Kháng thư về phiên tòa xử án tại cao lãnh, đồng tháp ngày 26-08-2014
Hôm26-08-2014, Tòa án Nhân dân thành phố C Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã kết án ba nhà hoạt động nhân quyền dân chủ là bà Bùi Thị Minh Hằng, 50 tuổi, ba năm tù giam, ông Nguyễn Văn Minh, 34 tuổi, hai năm rưỡi tù giam, và cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, 28 tuổi, hai năm tù giam.
Là kết quả tệ hại của một âm mưu dàn dựng thô bỉ nhằm trấn áp công dân yêu nước, của một chiến dịch vừa tuyên truyền dối trá nhằm đầu độc công luận, vừa hăm dọa bức bách nhằm ép cung các chứng nhân, của một bản kết luận điều tra và một bản cáo trạng luận tội đầy những vu vạ trắng trợn, lập luận ngụy biện và quy kết vô lý, phiên tòa này - lại một lần nữa - phản ảnh bản chất nền tư pháp và nền cai trị của cộng sản:
1- Bên trong tòa án, thẩm phán và công tố (1) đã hết sức coi thường các luật sư (như bác bỏ yêu cầu hoãn xử của họ vì thiếu chứng nhân, chẳng thèm tranh luận với họ để tìm cho ra sự thật), (2) gian trá triệu tập thật nhiều chứng nhân buộc tội (32 người dân hiếu kỳ đến xem vụ công an chặn đường hành hung) và chỉ để cho có hai chứng nhân gỡ tội (trong số 14 chứng nhân do luật sư yêu cầu vốn nằm trong đoàn 21 người bị nạn), (3) không dám trưng biên bản ghi láo các lời khai vì các chứng nhân từng cho biết đã bất hợp tác ký nhận, (4) chỉ cho một hai thân nhân hiện diện đang khi các bị cáo là ba người, nhằm gây khủng hoảng tinh thần trầm trọng cho họ, (5) cuối cùng đưa ra một lời kết án hết sức vô lý và một bản án hết sức bất công, do chỉ thị từ trung ương.
2- Bên ngoài tòa án, công an giao thông, công an cơ động, cảnh sát trật tự, lực lượng dân phòng… tất cả đều đã hành xử một cách côn đồ vô luật. Dù phiên tòa được tuyên bố là “công khai”, nhưng từ ngày 23-08, trên toàn quốc, công an đã tung toàn lực bao vây, xích cửa và ngăn chận nhiều người muốn đến Đồng Tháp; đêm áp ngày 26-08, lại bố ráp lùng sục các khách sạn phòng trọ tại thị xã Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh. Đúng ngày mở phiên tòa, lực lượng “chỉ biết còn đảng còn mình” này không những chốt chặn các bến xe và giao lộ, ngăn giữ từ xa (trên 500m) 2 đầu đường đến tòa án mà còn tống khứ bằng dùi cui các chứng nhân có giấy triệu tập của tòa (tới chiều lại đuổi theo bắt lại vài chứng nhân cần có mặt); không những xua đuổi thân nhân bạn bè của các bị cáo mà còn hốt từng đoàn (tổng cộng gần 100 người) lên xe đem về đồn giam giữ do họ chẳng chịu rời bỏ hiện trường; không những cướp bóc đồ đạc, điện thoại, máy thu hình, lột trần y phục, mà còn chửi bới tàn tệ, hăm dọa giết chết, chích điện vào người, cấm ngồi trong quán, đánh đập dã man công dân đến độ phải đem đi cấp cứu bệnh viện.
Từ các sự kiện nêu trên, chúng tôi nhận định:
1- Phiên tòa sơ thẩm tại Cao Lãnh, Đồng Tháp tô thêm nét ô nhục cho cái gọi là “công lý” tại nước CHXHCN Việt Nam và làm đậm thêm bộ mặt nhơ nhuốc của Cộng sản Hà Nội. Bất chấp công luận, “nhà cầm quyền Việt Nam giờ đây đã dùng tới cả lỗi giao thông ngụy tạo để truy tố hình sự các người hoạt động dân chủ. Đáng lẽ họ nên nhận thấy rằng vụ này không đáng để phải chịu sự chỉ trích của quốc tế” (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền). “Việc kết án này không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.” (Đại sứ quán Hoa Kỳ). “Ở đâu không có một nhà nước pháp quyền thực sự thì những hành vi không thành tội vẫn có thể bị người ta nhân lên thành tội; và nhiều hành vi gây ra những tội rất nghiêm trọng vẫn có thể là không có tội” (Luật sư Hà Huy Sơn). Người ta cũng tự hỏi phải chăng phiên tòa kết án những công dân từng biểu tình chống Trung quốc ấy có liên hệ với việc đặc phái viên của Tổng bí thư đảng Cộng sản VN qua gặp gỡ giới lãnh đạo Trung Quốc trong cùng ngày?
2- Phiên tòa ấy là bằng chứng mới nhất và cụ thể về các đặc tính của chế độ cộng sản. Đó là gian dối, hèn hạ và tàn bạo. Sự gian dối biểu hiện qua việc dàn dựng một vụ án hết sức vô lý, tổ chức một phiên tòa hết sức vô luật, đưa ra một phán quyết coi thường công lý, chứng tỏ bản chất bất lương của chế độ cộng sản. Thói hèn hạ biểu hiện qua việc xử án kiểu đánh phủ đầu các luật sư, không dám tranh luận với họ, kiểu tiến hành cách lén lút, chẳng cho nhân dân và quốc tế chứng kiến, ngay cả người thân của bị nạn, kiểu khoác tội hình sự giả tạo cho những người đấu tranh vì nhân quyền. Nét tàn bạo biểu hiện qua việc sử dụng toàn thể bộ máy công lực (công an, cảnh sát, dân phòng), dùng sức mạnh vũ khí và cơ bắp để ngăn chặn từ xa, hành hung chỗ gần, coi nhân dân là kẻ thù cần phải trấn áp, coi những nhà hoạt động dân chủ và các tổ chức xã hội dân sự là “thế lực thù địch” cần phải triệt hạ.
3- Những bản án táng tận lương tâm, chà đạp công lý như thế là nguyên nhân đẩy xã hội ngày càng sa vào vòng xoáy bạo lực, đẩy con người ngày càng đến chỗ mất ý thức về lẽ phải và chân thiện, nhất là nơi những thành viên của bộ máy cầm quyền (từ cảnh sát trật tự, công an điều tra, kiểm sát công tố đến thẩm phán xét xử và quan chức chỉ đạo…). Những hạng này ngày càng trở nên điếc đặc trước tiếng kêu gào của nạn nhân vô tội lẫn dư luận công tâm, mà chỉ muốn “ổn định xã hội” bằng gian trá và bạo lực. Nếu thế, sẽ đến lúc bạo lực không những phá tan sự ổn định họ mong muốn, mà còn kết liễu số phận của họ và gây đại họa cho đất nước dân tộc, bởi lẽ họ đang khiến nhân dân kết thành một khối căm hờn, chuẩn bị cho một cuộc cách mạng lật đổ cái chế độ bất chính, bất nhân và bất lực đã tồn tại quá lâu này.
4- Trước hiện trạng bi thảm và nguy ngập của đất nước, do cảnh kinh tế khủng hoảng, tài chánh kiệt quệ, nợ công ngập đầu, do cảnh dân sinh lầm than, môi trường ô nhiễm, đạo đức băng hoại, do cảnh tham nhũng hoành hành, bạo lực đầy dẫy, ngoại xâm cận kề… lẽ ra nhà cầm quyền Cộng sản phải biết sáng suốt để đi tìm sự thật, phải biết phục thiện để thực thi công lý, phải biết thương dân để phục vụ đồng bào, mà chấm dứt những vụ án quái đản, những phiên tòa lố lăng như vậy. Thế nhưng họ vẫn mù quáng tin rằng bạo lực và dối trá sẽ củng cố ngai vàng và địa vị, quyền lực và quyền lợi của họ, mà quên rằng đó chỉ càng làm dày thêm hồ sơ tội ác và làm dài thêm bản cáo trạng mà quốc dân, quốc tế và lịch sử đang hình thành về họ để sẽ đưa ra công lý trong tương lai.
Làm tại Việt Nam ngày 30 tháng 08 năm 2014
1- Diễn đàn Xã hội dân sự: Tiến sĩ Nguyễn Quang A
2- Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy: cụ Lê Quang Liêm.
3- Hội Ái hữu Tù nhân CT và TG VN: Kỹ sư Trương Minh Nguyệt
4- Hội Cựu tù nhân Lương tâm: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế.
5- Hội đồng Liên tôn Việt Nam: Lm Đinh Hữu Thoại (Công giáo), Ms Nguyễn Hoàng Hoa (Tin Lành), HT Thích Không Tánh (Phật giáo), Hội trưởng Lê Quang Liêm (Phật giáo Hòa Hảo), Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng (Cao Đài)
6- Hội Phụ nữ Nhân quyền: Huỳnh Thục Vy
7- Khối Tự do Dân chủ 8406: Kỹ sư Đỗ Nam Hải
8- Lao Động Việt: Cô Đỗ Thị Minh Hạnh
9- Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất: Hòa thượng Thích Không Tánh.10- Mạng lưới blogger Việt Nam: cô Nguyễn Hoàng Vi
11- Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất: Hòa thượng Thích Không Tánh.
Nhận xét
Đăng nhận xét