Tin Biển Dông – 28/09/2016
Tổng thống mới Philippines và Biển Đông?
Việt Nam có thể sẽ “ít được lợi hơn” với cách tiếp cận của Tổng thống Philippines với vấn đề Biển Đông, một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nói.
Ông Rodrigo Duterte có chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 28-29/9.
Báo Tuổi Trẻ tại Việt Nam tường thuật “Tình hình Biển Đông được dự báo là một chủ đề quan trọng sẽ được lãnh đạo hai bên thảo luận và chia sẻ quan điểm trên cơ sở lập trường và những lợi ích chung.”
Tờ này cũng nói sẽ có thảo luận về “Hợp tác biển và đại dương” và “vấn đề an ninh và tự do hàng hải” cũng như “phát triển kinh tế biển, hoạt động đánh cá, ngư dân, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Ông Malcolm Cook, nhà phân tích từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore nhận định về chính sách ngoại giao: “Tổng thống Duterte, từ khi còn là ứng viên tổng thống đến giờ đã trở thành tổng thống có cách tiếp cận rất khác về vấn đề Biển Đông, so với cựu tổng thống Aquino trong nhiệm kỳ 2012-2016. Ông Duterte phê phán việc ông Aquino đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài.”
“Ông cũng tập trung vào làm giảm nhiệt căng thẳng với Trung Quốc về Biển Đông để có thể tập trung vào vấn đề kinh tế trong quan hệ song phương, và khả năng hỗ trợ tiềm năng của Trung Quốc cho các kế hoạch về cơ sở hạ tầng.
“Chừng nào Trung Quốc chưa giận dữ với tình hình trên Biển Đông trong quan hệ với Philippines, thì đây có vẻ là cách tiếp cận rất khác. Nhưng đây lại là cách làm khá giống với tổng thống Philippines Macapagal-Arroyo từ 2001 – 2010.”
“Ít có lợi hơn”
Khi BBC hỏi, liệu động thái đó của Philippines đó có dẫn đến việc Việt Nam sẽ đơn độc trong vấn đề về Biển Đông, ông Malcolm Cook nói “không hẳn” nhưng “chắc chắn là Philippines dưới thời ông Duterte sẽ không thể hiện sự đối mặt trên tuyến đầu với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông hay cố gắng tìm kiếm ủng hộ từ ASEAN”.
Nhà nghiên cứu nói Việt Nam sẽ “ít có lợi hơn” trong xung đột với Trung Quốc về Biển Đông dưới thời Tổng thống Duterte.
Việt Nam giờ đang ở vị trí “chỉ trích mạnh mẽ nhất hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong nhóm các quốc gia thành viên Asean và không thể dựa vào sự hỗ trợ của Philippines nữa,” ông cho biết.
“Tuy nhiên, điều này vẫn có thể thay đổi nếu Trung Quốc làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông với Philippines.”
Về nghị trình chuyến thăm, ông Malcolm nhận định: “Ông Duterte chú trọng hơn vào các đe dọa an ninh nội địa hơn là các thế lực ngoại bang và ông có cái nhìn tiêu cực hơn về Hoa Kỳ cũng như quan hệ Hoa Kỳ – Philippines hơn cựu tổng thống Aquino.”
“Vì Philippines là cựu đồng minh của Hoa Kỳ, xu hướng chính trị có thể tác động tới lợi ích chiến lược nếu Philippines thay đổi cách tiếp cận với Hoa Kỳ. Đó là những gì ta thấy trong chính quyền Duterte cho đến giờ.”
Khi BBC hỏi liệu Việt Nam có thể làm gì về vấn đề Biển Đông, nếu Philippines không còn chung tiếng nói về vấn đề Biển Đông nữa, nhà nghiên cứu này cho biết:
“Việt Nam cần phải ít dựa vào Asean để tìm kiếm sự ủng hộ trong xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông và tập trung vào những cách khác để tìm kiếm ủng hộ, như quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ và những bước tiến đơn phương,” ông nói với BBC Tiếng Việt.
Trong ngày 29/9, ông Duterte sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Biển Đông gây nhiễu quan hệ Trung Quốc – Singapore
Có lẽ chưa bao giờ Singapore và Trung Quốc lại có những lời lẽ nặng nề với nhau công khai như vậy. Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh Stanley Loh hôm qua cáo buộc tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo Nhà nước của Trung Quốc, đã ngụy tạo câu chuyện về việc Singapore đòi đưa quan điểm của Philippines về vụ kiện Biển Đông vào văn kiện kết thúc hội nghị thượng đỉnh các quốc gia không liên kết ( NAM ), diễn ra tại Venezuela trong tháng này.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 21/09 vừa qua khẳng định rằng Singapore đã nài nỉ về chuyện Biển Đông cho đến tận đêm, khiến đại biểu nhiều nước rất khó chịu. Nhưng theo đại sứ Stanley Loh, phái đoàn nước này không hề có những hành động như vậy ở thượng đỉnh NAM, tức là không hề nêu vấn đề Biển Đông cũng như phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ kiện Biển Đông.
Đại sứ Singapore cho biết, các đoạn nói về Đông Nam Á, trong đó có đề cập đến Biển Đông, vẫn được ghi trong văn kiện của thượng đỉnh NAM từ năm 1992 và thường xuyên được cập nhật dựa trên lập trường chung của các nước ASEAN. Chỉ có lần này ASEAN không đồng ý với đoạn về Biển Đông được ghi trong văn kiện của thượng đỉnh tại Venezuela, vì đoạn này bị xem là không phản ánh đúng diễn tiến tình hình Biển Đông hiện nay.
Ông Stanley Loh đã đòi Hoàn Cầu Thời Báo đính chính và đăng toàn bộ lá thư của ông. Nhưng tờ báo này sau đó đã không đính chính mà lại đăng một bài khác, trong đó tổng biên tập Hồ Tích Tiến ( Hu Xijin ) khẳng định bài báo đầu tiên được viết dựa trên một nguồn “đáng tin cậy” tại thượng đỉnh NAM và phóng viên báo này đã thực hiện những cuộc phỏng vấn “nghiêm chỉnh”. Không những thế, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo còn cáo buộc Singapore ủng hộ Philippines và Việt Nam về những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông và “gây tổn hại lợi ích của Trung Quốc” vì để cho lực lượng Mỹ trú đóng.
Hôm nay, tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn tỏ vẻ đắc thắng đăng thêm bài thứ ba khẳng định là bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc của đại sứ Singapore. Thực tế là hôm qua, bộ Ngoại Giao Trung Quốc có nói rằng “một số quốc gia”, không được nêu tên cụ thể, đã đòi phải nhấn mạnh vấn đề Biển Đông trong văn kiện thượng đỉnh NAM.
Cuộc khẩu chiến giữa đại sứ Singpapore và tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho thấy hồ sơ Biển Đông đang gây nhiễu mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu đứng hàng thứ hai của Singapore và Singapore cũng là một trong những nước đầu tư nhiều nhất vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm qua, Singapore đã tăng cường quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, đặc biệt qua việc cho phép triển khai máy bay do thám Poseidon của Mỹ tại nước này. Singapore cũng đang thăm dò khả năng đưa binh lính nước này sang đảo Guam của Mỹ để được huấn luyện.
Chuyên gia về an ninh châu Á-Thái Bình Dương Alex Neil, thuộc Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược ở Singapore, được tờ Financial Times trích dẫn hôm nay cho biết Bắc Kinh rất bực bội vì Singapore tuy nói sẽ không nghiêng về bên nào, nhưng lại tăng cường quan hệ với Mỹ.
Ông Alex Neil cũng lưu ý rằng những bài đăng trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo thường thể hiện quan điểm của những thành phần bảo thủ nhất trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tháng 8 vừa qua, chính tổng biên tập Hồ Tích Tiến đã nói rằng những quan điểm của ông cũng là quan điểm của nhiều quan chức chính quyền Bắc Kinh. Ông Hồ Tích Tiến tuyên bố: “Họ không được tự do phát biểu, nhưng tôi thì có thể nói.”
Úc nghiêng ngả giữa đồng minh Mỹ và Trung Quốc
Úc sẽ phải chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ? Câu hỏi này ngày càng được đặt ra trên lục địa. Vấn đề có thể gây ngạc nhiên, vì Úc lâu nay nằm trong số những đồng minh trung thành nhất, đã từng tham chiến cùng với Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, cũng như hiện diện tại Afghanistan, Irak và Syria.
« Hoa Kỳ chắc chắn có những người bạn quan trọng hơn, giàu có hơn, nhưng tôi xin nói với ông là Hoa Kỳ chưa bao giờ có được một người bạn đáng tin cậy hơn Úc ». Cựu thủ tướng Tony Abbott đã khẳng định như thế với tổng thống Barack Obama vào năm 2014.
Nhưng trọng lượng và ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn tại Úc. Tiến sĩ Michael Fullilove của công ty tư vấn Lowy Institute tóm tắt : « Đối tác thương mại chính là Trung Quốc đã trở thành địch thủ đáng ngại nhất của đồng minh chủ chốt của chúng tôi là Hoa Kỳ ». Trong một cuộc thăm dò, Lowy Institute đã đặt câu hỏi với người dân Úc : quốc gia nào quan trọng nhất đối với nước Úc ? Có 43% số người được hỏi trả lời là Hoa Kỳ, và 43% cho là Trung Quốc.
Úc, nước phát triển lệ thuộc Trung Quốc nhiều nhất
Cũng như những nước khác tại châu Á-Thái Bình Dương, không thể không làm ăn với Trung Quốc. Đối với hãng tin tài chính Bloomberg, Úc là nền kinh tế lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất trong số những nước phát triển.
Một hiệp định tự do mậu dịch giữa hai nước đã bắt đầu có hiệu lực từ năm 2015. Úc xuất khẩu sắt và than đá, các nhà nông bán sữa, rượu vang, thịt…Du học sinh từ Hoa lục làm đầy két tiền của các trường đại học Úc. Trong các lãnh vực như thương mại, đại học, người Hoa còn nhiều hơn người Úc. Tăng trưởng của lãnh vực du lịch phần lớn dựa vào các du khách Trung Quốc : năm 2015 là trên một triệu, tăng 22% so với năm trước. Ngoài ra, cộng đồng người Hoa trên đất Úc đang phình ra : trong tổng số 24 triệu dân Úc, khoảng 900.000 là người gốc Hoa, và hơn phân nửa sinh tại Trung Quốc.
Từ cuối tháng Tám, ảnh hưởng của Bắc Kinh trên chính trường làm người Úc lo lắng. Dân Úc phát hiện ra sức nặng của tiền đóng góp Trung Quốc cho các đảng chính trị, và ý thức được quyền lực mềm của Bắc Kinh. Tập đoàn truyền thông ABC tiết lộ có những cá nhân và công ty có liên hệ với Trung Quốc đã chuyển trên 5,5 triệu đô la cho các nhân vật đảng Tự Do và Lao Động. Đại sứ Mỹ tại Úc, John Berry nói thẳng với nhật báo The Australian : « Chúng tôi ngạc nhiên trước tầm mức can dự của Bắc Kinh vào chính sách Úc », tỏ ý mong có được những cải cách để tự vệ « chống lại ảnh hưởng trái khoáy của các chính phủ không cùng chia sẻ những giá trị của chúng tôi ».
Giao cảng Darwin cho Trung Quốc 99 năm
Đây không phải là lần đầu tiên những hành động của Trung Quốc tại Úc gây bực tức cho Washington. Cách đây chưa đầy một năm, cảng Darwin ở miền bắc Úc trở thành trung tâm mọi chú ý. Úc đã ký hợp đồng cho một công ty Trung Quốc quản lý cảng Darwin trong 99 năm, mà theo báo chí Úc, công ty này có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Trong khi đó hàng trăm quân nhân Mỹ đồn trú tại Darwin, quá cảnh qua cảng này. Theo một thỏa thuận ký năm 2011, số quân nhân Mỹ trú đóng tại đây trong năm 2017 sẽ là 2.500 người. Tổng thống Barack Obama nói với thủ tướng Úc : « Lần tới làm ơn báo trước cho chúng tôi ! ». Washington phát hiện ra hợp đồng này khi nó đã được ký xong, và báo New York Times đưa tin.
Từ đó đến nay, Canberra xem xét cẩn thận các dự án đầu tư Trung Quốc, tuy có nguy cơ làm phật lòng đối tác quý giá. Hồi tháng Tám, với lý do an ninh quốc gia, chính phủ Úc đã bác bỏ đề nghị khai thác mạng lưới điện ở New South Wales (thủ phủ là Sydney). Úc cũng đã phủ quyết việc Trung Quốc mua lại trang trại lớn nhất thế giới Kidman Station, trải rộng đến 2,5% diện tích đất nông nghiệp Úc. Bắc Kinh không che giấu sự bực tức.
Thận trọng hơn tại Biển Đông
Theo báo Le Monde, giao du với Bắc Kinh, chính phủ Úc đang đùa với lửa. Ảnh hưởng của Trung Quốc càng gây lo ngại hơn với yêu sách chủ quyền ngày càng lớn, như tại Biển Đông, vùng biển nơi 60% trao đổi thương mại Úc phải đi qua.
Washington đã gởi hạm đội đến vùng biển tranh chấp, nhân danh tự do hàng hải và cũng để gởi một thông điệp cứng rắn đến Bắc Kinh. Canberre không tham gia hoạt động tuần tra. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop biện bạch : « Chúng tôi không muốn leo thang căng thẳng, mà kêu gọi hòa dịu ».
Nhưng Úc đầu tư mạnh vào quốc phòng : ngân sách sẽ tăng từ 32,4 tỉ đô la Úc (22 tỉ euro) hiện nay, lên 58,7 tỉ đô la Úc (gần 40 tỉ euro) năm 2026. Quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ nằm trong số những quan ngại hàng đầu. Theo Canberra, từ nay đến 20 năm tới, « phân nửa số tàu ngầm và chiến đấu cơ trên thế giới » được bố trí tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Úc sẽ tăng gấp đôi đội tàu ngầm, lên 12 chiếc, đây là chương trình quốc phòng quan trọng nhất lịch sử nước này. Tập đoàn đóng tàu Pháp DCNS đã giành được hợp đồng cung ứng hồi tháng Tư, qua mặt Nhật và Đức. Cuộc cạnh tranh được người Mỹ quan sát kỹ lưỡng, và chính đồng minh truyền thống này của Úc sẽ cung cấp các thiết bị chiến đấu.
Nhận xét
Đăng nhận xét