Lẽ công bằng cho O sin

Đào Tuấn


Bà Phương, một Osin ở HN bị chủ nhà bạo hành
Sáng ngày 18.5.2012, một phiên tòa nhỏ ở Ba Đình đã khiến dư luận sau đó phẫn nộ về sự dã man mà một con người đã dùng để đối xử với một con người.

Phiên tòa xử án một “bà chủ” trong suốt 4 tháng đã hành hạ người giúp việc (O sin) bằng cách bắt uống nước sôi, ăn ớt và phân người. Và đỉnh điểm của sự hành hạ dã man là hành động dội nước sôi lên lên người O sin.


Hoàn toàn không phải vì “Ô sin lập mưu cướp chồng”, hay “Giả có bầu để trở thành bà chủ”. Cũng không phải do “Ô sin trộm 20 cây vàng” hay “Ô sin 9x gây thảm án rúng động Hà Thành”- như nhan nhản những bài báo với cách nhìn và lối viết xét xét khắt khe mà chúng ta vẫn đọc hàng ngày.

Nguyên do, người giúp việc, khi đó đã 59 tuổi “Làm việc chậm chạp, ở bẩn và hay ăn vụng”.

Ăn vụng bánh trên ban thờ: Bắt ăn phân. Buộc ăn ớt.

Ở bẩn: Xối nước nóng cho..sạch.

Có khi nào và ở đâu, con người lại đối xử với con người dã man đến như thế. Có bao giờ và ở đâu, một nghề nghiệp, hoàn toàn không được thừa nhận, lại khốn khổ đến như vậy.

Nhưng nữ O sin 59 tuổi chỉ là một trong vô số những hoàn cảnh khốn khổ mà một người giúp việc phải chịu.

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) vừa công bố ngày hôm qua đưa ra những số liệu khiến người ta phải suy nghĩ:

61% o sin đang phải làm quá 8 tiếng/ngày; 20,2% thường xuyên bị mắng chửi; 2,4% bị đánh đập, đẩy ngã; 16% gặp nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Và hầu hết không có bảo hiểm y tế, không có bảo hiểm xã hội khi giúp việc gia đình, dù dự kiến sẽ lên tới con số nửa triệu người trong thời gian tới, chưa từng được coi là một loại lao động, được bảo hộ bởi Luật Lao động.

98,4% o sin chưa qua đào tạo nghề; 28,3% hoàn toàn không biết chữ; hầu hết trong số họ là những phụ nữ nông thôn nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thất học; và đang hưởng mức lương bình quân 2,8 triệu đồng/tháng.

Thật kỳ lạ, dư luận từng “khóc hết nước mắt” cho một Oshin Nhật, trong khi lại “coi như không tồn tại” những người giúp việc trong chính gia đình mình.

Đôi khi, chúng ta mang “lương o sin” ra để chế nhạo sự bất hợp lý trong khoản tiền hàng tháng mà một cử nhân 4 năm dùi mài kinh sử nhận được, rằng “còn thấp hơn lương o sin”. Và bây giờ, nếu viết rằng cần phải có một lẽ công bằng cho một loại lao động của những người dưới đáy xã hội, hẳn sẽ có người cười.

Nhưng liệu một xã hội có nên chấp nhận một sự miệt thị trong so sánh khi không ít người phản ánh một bất cập trong xã hội bằng cách lăng mạ một nghề chân chính?!

Tổ chức lao động quốc tế ILO từng khuyến nghị Bộ LĐTBXH rà soát lại các điều khoản khác trong Bộ Luật Lao động, như lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội, để xem những phần nào được áp dụng cho lao động giúp việc gia đình. Và cần phải luật hóa vấn đề lao động giúp việc bởi bộ phận này đang ngày một tăng trong lực lượng lao động.

Có lẽ, sau trường hợp của người phụ nữ giúp việc bị hành hạ dã man, sau những con số toàn vài chục % về việc bị lăng mạ, bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục, đã đến lúc nghiêm túc nhìn nhận rằng đây là một nghề chính thức trong danh mục nghề quốc gia để ít nhất là pháp luật lao động bảo vệ một trong số những đối tượng nhạy cảm nhất trong xã hội.

Một xã hội công bằng và tiến bộ không bao giờ được phép ngảnh mặt với bất cứ một công dân nào, khi thực ra, o sin cũng là nghề lương thiện, một cách lương thiện, kiếm đồng tiền chân chính như bất cứ nghề lương thiện nào.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?