Những bản nhạc Mùa báo hiếu Vu Lan

Cứ mỗi năm vào ngày rằm tháng 7, nhiều người Việt Nam dù lớn bé, già trẻ đều lên chùa dự lễ Vu Lan báo hiếu các đấng sinh thành, mà nhất là thân mẫu.

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2012-09-02

vu-lan-305.jpg
Lễ Vu Lan tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội năm 2012.
RFA Photo



Đây không chỉ là một truyền thống báo hiếu cao đẹp của người Việt mà đó cũng là lúc để nhắc nhở con cháu tìm về với cội nguồn, với tình mẫu tử thiêng liêng.

Sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ

Theo kinh Vu Lan, xưa kia, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công với nhiều phép thần thông và mẹ của ông là bà Thanh Đề cũng đã qua đời, ông muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì kiếp trước gây nhiều nghiệp ác nên bị đày xuống địa ngục, bị đói khát khổ sở, thương mẹ quá, Mục Kiền Liên dùng phép thuật xuống địa ngục để mang cơm dâng cho người.
Bà Thanh Đề do lâu ngày nhịn đói nên khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình do lo sợ các cô hồn khác đến tranh, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.


me-gia-250.jpg
Mẹ già buôn gánh bán bưng. RFA photo.

Chứng kiến cảnh này Mục Kiền Liên đau xót vô cùng bèn cầu xin Đức Phật giúp mình cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ. Chỉ có một cách là nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được bà và ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó.”
Mục Kiền Liên thành tâm làm theo lời Phật dạy và không những cứu được mẹ mà còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung. Từ đó ngoài ý nghĩa "mùa báo hiếu", tháng bảy Âm lịch còn gọi là tháng "xá tội vong nhân", tức là thời gian các vong hồn được thả tự do.
Với Phật tử, Ngày lễ Vu Lan là một trong những ngày rằm lớn trong năm, những người còn mẹ thì đi chùa để cầu cho cha mẹ được khỏe mạnh, sống lâu với hồng đỏ cài áo, những người mẹ đã khuất thì đến chùa đọc kinh cầu siêu cho vong hồn đấng sinh thành, lặng lẽ với bông hồng trắng trên ngực.

Ơn Nghĩa Sinh Thành

Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con

Chợt 2 câu thơ trên của Chế Lan Viên khiến chúng tôi mới thấy thấm thía một điều trong cuộc đời này, con người ta có thể mất tất cả nhưng sẽ lại đứng lên làm lại từ đầu, nhưng mẹ cha chỉ có một trên đời mà thôi, có ai yêu con, thương con, lo cho con bằng cha, bằng mẹ?
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gian khổ cuộc đời không gánh nặng bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín lòng cha



cha-me-250.jpg
Con cái là niềm vui lớn nhất của bố mẹ. AFP photo.

Kể từ khi con có mặt trên cuộc đời là ngày mẹ thêm những lo toan vất vả, những đứa con được mẹ chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ, rồi khi con trưởng thành thì mẹ lại luôn là điểm tựa, chốn nương thân mỗi khi con vấp ngã, sa cơ, nước ắt chảy xuôi, có bao giờ mẹ trách mắng. Ơn nghĩa biển trời của cha mẹ đâu có gì sánh bằng, vậy nhưng, đôi khi trong vòng xoáy cuộc đời, chúng con vẫn mải mê đuổi theo danh vọng, vô tình chúng con lãng quên công sức mẹ cha. Cha mẹ đâu có đòi hỏi gì cao sang, chỉ muốn được nhìn thấy bầy con hạnh phúc là cha mẹ đã mãn nguyện rồi, chúng ta những người con phải làm gì để nước mắt cha mẹ không phải buồn rơi nữa:
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?

Và hôm nay, trong mùa lễ Vu Lan báo hiếu, chúng con tự hứa với lòng sẽ không làm cha mẹ đau buồn, xin cha mẹ lắng nghe lời sám hối chân thành của chúng con. Chúng con biết rằng có nói bao nhiêu lời cảm ơn đi nữa cũng không thể diễn tả hết công sức của cha mẹ đã dành cho con cái. Con chỉ biết rằng có cha có mẹ là điều hạnh phúc nhất trên cuộc đời này. Xin được lấy 2 câu thơ của nhà thơ Trần Trung Đạo để nhắc nhở những người con vào mùa Vu Lan báo hiếu
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?