ĐIỂM BÁO PHÁP

Phương Tây can thiệp vào Syria để làm gì ?

Tổng thống và Thủ tướng Pháp họp bàn về tình hình Syria 28/08/2013 - REUTERS /K. Tribouillard
Tổng thống và Thủ tướng Pháp họp bàn về tình hình Syria 28/08/2013 - REUTERS /K. Tribouillard

Lê Vy
Hồ sơ Syria vẫn là trọng tâm và chiếm đa số trang nhất của các báo ra ngày hôm nay. Trang nhất báo Le Monde chạy tựa : « Pháp sẵn sàng trừng phạt những ai đã giết chết dân vô tội bằng khí độc ». Báo thiên hữu Le Figaro đăng tựa : « Syria : sự can thiệp mang tính trừng phạt với nhiều rủi ro cao ».


Đặc biệt, báo l’Humanité chạy tựa trên trang nhất khá hấp dẫn : « Syria : vở ballet chiến tranh và ngoại giao ». « Syria, cội nguồn của chiến tranh » là tựa trên trang nhất báo Công giáo La Croix. Báo phát miễn phí Métronews cũng chạy tựa lớn trên trang nhất : « Syria : dấu chấm hỏi cho việc tấn công quân sự của phương Tây ».
Nhật báo metronews đặt ra nhiều câu hỏi như : Ai sẽ tham chiến ? Lịch trình tấn công như thế nào ? Có sự tham gia của Liên Hiệp Quốc hay không ? Tấn công bằng loại vũ khí nào và đánh ở đâu ?
Giọng điệu báo Le Monde thì có vẻ tán thành trong việc tấn công quân sự vào Syria trong khi báo thiên hữu Le Figaro và báo Công giáo La Croix thì thận trọng hơn trong quyết định này.
Ngoài ra, báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm đến tình hình tại Syria qua bài viết : « Syria : phương Tây tìm kiếm tính chính đáng để can thiệp ». Báo thiên tả Libération đăng bài đáng chú ý : « Syria : hướng đến các cú đánh để làm gương ».
Libération nhận định, ngay cả khi Liên Hiệp Quốc vẫn chưa đưa ra được quyết định chung, do có Nga và Trung Quốc bảo vệ cho Syria nhưng phương Tây dường như đã lựa chọn phương án tấn công Syria bằng tên lửa trong thời gian ngắn. Hành động này được phương Tây đánh giá mang tính tượng trưng cho việc trấn áp chế độ Damas.
Riêng tại Pháp, báo Libération cho biết, hầu hết các Đảng đều ủng hộ tổng thống Hollande trong quyết định can thiệp vũ trang vào Syria. Thế nhưng, Pháp cũng được kêu gọi là phải thận trọng trong quyết định này. 60% dân Pháp không đồng tình với việc tấn công vào Syria theo kết quả của Ifop vào tháng 7, tờ báo nhận định, con số này có thể còn tăng thêm.
Đặc biệt, báo Le Figaro có bài xã luận đáng chú ý mang tựa đề : « Để làm gì ? ». Từ một năm rưỡi nay, hơn 120 000 người Syria bị thiệt mạng trong cuộc nội chiến mà cả thế giới chứng kiến với nhiều lo lắng. Thế nhưng, thế giới vẫn không phản ứng vậy thì tại sao đến giờ phút này phương Tây mới nhiệt tình đòi can thiệt vũ trang, cứu dân vô tội ?
Điều cấm kỵ sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến Syria đã bị chính phủ Damas vi phạm. Với danh nghĩa « đạo đức », phương Tây có quyền can thiệp nhưng để làm gì ? Đó là câu hỏi mà bài xã luận trên tờ Le Figaro đặt ra. Sau một thời gian không có động thái gì, bây giờ, phương Tây đã tính đến mức « trừng phạt » Syria bằng một « cuộc tấn công có giới hạn ».
Tờ báo nhận định, vài phát bắn tên lửa cũng chẳng làm cho quang cảnh Syria sáng sủa ra mà phương Tây chỉ góp phần châm dầu vào lửa, trong một khu vực mà hận thù chỉ chờ để tuôn ra. Iran và quân Hezbollah, đồng minh của Syria càng sôi sục để cầm vũ khí chiến đấu. Sự đối đầu giữa hai giáo phái si-ai và su-nít càng gay gắt hơn. Nước láng giềng Israël thì tìm thấy đủ lý do để tấn công chế độ Damas.
Thiểu số người theo Thiên Chúa giáo tại Trung Đông vốn bị gạt sang một bên, sẽ trở thành kẻ thù số một để đánh trả của phe ủng hộ chế độ Damas. Còn đối với kiều dân Anh, Pháp, Mỹ ở khắp nơi đều đang gặp nguy hiểm trước mối đe dọa bị tấn công lúc nào không biết.
Báo Le Figaro đặt câu hỏi : phương Tây không rút ra được bài học nào hay sao từ 15 năm phiêu lưu qua các cuộc chiến tại Afghanistan, Irak, Lybia, những đất nước mà phương Tây can thiệt với mục đích mang lại hòa bình cho dân chúng. Ngày nay, phương Tây đã rút quân. Có lẽ các nhà độc tài đã bị trút phế nhưng phương Tây đã thay thế gì vào vị trí đó ? Tại Kaboul, Bagdak và Tripoli, phe hồi giáo cực đoan và khủng bố vẫn chiếm giữ cuộc chơi.

Bagdad đẫm máu vì 12 vụ tấn công

Vẫn liên quan đến thời sự tại Trung Đông, báo Libération và báo Cộng sản L’Humanité quan tâm đến đất nước Irak qua các bài viết : « Bagdak đổ máu sau 12 vụ tấn công » và « Irak lại trở thành nạn nhân của bạo động liên tục xảy ra ».
Theo báo Libération, hơn 60 người đã bị chết trong một đất nước không có khả năng dẹp bỏ cuộc chiến giữa hai giáo phái si-ai và su-nít.
Từ đầu năm nay, hơn 3700 người Irak bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công, theo bảng tổng kết của AFP. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 1000 người bị thiệt mạng vào tháng 7. Cả hai tờ báo đều nhận định đây được xem là tháng chết chóc nhiều nhất kể từ năm 2008. Việc tăng cường các biện pháp an ninh tại thủ đô dường như chẳng cải thiện được gì. Các vụ tấn công nhắm đến các quán cà phê, nơi tụ họp các gia đình nên đã làm thiệt mạng nhiều trẻ em.

Hoa Kỳ tưởng niệm Martin Luther King

Đề tài cũng thu hút sự quan tâm của báo Pháp hôm nay là ngày hôm qua, người dân Hoa Kỳ hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày Mục Sư Martin Luther King đọc bài diễn văn bất hủ mang tựa đề «Tôi Có Một Giấc Mơ», tên gốc tiếng Anh là “I have a dream”, để tranh đấu cho dân quyền, đòi hỏi mọi chủng tộc đều được tôn trọng và bình đẳng như hiến pháp của nước Mỹ đã quy định.
Trên trang nhất báo Le Figaro đăng tựa: «50 năm sau, nước Mỹ dân chủ tưởng niệm Martin Luther King » với ảnh của vợ chồng đương kim tổng thống Mỹ Obama và hai cựu tổng thống Mỹ Bill Cliton và Jimmy Carter. Tờ báo nhận định, nửa thập kỷ trôi qua sau diễn văn của mục sư da đen về bình đẳng chủng tộc, nước Mỹ giờ đây nhận thấy nước mình vẫn chưa hoàn thành được giấc mơ ấy.

Núi Phú Sĩ : Du khách quá tải

Nhìn sang châu Á, báo Le Monde quan tâm đến đỉnh núi Phú Sĩ, tuyết trắng quanh năm tại Nhật Bản. Địa danh này đã được ghi tên vào các di sản thế giới. Đỉnh núi lửa xứ sở hoa anh đào phải thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, khoảng gần 30 triệu du khách.
Báo Le Monde nhận định, lọt vào danh sách các di sản thế giới và lượng du khách đổ xô đến tham quan làm cho đỉnh núi nổi tiếng đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng mà báo Le Monde gọi là “trở thành một món quà bị đầu độc”. Nhật báo Sankei của Nhật Bản cho biết, xung quanh các ghế ngồi nghỉ tại núi Phú Sĩ, du khách ném các chai uống nước bằng nhựa, hộp cơm bất cứ chỗ nào. Lượng rác thải được thu gom lên đến hàng chục nghìn tấn/ năm. Ngoài ra, người ta còn thấy một số loại rác thải khác như hàng đống các máy chụp ảnh kỹ thuật số, tủ lạnh hay máy điều hòa…
Năm 1996, chính quyền đã đưa ra các “chỉ thị nhằm bảo vệ môi trường đỉnh Phú Sĩ” với một số biện pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm tại đây nhưng vẫn chưa đủ. Một hiệp hội du lịch tại đỉnh Phú Sĩ nhận định: “đỉnh núi này được ghi vào danh sách các di sản văn hóa mà không phải là di sản tự nhiên là do vấn đề rác thải”. Giới chuyên gia trong lĩnh vực môi trường hy vọng việc Phú Sĩ được lọt vào danh sách kỳ quan thế giới sẽ góp phần làm thay đổi thái độ của du khách và bảo vệ đỉnh núi hùng vĩ này.
Với mục đích đó, từ mùa hè năm 2014, du khách đến thăm đỉnh Phú Sĩ sẽ phải trả 1000 yên (7,6 euro)/ người. Từ nay đến tháng 2/2016, Nhật Bản phải trình lên Ủy ban di sản thế giới báo cáo về tình trạng bảo tồn khu vực này bằng cách nêu chi tiết các bước tiến bộ trong việc bảo vệ môi trường mà đất nước đã đạt được.

Vì sao giới đầu tư rút khỏi thị trường các nước mới trỗi dậy?

Trên hồ sơ kinh tế, các báo Pháp ra ngày hôm nay cũng khá quan tâm đến tình hình đồng tiền Ấn Độ và Brazil sụt giảm. Theo báo le Monde thì đề tài này sẽ trở thành trọng tâm tranh luận tại Hội nghị G20 sắp diễn ra tại Saint-Pétersbourg vào ngày 5,6/09 tới. Trên trang nhất phụ lục kinh tế báo Le Monde chạy tựa : « Khủng hoảng các đơn vị tiền tệ : các quốc gia mới trỗi dậy thử tổ chức đánh trả ».
Báo kinh tế Les Echos chạy tụa trên trang nhất: “Vì sao các nhà đầu tư bỏ trốn hàng loạt khỏi các thị trường mới trỗi dậy”. Tờ báo cho biết, ngày hôm qua, đồng rupee Ấn Độ đã giảm ở mức thấp nhất kể từ 18 năm nay, trong xu hướng giảm giá thê thảm của tiền tệ các quốc gia mới trỗi dậy, như đồng real Brazil, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết sẽ cắt giảm quy mô chương trình kích thích tiền tệ, các nhà đầu tư lánh xa dần khỏi thị trường các nước mới trỗi dậy. Báo Les Echos đặc biệt phân tích tình hình của năm quốc gia trên qua bài viết: “Thị trường mới trỗi dậy: chấm dứt sự ảo tưởng”. Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Brazil đang trong vòng xoáy tiền tệ. Bài báo cho biết, chứng khoán của các quốc gia mới trỗi dậy không còn đáng tin nữa và các quốc gia này đang phải đối mặt với việc các nhà đầu tư ào ạt rút vốn khỏi các nước này. Khủng hoảng tại Syria cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Sữa Fonterra của New-Zealand không nhiễm khuẩn

Vụ tai tiếng sữa Fonterra của New-Zealand nhiễm khuẩn tìm thấy trong các hộp sữa bán ra tại Trung Quốc đã làm tổn hại nặng nề đến danh tiếng của nhà xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới. Hôm nay, báo Les Echos thông báo một tin vui cho hãng sữa này. Sau khi chính phủ New-Zealand tiến hành xét nghiệm thì kết quả cho thấy là các sản phẩm sữa của công ty Fonterra không chứa loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc và không gây nguy hại cho người sử dụng.
Ngoài ra, bộ trưởng bộ Nông nghiệp New-Zealand còn cho biết đã tiến hành các xét nghiệm phụ tại các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để có những kết quả vững chắc.
Tờ báo nhận định, tuy sự nhiễm khuẩn chưa gây thiệt mạng cho ai cả nhưng vụ tai tiếng trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Fonterra, tập đoàn xuất khẩu các sản phẩm sữa hàng đầu thế giới.

Pháp : thành phố Marseille hút du khách

Trong dòng thời sự tại Pháp, trên hồ sơ xã hội, báo Le Figaro chú ý đến thành phố Marseille, hải cảng nổi tiếng qua bài viết: “ Tại Marseille, bạo động không làm chùn bước du khách”.
Cái tên Marseille gần đây xuất hiện khá nhiều trên các trang báo Pháp, không chỉ vì các cuộc bạo động, giết người mà hôm nay, báo le Figaro cho hay, thành phố lớn thứ hai nước Pháp, được mệnh danh là thủ đô vanư hóa châu Âu đã thu hút hơn 4 triệu khách du lịch vào năm 2012.Con số này chắc chắn còn vượt xa vào năm nay.
Phải nói rằng Bảo tàng văn hóa châu Âu và Địa Trung Hải (MuCEM) được mở ra tại Marseille đã thu hút nhiều khách du lịch đến để tìm hiểu và thưởng thức về nền văn hóa rực rỡ này. Ngoài ra, các thắng cảnh tự nhiên hay việc trùng tu các công trình kiến trúc cổ với lâu đài và pháo đài cũng tạo nên thành công rực rỡ cho thành phố cảng Marseilles bên bờ Địa Trung Hải chan hòa ánh nắng. Theo Loïc Fauchille, giám đốc chi nhánh của Accor tại vùng này nhận định: “Thành phố đã thay đổi, cứ như Chicago biến đổi thành Miami”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?