Trung Quốc khó chịu trước lửa tình Mỹ-Ấn bùng cháy

 



Theo Đàn Chim Việt
Tầm cao cực kỳ
Với những ai lâu nay chê bai thành tích ngoại giao yếu kém của Tổng thống Obama, chuyến đi ba ngày ở Ấn Độ tuần qua giúp ông có dịp chứng minh ngược lại.
Chưa bao giờ quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ lại thân thiết đến vậy, cao hơn mối quan hệ mà Hà Nội thường gọi là đã “nâng lên một tầm mới.”
Từ mấy chục năm qua, Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi Ấn Độ đứng chung với mình để ngăn chận tham vọng bá quyền của Trung Quốc, nhưng lần nào Ấn Độ cũng lịch sư trả lời em chả, em chỉ muốn có lập trường độc lập, phi liên kết, theo kiểu “không hợp tác với nước nào để chống lại một nước thứ ba.”
Thế nhưng, kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền, lập trường đó coi như đã quay ngoắt 180 độ.
Các nhà phân tích đưa ra nhiều yếu tố khách quan để giải thích sự thay đổi táo bạo này. Trung Quốc o bế Pakistan, kẻ thù của Ấn Độ, nhiều hơn, trong khi Hoa Kỳ bớt thân với Pakistan. Trung Quốc vẫn lén lút hà hơi tiếp sức cho bọn Maoist ở vùng biên giới Ấn Hoa. Trung Quốc vận động xây một hải cảng lớn ở Sri Lanka, đe dọa con đường giao thông huyết mạch của Ấn Độ tại, vâng, Ấn Độ Dương. Và Ấn Độ cũng thấy rõ ý đồ của Bắc Kinh tại Biển Đông với đường lưỡi bò và giàn khoan Hải Dương, nên đã hợp tác mạnh hơn với Việt Nam và Philippines.
Đã vậy, khi Chủ tịch Trung Quốc thăm Ấn Độ tháng 9 năm ngoái, ông Tập Cận Bình chỉ hứa đầu tư 20 tỉ trong 5 năm tới. Lần đó, Ấn Độ hơi buồn vì họ trông đợi ít ra thì cũng phải 100 tỉ. Báo chí Ấn Độ còn tiếng bấc tiếng chì: Trung Quốc không chơi đẹp bằng Nhật Bản, vì Thủ tướng Abe đã hứa đầu tư 32 tỉ để cải thiện cơ sở hạ tầng cho Ấn Độ.
Trong khi đó, nếu “đi” với Mỹ, Ấn Độ không mất đảng, không mất nước; mà ngược lại, có những cái lợi, như tiếp cận công nghệ mới để phát triển kinh tế, quốc phòng, và “nắm” được khối Ấn kiều bên Mỹ, trong đó có nhiều người rủng rỉnh tiền bạc.
Đóng góp của lãnh tụ
Với những quốc gia đã có những định chế đi vào nề nếp, lãnh tụ không mấy quan trọng, nhưng vai trò của cá nhân đã đóng góp không nhỏ vào sự xích lại giữa Mỹ và Ấn lần này. Trước khi làm thủ tướng, ông Modi đã từng bị Mỹ cấm nhập cảnh vì khi ông làm Thống đốc bang Gujarat, ông đã để cho xảy ra một vụ bạo loạn tôn giáo trong bang, khiến cho hơn 1.000 người Hồi giáo thiệt mạng.
Vậy mà sau chuyến thăm chính thức Tòa Bạch Ốc vào tháng 9 năm ngoái, ông và Tổng thống Obama gần như đã trở thành hai người bạn tri kỷ. Nghe nói, có lúc Obama đã gọi Modi là “my bro.”
Báo chí thuật lại, ông Obama đã nói với ông Modi, you đã tạo một chuyện bất ngờ, tưởng chừng như không thể nào xảy ra trong xã hội Ấn Độ. Câu nói đó khiến các thầy bàn cho rằng hai ông đã có sự đồng cảm sâu đậm, một người thuộc sắc tộc thiểu số, một người thuộc một đảng thiểu số.
Kể từ khi hai nhà lãnh đạo đã tìm được những điểm tâm đầu ý hợp, thuộc hạ của họ đã bận rộn thu xếp để có một sự kiện ấn tượng: một chuyến đi mang tính cách biểu tượng đánh dấu cuộc “móc ngoặc” chưa từng thấy trong lịch sử hai nước.
Về phía Mỹ, họ đã thu xếp để ông Obama có bài nói chuyện về Tình Trạng Liên Bang với dân chúng Mỹ, trước khi Ấn Độ có cuộc diễn hành của Lễ Cộng Hòa 26 tháng 1 – một trong ba ngày lễ lớn của Ấn Độ – đánh dấu ngày bản Hiến pháp của Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực cách đây 65 năm. Chuyến đi của ông Obama sẽ được lịch sử Mỹ ghi nhận là Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đi Ấn Độ hai lần, và cùng là tổng thống Mỹ đầu tiên được mời làm khách danh dự tại Lễ Cộng Hòa Ấn Độ.
Vừa bước xuống máy bay ở New Dehli, ông Obama đã được ông Modi bước đến ôm hôn thắm thiết theo kiểu các lãnh tụ của phe XHCN trước đây. Cử chỉ này hoàn toàn khác với cú bắt tay thật chặt giữa ông Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9 năm ngoái ở New Dehli.
Và cũng là lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ ngồi ngoài trời hơn ba tiếng đồng hồ tại một quốc gia khách để dự một cuộc diễn hành. Cả hai ông Obama và Modi đã ngồi sau một tấm màn kính đạn bắn không thủng để xem cuộc diễn hành của Lễ Cộng Hòa.
Tổng thống Mỹ thoải mái nhìn các loại máy bay của Nga lần lượt bay ngang qua khán đài; vì ông biết rằng trong hiện giờ Ấn Độ là một trong những khách hàng chính của Nga, nhưng trong những năm tới, sẽ có C-130, Apache… bởi vì sau khi ông rời Ấn Độ, sẽ có những hợp đồng được ký với các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ.
Với Ấn Độ, đây cũng là lần đầu tiên họ phải huy động 50.000 cảnh sát và binh sĩ, 1.000 tay súng bắn tỉa, lập vùng cấm bay, sử dụng 15.000 camera, và mấy chục chó đánh hơi bom, để chuyến đi của Tổng thống Mỹ không thể xảy ra một vụ mất mặt giống như vụ Bombay 2008.
Trước buổi dạ tiệc bên trong Rashtrapati Bhavan, tư dinh của Tổng thống Ấn Độ, Tổng thống Mỹ và phu nhân đã thưởng thức buổi văn nghệ, trong đó có bài “Yes We Can,” khẩu hiệu của ông Obama khi ra tranh cử năm 2008.
Bữa ăn gồm có cà-ri cá ướp mù-tạt, bánh nhồi thịt trừu hầm với sữa chua, và phô-mai nấu với dưa chua.
Trong phần nâng ly ông Obama ca ngợi tình hữu nghị hai nước, nhắc đến tâm sự của Thủ tướng Modi rằng mỗi tối ông Modi chỉ ngủ 3 tiếng, khiến ông cảm thấy kém hơn Thủ tướng Ấn vì ông ngủ đến 5 tiếng. Tổng thống Mỹ cũng nhắc đến những người Mỹ gốc Ấn, trong đó có đại sứ Mỹ tại Ấn, hoặc những người làm dân biểu, thống đốc và giám đốc cơ quan USAID của Mỹ.
Chuyến đi có một trục trặc nhỏ: ông Obama phải cắt ngắn một chút để ghé Saudi Arabia dự quốc tang.
Trung Quốc bất an
Dĩ nhiên, Trung Quốc không thể làm ngơ trước chuyến đi này, nhất là sau khi ông Obama đã thuyết phục được ông Modi để hai người cùng công khai lên tiếng gay gắt về những động thái mang tính gây sự của Trung Quốc ở South China Sea.
Một bài xã luận của báo lề phảiTrung Quốc khuyên Ấn Độ không nên rơi vào những mưu đồ có tính toán của Mỹ.
Phát ngôn viên Hoa Xuân Oanh của Bộ Ngoại giao nói rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ “có thể giúp phát huy sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau trong khu vực. Chúng tôi biết Ấn Độ không muốn tham gia chính sách ngăn chận Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng thái độ một mất một còn đã thuộc về thế kỷ trước.”
Một bài xã luận khác của Trung Quốc nói rằng sư hiện diện của Obama “tại thời điểm này không mang lại tác động quan trọng nào cho mối quan hệ lâu đời giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Chuyến đi có thể giúp thúc đẩy quan hệ Ấn-Mỹ trong tương lai, nhưng không thể thay đổi sự kiện thực tế tại chỗ là Ấn Độ cũng cần Trung Quốc như một đối tác quan trọng.”
Tân Hoa Xã cho rằng “chuyến đi chỉ mang tính biểu tượng hơn là thực tế, bởi vì Hoa Kỳ và Ấn Độ vẫn còn những khoảng cách khá xa, xa như khoảng cách địa dư hai nước.”
Tân Hoa Xã còn nhắc Ấn Độ đừng quên cách nay không lâu, Mỹ đã cấm ông Modi nhập cảnh và cách nay một năm, Hoa Kỳ đã bắt giam một nhà ngoại giao Ấn Độ ở New York bị cáo buộc bóc lộc một ô-sin mang từ Ấn Độ qua.
Châu Quang (tổng hợp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện