Bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa ?(I)
Tham luận
Thứ Năm, 07/07/2016 - 17:53 — nguyenthituhuy
Cách đây không lâu, Lê Anh Hùng có đặt ra một vấn đề ở tầm chiến lược : « Cách mạng dân chủ ở Việt Nam: từ dưới lên hay từ trên xuống? », đồng thời đưa ra một số phương án về khả năng chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam.
Đây là một chủ đề lớn, và cần thảo luận rốt ráo, nhất là trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, khi chủ quyền và môi trường đều bị đe dọa. Sẽ có những người cho rằng, đối với Việt Nam vấn đề cấp bách là thoát Trung, và tạm thời cần dẹp qua một bên vấn đề nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên cũng sẽ có người nghĩ rằng, Việt Nam muốn độc lập thì phải dân chủ hóa. Tôi cũng nghĩ theo hướng này, Việt Nam không thể có độc lập, không thể cứu môi trường nếu không dân chủ hóa. Nhận định này có lẽ được củng cố khi ta quan sát những gì đang diễn ra, những cách thức xử lý của chính phủ về các vụ đồng bằng sông Cửu Long, Vũng Áng, Formosa…
Tiếp tục suy nghĩ về các khả năng và nhất là về điều kiện cho sự dân chủ hóa ở Việt Nam, trong bài này tôi sẽ đề cập đến một điểm, một trong cả chuỗi vấn đề cần quan tâm phân tích : bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa trong tình thế cấp bách này?
Câu trả lời mà có lẽ nhiều người nghĩ đến đầu tiên là : bộ phận cấu thành phong trào dân chủ. Dĩ nhiên, để định nghĩa phong trào dân chủ không đơn giản. Dù vậy, cũng có thể xem là từ « phong trào dân chủ » được hiểu là phong trào của những người trực diện đấu tranh, những người bất đồng chính kiến, những người từng bị giam giữ, những người thường xuyên trực tiếp xuống đường… Không thể phủ nhận đóng góp to lớn của những người này trong quá trình thức tỉnh lương tri và làm thay đổi nhận thức. Thực sự là những hy sinh của họ, những nỗ lực của họ đã có một tác động quan trọng đối với sự chuyển động xã hội. Sự can đảm của họ đã kêu gọi sự can đảm của người khác, khiến cho dần dần càng có nhiều người bước qua lằn ranh của sự sợ hãi.
Câu trả lời thứ hai mà có thể nhiều người cũng đồng tình : xã hội dân sự. Cụ thể là các tổ chức xã hội dân sự. Sự hình thành của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã đánh dấu một bước chuyển biến mới của phong trào dân chủ. Giờ đây, các cá nhân đã tập hợp lại với nhau trong một số tổ chức. Và dĩ nhiên, sức mạnh của một tổ chức bao giờ cũng lớn hơn sức mạnh của một cá nhân. Đồng thời sự tồn tại của các tổ chức xã hội dân sự gợi lên niềm hy vọng rằng một ngày nào đó chính phủ độc tài sẽ cho phép hợp pháp hóa các tổ chức hội đoàn độc lập. Dĩ nhiên, đấy là một trong những điều kiện nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ.
Tuy nhiên, câu trả lời mà tôi tìm thấy hơi khác. Dù phải chịu đựng nhiều hy sinh, dù có đóng góp quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa, nhưng vai trò thúc đẩy NHANH quá trình dân chủ không thuộc về các hội đoàn xã hội dân sự, các cá nhân bất đồng chính kiến hay các nhà tranh đấu (như từ vẫn thường được dùng ngày nay). Tại sao ? Tại vì trong quan niệm của xã hội Việt Nam hiện nay, họ bị xem là quá cực đoan (một người chỉ viết lách ôn hòa như tôi mà cũng bị xếp vào diện cực đoan thì những người đã từng bị kết án tù sẽ còn bị xem là cực đoan đến mức nào). Điều này, cùng với sự đàn áp của chính quyền khiến họ bị đặt vào tình thế cô lập.
Mặc dù họ liên kết lại với nhau trong một số hội đoàn, nhưng vẫn chỉ là họ với nhau. Nghĩa là họ không có cơ hội để tiếp xúc và để tác động trực tiếp với cái khối đông đảo quần chúng trong xã hội. Tác động của họ chủ yếu thông qua việc viết lách, thông qua các công bố trên mạng. Các cuộc tiếp xúc chỉ diễn ra giữa họ với nhau, trong những nhóm rất nhỏ. Điều này thật khác với Aung San Suu Kyi, khi mà bà có thể làm những cuộc diễn thuyết về dân chủ trước hàng ngàn người. Cũng có một bộ phận trong giới đấu tranh có thể có tác động trên diện rộng, đó là bộ phận công giáo. Tuy nhiên, các bài giảng ở nhà thờ không thể đi ra ngoài phạm vi tôn giáo, nghĩa là các linh mục cũng không thể giảng các bài giảng về dân chủ, mà chỉ có thể lồng một số nội dung nhất định nào đó vào các bài giảng thánh lễ.
Ngoài ra, một điều khác mà ta có thể nhận thấy là cuộc đấu tranh ở Việt Nam đang chủ yếu đi theo hướng phản ứng lại các chính sách bất cập hay ngăn chặn các việc làm sai trái của bộ phận công quyền. Phán kháng, tố cáo, kiến nghị, một số cuộc biểu tình… là những dạng thức hoạt động chính. Dĩ nhiên, những việc này rất cần thiết và quan trọng, và luôn cần thiết và quan trọng.
Nhưng việc truyền bá kiến thức về dân chủ hầu như rất ít được thực hiện. Hiện nay cũng chưa có một tổ chức nào chuyên tập trung vào việc này. Họ không lựa chọn việc truyền bá kiến thức về dân chủ, quảng bá ý nghĩa của dân chủ, giới thiệu tầm quan trọng của dân chủ, như một nội dung hoạt động chính. Dĩ nhiên, có một số chương trình như giới thiệu về quyền con người. Nhưng thực sự rất ít những chương trình như thế. Và nhất là bản thân các hội đoàn dường như cũng không xem việc phải xây dựng một lề lối làm việc dân chủ, một cơ cấu tổ chức dân chủ, là quan trọng.
Nghĩa là, nếu lấy lại một ý mà tôi từng nói trong một bài viết trước đây thì ta có thể nói, cuộc đấu tranh hiện nay đang thiên về hướng chống lại thể chế độc tài, chứ chưa xem trọng việc phải xây dựng các kiến thức, các giá trị và các chuẩn mực về dân chủ, chưa làm rõ được ý nghĩa và vai trò của dân chủ trong đời sống xã hội. Và như thế thì khối đông quần chúng trong xã hội sẽ không tìm thấy lý do để ủng hộ các nhà tranh đấu, họ sẽ không biết tại sao họ cần ủng hộ các nhà tranh đấu, trong khi mà dù xã hội nhiễu nhương dường như họ vẫn đang có cuộc sống ổn định. Và thực ra, nếu người dân hỏi rằng : « Dân chủ ích lợi gì trong việc bảo vệ Trường sa Hoàng sa ? », « dân chủ ích lợi gì trong việc giải độc biển Đông ? », « dân chủ có cứu được phụ nữ Việt Nam phải bán mình đi làm thê thiếp cho đàn ông nước ngoài không ? »… thì những người tranh đấu sẽ trả lời như thế nào ?
Nói điều này thì một người như tôi phải tự nhận trách nhiệm về phần mình. Tôi cũng là người tham gia phong trào, và tôi cũng chưa làm được gì để cải thiện tình hình này, mặc dù có lẽ tôi có điều kiện để làm việc này hơn một số người khác.
(Còn tiếp)
Paris, 7/7/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
Bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa ?(II)
Thứ Tư, 09/28/2016 - 16:56 — nguyenthituhuy
Khi tiếp tục suy nghĩ về câu hỏi : « Bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hoá ? », tạm thời tôi đứng trước mấy câu trả lời sau đây : 1/ Nội bộ lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, nếu họ có chuyển biến về nhận thức. 2/ Các đảng phái và các tổ chức chính trị chuyên nghiệp, nếu có thể hình thành được từ cơ sở xã hội dân sự và phong trào dân chủ hiện nay. 3/Ấp lực và phản ứng đủ mạnh của người dân. 4/Các cá nhân mà vị trí công việc hoặc uy tín cho phép có ảnh hưởng tới số đông dân chúng. 5/ Các dịch giả, các nhà phân tích và truyền thông cả phi chính thống lẫn chính thống. Ngoài ra chắc chắc còn những yếu tố khác nữa, mà những người khác sẽ thảo luận hoặc bản thân tôi cũng có thể khai thác vào một dịp khác.
Để tiện theo dõi, tôi sẽ trình bày mỗi vấn đề trong một bài viết. Bài này đề cập đến việc lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản, trong trường hợp họ muốn trở thành yếu tố của quá trình dân chủ hoá, thì đó là yếu tố thúc đẩy một cách nhanh nhất sự thay đổi và phát triển của đất nước.
Thực tế đã cho chúng ta thấy rằng nhiều lãnh đạo của các nước độc tài trên thế giới đã quyết định, trong một thời điểm nhất định, hoặc là tiến hành các cải cách căn bản hệ thống chính trị để dẫn đến dân chủ hoá đất nước, như trường hợp của Gorbatchev ở Nga, hoặc là cho phép chuyển đổi từ cơ chế chính trị độc tài sang cơ chế chính trị dân chủ, như trường hợp Thein Sein ở Miến Điện hay tướng Jaruzelski ở Ba Lan.
Điều này có thể xảy ra ở Việt Nam không ? Có lẽ sẽ dễ hơn nếu tìm cách trả lời câu hỏi này : ở Việt Nam có những lãnh đạo cộng sản muốn dân chủ hoá cơ chế chính trị không ?
Trước khi tiếp tục, tôi xin trích dẫn một vài ý kiến sau đây :
« Chế độ dân chủ thiết lập trên cơ sở một bản Hiến pháp được xây dựng từ ý chí tự do của nhân dân lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa . Hiến pháp quy định thể thức bảo đảm tổng tuyển cử tự do, không phân biệt khuynh hướng chính trị, quy định cách thức hoạt động của nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, bảo đảm các quyền tự do của con người và sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.. »
« Chúng ta đã chọn mô hình giáo điều, lai ghép chủ nghĩa xã hội Stalin với chủ nghĩa xã hội Mao Trạch Đông. Liên Xô và các nước Đông Âu đang lâm vào khủng hoảng bởi mô hình Stalin, vi phạm dân chủ, duy ý chí, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi. Thế giới xã hội chủ nghĩa phải cải tổ, đổi mới, giải quyết những mâu thuẫn, phá vỡ cái cũ, đạt tới các tiêu chí của thời đại là: dân chủ, khoa học, nhân đạo, hiện đại. Xu thế chủ yếu là chuyển sang sở hữu tư nhân, kinh tế hàng hóa, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự. »
« Đảng không bao biện lấn sân làm thay nhà nước, không duy trì chế độ “đảng trị”, “toàn trị”. Nhà nước là công cụ của dân, chứ không phải là công cụ của Đảng, không phải cấp trên của dân. Nhà nước quản lý theo luật và bằng chính sách chứ không làm thay doanh nghiệp. Kế hoạch nhà nước nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường. Ngược lại, nếu duy trì tình trạng như hiện nay thì không phải làm cho Đảng, cho Nhà nước vững mạnh mà là tạo môi trường xã hội dung dưỡng độc đoán, lạm quyền, tham nhũng làm thoái hóa Đảng và mục ruỗng Nhà nước. »
Những phát biểu này nghe cứ như là phát biểu của những người đang đấu tranh trong phong trào dân chủ hiện nay. Vậy ai là tác giả của các ý kiến trên đây?
Câu trả lời có thể làm cho nhiều người ngạc nhiên, nhất là những người không tin (hoặc không muốn tin) rằng trong hàng ngũ cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam cũng có thể có những người mang tư tưởng cải cách theo hướng dân chủ hoá.
Câu trả lời là : tác giả của những ý kiến mà tôi dẫn trên đây là một người từng giữ chức Bí thư Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, và ông đã nói ra những điều đó khi ông còn là Bí thư Trung ương đảng, chứ không phải là sau khi đã thôi chức hay về hưu.
Người đó là ông Trần Xuân Bách. Xin xem bài của Tống Văn Công trên trang Viet-studies : http://www.viet-studies.info/kinhte/TongVanCong_TranXuanBach.htm
Các phát biểu đó, vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đã khiến ông Bách phải mất hết các chức vụ và bị ngược đãi.
Dĩ nhiên lịch sử không có chữ « nếu ». Nhưng chúng ta cũng cứ thử trí tưởng tượng của mình xem sao : Nếu vào những năm 89-90 của thế kỷ trước, ông Trần Xuân Bách giữ chức Tổng bí thư, chứ không phải ông Nguyễn Văn Linh, thì Việt Nam rất có thể đã có một kịch bản giống Liên Xô, bởi ông Trần Xuân Bách ủng hộ tư tưởng và hành động cải tổ của Gorbatchev.
Giả sử hồi đó ông Trần Xuân Bách có đủ các điều kiện cần thiết, và ông thành công trong việc chuyển đổi Việt Nam từ độc tài cộng sản sang một thể chế dân chủ, như ông miêu tả trong đối thoại với ông Tống Văn Công, thì ông Bách có xứng đáng được bầu làm Tổng thống của cái nước Việt Nam dân chủ ấy không ? Câu trả lời của tôi không thay đổi : nếu ông Trần Xuân Bách hồi đó có đủ quyền lực để làm được việc thay đổi thể chế thì ông ấy xứng đáng được giữ chức Tổng thống của thể chế dân chủ do ông ấy góp phần quan trọng để lập ra.
Thực ra trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản không chỉ có một mình Trần Xuân Bách là có tư tưởng cải cách, còn có tướng quân đội Trần Độ, đại tá công an Lê Hồng Hà, và thế hệ sau, gần đây thôi, còn có những người từ bỏ chức vụ, như lãnh sự Đặng Xương Hùng.
Liệu lúc này ở Việt Nam có thể xuất hiện một lãnh đạo như Trần Xuân Bách, và dám đi xa hơn Trần Xuân Bách ?
Vấn đề là ở chỗ, trong bộ máy lãnh đạo cao cấp Việt Nam ở thời điểm này không có ai bộc lộ ra ngoài (bằng diễn ngôn và hành động) các dấu hiệu cho thấy họ có tư tưởng cải cách chính trị. Vì thế mà người Việt Nam không tin rằng hiện nay giải pháp dân chủ có thể đến từ tầng lớp lãnh đạo.
Tuy nhiên, người Miến Điện vào thời điểm 1988 (lúc Aung San Suu Kyi bắt đầu từ bỏ vai trò người phụ nữ gia đình để đảm nhận vai trò lãnh đạo chính trị) chắc cũng không tin rằng lãnh đạo độc tài quân sự sẽ chịu tiến hành dân chủ hoá thể chế chính trị. Phải hơn hai mươi năm sau mới có quyết định của tướng Thein Sein, người đứng đầu chính phủ Miến Điện vào thời điểm ông ủng hộ dân chủ hoá thể chế chính trị, năm 2011.
Vấn đề của Việt Nam là lúc này tình thế đã quá cấp bách, nếu hai mươi năm nữa mới dân chủ hoá chính trị thì lúc đó có lẽ đã quá muộn. Áp lực của Trung Quốc, hiểm hoạ môi sinh, tham nhũng, băng hoại xã hội về đạo đức và tinh thần, lưỡi hái tử thần của sự nhiễm độc, không chỉ là biển nhiễm độc mà là hầu như tất cả các loại thực phẩm mà người dân tiêu thụ hàng ngày đều không an toàn…, tình trạng đó đòi hỏi muốn giữ độc lập và tránh thảm hoạ diệt vong cần có một chính phủ đủ mạnh và đủ năng lực giải quyết các vấn đề.
Tình trạng độc quyền chính trị đã làm cho bộ máy quyền lực của Việt Nam trở nên bất lực, không thể giải quyết được các vấn đề của quốc gia. Vụ Formosa, thực ra không mấy khó khăn để giải quyết nhưng chính phủ cũng không giải quyết nổi. Chỉ riêng việc chính phủ phải mất đến ba tháng trời mới công bố nguyên nhân của vụ ô nhiễm đã chứng tỏ sự yếu kém của chính phủ đến mức nào. Và việc giải quyết với mức đền bù 500 triệu đô la cho thấy chính phủ bất lực đến mức nào, như nhiều phân tích đã chỉ ra.
Guồng máy chính trị hiện nay không thể che dấu sự yếu kém và bất lực trong việc điều hành quốc gia. Đồng thời lại phạm sai lầm ở chỗ lấy việc đàn áp nhân dân để chứng tỏ quyền lực của mình. Tại sao sai lầm ? Bởi vì người dân sẽ không mãi mãi chấp nhận bị đàn áp. Và người Việt, cũng như mọi dân tộc khác, có khát vọng sống và khát vọng tự do. Một ngàn năm Bắc thuộc, một trăm năm thuộc địa, không đè bẹp được ý chí sống và ý chí độc lập của người Việt. Vậy dựa vào đâu để những người lãnh đạo cộng sản tin rằng có thể dùng các phương tiện đàn áp để buộc người dân của mình phải chấp nhận chết vì bị đầu độc, vì sự vô trách nhiệm của chính phủ, và chấp nhận mất tự do, mất độc lập mãi mãi ? Ngày hôm nay, những ngư dân mất biển đang xuống đường, và ngày mai, những người khác sẽ xuống đường cùng với họ.
Nếu trong hàng ngũ lãnh đạo còn có những người đủ tỉnh táo và đủ tầm nhìn, họ sẽ thấy rằng trước tình hình cấp bách này, khi họ đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, thay đổi thể chế chính trị để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân và để bảo tồn và phát triển đất nước, thì họ sẽ có một vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc.
Không ai có thể duy trì quyền lực vĩnh viễn, và cũng chẳng ai mang theo được tiền bạc xuống mồ. Vậy có nghĩa lý gì khi mang vận mệnh quốc gia, sự tồn vong của dân tộc, sinh mạng của nhân dân, uy tín và danh dự của chính mình, để đánh đổi lấy một vài năm nắm giữ quyền lực và một đống tiền bạc mà đằng nào cũng phải từ bỏ khi giã biệt cõi đời này ?
Paris, 28/9/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
Nhận xét
Đăng nhận xét