Truyền thông TQ nói gì vụ con tin Nhật?

IS yêu cầu trao đổi ông Kenji Goto (phải) với một phụ nữ Iraq (giữa), nếu không sẽ giết phi công người Jordan (giữa)
Theo BBC
29 THÁNG 1 2015
Truyền thông đang dõi theo những nỗ lực của Nhật Bản trong việc giải cứu công dân khỏi tay dân quân Nhà nước Hồi giáo (IS), trong lúc bàn thảo xem, liệu Trung Quốc có nên mời Thủ tướng Shinzo Abe tới cuộc diễu binh như theo dự kiến.
Hôm Chủ nhật 25/01, IS nói đã giết chết một con tin người Nhật, ông Haruna Yukawa, sau khi đòi khoản tiền chuộc 200 triệu USD.
Nhóm này sau đó lại tung ra các đoạn ghi âm của con tin người Nhật thứ hai, Kenji Goto.
Ông Goto, năm nay 47 tuổi, là nhà báo tự do và nhà làm phim tài liệu có tiếng, tới Syria hồi tháng 10/2014, được cho là để giúp giải thoát ông Yukawa – một nhà thầu tư nhân.
Hãng tin Tân hoa xã nhấn mạnh rằng khủng hoảng con tin “là do viện trợ rộng rãi [của Nhật Bản]” ở khu vực Trung Đông và tham vọng mở rộng vai trò quốc tế của Nhật của Thủ tướng Shinzo Abe.
“Nhật Bản hiếm khi tham gia vào các vấn đề Trung Đông, nhưng giờ lại can thiệp vào khu vực và hứa trợ giúp các quốc gia đấu tranh chống khủng bố, thế nên IS rất không hài lòng,” Đường Chí Siêu, chuyên gia mảng Trung Đông ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói.
Chu Vĩnh Sinh, một giáo sư ở Đại học Ngoại giao Trung Quốc lại cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ không ngăn ông Abe ngừng thực hiện mục tiêu biến Nhật Bản thành “cường quốc quân sự”.
Thay vào đó, theo học giả ngành luật này, ông Abe sẽ dùng khủng hoảng con tin làm cái cớ để mở rộng sự hiện diện của quân đội Nhật ở nước ngoài để “gìn giữ hòa bình”.
Trong khi đó, một bình luận của Bắc Kinh Thanh niên báo viết rằng, một số người dùng mạng xã hội “chờ xem ông Abe được phen mất mặt” trong cuộc khủng hoảng.
“Đây là điểm chung mà đa số người dùng internet không thấy có cảm tình với ông Abe, nhưng chúng nên hiểu rằng khủng bố cũng là kẻ thù chung của chúng ta,” bài báo nhắc nhở.
“Chúng ta không nên coi sự việc như xem một vở diễn và tránh cười trên đau khổ của người khác,” bài báo viết.

Lời mời ông Abe

Bên cạnh đó, các chuyên gia và dân mạng đang bàn tán xem liệu Trung Quốc có nên mời ông Abe tới dự lễ diễu binh đánh dấu kết thúc Thế chiến II hay không.
Một bài báo trên Nhân dân Nhật báo gần đây cho thấy Trung Quốc đang lên kế hoạch thực hiện diễu binh để “cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh nhằm duy trì trật tự thế giới hậu chiến tranh” và để củng cố “quyết tâm lực lượng chống Nhật Bản”.
Bài báo này đã gây ra lo ngại trong giới truyền thông Nhật về ý đồ quân sự của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số tờ báo ở Trung Quốc đã coi thường những nghi ngờ này, nhấn mạnh rằng cuộc diễu hành “không nhằm gieo rắc hận thù”.
Nhưng một bài viết quan điểm biên tập khác trên Hoàn cầu Thời báo ẩn ý nên mời ông Abe tới sự kiện này.
“Mời ông ta tới dự lễ để ông ta thấy sức mạnh của Trung Quốc... Trung Quốc phải cho Nhật Bản và cả thế giới hiểu được rằng trật tự hậu thế chiến không nên bị thay đổi,” bài báo viết.
Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đối đầu trong căng thẳng tranh chấp lãnh thổ. Bắc Kinh cũng cáo buộc Tokyo muốn giấu kín hành động chiến tranh của mình.
Theo một trưng cầu ý kiến trên mạng do báo này thực hiện cho thấy 86% người tham gia khảo sát ủng hộ mời ông Abe.
Một số nhà quan sát chính trị cũng cảm thấy rằng Trung Quốc nên mời ông Abe dù họ cho rằng ông nên từ chối lời mời.
Liêm Đức Khôi, phân tích gia ở Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói với Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng rằng Trung Quốc mời ông Abe là “thích hợp”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?