Tin trong nước – 30/07/2016

Tin trong nước – 30/07/2016

Người dân huyện Nghi Lộc – Nghệ An

chống lại công an bằng gạch đá

Vào khoảng 5 giờ 30 phút sáng ngày 30 tháng 7 năm 2016, đã xảy ra đụng độ giữa lực lượng công an, cảnh sát cơ động và người dân xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An làm nhiều người bị thương đang phải cấp cứu ở bệnh viện.
Được biết, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An muốn thành lập nhà máy nghiền Xi-măng trên địa bàn xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, và mở một con đường đi qua khu vực thôn Hải Thịnh, xã Nghi Tiến, nhưng không có sự đền bù thỏa đáng. Điều này làm người dân bất mãn nên đã phản đối và ngăn cản việc thi công công trình.
Một người dân có mặt biết: “Khoảng gần 5 giờ sáng hôm nay, nhà cầm quyền huyện Nghi Lộc đã huy động công an, cảnh sát cơ động, an ninh, xe cẩu đến khu vực xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc để tiến hành san lấp mặt bằng của dân. Người dân phát hiện nên đã tập trung không cho lực lượng cưỡng chế thi công.” 
Nguồn tin cho biết ban đầu chỉ có một số người ra ngăn cản lực lượng cưỡng chế nên đã bị công an bắt về thôn. Sau đó, người dân trong thôn bắt đầu ra đông hơn, nhưng bị cảnh sát cơ động chặn lại không cho đến khu vực thi công đang bị tranh chấp. Chính vì vậy mà đã xảy ra đụng độ giữa người dân với phía lực lượng chức năng.
Để trấn áp người dân phản đối cưỡng chế, cảnh sát cơ động đã đánh đập nhiều người dân dã man và không cho bất cứ ai đi ra khu vực thi công. Quá căm phẫn, nhiều người dân đã cầm gạch đá ném thẳng vào công an, khiến một nhiều người bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện.
Một người dân khác cho biết thêm: “Sáng nay có ít nhất là 10 cảnh sát cơ động bị thương nặng ở đầu do bị người dân ném đá trúng. Hiện họ đang được cấp cứu ở tầng 2 của bệnh viện huyện Nghi Lộc.”
Theo nguồn tin này, cũng có thêm 1 người dân bị thương đang phải cấp cứu. Tuy nhiên, toàn bộ bác sĩ của bệnh viện được huy động tới chăm sóc những cảnh sát cơ động, còn người dân thì bỏ mặc, mãi tới 3 tiếng đồng hồ sau mới cho nhập viện.
Nguồn tin này cho biết nhà cầm quyền còn lệnh chỉ thị xuống cho các bác sĩ không được cung cấp thông tin sự việc cho báo giới hay truyền thông.
SBTN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sự việc.
Nguyên Nguyễn / SBTN

Hacker TQ ‘phủ nhận cáo buộc tấn công VN’

Nhóm hacker Trung Quốc phủ nhận cáo buộc tấn công sân bay và hàng không Việt Nam trong lúc lãnh đạo tập đoàn công nghệ BKAV nói với BBC Tiếng Việt rằng “sự việc đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin”.
Vụ tin tặc tấn công sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và website Vietnam Airlines chiều 29/7 được cho là ảnh hưởng đến hơn 100 chuyến bay nội địa và hàng ngàn hành khách bị hoãn chuyến bay.
Dường như sự cố cũng khiến dữ liệu về danh sách hơn 400 ngàn khách hàng bị rò rỉ.
Cục hàng không đã phối hợp với Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) và Cục An ninh mạng (A68) – Bộ Công an xử lý sự cố.
Vietnam Airlines sau đó đã gửi email thông báo cho khách hàng: “Đến 17:45 hôm 29/7, tình hình đã được khôi phục, đang được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ.”
“Vietnam Airlines đã bước đầu kiểm soát được dữ liệu của hội viên Chương trình Bông Sen Vàng và sẽ triển khai các biện pháp đảm bảo tốt nhất lợi ích của hội viên.”
“Quý hội viên vui lòng thay đổi mật khẩu tài khoản sau khi nhận được thông báo hệ thống kết nối trở lại từ Vietnam Airlines,” email viết.
Hôm 30/7, có thêm tin là website Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bị tấn công.
Cùng ngày, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của tập đoàn công nghệ BKAV hẹn trả lời phỏng vấn BBC qua email nhưng sau đó ông gửi phản hồi:
“Do hiện tại, sự việc đang trong quá trình điều tra, chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin trong lúc này. Rất xin lỗi phóng viên và chúng tôi sẽ cung cấp thông tin sớm nhất khi có thể.”
‘Trút giận’
Hôm 29/7, các báo Việt Nam đồng loạt phát đi cáo buộc nhóm hacker 1937cn của Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tấn công này.
Tuy nhiên, hôm 30/7, website được cho là của nhóm 1937cn lên tiếng phủ nhận trách nhiệm.
“Tổ chức chúng tôi liên tục bị chỉ trích và quy chụp về các vụ tấn công trên mạng. Điều này không hợp lý, thiếu tính khoa học,” bản thông báo viết bằng tiếng Hoa ghi, tuy không nhắc cụ thể tới các sân bay Việt Nam hay trang mạng của Vietnam Airlines.
“Chúng tôi nhã nhặn đề nghị người dân Việt Nam trong những ngày hè nóng nực này, hãy bình tĩnh, hãy uống trà, bật quạt lên, lên xe máy đưa gia đình ra biển,” thông báo này viết thêm, trước khi kết thúc bằng đoạn: “và hãy hô to, Biển Nam Trung Hoa thuộc về Trung Quốc.”
Trong bài viết trên trang Diplomat hôm 22/7, tác giả Anni Piiparinen nhận định vũ khí bí mật của Trung Quốc ở Biển Đông là các cuộc tấn công mạng.
“Sau khi thua cuộc trước Philippines trong cuộc chiến pháp lý tại The Hague, các chiến binh mạng Trung Quốc trút giận bằng các vụ tin tặc,” bài báo viết.
“Chỉ trong vài giờ sau Phán quyết PCA, ít nhất 68 website của chính phủ Philippines bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).”
“Bên cạnh Philippines, Việt Nam cũng là mục tiêu của hacker Trung Quốc. Năm 2014, Việt Nam trở thành quốc gia bị nhắm mục tiêu tấn công nhiều nhất của hacker nước láng giềng.”
Tác giả nhắc tới hai đợt tấn công trong năm đó, một xảy ra vào hồi tháng Năm, “sau các cuộc biểu tình phản đối giàn khoan Trung Quốc”, và một vào tháng Mười, khi Hà Nội “mua vũ khí tăng cường khả năng an ninh hàng hải”.
“Thời điểm đó, các tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập mạng tình báo Việt Nam và lấy được các thông tin nhạy cảm về chiến lược ngoại giao và quân sự của nước này”.
“Hiện chưa rõ về mức độ các hacker được chính phủ Trung Quốc chỉ đạo, khuyến khích, hay nhắm mắt làm ngơ trong các vụ tấn công trên mạng,” Diplomat nói.

VN phản ứng sau sự cố tin tặc

Bộ Công an Việt Nam tham gia điều tra vụ tin tặc tấn công sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất chiều 29/7.
Thông cáo của Cục hàng không Việt Nam vào cuối ngày cho biết sự cố khiến hành khách phải làm thủ tục check-in thủ công thay cho hệ thống điện tử.
Theo thông cáo, các đơn vị của Cục hàng không đã phối hợp với Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) và Cục An ninh mạng (A68) – Bộ Công an để xử lý.
Cùng ngày, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines ra thông cáo xác nhận khoảng 4h chiều, trang mạng chính thức của Vietnam Airlines đã bị chiếm quyền kiểm soát trong hơn một giờ.
Vietnam Airlines cũng nói dữ liệu của một số hội viên khách hàng thường xuyên của Vietnam Airlines đã bị công bố.
Hãng hàng không Việt Nam nói họ “đang triển khai các phương án dự phòng chủ động, phối hợp với an ninh sân bay tăng cường kiểm soát hành khách tại sân bay”.
Về dữ liệu khách hàng, hãng này tuyên bố “bước đầu đã kiểm soát toàn bộ dữ liệu và sẽ triển khai các biện pháp đảm bảo tốt nhất lợi ích cho hội viên”.
Các sự cố nghiêm trọng này xảy ra vài ngày sau khi lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM yêu cầu chính quyền Việt Nam điều tra và kỷ luật người đã ‘bôi bẩn’ hộ chiếu của du khách Trung Quốc.
Theo tờ Nhân dân Nhật báo, một phụ nữ có họ là Chung từ Quảng Đông, Trung Quốc, nhập cảnh Việt Nam theo đường sân bay Tân Sơn Nhất vào hôm 23/7.
Khi làm thủ tục nhập cảnh, bà Chung giao hộ chiếu cho nhân viên xuất nhập cảnh và sau đó phát hiện ra người này đã viết dòng chữ thô tục trên hộ chiếu của bà.
Nhân dân Nhật báo dẫn lời bà Chung nói: “Người nhân viên cửa khẩu giữ hộ chiếu của tôi khoảng ba phút và khi tôi cầm lại thì tôi thấy chữ ‘F*ck you’ (từ thô tục bằng tiếng Anh) trên hai trang hộ chiếu có in đường chín đoạn (đường lưỡi bò)”.
Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay bà này rất bức xúc vì cách hành xử của nhân viên Việt Nam.

Hacker Trung cộng tấn công Việt Nam:

A68 và C50 chỉ ‘bạo dạn xó bếp’?

A68 là bí số của Cục An ninh mạng – một bộ phận mới được thành lập vào năm 2014 nhưng được coi là đầy quyền lực trong Bộ Công an. Phụ trách cục này là ông Hoàng Phước Thuận, người mà năm 2012 còn là đại tá, thì nay đã “nhảy” lên trung tướng, lọt thỏm trong quân số lên đến 300 tướng của Bộ Công an.
Trong khi đó, C50 (Cục Cảnh sát phóng chống tội phạm công nghệ cao) còn được thành lập trước A68 đến 4 năm.
Như vậy, Bộ Công an đã có đến hai đơn vị theo dõi và giải quyết vấn đề an ninh mạng, với nguồn tài chính và phương tiện thiết bị vừa dồi dào vừa hiện đại. Tất cả đều lấy từ ngân sách do người dân Việt è cổ nộp thuế.
Nhưng ngay sau vụ hacker Trung cộng tấn công màn hình các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và cả trang mạng của những cơ quan khác của Việt Nam vào chiều ngày 29/7/2016, dư luận xã hội lại một lần nữa phẫn nộ: không hiểu các cục A68 và C50 của Bộ Công An làm gì mà để tái diễn liên tục các vụ tấn công của tin tặc Trung cộng?
Sự việc ở các sân bay quốc tế Việt Nam chiều ngày 29/7 chẳng phải là lần đầu tiên. Ngay trong đợt cao điểm căng thẳng giữa hai nước, hồi tàu Bình Minh II của Petro Vietnam bị tàu hải giám Trung cộng cắt cáp, tháng 6/2011, chiến tranh mạng đã diễn ra giữa hacker hai bên, mà chủ yếu là Tàu đánh Việt: Hàng trăm website của Việt Nam bị hacker Trung cộng xâm nhập, đánh phá, kể cả trang web của Trung tâm phiên dịch thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Từ đó đến nay, không biết tin tặc Trung cộng đã tấn công Việt Nam bao nhiêu lần và gây bao nhiêu thiệt hại, tổn thất…
Blogger Mạnh Kim cay đắng: “Tôi thật không hiểu họ ngồi ở đỉnh cao hay góc xó nào trong cái “lương tri dân tộc” của họ. Họ sẽ nói gì về các vụ kẻ thù đang xộc vào nhà họ đây, hay họ vẫn tỉnh táo cho rằng đây là chuyện vặt?”.
Một facebooker là Nguyễn Tấn Thành phẫn nộ: “Không khó để đoán Trung Cộng trả đũa tấn công mạng Việt sau phán quyết PCA. Nhưng để nó chửi như vậy ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất thì lực lượng An Ninh Việt và Bộ trưởng Tô Lâm nên chui mặt vào lổ nào đó chịu nhục. Các ông đã dể dàng đàn áp người dân biểu tình chống Tàu, bởi vì các ông mấy người đánh một, bởi vì các ông tàn độc với người Dân không tấc sắt”.
Môt facebooker khác là Trịnh Anh Tuấn chua chát: “Sự cố hacker tấn công 2 sân bay TSN và Nội Bài ngày hôm nay, vai trò và trách nhiệm của Cục An ninh mạng (A68) và Cục trưởng A68, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cần phải xem xét và làm rõ. Người dân đóng thuế để nuôi bộ máy công an đồ sộ như thế để đảm bảo an ninh quốc gia, như sự việc kể trên, không phải để đi in status và comment mấy nhân vật đi biểu tình chống TQ trên mạng rồi cho người chặn nhà. Bộ Công an, Tổng cục An ninh, A67, A68,…nên tự cảm thấy xấu hổ vì sự việc này”.
Còn nhà báo Đoan Trang bình phẩm: “Các anh chị ấy thực sự là chỉ giỏi đánh phá, quấy rối phản động thôi. (Thật ra mà nói thì đánh đám phản động ở Việt Nam dễ hơn, giải ngân cũng dễ hơn nhiều so với đương đầu, chống lại các đồng nghiệp và thầy học bên nước bạn). Ấy gọi là bạo dạn xó bếp đấy”.
Chưa hết, Facebooker Vinh Lê tiết lộ: “Theo đánh giá chủ quan của nhiều tay chơi công nghệ dựa vào những thông tin rò rỉ thì 2 cục này chỉ thuộc loại làng nhàng về trình độ tay nghề. Hầu hết những gì họ có là chi tiền mua những hệ thống máy móc tối tân và phần mềm cực đặt tiền về phục vụ công việc. Nói đơn giản hơn, họ toàn đi mua tools sài chứ không thể tạo ra tools. Công việc của họ phần lớn là giám sát, truy lùng dấu vết những vụ việc nhỏ lẻ trên mạng. Còn với những chuyên án lớn, họ đa số thuê hacker mũ đen, hoặc các công ty nước ngoài tấn công đối tượng cần nhắm tới vì không đủ trình…”.
Lê Dung / SBTN

Quốc hội CSVN tiếp tục truy vấn về vụ Formosa

Nhiều đại biểu trong Quốc Hội CSVN hôm Thứ Sáu 29/07 đưa ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra, và yêu cầu truy cứu trách nhiệm cá nhân.
Sáng 29/07 đã diễn ra phiên thảo luận về kinh tế và xã hội đầu tiên của Quốc Hội khoá 14. Truyền thông trong nước dẫn lời Đại Biểu Trần Công Thuật từ Quảng Bình nhận định rằng, trong khi người dân cho rằng đây là sự kiện rất nghiêm trọng và lo lắng, thì một số lãnh đạo và cơ quan chính phủ đã đưa ra những phát biểu thiếu khoa học và đầy cảm tính, khiến cho tình trạng càng phức tạp hơn.
Ông Thuật, phó bí thư tỉnh ủy Quảng Bình, đưa ra một loạt câu hỏi và đề nghị chính quyền Cộng Sản Việt Nam ở trung ương trả lời, bao gồm: Khi nào thì người dân đánh cá vùng gần bờ được? Khi nào thì người dân có thể yên tâm ăn hải sản? Khi nào thì môi trường biển mới an toàn?
Ông Thuật nói rằng nhà máy Formosa trong 70 năm hoạt động của nó sẽ là một “quả bom môi trường”.
Cũng đến từ một tỉnh chịu ảnh hưởng của thảm họa môi trường Formosa, Đại Biểu Hà Sỹ Đồng từ Quảng Trị nhắc nhở là không chỉ ngư nghiệp mà các kỹ nghệ khách sạn và nhà hàng cũng bị đình trệ. Ông Đồng cho hay số lượng du khách tới Quảng Trị giảm còn 1 phần 10 so với năm 2015.
Hiện nay nghị trình của Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam không bao gồm việc giám sát hoạt động của công ty Formosa. Việc giám sát này đã được giao cho Ủy Ban Khoa Học Công Nghệ Và Môi Trường của Quốc Hội.
Được biết cuối tháng 7 này, Ủy Ban Khoa Học sẽ cử một đoàn công tác đến tỉnh Hà Tĩnh để làm việc, sau đó sẽ báo cáo kết quả lên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội.
Trong cuộc họp báo hôm 29/07, Tổng Thư Ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng chắc chắn ông Võ Kim Cự, nguyên bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, sẽ không được tham gia các hoạt động giám sát Formosa. Ông Phúc giải thích rằng ông Cự phải đứng ngoài ủy ban để bảo đảm “tính khách quan, công bằng”.
Gần đây ông Võ Kim Cự bị dư luận trong nước chỉ trích nặng nề, vì dự án Formosa đã được tỉnh Hà Tĩnh, dưới thời ông Cự làm tỉnh ủy, cấp phép đầu tư với rất nhiều ưu đãi, trong đó có thời hạn thuê đất lên tới 70 năm thay vì 50 năm.
Tuy nhiên, vấn đề của quốc hội CSVN vẫn là chỉ nói mà không làm. Đại biểu Hà Sỹ Đồng dẫn lại câu nói của một đại biểu quốc hội khác, rằng: “…Con đường dài nhất của Việt Nam là từ lời nói tới hành động…”.
Huy Lam / SBTN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?