Tin khắp nơi 26/08/2016

Posted on 26/08/2016

D 866

Bà Clinton:

ông Trump ‘xúc phạm và không hiểu biết gì’ về cử tri da đen

Trong hơn một tuần lễ, ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump gọi đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, là một kẻ kỳ thị và bất khoan dung, đồng thời tố cáo bà là chỉ xem các cộng đồng Mỹ gốc Phi là những lá phiếu mà thôi, trong khi hoàn toàn làm ngơ tình trạng thất nghiệp và vấn đề tội phạm trong các cộng đồng này.
Ông Trump nói với cử tri da đen rằng nhiều thập niên dưới quyền cai trị của các chính quyền Đảng Dân chủ đã không giúp ích gì cho họ.
Ông hỏi: “thế thì quý vị mất mát gì chứ” khi bỏ phiếu cho Đảng Cộng hoà vào tháng 11?
Sau vài ngày tương đối im tiếng, hôm thứ Năm, bà Clinton đã phản ứng một cách mạnh mẽ.
Phát biểu tại Nevada, bà Clinton nói ông Trump dùng những từ ngữ “có tính cách xúc phạm và thiếu hiểu biết” khi nói về các khu xóm da đen, và chỉ thấy thất bại, giết chóc, ma tuý và các trường học tồi.
Bà nói thật đáng buồn là ông Trump không thấy được những sự thành công, chẳng hạn như những doanh nghiệp phát đạt, các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học da đen thành đạt, và những giáo hội lớn mạnh, dấn thân hoạt động trong các cộng đồng của họ.
Bà Hillary Clinton lưu ý rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã từng truy tố ông Trump về các chính sách kỳ thị sắc tộc khi ông cho mướn các chung cư cho người da đen và người Châu Mỹ La tinh, và chính ông Trump tiếp tục khẳng định ông Obama sinh quán ở Kenya thay vì chấp nhận một người da đen trong cương vị Tổng thống.
Bà Hillary Clinton nói: “Tôi đã đọc và nghe một số người nói rằng những phát biểu có tính khoa trương và bất khoan dung của ông Trump chỉ nhằm mục đích vận động chính trị – một nhân vật thái quá dùng những lời lẽ quá trớn để gây sự chú ý. Nhưng hãy nhìn vào các chính sách của ông. Những chính sách mà ông Trump đề nghị trên thực tế chỉ đưa những thành kiến ra thực hành… Đây là sự thực khó chấp nhận – không có một ông Donald Trump nào khác cả.”
Bà Hillary Clinton nói một “cánh hữu thay thế” đã khống chế Đảng Cộng hoà Mỹ. Bà miêu tả cánh hữu đó là một thành tố ngoài rìa bác bỏ chủ nghĩa bảo thủ chính thống như một mối đe doạ đối với vị trí độc tôn của người da trắng.
Bà cho rằng sự hoang tưởng và chủ nghĩa cực đoan chưa bao giờ có “một cái loa phát thanh trên toàn quốc” cho tới bây giờ. Bà chỉ trích ông Trump đã không quay lưng với những phần tử cực đoan cánh hữu như những người dẫn chương trình phát thanh có lập trường cực đoan, các chính khách mập mờ, những nhân vật theo lý thuyết chủ nghĩa và các tờ báo lá cải, kể cả những nguồn tin cho rằng bà Clinton mắc bệnh nan y và đồn đại bà sắp chết.
Ông Trump nói bà Clinton không có sức và năng lực để làm Tổng thống.
Trong khi chỉ còn 2 tháng rưỡi nữa trước cuộc bầu cử Tổng thống, hai ứng cử viên Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ đang vận động lá phiếu của các cộng đồng thiểu số. Ông Trump tìm cách thuyết phục cộng đồng Mỹ gốc Phi để họ quay lưng với bà Hillary Clinton, trong khi phần lớn thành phần này ủng hộ bà Clinton.
Cùng lúc ông Trump cũng tìm cách giảm nhẹ tính cách quyết liệt của những phát biểu của ông về người di dân đến từ Châu Mỹ La tinh, khi nói rằng không phải là tất cả thành phần sẽ bị trục xuất.
Trong tuần qua, ông Trump hứa hẹn sẽ cải thiện lĩnh vực giáo dục và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong các cộng đồng Mỹ gốc Phi, ông hứa sẽ hồi sinh các khu vực nội thành đang sa sút, nơi mà nhiều người da đen sinh sống. Tại một cuộc mít tinh ở Manchester, bang New Hampshire hôm qua, ông quy lỗi cho Đảng Dân chủ là đã thất bại, không bênh vực các cộng đồng thiểu số tại Hoa Kỳ:
“Đây là một năm mà nhân dân Mỹ, vốn bị phản bội bởi các chính sách Đảng Dân chủ, kể cả hàng triệu người Mỹ gốc Phi và các công dân Mỹ gốc Châu Mỹ La tinh, sẽ gạt sang một bên các chính khách đã liên tục thất bại, không giúp ích gì cho họ.”
Cử tri thuộc các nhóm thiểu số về phần lớn không ủng hộ ông Trump, nhưng một số người sẵn sàng dành cho ông một cơ hội:
“Bởi vì chúng tôi cần việc làm. Các gia đình da đen ở nước này có chưa tới 5000 đôla. Điều này đúng với hơn phân nửa người Mỹ gốc Phi bị thất nghiệp sống tại các vùng ngoại ô. Không phải là tất cả chúng tôi. Rõ ràng ông ta không nói về tất cả người Mỹ da đen mà trên thực tế tình cảnh của số lớn người Mỹ gốc Phi chúng tôi không mấy sáng sủa.”
Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà cũng đang ra sức ve vãn cử tri gốc Châu mỹ La tinh. Ông vẫn cam kết sẽ xây một hàng rào ở vùng biên giới Mỹ giáp với Mexico, nhưng đã rút lại lời hứa sẽ trục xuất hàng triệu di dân bất hợp pháp.
Ông Trump đã gọi bà Hillary Clinton là một kẻ nói dối và người đồng sáng lập một tổ chức khủng bố. Ông còn tố cáo bà về tội tham nhũng:
“Muốn tiếp cận hay nhận đặc ân, phải bỏ tiền mặt ra. Đó là thủ tục đầu tiên, tiền đâu? Rất nhiều người đã tặng tiền bạc cho Quỹ Clinton, đưa tiền cho ông Bill Clinton, rồi được hưởng đặc ân của bà Clinton thời bà còn ở Bộ Ngoại giao.”
Trong khi đó bà Hillary Clinton dự tính sẽ đọc một bài diễn văn tại Reno Nevada tập trung vào đề tài phát triển doanh nghiệp nhỏ, nhưng thay vào đó, bà tập trung vào ‘thành tích’ của ông Trump đối với các cộng đồng thiểu số:
“Chỉ trong tuần qua, dưới chiêu bài là tìm đến người Mỹ gốc Phi, ông Trump đã đứng trước một cử toạ về phần lớn là người da trắng, và miêu tả các cộng đồng da den bằng những lời lẽ có tính xúc phạm và không hiểu biết về họ: nghèo đói, thiếu phương tiện giáo dục, vô gia cư, không sở hữu tài sản nào, tội phạm ở mức chưa từng thấy… Ngay lúc này, ông nói chúng ta có thể đi trên một đường phố và bị nhắm bắn”.
Bà Hillary Clinton tố cáo ông Trump là giúp đỡ các nhóm nhỏ theo chủ nghĩa hận thù các nhóm thiểu số, và các thành phần cực đoan đang khống chế Đảng Cộng hoà:
“Thái độ bất cần của ông Trump đối với các giá trị đã giúp đất nước chúng ta trở thành một nước vĩ đại, thật là cực kỳ nguy hiểm.”
Ứng cử viên Đảng Cộng hoà còn cho rằng sự thiếu hiểu biết của ông Trump và tính khí quá bất định của ông khiến cho khó có thể tin cậy ông trong vai trò một nhà lãnh đạo tại một thời điểm đang xảy ra khủng hoảng chính trị.
http://www.voatiengviet.com/a/clinton-trump-xuc-pham-va-khong-hieu-biet-gi-ve-cu-tri-da-den/3481781.html

Mỹ, Nga họp bàn kế hoạch kết thúc chiến sự ở Syria

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 26/8 đã bắt đầu cuộc hội đàm ở thành phố Geneva trong một nỗ lực nhằm thương thuyết một kết thúc hòa bình cho chiến sự ở Syria.
Ông Kerry tới Ả-rập Saudi hôm 25/8 để thảo luận về những hoạt động quân sự của Mỹ tại Syria với Hoàng tử Saudi Mohammed bin Salman, cùng với những nhà ngoại giao từ Bahrain và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, nhằm tăng cường sự ủng hộ cho kế hoạch Syria trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Lavrov vào ngày 26 tháng 8.
Những vòng hội đàm trước đây giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Washington và Moscow đã không dẫn tới một kết thúc cho cuộc xung đột ở Syria, hiện đang trở nên phức tạp hơn vì sự ủng hộ của Mỹ và Nga dành cho hai phe đối địch.
Trong cuộc họp với Ngoại trưởng Lavrov, hai bên sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận về hợp tác quân sự và chia sẻ thông tin trong một nỗ lực nhằm đánh bại những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Syria – điều mà cả hai bên đều mong muốn.
Kế hoạch ban đầu của ông Kerry, được loan báo trong cuộc hội đàm vào tháng 7 ở Moscow, sẽ cho phép Washington và Moscow phối hợp những cuộc không kích nhắm vào những chiến binh Nhà nước Hồi giáo và ngăn lực lượng không quân Syria thực hiện thêm bất kỳ cuộc không kích nào nữa.
Cuộc gặp gỡ mới nhất diễn ra giữa lúc căng thẳng tăng cao ở Syria sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đầu tuần này quyết định điều xe tăng băng qua biên giới vào Syria để chiếm lại một khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo.
Những chiến binh người Kurd ở Syria được Mỹ hậu thuẫn nói rằng họ đang rút về các căn cứ của mình ở phía đông Sông Euphrates sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và những chiến binh liên minh với họ mở một cuộc tấn công xuyên biên giới. Phiến quân người Kurd vẫn là nguồn gây nên căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ xem phiến quân người Kurd là một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến ở Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ xem họ là những kẻ khủng bố liên minh với những phe phái người Kurd đòi ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một phát ngôn viên của liên minh do Mỹ dẫn đầu cho biết người Kurd đã di chuyển về phía đông “để chuẩn bị cho việc cuối cùng sẽ giải phóng Raqqa.” Tuy nhiên chưa rõ liệu tất cả lực lượng người Kurd đã rút đi hay chưa theo đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ trước cuộc tiến công. Giám đốc Đài quan sát Nhân quyền Syria ở Anh, Rami Abdel Rahman, nói với truyền thông Ả-rập rằng những chiến binh dân quân người Kurd vẫn đang chiến đấu ở phía tây Sông Euphrates và thậm chí đã chiếm giữ một số lãnh thổ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Kerry đã điện đàm với ông sáng sớm ngày 25 tháng 8 và cho biết lực lượng người Kurd Syria sẽ rút đi. Phó Tổng thống Joe Biden trong tuần này nói với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rằng người Kurd sẽ đánh mất sự ủng hộ của Mỹ nếu họ không quay trở lại qua bên kia Sông Euphrates.
Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về hoạt động quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là việc Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mục tiêu tấn công những chiến binh dân quân người Kurd. Bộ này nói rằng bằng việc nhắm mục tiêu tấn công cả Nhà nước Hồi giáo lẫn người Kurd ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục thổi bùng cuộc nội chiến ở Syria, dẫn đến “những vụ bùng phát căng thẳng liên sắc tộc giữa người Kurd và người Ả-rập.”
http://www.voatiengviet.com/a/my-nga-hop-ban-ke-hoach-ket-thuc-chien-su-o-syria/3481822.html

Chiến binh Hồi giáo tấn công nhà hàng ven biển tại Somali

Các phần tử chủ chiến Hồi giáo Al-Shabab tuyên bố nhận trách nhiệm một cuộc tấn công khủng bố hôm thứ ba nhắm vào một nhà hàng trên bãi biển ở thủ đô Mogadishu, Somalia.
Cảnh sát cho biết một quả bom cài trên xe nổ tung bên ngoài quán ăn trên bãi biển Banadir trước khi các tay súng xông vào nhà hàng và nổ súng.
Lực lượng an ninh Somali đã chạm súng với các tay chủ chiến. Một sĩ quan cảnh sát cho hay các phần tử chủ chiến bị ‘bắn hạ’, nhưng hiện chưa rõ liệu các phần tử chủ chiến đã thiệt mạng hay có người nào khác tử vong hay bị thương hay không.
Al-Shabab đã tấn công một khách sạn lân cận vào tháng Giêng, giết chết hơn 20 người.
Theo tường thuật của phóng viên Harun Maruf đài VOA, một vụ nổ khác xảy ra hôm 25/8 tại một khu chợ ở thị trấn Bardhere, miền nam Somalia, khiến 12 người bị thương trong đó có quan chức của quận và các giới chức an ninh.
Al-Shabab có liên hệ với al-Qaeda đang tiến hành một chiến dịch khủng bố nhằm lật đổ chính phủ Somali. Cảnh sát, nhân viên an ninh và các địa điểm du lịch là mục tiêu thường xuyên nhất của nhóm này.
http://www.voatiengviet.com/a/chien-binh-hoi-giao-tan-cong-nha-hang-ven-bien-tai-somali/3481124.html

Tàu Mỹ nổ súng cảnh cáo tàu Iran

Tàu Hải quân Hoa Kỳ di chuyển trong Vịnh Ba Tư buộc phải bắn pháo sáng và nổ súng cảnh cáo sau khi bị tàu bè Iran quấy nhiễu trong những lần giáp mặt ngày càng gần hơn, theo thông báo từ Ngũ Giác Đài.
Trong sự cố hôm 24/8, tàu tuần tra USS Squall bắn ba phát súng cảnh cáo xuống biển hướng về một con tàu của Iran tiến tới sát một tàu Mỹ.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Peter Cook, ngày 25/8 cho báo giới biết tàu của Iran tiến sát tàu USS Tempest của Mỹ trong phạm vi 182 mét và nhiều lần phớt lờ các yêu cầu truyền qua vô tuyến cũng như các phát pháo sáng cảnh cáo. Con tàu này cuối cùng đã quay đi.
Ông Cook nói “Đây là những sự cố mà các thủy thủ đoàn coi là không an toàn. Đây là những sự cố có nguy cơ leo thang, và chúng tôi không mong muốn bất kỳ sự leo thang nào. Tàu của chúng tôi đã hoạt động tại khu vực này trong suốt nhiều năm qua.”
Con tàu Iran quấy rối chiếc USS Tempest cũng vượt mũi tàu USS Stout ba lần với tốc độ cao hôm 24/8 trong cùng khu vực, theo nguồn tin từ giới chức Hoa Kỳ.
Các sự cố giữa tàu của Iran với các tàu thuộc Hạm đội 5 Hải quân Hoa Kỳ kéo dài trong nhiều ngày. Ngoài hai tàu tuần tra USS Squall và Tempest, hai tàu khu trục của Mỹ là USS Nitze và Stout cũng bị quấy rối.
William Urban, một phát ngôn viên của Hạm đội 5, cho biết các tàu Iran quấy nhiễu tàu Nitze đã phớt lờ những cảnh báo qua vô tuyến, những tiếng còi hụ và pháo sáng cảnh cáo. Ông mô tả hành động của phía Iran là ‘không an toàn, không chuyên nghiệp, không thường thấy.’
Tuy nhiên, Iran vẫn tỏ ra thách thức trước cáo buộc của Hoa Kỳ. Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim ngày 25/8 dẫn lời Tướng Hosein Dehghan tuyên bố “Bất kỳ tàu nước ngoài nào đi vào vùng biển của chúng tôi, chúng tôi cảnh cáo họ, và nếu đó là một hành động xâm lấn, chúng tôi sẽ đối đầu.”
Ông nói thêm rằng tàu của Iran tuần tra để giám sát lưu thông và các tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của mình.
http://www.voatiengviet.com/a/tau-my-no-sung-canh-cao-tau-iran/3481104.html

Hàn Quốc cần vũ khí hạt nhân

vì chính sách răn đe Bắc Hàn thất bại?

Những người cổ vũ giải pháp răn đe hạt nhân của Hàn Quốc nói chính phủ ở Seoul phải theo đuổi các vũ khí hạt nhân của riêng mình, để bảo vệ miền Nam chống những khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo ngày càng tăng của Bắc Hàn.
Ông Song Dae-sung, một giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Kunkuk ở Seoul, và tác giả của cuốn sách “Let’s Have Nuclear Power”, đưa ra những lập luận cổ vũ cho một miền Nam trang bị vũ khí hạt nhân. Ông nói:
“Nếu Bắc Hàn trở thành một nước trang bị vũ khí hạt nhân trong khi đối thủ của họ không có khả năng hạt nhân, thì nước không có vũ khí hạt nhân sẽ trở thành nô lệ hay con tin của nước có vũ khí hạt nhân. Đấy là nguyên tắc cơ bản của chính trị quốc tế.”
Dân biểu quốc hội Won Yoo-chul, một lãnh đạo của đảng Saenuri đương quyền, từng là một nhân vật khác mạnh mẽ cổ vũ giải pháp Hàn Quốc thủ đắc vũ khí hạt nhân.
Ông Won đã thành lập một toán nghiên cứu trong nội bộ Ủy ban quốc hội về quốc phòng để thẩm định những rủi ro và lợi ích của giải pháp Hàn Quốc theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Ông Won từng tuyên bố “cách răn đe hiệu quả nhất để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân là có vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ.”
Những người ủng hộ giải pháp miền Nam thủ đắc vũ khí hạt nhân lập luận rằng các biện pháp chế tài áp dụng đối với Bắc Hàn về cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ Tư của họ và vụ phóng tên lửa tầm xa gần đây nhất, cho tới nay đã không răn đe được Bình nhưỡng.
Từ khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng, quân đội Bắc Hàn đã tăng tốc việc phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của họ bằng cách thực hiện nhiều vụ phóng và các hình ảnh vệ tinh cho thấy có dấu hiệu là lò phản ứng Yongbyon của Bắc Hàn đã tái tục việc sản xuất plutonium được dùng để chế tạo bom hạt nhân.
Hôm 25/8, truyền thông nhà nước Bắc Hàn tường thuật rằng lãnh tụ Kim Jong Un của miền Bắc đã đích thân giám sát một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ một tàu ngầm, và tuyên bố vụ phóng này là “thành công vĩ đại nhất” sẽ đặt Bắc Hàn ở “hàng đầu” các cường quốc hạt nhân quân sự.
Giới cổ vũ cho giải pháp hạt nhân hoá miền Nam nói Hàn Quốc không thể đặt số phận của mình trong tay của Trung Quốc hay của Hoa Kỳ.
Bắc Kinh cho tới nay vẫn tỏ ra miễn cưỡng, không quyết liệt thực thi các biện pháp chế tài, vì theo họ, cần có một lực đối trọng ổn định để chống lại các lực lượng quy ước của liên minh Mỹ-Hàn Quốc.
Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump đã làm dấy lên những nghi vấn về chính sách của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì khả năng răn đe hạt nhân trong khu vực, khi ông chất vấn cam kết của Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Hàn Quốc.
Ông Song nói: “Nếu Hoa Kỳ bầu một Tổng thống có những lập luận như thế, thì Hàn Quốc lại càng cần có khả năng hạt nhân hơn nữa.”
Tuy nhiên, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye ủng hộ chính sách răn đe và kiềm chế hiện hành, bao gồm liên minh quân sự thân thiết với Hoa Kỳ và cùng lúc, tăng áp lực quốc tế lên chính quyền Bắc Hàn.
Những người chống đối việc trang bị vũ khí hạt nhân cho Hàn Quốc nói làm như vậy sẽ phá vỡ cấu trúc an ninh đã duy trì hoà bình trong khu vực trong nhiều thập niên qua.
Đó là chưa kể Liên Hiệp Quốc có thể áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế và ngoại giao đối với Hàn Quốc nếu nước này phát triển vũ khí hạt nhân, vi phạm Hiệp ước cấm phổ biện vũ khí hạt nhân mà Seoul đã ký kết.
http://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-can-vu-khi-hat-nhan-vi-chinh-sach-ran-de-bac-han-that-bai/3481020.html

Mỹ, Liên Hiệp Quốc đề nghị hòa đàm tại Yemen

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhất trí về kế hoạch tái khởi động các cuộc hòa đàm tại Yemen với các quốc gia vùng Vịnh và Liên Hiệp Quốc, theo thông tin ông cho báo giới biết tại thành phố Jeddah thuộc Ả Rập Xê-út.
Sau khi gặp các nhà lãnh đạo khu vực, một bộ trưởng Anh và đặc sứ Liên Hiệp Quốc tại Yemen, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố: “Cuộcchiến này cần phải chấm dứt và cần chấm dứt càng nhanh càng tốt.”
Ông cho biết thêm các bên tham dự cuộc hòa đàm “đã đồng ý về một phương thức đàm phán mới,” và rằng nhóm Houthi chiếm ưu thế tại Yemen phải chấm dứt giao tranh xuyên qua biên giới với Ả Rập Xê-út và nỗ lực để thành lập một chính phủ đoàn kết với các đối thủ trong nước.
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 25/8 kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về những bạo hành tại Yemen trong đó có những cuộc tấn công quân sự vào các khu vực dân cư và những cơ sở y tế.
Trong một tuyên bố, ông Zeid Ra’ad Al Hussein người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nói thường dân Yemen “trong những năm qua đã gánh chịu những đau khổ khốn cùng” vì xung đột vũ trang.
Và ông nói “…thường dân tiếp tục chịu đựng thống khổ, không có bất cứ hình thức qui tránh nhiệm và thi hành công lý nào, trong khi những người chịu trách nhiệm vi phạm và bạo hành chống lại thường dân lại không bị trừng phạt. Cộng đồng quốc tế không thể dung thứ tình trạng bất công rõ ràng và kéo dài như vậy nữa.”
Một phúc trình của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố hôm 25/8 nêu chi tiết một số cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Yemen trong 18 tháng qua khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người thiếu thực phẩm.
Phúc trình nêu điển hình các vụ tấn công quân sự vào chợ búa và cơ sở y tế, những cuộc tấn công bắn tỉa vào thường dân và sử dụng bom chùm có thể đã vi phạm luật quốc tế.
Giữa tháng 3 năm 2015 và tháng 8 năm 2016, có khoảng 3.800 thường dân thiệt mạng và 6.700 người khác bị thương trong những cuộc xung đột vũ trang tại Yemen. Ít nhất có 7,6 triệu người suy dinh dưỡng tại Yemen và 3 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa vì bạo động.
Liên Hiệp Quốc nói những cuộc không kích của Liên minh do Ả Rập Xê-út lãnh đạo hầu hậu thuẫn cho Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi bị nghi là nguyên nhân gây ra phân nửa số thương vong nơi thường dân tại Yemen. Các vụ tấn công bằng rốckét, súng cối, và mìn bẫy của phiến quân ủng hộ cựu tổng thống Ali Abdullah Saleh bị quy trách nhiệm gây ra khoảng một phần tư tổng số thương vong nơi thường dân. Những cuộc tấn công của Nhà nước Hồi Giáo, Al-Qaida và các lực lượng khác chịu trách nhiệm về số thương vong còn lại.
Ông Hadi đã ra lệnh điều tra về những vụ vi phạm nhân quyền trong năm 2015, nhưng việc này bất thành vì uỷ ban điều tra không thể hoạt động ở mọi nơi tại Yemen.
http://www.voatiengviet.com/a/my-lhq-de-nghi-hoa-dam-tai-yemen/3481019.html

Nga khởi sự diễn tập quân sự đường bộ, đường biển

Isabela Cocoli
WASHINGTON —
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, vừa loan báo các cuộc diễn tập quân sự trên bộ lẫn trên Hắc Hải và Biển Caspi, theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng.
Các cuộc thao dượt bắt đầu lúc 7 giờ sáng (giờ Moscow), ngày 25/8 tại các khu vực quân sự miền Nam, miền Tây, và miền Trung của Nga, nơi binh sĩ đã được đặt trong tình trạng báo động tác chiến, thông cáo cho hay.
Các cuộc diễn tập kéo dài tới cuối tháng 8 có sự tham gia của nhiều đơn vị, binh sĩ khác nhau, từ lính nhảy dù tới Hạm đội Phương Bắc.
Sự kiện này diễn ra 1 tuần sau khi Nga loan báo đang sử dụng một căn cứ không quân ở Iran để ném bom Syria. Kể từ sau đó, Nga đã rút ra khỏi căn cứ Iran. Cũng trong tuần rồi, Tổng thống Putin dùng lời lẽ tấn công Ukraine vì, theo cáo giác, Ukraine đã thuê mướn tình báo quân sự thực hiện các hành động phá hoại tại Crimea, lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.
Phản ứng trước các cuộc tập trận của Nga hôm 25/8, Ba Lan ngay lập tức triệu tập buổi điều trần của các tư lệnh về các lực lượng hoạt động và tình báo quân sự.
Kể từ năm 2014 khi điện Kremlin sáp nhập vùng Crimea của Ukraine, Mỹ và chính phủ các nước tại cả Tây lẫn Đông Âu ngày càng quan ngại về các động thái quân sự của Nga.
Estonia, Latvia và Lithuania đặc biệt bất bình về điều mà họ xem là các động thái hung hăng của Nga. Ba nước này yêu cầu NATO mở rộng sự hiện diện ở vùng Baltic như một rào cản bước tiến của Nga.
Hồi tháng 5, Nga loan báo triển khai 3 sư đoàn dọc theo đường biên giới để ứng phó với sự gia tăng hiện diện quân sự của NATO ở Đông Âu. Động thái này góp phần làm leo thang căng thẳng và quan ngại trong khu vực.
http://www.voatiengviet.com/a/nga-khoi-su-dien-tap-quan-su-duong-bo-duong-bien/3480993.html

Colombia và phiến quân FARC đạt thỏa thuận hòa bình

Cuộc xung đột vũ trang kéo dài nhất ở Tây bán cầu dường như sắp chấm dứt khi chính phủ Colombia đạt được một thỏa ước hòa bình lịch sử với các thủ lãnh phe nổi dậy hôm 24/8 ở Cuba.
Việc công bố một thỏa thuận giữa chính quyền và Các Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC, sau 4 năm đàm phán mở ra khả năng là người Colombia sẽ chấm dứt cuộc đổ máu đã cướp đi hơn 220.000 sinh mạng và làm hơn 5 triệu người mất nhà cửa.
Theo bản thỏa thuận, chính phủ Colombia cam kết sẽ thực hiện cải cách đất đai, cải cách triệt để chiến lược chống ma túy và mở rộng hoạt động quản lý nhà nước đến các vùng nông thôn lâu nay bị bỏ quên.
Tổng thống Juan Manuel Santos ca ngợi bản thỏa thuận khi phát biểu trên truyền hình. Ông thúc giục người Colombia thông qua thỏa thuận này trong một cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 2/10.
Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri Colombia sẽ phê duyệt bản thỏa thuận với tỷ lệ áp đảo.
Phiến quân đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán sau một thập kỷ bị thua nặng trên chiến trường trong đó nhiều chỉ huy hàng đầu của phiến quân bị giết bởi quân đội Colombia được Mỹ hậu thuẫn. Quân số của phiến quân đã giảm một nửa, đến nay còn 7.000 quân.
Theo thỏa thuận, các cựu thủ lãnh FARC sẽ phục vụ trong cơ quan lập pháp Colombia, trong một số ghế đặc biệt dành riêng cho phong trào chính trị của FARC, hiện vẫn chưa được đặt tên mới.
http://www.voatiengviet.com/a/colombia-va-phien-quan-farc-dat-thoa-thuan-hoa-binh/3480870.html

Facebook trở thành chiến trường

của những quan điểm chính trị trái ngược

Một đấu trường mới đang xuất hiện trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc ở Mỹ. Đây không phải là cuộc đấu giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, nhưng là cuộc chiến trên Facebook với những bài vở và những ý kiến của dân mạng về hai ứng cử viên này. Những người sử dụng Facebook cho rằng những bài vở này gây tổn thương, tổn hại, và đi quá đà.
Những bài viết như “Ông Trump nói bà Clinton biết bà có tội” hay “Bà Clinton xem ông Trump là một người kỳ thị chủng tộc” được đưa lên Facebook xen kẽ giữa những bài vở và hình ảnh khác.
Ông Mike Moran, cư ngụ tại tiểu bang Illinois, một người sử dụng Facebook, nói với Đài VOA là “những bài viết và xã luận trên báo chí hiện nay mã thượng hơn những bài viết kiểu bôi tro trét trấu người khác trên Facebook.”
Trang mạng khổng lồ này có khoảng một tỉ rưỡi người sử dụng trên toàn thế giới. Facebook cho biết từ ngày 1 tháng 1 cho đến ngày 1 tháng 8 năm nay, tại Mỹ có 100 triệu người đưa lên trang mạng này 4 tỉ bài đăng, bình luận, chia sẻ quan điểm và phản ứng về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Giáo sư khoa học chính trị Shanto Lyengar tại Trường đại học Stanford nghiên cứu về tin tức tường thuật từ báo chí, nói Facebook hiện là nguồn chủ yếu đăng tải tin tức, tranh luận và bày tỏ quan điểm cá nhân.
Và trong đó có cả “những thông điệp tiêu cực thường xuyên” của cả bà Clinton lẫn ông Trump, theo nhận xét của giáo sư về truyền thông Scott Talan tại Trường đại học American ở Washington.
Giáo sư Talan giải thích “Các ứng cử viên không tiến hành một chiến dịch lịch sự và công chúng đang phản ánh điều này” trên Facebook bằng những câu nói kiểu như “Nếu ai bỏ phiếu cho ứng cử viên tôi không thích thì họ không phải là bạn tôi.”
Bạn không phải là bạn tôi nếu bạn quá bè phái!
Ông Ed Hamell, cư ngụ tại New York, bày tỏ quan điểm chính trị của mình bằng cách đưa những bài viết lên Facebook . Ông cho biết đã bỏ liên kết bạn bè với một số người trên Facebook.
Ông giải thích “Tôi thích thảo luận lành mạnh về các vấn đề chính trị và xã hội và tôi tò mò muốn biết suy nghĩ của mọi người và xem họ trân quý những gì. Tuy nhiên tôi không chấp nhận những gì xấu xa, độc ác và thái độ không tôn trọng người khác.”
Tại Ohio, bà Cindy Gabriel cũng tính tới chuyện bỏ kết bạn với một số người trên Facebook “vì những bình luận ích kỷ, xấu xa của họ.”
Giáo sư Talan nói “Bạn vẫn có thể trình bày quan điểm chính trị của bạn, nhưng nên thể hiện một cách lịch sự và mọi người có thể đồng ý hay không đồng ý với bạn.”
Ông Pam Burdick tại Maryland cho rằng trao đổi ý kiến là điều tốt, trong khi bà Lorene Bachman tại Hawaii không màng đến những gì được đưa lên Facebook vì “có thể phớt lờ.”
Tại nước ngoài, bà Jacquie Phipps người New Zealand đang theo dõi sát chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Bà nói: “Tôi thấy là luận điệu của ông Trump đáng lo ngại và có tính cách sỉ nhục. Tuy nhiên cho đến nay không có ai trong thế giới Facebook của tôi bày tỏ quan điểm khác tôi về vấn đề này.”
Điều này không làm giáo sư Talan ngạc nhiên. Ông nói mọi người là “bạn” với nhau trên Facebook thường “muốn nghe những quan điểm mà họ đồng tình.”
Đối với những người sử dụng Facebook muốn tránh những cuộc tranh luận chính trị, tính năng “mute” trên trang mạng xã hội này có thể giúp ngưng nhận thông báo có tin mới từ một người nào hay một trang nào đó. Những ứng dụng như “Trump blocker” và “Hillary blocker” sẽ ngăn không cho những dòng tin từ hai ứng viên này xuất hiện trên Facebook cá nhân của bạn. Và “Kardashian filter” sẽ lọc chặn bất kỳ từ ngữ nào gây khó chịu cho bạn.
Ông Moran không cho rằng ngưng kết bạn với một người nào đó trên Facebook vì bất đồng quan điểm chính trị là một điều tốt. Ông nói ‘Nên nhớ là những việc này sẽ chấm dứt vào ngày bầu cử 8 tháng 11 tới đây.’
http://www.voatiengviet.com/a/facebook-tro-thanh-chien-truong-cua-nhung-quan-diem-chinh-tri-trai-nguoc/3481077.html

Tòa án tối cao Pháp đình chỉ lệnh cấm ‘burkini’

Tòa án hành chính tối cao của Pháp đã phán quyết đình chỉ một lệnh cấm gây tranh cãi của một thành phố đối với đồ bơi “burkini” che kín toàn thân.
Phán quyết này dự kiến sẽ định ra tiền lệ pháp lý ở ít nhất là 30 thành thị của Pháp đã ban hành những sắc lệnh tương tự cấm phụ nữ mặc loại trang phục này. Trang phục này, có tên ghép từ chữ “burqa” và “bikini,” đã khơi lên tranh cãi quốc tế và chỉ trích từ những tổ chức nhân quyền nói rằng giới hữu trách địa phương đã vượt quá thẩm quyền của mình trong việc bảo phụ nữ phải ăn mặc như thế nào tại bờ biển.
Một thông cáo của tòa án về phán quyết nói rằng lệnh cấm burkini của thị trấn Villeneuve-Loubet “đã xâm phạm một cách nghiêm trọng, và rõ ràng là phi pháp, những quyền tự do căn bản như quyền tự do đi lại, quyền tự do tín ngưỡng, và quyền tự do cá nhân.”
Một số thành phố ven biển, bao gồm vùng Côte d’Azur ở miền nam của Pháp, đã cấm đồ bơi che kín toàn thân mà phụ nữ Hồi giáo mặc với lý do là nó vi phạm luật của Pháp về chủ nghĩa thế tục.
Lệnh cấm được ban hành giữa lúc nhiều người Pháp lo sợ về an ninh công cộng sau những vụ tấn công của những kẻ chủ chiến Hồi giáo ở Paris, Nice và những nơi khác trong 20 tháng qua.
Liên đoàn Nhân quyền Pháp đã khởi kiện lệnh cấm này và nó đã làm dấy lên tranh cãi nóng bỏng. Tổ chức này nói rằng phụ nữ nên được tự do mặc thứ gì mà họ muốn trên những bãi biển của Pháp.
Theo các cuộc thăm dò ý kiến, lệnh cấm này được nhiều người ủng hộ.
http://www.voatiengviet.com/a/toa-an-toi-cao-phap-dinh-chi-lenh-cam-burkini/3481907.html

Ý ban bố tình trạng khẩn cấp

Ý ban bố tình trạng khẩn cấp trong những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất do trận động đất hôm 24/8 trong lúc hy vọng tìm người sống sót đang giảm đi.
Thủ tướng Ý Matteo Renzi cam kết cung cấp 50 triệu euro cho quỹ tái thiết sau thảm họa.
Ít nhất 250 người được ghi nhận thiệt mạng và 365 người bị thương. Các đội cứu hộ tiếp tục tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát trong đêm thứ hai.
Tuy nhiên, hàng trăm dư chấn ngăn cản nỗ lực của 5.000 nhân viên cứu hộ.
Ông Renzi cũng hủy bỏ thuế cho cư dân trong vùng bị động đất và công bố một sáng kiến mới – “ngôi nhà Ý”, để xử lý những chỉ trích về tình trạng xây dựng những công trình kém chất lượng.
Đã có những chỉ trích trên báo chí Ý về tiêu chuẩn xây các cao ốc tại những khu vực có nguy cơ động đất cao. Một số trong những tòa nhà bị sập gần đây đã được cải tạo.
Tại các thị trấn lâu đời, việc xây dựng các tòa nhà không cần tuân thủ quy định xây dựng chống động đất.
Trận động đất 6,2 độ Richter xảy ra vào rạng sáng hôm 24/8 tại khu vực miền núi cách Rome 100 km về phía đông bắc.
Các thị trấn bị thiệt hại nặng nề nhất – Amatrice, Arquata, Accumoli và Pescara del Tronto – tuy có dân cư thưa thớt nhưng thường đông du khách trong mùa hè, khiến khó ước lượng con số nạn nhân chính xác.
‘Chạy đua với thời gian’
Hơn 200 người chết tại thị trấn Amatrice, hãng tin Ansa tường thuật.
Ít nhất ba công dân Anh chết trong vụ động đất, một quan chức địa phương tại Amatrice nói với BBC. Chính phủ Romania cho biết 11 công dân của họ bị mất tích trong thảm họa này.
Các thi thể vẫn đang được chuyển ra từ đống đổ nát.
Lorenzo Botti, quan chức sở cứu hỏa, thừa nhận họ đang phải chạy đua với thời gian.
“Rất khó có cơ hội tìm được những người sống sót trong điều kiện này,” ông nói.
Nhưng những nhân viên cứu hộ khác cho biết vẫn còn hy vọng và lưu ý rằng một người sống sót được lôi lên từ đống đổ nát ở L’Aquila năm 2009 ba ngày sau trận động đất giết chết hơn 300 người.
Đội cứu hộ yêu cầu người dân địa phương bỏ mật khẩu wi-fi của họ để giúp trao đổi thông tin cứu nạn. Hội Chữ thập đỏ Ý cho biết các nhà mạng có thể trợ giúp thông tin liên lạc trong cuộc tìm kiếm nạn nhân.
Cảnh sát cũng bắt giữ một người đàn ông đột nhập và cướp tài sản trong một nhà trống tại thị trấn, Ansa cho hay.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/08/160826_italy_quake_emergency_declared

Philippines & phiến quân cộng sản ký thỏa thuận

Oslo, Na Uy. (Reuters) - Chính phủ Philippines và nhà lãnh đạo của phiến quân Maoist hôm nay đã ký một thỏa thuận ngừng bắn vô thời hạn như là một phần của nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần năm thập kỷ và giết chết ít nhất 40,000 người.
Thỏa thuận này tiếp theo một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trong thời gian 2 bên đàm phán. Các cuộc đàm phán ở Na Uy là lần đầu tiên 2 bên gặp nhau trở lại kể từ năm 2011. Theo ông Jose Sison, người sáng lập của Đảng Cộng Sản Phillipines đang sống lưu vong ở Hòa Lan, thỏa thuận ngừng bắn có bao gồm một biểu đồ thời gian cho các cuộc đàm phán về cải cách chính trị, kinh tế và hiến pháp. Các cuộc đàm phán cũng đạt được một lộ trình hướng tới một lệnh ân xá cho các tù nhân chính trị. Hai bên sẽ gặp lại ở Oslo vào ngày 8 tháng 10.
Na Uy đã đóng một vai trò trung gian cho tiến trình hòa bình kể từ năm 2001. Tân tổng thống Rodrigo Duterte của Phillipines cho biết ông muốn kết thúc cuộc chiến tranh du kích với cả hai nhóm phiến quân cộng sản và Hồi giáo mà đã gây trở ngại cho phát triển kinh tế của nước này. Phiến quân cộng sản Phillipines có quân số 3000 hoạt động ở phía đông và nam của Philippines. (Lê Hoàng)
http://www.sbtn.tv/vi/tin-gioi/philippines-phien-quan-cong-san-ky-thoa-thuan.html

Trung Cộng cảnh cáo Vatican về việc mời Đài Loan

Bắc Kinh, Trung Quốc. (Reuters) -  Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh cáo Vatican hôm nay sau khi Đài Loan thông báo là phó Tổng thống của nước này sẽ thăm Vatican vào tháng tới.
Ông Trần Triển Chinh, sẽ là đặc phái viên thay cho tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Chính phủ Đài Loan cho biết hôm qua là Vatican đã mời Tổng thống Đài Loan tham dự buổi lễ phong thánh cho Mẹ Teresa vào ngày 4 tháng 9. Chuyến thăm của phó Tổng thống Đài Loan đến vào lúc Giáo hoàng Francis đang có một nỗ lực để cải thiện mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc, mà trong nhiều thập kỷ đã luôn có sự ngờ vực và mâu thuẫn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng, Lu Kang nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hàng ngày là nguyên tắc một nước Trung Quốc là nguyên tắc đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Ông nói Trung Quốc hy vọng các bên sẽ tuân thủ nguyên tắt này trong các hoạt động của họ.
Vatican không có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Trong khi đó Vatican có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, mà Bắc Kinh xem là một tỉnh ly khai. Vatican là một trong 22 nước trên thế giới có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. (Lê Hoàng)
http://www.sbtn.tv/vi/tin-gioi/trung-cong-canh-cao-vatican-ve-viec-moi-dai-loan.html

Syria :

Trung Quốc công khai yểm trợ chính quyền Damas về quân sự

Mai Vân
Cho đến nay, cùng với Nga, Trung Quốc là chỗ dựa về mặt ngoại giao cho chế độ của tổng thống Syria Bachar Al Assad, nhưng không thấy năng nổ trên hiện trường. Tình thế đã đổi khác. Vào hôm qua, 25/08/2016, Bắc Kinh đã thông báo quyết định đón binh lính của quân đội Damas đến Trung Quốc để được đào tạo trong lãnh vực cứu trợ nhân đạo.
Theo Heike Schmidt, thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, đây là một động thái để Trung Quốc tăng cường vai trò của mình trong hồ sơ Syria, sau khi đã kín đáo cử cố vấn quân sự qua hỗ trợ chế độ Damas :
« Bắc Kinh vẫn luôn trợ giúp nhân đạo cho Syria. Nhưng với việc đào tạo binh sĩ Syria, Trung Quốc đã nâng lên một bậc hậu thuẫn của mình cho chế độ Damas… Trung Quốc cho đến giờ vẫn tỏ ra kín đáo trong khu vực Trung Cận Đông.
Theo phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm, lính Syria sẽ đến Trung Quốc để được đào tạo trong lãnh vực y tế, cứu nạn, để làm « giảm bớt khủng hoảng nhân đạo ở Syria ».
Từ đầu cuộc nội chiến tại Syria năm 2011, Bắc Kinh vẫn luôn chống lại mọi giải pháp quân sự. Cùng với Nga, Trung Quốc đã ngăn chận ít ra là 4 nghị quyết nhắm vào chế độ Damas tại Hội Đồng Bảo An.
Cho dù một cuộc can thiệp quân sự xem như không thế có từ phía Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn muốn đóng một vai trò quan trọng hơn để ổn định Syria. Đây là một mục tiêu chiến lược, vì theo Bắc Kinh, chiến binh Duy Ngô Nhĩ từ vùng Tân Cương, ngày nay đến ‘tập luyện’ trên thực địa chiến trường Syria.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tiết lộ là cố vấn quân sự Trung Quốc đã có mặt tại Syria, huấn luyện quân đội Damas sử dụng vũ khí mua của Trung Quốc. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160826-syria-trung-quoc-cong-khai-yem-tro-chinh-quyen-damas-ve-quan-su

Ấn Độ đặt tên lửa Brahmos ở vùng biên giới, Bắc Kinh lo ngại

Mai Vân
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc vào hôm qua, 25/08/2016, đã bày tỏ hy vọng rằng Ấn Độ sẽ cố gắng hơn nữa trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực thay vì hành động ngược lại. Theo hãng tin Anh Reuters, đây là lời cảnh cáo của Bắc Kinh đối với việc New Delhi dự trù triển khai tên lửa hành trình Brahmos dọc theo vùng biên giới đang tranh chấp với Trung Quốc.
Trong buổi họp báo hàng tháng, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) khằng định rằng việc duy trì hòa bình và ổn định ở vùng biên giới là một « đồng thuận quan trọng » mà cả hai nước đã đạt được, do vậy Ấn Độ không nên làm ngược lại đồng thuận đó.
Theo hãng Reuters, giới chức quân sự Ấn Độ cho biết là họ muốn trang bị hỏa tiễn Brahmos cho các đơn vị triển khai ở vùng biên giới Trung Quốc, hầu tăng cường năng lực phòng thủ khu vực.
Brahmos là là loại tên lửa hành trình siêu thanh mà Ấn Độ hợp tác với Nga để sản xuất. Đây là một trong những loại vũ khí tối tân Ấn Độ, có thể được phóng đi từ chiến hạm, tàu ngầm, máy bay hoặc từ các bệ phóng trên mặt đất.
Tranh chấp lãnh thổ là một cai gái dai dẳng trong quan hệ Ấn-Trung. Bắc Kinh đòi chủ quyền trên một vùng đất rộng 90.000 cây số vuông do Ấn Độ kiểm soát ở phía đông rặng núi Himalaya, trong lúc New Delhi tố cáo Trung Quốc chiếm một vùng rộng 36.000 cây số vuông ở vùng cao nguyên Aksai Chin ở phía tây. Ấn Độ còn tố cáo Trung Quốc tiếp tay cho Pakistan – đối thủ truyền thống của New Delhi – trong lúc thì Bắc Kinh không muốn New Delhi can thiệp vào Biển Đông.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến Trung Quốc vào tháng 9 tới đây để tham gia hội nghị thượng đỉnh G20, và sẽ có cuộc gặp song phương với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước khi ghé Trung Quốc, ông Modi sẽ thăm Việt Nam.
Mới đây, Ấn Độ đã bật đèn xanh cho việc bán tên lửa Brahmos cho Việt Nam. Theo Reuters chính phủ Ấn đã ra lệnh cho tập đoàn Brahmos Aerospace, hãng làm ra loại tên lửa này, là đẩy nhanh tiến độ sản xuất để có thể bán cho 5 quốc gia, với Việt Nam đứng đầu danh sách.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160826-an-do-bo-tri-ten-lua-brahmos-o-vung-bien-gioi-bac-kinh-lo-ngai

Úc yêu cầu Pháp gia tăng bảo mật tài liệu tàu ngầm

Tú Anh
Canberra kêu gọi tập đoàn công nghiệp Pháp DCNS phải tăng cường an ninh bảo mật tại Úc, nơi chuẩn bị các công xưởng sản xuất hạm đội tàu ngầm tối tân Barracuda. Úc lo ngại vì có tin hàng chục ngàn trang tài liệu mật về tàu ngầm Scorpène, bán cho Ấn Độ bị đánh cắp.
Nhật báo Úc The Australian, trong tuần này, công bố những trích đoạn mà tờ báo cho là lấy trong số 22.000 trang tài liệu liên quan đến loại tầu ngầm Scorpène là tập đoàn DCNS của Pháp chế tạo và bán cho Ấn Độ.Theo nguồn tin này thì các thông tin liên quan đến hệ thống liên lạc và hải hành, hệ thống phóng ngư lôi đã bị lộ.
Đọc thêm: Hàng loạt dữ liệu tàu ngầm Pháp Scorpène bị tiết lộ
Vấn đề là tập đoàn DCNS của Pháp trúng thầu đóng hạm đội tàu ngầm mới, loại Barracuda, cho Úc. Do vậy, Canberra e ngại khả năng bảo vệ bí mật công nghiệp của Pháp không chặt chẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống phòng thủ tương lai của Úc mà tàu ngầm là cột trụ.
Một viên chức cao cấp của bộ Quốc phòng Úc, theo lệnh của bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Christopher Pyne đã cảnh báo DCNS về mối quan ngại này.
Trong khi tập đoàn đóng hải thuyền quân sự Pháp giải thích là nạn nhân của một vụ đánh cắp tài liệu « trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt » thì theo Reuters, một nguồn tin cao cấp trong lãnh vực này cho rằng tập đoàn DCNS muốn đánh lạc hướng công luận để bao che cho nhược điểm về khả năng bảo mật của mình.
Không rõ hư thực ra sao, nhưng nhóm DCNS nghi ngờ vụ thất thoát tài liệu « phát xuất từ đối tác Ấn Độ » và đã nhờ pháp luật điều tra tìm thủ phạm và đồng lõa.
Ngoài Ấn Độ, ba nước Brazil, Chi lê và Malaysia cũng đặt mua tàu ngầm Scorpène.
Trong cuộc chạy đua đấu thầu đóng 12 tàu ngầm Barracuda cho Úc, với tổng trị giá 33,8 tỉ euro, Pháp đánh bại hai đối thủ Đức, và nhất là Nhật Bản, vào giờ chót.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160826-uc-yeu-cau-phap-gia-tang-bao-mat-tai-lieu-tau-ngam

Trung Quốc:

Nhật Bản nên đóng một vai trò « xây dựng » tại G20

Trọng Nghĩa
Bắc Kinh yêu cầu Tokyo đóng một vai trò ”xây dựng” tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp mở ra tại Hàng Châu (Trung Quốc). Nhân vật lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc đã nhắc nhở Tokyo như trên vào hôm qua, 25/08/2016 khi tiếp một đặc sứ cao cấp Nhật Bản.
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn một bản tin của Tân Hoa Xã phát hành khuya hôm qua cho biết là ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện phụ trách ngoại giao của Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu này với chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhật Bản Shotaro Yachi, hiện đang công du Trung Quốc.
Ông Dương Khiết Trì đã nói rõ với ông Yachi rằng « Hướng cải thiện quan hệ Trung-Nhật đã liên tục bị những vấn đề khác nhau khuấy động, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Biển Hoa Đông và Biển Đông ». Theo người đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc, « Điều đó không có lợi cho bất cứ bên nào ».
Theo các nhà quan sát, lời nhắc nhở từ phía Trung Quốc mang ý nghĩa một lời cảnh cáo Nhật Bản là không nên nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông ra trước hội nghị thượng đỉnh G-20 mở ra trong hai ngày 4-5/09/2016 tại Hàng Châu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tuần tới sẽ đến Hàng Châu tham gia hội nghị G20, cùng với một số lãnh đạo thế giới khác trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, và giới phân tích không loại trừ việc hai lãnh đạo Mỹ-Nhật sẽ phối hợp với nhau trong việc nêu bật hồ sơ tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trung Quốc được cho là đang gia tăng áp lực trên Nhật Bản vào lúc Tokyo rất muốn tổ chức được một cuộc gặp thượng đỉnh Shinzo Abe-Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 để bàn cách cải thiện quan hệ song phương đang trong hồi căng thẳng .
Sách lược « bắt bí » này lộ rõ vào hôm qua trong tuyên bố của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi tiếp chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhật Bản.Theo Tân Hoa Xã, ông Lý Khắc Cường đã nói với ông Shotaro Yachi rằng quan hệ Trung-Nhật vẫn còn rất mong manh dù đang trên đà cải thiện, do đó Bắc Kinh hy vọng rằng Tokyo sẽ áp dụng một « sự hiểu biết Trung Quốc một cách đúng đắn và thực hiện đầy đủ các cam kết là xem sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội của mình ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160826-trung-quoc-nhat-ban-nen-dong-mot-vai-tro-%C2%AB-xay-dung-%C2%BB-tai-g20

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?