Gìn giữ quá khứ của cải lương

Blog Nguyễn Thanh Hoàng

Nguyễn Sâm
Sài Gòn của thập niên 50 thế kỷ trước. Thời ông Ngô Đình Diệm chưa về chấp chánh, thời của những thủ tướng lên cầm quyền thiệt ngắn như Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Phan Long, Bửu Lộc, Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Hữu, đến và đi không để lại được công trạng gì cho dân tộc vì những áp lực của những thế mạnh chánh trị từ các cường quốc xa xôi. Họ cũng chẳng để lại gì trong trí nhớ thơ dại của tôi, chỉ ghi nhận những gì xảy ra trong một hai khu phố gần gần nơi mình ở. Chú ý đến những ồn ào sôi động hơn là những chuyện xa vời như chánh trị, văn hóa…

Lúc đó ngày nào như ngày nấy, tôi và những đứa bạn cùng trang lứa sống trong khu gọi là Chợ Cháy của cái chợ lớn hơn là Cầu Ông Lãnh, mới qua tuổi mười, chui rúc trong những gian sạp nho nhỏ, tất cả sinh hoạt của đời sống đều diễn ra trong đó. Chừng khoảng chín giờ sáng thì đã bắt đầu chờ đợi chiếc xe Renault nhỏ và mấy chiếc xe ngựa của những đoàn cải lương chạy qua mà hai bên hông xe nào cũng có dựng hai tấm ban-nô lớn vẽ hình quảng cáo tuồng cải lương, bu theo để xin những tấm giấy “pồ-gam” (programe) nói về tuồng hát đêm hôm ấy. Trống trong xe đánh thùng thùng điếc tai nhức óc chen với tiếng phèng la, chập chõa chát chúa không làm chúng tôi ngại ngùng, trái lại càng bị kích thích hơn. Chạy, chạy. Bu bu. Níu níu. Kêu kêu. Cả chợ ai cũng ngó theo xe quảng cáo và lũ con nít ở trần chúng tôi. Nhiều bà nhiều cô cố bước mau tới kế bên để kịp nhận một tờ. Giấy in màu xanh đỏ có hình đào kép bận quần áo đẹp đẽ sang trọng, có sơ lược tuồng tích và có những câu rất kêu quảng bá sự hay ho của tuồng sắp được diễn đêm nay.

Chúng tôi tò mò để biết họ hát tuồng gì thì ít mà để làm một thứ tiền chơi đánh bài, chơi oảnh-tù-tì với nhau thì nhiều. Người phát giấy pồ-gam nhẵn mặt và bực bội với chúng tôi. Họ hất tay không cho khi thấy mấy thằng nhỏ xin hết tờ nầy tới tờ kia. Được tờ nào thì giấu mau ra sau lưng rồi đưa tay kia ra xin tờ khác. Có thằng, thường là thằng Dần, bạo dạn hơn, chờ lúc anh phát giấy vô ý, lẹ như chớp giựt cả xấp chạy biến vô trong chợ. Bữa hôm đó nó tha hồ mà làm cái của sòng bài cào chơi tiền bằng giấy pồ-gam, đứa nào đặt mấy tấm nó cũng giở, cũng ăn thua đủ.

Nhờ những tấm giấy xanh đỏ quảng cáo kia chúng tôi biết rành mặt đào kép, biết tên gánh hát, biết tuồng tích và biết ai thủ vai gì trong tuồng. Có đứa còn rành hơn, nó biết tên thầy tuồng và gánh nào chuyên hát loại tuồng gì nữa. Thằng Mẹo với thằng Ri kể vanh vách nào là gánh Hậu Tấn của Bảy Cao chuyên hát tuồng có pháo nổ lạch tạch, có bắn súng cắc bùm với lửa xanh phát ra ở đầu súng với mùi pháo bay ra khét lẹt, gánh Hậu Tấn Năm Nghĩa chuyên hát tuồng xã hội với chủ nhơn Lư Hòa Nghĩa xuống vọng cổ mùi tận mạng bằng những tiếng ơ… ơ kéo dài mà nó bắt chước kéo theo thì lần nào cũng đứt hơi ho sặc sụa. Mấy chị đàn bà bàn nhau rằng kép Thanh Tao, kép Năm Phồi, kép Bảy Nhiêu đẹp trai nhứt hạng. Có chị chê rậm rì là kép Bảy Cao lên sân khấu coi bảnh tỏn vậy mà ai lén lên dãy ghế thượng hạng sẽ thấy ông ta mặt rỗ hoa mè, đánh phấn dầy cộm cũng không che khuất hết.

Cải lương và tuồng tích ảnh hưởng lên đời sống của chúng tôi, đứa nào cũng thuộc vài ba đoạn, năm bảy bài ca trong mấy tuồng đã in ra giấy như Hoàng Tử Lưng Gù hay Máu Nhuộm Phụng Hoàng Cung…. Còn nói về thể loại bài ca thì ôi thôi, các loại như Mẫu Tầm Tử, Khổng Minh Tọa Lầu, Hướng Mã Hồi Thành, Bình Bán Vắn, thủ Phong Nguyệt… tụi tôi ca cũng có hạng và thường thì chiều chiều tụ lại ba bốn đứa chia vai mà ca mà hát.

Lúc nầy mấy rạp hát thường được đoàn lớn về đóng là rạp Nguyễn Văn Hảo ở đường Galiéni, góc với đường Dixmude, gánh nhỏ hơn chút xíu thì về trụ 1, 2 tuần ở rạp Aristo, tức Trung Ương Hí Viện ở đường gì đó ngó vô ga xe lửa Sàigòn, rạp Tân Tiến xéo xéo với đình Cầu Muối vùng chợ Cầu Muối. Rạp Văn Cầm ở đường Lacaze, tức Nguyễn Tri Phương sau nầy mà có một hai lần tôi rán đi bộ theo tụi nó tới để xin giấy pồ-gam rồi khi về bị cô tôi giảng mo-ran hai ba giờ đồng hồ, đứng bắt mỏi chưn…

Rồi thì những gánh như Tỷ Phượng, Phụng Hảo, Tiếng Chuông, Phước Chung, Thanh Hương Văn Chung rồi Thanh Hương-Hùng Minh… kể cả những chuyện nho nhỏ liên quan tới đào kép chúng tôi nhiều khi cũng nghe, cũng biết. Thằng Thìn không hiểu từ đâu mà học được câu hát “Bửu Tài là rể bầu Cao, cãi vã với vợ là đào Cẩm Vân”, nó ê a câu nầy hoài bên tai bọn tôi tới nỗi hơn sáu mươi năm nay tôi còn nhớ. Còn thằng Dần lớn con nhứt bọn thì khen không tiếc lời “Coi em bé Juliette Nga bận áo đầm trước khi đoàn Hậu Tấn Năm Nghĩa của ba mở màn, ra trình diễn một bản Hành Vân hay Mẫu Tầm Tử hoặc Khổng Minh Tọa Lầu hay một hai câu vọng cổ” thì bữa hôm đó về phụ má nó bán gạo rất là hăng hái. Cái thằng lớn mau như thổi, có nhiều giấy quảng cáo nhứt, có lần nó đi coi cọp về bị đòn vậy mà ngày sau bô bô về chuyện em bé Hương Lan ca mùi đứt ruột, bỏ xa Thần đồng Quốc Thắng bên tân nhạc của những kỳ Đại Nhạc Hội vốn cũng được chúng tôi ưa thích.

Chúng tôi, những đứa còn lại, chưa đủ lớn để có tiền mua giấy vô cửa hay không đủ lém để tự tin nắm tay một bà dễ tánh nào đó theo vô rạp, vậy mà nhiều đêm rủ nhau 5, 6 đứa tới trước rạp nghe phát loa họ vặn lớn những bài ca vọng cổ như Tôn Tẫn Giả Điên: “Úy trời đất ơi cái nỗi đoạn trường! Cũng bởi vì tôi quá tin thằng Bàng Quyên là bạn thiết với tôi cho nên ngày hôm nay mới ra nông nỗi… nó đành tâm chặt đứt một bàn chưn tôi... còn như công cuộc ngày hôm nay đây….” Mà hễ mỗi lần thằng Dần ca, dầu cho nó vô tình hứng chí ca chơi hay cố ý châm chọc thì thằng Thới què, anh của con Hiền, con nhỏ nhí thường lẽo đẽo theo tôi nắm tay bắt chia giấy program tôi xin hay giựt được, đều nổi máu quạu lên rượt nó chạy có cờ, trước khi bắt đầu rượt thằng Thới đều chụp đại một cái chổi lông gà của ai đó quơ quơ coi bộ ngầu lắm… Sớm quá thì chưa vô được dầu là đã bắt đầu màn hai. Mấy đứa tôi lang thang ăn cóc, ăn ổi cho rẻ tiền, chờ tới chừng 11 giờ, màn ba bắt đầu, đợi chú gác cửa nháy mắt nói “thả dàn” rồi quay lưng đi vô, chúng tôi vén màn cửa chạy ùa vô coi cọp vớt vát lớp chót. Khúc nầy thường là hội ngộ, trùng phùng, vinh hiển, đào kép ôm nhau cười vui sau khi hoạn nạn đã hết. Chàng vinh hiển làm quan lớn, hai ba vợ, nàng cực khổ ngày xưa trở thành mệnh phụ phu nhơn, cô tỳ nữ trung thành nhiều khi được thưởng làm vợ hai…. trước khi màn nhung kéo lại có gắn tấm bảng đề chữ Vãn và nhạc “ò e rô be đánh đu tạc dzăng nhảy dù, zo rô bắn súng” phát lên. Tiếng guốc giày lốc cốc trên đường nhựa rôm rả một hồi rồi trả sự êm đềm của đêm lại cho Sài Gòn thanh bình tạm bợ vì tiếng súng lẻ tẻ còn ở quá xa. Chuyện thanh bình của nước nhà tuy chưa có nhưng vẫn ít bén mảng tới thành phố…

Vậy mà thỉnh thoảng khán giả cũng ăn mãng cầu lửa, hết lựu đạn liệng lên sân khấu rạp Nguyễn Văn Hảo khiến kép Duy Lân phải bị cụt giò, tới cà na bay lên hàng ghế thượng hạng ở tạp Aristo khiến vài ba ông bà nhà giàu mất mạng. Gánh nào lãnh đạn thì khốn đốn vài ba bữa rồi cũng đứng dậy khai trương tuồng với phong cách mới. Những tuồng phong vị Ba Tư Ngàn Lẻ Một Đêm huyền ảo diễm tình ra đời với đủ thứ đèn màu xanh đỏ vàng tím, những tuồng hiệp khách bay lộn bằng dây móc kéo lên quay vòng vòng trên sân khấu xuất hiện. Thời nầy người ta chú trọng tới tuồng tích ly kỳ, cảnh trí huyền ảo, xiêm y rực rỡ. Sự ca diễn chỉ là thứ yếu.

Rồi thì những năm gần giữa thập niên 50, gánh Kim Chung, Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô đóng đô quanh năm ở rạp Aristo với kép đẹp Huỳnh Thái, Ngọc Toàn, đào thương Bích Hợp, đào diễn Kim Chung, các đào kép phụ chuyên làm hề đồng, làm tỳ nữ như Túy Định, Thúy Liệu, Phúc Lai, Tư Vững, Ba Hội chuyên diễn những tuồng tích phong vị Trung Hoa gần giống như trong các truyện thơ Nôm của thế kỷ trước mà nhơn vật thường là giai nhơn tài tử, với những mối tình thi vị, trong sáng của soạn giả Phong Trần Tiến.

Vậy mà tuồng nào tuồng nấy ăn khách quá chừng, đêm nào rạp cũng chật ních. Thời nầy an ninh trong thành phố đã vững, lựu đạn giết dân của mấy ông trời con ngoài bưng vô không còn dịp tung hoành nữa, gánh Kim Chung sau đó dời sang rạp Olympic ở đường Chasseloup Laubat rồi phát triển thành 2, rồi 3. Người coi cải lương chuyển từ từ sang thích giọng ca, cách diễn… Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Thanh Nga, Diệu Hiền, Ngọc Giàu, Ngọc Nuôi, Út Hiền, Út Hậu, Tấn Tài, Thành Được, Thanh Sang, Hữu Phước… mỗi người mỗi vẻ, mỗi làn hơi, không ai giống ai nhưng người nào cũng có giọng ca trời cho, ru hồn người nên hái ra tiền và có thể nói là góp phần đưa cải lương lên vòm trời cao của nghệ thuật. Lúc nầy giấy pồ-gam cải lương hình như đã hết, chúng tôi hơi lớn lớn, bắt đầu chuyển sang sưu tập program của ciné, cũng in bằng giấy màu của rạp Vĩnh Lợi, Lê Lợi, Eden… đặc biệt viết bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp. Chúng tôi bắt đầu làm quen với tên tuổi đào kép của thế giới văn minh bắt đầu từ đây.

Trong hoàn cảnh đó giải Thanh Tâm ra đời xác nhận tài năng ca diễn của đào kép nên nghệ nhơn càng cố gắng trau dồi thêm. Cải lương bước những bước đi bảy dặm, chỉ trong vòng 10 năm trước 1975 mà tiến bộ hơn mấy lần ba thập niên trước đó…

*
Sống ở Sài Gòn từ nhỏ vậy mà tôi chỉ còn nhớ lõm bõm có vậy về cải lương. Quá khứ của bộ môn nầy vượt khỏi trí nhớ của tôi và của biết bao nhiêu người khác dầu họ sanh ra và sống mãn đời suốt kiếp ở Sài Gòn với chung quanh gần cả chục rạp và sự đi về của mười mấy đoàn lớn nhỏ. Huống chi cải lương còn mọc rễ và phát tán ra ở các tỉnh miền Hậu Giang nữa. Ai dám tự hào mình biết hết bước đường của môn nghệ thuật mới nầy?

Năm ấy Sài Gòn đổi chủ, chủ mới thuộc phe của những người đã liệng lựu đạn vô khán giả yêu thích cải lương ngày xưa. Tôi đi tìm lại chút quá khứ mờ nhạt của mình vì đã rời xóm chợ hơn 10 năm nay. Dần đã đi Mỹ, thằng Thới què đã chết, mấy thằng Ri, thằng Mẹo đứa thì già cỗi, răng sún đưa càng, đứa thì lưu lạc hà phang bất biết. Vậy mà tôi gặp lại con Hiền. Con nhỏ lúc nầy đã gần ba mươi tuổi, không có chồng, mời tôi vô cái sạp bán guốc của nó, đưa cho tôi coi hai xấp program cải lương ngày cũ. Tôi nắm xấp giấy ngày xưa mình thân thiết, mơ ước, ngồi như mơ, nhớ lại thời gian cách đó hơn hai mươi năm…

Thằng Ri bặm trợn cầm một tấm ván mỏng tháo ra từ cái thùng đựng củ hành tây nhập cảng của tiệm đường nhà nó, dí dí vô mặt của con Hiền hét lớn:

Trảm bạch mã tế thiên!
Tru hắc ngưu tế địa!
Giết giết!

Con Hiền né né tránh thì thằng Mẹo ở đâu lại xía vô, tay cầm ngược chổi lông gà làm kiếm:

Sát nhứt miêu cứu vạn thử cho xong,
Bảo vì Liêu mà Bảo phải lụy tàn…

Rồi nó chặt mạnh xuống trước mặt con nhỏ như là chặt đầu ông vua nước Liêu mà chúng tôi thường đóng vai ca hát.

Con Hiền sợ quính quáng, chạy tới ôm tôi cứng ngắt. Tôi hơi sượng sùng, nhưng làm bộ tỉnh queo, ra mặt anh hùng rầy tụi kia không được ăn hiếp con gái nữa…

Mấy bữa sau tôi giúp con Hiền ngồi sắp xếp lại đống giấy chương trình mà chị Hai nó liệng ra ngoài vì choán chỗ, nó vừa xếp, vừa đưa tay gạt cho giấy bớt nhăn nhúm vừa quẹt nước mắt nói khiến tôi giựt mình:

“Nữa lớn Hiền làm vợ của Sang rồi hai đứa mình đi hát cải lương.

Tôi ngó ngay vô ngực nó, cặp mắt như là chê. Nó biết ý cũng dòm xuống ngực mình, quả quyết:

“Bây giờ chưa, nhưng lớn lên cũng có chứ bộ!”

Tiếng chứ bộ của nó tôi thương quá chừng, nhưng mới 11, 12 tuổi tôi còn ghét con gái lắm, tôi bảo vệ con Hiền vì tánh anh hùng của con trai hơn là vì thích nó, tôi nạt phũ phàng:

“Thôi mầy! Chị Hai mầy thấy mặt tao là đuổi đi chỗ khác chơi, vô nhà mầy ở chắc chỉ đánh chưởi tối ngày… với lại…

Tôi lại ngó vô ngực nó rồi chỉ vô mình một cô đào Mỹ nào đó.

Con nhỏ đỏ mặt lại ngó xuống ngực mình không nói gì…
Tôi hỏi con Hiền còn nhớ hồi nó ôm tôi và câu chuyện trao đổi lúc hai đứa xếp lại những tờ giấy nầy không. Nó nói nhớ chớ sao không, người ta quên thì có.
Tôi làm thinh lâu lắm mới bào chữa:

“Đời trai, học hành, lính tráng, sự nghiệp… làm cho mình quên đi quá khứ rất đáng yêu của thời tuổi trẻ. May mà Hiền còn giữ quá khứ của chúng ta qua những tờ chương trình nầy.”

Tôi vừa nói vừa chỉ vô bút tích của mình ngày xưa phân vai cho những nhân vật trong quyển tuồng cải lương Hoàng Tử Lưng Gù mà tôi với Hiền thủ vai tình nhân của nhau.
Con nhỏ phản đối ngay:

“Sang có vợ con rồi, đừng nói vậy, Hiền chỉ giữ gìn quá khứ của cải lương thôi, không giữ gìn quá khứ của chúng mình.”

Câu nói của con Hiền không biết tại sao tôi thấy đáng giận hơn là đáng thương. Tôi nói năm ba câu nữa rồi từ giã, lòng chẳng lưu luyến gì.

Gần bốn mươi năm sau từ ngày bực mình vì nhóm chữ chỉ giữ quá khứ của cải luơng thôi tôi lại thấy vui vui vì ý nghĩa mình tìm thấy khi đọc quyển sách “Bước Đường Của Cải Lương” của Nguyễn Tuấn Khanh, đó là tác giả đã thực hành được chuyện giữ gìn quá khứ của cải lương. Tại sao cùng một ý nghĩa mà trước đây Hiền nói thì tôi bực mình mà bây giờ tôi lại vui khi gán cho ý nghĩa trong quyển sách của người bạn?

Câu trả lời rất giản dị:

Ông Nguyễn Tuấn Khanh với con mắt của nhà khoa học, với tâm hồn đam mê của nghệ nhơn đã bỏ công đi tìm quá khứ của cải lương để ghi lại những bước đường của nó một cách chính xác bằng những tài liệu với những suy luận chắc nịch, khó cãi….

Sách của anh Nguyễn Tuấn Khanh kéo tôi về quá khứ, và sẽ kéo người đọc về một thời mà cải lương là sinh hoạt nghệ thuật đáng trân trọng của Miền Nam nay đã bị giết đi, giết tức tưởi vì nhiều nguyên nhân…

Nguyễn Văn Sâm
Alexandria, LA, những ngày chớm Đông

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện