4 bài học cho Trung Quốc sau phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông


(GDVN) - Trung Quốc biết lắng nghe ý kiến của giới chuyên gia chân chính, thay đổi nhận thức, lấy luật pháp quốc tế làm thước đo thì mọi hệ lụy ấy sẽ được hóa giải.
Ngày 14/7, hai ngày sau khi Tòa Trọng tài Thường trực công bố Phán quyết của Hội đồng Trọng tài về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, một học giả Hoa Kỳ gốc Trung Quốc đã có bài bình luận về những gì Trung Quốc có thể rút ra sau vụ kiện này.
Nhà nghiên cứu Zheng Wang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột thuộc Trường Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế, Đại học Seton Hall ở New Jersey, thành viên Viện Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ đã rút ra cho Trung Quốc 4 bài học sau vụ kiện Biển Đông, đăng trên The Diplomat.
Bên cạnh 4 bài học rất đáng chú ý mà Zheng Wang rút ra cho Trung Quốc, theo cá nhân người viết, nhà nghiên cứu Zheng Wang vẫn có những hạn chế có lẽ xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc, tình cảm dân tộc khi tiếp cận các vấn đề pháp lý ảnh hưởng đến Trung Quốc. 
Điều này sẽ được làm rõ trong từng luận điểm của Zheng Wang.
Đánh giá về phán quyết
Nhà nghiên cứu Zheng Wang cho rằng: "Phán quyết trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc không nghi ngờ gì, nó là một trở ngại lớn đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc. 
Nhà nghiên cứu Zheng Wang, ảnh: The Diplomat.
Bất luận mọi người đánh giá như thế nào về chất lượng và tính công bằng của phán quyết này, đặc biệt khi nó có lợi thế áp đảo nghiêng về những nội dung Philippines khởi kiện, nó sẽ không chỉ làm tổn hại hình ảnh và quyền lực mềm của Trung Quốc, mà còn làm hạn chế rất nhiều các yêu sách của Trung Quốc về "chủ quyền lãnh thổ" và hàng hải ở Biển Đông.
Hậu quả của phán quyết (đối với Trung Quốc) sẽ còn lan xa hơn. Nhìn lại quá trình kể từ khi Philippines đệ đơn khởi kiện tháng Giêng năm 2013 lên Tòa Trọng tài, có nhiều bài học Trung Quốc có thể rút ra từ vụ kiện này, đặc biệt là khi nói đến việc hoạch định chính sách, nghiên cứu chính sách, thái độ và nhận thức, trao đổi liên lạc với bên ngoài."
Bài học thứ nhất về xây dựng chính sách đối ngoại
Zheng Wang nhận xét: "Vụ kiện trọng tài đã chứng minh có vấn đề lớn đối với quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc. 
Việc này rõ ràng khả thi và có thể khiến Trung Quốc tác động trực tiếp đến kết quả phiên tòa.
Thậm chí Trung Quốc có thể đã thực hiện thành công việc bác bỏ thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài về vụ kiện này, hoặc hạn chế thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong phạm vi nhỏ hơn, ít vấn đề hơn
Chính vì không tham gia, Trung Quốc đã đánh mất cơ hội trực tiếp tranh tụng và đưa ra quan điểm của mình, cũng như bằng chứng và lập luận về vụ việc. Vì vậy rõ ràng đây là một sai lầm rất lớn đối với Trung Quốc.
Trung Quốc quyết định không tham gia đã dẫn đến việc Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển Shunji Yanai, một công dân Nhật Bản, có thẩm quyền bổ nhiệm 4 Trọng tài viên. Kết quả là 4 trong 5 Trọng tài viên của Hội đồng Trọng tài này được ông Shunji Yanai bổ nhiệm.
Trước khi làm Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển, ông Shunji Yanai là Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản (1997 - 1999) và Đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ (1999 - 2001). 
Do tranh chấp hàng hải và các vấn đề lịch sử giữa Trung Quốc và Nhật Bản, một số người Trung Quốc tin rằng ông Shunji Yanai đã "thiên vị" khi chọn Trọng tài viên chống lại Trung Quốc.
Tuy nhiên thực tế chỉ là vì Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và Thẩm phán Shunji Yanai có thẩm quyền chỉ định các Trọng tài viên còn lại theo quy định.
Trung Quốc cần phải xem lại tại sao lại ra quyết định không tham gia. Đầu tiên, họ đã thiếu một sự cân nhắc cẩn thận hậu quả có thể đến từ việc từ chối vụ kiện.

Việt Nam nên hy sinh chuyện nhỏ để được chuyện lớn?

Một vấn đề quan trọng khác là, liệu có những kênh nào khác hiệu quả cho các ý kiến khác nhau được tham gia thảo luận và hoạch định chính sách cho chính phủ hay không?
Chính phủ rõ ràng đã không nhận được những tư vấn pháp lý tốt từ các chuyên gia luật quốc tế hàng đầu."
Người viết cho rằng, nhận định này của học giả Zheng Wang là khá khách quan và chính xác, mặc dù ông có hơi "lạc quan" về khả năng Trung Quốc hủy được thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài nếu tham gia vụ kiện. 
Đây không chỉ là nhận định của riêng nhà nghiên cứu người Trung Quốc ở hải ngoại, mà cũng là tiếng nói chung của nhiều học giả chân chính tại Trung Hoa đại lục.
Tuy nhiên tiếng nói của họ đã bị các nhà chức trách phớt lờ. Điều này đã được chúng tôi phản ánh qua bài "Bắc Kinh cố đấm ăn xôi và những tiếng nói phản đối từ nội bộ" dẫn nguồn báo South China Morning Post ngày 19/6.
Vậy những học giả Trung Quốc đang tiếp tục cổ súy cho chính sách "3 Không" với phán quyết trọng tài bằng mọi giá hiện nay, họ là ai? 
Không ai khác, đấy là những "học giả" chỉ biết bẻ cong luật pháp quốc tế cho phù hợp với lập trường chính trị của một số nhà lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Trong khi nhiệm vụ của đội ngũ tham mưu, trí thức Trung Quốc chân chính phải là nghiên cứu kỹ luật pháp quốc tế để tư vấn cho nhà nước có những điều chỉnh phù hợp. 
Đó mới là chính trị, đó mới là văn minh. Và chỉ có thượng tôn pháp luật mới mang lại uy tín cũng như thương hiệu cho Trung Quốc.
Có thể thấy, quan điểm "3 Không" hiện nay chỉ đại diện cho một số nhà lãnh đạo Trung Quốc và đội ngũ cộng sự giúp việc họ, không đại diện cho suy nghĩ của tầng lớp tinh hoa, có hiểu biết trong xã hội Trung Quốc hiện tại.
Bài học thứ hai: Nghiên cứu chính sách
"Vụ kiện trọng tài này cũng đã chứng minh rằng, nghiên cứu chính sách đối ngoại là điểm yếu lớn trong công tác hoạch định chính sách của Trung Quốc.

Không xem quảng cáo… đừng đọc báo

Đáng ngạc nhiên là Trung Quốc đã thiếu những nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề Biển Đông, trong đó có yêu sách của họ và vấn đề về quyền lịch sử.
Đây là một trong những lý do quan trọng tại sao Trung Quốc lại quyết định không tham gia vào vụ kiện, bởi vì họ chưa sẵn sàng. Không có một lộ trình rõ ràng hoặc một sự trợ giúp tốt nào cho chính phủ Trung Quốc làm theo.
Sự mơ hồ của Trung Quốc trên Biển Đông ở một mức độ nào đó là do thiếu nghiên cứu. 
Ví dụ, yêu sách của Trung Quốc chủ yếu dựa trên "lịch sử", nhưng cho đến nay tôi không tìm thấy bất cứ cuốn sách nào xuất bản ở Trung Quốc cung cấp một phân tích toàn diện và khách quan về các sự kiện và lịch sử của Biển Đông.
Ví dụ như quá trình liên quan đến việc đưa ra bản đồ đường đứt đoạn và ý nghĩa thực tế của nó. 
Trung Quốc thực sự có rất nhiều "bằng chứng lịch sử" để hỗ trợ tuyên bố của mình, nhưng phần nhiều chỉ được sử dụng cho các bài giảng ở trong nước nhiều năm qua.
Tuy nhiên lập luận chúng là bằng chứng pháp lý lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Trung Quốc cũng thiếu những chuyên gia về luật pháp quốc tế cần thiết cho một vụ kiện lớn.
Để lấp đầy khoảng cách, Trung Quốc cần phải cung cấp thêm hỗ trợ cho các viện nghiên cứu về Biển Đông.
Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc thành lập ở Hải Nam thường xuyên lãnh nhiệm vụ giao lưu, tham dự hội thảo và tuyên truyền cho lập trường của Trung Quốc ở nước ngoài. Ảnh: pinoyweekly.org.
Quan trọng hơn là, việc nghiên cứu chính sách phải khuyến khích các cuộc tranh luận giữa các ý kiến khác nhau, có nhiều thông tin trao đổi với giới nghiên cứu quốc tế."
Tôi cho rằng Trung Quốc không hề yếu, không hề thiếu nguồn lực cũng như quyết tâm và tiền bạc đổ cho nghiên cứu về Biển Đông.
Thậm chí nếu nói về số lượng và tần suất, có lẽ Trung Quốc đứng đầu thế giới về các công trình nghiên cứu về Biển Đông. Chỉ có điều Trung Quốc đã phạm sai lầm ngay từ đầu, ngay từ xuất phát điểm. 
Thay vì xác định loại tranh chấp, cơ chế pháp lý xử lý tranh chấp đó để tìm kiếm thu thập bằng chứng và xây dựng lập luận, thì đội ngũ nghiên cứu Trung Quốc được lệnh nghiên cứu và tuyên truyền một chiều để bảo vệ lập trường chính trị của lãnh đạo.
Họ tìm mọi cách bảo vệ yêu sách đường 9 đoạn, "chủ quyền" với toàn bộ Biển Đông bằng mọi giá mà bất cần biết đúng sai, không thèm quan tâm xem thế giới nghĩ gì về điều này.
Thay vì dùng pháp lý để điều chỉnh nhận thức và chính sách, thì các nhà nghiên cứu được nhà nước Trung Quốc trọng dụng lại tìm cách uống cong pháp lý quốc tế cho phù hợp với lập trường chính trị của lãnh đạo. Chính điều này tạo nên bi kịch.
Bài học thứ ba: Thái độ và nhận thức
"Tôi đã từng đề cập trong một bài viết khác, khi Trung Quốc tham gia quá trình đàm phán xây dựng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển giai đoạn 1973-1982, Trung Quốc đã quyết định đứng về phía các nước thế giới thứ ba và ủng hộ quan điểm xác định vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý (cho các quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo, các đảo đủ điều kiện).
Các nhà ngoại giao Trung Quốc thời điểm đó đã hoàn toàn quên mất Biển Đông và đường 9 đoạn. 
Họ đặt ý thức hệ trên lợi ích quốc gia và không nhận ra rằng, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý sẽ mang lại những mâu thuẫn không thể tưởng tượng đến yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Ví dụ như vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng sẽ "trùng" với một phần đường 9 đoạn.
Từ lúc Trung Quốc tham gia đàm phán xây dựng UNCLOS trong những năm 1970 đến ki quyết định từ chối tham gia vụ kiện của Philippines năm 2013, hơn 40 năm đã trôi qua.
Trong thời gian này, nền kinh tế Trung Quốc đã thay đổi từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhưng thái độ của Trung Quốc và nhận thức đối với luật pháp quốc tế đã cho thấy không có sự gia tăng đồng điệu cùng sự phát triển kinh tế."
Cá nhân người viết không nhất trí với lập luận này của học giả Zheng Wang.
Một là, như học giả Zheng Wang đề cập trong bài học trước, nhiều tiếng nói đa chiều của các nhà nghiên cứu, học giả chân chính, có hiểu biết về luật pháp quốc tế đã không được chính phủ Trung Quốc lắng nghe. 
Họ đã không có cơ hội thể hiện quan điểm của mình.
Thứ hai, việc Trung Quốc tham gia đàm phán xây dựng UNCLOS và ủng hộ việc xác định các vùng biển pháp lý của các quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, các thực thể trên biển trong đó có vùng đặc quyền kinh tế không quá 200 hải lý trong giai đoạn 1973-1982 cho thấy, giai đoạn này Trung Quốc rất tích cực, rất có trách nhiệm với việc xây dựng Công ước.

Tiến sĩ Thái Anh Văn: 3 lý do từ chối phán quyết, lập trường 4 điểm về Biển Đông

Các nhà khoa học, các chuyên gia Trung Quốc tham gia xây dựng UNCLOS chính là những người có tinh thần trách nhiệm rất cao, khách quan và cầu thị, biết thượng tôn công lý, biết xác định rõ đâu mới là lợi ích quốc gia hợp pháp và đâu là lợi ích hẹp hòi vị kỷ. 
Thiết nghĩ họ không quên yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, mà ngược lại họ hiểu sự vô lý trong yêu sách đó.
Thông qua việc xây dựng UNCLOS bao gồm quy chế về vùng đặc quyền kinh tế và hủy bỏ tất cả những yêu sách liên quan đến quyền lịch sử có trước khi UNCLOS 1982 có hiệu lực, chính các học giả và chuyên gia Trung Quốc đã giúp đất nước mình một ngày nào đó có đường mà rút đường 9 đoạn trong danh dự. 
Uy tín và danh dự quốc gia, dân tộc đối với họ cao hơn rất nhiều những lợi ích dựa trên lòng tham và sự mơ hồ. Đối với họ, đó không thể là lợi ích quốc gia dân tộc. 
Tiếc rằng càng về sau này, lập trường chính trị của một số nhà lãnh đạo và đội ngũ tham mưu "diều hâu" đã thắng thế nên những tiếng nói của lương tri và hiểu biết từ giới tinh hoa, trí thức Trung Quốc đã không được lắng nghe.
Bài học thứ tư, giao lưu học thuật quốc tế
"Về các vấn đề liên quan đến Biển Đông, Trung Quốc cơ bản bị cô lập. Tranh luận và ý kiến của họ không được những người bên ngoài Trung Quốc lắng nghe.
Sự cô lập này được tạo ra một phần bởi bản thân Trung Quốc, vì Bắc Kinh chưa bao giờ tìm thấy một cách giao tiếp hiệu quả với phần còn lại của thế giới, liên quan đến tuyên bố của mình và lập luận đằng sau nó.
Trước khi có phán quyết trọng tài, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ. Các Đại sứ, các nhà ngoại giao Trung Quốc được giao viết bài và đăng trên các tờ báo lớn ở nước ngoài.
Nhưng các nỗ lực này không hiệu quả, bởi họ chỉ lặp đi lặp lại quan điểm của chính phủ Trung Quốc, mà không cung cấp được bằng chứng nào thuyết phục và lập luận nào logic cho yêu sách của quốc gia mình.
Thật đáng lo ngại nếu một siêu cường đang trỗi dậy không thể giao tiếp hiệu quả với phần còn lại của thế giới. Hiện đang tồn tại một khoảng cách lớn trong nhận thức về các tranh chấp ở Biển Đông.
Phần lớn nhận thức về các tranh chấp ở Biển Đông hiện nay được xây dựng trên cơ sở nhận thức và nhận thức sai lầm từ các phương tiện truyền thông, hoạt động giáo dục, dư luận xã hội cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc.
Rõ ràng nhu cầu cho giao tiếp và đối thoại, đặc biệt là giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ là vô cùng cấp thiết.
Thật không may, phán quyết trọng tài sẽ không mang lại bất kỳ giải pháp nào cho căng thẳng ở Biển Đông. Nhiều khả năng nó chỉ làm gia tăng bất ổn và nguy hiểm.
Phán quyết cũng có khả năng kích thích hơn nữa chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) trong nước trung Quốc và ký ức tập thể về "thế kỷ bị sỉ nhục" dưới bàn tay của các cường quốc nước ngoài.
Không gian cho các giải pháp ngoại giao và pháp lý có thể giảm hơn nữa, đó là hệ quả. Tuy nhiên đối với Bắc Kinh, cần tránh phản ứng thái quá, vì nó sẽ chỉ làm cho phán quyết trọng tài gây tổn hại nhiều hơn đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc".
Người viết đồng tình với học giả Zheng Wang ở chỗ, Trung Quốc cơ bản bị cô lập trong vấn đề Biển Đông. Nhưng lý do của việc này thì tôi có quan điểm hoàn toàn khác.
Không phải Trung Quốc thiếu giao lưu, tuyên truyền mà ngược lại, họ còn tuyên truyền như vũ bão. Vấn đề là Trung Quốc giao lưu và tuyên truyền một chiều, áp đặt quan điểm lên người khác, nước khác, đồng thời tỏ rõ thái độ coi thường luật pháp quốc tế.
Phát ngôn của một vị cựu Ủy viên Quốc vụ tại Washington, Hoa Kỳ khi dẫn đầu một đoàn học giả Trung Quốc sang giao lưu, tuyên truyền về Biển Đông đã khiến công luận thế giới sốc thực sự.
Ông Đới Bỉnh Quốc có phát ngôn khiếm nhã để đời về phán quyết trọng tài, ảnh: Foreign Policy Magazine.
Ông Đới Bỉnh Quốc đã nói rằng, phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông "không hơn gì một tờ giấy lộn"! 
Chưa nói tới sự khiếm nhã hiếm thấy của một nhà ngoại giao kỳ cựu, nhưng thái độ ngồi lên luật pháp quốc tế của ông thật đáng thất vọng, làm sao khiến người khác lắng nghe và muốn nghe Trung Quốc nói?
Còn về "nhận thức sai lầm" với vấn đề Biển Đông, chủ yếu là do cách tuyên truyền giáo dục áp đặt một chiều của Trung Quốc, cũng như những ứng xử nói một đằng làm một nẻo của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đặc biệt việc học giả Zheng Wang đổ tội cho phán quyết trọng tài "không mang lại bất kỳ giải pháp nào cho Biển Đông, ngược lại chỉ làm tăng bất ổn, chỉ kích thích chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) ở Trung Quốc" là nhận thức sai lầm.
Trung Quốc là một thành viên UNCLOS 1982, phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 về giải thích, ứng dụng Công ước chỉ góp phần làm rõ những điểm mờ pháp lý trên Biển Đông mặc nhiên Trung Quốc phải tuân thủ.
Mọi căng thẳng xảy ra nếu có, là do sự phản ứng thái quá thúc đẩy bởi ý đồ chính trị hẹp hòi của ai đó, không thể đổ tại phán quyết trọng tài. 
Còn chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc có bùng phát hay không, thì do cách ứng xử của nhà nước Trung Quốc. Bởi nó chính là sản phẩm và hệ lụy từ chính sách giáo dục, tuyên truyền một chiều về lịch sử gây ra, Trung Quốc không thể trách bất kỳ quốc gia nào khác.
Như vậy có thể thấy, mọi hệ lụy Trung Quốc đang phải đối mặt sau phán quyết trọng tài hôm 12/7 là do họ tự gây ra. 
Chỉ cần các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết lắng nghe ý kiến của giới chuyên gia chân chính, thay đổi nhận thức, lấy luật pháp quốc tế làm thước đo thì mọi hệ lụy ấy sẽ được hóa giải một cách nhẹ nhàng.
Mọi sự cố chấp, cố đấm ăn xôi đều dẫn đến những điều bất như ý. Bài phân tích của nhà nghiên cứu Zheng Wang cho thấy, có không ít học giả, giới tinh hoa Trung Quốc hiểu biết rất sâu về UNCLOS 1982, có lương tri và trình độ, tiếc rằng tiếng nói của họ không được lắng nghe.
Tài liệu tham khảo:
http://thediplomat.com/2016/07/what-china-can-learn-from-the-south-china-sea-case/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện