Edward Snowden được đề cử giải Nobel Hòa bình

Tuần hành ủng hộ Edward Snowden tại Berlin. 

Hai chính khách Na Uy mới đây đã đề cử Edward Snowden nhận Giải Nobel Hòa bình trong lúc cựu nhân viên khế ước của tình báo Mỹ này đang bị nhà chức trách Hoa Kỳ truy nã về tội tiết lộ thông tin mật.

Hai chính khách thuộc phe xã hội cánh tả, ông Baard Vegar Solhjell và ông Snorre Valen, nói rằng họ không tán thành mọi sự tiết lộ của ông Snowden và họ thừa nhận là ông này có thể đã gây thiệt hại cho an ninh của một số quốc gia.

Nhưng họ cho biết họ tin là hành vi báo động của ông Snowden đã làm bùng ra một cuộc tranh luận trong công chúng và tạo ra những sự thay đổi chính sách. Họ nói rằng những thay đổi đó đã góp phần tạo dựng một trật tự thế giới hòa bình và ổn định hơn.

Tại Washington, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ James Clapper không tán đồng quan điểm đó. Ông Clapper cho rằng những gì mà ông Snowden tiết lộ đã vượt khỏi những mối quan tâm mà ông nêu ra về các chương trình theo dõi trong nước. Ông Clapper phát biểu như sau tại một cuộc điều trần mới đây trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ.

"Kết quả là chúng tôi đã mất đi những nguồn thu thập tình báo nước ngoài vô cùng quan trọng, trong đó có những nguồn được các đối tác có giá trị cao chia sẻ với chúng tôi. Những phần tử khủng bố và những thành phần thù địch của quốc gia này đang học hỏi về những phương pháp tìm nguồn và những kỹ năng của tình báo Mỹ và những gì mà họ học được đang làm cho công việc của chúng tôi trở nên khó khăn hơn rất nhiều."

Năm ngoái, Edward Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, gọi tắt là NSA, tiết lộ là NSA đã nghe lén điện thoại của công dân Mỹ và nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài trong khuôn khổ của cuộc chiến chống khủng bố.

Hoa Kỳ muốn đưa Snowden ra tòa để xét xử về tội gián điệp và đánh cắp tài liệu mật.

Giám đốc Clapper cho biết ông Snowden có thể ngưng gây thiệt hại thêm cho an ninh của nước Mỹ.

"Ông Snowden tuyên bố ông ấy đã thắng và sứ mạng của ông ấy đã hoàn thành. Nếu quả là như vậy, tôi kêu gọi ông ấy và những người đồng lõa với ông ấy tạo điều kiện để trả lại những tài liệu đã bị đánh cắp nhưng chưa được tiết lộ để tránh gây thêm thiệt hại cho an ninh của nước Mỹ.

Một nhà lập pháp Nga mới đây cho biết chính phủ ở Moscow không có ý định trục xuất ông Snowden khi thời hạn tị nạn tạm thời của ông đáo hạn vào tháng 8."

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder hôm thứ năm tuần trước nói rằng chính phủ sẽ không xem xét tới việc ân xá cho ông Snowden, nhưng sẽ thảo luận với luật sư của ông về một thỏa hiệp để ông nhận tội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện