Tin Việt Nam – 27/09/2016

No sub-categories
Tin Việt Nam – 27/09/2016

Nan giải chuyện chống ngập ở Saigon

Người dân “không tin” khi bỏ tiền vào để làm hệ thống thoát nước tốt hơn, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu nhận định.
Sau cơn mưa đêm 26/9, thành phố Hồ Chí Minh bị ngập nặng.
Báo cáo từ Trung tâm Chống ngập cho biết lượng mưa có nơi đạt đến 204,3mm.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC), thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phân tích về trận mưa:
“Hệ thống thoát nước thành phố trước khi cải tạo bằng vốn ODA chỉ chịu được những trận mưa khoảng chừng 40mm trong 3 giờ.”
“Sau khi nâng cấp, nó chịu được trận mưa từng 85mm. Nhưng trận mưa hôm qua gần hơn gấp đôi số đó. Có nơi đo được đến hơn 200mm.”
“Đó là một biến cố mưa chưa từng quan sát được ở TPHCM.”
Tuy nhiên, ông cũng nói trận mưa chỉ là biểu hiện của một nguy cơ “tiềm ẩn” vì “với biến đổi khí hậu thì trong tương lai những cái như ta đang quan sát sẽ càng thường xuyên hơn.”
Không hiệu quả?
Khi BBC hỏi giải pháp chống ngập của thành phố dường như không hiệu quả từ năm này sang năm khác, tiến sỹ Phi cho biết:
“Các giải pháp không phải là không có, nhưng mức độ thực hiện rất khó, ngay cả với các nước phát triển chứ không chỉ Việt Nam.”
“Ví dụ giải pháp được nêu ra nhiều là xây dựng các hồ điều tiết, tái lập không gian dành cho nước. Nhưng đó là bài toán đụng chạm rất nhiều với xã hội. Thành ra cách giải quyết không dễ dàng một sớm một chiều mà phải mất nhiều thập niên.”
“Trong thời gian đó có một số giải pháp ứng cứu, một trong số đó là dùng hệ thống bơm inline. Công nghệ không mới, nhưng ứng dụng thì chưa nhiều. Theo tôi đó là một trong những giải pháp có triển vọng áp dụng cho TP.HCM, ít có tác động tới xã hội và có thể làm nhanh.”
“Chúng tôi đã thử nghiệm nhiều mô hình và thấy phương pháp tốt và một số dự án ở Mỹ cũng dùng cách này thay cho hồ điều tiết vì cũng gặp vấn đề không giải tỏa được, không có đất làm hồ, có thể triển khai được ngay.”
Tuy nhiên, tiến sỹ Phi cũng cho biết giải pháp mà ông đề cập chỉ mới “dừng ở phòng thí nghiệm trên mô hình thủy lực ở Đại học Quốc gia”.
Về các dự án chống ngập không hiệu quả, ông bình luận: “Ít nhiều các dự án đó có phát huy tác dụng trong mức thiết kế, làm giảm ngập đáng kể. Tôi lấy ví dụ năm 2007 – 2008, là đỉnh điểm, số điểm ngập lên đến 150. Khả năng thoát nước chỉ chịu được cơn mưa 40mm là ngập. Giả sử không có những dự án đó thì ngày hôm qua còn khủng khiếp hơn.”
Ông cũng nói số tiền cho các dự án chống ngập “theo như số dự kiến bởi các chuyên gia Nhật Bản khi họ làm kế hoạch thì con số đó chưa được 40% số tiền cần thiết.”
Người dân ‘không tin’
“Nhưng tại sao người ta lại không đầu tư nhiều hơn?” ông đặt câu hỏi.
“Lý do thứ nhất là không có tiền. Cách tiếp cận vốn ODA của Việt Nam càng lúc càng khó, thành ra ODA càng lúc càng ít.”
“Thứ hai, cơ chế trong nước chưa cho huy động vốn từ tư nhân. Có điều lạ tôi thấy khó hiểu là tất cả các lĩnh vực công ích khác như giáo dục, y tế, điện lực, giao thông, nước sạch, tất cả người ta đều đồng thuận bỏ tiền để sử dụng dịch vụ tốt hơn. Nhưng chống ngập thì không.”
“Chống ngập vẫn là bao cấp. Và kinh phí nhà nước cho chống ngập rất eo hẹp. Chính vì vậy, nguồn vốn chống ngập gần đây bị cắt giảm khá nhiều. Theo tôi biết, từ năm 2005 một năm khoảng 200 triệu đôla. Còn năm gần đây chỉ khoảng 50 triệu đôla, chỉ bằng 1/4 ngày xưa.
“Một mặt thì biến đổi khí hậu, một mặt đô thị hóa càng mạnh, ngân sách chống ngập lại bị cắt giảm nhiều.”
“Chúng tôi có làm điều tra xã hội học khoảng 1.000 hộ dân thì đa số người dân nói đó là chuyện nhà nước chứ không phải là chuyện người ta sẽ sẵn lòng đóng góp.”
“Thứ hai là người ta không tin, không tin là bỏ tiền vào thì nó sẽ tốt hơn. Làm thế nào để xây dựng lòng tin đó là quan trọng,” nhà nghiên cứu này nhận định về sự tham gia của người dân về việc chống ngập ở TPHCM.
“Theo tôi chính là cơ chế tài chính đang là trở ngại lớn nhất. Với TPHCM, chưa cần lời giải gì ghê gớm hiện đại đâu, chỉ cần làm y hệt các thành phố khác hàng trăm năm trước, cứ làm giống y như vậy, hoặc cứ làm y hệt Thái Lan cách đây 20 năm chẳng hạn, thì TPHCM vẫn chưa có tiền để làm mà.”
“Ở Thái Lan đã hoàn tất hệ thống thoát nước từ năm 1995. Họ ổn một thời gian. Chỉ có trận lũ lịch sử năm 2011 họ mới bị ngập lại. TPHCM thì các hệ thống đê điều, cống, tôi cho là nó chưa đạt tới được 40%.”
Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền?
Trả lời những thắc mắc của nhiều người về việc cho rằng chính Phú Mỹ Hưng hay Thảo Điền bị bê tông hóa đã làm nước “dồn ngược” lại thành phố, nhà nghiên cứu về nước này nhận định:
“Đó là những yếu tố cục bộ. Nó không gây ra ngập diện rộng như ta đang quan sát. Ví dụ vài trăm hec-ta phát triển ở Phú Mỹ Hưng không thể làm ngập Quận 1 hay Quận 3 được.”
“Phân tích về thủy lực thì thấy đó không phải lý do. Cái đó góp phần gây ngập khu vực xung quanh nó thì có, còn gây ngập cả thành phố thì không. Về mặt kỹ thuật tôi có thể khẳng định như vậy.”
“Mình nhìn thấy đô thị hóa khắp nơi, mỗi chỗ một chút. Chính cái một chút đó gây ra hậu quả với tình trạng ngập hiện nay.”
“Và cơ chế hiện nay là người gây ra hậu quả ngập không phải khắc phục mà sẽ có nhà nước đứng ra giải quyết.”
“Nó tạo ra tiền lệ rất xấu, nên các đơn vị đô thị hóa cứ san lấp kênh rạch, nâng cao nền, cứ bê tông hóa đẩy nước đi đi chỗ khác cho người khác giải quyết. Nước đừng ở trong sân mình thôi, đẩy ra ngoài cho ai lo thì lo.”
“Nước như một kẻ thù không ai muốn chấp nhận ở trong nhà mình hết. Đó là thái độ chúng tôi đang quan sát thấy. Nghĩa là mình chưa có cơ chế để thưởng phạt, làm hành động gây ra nguyên nhân giảm đi,” ông nói về tình hình nước ngập mà thành phố lớn nhất Việt Nam đang phải đối mặt.

Dân Sài Gòn bức xúc sau trận mưa ngập nặng

Nhiều người đã thể hiện ý kiến sau sự cố bị ngập nặng giữa thành phố lớn nhất tại Việt Nam này.
Một người tên Đỗ Oanh nói cô “băn khoăn” sau trận mưa và nước dâng. Cô liệt kê:
“Mưa ngập ướt khắp nơi vầy nguồn điện dễ chạm mạch, rất là nguy hiểm tính mạng.
“Những xe bốn bánh khi ngập nước sẽ bị hư hỏng rất nặng . Chi phí bảo trì và sửa chữa hơn giá trị 1/2 chiếc xe . Ko biết lái xe taxi họ sẽ về đâu.
“Rắn rết , côn trùng độc hại bò lên bờ cắn người.
“Nước cống , nước thải tràn lên bờ tắm người.
“Mọi thứ đình trệ , thiệt hại tổn thất rất lớn … Trận ngập này có tính là thiên tai ko ? Ai gánh trách nhiệm này ? Ông trời hay ai?,” bình luận của cô được nhiều người chia sẻ.
“Đất nước trên yên xe máy”
Nhiều báo tại Việt Nam tường thuật cảnh hỗn loạn tại thành phố lớn sau cơn mưa dai dẳng.
Trang tin Kenh14.vn đăng tải sự cố một bà mẹ khi đi ngang qua đoạn đường ngập đã vô tình thất lạc đứa con.
Nhà văn Đàm Hà Phú, tác giả nhiều quyển sách nói về văn hóa Sài Gòn viết: “Ai cũng nói chuyện cơn mưa đêm qua, về quy hoạch đô thị và 68 ngàn tỉ tiền chống ngập cùng sự chịu đựng lô cốt kẹt xe khói bụi mấy năm rồi đã trôi theo dòng nước cống đêm qua… nên mình không nói lại, nói thêm chi nữa, mình chỉ nên nói về xe máy.”
“Hôm qua cả trăm ngàn chiếc xe máy bị ngập, bị cuốn trôi, bị chết máy, bị ngã… kèm với đó là hàng ngàn ngàn người, bao gồm phụ nữ và trẻ em, vâng tội nhất là trẻ em, chúng đói, lạnh, hoặc khóc ngất hoặc vất vưởng chịu đựng cùng cha mẹ.
“Bên cạnh chỗ tôi, một chị kia dỗ con mãi không nín, chị ôm con khóc nức nở theo nó, chiếc xe bị cuốn trôi và chết máy vừa được mọi người vớt lên để nằm chỏng chơ bên cạnh. Bạn Thắm đội mưa đi mua đồ ăn cho con bị rơi vào miệng cống, ướt như chuột, đứt dép, đau đớn và căm phẫn.
“Đó là bức tranh chung của Sài Gòn đêm qua, hàng triệu người phải vật lộn xoay xở với cơn mưa trên xe máy, vâng, chiếc xe máy, cùng với một văn hoá quốc gia giao thông bằng xe gắn máy, chính là bộ mặt của nghèo đói và lạc hậu,” nhà văn này bình luận.
“Và, trong khi các báo cáo ở hội nghị ca ngợi mọi thứ, các bạn dư luận viên đang hát bài của họ, thì nhân dân vẫn trần mình cùng kẹt xe, khói bụi, tai nạn, nước ngập… trên chiếc xe gắn máy thần thánh cùng với áo mưa cánh dơi hai đầu huyền thoại… trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới người ta ngồi xe hơi, xe buýt, xe điện ngầm, MRT…”
Ông Đàm Hà Phú ví von “một đất nước trên yên xe máy, trong kỷ nguyên vũ trụ”.
“Quy hoạch” kém?
Báo Thanh Niên có nhiều video về trận mưa và nước ngập, với cảnh nhiều bác sĩ trong bệnh viện bắt được cả lươn khi nước dâng.
Vnexpress chạy tựa “Sài Gòn rối loạn vì ngập nặng”, với cả video tòa nhà Bitexco cao nhất thành phố bị mưa hắt, nước tràn từ tầng bốn xuống sảnh.
Một số báo về giải trí đăng tải hình ảnh ngôi nhà của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị ngập và nhiều người phải dọn dẹp đồ đạc lên cao.
Người dùng Facebook tên Thinh Nguyen bình luận: “Sài Gòn ngập nước sau cơn mưa kéo dài lịch sử. Ngay cả nhà xây cất kiên cố hàng trăm tỉ (vài triệu dollars) của ca sĩ Đam Vĩnh Hưng cũng bị nước ngập tơi tả !?”
Bạn đọc Quynh Anh Pham lại dẫn một bài báo “Hơn 1000 xe máy bị nhấn chìm trong hầm sâu 2 mét giữa Sài Gòn” của báo Dân Trí và bình luận: “Không thể lấy lí do trận mưa khủng khiếp như một vài báo giật tít (vì không có số liệu lịch sử khí tượng kèm theo), và chắc chắn trong lịch sử Sài gòn cũng đã từng hứng những trận mưa như thế nhưng không hoặc ít ngập.
“Đã đến lúc (tuy đã muộn nhưng còn hơn không) cần nhìn thẳng vào sự thật: Nguyên nhân căn bản là do quy hoạch và quản l‎ý trật tự đô thị yếu kém, trong thời gian dài – ít nhất cả thập kỉ.”
Người dùng Facebook này cũng nói với vị lãnh đạo thành phố: “Thưa anh Đinh La Thăng, trong nhiệm kì của mình, anh chỉ cần huy động bộ máy quản lí nhà nước đồ sộ của thành phố tập trung giải quyết được vấn đề tối thiểu, cơ bản của 1 thành phố văn minh là: ít hay tốt hơn là hết ngập nước và kẹt xe máy là dân thành phố và cả nước sẽ đội ơn anh và hệ thống quản lý nhà nước lắm rồi.
“Không cần đặt mục tiêu khó với tới: Hòn ngọc Viễn Đông, chỉ cần hết là “hòn ngập, bãi xe máy Viễn đông” là thiết thực và quí lắm rồi ạ!”

Tòa Kỳ Anh nhận đơn kiện Formosa

Linh mục dẫn dắt việc khởi kiện Formosa trả lời BBC sau khi Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh tiếp nhận hàng trăm bộ hồ sơ của ngư dân.
Hôm 27/9, Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh nhận 506 bộ hồ sơ của các hộ ngư dân và có biên bản xác nhận đơn khởi kiện.
Cùng ngày, trả lời BBC từ Hà Tĩnh, Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, Giáo xứ Phú Yên, người đại diện theo ủy quyền của ngư dân, nói: “Việc ngư dân khởi kiện Formosa không phải vì lợi ích cá nhân của họ mà vì dân tộc và giống nòi.”
“Chỉ cần một người bị bệnh tật do thảm họa cá chết cũng là vấn đề của nhân loại.”
“Lẽ ra nếu Việt Nam có dân chủ thật sự thì vụ kiện này phải do chính phủ khởi kiện chứ không phải người dân.”
“Tòa án xác nhận với tôi rằng sau 30 ngày kể từ hôm nay, họ sẽ trả lời là thụ lý đơn kiện hay chuyển lên tòa cấp cao hơn.”
“Án phí cho vụ kiện dự trù lên đến 4 tỷ đồng.”
‘Thế lưỡng nan’
Hôm 27/9, một nhà hoạt động quan tâm vụ việc, Nguyễn Anh Tuấn, nhận định với BBC: “Chính quyền đang ở thế lưỡng nan trước vụ kiện này.”
“Đấu tranh pháp lý không phải là lựa chọn đầu tiên của người dân miền Trung trong vụ việc, song lại là lựa chọn khả dĩ duy nhất sau khi chính phủ thất bại trong việc đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm đạt được công lý.”
“Nếu để tòa án hoạt động độc lập chắc chắn họ sẽ thụ lý đơn của người dân và khả năng rất cao là tuyên Formosa thua kiện, trước những chứng cứ rõ ràng về sai phạm của tập đoàn này.”
“Một phán quyết như vậy, sẽ kéo theo một cơn lũ đơn kiện đến từ hàng triệu người dân miền Trung khác đã, đang và sẽ chịu thiệt hại trực tiếp cũng như gián tiếp, gồm các ngành dịch vụ như lữ hành, lưu trú, nhà hàng“.
“Ngược lại, nếu thao túng tòa án để không thụ lý đơn, chính quyền sẽ xuất hiện trước công chúng như một tổ chức bất chấp công lý và sự khốn khổ của người dân để bảo vệ đến cùng Formosa.”
Vụ kiện cũng được tường thuật trên truyền thông nhà nước tại Việt Nam.
Báo Pháp Luật TP. HCM hôm 27/9 dẫn lời ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết: “Hiện tình hình an ninh trật tự đang ổn định bình thường, TAND thị xã đang tiếp nhận đơn của người dân.”
“Hiện Tòa án đang tiếp nhận đơn, còn nội dung đơn khởi kiện chưa tổng hợp kịp, tối nay mới tổng hợp đơn. Hiện đã nhận đơn trên 200 đơn. Trong đó chủ yếu người dân Nghệ An đi xe đăng ký ở Nghệ An vào nộp đơn,” ông Hà nói.
Ông nói thêm: “Công dân có quyền nộp đơn thì Tòa án tiếp nhận đúng theo quy định , sau đó mới xem xét thụ lý.”
Trước đó, chính phủ Việt Nam nói Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã chuyển đủ 500 triệu đôla bồi thường cho phía Việt Nam.
Formosa, công ty Đài Loan, đã chính thức xin lỗi và nhận trách nhiệm cho hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.
Chủ tịch Công ty Formosa cam kết thực hiện bồi thường 500 triệu đôla cho thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Formosa: ‘Chính phủ VN xử lý đơn kiện’

Formosa nói với truyền thông Đài Loan rằng họ đã nhận được thông tin nhưng không bình luận việc hàng trăm hộ ngư dân kiện đòi bồi thường.
Formosa nói vụ việc sẽ do chính phủ Việt Nam xử lý.
Ông Dư Khánh Chương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, được báo CNA (Central News Agency) của Đài Loan dẫn lời nói rằng công ty đã nhận được toàn bộ thông tin liên quan đến các vụ kiện, nhưng nói rằng vấn đề này sẽ do chính phủ Việt Nam giải quyết.
Công ty không can dự vấn đề này, và do đó không thể bình luận, ông Dư nói.
Ông nói rằng Formosa đang cố gắng hết sức mình để thực hiện cam kết bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, và nói thêm rằng những nỗ lực của công ty đã giành được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng tại địa phương.
Hôm 27/9, Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh nhận 506 bộ hồ sơ của các hộ ngư dân khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Vào tuần trước, hơn 1000 hộ gia đình tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, gửi đơn đến Quốc hội và Chính phủ “yêu cầu chi trả tiền bồi thường thiệt hại” vì môi trường biển bị tàn phá.
Bức thư đề ngày 22/9/2016 đề nghị Quốc hội và Chính phủ trích hơn 2 ngàn tỉ đồng từ số tiền 11.500 tỉ đồng mà họ mô tả là Công ty Formosa đã thanh toán toàn bộ để bồi thường cho hơn 1.100 hộ dân.
Trước đó, chính phủ Việt Nam nói Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã chuyển đủ 500 triệu đôla bồi thường cho phía Việt Nam.
Hôm 30/06 Formosa chính thức xin lỗi và nhận trách nhiệm cho hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, bồi thường 500 triệu đôla cho thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại bốn tỉnh miền Trung.

Thấy gì từ bài ‘THANH hay THĂNG’ của Huy Đức?

Cây viết Huy Đức vừa có bài ‘THANH hay THĂNG’ trên blog Ba Sàm. Đây có lẽ là một bài báo rất đáng chú ý, xét về tính tín hiệu chính trị cho cuộc thanh trừng trong nội bộ đảng CSVN sẽ bùng nổ không bao lâu nữa.
Đây lần đầu tiên Huy Đức đề cập trực tiếp với chiều sâu về nhân vật Đinh La Thăng – Ủy viên bộ chính trị và đương kim Bí thư thành ủy TP.HCM. Vài tháng trước khi bắt đầu nổ ra vụ Trịnh Xuân Thanh, tác giả Huy Đức cũng đã đề cập đến Đinh La Thăng trên facebook cá nhân của mình, nhưng chỉ ở dạng status và ngắn gọn.
Bài ‘THANH hay THĂNG’ về thực chất là một bài điều tra án kinh tế. Ý chính của bài này là vụ Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), nơi mà Trịnh Xuân Thanh làm lỗ hơn 3,200 tỷ đồng, chỉ là chuyện nhỏ. Câu chuyện lớn hơn nhiều là doanh nghiệp chủ quản của PVC – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – nơi mà trước khi về cái ghế bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng đã làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Huy Đức kết luận trong bài ‘THANH hay THĂNG’: “Thanh – Thuận, cho dù tội trạng tày đình cũng chỉ là kẻ thừa hành. PVC chưa phải là mất mát đau nhất ở PVN dưới thời Đinh La Thăng; di sản của ông ta sau 5 năm ở đây chỉ có thể nói là “tan hoang”. Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của vụ án không chỉ “xảy ra ở PVC” mà là ở PVN, vấn đề không phải là Thuận hay Thanh mà là Thăng”.
Có thể hình dung, bài viết trên đang hướng Cơ quan điều tra C46 của Bộ Công an sang một “quy trình” mới: PVN.
Cách đây khoảng một tháng, C46 đã bắt hụt Trịnh Xuân Thanh và không biết có muốn ôm mối hận hay không. Nhưng sau đó, cơ quan này đã phải bắt đệ tử của Trịnh Xuân Thanh là Vũ Đức Thuận – người mà Đinh La Thăng sử dụng là trợ lý tại Thành ủy TP.HCM.
Nếu Bộ Công an “chiều” Huy Đức, hướng điều tra mới về PVN sẽ được củng cố và “hợp thức hóa” trên cơ sở đã có dư luận, không phải chỉ là dư luận đồn đoán mà là dư luận rất chi tiết.
Cũng cần nói thêm là Tổng bí thư Trọng giờ đây đã có thêm một chức mới: Thường vụ đảng ủy công an trung ương. Nếu hàng đống chi tiết mang dấu hiệu tham nhũng thời Đinh La Thăng ở PVN được ông Trọng “xới”, số phận Bí thư thành ủy Đinh La Thăng có thể nói là ngàn cân treo sợi tóc.
Gần đây, có dư luận đồn đoán về một “thỏa thuận ngầm” nào đó để đổi lại thái độ “vui vẻ nghỉ” ngoan ngoãn không ngờ của ông Dũng ngay trước đại hội 12. Có thông tin về nhân vật Đinh La Thăng vào Bộ Chính trị và được điều về TP.HCM nằm trong “thỏa thuận ngầm” ấy. Tuy nhiên, đây vẫn là những thông tin chưa được kiểm chứng.
Chỉ biết rằng, số phận của “dây” của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giờ càng thêm thê thảm. Gần một năm sau khi Nguyễn Tấn Dũng “nghỉ”, Đinh La Thăng có thể là “con hổ” đầu tiên bị chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng và cựu chủ tịch nước Sang “làm thịt”.
Cần nhắc lại, vào tháng 10/2015 – gần 3 tháng trước khi diễn ra đại hội 12, cây viết Huy Đức đã tung lên mạng xã hội bài “Em vợ thủ tướng & siêu lừa Dương Thanh Cường”, mổ xẻ chi tiết về vợ chồng tướng công an Trần Quốc Liêm – em vợ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – mà Huy Đức xem là “mắt xích” quan trọng nhất trong vụ án Dương Thanh Cường (lừa đảo ngân hàng Agribank 966 tỷ đồng). Sau đó, người ta chứng kiến Thủ tướng Dũng phải làm bản giải trình 12 điểm cho Bộ Chính trị, và sau đại hội 12 thì không biết tướng Liêm ở đâu.
Một khả năng có thể là bài ‘THANH hay THĂNG’ của Huy Đức là điểm mở đầu cho một chiến dịch truyền thông “chống tham nhũng” để kết thúc số phận của “hổ” Đinh La Thăng.
Lê Dung / SBTN

Diễn biến ngày thứ hai

vụ đi kiện Formosa của Linh Mục Đặng Hữu Nam và ngư dân

Hôm nay theo giờ Việt Nam 27/09/2016, là ngày thứ hai của sự việc Linh Mục Đặng Hữu Nam dẫn đầu đoàn 600 ngư dân Nghệ An lên tận tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh để nộp đơn kiện Formosa đã gây thảm họa môi trường.
Theo Tin Mừng Cho Người Nghèo, từ lúc 8:00 sáng ngày 27/09, 600 ngư dân đã tập họp, trật tự,  chỉnh tề dưới sự điều động, hướng dẫn của Linh Mục Đặng Hữu Nam. Khác với ngày hôm qua, hôm nay rất nhiều ngư dân đã mặc đồng phục- áo thun hình xương cá, với thông điệp “chúng tôi không muốn chết như cá”, và đội mũ “hãy bảo vệ môi trường”. Những người có mặt trước cổng toà án đã cầm các banner: “ai đã ưu đãi cho Formosa trái pháp luật”, “khởi tố Formosa và đồng bọn”,… Và hô lớn các khẩu ngữ: “Formosa cút khỏi Việt Nam”, “Trả lại biển sạch cho chúng tôi”…
Cũng giống như hôm qua, Linh Mục Đặng Hữu Nam tiếp tục nhắc nhở ngư dân phải giữ gìn trật tự trên đường đi, trong khuôn viên tòa án, đồng thời phải giữ gìn vệ sinh bằng cách nhặt rác bỏ vào thùng rác. Trong khi chờ đợi, dưới cái nắng gay gắt, bà con vẫn ngồi đợi trật tự, lần chuổi Mân Côi, hát thánh ca, cầu nguyện. Khó có thể thấy được một tập thể người dân thường mà có tính kỷ luật cao như vậy!  Đặc biệt là khi mà Linh Mục Nam chúc lành cho những cán bộ trong tòa án, và mong họ sẽ cùng làm việc vì một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn.
Tuy vậy, trên trang mạng báo nhà nước Báo Mới đã đưa tin với dòng đầu: “Chiều nay (26/9), hàng trăm người, chủ yếu là phụ nữ vùng giáo đã tụ tập trên QL 1A đoạn qua phường Sông Trí (TX Kỳ Anh – Hà Tĩnh) gây cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng…”
Bên ngoài toà án, rất đông bà con ngư dân thị xã Kỳ Anh đã cùng có mặt trước cổng toà án thị xã Kỳ Anh để biểu thị sự hiệp thông, ủng hộ một cách ôn hoà.
Có một bà lão đã lớn tuổi, nếp da nhăn nheo rám nắng, nước mắt lưng tròng gào thét: “thực sự dân chúng tôi đã quá khổ lắm rồi. Giờ người dân chúng tôi chẳng có gì để sống, và mạng này cũng chẳng còn gì để mất.” Bà cụ đã quay sang nói với những viên công an canh giữ rằng: “đáng ra các anh phải là người bảo vệ người dân, bảo vệ tổ quốc chứ không phải lo bảo vệ Formosa hay bảo vệ cái đảng cộng sản thối nát này. Người dân chúng tôi đang ngày căm thù lực lượng công an rồi đó.”
Theo ghi nhận của phóng viên SBTN, bà con ngư dân quá phẫn uất trước sự việc nhà cầm quyền im lặng, bao che cho Formosa đang huỷ diệt dân Việt. Có người nói: “Dù chính phủ đã nhận 500 triệu đô Mỹ từ Formosa đền bù nhưng đến nay, bà con chưa nhận được một đồng tiền đền bù, hỗ trợ nào từ chính phủ. Hiện tại, mọi người sống nhờ vào những đồng tiền cứu trợ từ các nhà hảo tâm, các nhóm từ thiện mà thôi.”
Một vinh hạnh đối với những người giáo dân đang đi khởi kiện: được tin giáo dân từ Nghệ An lên Hà TĨnh khởi kiện Formosa, Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đã lặn lội vượt đường  xa từ Ninh Bình để vào Hà Tĩnh vào chiều ngày 26/09, để cùng đồng hành với giáo dân. Cha Phêrô Trần Đình Lai, Quản xứ giáo xứ Đông Yên, đã long trọng tiếp đón ngài. Sau đó, Đức tổng Giuse và phái đoàn đã đi  thăm giáo xứ Đông Yên cũ, chứng kiến cảnh nhà máy Formosa tiếp tục nhả khói đen nhả mù mịt vào môi trường. Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đã nhắn gởi thông điệp đến với ngư dân, giáo dân: “Bảo vệ công lý là nhiệm vụ của mọi người”.
Nguyên Nguyễn/SBTN

Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt

sẽ là diễn giả chính trong Ngày Cựu Chiến Binh South Carolina

Chuẩn tướng Lương Xuân Việt sẽ là diễn giả chính trong nghi lễ Ngày Cựu Chiến Binh thường niên, vào ngày 11 tháng 11 năm nay tại công viên Florence Veterans, thuộc thành phố Florence, tiểu bang South Caroline.
Báo SCNow Morning News hôm Thứ Ba 27/09 cho biết vị tướng gốc Việt đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ sẽ nói chuyện trước một cử tọa bao gồm nhiều vị khách mời nổi bật, trong đó có đương kim giám đốc NASA, Trung tướng Thủy Quân Lục Chiến về hưu Charlie Bolden, một trong chỉ ba quân nhân South Carolina từng lên đến cấp tướng bốn sao là Đại tướng Không Quân về hưu Hansford T. Johnson.
Chuẩn tướng Lương Xuân Việt hiện là tư lệnh Bộ chỉ huy Trung ương Lục Quân tại Căn cứ Không Quân Shaw. Đại tá Lục Quân về hưu Barry Wingard cho biết Ngày Cựu Chiến Binh tại Florence luôn có những diễn giả nổi bật. Và năm nay sẽ không là ngoại lệ, bởi vì Tướng Lương mới trở về từ chiến trường Afghanistan, và thông điệp của ông sẽ rất hợp thời.
Ông Lương Xuân Viện rời Việt Nam đến Hoa Kỳ tị nạn chính trị khi mới 9 tuổi. Ông cùng gia đình được trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến đưa ra hàng không mẫu hạm USS Hancock để rời khỏi miền Nam Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh NPR, ông kể rằng ngay khi trực thăng vừa đáp xuống sàn tàu, ông đã có quyết định sau này sẽ tham gia quân đội Hoa Kỳ. Ông nói rằng nhiều người có thể không tin, nhưng ông đã biết chắc ngay từ khi đó rằng ông muốn phục vụ đất nước này.
Huy Lam / SBTN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?