Tin trong nước – 28/07/2016

Tin trong nước – 28/07/2016

TQ yêu cầu Việt Nam điều tra vụ viết bậy lên hộ chiếu

Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam điều tra thông tin việc một nhân viên hải quan ở TP HCM viết một từ chửi bậy trong tiếng Anh lên hộ chiếu của một nữ công dân nước này.
Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP HCM hôm 27/7 ra thông cáo lên án mạnh mẽ hành động “đáng hổ thẹn và hèn nhát”, đồng thời yêu cầu Việt Nam truy tìm và trừng phạt nhân viên hải quan viết bậy vào hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông.
Báo chí của quốc gia đông dân nhất thế giới hôm 27/7 dẫn lời một nữ du khách nước này cho biết rằng hộ chiếu của bà đã bị ghi một từ chửi tục sau khi bị nhân viên hải quan giữ khoảng vài phút.
Trung Quốc phát hành hộ chiếu mới có in hình bản đồ “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường đứt khúc 9 đoạn” vào năm 2012.
Mới đây, sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, một số nhân viên xuất nhập cảnh của Việt Nam đã không chấp nhận hộ chiếu này.
Thay vào đó, họ “cấp thị thực rời để thể hiện quan điểm không công nhận bản đồ” bao trọn gần như toàn bộ vùng biển tranh chấp.
Theo AP, People’s Daily

Báo Việt Nam ‘nhận diện nhóm lợi ích bán nước, hại dân’

Một tờ báo ở trong nước mới đăng bài bình luận, trong đó nói về chuyện có “nhóm lợi ích bán nước, hại dân”, “tạo điều kiện cho bọn xâm lược đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ”.
Báo Giáo dục Việt Nam thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng hôm 26/7 còn viết thêm rằng việc “bán nước, hại dân” không chỉ thể hiện ở “hành động cấu kết, tiếp tay cho các thế lực ngoại bang nhằm mưu lợi cho bản thân, dòng tộc, phe nhóm, gây thiệt hại tới chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc”, mà còn là việc “đem tiền thuế của dân mua đồ phế thải từ nước ngoài”, “đổ hàng nghìn tỷ tiền mồ hôi, nước mắt của dân vào các công trình để rồi bỏ hoang”, “làm cho đất nước nghèo đi, khiến đứa bé vừa chào đời đã trở thành con nợ, khiến tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm tràn lan, tệ nạn xã hội hoành hành”.
Tờ báo sau đó đưa ra một trong các dẫn chứng liên quan tới Formosa cũng như khu công nghiệp Vũng Áng mà Giáo dục Việt Nam viết là “vương quốc cho người nước ngoài trong lòng Hà Tĩnh”.
Báo này viết rằng “một nhóm lợi ích được hình thành từ mọi thành phần xã hội, từ những công chức bình thường đến quan chức cao cấp… đang từng ngày, từng giờ làm người dân mất niềm tin, làm dân tộc còi cọc về thể lực, làm văn hóa xã hội suy đồi…”
Nhận xét về bài viết, blogger Đoan Trang nói với VOA Việt Ngữ rằng dù bài báo dùng từ “rất là mạnh”, nó “vẫn nằm trong khuôn khổ của lề phải của báo chí chính thống”.
Bà nói thêm:
“Từ đó [‘bán nước, hại dân’] không phải là nhằm vào những kẻ bán nước hại dân ở cấp cao. Nó dùng chiêu bài vạch mặt những kẻ ‘phản quốc, hại dân’ để chống những thành phần cấp thấp, tham nhũng lặt vặt, chứ không phải thay đổi cả thể chế. Năm nay, kể từ hồi xảy ra vụ Formosa, mình cảm thấy mâu thuẫn nội bộ của họ nhiều hơn. Các phe phái dồn dập đánh nhau nhiều hơn”.
Tờ báo đặt dấu hỏi: “Một đất nước 90 triệu dân với rừng vàng, biển bạc nhưng máy bay, xe tăng, tên lửa, tàu chiến… chưa sản xuất được, đều phải mua của nước ngoài với số lượng hạn chế, vậy thì khả năng phòng thủ trước họa xâm lăng hiện hữu từ biên giới đến hải đảo sẽ tăng hay giảm?”
Báo Giáo dục Việt Nam viết tiếp: “Thế giới ngày nay, cuộc chiến đang dần được “tự động hóa” với máy bay không người lái, tàu ngầm không người lái, với robot chiến đấu… chúng ta không thể chiến thắng ngoại xâm chỉ với tinh thần yêu nước và những vũ khí cổ điển sản xuất từ thế kỷ trước”.
Báo thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam viết tiếp: “Một nền quốc phòng trang bị kém liệu có đủ sức răn đe mộng bành trướng, bá quyền của những cái đầu nóng? Làm yếu khả năng bảo vệ tổ quốc chính là tạo điều kiện cho bọn xâm lược đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ. Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ” khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ bán nước, hại dân? Vậy, liệu đã đủ bằng chứng để kết luận rằng đã hình thành nhóm lợi ích… bán nước, hại dân?”
Chưa rõ tờ báo nhắc tới ai có “mộng bành trướng, bá quyền của những cái đầu nóng” trong đoạn trên. Giáo dục Việt Nam trước đó từng đăng tải nhiều bài bình luận về Trung Quốc với các tựa đề như “Kế sách thâm sâu của Tập Cận Bình”, “[Trung Quốc] tự kỷ về lịch sử để thực hiện giấc mộng bá chủ biển Đông”, hay “Giấc mơ Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ thành cơn ác mộng ở biển Đông”.
Trước câu hỏi liệu tờ Giáo dục Việt Nam có được “bật đèn xanh” trước khi đăng những bài viết dùng các lời lẽ mạnh mẽ, mang tinh thần dân tộc, nhà hoạt động xã hội Đoan Trang, người từng có thời gian làm việc trong một số cơ quan báo chí nhà nước, nói thêm:
“Báo Giáo dục mình không biết cơ quan chủ quản của nó là những ai, và ai đứng sau nó, nhưng mà tờ này lâu nay vẫn giữ một thái độ chống Trung Quốc và chống luôn cả phong trào dân chủ. Tờ này ngôn từ rất là mạnh, khá lạ ở Việt Nam. Việc họ viết bài này đăng trên báo như vậy cũng không có gì là lạ, nhưng có thể cùng bài viết này, có thể không đăng được ở các báo khác. Chỉ tờ này mới đăng được thôi”.
Ở phần cuối của bài viết, tờ Giáo dục Việt Nam lên tiếng kêu gọi “tiêu diệt những kẻ bán nước, hại dân đó”.
Trong phần đường dẫn liên quan tới bài nhận định này, tờ báo đưa lại bài viết có tựa đề, “Nhóm lợi ích đang chuẩn bị để quyết tâm đối phó với Tổng bí thư [Nguyễn Phú Trọng]?” cùng bài, “Vì đồng tiền cho bản thân, họ đã quên đi lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Người Việt ngả về ai, ông Trump hay bà Clinton?

Những tuyên bố chống Trung Quốc mạnh mẽ khiến ông Donald Trump lấy lòng được một số người Việt, trong khi có ý kiến cho rằng gia đình Clinton “là bạn lớn của Việt Nam”.
Bà Hillary Clinton hôm 26/7 đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Hoa Kỳ được Đảng Dân chủ đề cử tranh chức tổng thống.
Trước đó, tỷ phú Donald Trump đánh bại nhiều ứng cử viên khác của Đảng Cộng hòa để chính thức trở thành người đại diện đảng ra đối đầu với cựu đệ nhất phu nhân Mỹ.
Cho dù ông Trump từng nêu đích danh Việt Nam trong những lời chỉ trích của mình về việc “đánh cắp công ăn việc làm của người Mỹ”, theo giới quan sát, một số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam nuôi hy vọng ứng viên Đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ giúp “dẹp mộng bá quyền của Trung Quốc”.
Dù Việt Nam ở cách xa Mỹ nửa vòng trái đất, ông Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế, nói với VOA rằng người Việt vẫn quan tâm tới cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức bốn năm một lần.
Cựu quan chức ngoại giao Việt Nam này nói rằng dù là Đảng Cộng hòa hay Dân chủ lên nắm quyền thì quan hệ Mỹ – Việt sẽ “không có thay đổi gì cơ bản”.
Nhưng theo ông, dường như người dân Việt Nam dành nhiều tình cảm hơn cho bà Clinton. Ông nói thêm:
“Về tình cảm thì nghiêng về phía bà Clinton rồi. Ông ấy [Bill Clinton] là người bình thường hóa quan hệ, và bà ấy đã sang thăm Việt Nam. Và khi bà ấy làm ngoại trưởng, bà bày tỏ quan điểm rất rõ rệt, phù hợp với lợi ích của Mỹ cũng như đồng thời với Việt Nam. Chúng tôi vẫn xem đó là những người bạn lớn của Việt Nam”.
Ông Trường nói tiếp rằng người Việt Nam hướng về phía Mỹ, “coi như là một người bạn để kiềm chế, làm đối trọng với Trung Quốc”, trong bối cảnh Bắc Kinh “làm nhiều chuyện gây phức tạp ở biển Đông”.
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung cùng chung quan điểm với ông Trường. Anh nhận định với VOA Việt Ngữ:
“Tâm lý của người Việt ở đâu cũng vậy, mong muốn có những người bạn, những người đồng minh như Mỹ, một siêu cường trên thế giới, cùng với Việt Nam bảo vệ lãnh thổ. Chúng ta, ai cũng biết, đất nước Việt Nam về mặt quân sự rất là yếu kém, cho nên tâm lý của người Việt Nam yêu nước ai cũng muốn có sự liên minh với Mỹ để cùng nhau bảo vệ quyền tự do hàng hải ở biển Đông, ngăn chặn sự xâm lấn của Trung Quốc”.
Anh Trung từng gặp mặt và trò chuyện với cựu Tổng thống George W Bush ở Mỹ năm 2006. Anh nói thêm rằng cuộc gặp đã “củng cố thêm quyết tâm của Trung” trong công cuộc “dân chủ hóa Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trường nói rằng mối quan hệ Việt – Mỹ “không chỉ dựa vào yếu tố Trung Quốc mà còn bao gồm các vấn đề rộng lớn hơn”.

Kiến nghị QH ‘bãi nhiệm’ ông Võ Kim Cự

Một nhóm hoạt động vì môi trường tại Hà Nội gửi thư kiến nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội với ông Võ Kim Cự, nguyên bí thư tỉnh Hà Tĩnh.
Bản kiến nghị của nhóm Green Trees có đoạn viết:” Chúng tôi nhận thấy ông Võ Kim Cự với những sai phạm của mình không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân và không thể làm đại biểu Quốc hội – người đại diện cho nhân dân.
Green Trees là tổ chức trước đây có tên là Nhóm Vì một Hà Nội Xanh, từng vận động bảo vệ 6.700 cây xanh ở Hà Nội.
Một số đại diện của nhóm ký tên gửi kiến nghị có nhà báo/nhà hoạt động Phạm Thị Đoan Trang, nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà, ông Trịnh Anh Tuấn.
Nhóm này gửi bản kiến nghị đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân và Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14 vào ngày 27/7.
Ông Trịnh Anh Tuấn nói với BBC Tiếng Việt:
“Với tư cách công dân của chúng tôi, chúng tôi thực hiện các quyền hiến định của mình trên tư cách những người quan tâm đến tình hình xã hội, và quan tâm đến vụ việc Formosa xả thải vừa qua,” ông Tuấn giải thích cho đơn kiến nghị mà mình có ký tên.
“Dù rằng chúng tôi được biết vừa qua ông Cự vừa được bầu vào Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhưng chúng tôi hi vọng rằng với vai trò và trách nhiệm của những người như bà Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, và những người trong Ủy ban thường vụ, Quốc hội sẽ xem xét việc bãi nhiệm ông Cự,” ông Tuấn cho biết.
“Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Ở đó không thể chứa chấp những người có hành vi vi phạm pháp luật một cách rõ ràng. Theo quan điểm của riêng chúng tôi thì ông là người không có đầy đủ sự tín nhiệm của người dân để giữ cương vị là đại biểu Quốc hội.”
Thuê đất 70 năm
Trong những ngày qua, ông Võ Kim Cự bị báo chí tại Việt Nam chất vấn nhiều vấn đề, trong đó có việc cho phép công ty Formosa Hà Tĩnh thuê đất với thời hạn 70 năm, trong thời gian ông Cự là Phó chủ tịch Hà Tĩnh. Báo Tuổi Trẻ tường thuật ông Cự ‘ký văn bản số 858 gửi tập đoàn Formosa nêu rõ thời hạn cho thuê đất là 70 năm’.
Ông Võ Kim Cự trong trả lời phỏng vấn tờ Tuổi Trẻ nói: “Tôi khẳng định tôi làm đúng, khi thẩm định dự án đều có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh… sau đó báo cáo Chính phủ và Chính phủ đồng ý để Hà Tĩnh được cấp phép”.
Sáng ngày 28/7, thanh tra tỉnh Hà Tĩnh cũng bất ngờ phản pháo về điều mà họ nói là”nội dung thanh tra chính phủ nêu thiếu khách quan” trong vụ Formosa.
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn nói với báo Tiền Phong trước khi cấp phép đầu tư cho Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Văn bản số 1125 xin ý kiến của 11 bộ, ngành liên quan. Trong văn bản này đã nêu rõ thời hạn đầu tư được tính 70 năm và thời gian cho thuê đất. “Tất cả 11 bộ, ngành đều có ý kiến góp ý và không bộ, ngành nào có ý kiến phản đối về thời hạn đầu tư,” ý kiến của ông Huấn được Tiền Phong tường thuật.
Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nhận xét với BBC rằng các câu trả lời của ông Võ Kim Cự là “không thật sự thỏa đáng”.
“Có thể ông Cự nói đúng là không ngờ được [hậu quả vụ xả thải] nhưng chuyện ông không ngờ được hậu họa không có nghĩa là ông được miễn trách nhiệm. Còn trên thực tế ông Võ Kim Cự đã từng là Trưởng ban điều hành khu công nghiệp thì ông cũng phải hiểu rõ. Thứ hai là ở cương vị của ông ông cũng phải tìm hiểu cho kỹ trước khi có quyết định đưa Formosa vào Hà Tĩnh,” cựu đại biểu Thuyết nhận định.
“Ông đưa lý do là không ngờ được ra, thứ hai là ông cũng đùn trách nhiệm cho người khác. Nhưng có những cái thanh tra chính phủ đã nói là không đúng rồi, ví dụ như là ông nói việc ông cho Formosa thuê đất tới 70 năm là đã có ý kiến của cả tám bộ, thì ý kiến đó đã bị thanh tra nhà nước bác bỏ rồi.
“Trách nhiệm cho Formosa thuê đất 70 năm trước hết là trách nhiệm của địa phương, mà khi đó là ông cự là người phụ trách. Sau này khi thanh tra chính phủ phát hiện ra yêu cầu xử lý, thì lúc đó Hà Tĩnh mới có công văn gửi Thủ tướng, thì thủ tướng chính phủ lúc đó mới căn cứ vào luật đầu tư tại thời điểm ấy mà quyết định đồng ý cho Formosa thuê đất 70 năm.”
‘Đổ vấy cho tập thể’
Khi BBC hỏi về việc bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Minh Thuyết nói ông nghĩ trách nhiệm trong vụ Formosa “không phải là của mình ông Cự”.
“Nếu bây giờ dứt một mình ông Cự ra xử lý thì chỉ là một người thôi. Phải có một sự điều tra đánh giá tương đối toàn diện về tất cả tổ chức, cá nhân trong cái vụ việc mà đưa công ty Formosa vào Việt Nam với những ưu ái quá đáng, với sự lơi lỏng trong đánh giá tác động môi trường, với lơi lỏng trong giám sát môi trường và các sai phạm khác, khi đó mình mới có thể xem xét toàn diện.
“Đến lúc đó, nếu ông Võ Kim Cự có những trách nhiệm không thể thoái thác, không thể chối cãi thì lúc này mình đặt vấn đề xem xét tư cách đại biểu của ông vẫn kịp,” cựu đại biểu Thuyết nêu ra quan ngại của ông về việc xử lý này.
Có cùng suy nghĩ, ông Trịnh Anh Tuấn nói: “Trong một thể chế như ở Việt Nam, việc lôi một cá nhân ra buộc họ phải chịu trách nhiệm đã rất khó. Huống chi là lôi cả một tập thể mà tập thể này có vai trò và quyền lực rất lớn như vậy.
“Chúng tôi kỳ vọng ông Cự nếu bị xử lý thì sau này trở đi thì những người có nắm giữ những quyền và con dấu thì họ không thể có cách nào để miễn trừ trách nhiệm để đổ vấy cho tập thể được.
“Họ phải chịu trách nhiệm với chữ ký và con dấu của họ. Những chỉ đạo miệng hay ý kiến miệng sẽ không thể phổ biến như bây giờ. Các quan chức sẽ phải chịu trách nhiệm với con dấu và chữ ký của họ.”
Ông Nguyễn Minh Thuyết cho biết thời gian để xử lý một kiến nghị bãi nhiệm “không có quy định trong thời gian bao nhiêu nhưng thông thường việc trả lời kiến nghị người dân phải trong vòng một tháng”.

VN sẽ ‘tha tù hàng loạt trước thời hạn’

Dự kiến khoảng 20 ngàn người sẽ ra khỏi nhà tù trước hạn trong thời gian từ nay tới 2018, theo Đề án ‘Tha tù trước thời hạn có điều kiện’ của Bộ Công an vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký duyệt hôm 22/7/2016.
“Tha tù trước thời hạn có điều kiện” là một hình thức thi hành án tù mới, lần đầu tiên được đưa vào hệ thống văn bản pháp luật hình sự Việt Nam.
Biện pháp mới: Được ‘tha tù’ nhưng vẫn là phạm nhân
Trước đây, những biện pháp áp dụng trong thi hành án phạt tù, ngoài việc bị giam giữ trong trại, gồm có hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án, giảm thời hạn chấp hành án, và đặc xá.
“Tha tù trước hạn có điều kiện” không có nghĩa là trả tự do, kết thúc sớm án tù cho phạm nhân như trong các trường hợp được đặc xá.
Đây chỉ là sự “thay đổi hình thức từ chấp hành án trong cơ sở giam giữ sang chấp hành án tại cộng đồng xã hội”, Đề án giải thích.
Tuy nhiên, việc thay đổi hình thức này lại đưa đến những hiệu quả kinh tế cụ thể cho Nhà nước.
Theo đánh giá của Bộ Công an, trong hai năm đầu triển khai Đề án, ước tính sẽ có khoảng 20 ngàn người được “tha tù có điều kiện”, và số tiền ngân sách tiết kiệm từ việc không phải chi trả cho việc giam giữ, chăm sóc số lượng tù này sẽ đạt “khoảng gần 200 tỷ đồng mỗi năm”.
Về phần phạm nhân, việc được “tha tù trước thời hạn” cũng sẽ đem lại cho họ một số lợi ích nhất định, theo luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt.
Chẳng hạn, họ “có thể được hưởng điều kiện chữa trị y tế tốt hơn, điều kiện sinh hoạt vật chất tốt hơn”, và sẽ có cơ hội “được hưởng những quyền tự do khác mà họ lẽ ra không nhận được nếu vẫn trong tù, như việc học hành”, vị luật sư từ Hà Nội nói với BBC Tiếng Việt.
Áp lực quá tải, khoan hồng và hội nhập quốc tế
Thống kê chính thức của Bộ Công an nói tính đến tháng 12/2015, các trại giam của Bộ quản lý, giam giữ gần 130 ngàn phạm nhân, tuy trong tháng Chín cùng năm đã có hơn 18 ngàn người được đặc xá.
Con số trên chưa bao gồm gần 5 ngàn người bị giữ trong các trại tạm giam, tạm giữ, và hơn 16 ngàn phạm nhân đã bị án tù nhưng chưa hoàn thiện thủ tục để thụ án.
Lượng người bị án tù trung bình tăng hàng năm từ 10% đến 12% kể từ 2008 tới nay.
Những trường hợp được xét tha tù trước hạn có điều kiện
Phạm tội lần đầu và đã thi hành được ít nhất nửa thời hạn đối với án tù có thời hạn
Đã thụ án ít nhất 15 năm nếu bị án chung thân sau đó được giảm xuống tù có thời hạn
Với các trường hợp ưu tiên, đã thi hành được it nhất một phần ba án tù có thời hạn, hoặc ít nhất 12 năm nếu bị án chung thân sau được giảm xuống tù có thời hạn
Bất chấp thực tế trên, hệ thống các nhà tù, trại giam trên toàn quốc hiện vẫn trong tình trạng không được xây dựng, đưa vào sử dụng kịp tiến độ.
Các cơ sở giam giữ tù đã được xét duyệt là 165 phân trại thuộc 53 trại giam, Đề án viết, trong lúc trên thực tế mới chỉ có 75 phân trại hoàn thiện và hoạt động đầy đủ, đạt chưa tới 50%.
Với mức xét duyệt một phân trại trung bình đáp ứng nhu cầu giam giữ 1.000 phạm nhân, thì hệ thống nhà tù tính đến cuối năm 2015 mới chỉ đủ công suất giam khoảng 75 ngàn người, trong lúc số tù phạm cao gấp đôi mức đó.
Việc “tha tù trước thời hạn” được trông đợi sẽ giúp giảm bớt áp lực quá tải này.
Ngân khoản cho hoạt động của hệ thống nhà tù từ trước tới nay đều từ nguồn vốn Nhà nước.
Nay, kinh phí để bảo đảm việc tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ gồm cả các khoản “đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài, nếu có”, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo luật định, theo Quyết định 1461 phê duyệt Đề án.
Bên cạnh đó, biện pháp mới được ca ngợi là nhằm “cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp”, Đề án viết, trong lúc vẫn “tiếp tục thể hiện tinh thần nhân đạo, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước”.
Đề án cũng thừa nhận biện pháp mới được đưa ra một phần do “xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế”, và được xây dựng dựa trên cơ sở “tiếp thu có chọn lọc” từ một số nước như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tuy nhiên, luật sư Trần Thu Nam cho rằng việc giới chức muốn vận dụng tối đa các tài trợ từ bên ngoài là do khó khăn về kinh phí, nhưng điều đó “không đồng nghĩa với việc xã hội hóa” hệ thống nhà tù, và chính quyền sẽ không chấp nhận mô hình nhà tù tư nhân như ở một số nước khác.
Tác động đối với xã hội
Đánh giá về hiệu quả của Đề án một khi đưa vào áp dụng, vị luật sư từ Hà Nội cho rằng “mọi vấn đề đều có hai mặt”.
“Những chuyện tiêu cực vẫn đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan khác nhau. Trong chuyện xét duyệt hồ sơ để tha tù trước thời hạn, xem hồ sơ nào đủ điều kiện hồ sơ nào không, khó có thể nói là liệu có xảy ra chuyện tiêu cực, “đi đêm” với nhau hay không,” luật sư Trần Thu Nam nói.
“Chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu như không có sự giám sát chặt chẽ từ một ủy ban hay một cơ quan trung gian nào đó.”
Số người được “tha tù trước hạn” trở về địa phương sẽ khoảng từ hai tới ba tù nhân tại mỗi đơn vị cấp xã, phường, theo Đề án, và đây cũng có thể tạo thành vấn đề nếu giới chức không có cơ chế kiểm soát hiệu quả, theo luật sư Nam.
“Việc tha tù sớm ồ ạt với số lượng lớn cũng có thể làm tăng tình hình tội phạm do những người được tha có thể tái phạm.”
“Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, gồm yếu tố xã hội, yếu tố gia đình và vấn đề tái hòa nhập, yếu tố giám sát chặt chẽ hay không của chính quyền địa phương.”
“Đây là vấn đề cần được ra soát, thống kê sau một thời gian thực hiện, để có thể có những điều chỉnh phù hợp. Cần có thời gian chúng ta mới có thể có câu trả lời chính xác cho vấn đề này.”
Theo Đề án, việc “tha tù trước hạn có điều kiện” do Bộ Công an và Tòa án Tối cao phối họp triển khai thường xuyên hàng quý, trên cơ sở hồ sơ đã qua thẩm định của các hội đồng xét, đề nghị tha tù từ cấp cơ sở đưa lên.
Việc triển khai “tha tù trước thời hạn có điều kiện” có hiệu lực thi hành kể từ ngày được ký duyệt, và sẽ kéo dài cho tới năm 2020, theo Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thời điểm này chậm hơn ba tuần so với nội dung trình trong Đề án, theo đó Bộ trưởng Công an đề xuất áp dụng từ 1/7/2016, là ngày lẽ ra Bộ luật Hình sự sửa đổi và Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi bắt đầu có hiệu lực.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.
“Đề án căn cứ vào Bộ luật Hình sự sửa đổi. Rào cản pháp lý hiện nay là Bộ luật này đã bị tạm đình chỉ, tạm dừng hiệu lực thi hành để chờ xem xét sửa lại một số lỗi,” luật sư Trần Thu Nam nói.
“Do vậy, đề án có lẽ nhằm chuẩn bị trước một bước, nhằm thành lập các cơ quan, định hình các thủ tục để sẵn sàng triển khai một khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực.”

Ông Võ Kim Cự và người dân Hà Tĩnh được gì từ Formosa?

Formosa và những giấc mơ hoang tưởng
Người dân Hà Tĩnh còn nhớ đến câu nói của ông Võ Kim Cự từng phát biểu khi thành lập dự án Khu công nghiệp Vũng Áng: “Đất nước chúng ta đang lạm phát, suy thoái, một dự án tỷ đô nhảy vào, tác động làm cho Hà Tĩnh, đất nước này thay đổi cơ bản. Dự án Formosa sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh ngành thép cho quốc gia”
Thời điểm đó, báo chí đã ca ngợi về công lao của chính quyền đối với dự án ở Vũng Áng như sau: “Ðể có một khu kinh tế Vũng Áng và những dự án tầm cỡ quốc tế như Formosa là công lao của các thế hệ lãnh đạo, sự vào cuộc của toàn đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh. Mùa xuân là sự góp sức của nhiều cánh én, song không ai quên công lao của cánh én đầu đàn“.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian bắt đầu dự án, người ta đã thấy nhiểu tác hại của nó đối với môi trường tự nhiên và xã hội. Ông Cự cũng đã từng giải trình về sự hỗ trợ của tỉnh với người dân liên quan tới Formosa: “Chúng tôi còn hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân độ tuổi trung niên (1 tháng 15kg gạo, hỗ trợ 5 triệu đồng/người để chuyển đổi nghề), hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, các trang trại lợn,… Ngay trong vùng quy hoạch, các nhà tranh rách nát, mái tôn tạm bợ đều được hỗ trợ bồi thường; di dân tái định cư vào các khu vực đẹp hơn thuộc thị trấn Kỳ Anh. Nhiều xã lên thành phường”
Song thực tế mà những người dân sống trong khu vực năm xã thuộc dự án gồm: Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi  thuộc huyện Kỳ Anh lại là vùng đất có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước. Người dân bị đẩy lên khu tái định cư thuộc vùng “Khỉ ho cò gáy”, “Chó ăn đá, gà ăn sỏi” đẩy người dân đến chỗ không có công ăn việc làm, sinh ra các tệ nạn xã hội như: nghiện ngập, cờ bạc, ma túy, mại dâm,…
Ai sẽ người chịu trách nhiệm về vấn đề Fosmosa?
Trong buổi trao đổi với báo chí trong nước, ông Võ Kim Cự đã khẳng định vấn đề cấp phép đầu tư cho Formosa với thời hạn 70 năm ở khu kinh tế Vũng Áng là hoàn toàn đúng qui trình pháp luật, đúng Luật đầu tư và được chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, theo luật định, chỉ có chính phủ mới có thẩm quyền cấp trên 50 năm. Nhưng Thủ tướng CSVN lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng đã lệnh cho phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có một công văn nói là không sửa lại gì cả. Điều này được ông Cự cho là chính phủ đã đồng ý cấp thời hạn 70 năm sử dụng cho dự án Fosmosa.
Ông Cự cũng đưa ra nhiều văn bản, công văn, nghi định chứng minh vấn đề cấp phép dự án còn có sự đồng ý của rất nhiều bộ ngành liên quan, trong đó có cả chính phủ, chủ tịch nước và ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này cho thấy việc muốn “thí chốt”, bắt ông Cự chịu tội một mình không phải dễ.
Ông Võ Kim Cự và người dân Hà Tĩnh được gì từ Formosa?
Khu công nghiệp Vũng Áng được nhà thầu Fosmosa, Đài Loan đầu tư vốn 10 tỉ USD ở giai đoạn một, với tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3,300ha. Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất chỉ vào khoảng 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê!
Vào thời điểm cách đây 2 năm, ông Nguyễn Sinh Hùng đã từng dự báo về khu kinh tế Vũng Áng – Formosa như sau: “Giai đoạn một, ngân sách Hà Tĩnh sẽ đạt mức từ 5.000 – 7.000 tỷ. Giai đoạn hai sau năm 2015 nguồn thu ngân sách sẽ trên mười nghìn tỷ đồng/năm“.
Song thực tế thì ai cũng thấy. Fosmosa đi vào vận hành gây ra thảm họa môi trường cá chết hàng loạt khắp 4 tỉnh miền Trung. Ngư dân mất đi phương tiện sinh kế. Môi trường biển bị hủy diệt nặng nề, phải mất vài chục năm để khôi phục. Hải sản không người tiêu thụ, ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống người dân. Ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thiệt hại vượt xa con số 500 triệu USD mà Formosa thỏa thuận với chính quyền CSVN.
Còn ông Võ Kim Cự thì được gì? Báo điện tử Pháp Luật trong nước đã đưa tin là ông Cự có một khu biệt thự khổng lồ nằm ngay giữa trung tâm thành phố Hà Tĩnh, với mặt tiền hướng ra quốc lộ 1A, tọa lạc tại khu đất vàng, thuộc khu phố 5, phường Nam Hà, TP.Hà Tĩnh. Căn biệt thự cao cấp cao 3 tầng, đẹp kiêu sa, lộng lẫy.
Vậy ông Võ Kim Cự lấy đâu ra tiền để xây căn biệt thự này? Theo văn bản pháp luật hiện hành quy định mức lương đối với Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, kiêm trưởng đoàn đại biểu quốc hội thì lương 12 triệu đồng/tháng và 144 triệu đồng/năm.
Mỗi người dân sẽ tự tìm câu trả lời cho mình.
Nguyên Nguyễn/SBTN

Người hai lần trở thành chủ tịch quốc hội

vừa công khai ‘xù’ luật Biểu tình

Vào những ngày này, tân chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang khiến dư luận xã hội và các diễn đàn mạng xôn xao lẫn bức bối.
Ngay sau khi trở thành chủ tịch quốc hội cùng lời tuyên thệ trước “quốc dân đồng bào” lần thứ hai lên tiếp trong vòng 4 tháng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát ngôn trước báo giới: “Lợi ích phải hài hoà. Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn. Vì thế, Quốc hội khoá 14 sẽ nghiêm túc xem xét về dự luật này sau khi Chính phủ đã rà soát và trình lên Quốc hội. Không phải dự luật này lùi vô thời hạn”.
Như một đồng pha, ngay trước khi Quốc hội Việt Nam tổ chức bầu lại các chức danh chủ chốt vào tháng Bảy năm 2016, Ủy ban thường vụ quốc hội lại một lần nữa nại lý do hoãn luật Biểu tình: “do đây là dự án luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này”.
Báo nhà nước chỉ có thể mỉa mai trong khuôn khổ một bộ não tự kiểm duyệt: “Lại lùi vô thời hạn… Luật Biểu tình”, và “Như vậy, khó có thể tính được cho đến nay dự án Luật Biểu tình đã được lùi, hoãn, giãn bao nhiêu lần. Và khi nào Quốc hội mới trả được nhân dân “món nợ” này vẫn là câu hỏi chưa thể có câu trả lời”.
Quả thế, cứ với cái não trạng điều hành đất nước mang lại khổ đau nhiều hơn hẳn “cơm no áo ấm” như hiện thời, còn lâu mới có chuyện “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” tự nguyện trả nợ cho dân.
Dù cố thanh minh trước dư luận xã hội về việc sẽ không kéo lùi luật Biểu tình vô thời hạn, nhưng bà Ngân cũng chẳng hề hứa hẹn đến thời điểm nào thì dân mới được cấp phép để chính thức xuống đường, và càng không hề đả động đến nguồn cơn chính yếu gây ra hiện tượng chậm lụt luật Biểu tình: Bộ Công an, còn được một số viên chức ngoại giao nước ngoài giễu cợt như “bộ nhân quyền”, là tác nhân khiến cho quyền biểu tình không ngóc đầu lên nổi.
Tình thế hiện thời cho thấy luật Biểu tình có thể bị hoãn vô thời hạn, ít nhất cho đến khi nào chính quyền hết sợ bộ luật quyền dân này. Mà việc chính quyền hết lo sợ lại là một điều vô cùng hi hữu. Có lẽ trong lịch sử hơn bảy chục năm tồn tại của đảng Cộng sản, chưa bao giờ nó lo sợ về đủ thứ nợ cũ, nợ mới như lúc này.
Rốt cuộc, bất chấp bị dư luận và báo chí lên án là “nợ dân quá nhiều”, một con nợ vẫn hoàn toàn có thể ‘”xù” nợ khi đã trở nên quá trơ tráo.
Tương lai của một “nghị gật” rất thường bắt nguồn từ quá khứ “không biết, không nghe, không thấy”. Phát ngôn “Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn” của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất có thể phản ánh khá đầy đủ tâm thế của bà, và của cả một chính thể được coi là “chính danh”: không quản được thì siết, không siết được thì cấm. Một phương châm bất di bất dịch của những người chẳng biết làm gì hơn ngoài thái độ trơ lì, hứa và quên.
Lê Dung / SBTN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện