Thủ tướng Ấn Độ công du Nhật nhằm cân bằng quan hệ với Trung Quốc

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong lễ quốc khánh 15/08/2014
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong lễ quốc khánh 15/08/2014
REUTERS

Theo RFI
Đức Tâm
Thứ sáu 29 Tháng Tám 2014         
Ngày mai 30/08/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công du Nhật Bản nhằm thắt chặt quan hệ giữa nền kinh tế thứ hai và thứ ba tại Châu Á và cả hai nước đều có các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Một quan chức ngoại giao Ấn Độ cho biết, trong 4 ngày thăm Nhật Bản, Thủ tướng Modi sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng và quốc phòng.
Ông Brahma Chellaney, nguyên là cố vấn của chính phủ Ấn Độ về an ninh và đối ngoại, giáo sư thuộc Trung Tâm nghiên cứu chính sách tại New Delhi, được hãng tin Bloomberg trích dẫn, nhận định : « Quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ có thể làm thay đổi cảnh quan chính trị Châu Á, quan trọng như việc Trung Quốc trỗi dậy hay chiến lược xoay trục sang Châu Á của Mỹ », « đó là cơn ác mộng khủng khiếp đối với Trung Quốc và họ sẽ làm mọi cách để ngăn cản mối quan hệ này ».
Theo giới quan sát, Thủ tướng Ấn Độ sẽ cố gắng thực hiện chính sách ngoại giao chú trọng đến kinh tế, đồng thời có lập trường cứng rắn với Trung Quốc và Pakistan trong các tranh chấp lãnh thổ, như ông đã cam kết trong lúc vận động tranh cử. Trong khi đó, Nhật Bản muốn đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Á và răn đe Bắc Kinh không nên dùng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ.
Ông Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện chính sách quốc tế Lowy, ở Sydney, khẳng định : « Với chính sách ngoại giao thông minh, Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi có thể cùng một lúc thúc đẩy được quan hệ với cả Trung Quốc và Nhật Bản » « một trong những thông điệp khéo léo của ông Modi là hiện nay quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản không nhằm chống Trung Quốc, nhưng hướng phát triển trong tương lai của quan hệ này tùy thuộc vào các hành động của Trung Quốc ».
Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Mậu dịch song phương chiếm tới 9% tổng trao đổi thương mại của Ấn Độ, gấp bốn lần so với Nhật Bản.
Thế nhưng, Nhật Bản lại là nhà đầu tư trực tiếp đứng thứ tư tại Ấn Độ, còn Trung Quốc không nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu. Các công ty của Nhật Bản đã tài trợ một số dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở tại Ấn Độ và New Delhi đang tìm kiếm thêm nguồn đầu tư cho các dự án giao thông, nhà máy điện, trong lúc các doanh nghiệp Nhật Bản cũng muốn tăng cường đầu tư ra bên ngoài vì dân số ngày càng già, tăng trưởng trong nước chập chạp.
Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Modi, hai bên sẽ cố gắng hoàn tất thỏa thuận hợp tác về quốc phòng và năng lượng hạt nhân.
Việc thúc đẩy quan hệ Ấn Độ- Nhật Bản cũng có một số thuận lợi : Ông Narendra Modi và ông Shinzo Abe đều có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và chủ trương tự do kinh tế. Khi còn làm Thống đốc bang Gujarat, ông Modi đã hai lần tới Nhật Bản và gặp ông Abe.
Nhận định về chiến lược của Ấn Độ, ông Trương Quý Hồng (Zhang Guihong), chuyên gia về Nam Á, thuộc viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho rằng, Ấn Độ tìm cách liên kết với Mỹ và Nhật Bản trong các vấn đề chính trị và an ninh, đồng thời hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và « ông Modi có thể tranh thủ các căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản hoặc giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ để củng cố vị thế của Ấn Độ là một cường quốc ».
Vẫn theo chuyên gia này, Bắc Kinh sẽ ra tay cản phá, nếu như chuyến công du Nhật Bản của ông Modi đưa ra những đường hướng cứng rắn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh biết là Ấn Độ cần Trung Quốc để phát triển kinh tế quốc gia.
Sau khi từ Nhật Bản trở về, Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào giữa tháng Chín.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện