Tin Biển Đông – 29/09/2016

Tin Biển Đông – 29/09/2016

Mỹ – Philippines còn tập trận không?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại gây khó hiểu với phát biểu mới nhất về việc tập trận chung với Mỹ.
Ông Duterte nói hôm 28/9: “Mỹ có lịch tổ chức tập trận lần nữa mà Trung Quốc không muốn.”
“Tôi xin thông báo cho quý vị biết, đây sẽ là cuộc tập trận cuối cùng.”
Ông Duterte phát biểu khi gặp cộng đồng người Philippines tại khách sạn Intercontinental, Hà Nội trong ngày đầu thăm Việt Nam.
Ông thậm chí nói ông đã quyết định tự ra thông báo để bộ trưởng quốc phòng của ông không khó xử.
“Tôi không muốn bộ trưởng quốc phòng khó xử,” ông nhấn mạnh.
Giải thích?
Liền sau đó Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr, nói với báo giới rằng có lẽ Tổng thống muốn ám chỉ cuộc tập trận vào tháng 10 sẽ là tập trận lần cuối của năm 2016, chứ không phải cả nhiệm kỳ tổng thống.
“Tôi hiểu là cuộc tập trận cuối của năm. Chúng tôi sẽ giải thích,” ông Esperon phân trần.
Trang tin Philippines GMA News lại dẫn lời Ngoại trưởng Perfecto Yasay Jr. rằng Tổng thống muốn nói Philippines sẽ không tuần tra chung với nước ngoài bên ngoài 12 hải lý.
Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 quy định các quốc gia ven biển có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở.
Ngoại trưởng Philippines nói: “Chúng tôi sẽ không tuần tra chung trong vùng đặc quyền kinh tế, ở ngoài lãnh hải 12 hả lý với nước khác.”
Hồi đầu tháng Chín, Tổng thống Duterte từng tuyên bố không muốn tham gia tuần tra chung với nước nào bên ngoài lãnh hải.
“Tôi sẽ không cho phép vì tôi không muốn quốc gia chúng ta tham gia hành động thù nghịch,” ông Duterte nói hôm 13/9.
Philippines đã ký Hiệp định Tương trợ Quốc phòng với Mỹ năm 1951. Ngoài ra hai nước có thỏa thuận từ 1998, để tổ chức tập trận chung hàng năm.
Ông Duterte đã từng có những bình luận khiêu khích với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp châu Âu từ khi lên nắm quyền ngày 30/6.
Ông giận dữ vì phương Tây chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của ông mà đã làm chết hơn 3.000 người, theo số liệu cảnh sát được tờ Wall Street Journal dẫn lại.

Philippines tuyên bố sẽ thôi tập trận với Mỹ

Tổng thống Philippines ngày 28/9 tuyên bố cuộc diễn tập quân sự chung với Mỹ sắp tới sẽ là cuộc diễn tập cuối cùng giữa hai nước đồng minh dù Manila vẫn cam kết tôn trọng Hiệp ước Quốc phòng Hỗ tương 1951 với Washington.
Phát biểu từ Hà Nội nhân chuyến công du Việt Nam, ông Rodrigo Duterte nhấn mạnh: “Tôi lưu ý những người Mỹ rằng đây sẽ là cuộc tập trận cuối cùng.”
Ông Duterte nói thêm rằng sẽ không có cơ hội diễn ra các cuộc tuần tra hải quân chung giữa Manila với Washington và rằng ý kiến cho rằng có xung khắc giữa Philippines với Trung Quốc là điều mang tính “tưởng tượng” hơn là thực tế.
Tổng thống Duterte nói Philippines sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tuần tra nào ở Biển Đông để tránh bị lôi kéo vào một cuộc xung đột có thể có giữa hai nước Mỹ-Trung.
Quân đội Philippines và thủy quân lục chiến Mỹ theo dự kiến tổ chức cuộc tập trận đổ bộ lưỡng cư thường niên từ ngày 4/10 tới ngày 12/10 ở phía Bắc đảo Luzon của Philippines.
Lãnh đạo quân sự hai bên cũng đã khởi sự chuẩn bị cho các đợt diễn tập mới vào năm sau.
Trong tuần này, ông Duterte cũng tuyên bố sẽ mở ra các liên minh mới với Trung Quốc và Nga để tăng cường thương mại giữa lúc các giới chức quốc phòng và ngoại giao đã khởi sự thăm dò thỏa thuận võ khí với Nga.
Washington và Manila nhất trí về các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông trước khi ông Duterte đắc cử trong năm nay, và một phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài trước đây trong tháng cho biết đã có 3 cuộc tuần tra được tiến hành từ tháng 3 đến tháng 7.

Bộ Ngoại Giao Philippines đính chính

tuyên bố tại Hà Nội của Tổng Thống Duterte

Ngoại trưởng Philippines hôm Thứ Năm 29/09 nói rằng nước này sẽ tiếp tục tập trận cùng với Hoa Kỳ trong năm 2017, bất chấp những tuyên bố của Tổng Thống Rodrigo Duterte.
Ông Duterte đang có chuyến công du Việt Nam hai ngày. Tổng thống Philippines hôm 29/09 có các cuộc gặp gỡ với chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang, và thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc, trước khi đến chào xã giao tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng.
Hôm Thứ Tư 28/09, ông Duterte gây chấn động trên truyền thông quốc tế, khi tuyên bố rằng cuộc tập trận chung sắp tới của hải quân Philippines và Hoa Kỳ sẽ là cuộc tập trận cuối cùng, vì ông không muốn khiêu khích Trung Cộng. Theo hãng tin Reuters, khi đưa ra tuyên bố này tại Hà Nội, Tổng Thống Duterte đã khiến cho mối quan hệ đồng minh đang chớm nở giữa Việt Nam và Philippines trở nên bấp bênh. Việt Nam và Philippines đã đến gần nhau hơn, trong khi Trung Cộng ngày càng khẳng định mạnh mẽ những tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Theo Reuters, những tuyên bố chống Hoa Kỳ hầu như hàng ngày của ông Duterte, và luận điệu thân Trung Cộng của ông được cho là không phù hợp với đường hướng ngoại giao hiện thời của Hà Nội.
Quan hệ giữa Hà Nội và Washington đã nhanh chóng phát triển, cùng với chuyến công du của Tổng Thống Barack Obama tới Việt Nam vào tháng 5. Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Các nhà lãnh đạo tại Hà Nội được cho là sẽ rất lo ngại trước thái độ thân thiện với Trung Cộng của ông Duterte. Họ sẽ phải cân nhắc xem liệu chiều hướng ngoại giao mới của Philippines có gây phương hại cho những nỗ lực trong vùng, nhằm tạo ra một lập trường thống nhất để đối chọi lại các hoạt động hàng hải của Trung Cộng.
Hôm 29/09, Ngoại Trưởng Philippines Perfecto Yarsay nói rằng nước này sẽ tiếp tục tập trận chung với Hoa Kỳ trong năm 2017, nhưng sẽ duyệt xét lại các cuộc tập trận kể từ năm 2018.
Huy Lam / SBTN

Việt Nam khó tác động đến chính sách, bước đi của Philippines

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đã tiếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 29/9 sau khi ông Duterte đến Hà Nội hôm 28/9, thực hiện chuyến thăm chính thức kéo dài hai ngày.
Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam trên cương vị tổng thống, theo tường thuật của truyền thông Việt Nam, ông Duterte khẳng định “coi trọng và tăng cường quan hệ mọi mặt với Việt Nam” và mong muốn “làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược” giữa hai nước trong thời gian tới.
Việt Nam và Philippines thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hồi tháng 11/2015. Năm nay, hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tin cho hay lãnh đạo hai nước “nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị, ngoại giao” thông qua “tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp”.
‘Trụ cột quan trọng’
Hợp tác an ninh, quốc phòng được hai bên đánh giá là “một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước”.
Về vấn đề Biển Đông, truyền thông Việt Nam cho biết trong cuộc hội đàm giữa ông Quang và ông Duterte, hai bên cam kết “duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại không bị cản trở trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông”.
Hai bên cũng kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Khả năng của Việt Nam tác động vào Philippines để Philippines đi theo những đường hướng chính sách có lợi cho Việt Nam thì tôi nghĩ là rất là khó. Điều đấy phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức về mặt lợi ích quốc gia của ông Duterte và chính quyền của ông.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói.
Quan sát từ Singapore, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại đảo quốc nhỏ bé, nhận định rằng Việt Nam sẽ “tận dụng” chuyến thăm của tổng thống Duterte để hiểu rõ “lập trường chính sách” của Philippines đối với các tranh chấp ở Trường Sa. Ông Hiệp cho rằng thông qua đó hai nước sẽ xác định được rõ hơn hướng đi của quan hệ song phương trong thời gian tới, trong khi Việt Nam “sẽ định hình được các bước đi của mình đối với vấn đề Biển Đông”.
Trong những tháng gần đây, tổng thống Philippines đã có những tuyên bố hoặc tỏ dấu hiệu sẽ thay đổi chính sách cả về vấn đề Biển Đông lẫn quan hệ với các nước lớn có ảnh hưởng đến khu vực là Mỹ và Trung Quốc.
Một số nhà phân tích và Tiến sỹ Hiệp cho rằng điều này gây lo ngại cho Việt Nam. Liệu Việt Nam có sử dụng chuyến thăm hiện nay để tác động đến chính sách và các động thái của ông Duterte hay không, Tiến sỹ Hiệp đưa ra dự báo: “Khả năng của Việt Nam tác động vào Philippines để Philippines đi theo những đường hướng chính sách có lợi cho Việt Nam thì tôi nghĩ là rất là khó. Điều đấy phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức về mặt lợi ích quốc gia của ông Duterte và chính quyền của ông. Trong thời gian trước mắt, tôi nghĩ rằng khả năng đấy là thấp. Còn trong trung và dài hạn, khi có những thay đổi về nhận thức và khi có những sức ép khiến chính quyền của ông Duterte thay đổi, tôi nghĩ may ra lúc đấy khả năng Việt Nam có thể tác động hoặc làm sao có thể định hình các chính sách của Philippines có lợi hơn cho mình thì tôi nghĩ lúc đấy mới có thể khả dĩ hơn”.
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, phân tích thêm rằng Tổng thống Duterte có những ưu tiên mâu thuẫn với những mong muốn của một số người về vấn đề đối ngoại.
Ông Hiệp nêu ra ví dụ là có những người Philippines mong muốn nước này tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích trên Biển Đông, trong khi chính quyền của ông Duterte lại muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Lý do là ông muốn tận dụng sự hợp tác, sự hỗ trợ về kinh tế của Trung Quốc để ông thực hiện các mục tiêu đối nội, nhất là phát triển kinh tế. Do vậy, Việt Nam sẽ khó tác động đến Philippines.
‘Tuyên bố khó hiểu’
Về các tuyên bố đối ngoại gây khó hiểu của ông Duterte, Tiến sỹ Hiệp lưu ý cần phải bình tĩnh tìm hiểu xem ý định thực chất trong những phát biểu của ông là gì, do ông Duterter “xuất thân là một chính trị gia ở địa phương”, không có “các kinh nghiệm lãnh đạo ở tầm quốc gia” cũng như “các kinh nghiệm quốc tế”. Ngoài ra, ông Hiệp cũng cho rằng những ràng buộc do thể chế và các hiệp ước sẽ hạn chế phạm vi hành động của tổng thống Philippines, nhất là trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Ông nói: “Về quan hệ của Philippine với Trung Quốc và Hoa Kỳ, tôi cho rằng sẽ vẫn có những sự rằng buộc về mặt thể chế cũng như những sức ép về mặt chiến lược, về mặt kinh tế, về mặt chính trị, v.v… mà có thể hạn chế phạm vi tự do hoạt động, tự do quyết định của ông Duterte. Dẫu sao thì Mỹ vẫn là một đồng minh hiệp ước với Philippines và Philippines sẽ không thể một sớm một chiều quyết định rời xa Hoa Kỳ. Có những cái hiệp ước vẫn còn giá trị, những cái ràng buộc pháp lý vẫn còn có giá trị giữa hai bên và ông Duterte không thể tự mình có thể xoay chuyển được trong một sớm một chiều”.
Một ngày trước, vào tối 28/9, phát biểu với cộng đồng người Philippines tại Hà Nội, Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố sẽ sớm chấm dứt các cuộc tập trận chung với Mỹ, song cam kết sẽ tôn trọng hiệp ước an ninh hiện hành giữa hai quốc gia đồng minh này.
Hôm 29/9, Ngoại trưởng Philippines Yasay đã giải thích rõ hơn rằng tuyên bố của tổng thống không có nghĩa là Philippines tách ra khỏi đồng minh Mỹ hay hủy bỏ bất cứ hiệp ước nào với Mỹ.
Ngoại trưởng Philippines nói: “Điều đó chỉ có nghĩa là khi Ủy ban Quốc phòng Chung trong tương lai đưa ra đề xuất đó, căn cứ vào lời ông nói hiện nay, tổng thống nhiều khả sẽ không cho phép tiến hành tập trận chung”.

Trung Quốc cảnh cáo Nhật Bản tham gia tuần tra Biển Đông

Nhật Bản đang « đùa với lửa » qua dự án tăng cường mạnh mẽ các hoạt động tại Biển Đông, tham gia tuần tra chung trên biển với Mỹ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay 29/09/2016 tuyên bố như trên, cảnh cáo rằng Bắc Kinh sẽ không khoanh tay đứng nhìn trước tình hình này.
Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân (Yang Yujun) nói : « Chúng tôi phải long trọng tuyên bố với Nhật Bản rằng đó là một sai lầm. Tiến hành các cuộc tuần tra chung hoặc các cuộc tập trận trên vùng biển thuộc về Trung Quốc, là Nhật đang đùa với lửa. Quân đội Trung Quốc sẽ không đứng khoanh tay nhìn ». Tuy nhiên phát ngôn viên này không nói chi tiết sẽ hành động như thế nào.
Reuters nhắc lại, Trung Quốc yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông và nhiều lần tố cáo điều mà Bắc Kinh gọi là sự can thiệp của Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản tại vùng biển này.
Tokyo củng cố quan hệ trong khu vực, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines vốn phản đối những đòi hỏi chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Washington tháng này, bộ trưởng Quốc phòng Nhật, bà Tomomi Inada đã cho biết Nhật Bản muốn giúp đỡ các nước láng giềng tăng cường năng lực để đối phó với tham vọng của Bắc Kinh.
Hồi tháng Bảy, Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye sau khi xem xét đơn kiện của Philippines đã ra phán quyết khẳng định yêu sách chủ quyền Biển Đông dựa trên đường lưỡi bò tự vẽ của Bắc Kinh là không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh lập tức bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài.

Hải quân Nhật loan báo không tuần tra ở Biển Đông

Quan chức hải quân cao cấp nhất của Nhật tuyên bố Tokyo không có kế hoạch tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FON) ở Biển Đông, cho dù là đơn phương hay phối hợp với hải quân Mỹ. Tuyên bố này trái với phát biểu trước đây của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Tomomi Inada.
Đô đốc Takei trong tuần này loan báo dù Nhật mạnh mẽ ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, nhưng không có kế hoạch tiến hành hay tham gia các cuộc tuần tra chung trong khu vực. Trước đó trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật tuyên bố Tokyo sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông thông qua một loạt các cuộc tuần tra hậu thuẫn Mỹ và các đồng minh.
Đô đốc Takei và các giới chức hải quân nước ngoài tham dự một cuộc họp hôm 26/9 tại Cục Quốc gia Nghiên cứu châu Á ở Washington.
Phó Đô đốc Tim Barrett, người đứng đầu hải quân Úc, cho hay việc có tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông hay không và thực hiện thế nào là một quyết định quốc gia, nhưng hải quân Úc sẵn sàng thực hiện bất kỳ mệnh lệnh nào của chính phủ.
Các hoạt động tự do hàng hải được mở ra để thách thức các tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển và không phận thuộc về lãnh hải quốc tế. Các tàu bè qua lại khu vực khẳng định rằng sự di chuyển này được quy định bởi Luật Biển Quốc tế.
Trung Quốc từng thề quyết bảo vệ nhiều thực thể địa lý trong các vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời cảnh cáo Nhật, Úc, cùng các nước khác chớ có can dự, nhất là, chuyện Biển Đông.
Đô đốc Takei cũng cho hay Nhật mở ngỏ việc tái tục các cuộc giao tiếp đối thoại trực tiếp với lực lượng hải quân Trung Quốc. Ông nói nên tái khởi động các cuộc trao đổi nhân sự và cho tàu cập cảng thăm viếng qua lại giữa lực lượng hàng hải Nhật với hải quân Trung Quốc để cải thiện quan hệ. Các hoạt động này bị đình chỉ vài năm trước.
Bất chấp các mối quan ngại về sự bành trướng nguy hiểm về khu vực hoạt động Trung Quốc gần các đảo do Nhật kiểm soát, Đô đốc Takei hôm 26/9 tuyên bố “cánh cửa của Tokyo đang mở rộng cho Bắc Kinh”.

Lãnh đạo Việt Nam – Philippines

thảo luận vấn đề tranh chấp biển Đông

Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang bàn luận về biển Đông với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày hôm nay tại Hà Nội.
Báo chí Việt Nam đưa tin nói rằng hai nước đồng ý với nhau là các bên phải kềm chế, không sử dụng vũ lực để giải quyết các xung đột với nhau tại biển Đông, cũng như là phải bảo đảm tự do hàng hải trên vùng biển rất tấp nập hoạt động thương mại này.
Việt Nam và Philippines cũng nói rằng hai nước sẽ hợp tác để thúc đẩy việc hình thành Bộ qui tắc ứng xử trên biển Đông, cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có công ước luật biển 1982. Ngoài ra hai bên cũng khẳng định là việc hợp tác an ninh và quốc phòng là trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tuy vậy không thấy hai vị lãnh đạo Việt Nam và Philippines nêu ra phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đưa ra hồi ngày 12 tháng bảy năm nay, trong đó khẳng định Trung Quốc không có cái mà họ gọi là chủ quyền lịch sử trên 90% diện tích biển Đông mà họ đơn phương tuyên bố.
Tòa trọng tài này có trụ sở tại Hà Lan đã nhận đơn kiện của Manila cách đây 3 năm chống lại việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền quá đáng trên biển Đông và lấn chiếm vùng đặc quyền kinh tế của Phi tại khu vực bãi cạn Scarborough.
Cả hai nước Việt Nam và Philippines đều lần lượt tuyên bố ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài sau khi phán quyết này được đưa ra.
Philippines và Việt Nam cùng tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa tại biển Đông. Ngoài ra còn có một số nước khác là Trung Quốc, Malaysia, và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này.
Hiện cả hai nước Việt Nam và Phi đều có những cơ sở quân sự tại một số bãi cạn và đảo nhỏ ở đây. Nhưng Trung Quốc là nước có nhiều cơ sở quân sự nhất với 3 sân bay, và hoạt động xây cất quân sự cũng như biến các bãi cạn thành các đảo nhân tạo gây nên lo ngại cho cộng đồng thế giới vì sẽ làm căng thẳng quân sự leo thang tại biển Đông.
Ngoài vấn đề biển Đông, được biết là Việt Nam và Philippines cũng bàn luận về những trao đổi thương mại và kinh tế song phương. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị rằng Manila tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ở Philippines trong các lĩnh vực khai thác dầu khí, khoáng sản và dịch vụ.
Hiện Phi là bạn hàng lớn nhất của gạo xuất khẩu từ Việt Nam.
Chiều ngày hôm nay sau khi gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Rodrigo Duterte đã lên đường về nước.

Biển Đông :

Nhật Bản và Singapore kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế

Nhân chuyến công du Nhật Bản trong vòng 4 ngày khởi sự từ đầu tuần, vào hôm qua, 28/09/2016, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã hội đàm với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo. Hồ sơ Biển Đông là một trong những chủ đề thảo luận và hai bên đã gián tiếp nhắc nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong buổi họp báo chung sau cuộc họp, hai thủ tướng Nhật Bản và Singapore đã xác nhận là tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông có nằm trong chương trình thảo luận giữa hai lãnh đạo. Theo thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thì ông và đồng nhiệm Singapore Lý Hiển Long đã nhất trí về « tầm quan trọng của luật pháp và sự hợp tác trong cộng đồng quốc tế ».
Riêng thủ tướng Lý Hiển Long thì khẳng định rõ là dù không phải là một nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, và không thiên vị bên tranh chấp nào, nhưng Singapore cũng có « những lợi ích then chốt để bảo vệ ».
Đó là quyền tự do hàng hải và hàng không, cũng như một « trật tự khu vực và thế giới dựa trên luật pháp, một trật tự cần thiết để duy trì và bảo vệ các quyền, đặc quyền của mọi nước cũng như thể hiện sự tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao trong việc giải quyết tranh chấp ».
Hai thủ tướng Shinzo Abe và Lý Hiển Long được cho là đã muốn nhắc nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải tôn trọng luật lệ quốc tế, điều mà Bắc Kinh đã coi thường khi phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ngoài hồ sơ Biển Đông, lãnh đạo Nhật Bản và Singapore cũng nêu bật sự cần thiết của hiệp định tự do mậu dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà ông Lý Hiển Long xem là một thỏa thuận « chiến lược quan trọng ».
Thủ tướng Singapore đã khuyến khích Tokyo sớm phê chuẩn hiệp định này và cho rằng : « Sự tham gia của Nhật Bản (trong TPP) rất quan trọng vì Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai trong khối và là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới ».

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn