ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 29/8/2014

     
Ngoại trưởng Ý Federica Mogherini, người sẽ trở thành đại diện ngoại giao châu Âu.
Ngoại trưởng Ý Federica Mogherini, người sẽ trở thành đại diện ngoại giao châu Âu.
REUTERS/Maxim Shemetov

Lựa chọn sai lầm cho ngoại giao châu Âu
 
Theo RFI
Thu Hằng
Thứ sáu 29 Tháng Tám 2014          
Bài xã luận báo Le Monde nhận định, có rất nhiều khả năng ngoại trưởng Ý sẽ được bổ nhiệm thay thế bà Catherine Ashton đứng đầu cơ quan ngoại giao của Liên hiệp châu Âu. Bài báo đánh giá đây là : « Lựa chọn sai lầm cho ngoại giao châu Âu ».

Ngày 30 tháng Tám, Hội đồng châu Âu sẽ họp và có rất nhiều khả năng sẽ chỉ định Ngoại trưởng Ý, bà Federica Mogherini, đứng đầu cơ quan ngoại giao của Liên hiệp. Tác giả bài xã luận khẳng định nếu kịch bản trên xảy ra thì đây sẽ là một ngày đáng buồn cho ngoại giao châu Âu.
Mặc dù bà hội tụ nhiều điều kiện, như là phụ nữ (tại cơ quan cao nhất của Liên hiệp luôn thiếu phái nữ), bà thuộc đảng xã hội-dân chủ (đây là điểm tốt để cân đối bàn cân chính trị), bà thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng bà thiếu kinh nghiệm quốc tế để có thể trở thành đại diện cấp cao cho chính sách đối ngoại và an ninh của Liên hiệp. Ngoài ra, các chức vụ mà bà giữ trong khoảng thời gian ngắn ngủi tại Ý không cho phép xác định được chủ trương ngoại giao của bà.
Bài báo phân tích đây là một quyết định mang đầy tính toán chính trị. Nó hoàn toàn có lợi cho hai bên. Một bên là các quốc gia ưu tiên phát triển chính sách đối ngoại của mình như Pháp và vương quốc Anh. Bên kia là các quốc gia, như Đức và Ý, luôn đặt các lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Các quốc gia trên không hề muốn có một « lão thành » chính trị hay kinh tế đảm nhiệm vị trí trên vì những người này sẽ cản trở những tham vọng riêng của họ.
Vào năm 2009, khi được bổ nhiệm, bà Asthon cũng chẳng có kinh nghiệm gì hơn và cũng đã nhận nhiều chỉ trích. Lần này, Liên hiệp sẽ mắc lại đúng lỗi đó, trong khi đó, châu Âu đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng hơn nhiều so với cách đây 5 năm. Điều này cũng chứng minh những giới hạn của quá trình hội nhập châu Âu.
Tối hôm qua, trước các đại sứ Pháp, Tổng thống Hollande cũng phát biểu về đường lối ngoại giao của chính phủ. Báo Le Monde thông tin : « Paris ưu tiên chính sách đối ngoại của mình hơn là đường lối của châu Âu ». Việc bổ nhiệm bà Federica Mogherini đứng đầu cơ quan ngoại giao của Liên hiệp chứng tỏ thái độ thờ ơ của khối 28 nước đối với chính sách ngoại giao chung. Đây cũng là thái độ của Tổng thống François Hollande và Ngoại trưởng Laurent Fabius vì Pháp là một trong những nước châu Âu hoạt động ngoại giao tích cực nhất trên thế giới.

Lính Nga tham chiến tại Ukraina

Mới đây, lính Nga được phát hiện tham chiến cùng với quân ly khai Ukraina. Chính phủ Kiev tố cáo Nga xâm lược nước này, trong khi đó Kremli tiếp tục bác bỏ thông tin trên. Các nhật báo Pháp đều phản ánh sự kiện này.
Dưới tựa đề : « Lính Nga chống quân đội Ukraina tại miền đông », báo Le Monde cho biết sau khi giành nhiều chiến thắng từ hồi mùa hè, quân đội Ukraina đang phải đối đầu với sự phản công của phe ly khai đang được Matxcơva không ngừng hỗ trợ về quân lính và khí tài.
Đặc phái viên của báo La Croix cũng khẳng định : « Được quân Nga hỗ trợ, quân ly khai chuyển hướng tấn công ». Bài báo thông tin chính quyền Ukraina khẳng định hàng trăm « xe tăng, xe bọc thép, xe bắn pháo rốc két » đang di chuyển tại miền Nam Donetsk. Việc 10 lính dù Nga bị bắt trên lãnh thổ Ukraina đã củng cố thêm bằng chứng để Kiev tố cáo Nga xâm phạm đất nước mình.
Còn tờ Le Figaro, ngoài việc thông tin Ukraina tố cáo Nga xâm lược trực tiếp nước này, nhận định xung đột tại Donbass chuyển sang một giai đoạn mới, hiện như một cuộc chiến giữa hai quốc gia. Báo Libération, dưới tựa đề : « Ngày càng có nhiều bằng chứng xâm lược Ukraina », cho biết mục đích của việc lính Nga trực tiếp tham chiến tại Ukraina có thể là để mở thêm một hành lang vào tới Crimée, bị sáp nhập vào Nga hồi tháng Ba vừa qua, hoặc thậm chí đi tới tận vùng đất Transnistria mà quân đội Nga đã lấy từ tay Moldova vào năm 1994. Từ nhiều tuần qua, các nhà phân tích đã cảnh báo kịch bản này của Nga.
Về phần mình, Nga vẫn tiếp tục bác bỏ các cáo buộc trên. Thế nhưng, hồi tháng Hai và Ba vừa qua, Tổng thống Putin đã cho cải trang quân đội của mình để tiến vào Crimée, song song vẫn một mực bác bỏ mọi can dự. Một thời gian sau, ông sáp nhập Crimée vào lãnh thổ Nga và công nhận quân đội Nga đứng đằng sau quân ly khai.

Cải cách của chính phủ Valls II

Quay sang Pháp, tiếp tục sự kiện thay đổi chính phủ, các báo đề cập tới hai sự kiện đang được tranh luận từ khi chính phủ mới được thành lập. Đó là vấn đề chế độ làm việc 35 giờ/tuần và xây dựng nhà ở.
Các tờ Le Monde, Le Figaro đề cập tới tranh luận xung quanh chế độ 35 giờ làm việc. Báo Le Figaro cho biết, vẫn còn sốc với việc chính phủ quay ngoắt sang khuynh hướng xã hội-tự do kinh tế, cánh tả bất bình trước việc một trong những văn bản biểu tượng của mình có nguy cơ bị xem xét lại. Đó là luật lao động 35 giờ làm việc mỗi tuần. Tuy nhiên, chính phủ nhanh chóng bào chữa rằng không có ý định lật lại vấn đề này để xoa dịu căng thẳng với các nghiệp đoàn và chính trong nội bộ cánh tả.
Cũng theo tờ báo cánh hữu trên, một người lao động Pháp làm việc ít hơn 5 tuần so với người lao động Đức. Nếu một người biết cách xoay sở, họ có thể nghỉ được tới 8 tuần trong một năm mà vẫn được hưởng lương. Trong khi đó, giới chủ muốn mỗi doanh nghiệp được trực tiếp tự thỏa thuận thời gian làm việc với người lao động.

Cải cách thứ hai nhằm vào lĩnh vực nhà ở. Báo La Croix nhấn mạnh trên trang nhất : « Vấn đề nhà ở, một hồ sơ khẩn cấp ». Hôm nay, Thủ tướng Emmanuel Valls sẽ công bố một loạt biện pháp mới để thúc đẩy thị trường xây dựng. Theo thống kê của Bộ Nhà ở, công bố thứ ba vừa qua, tỉ lệ nhà mới được bán ra vào quý 2 vừa qua giảm 12% so với quý 1. Tính theo trung bình hàng năm, mua bán nhà mới giảm khoảng 22%. Năm ngoái, chính phủ chỉ xây dựng được khoảng 300.000 nhà ở mới, vẫn còn xa con số 500.000 nhà ở mới như Tổng thống Hollande đã hứa. Nhà kinh tế học Michel Mouillart đánh giá rằng cần phải xây dựng ở khắp nơi, thậm chí cả vùng nông thôn vì khủng hoảng nhà ở hiện nay chủ yếu là do thiếu.

Sau vụ Ferguson, Trung Quốc « dạy đời » Mỹ

Le Monde phản ánh thông tin này trên trang « Quốc tế ». Tờ báo đánh giá, đây dường như là thói quen trong quan hệ giữa hai nước. Và cả hai bên thường không bao giờ nản trong trò chơi này.
Từ cuối những năm 1990, Bộ Ngoại giao Mỹ cho xuất bản báo cáo về nhân quyền, trong đó những vi phạm của chính quyền Trung Quốc thường xuyên bị tố cáo. Ngay tiếp theo, phía Trung Quốc cũng phản công với bản báo cáo của mình. Bắc Kinh lên án những thiệt hại do vũ khí gây ra, những sai lầm của cảnh sát, vấn đề phân biệt chủng tộc và ảnh hưởng của tiền bạc trong nền chính trị Mỹ.
Sau vụ một thanh niên da đen 19 tuổi bị cảnh sát giết tại Ferguson, Bắc Kinh nhanh chóng phản hồi : « Vẫn còn nhiều việc phải làm ngay tại một đất nước mà những năm qua luôn nỗ lực đóng vai trò trọng tài và bảo vệ quốc tế các vấn đề nhân quyền ». Cơ quan trên cũng cho rằng tại quốc gia đối thủ vẫn còn thiếu tôn trọng nhân quyền, như trong vụ nghe lén do Edward Snowden tiết lộ.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất chỉ trích Washington, « những kẻ thù khác » của Mỹ như Iran, Ai Cập, Triều Tiên cũng mỉa mai vấn đề nhân quyền tại Mỹ. Nhân vụ Ferguson, người đứng đầu nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng đáp trả : « Ngọn cờ nhân quyền đã bị những kẻ vi phạm nhân quyền nhất quăng đi ».

Người nước ngoài có thể nắm 100% vốn bệnh viện Trung Quốc

Trước sự xuống cấp của hệ thống y tế công cộng, hôm qua, Trung Quốc tuyên bố mở cửa lĩnh vực này cho giới đầu tư nước ngoài. Thông tin này được báo La Croix phản ánh dưới tựa đề : « Người nước ngoài có thể nắm 100% vốn các bệnh viện Trung Quốc ».
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền Trung Quốc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nắm 100% vốn các bệnh viện. Trước mắt, dự án này sẽ được áp dụng tại các thành phố Bắc Kinh, Tân An và Thượng Hải, cũng như tại các tỉnh lớn ven biển Giang Tô, Phúc Kiến, Quảng Đông và Hải Nam. Sau thời gian thử nghiệm, dự án sẽ được triển khai tới các tỉnh còn lại.
Lĩnh vực y tế tư nhân là nguồn nam châm thu hút đầu tư của các cá nhân Trung Quốc và nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đã có quyền nắm một phần vốn nhỏ trong hàng nghìn bệnh viện tư. Tuy nhiên, hệ thống y tế công không đủ sức đảm trách được nhu cầu chăm sóc ngày càng nhiều của người bệnh.
Tại Trung Quốc, tổng cộng có 11.300 bệnh viện tư được thống kê vào năm ngoái, so với 3.200 bệnh viện vào năm 2005. Trong vòng 10 năm tới, sẽ có khoảng 8.000 bệnh viện tư mới được xây dựng. Quyết định mới này của chính phủ khẳng định chế độ Trung Quốc muốn cải cách và cấn đối hệ thống kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là phá vỡ các cơ quan độc quyền của Nhà nước.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?