Bớt biệt thự Sài Gòn: 'Không nhận ra' thành phố
30 tháng 9 2016
BBC Tiếng Việt.- Một nhà nghiên cứu kiến trúc các tòa nhà di sản ở Sài Gòn dành cho BBC cuộc trò chuyện khi có tin hơn một nửa trong số 1.300 biệt thự cổ ở Sài Gòn bị tháo dỡ hoặc “biến mất”.
Ông Tim Doling là nhà sử học người Ireland, từng làm việc với Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam từ năm 1999-2004 trong dự án về phát triển giáo trình quản lý nghệ thuật trong ba trường đại học tại Hà Nội.
Ông dành nhiều năm nghiên cứu và ghi chép về các tòa nhà kiến trúc di sản tại Sài Gòn, nơi ông sống nhiều năm.
- BBC: Như ta từng thấy con số thống kê, một nửa trong số 1.300 biệt thự cổ tại Sài Gòn đã “biến mất”, theo ông sự phá hủy này sẽ ảnh hưởng ra sao đến giá trị văn hóa của thành phố này?
Các di sản kiến trúc liên quan đến cơn lốc không mệt mỏi của phát triển và hiện đại hóa trong vài năm gần đây và sự phá hủy thực sự là thảm họa.
Rất nhiều tòa nhà di sản có giá trị thẩm mỹ vô giá, rất nhiều nơi người ta muốn đến thăm và được bước vào. Bạn có thể nhìn những tòa nhà cũ như số 14 Tôn Thất Đạm, 42 Nguyễn Huệ hay số 9 Thái Văn Lung. Trong vài năm gần đây, người trẻ đã biến những nơi này thành cửa hàng thời thượng, quán cafe và nhiều cửa hàng thời trang ở đó.
Dĩ nhiên, thành phố phải tiếp tục phát triển, và các kiến trúc mới, hiện đại sẽ được xây lên, nhưng phải có sự cân bằng giữa cái mới và cũ.
Hoàn toàn không cần thiết phải phá hủy những tòa nhà cũ để xây những tòa nhà mới, hoàn toàn có thể tìm các địa điểm thay thế. Và để có thể phù hợp với bối cảnh đô thị, những tòa nhà mới phải thể hiện một vài nét của phong cách có sẵn, hoặc ít nhất là tiếp nối chúng theo cách phù hợp.
Việc phá hủy có hệ thống nhiều kiến trúc di sản quan trọng và việc xây dựng phân mảnh, không phù hợp những tòa nhà chọc trời xấu xí trong nhiều năm qua ngay giữa trái tim thành phố thể hiện sự thiếu tầm nhìn trong phát triển đô thị.
Nguyên nhân thực sự duy nhất có lẽ là lợi nhuận khổng lồ bởi những nhà phát triển cá nhân xây dựng những toàn nhà chọc trời ở những nơi được gọi là “đất vàng”.
Dĩ nhiên, chúng ta có thể giải thích cho giá trị kinh tế của việc bảo tồn di sản, vốn đã từng được ghi nhận ở rất nhiều quốc gia, nhưng đáp lại đó là giá trị lâu dài và nó không bao giờ có thể cạnh tranh với lợi nhuận tức thì do những nhà phát triển lớn tạo ra.
Chỉ có chính phủ đứng giữa các tòa nhà di sản và sự phá hủy. Trong khi đó hiện thời, cơ quan bảo tồn nhà nước ở Sài Gòn chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong phát triển đô thị.
- BBC: Trong một số tìm hiểu, người ta nói những ngôi nhà quan trọng ở các tuyến đường như Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng,v à Lê Quy Đôn, có rất nhiều biệt thự đã bị phá, ông có ước tính nào cho tương lai kế tiếp của sự phá hủy không?
Tôi sống ở đây từ thập niên 1990 và quay lại từ năm 2010, vì thế không may là tôi đã không ghi nhận toàn bộ sự tàn phá.
Tôi chỉ bình luận về việc đã có bao nhiêu thiệt hại xảy ra từ những ngày đó và đối với những tòa nhà di sản đặc biệt bị phá hủy trong sáu năm qua.
Sài Gòn là một thành phố lớn và rất nhiều ngôi nhà bị phá mà không ai biết đến cho đến khi ta đi ngang qua một khu nào đó và thình lình nhận ra thêm một ngôi biệt thự biến mất.
Nếu bạn đi dọc theo đường Lê Quý Đôn hôm nay, bạn sẽ thấy nhiều tòa nhà đã có nhiều tấm bảng pano bao quanh – có nghĩa là lại sắp phá đi.
- BBC: Vậy giá trị của những tòa nhà cũ, biệt thự cũ ở Sài Gòn là gì, khi vẫn còn có tranh luận về việc phải phát triển và xây các công trình mới cho sự phát triển của thành phố?
Mỗi tòa nhà cũ có tầm quan trọng theo mức độ khác nhau.
Chúng nhắc nhở về những sự kiện quan trọng đã tạo nên lịch sử thành phố. Bảo tồn những di sản đã được xây lên có nghĩa là ta trao lại lịch sử của mình cho thế hệ tương lai, để con cháu có thể hiểu và học hỏi từ đó.
KIến trúc di sản cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người, khiến họ có cảm giác về nơi ở, cảm giác về bản thân và sự tự hào. Điều này đặc biệt đúng với các di sản hữu hình.
Khắp thế giới đã từng xảy ra sự phá hủy cảnh quan tương tự, đi kèm với sự căng thẳng trong đời sống hàng ngày, và có thể dẫn đến cảm giác mất mát danh tính và nguồn gốc ở con người.
Vừa qua, rất nhiều cư dân Sài Gòn đã than phiền họ không còn nhận ra nơi mà họ đã lớn lên nữa.
Điều mà các thành phố như Sài Gòn cần quan tâm, là các kiến trúc di sản gắn liền với tính cách và sự độc đáo của thành phố, khiến nơi này đáng sống và sôi động hơn. Đó là điểm có thể thu hút lao động kỹ thuật cao, khi phải cạnh tranh với những thành phố khác trên toàn cầu.
Và dĩ nhiên, các kiến trúc di sản gắn liền với các sự kiện lịch sử chính là điều khiến du khách nước ngoài tìm đến tham quan.
Các cơ quan quản l ý du lịch Việt Nam thường đổ lỗi cho việc giảm du khách vì chất lượng quảng bá và sự không hấp dẫn của khẩu hiệu du lịch, nhưng lại quên đi thực tế là các tòa kiến trúc đẹp thu hút du khách văn hóa, đang ngày qua ngày biến mất. Trong khi nhóm du khách này rất chịu chi tiêu.
- BBC: Một trong những nguyên nhân khiến biệt thự cổ biến mất là chủ nhà chỉ đơn giản là phá căn nhà cũ đi để xây nhà mới mà không biết giá trị lịch sử của nó. Ông có đồng ý với ý kiến này không?
Vấn đề cốt lõi là ngay cả bây giờ, chính quyền vẫn có rất ít hiểu biết về di sản nào đang tồn tại ở thành phố này. Có rất nhiều nguyên nhân chi phối, trong đó có áp lực và ưu tiên phải xây dựng đất nước sau hàng thập niên chiến tranh.
Đã có danh sách các di tích lịch sử quốc gia và thành phố, nhưng đa số các di tích lại là địa điểm cách mạng, đền, đình, chùa... Ngoài các điểm du lịch chính như Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc lập, Chợ Bến Thành, các kiến trúc thời thuộc địa và kiến trúc hiện đại hậu thuộc địa không hề có tên trong danh sách này.
Trong khi Sài Gòn là nơi có rất nhiều kiến trúc hiện đại do các kiến trúc sư Việt Nam xây dựng trong thập niên 1950 và 1960.
Một phần nguyên nhân là lịch sử văn hóa thuộc địa và hậu thuộc địa của Việt Nam ít được nghiên cứu. Hệ quả là dẫn đến không có một quy tắc nào để đánh giá và bảo tồn các kiến trúc giai đoạn đó.
Nhà chức trách chưa bao giờ thống kê các tòa nhà kiến trúc thuộc địa và hậu thuộc địa. Nếu họ không biết ở đó có gì, ai có thể trông đợi họ sẽ có thể lập ra biện pháp bảo vệ các tòa nhà đó?
Tài liệu về các tòa nhà lịch sử là bước cực kỳ quan trọng trước khi tiến hành bảo tồn bất kỳ ngôi nhà nào.
Vào năm 2010, người ta đã cho phép phá tòa nhà rất quan trọng xây trong thập niên 1890, ở số 12 Lê Duẩn, cạnh thương xá Diamond Plaza, dựa trên một thông tin sai lệch về mặt kiến trúc được đăng trên báo Tuổi Trẻ lúc đó, gọi tòa nhà này là một “kiến trúc giả thuộc địa” và khá mới. Cho tới giờ, địa điểm tháo dỡ tòa nhà để chuẩn bị xây dự án “Lavenue Crown” đó cho tới giờ vẫn còn để trống.
Khi tôi quay lại Sài Gòn năm 2010, tôi ngạc nhiên là không ai có vẻ biết vai trò lịch sử của rất nhiều tòa nhà xưa, như Ủy ban Quận 1 (xây năm 1876), tòa nhà Cục Hải quan (1887), Dinh Thượng thơ của thành Gia Định tại 59 Lý Tự Trọng (năm 1888), Tòa nhà công ty Hỏa Xa (1914), và Tòa nhà Catinat (1927). Tất cả đều bị đe dọa trước sự phát triển.
Vì thế tôi dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu lịch sử của các tòa nhà này, nó có thể giúp cho việc bảo tồn và khiến du khách yêu thích.
Có thể lấy ví dụ vào cuối năm 2014, khi Ủy ban Quận 1 tuyên bố họ định sẽ phá tòa nhà ủy ban và xây một cao ốc, rất nhiều báo tại Việt Nam đã chạy bài viết nói đó là một trong những kiến trúc Pháp cổ nhất còn lại trong thành phố. Cuối cùng, Ủy ban Quận 1 đồng ý chỉnh lại kế hoạch và xây dựng phía sau khu nhà có sẵn chứ không đập đi.
Trong khi các tòa nhà chính phủ thời trước tìm tài liệu khá dễ dàng, thì các biệt thự riêng thường rất khó tìm tài liệu.
Rất nhiều biệt thự cổ của thành phố sẽ biến mất đơn giản là vì chúng nằm trong những hẻm khuất và chúng ta không thể ghi lại tiểu sử để đấu tranh bảo tồn chúng.
- BBC: Vậy liệu có tồn tại một cách thức nào để công dân ở Sài Gòn được tham gia vào nỗ lực bảo tồn những biệt thự, tòa nhà cổ đó không? Hay họ chỉ đơn giản là nhìn chúng biến mất?
Thực ra, hàng ngàn công dân trẻ của Sài Gòn đã lập ra rất nhiều nhóm trên mạng xã hội, để khiến người dân quan tâm hơn về di sản thành phố, như nhóm Đài Quan Sát Di Sản Sài Gòn, Saigon Chợ Lớn There & Now. Các bạn trẻ thực sự muốn tìm hiểu về lịch sử thành phố, thứ mà các em không được học trong trường, và để bảo tồn những gì còn lại của Sài Gòn xưa trước khi quá trễ, và để bảo vệ những gì còn lại của Sài Gòn trước khi quá trễ.
Qua sách vở, những nhà sử học như Nguyễn Hiệp đang cố kể lại câu chuyện của thành phố. Những nhóm trên mạng xã hội như Cội Việt của Phan Khắc Huy hay Cà phê Thứ Bảy là nơi tổ chức nói chuyện về di sản thành phố. Các chương trình này cho thấy thế hệ trẻ muốn có nhiều thứ hơn thay vì chỉ có những thương xá khô khan mới được xây lên.
Một số nhóm như dự án bản đồ Đài Quan sát Di sản cho phép mọi người dùng điện thoại, thiết bị GPS có camera chụp ảnh một tòa nhà và sau đó đăng lên Google Maps, sau đó nhóm chuyên gia có thể đăng tải thêm thông tin về kiểu kiến trúc, tình trạng, ngày tháng ghi nhận. Đó là cách sử dụng thông tin cộng đồng để xây dựng dữ liệu về các di sản. Từ đó hi vọng là nhà chức trách sẽ sử dụng tư liệu này để bắt đầu cho bảo tồn.
- BBC: Nói một chút về Ba Son hay thương xá Tax, nỗ lực của công chúng xem ra đã không thể cứu những di sản quan trọng này. Vậy ông nghĩ sao về tình hình các tòa nhà kiến trúc thuộc địa hiện thời?
Về Ba Son, một trong những di sản hàng hải quan trọng nhất của Việt Nam bị phá đơn giản vì có quá nhiều lợi ích liên quan đến kinh doanh ở đây.
Còn thương xá Tax, tòa nhà được công chúng quan tâm, chủ của tòa nhà là công ty SATRA đã phải bổ sung vào kế hoạch ban đầu khi có thư kiến nghị gần 3.500 chữ ký yêu cầu bảo tồn các cầu thang chính khảm gạch mosaic, và xây dựng lại mặt tiền tầng dưới của tòa nhà như xưa. Và nhóm Đài Quan sát Di sản Sài GÒn đã chỉ ra rằng việc làm này đòi hỏi phải có chuyên gia bảo tồn tham gia, mà hiện thời việt Nam chưa có.
Cho đến giờ, như tôi được biết vẫn chưa có tham vấn của chuyên gia về tòa nhà này từ Bộ Văn hóa và không ai biết ai sẽ tiến hành việc tư vấn này, cũng như dựa theo chuẩn này.
Chúng tôi chỉ biết kế quả khi phần kiến trúc đó được dựng lại trong tòa nhà mới.
Nhiều năm qua, đã có rất nhiều dự án bảo tồn kiến trúc mosaic bị thất bại ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi hi vọng tòa nhà này không nằm chung số phận đó.
- BBC: Liệu có cơ sở dữ liệu nào lưu trữ thông tin về các tòa nhà di sản, biệt thự cổ tại Sài Gòn và công dân có thể tiếp cận để hiểu hơn về thành phố này nếu họ muốn bảo vệ nó không?
Không hề có kho dữ liệu nào về các tòa nhà di sản ở Sài Gòn.
Tôi nghĩ khả năng đánh cược tốt nhất của chúng ta là nhìn thấy lượng du khách sụt giảm ra sao khi các tòa nhà di sản biến mất, và việc bảo tồn có thể giúp thị trường du lịch phát triển ra sao.
Những bước đi quan trọng cần phải được tiến hành ngay với những gì còn lại trước khi quá trễ.
Nhận xét
Đăng nhận xét