Thanh thiếu niên nên làm gì để thành công về tài chính


Lớp học về tài chính cá nhân do cô Camilla Pea giảng dạy tại trường trung học Charles H. Flowers
Lớp học về tài chính cá nhân do cô Camilla Pea giảng dạy tại trường trung học Charles H. Flowers
 
Theo VOA
Faiza Elmasry
Toán là môn quan trọng trong giáo dục ở Mỹ. Vậy mà hầu như việc dạy trẻ dùng toán học để trù hoạch một ngân sách chi tiêu hay quản lý tiền của chính mình lại không nằm trong chương trình giảng dạy. Tuy nhiên các học sinh tại một trường trung học phổ thông trong bang Maryland có thể tham gia một chương trình học về tài chính, dạy các em các kỹ năng về tiền bạc mà sẽ áp dụng được cả đời.
Chương trình được cô Camilla Pea đưa vào dạy tại trường trung học phổ thông Charles H. Flowers 3 năm trước đây,và hiện cô vẫn còn dạy khóa học này. Cô giải thích, “Nhiều học sinh chọn tham gia lớp học này vì các em nhận thấy hiểu biết về tài chính có thể thay đổi tương lai của mình.”
Nghĩ về tiền
Một trong những bài học quan trọng nhất ở đây là làm thế nào tiết kiệm và đưa ra những quyết định về tài chính hiệu quả hơn. Cô Pea nói:
“Nhiều học sinh của chúng tôi xuất thân từ các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, vì vậy gia đình các em có tiền của. Các em ăn mặc toàn hàng hiệu. Các em mặc áo hiệu, các em mang giày hiệu. Các em theo đúng thời trang. Vì vậy tôi cố gắng làm cho các em hiểu đây là những gì cha mẹ các em có. Làm thế nào các em sẽ đạt được sự giàu có cho mình?
Dạy cách quản lý tiền bạc cho thiếu niên cần có một hướng tiếp cận sáng tạo, vì theo lời cô Pea, đây là “một ý niệm của người thành niên.” Cô nói:
“Đôi khi mình cần thu hút chúng một chút. Các em không muốn ai đó đứng trước mặt chúng và lên lớp chúng suốt cả một tiếng rưỡi đồng hồ. Chúng muốn nhận thấy có sự liên hệ. Nếu các em không thấy được sự nối kết, thế là chúng không nghe bạn.”
Chialuka Odukwe, một nữ sinh 17 tuổi chưa bao giờ mất hứng với đề tài này. Chialuka nói cô Pea đã gợi cho em sự hứng thú tiếp nhận ý tưởng tiết kiệm một cách nghiêm túc:
“Cô ấy dạy chúng em tiết kiệm. Em sẽ biết em đang làm gì, khi em lớn tuổi hơn, khi em đã học xong đại học. Mới đây em nói với ba mẹ em về việc mở một tài khoản tiền gửi có kỳ hạn theo dạng chứng chỉ tiền gửi. Như vậy em có thể để dành tiền mỗi tháng và chừng vài năm sẽ có tiền lời.
Lập ngân sách cho minh
Cô Pea cũng phải bảo đảm là học sinh của cô biết cái nào là ưu tiên và đưa ra những quyết định về tài chính khôn ngoan hơn. Cô nói, “Như vậy tôi chỉ dẫn các em sự lựa chọn về sau này, không chọn lựa nhiều lắm ngay lúc này. Đó là cái khó vì các em thấy ‘cái hiện tại’, không thấy ‘về sau này’.”
Còn nam sinh Abiola Bakare áp dụng bài học ngay. Cậu trở nên hiểu biết giá trị đồng tiền hơn. Abiola nói:

“Tôi có một em trai và một em gái. Mẹ tôi luôn luôn chi trả những đồ dùng của chúng tôi. Mẹ tôi nói tôi là xa hoa nhất. Mẹ tôi luôn bảo tôi ‘con phải bớt xài tiền.’ Tôi thực sự nhận thức là tôi phải có ngân sách và cố nghĩ xem cái gì có thể chi tiêu bây giờ và cái gì để sau hẵn xài.”

Điều đó giúp Abiola xếp cái gì là ưu tiên, “Mục tiêu ngắn hạn của tôi là dành đủ một số tiền để giữ trong trường hợp cần tiền cấp bách hay cho một chuyện gì đó. Còn mục tiêu dài hơn là mua một chiếc xe hơi, một chiếc xe cũ.”
Học những sai lầm từ người khác
 Cô Pea dạy các học sinh của mình về các sai lầm về tài chính mà người lớn phạm phải, có thể khiến họ phải mang công mắc nợ - như không ghi sổ đối chiếu thu chi, vì vậy họ không biết họ có bao nhiêu tiên, hoặc là chỉ trả một số tiền tối thiểu tiền đến hạn của thẻ tín dụng và để cho số dư cứ chồng chất lên. Hầu hết học sinh của cô giờ đây có thể nhận ra được và tránh những thói quen tiêu xài hoang phí.
Chialuka nhận xét, “Thiếu niên thích theo đúng mốt. Vì vậy họ có khuynh hướng tiêu xài nhiều tiền để mua những thứ họ chỉ dùng trong một tuần và rồi nó không còn thời trang nữa.”
Abiola đồng ý, cậu kể lại, “Tôi đã từng phạm lỗi lầm như vậy trước đây. Tôi kiếm được một số tiền và thay vì bắt đầu để dành cho tương lai, tôi lại dùng nó mua giày,và quần áo, thiệt là sai lầm kinh khủng.”
 Không bao giờ quá sớm hay quá muộn
Năm ngoái, cô Camilla Pea được Greater Washington Chapter of Jump$tart, một tổ chức phi lợi nhuận quảng bá sự hiểu biết về tài chính chọn là giáo viên về tài chính cho cá nhân trong năm. Bà Moji Silva hiệu phó trường trung học Charles H. Flowers nói lớp học của cô là một phần quan trọng của nỗ lực của nhà trường nhắm giúp học sinh phát triển các kỷ năng thực tiễn trong đời sống:
“Chúng tôi nhận thức được rằng nếu một học sinh rời trường trung học phổ thông mà không biết cân bằng một chi phiếu như thế nào, không biết lập ngân sách chi tiêu ra sao, không biết vay như thế nào và cân nhắc mọi việc, cần theo lối nào, thì các em cuối cùng đi đến vỡ nợ, dù sau khi học xong đại học.
Lớp học trở nên rất phổ biến trong giới học sinh cũng như phụ huynh. Bà Silva kể lại, “Một phu huynh nói, “Thời tôi, chúng tôi đâu có những thứ giống như vầy. Tôi không biết viết một chi phiếu như thế nào cho đến khi tôi học đại học!”
Với vai trò là một người trong lớp học, cô Pea khuyến khích các phụ huynh nói chuyện với con cái về tiền bạc đồng thời khuyến khích các em đặt câu hỏi. Cô nói:

“Tôi yêu cầu các em hỏi xem ba mẹ kiếm được bao nhiều tiền? Ba mẹ trả hóa đơn ra sao? Tiền điện bao nhiêu? Tiền gas bao nhiêu? Mua thức ăn mất bao nhiêu? Khi đi mua sắm, cha mẹ có thể nói chuyện với các con về chuyện thuế, thuế tiêu thụ.
Cô Camilla Pea nói, với những cuộc chuyện trò như vậy thì kiến thức về tài chính sẽ trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày.

Lời khuyên của cô Camilla Pea để thành công về tài chính:
1 - Hãy lập ngân sách cho mình
2 – Bắt đầu tiết kiệm ngay bây giờ
3 – Kiềm chế tiêu xài bốc đồng
4 – Đầu tư cho tương lai (như tiết kiệm dài hạn cho giáo dục hay về hưu)
5 – Trả nợ cũ và tránh nợ mới
6 – Cân bằng sổ chi phiếu
7 – Thanh toán hóa đơn ngay khi nhận được
8 – Tìm hiểu các vấn đề tài chính cá nhân

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?