ông Ben Rhodes, cố vấn thân cận của tổng thống Mỹ cho báo chí biết đang rất chờ đợi ông Obama bày tỏ quan ngại về những tuyên bố mới đây của ông Duterte. Theo ông, thì Hoa Kỳ thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo các nước đồng minh được ràng buộc qua các hiệp ước ; và khi có những bất đồng về nhân quyền hay những tuyên bố khó nghe, nhân các cuộc gặp gỡ Mỹ sẽ đề cập trực tiếp vấn đề.

Việt Nam nêu khả năng xét lại

quy tắc đồng thuận trong ASEAN

Được mời phát biểu tại cuộc Đối Thoại Singapore (Singapore Lecture) lần thứ 38 vào hôm nay 30/08/2016, chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã tỏ ý rất « lo ngại » về tình hình Biển Đông và kêu gọi các bên tranh chấp tiến tới một giải pháp đôi bên cùng có lợi. Trả lời một câu hỏi của cử tọa, người đứng đầu Nhà Nước Việt Nam đã không loại trừ khả năng sửa đổi quy tắc đồng thuận trong ASEAN, một quy tắc đang gây tranh cãi.
Hiện đang viếng thăm chính thức Singapore trong ba ngày, chủ tịch nước Việt Nam đã được mời đọc diễn văn tại cuộc Đối Thoại Singapore do Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tổ chức. Cử tọa gồm hơn 500 người, từ giới hoạch định chính sách cho đến các nhà nghiên cứu, cùng nhiều quan khách khác
Ông Trần Đại Quang là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam được mời phát biểu tại Đối thoại Singapore, một vinh dự từng được dành cho một số lãnh đạo như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Trong diễn văn của mình, khi đề cập đến vấn đề nóng bỏng là Biển Đông, chủ tịch nước Việt Nam đã nêu bật một tình hình rất « đáng quan ngại », với vấn đề tranh chấp chủ quyền đang đe dọa tự do, an ninh và an toàn hàng hải, cũng như làm xói mòn lòng tin, tác hại đến hợp tác trong khu vực. Ông nhấn mạnh : « Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang, thì không có kẻ thắng, người thua, mà tất cả cùng thua ».
Đối với ông Trần Đại Quang, để duy trì ổn định trong khu vực, tất cả các quốc gia phải cùng nhau hành động, và các tranh chấp cần phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế – trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – bình đẳng, cùng có lợi.
Gián tiếp chỉ trích Trung Quốc
Theo ghi nhận của báo Today tại Singapore, chủ tịch nước Việt Nam đã ám chỉ những hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông khi nêu bật các thách thức nghiêm trọng mà khu vực đang phải đối phó, trong đó có vấn đề « tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo ». Đối với ông Quang : « Tính chất nghiêm trọng của các thách thức rất đáng lo ngại khi tư duy đề cao sức mạnh, coi sử dụng vũ lực như một giải pháp, vẫn còn tồn tại ».
Điểm đáng chú ý là phát biểu vào hôm nay, chủ tịch nước Việt Nam đã không ngần ngại gợi ý rằng Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN có thể tìm kiếm thêm những cơ chế ngoại giao khác nhau để bổ sung cho quy tắc đồng thuận hiện hành.
Cần « bổ sung » nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN
Trả lời câu hỏi của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Yusof Ishak, về nhận định của Việt Nam liên quan đến những khó khăn mà ASEAN gặp phải gần đây trong việc đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông, ông Quang đã cho rằng các thành viên ASEAN cần tìm kiếm thêm các cơ chế ngoại giao mới.
Theo báo Today, chủ tịch nước Việt Nam đã nói ngắn gọn như sau : « Chúng ta đều biết rằng nguyên tắc đồng thuận được ghi trong Hiến chương ASEAN… Nhưng với sự phát triển mới, chúng ta có thể xem xét và bổ sung nguyên tắc (đồng thuận) bằng các cơ chế khác ».
Trả lời báo Today, ông Lê Hồng Hiệp cho rằng chủ tịch nước Việt Nam có vẻ rất cởi mở trước khả năng điều chỉnh phương pháp làm việc của ASEAN hoặc là bổ sung thêm một số cơ chế để xử lý vấn đề Biển Đông.
Theo ông Hiệp : « Trước lúc xẩy ra những sự cố gần đây, nguyên tắc đồng thuận rất hợp với Việt Nam và một số nước khác, vốn rất nhạy cảm với vấn đề chủ quyền. Nhưng với sự thất vọng của Việt Nam sau những diễn biến gần đây, tôi nghĩ rằng bây giờ chính phủ Việt Nam đang suy nghĩ về làm thế nào để lách được qua nguyên tắc này ».
Uy tín của ASEAN đã bị sứt mẻ vì đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra một quan điểm chung trên vấn đề Biển Đông do sự chống đối của một số quốc gia thành viên có quan hệ gần gũi với Trung Quốc – đặc biệt là Cam Bốt – bị cho là đã răm rắp chiều theo áp lực từ Bắc Kinh.

Tokyo khẳng định Senkaku là lãnh thổ lịch sử của Nhật Bản

Quần đảo Senkaku là lãnh thổ lịch sử của Nhật Bản. Trước yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga hôm nay 30/08/2016 khẳng định với hãng tin Reuters như trên.
Ông Suga cũng cho biết là Tokyo muốn giải quyết bất đồng về lãnh thổ một cách hòa bình.
Hồi tháng Ba, Nhật Bản đã đưa vào hoạt động một trạm radar tại biển Hoa Đông gần Đài Loan, nhờ đó thu thập được thông tin về hoạt động hàng hải tại các vùng biển lân cận quần đảo đang bị Trung Quốc tranh chấp. Căn cứ quân sự này đặt tại Yonaguni, phía cuối một chuỗi đảo của Nhật, và cách Senkaku/Điếu Ngư 150 km, là một phần trong kế hoạch triển khai phòng vệ quân sự dọc theo các đảo phía nam Nhật Bản.
Đảo Yonaguni có diện tích 30 km vuông, chỉ cách phía đông Đài Loan khoảng 100 km, gần «vùng nhận dạng phòng không » mà Trung Quốc thiết lập năm 2013.
Trong vòng 5 năm tới, Nhật Bản dự định tăng thêm một phần năm quân số tại biển Hoa Đông, lên gần 10.000 quân. Các giàn hỏa tiễn sẽ được bố trí để thiết lập một bức màn phòng thủ dọc theo quần đảo Ryukyu – một chuỗi đảo dài 1.400 km chạy từ Ryukyu đến gần Đài Loan.
Các tàu Trung Quốc rời thềm lục địa phải đi qua chuỗi đảo này để đến phía tây Thái Bình Dương. Bắc Kinh cần ngõ này vừa để vận chuyển hàng hóa trên các đại dương, vừa để triển khai lực lượng hải quân.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?