DIỂM BÁO PHÁP

DIỂM BÁO PHÁP

Đức : nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài

Một góc Internet của Cơ quan hỗ trợ việc làm Liên bang tại Berlin.
Một góc Internet của Cơ quan hỗ trợ việc làm Liên bang tại Berlin.
Andreas Rentz/Getty Images

Lê Vy

Trong khi nạn thất nghiệp đang làm đau đầu giới cầm quyền phương Tây thì nhìn sang đất nước láng giềng của Pháp là Đức, báo Công giáo La Croix đăng bài đáng chú ý : « Đức có nhu cầu thu hút người lao động nước ngoài ».

Theo bài báo, đất nước đầu tàu thuộc Liên hiệp châu Âu đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân công trong nhiều lĩnh vực. Từ tháng 7 vừa qua, thị trường lao động Đức đã mở ra cho người đang tìm việc làm trên khắp thế giới. Chính phủ của thủ tướng Merkel nhắm đến tuyển dụng cả người ngoài châu Âu. Tuy nhiên, Thomas Liebig, một nhà kinh tế học của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OCDE) cho rằng Đức đã quá khép kín trong việc tuyển dụng đa số nhân công nuớc ngoài ít lành nghề.
Năm 2011, Đức đã công nhận các bằng cấp hay chứng nhận nghề của nước ngoài. Ngay năm sau đó, Đức đã giảm nhẹ các điều kiện nhập cảnh và thời gian lưu trú cho những người lao động trí thức, tay nghề cao. Ngoài ra, Đức còn cấp cho giấy lưu trú mang tên « job search visa ». Theo đó, người nào có bằng đại học có thể ở lại Đức thêm 6 tháng để tìm việc làm. Năm 2011, 65 000 vị trí kỹ sư không tuyển dụng được người theo tổ chức các kỹ sư Đức (VDI).
Thomas Liebig nhận định : « để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dân số Đức đang già đi thì bắt buộc phải tuyển dụng người nước ngoài. Đồng thời, Đức cần phải thúc đẩy một số cải cách nội bộ như kéo dài tuổi lao động, cải thiện hệ thống đào tạo và hướng nghiệp, khuyến khích phụ nữ tham gia vào thị trường lao động. » Với một tỷ lệ sinh sản dưới 1,5 trẻ/phụ nữ từ năm 1975, dân số già đi là một mối đe dọa cho sự hưng thịnh của đất nước.
Theo Eurostat, cơ quan thống kê của Liên hiệp châu Âu, nếu không có nguồn nhập cư đáng kể thì những người trên 65 tuổi sẽ chiếm đến 33% dân số Đức từ nay đến năm 2060, trong khi hiện nay, tỷ lệ đó là 20%. Cơ quan Liên bang về việc làm (BA) đánh giá Đức sẽ mất đi 6,5 triệu người lao động vào năm 2025.
Báo La Croix thuật lại, vào năm 1960, khi Liên bang Đức đang tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nên đã chiêu mộ nhân công, đặc biệt là người Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng không ai hình dung được « những lao động khách mời » này lại được sống thực sự tại đây. Trong một thời gian dài, chẳng có ai làm gì để hội nhập họ. Thậm chí vào năm 2000, khi chính phủ quyết định cấp 20 000 thẻ cư trú cho các kỹ sư hay kỹ thuật viên tin học thì điều kiện cũng rất khắt khe. « Thẻ xanh » tức là thẻ cư trú tại Đức chỉ có hiệu lực trong vòng 5 năm và nếu như mất việc thì thẻ không còn hiệu lực.
Đức đã phát triển nhiều công cụ để thu hút nhân công nước ngoài. Cổng internet mang tên « Make it in Germany », được viết bằng song ngữ Anh-Đức nhằm ca ngợi chất lượng cuộc sống tại Đức và tung ra nhiều lời khuyên. Bên cạnh đó, Cơ quan Liên bang về việc làm Đức có một dịch vụ dành cho việc tuyển dụng lao động nước ngoài có trình độ và tay nghề cao. Chiến lược này đã sinh hoa kết quả tại châu Âu. Rất đông người thử vận may, trong đó đa số là dân Đông Âu, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý, những nơi có tỷ lệ thất nghiệp đạt mức kỷ lục.
Thế nhưng, cơ quan này lấy làm tiếc : « Người châu Âu quyết định đến Đức sống rất nhanh nhưng cũng rời Đức nhanh chóng. Lý do là hoặc họ không có các tiêu chí phù hợp với sự tuyển dụng của các công ty, hoặc là họ sống trong vùng không phát triển lắm về ngành công nghiệp, hoặc là họ không rành tiếng Đức ».
Đặc biệt, Thomas Liebig nhấn mạnh, trong các lý do đó thì ngôn ngữ là rào cản lớn nhất. Đa số các công ty khi tuyển dụng đều đòi hỏi phải nói được tiếng Đức trong khi tiếng Đức không phổ biến mấy ở nước ngoài.

Ấn Độ : thanh niên tự sát nhiều tại Silicon Valley

Liên quan đến thời sự tại châu Á, báo Libération hôm nay quan tâm đến thành phố Bangalore qua bài viết : « Hy sinh cuộc sống tại Silicon Valley Ấn Độ ». Tại Bangalore, nơi có tập đoàn thương mại công nghệ cao (high tech) Silicon Valley, hàng trăm thanh niên tự sát hàng năm. Họ chính là nạn nhân của một xã hội ngày càng theo chủ nghĩa cá nhân và cạnh tranh gay gắt.
Báo Libération cho biết 45% là tỷ lệ người tự sát làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo giải thích của Satish Chandra, giám đốc Viện quốc gia về sức khỏe, tinh thần : Đó là vì « Bangalore là một thành phố mà sự thất bại là không thể chấp nhận được. »
Tại đây, tự sát xảy ra như cơm bữa từ mười năm nay và chiếm một tỷ lệ cao nhất trong các thành phố lớn của Ấn Độ. Đô thị hóa nhanh chóng, thay đổi văn hóa đột ngột và cạnh tranh gay gắt chính là những nguyên nhân mà giới nghiên cứu đưa ra nhằm giải thích cho hiện tượng đáng ngại này.
Rakhi Mukherji, một người tình nguyện làm việc cho một đường dây điện thoại tư vấn cho thanh niên nhằm giảm các trường hợp tự sát thuật lại rằng : trong số các cuộc gọi của thanh niên gọi đến tâm sự, thường là các vấn đề xung khắc trong gia đình, giữa các thế hệ với nhau. Tại Ấn Độ, nhiều thế hệ cùng sống dưới một mái nhà. Do đó hay xảy ra căng thẳng và con người không sống hạnh phúc gì mấy. Ngoài ra, còn có các vấn đề về hôn nhân. Thanh niên ngày nay muốn kết hôn trên cơ sở tình yêu, trong khi các bậc cha mẹ thì vẫn còn muốn bảo vệ truyền thống các cuộc hôn nhân được sắp đặt trước. Tuổi trẻ Ấn Độ ngày nay muốn trở nên hiện đại theo kiểu mẫu Hoa Kỳ, mặc quần jean ra đường, tiêu thụ hàng xa xỉ, cao cấp, trang bị điện thoại, xe hơi, vượt hơn mức độ cho phép. Do đó, họ cảm thấy bị ức chế.
Hơn nữa, cha mẹ thường hy vọng quá nhiều vào sự thành đạt của con cái mà không cần biết con mình ở mức độ nào. Một sinh viên đau buồn khi làm thất vọng cha mình : « Tại đây, việc học rất quan trọng. Cha mẹ cố gắng trả tiền để gửi con vào những trường tốt. Học tốt đồng nghĩa với có việc làm tốt và sẽ tìm được mối thích hợp và khá giả để kết hôn. ».
Nhìn về góc độ việc làm, lo lắng, áp lực, bị sa thải là những nguyên nhân góp phần đẩy một số thanh niên đến bờ vực tự sát. Bangalore, một thành phố với 8,5 triệu dân và đang phát triển mạnh mẽ. Thành phố này thu hút hàng năm đông đảo người Ấn Độ đến đây sinh sống nhằm hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mất phương hướng và cảm giác thất bại đang chờ đợi một số người. Một số cảm thấy chán chường khi một thân một mình sống tại một thành phố đầy tính cạnh tranh. Do đó, khi gặp khó khăn, họ không tìm được chỗ dựa từ gia đình và cảm thấy cô độc.

Thầy trừ quỷ tại Trung Quốc

Trong mục « Góc nhìn lớn », báo Libération dẫn độc giả đến Trung Quốc để khám phá các thầy trừ quỷ. Bạn có biết không, « Trung Quốc hiện có chính thức là 77 triệu người theo Thiên Chúa giáo (số liệu không chính thức là 130 triệu). Trong số đó, 12 triệu theo đạo Công giáo, theo số liệu chính thức. Trên thực tế thì con số này ít nhất cũng là cao gấp đôi. ». Và trong số hàng triệu người Công giáo ấy, Libération cho chúng ta biết có nhiều người có khả năng trừ quỷ.
Tờ báo dắt chúng ta đến huyện Tuyên Hóa thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 200 km về phía Tây, nơi mà bà Cổ (Gu), một cụ bà 76 tuổi có khả năng siêu phàm, có thể đuổi ma, trừ tà. Bà cảnh báo : « Quỷ (Satan) không hề có cùng một hình dạng ». Bà nói tiếp : « trong một số trường hợp ghê gớm, người bị quỷ ám xoay vòng vòng quanh mình, kêu tiếng dữ tợn rùng mình, khuôn mặt thì bị biến dạng. Cái miệng thì toát ra rộng đến tai, còn mắt thì trợn lên tận thái dương ». Libération còn cho biết đối với những lần trừ quỷ khó khăn thì phải kéo dài đến tận 20 ngày mới trừ được. Ngoài ra, bà Cổ còn phải nhịn ăn để có nhiều công lực hơn và cầm trên tay bà những lít nước đã được làm phép ».

Vụ án Bạc Hy Lai thể hiện một hệ thống cầm quyền tham nhũng

Báo Le Monde hôm nay lại tiếp tục quan tâm đến vụ án Bạc Hy Lai, kéo dài sau nhiều ngày xử án. Báo Le Monde nhận định, vụ án Bạc Hy Lai phản ánh một hệ thống tham nhũng xung quanh các nhà cầm quyền Trung Quốc.
Cáo buộc ông Bạc Hy Lai về tội tham nhũng tập trung quanh việc vợ ông mua một căn biệt thự tại Cannes, miền Nam nước Pháp như một sự đầu tư cho cậu quý tử « Bạc Qua Qua ». Hiện nay, con trai ông Bạc vô tình trở thành điểm ngắm cho các cáo buộc chống Bạc Hy Lai về tham nhũng và lạm quyền tại tòa án Tế Nam.
Cậu công tử Bạc Qua Qua, 25 tuổi, đang du học tại Mỹ là người nhận những món quà hậu hĩnh của nhà tỷ phú Từ Minh. Nhân vật này đã trả tiền đều đặn chi phí đi lại, du lịch của Qua Qua và đã chi trả gần 30 000 euro chi phí trên thẻ tín dụng của mình.
Ngày hôm qua, thư ký của công ty Từ Minh tiết lộ, một máy bay tư nhân đã được dùng để phục vụ « cậu công tử trẻ » đi du lịch từ Dubai đến Kilimandjaro với các bạn vào năm 2011. Các chi tiết này làm cho ông Bạc Hy Lai bối rối, khi mà ông đã từng tung ra chiến dịch bàn tay sạch chống tham nhũng tại Trùng Khánh để xây dựng hình tượng của mình là một người bảo vệ công lý xã hội.

Miến Điện : xung đột tôn giáo vẫn tiếp diễn

Nhìn sang Miến Điện, cuối tuần trước, một ngọn lửa bạo lực giữa các tôn giáo lại nổi lên. Thứ bảy vừa qua (24/08/2013), một người đàn ông theo Hồi giáo đã bị bắt giữ do bị tình nghi hãm hiếp một phụ nữ theo Phật giáo, lại cổ vũ cho những thành phần bạo lực bài Hồi giáo tại phía Bắc nước này. Báo Libération quan tâm đến tình hình này qua bài viết : « Người theo Hồi giáo bị rơi vào tầm ngắm tại Miến Điện ».
Tờ báo miêu tả lại các vụ bạo động, giết người, đập phá, đốt nhà do những căng thẳng tôn giáo. Từ tháng 6/2012, bạo lực đã làm 200 người chết, đa số là người Hồi giáo và 140 000 người lưu vong. Điểm nhắm đến là người thiểu số Rohingya, có nguồn gốc lịch sử là người Bangladesh. Họ bị tước quốc tịch và bị xem như người nhập cư. Cộng đồng này còn chịu sự quản lý về mặt sinh sản.
Một hiện tượng mà nhiều tổ chức phi chính phủ (ONG) gọi đây là hiện tượng kỳ thị chủng tộc. Về phần mình, vào tháng 4, tổ chức vì nhân quyền Human Rights Watch cáo buộc Miến Điện là « thanh lọc chủng tộc ».
Cả tổng thống theo xu hướng cải cách Then Sein lẫn hình tượng dân chủ Aung San Suu Kyi đều không đưa ra được biện pháp nào nhằm chấm dứt các đợt biểu tình bài ngoại của dân tộc bamar, chiếm đa số tại nước này. Tờ báo nhận định, mặc dù bạo lực xung đột giữa các cộng đồng hoành hành nhưng chẳng có biện pháp nào được đưa ra nhằm chống lại các tu sĩ người bamar, những người luôn khơi lên mối hận thù trong các bài diễn văn của họ. Lãnh đạo đất nước cũng như phe đối lập, chẳng ai muốn động chạm đến thành phần này vì đây là lực lượng quan trọng cho kỳ bầu cử sắp tới.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?