ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 27/8/2014

       
Một cảnh ở La Habana, ngày 05/08/2014.
Một cảnh ở La Habana, ngày 05/08/2014.
Reuter

Theo RFI

Lê Vy

Thứ tư 27 Tháng Tám 2014

Cuba rụt rè mở cửa làm gia tăng bất bình đẳng

Về thời sự quốc tế, nhật báo Le Monde có bài viết đáng chú ý: “Cuba rụt rè mở cửa, bất bình đẳng càng gia tăng ”. Bài báo miêu tả, tại một nơi sang trọng của thủ đô La Habana mang tên La Fabrica de Arte Cubano, vừa mở cửa vào tháng Ba vừa qua, là nơi tập trung một tầng lớp khá giả trong một đất nước nghèo nàn, nơi mà chính quyền vốn luôn đề cao sự bình đẳng xã hội.

Người dân Cuba đến nơi này để xem phim, thưởng thức các buổi hòa nhạc, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật làm cho người ta có cảm giác như đang sống giữa lòng thành phố Berlin, New York hay Barcelona. Để vào La Fabrica, người dân phải trả 1CUC (tức là đồng peso đã được chuyển đổi, tương đương 0,75 euro, chiếm 1/20 đồng lương trung bình hàng tháng của người dân). Khi ra khỏi nơi này, người Cuba còn phải trả những tiêu xài khác trong quán bar.
Đi đôi với quần thể giải trí La Fabrica còn có một nhà hàng sang trọng mà giá của nó cao đến mức nhiều người Cuba không thể với tới. Tuy nhiên, nhà hàng này vẫn được dân địa phương thường xuyên lui tới và không hề vắng khách.
Theo Le Monde, cách đây không lâu, dân bản xứ và khách du lịch không lẫn lộn với nhau. Người Cuba không có quyền cũng như phương tiện để vào các nhà hàng chuyên tiếp đón du khách. Ngày nay, các rào cản trên đã bị giỡ bỏ. Thứ nhất là vì chính phủ La Habana từng bước mở cửa. Thứ hai là một số người Cuba bắt đầu có điều kiện để xâm nhập vào giới giàu sang. Tuy nhiên, đại bộ phận dân số trên hòn đảo vẫn còn sống với đồng lương trung bình do nhà nước chi trả, tương đương với 14 euro/tháng. Lương hưu chỉ khoảng 6 euro/tháng.
Mọi người dân Cuba đều có một sổ nhỏ gọi là “libreta”. Đây là cuốn tem phiếu dùng để lãnh một số thức ăn hàng tháng do nhà nước bao cấp như (5 quả trứng, 5 kí gạo, 2 kí đường, một túi cà phê, dưới 1 kí lô thịt gà…). Các mặt hàng này chắc chắn là không đắt tiền nhưng không đủ để sống quá 10 ngày, theo nhận xét của Amelia, một người dân Cuba.
Để có được những mặt hàng khác như thức ăn, xà phòng, kem đánh răng…, người dân phải vào các cửa hàng quốc doanh, bán ra với giá tiền chuyền đổi CUC (1CUC=25 peso) hoặc ra chợ nhưng giá cực đắt. Đối với người Cuba, bình đẳng quả là một điều nan giải.
Để sống sót, người dân khắp nơi phải xoay sở, bằng mọi hình thức. Chẳng ai sống được chỉ với đồng lương tại Cuba, theo nhận định của Olivera, một nhà báo độc lập. Người Cuba tìm mọi cách mua cho được đồng CUC để mua bán những mặt hàng do nhà nước bán. Hỗ trợ tài chính từ các kiều bào Cuba giúp cho người bản xứ có tiền trang trải gánh nặng cuộc sống. Cộng đồng Cuba ở hải ngoại đã gửi về nước cho cha mẹ họ từ 2,5-3 tỷ đô la/năm. Ngày nay, để mở một nhà hàng tư nhân, cần phải có nguồn ngoại tệ, thường là từ gia đình gửi về.
Để có cuộc sống thoải mái, một số khác làm việc cho các công ty nước ngoài đặt tại Cuba. Trong trường hợp này, nhân viên có cơ may nhận được đồng CUC do chủ trả lương bổ sung, lương cơ bản vẫn do nhà nước trả. Ngoài ra, giao du với người nước ngoài cũng giúp người bản xứ kiếm được đồng CUC.
Theo Le Monde, không phải người dân Cuba nào cũng được mua đồng CUC. Do đó, họ xoay sở mọi cách để kiếm được đồng tiền quý giá này, bằng cách ăn cắp, hay buôn hàng trộm cắp của nhà nước, dẫn đến việc hình thành một thị trường chợ đen rộng lớn. “Khái niệm bất hợp pháp không còn tồn tại trong tâm lý người dân”, theo lời ghi nhận của một người địa phương. Khi có dịp là người ta sẵn sàng đánh cắp một con cá, một túi xà phòng, một cái áo phông.
Từ khi chính phủ La Habana cho phép người Cuba được tự do xuất ngoại và nhập cảnh đã mở ra thị trường chợ đen cho hòn đảo. Nguồn gốc quần áo người Cuba mặc toàn đến từ Hoa Kỳ. Người dân hòn đảo này chỉ cần mua vé máy bay đi Miami và trở về với vali đồ nặng trĩu 30 ký lô. Hàng hóa mang về được tuồng đi nhanh chóng đến từng nhà.

Bắc Kinh muốn loại bỏ phần mềm Microsoft

Liên quan đến Trung Quốc, mục kinh tế báo Le Figaro quan tâm đến việc Bắc Kinh muốn loại bỏ tập đoàn của nhà tỷ phú Bill Gates, Microsoft . Một quan chức cấp cao cáo buộc tập đoàn lừng danh Mỹ “thiếu minh bạch” trong việc bán các phần mềm.
Theo Le Figaro, chính quyền Trung Quốc vừa tuyên bố cho ra đời một hệ điều hành nhằm thay thế Window vào tháng Mười. Từ tháng Năm, phiên bản mới nhất là Window 8 bị loại ra khỏi các cơ quan hành chính công cộng, với lý do phản gián. Microsoft bị vạ lây trong “cuộc chiến tin học” giữa Washington và Bắc Kinh, sau vụ tiết lộ của Snowden.
Tuyên bố cấm sử dụng Window 8 của Bắc Kinh được đưa ra chỉ vài ngày sau khi 5 quân nhân Trung Quốc bị Hoa Kỳ tố cáo làm gián điệp vào ngày 19/05/2014.
Sau khi Google bị tẩy chay do tập đoàn này đã từ chối hợp tác với chính quyền Bắc Kinh về việc kiểm soát các công dân trên mạng, giờ đây, đến lượt Microsoft đang lo sợ bị hất cẳng ra khỏi thị trường Trung Quốc. Tập đoàn Google đã gặp nhiều trở ngại về kỹ thuật cũng như bị tấn công nhiều, làm cho công cụ tìm kiếm Google hoạt động bị chậm lại. Thị phần Google cũng giảm sút.
Bắc Kinh đang xem xét một đạo luật mới trong tuần này nhằm siết chặt an ninh, chống gián điệp mạng. Động thái này sẽ tạo điều kiện cho các công ty nội địa tận dụng thời cơ để giành thị phần của các tập đoàn Hoa Kỳ. Le Figaro trích lời một chuyên gia cho Hoàn Cầu thời báo cho biết, trên phương diện công nghiệp, “tham vọng của Trung Quốc là phá vỡ thế độc tôn của công ty nước ngoài, khi trở thành hệ điều hành thứ 4 trên thế giới, sau Apple, Google và Microsoft”. Tuyên bố trên gây ngờ vực cho một số chuyên gia vì họ không tin rằng Trung Quốc cho ra đời một hệ điều hành đáng tin cậy. Một cư dân mạng mỉa mai trên mạng Vi Bác: “Phải chăng chúng ta đang sống tại Bắc Triều Tiên?”
Đầu những năm 2000, chính quyền đã tung ra “công cụ tìm kiếm riêng” là Baidu nhưng công cụ này đã gặp phải thất bại lớn. Tuy nhiên, Baidu cũng đã tận dụng thời cơ này để chiếm 70% thị trường mạng ngày nay tại Trung Quốc.

Cam Bốt, người dân mất đất biểu tình

Liên quan đến thời sự tại Châu Á, nhật báo La Croix quan tâm đến người dân biểu tình đòi đất tại Cam Bốt. Hiện tại, 6% dân Cam Bốt là nạn nhân của các vụ tranh chấp đất đai từ năm 2000. Tuy bị lung lay sau kết quả bầu cử Quốc hội vào năm ngoái nhưng đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen vẫn không lắng nghe những lời công kích của người dân nghèo mất đất.
Tờ báo miêu tả một đoàn chừng 70 người biểu tình đòi đất do công ty KDC đã cướp đất của họ. Dưới sự điều hành của vợ Bộ trưởng năng lượng và hầm mỏ Cam Bốt, công ty KDC đã chiếm 512 hecta đất ruộng và đất dân cư tại làng Lor Peang. Người dân không biết họ cưỡng đoạt đất đai để làm gì. Vào tháng Bảy, KDC đã xây tường bao bọc khu vực này. Bạo lực, đụng độ đã xảy ra giữa công nhân thi công và dân làng. Cuối cùng thì người dân bị bắt bỏ tù.
Om Sophy, phát ngôn viên của cuộc biểu tình lên án một hệ thống pháp lý không độc lập. Luật đất đai Cam Bốt quy định, mọi công dân sống trên một mảnh đất trong vòng ít nhất 5 năm từ trước năm 2001 thì mảnh đất đất tự động thuộc quyền sở hữu của họ một cách hợp pháp. Đa số, nông dân ở làng Lor Peang đều định cư tại đây từ những năm 1980.
Trong 3 tháng đầu năm, hiệp hội bảo vệ nhân quyền Adhoc thống kê có thêm 37 vụ tranh chấp đất đai. Hơn 2600 gia đình có liên quan. 50 người đấu tranh cho quyền lợi của nông dân bị cướp đất đã bị bắt giam, tức nhiều hơn so với cả năm ngoái 2013.
Ou Virak, Chủ tịch Trung tâm Cam Bốt về nhân quyền nhận định, “Đảng lãnh đạo PPC của Thủ tướng Hun Sen vẫn dùng những biện pháp để trấn áp dân khiếu kiện, trong đó có cảnh sát, tòa án”. Trong ngõ cụt, dân làng Lor Peang quyết định đến thủ đô Phnom Penh, đệ đơn khiếu nại lên Bộ Tư pháp và các đại sứ quán nước ngoài. Trên đường đi, họ đã bị cảnh sát tấn công. Xe của họ bị phá hủy, một số bị bắt còn số khác tiếp tục tiến về thủ đô để khiếu kiện.

Pháp: Chính phủ theo chủ nghĩa «Xã hội- tự do kinh tế »

Về thời sự tại Pháp, các nhật báo tập trung bình luận về thành phần tân nội các Pháp. « Xã hội- tự do kinh tế » là cụm từ xuất hiện trên các mặt báo Pháp để chỉ về chính phủ mới của Pháp. Xã luận Libération đánh giá, chính phủ lần hai của Thủ tướng Manuel Valls giờ đây chỉ có một đường hướng hoạt động, một chiến lược và một sự lãnh đạo duy nhất: đó là một chính phủ «Xã hội- tự do kinh tế », thuộc cánh tả thực dụng. Những gương mặt của chính phủ này đối với một số người là khá mới mẻ và xứng hợp.
Bên cạnh đó, nhật báo Le Figaro cũng thừa nhận: trên phương diện lý tưởng, thông điệp phát ra rất rõ ràng. Đó là chính sách của chính phủ mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và giảm thâm thủng ngân sách (ít ra là trong ý định). Trước tình hình này, Tổng thống Hollande buộc phải loại bỏ hai gương mặt mà ông phải tìm cách dung hòa được họ là Arnaud Monteboug và Cécile Duflot. Hai bộ trưởng hay công kích này thách thức Tổng thống Hollande chăng? Giờ đây, đến lượt Tổng thống Hollande thách thức lại họ. Việc bổ nhiệm Emmanuel Macron làm Bộ trưởng Kinh tế cho thấy không những Tổng thống Hollande không thay đổi phương hướng hành động, mà sẵn sàng đối đầu với các thành phần cánh tả khác, giờ đây bị loại ra khỏi nội các. Tân chủ nhân Bộ Tài chính Bercy chỉ mới 36 tuổi, trẻ trung, năng động, là một gương mặt “bài Arnaud Montbourg”, đồng thời là người khởi xướng ra “khế ước trách nhiệm”.

Châu Âu trước trò chơi nước đôi của Putin

Xã luận Le Monde hôm nay quan tâm đến thái độ nước đôi của Tổng thống Nga Putin. Càng ngày càng khó đoán, chủ nhân điện Kremlin có những cử chỉ vô cùng trái ngược nhau trên hồ sơ Ukraina. Vào lúc mà Tổng thống Nga Putin gặp gỡ người đồng nhiệm Ukraina Poronchenko nhằm thương lượng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng, người ta vẫn hy vọng biện pháp ngoại giao tiến triển. Thế nhưng, cùng lúc đó, Washington và Kiev khẳng định thấy quân Nga ngày càng tham gia ủng hộ phe ly khai tại miền đông-nam Ukraina, nơi mà cuộc chiến đang khốc liệt.
Cuộc chiến đã kéo dài từ 7 tháng nay đã làm thiệt mạng 2.000 người và làm hàng trăm nghìn người phải di tản. Tác động của các trừng phạt mà Hoa Kỳ và Châu Âu áp đặt lên phương Tây là thấy rõ, không chỉ đối với Nga mà một cách gián tiếp cũng tác động đến nhiều quốc gia Châu Âu. Nỗ lực đổ vào cuộc chiến đã làm cho nền kinh tế Ukraina kiệt quệ. Tiến trình cải cách chính trị và cơ cấu mà Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) và Châu Âu đòi hỏi cũng giậm chân tại chỗ.
Để thoát khỏi sự tê liệt chính trị và loại bỏ những thành phần của chế độ cũ, Tổng thống Petro Porochenko thông báo tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 26/10. Le Monde cho rằng, thật khó mà tưởng tượng bầu cử lại diễn ra suôn sẻ trong khi miền đông-nam đất nước vẫn luôn trong tình trạng chiến tranh. Bầu cử sẽ còn khó khăn hơn khi Nga vẫn cứ tiếp tục can thiệp để gây bất ổn cho Ukraina.
Le Monde kết luận, khủng hoảng Ukraina đã bùng nổ và là tâm điểm của Châu Âu. Do đó, trách nhiệm của các giới lãnh đạo Châu Âu là giải quyết khủng hoảng với sự kiên quyết và đồng thuận, không để cho Nga lạm dụng mưu mẹo của mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện