Tin trong nước – 29/07/2016

Tin trong nước – 29/07/2016

Nhiều quan chức VN đang lên kế hoạch đi ‘tị nạn’ ở nước ngoài?

Đây là một câu hỏi rất xứng đáng được đặt lên bàn cờ chế độ vào lúc điểm giao thời chuyển tiếp chính trị đang dần lộ diện.
Từ Hồ sơ Panama đến đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường
Mặc dù từ lâu đã có nhiều dư luận về hiện tượng các quan chức Việt âm thầm tẩu tán tài sản ra nước ngoài, nhưng chỉ đến năm 2016 lần đầu tiên mới bật ra thông tin theo một cách “chẳng giống ai”: sự rò rỉ bất ngờ và sau đó là tiết lộ của vụ Hồ sơ Panama đã lôi ra ánh sáng việc Việt Nam có tới 189 cá nhân và tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại các “thiên đường trốn thuế”. Tổng cộng có đến 92 tỉ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua.
Nhưng sau vụ Hồ sơ Panama, mọi chuyện lại trở về khoảng lặng êm đềm trong quá khứ của nó. Không một cơ quan và quan chức nào của Việt Nam muốn tự vạch áo cho người xem lưng. Vì thế đã chẳng có một cuộc điều tra nào, dù chỉ cho có, đối với “Hậu Hồ sơ Panama”.
Chỉ đến tháng 7/2016, ngay trước thời điểm thông qua lần cuối tư cách của gần 500 đại biểu Quốc hội, Việt Nam mới “bỗng dưng” phát hiện một chuyện cười ra nước mắt: nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở… Cộng hòa Malta – một quốc gia chỉ rộng có 300 cây số vuông, nằm ở một xó của châu Âu, tạo ấn tượng nổi bật nhất nhờ vào hai việc: trở thành rổ đựng bóng trong các trận cầu quốc tế, và dễ tránh thuế đánh vào tài sản cá nhân.
Hẳn nhiên với lý do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam về việc công dân Việt Nam không được có hai quốc tịch, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã phải họp đột xuất để bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu của bà Hường.
Tuy nhiên, vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở chỗ tư cách đại biểu quốc hội xen kẽ tư cách “công dân Malta” của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, mà từ vụ việc của bà Hường, người dân đã có hẳn một bằng chứng xác thực về chuyện đến cả đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng chuẩn bị “ra đi tìm đường cứu nước” như thế nào, thay vì trước đây chỉ nghe đồn đoán về “một bộ phận không nhỏ” đã chuẩn bị nhảy lên máy bay chuồn ra nước ngoài nếu Tổ quốc “có biến”.
‘Đặt vé chưa?’ và nhìn từ Trung Quốc
Thật thế, trong những năm gần đây, một số đại gia và quan chức khi gặp nhau trên bàn nhậu thường nháy mắt đầy ngụ ý “Đặt vé chưa?”. Trước đó là một câu hỏi khác “Có thẻ xanh chưa?”.
Cũng đã từ lâu, trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, khá phổ biến kinh nghiệm cần một khoản chi phí 500.000 đô la để được nhập tịch Canada. Ngay trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, một đơn thư gửi đến Bộ Chính trị đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ…
Dù chẳng ai dám nói trắng ra, nhưng nhiều quan chức và thương gia đều ngầm hiểu với nhau là việc có thêm một quốc tịch nước ngoài mà do đó vi phạm luật Việt Nam là “chẳng có gì xấu trong tình hình hiện nay”. Mà tình hình hiện nay lại là một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý “hồi tố tài sản tham nhũng” và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu.
Tuy không có số liệu thống kê nào, nhưng bầu không khí ở Việt Nam là khá gần gũi với “người anh em Trung Quốc”.
Theo số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc, riêng trong năm 2011, các chính phủ nước ngoài đã giúp bắt giữ 1.631 người Trung Quốc chạy trốn vì “các hành động tội phạm liên quan đến công việc” và thu hồi 7,8 tỉ nhân dân tệ (1,2 tỉ USD) tài sản nhà nước bị đánh cắp. Phần lớn đối tượng phạm tội đều là quan chức và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước.
Hiện tượng các quan tham Trung Quốc chuyển tài sản cho các thành viên trong gia đình mang ra nước ngoài và họ không giữ gì trong tay, sau khi gia đình định cư an toàn ở nước ngoài những quan tham này mới lên kế hoạch thoát thân, đang trở thành phổ biến ở Trung Quốc.
Điểm đến hàng đầu cho các dòng tiền Trung Quốc chảy ra nước ngoài phi pháp là Mỹ, Châu Âu, Australia, Canada… Tại Mỹ, Los Angeles là điểm đến ưa thích nhất của các quan tham Trung Quốc.
Vụ bê bối chính trị của gia đình Bạc Hy Lai – Cốc Khai Lai bị phanh phui khiến dư luận kinh ngạc về mức độ tham nhũng và cách tẩu tán tiền kiếm được từ tham nhũng của các ông quan tham Trung Quốc. “Xách tay” hàng nghìn tỷ USD ra khỏi đất nước, mua bất động sản cao cấp ở nước ngoài, tiêu tiền cho gái, đánh bạc… là những cách thức tẩu tán tiền ra nước ngoài phổ biến của các quan tham Trung Quốc.
Một bản báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chỉ ra những cách mà các tham quan Trung Quốc thường sử dụng để chuyển tiền ra nước ngoài:
- Một vài người dùng cách đơn giản là tự mình hoặc cho người xách những vali lớn đựng đầy tiền qua biên giới.
- Một số khác sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng hiệu với khối lượng lớn ở nước ngoài, sau đó dùng tiền biển thủ công quỹ hoặc tiền hối lộ để bù vào thẻ tín dụng.
- Trong một số trường hợp, tham quan nhận tiền hối lộ ở nước ngoài và dùng tiền đó mua bất động sản cũng ở nước ngoài, hoặc chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ở nước ngoài.
- Ly dị giả cũng là một cách để các quan tham Trung Quốc tẩu tán tài sản ra nước ngoài.
- Nếu tinh vi hơn, tham quan sẽ thành lập công ty ở những nơi như British Virgin Islands song song với một công ty trong nước. Kế đó, họ cho công ty trong nước mua nguyên vật liệu từ công ty ở nước ngoài với mức giá “trên trời” rồi để công ty trong nước bán hàng cho công ty nước ngoài với giá dưới mức giá thị trường. Công ty ở trong nước sau đó sẽ phá sản theo một kịch bản có sẵn, rồi công ty ở nước ngoài sẽ thâu tóm công ty phá sản này.
- Một kênh rửa tiền phổ biến khác là các sòng bạc ở “thiên đường casino” Macao. Do quy định kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài, các sòng bạc Macau cho phép khách hàng từ đại lục để Nhân dân tệ trong nhà băng ở đại lục rồi chuyển bằng thẻ tín dụng tới Macao, thường là với số lượng lớn hơn nhiều so với số lượng tiền gửi ban đầu tại ngân hàng. Người thắng bạc có thể được trả bằng đô la Hồng Kông và chuyển số tiền này đến một địa chỉ khác, nhưng cũng có lúc tham quan thắng bạc cầm thẳng số tiền này mang đi…
Thế giới thu hồi tài sản tham nhũng ra sao?
Chỉ đến gần đây mới xuất hiện vài số liệu cho biết số ngoại tệ được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài có năm đã lên đến 19 tỷ USD. Con số này cho thấy rất nhiều quan chức và thương gia đã âm thầm chuyển tiền bạc ra các nước, bất chấp kỷ luật đảng. Nếu quan chức Trung Quốc “thích” những nước như Canada, Mỹ, Anh, Pháp…, thì quan chức Việt Nam có lẽ cũng như vậy.
Không khó để hình dung rằng số tiền từ 500.000 đến 1 triệu bảng Anh mà đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường bỏ ra để nhập quốc tịch Malta có thể chẳng là gì so với những quan chức giàu có ở Việt Nam.
Nhưng cho tới nay, cơ sở pháp lý của Việt Nam, công cụ phòng chống tham nhũng và nhất là thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán vẫn hoàn toàn chưa có biện pháp chế tài. Việc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài vẫn rất dễ thực hiện thông qua các giao dịch điện tử ngầm hoặc đội lốt hợp tác đầu tư thông qua các công ty bình phong ở nước ngoài.
Năm 2014, trong một bài viết cho đài VOA, nhà báo Bùi Tín đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý về cơ chế nhằm thu hồi tài sản tham nhũng từ các chế độ độc tài. Một kinh nghiệm từng có là khi chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các chế độ mới đã không kịp thời xử lý nghiêm những tài sản phi pháp của hệ thống cầm quyền cũ, nên tài sản chung đã bị tẩu tán, phân tán, lọt lưới pháp luật, tạo nên một số “tỷ phú mafia đỏ hậu cộng sản,” những phe nhóm lợi ích thuộc gia tộc các quan chức cầm quyền cũ; nhờ thế số người này vẫn chế ngự và lũng đoạn nền kinh tế và tài chính quốc gia, mặc dù lịch sử đã sang trang.
Tháng 3 năm 2007, cuộc họp liên tịch giữa Tổ chức chống buôn lậu và tội ác của LHQ (UNODC) và một nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã lập ra một cơ chế mang tên Stolen Asset Recovery Initiative (StAR– Chương trình thu hồi tài sản phi pháp) nhằm hướng dẫn và giúp đỡ các nước thực hiện việc thu hồi các tài sản phi pháp bị mất bởi nạn hối lộ, tham nhũng, buôn lậu cấp quốc gia và nộp các tài sản được thu hồi đó vào ngân sách nhà nước hoặc vào các quỹ từ thiện quốc tế nhằm giúp các nước đói nghèo trên thế giới.
Trước đó ở châu Âu đã có tổ chức Serious Organized Crime Agency (SOCA – Cơ quan chống tội ác có tổ chức nghiêm trọng) mang tính chất nghiệp vụ pháp lý chuyên giúp đỡ việc truy tìm những người phạm tội ác nghiêm trọng trong đó có tội tham nhũng ở mọi nơi, mọi nước, cũng như tổ chức Financial Crimes Enforcement Network (FICEN – Mạng luới chống tội ác về tài chính), hay tổ chức Agence Gestion et Recourement des Avoirs Confisqués (AGRAC – Cơ quan quản lý và giải quyết tài sản bị tịch thu). Chính những tổ chức này đã tham gia có hiệu quả vào việc giúp cho Indonesia và Philippines thu hồi một số tài sản phi pháp khá lớn của 2 cựu Tổng thống Suharto và Ferdinand Marcos sau khi 2 ông này bị lật đổ và truy tố. Riêng tài sản phi pháp của vợ chồng Marcos đã được thu về cho ngân sách nhà nước là 4 tỷ USD trong tổng số 10 tỷ họ đã tước đoạt của công quỹ và nhân dân.
Các tổ chức trên đã giúp cho chính quyền mới ở Libya thu về hơn 1 tỷ USD của nhà độc tài Gaddafi để trao cho Hội đồng Chuyển tiếp sung vào ngân sách quốc gia; ngoài ra các ngân hàng ở Thụy Sỹ cũng đã tự nguyện trao trả cho chính quyền mới ở Tunisia 60 triệu Francs Thụy Sỹ, cho chính quyền mới ở Ai Cập 410 triệu Francs Thụy Sỹ và cho chính quyền mới ở Libya 650 triệu Francs Thụy Sỹ là tiền ký gửi của các nhà độc tài tham ô Ben Bella, Mubarak và Gaddafi…
Còn với trường hợp Việt Nam thì sao?
Nếu không gấp rút có được một cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, hệ lụy chắc chắn sẽ xảy ra là sau khi đã có “vé”, đến một thời điểm nào đó lớp quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” sẽ nhảy lên máy bay để “chuồn”, bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng chính trị và xã hội tan hoang.
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Hà Nội đình chỉ

việc xây dựng trên đất có tranh chấp với Dòng Thánh Phaolô

Chiều 28/7, chính quyền địa phương của một phường ở Hà Nội đã yêu cầu một phụ nữ dừng xây dựng tại một khu đất có tranh chấp với Dòng Thánh Phaolô.
Theo thông tin từ Hội Dòng, vụ việc tranh chấp cơ bản tập trung vào mảnh đất rộng chừng 200m2 ở số 5 phố Quang Trung. Hiện nay, một phụ nữ có tên là Trần Hương Ly được coi là chủ sở hữu mảnh đất. Bà Ly có giấy chứng nhận sử dụng đất do nhà nước cấp, thường gọi là “sổ đỏ” và cả giấy phép xây dựng.
Trong hơn một tháng nay, khi có dấu hiệu bà Ly sẽ xây dựng công trình cá nhân ở mảnh đất ở số 5 Quang Trung, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Hà Nội đã phải làm công việc chẳng đặng đừng là cầu nguyện hàng ngày tại địa điểm để ngăn chặn.
Hành động của các nữ tu đã dẫn đến việc Ủy ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm hôm 27/7 đã thông báo với Dòng Thánh Phaolô chấp nhận “thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu” mặc dù trước đó các quan chức UBND quận đã hứa sẽ ra quyết định đình chỉ việc chủ đầu tư là bà Ly “thi công bất hợp pháp” ở số 5 Quang Trung.
Không thỏa mãn với thông báo của UBND Hoàn Kiếm, ngày 28/7, các nữ tu đã trở lại khu đất để cầu nguyện nhằm phản đối chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu phía chính quyền chỉ đạo những người đang thi công bất hợp pháp phải dừng lại.
Dù trời Hà Nội còn mưa gió vì ảnh hưởng của bão, các nữ tu và bà con giáo dân đã đọc kinh cầu nguyện, hát thánh ca trước trụ sở UBND quận. Trước sự cương quyết đó, UBND Quận Hoàn Kiếm đã phải chỉ đạo cho cấp dưới là UBND Phường Trần Hưng Đạo ra thông báo yêu cầu bà Trần Hương Ly phải dừng việc thi công trên mảnh đất số 5 Quang Trung, Hoàn Kiếm. Sau khi có quyết định đình chỉ việc thi công, các nữ tu và bà con giáo dân đã ra về.
Đánh giá về quyết định đình chỉ, nữ tu Cecilia Phạm Dương Quỳnh thuộc Dòng Thánh Phaolô nói với VOA:
“Đây chỉ là bước đầu thôi, gọi là tạm dừng. Trong thời gian chờ đợi, các soeur vẫn đợi một cái quyết định đình chỉ vĩnh viễn, và thu hồi cái giấy phép xây dựng trái phép này và cái sổ đỏ trái phép để trả lại quyền sở hữu hợp pháp của các soeur. Thì đấy mới là mong muốn của những người giáo dân cũng như quý soeur ạ”.
Về mặt lịch sử, mảnh đất tại số 5 phố Quang Trung, Hà Nội, thuộc sở hữu của Dòng Thánh Phaolô từ khoảng năm 1883. Mảnh đất này là một phần trong các tài sản và đất đai của Hội Dòng ở nơi có 3 con phố bao quanh, đó là các phố Hai Bà Trưng, Quang Trung và Lý Thường Kiệt.
Dòng Thánh Phaolo Hà Nội đã được cấp bằng khoán điền thổ về khu đất rộng này vào năm 1949. Sau này, khi chính quyền thay đổi, tháng 12/1954 một cơ quan y tế của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thuê nhà của Hội Dòng và từ đó những nhà đất này đã không quay trở lại với chủ cũ.
Hội Dòng vẫn còn giữ các văn bản về quyền sở hữu, cho thuê bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp.
Nhận định về quá trình đòi lại mảnh đất sẽ khó khăn hay không trong thời gian tới, nữ tu Cecilia Phạm Dương Quỳnh nói:
“Cái quyền sở hữu và giấy tờ của Nhà Dòng vẫn đang giữ đây và vẫn là hợp pháp, được cấp hợp pháp và vẫn còn nguyên thì nếu như mình cứ làm đúng theo luật và theo lương tâm của sự công bằng của một người trong xã hội thì chúng tôi nghĩ là sẽ trả lại bình thường thôi. Còn nếu mà mình làm không đúng pháp luật hoặc là mình làm sai cái lương tâm của sự công bằng thì sẽ trở thành khó khăn”.
Nữ tu nhấn mạnh rằng các giấy tờ cũng như tính sử dụng liên tục “là đầy đủ chứng cứ” trước pháp luật để Dòng Thánh Phaolô “bảo đảm quyền sở hữu” đối với khu vực có tranh chấp.
Vấn đề tranh chấp đất đai giữa phía chính quyền Việt Nam với các cơ sở tôn giáo rất phức tạp do lịch sử để lại.
Theo văn bản số 1940 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hồi tháng 12 năm 2008 sau các biến cố về tranh chấp đất đai tại Toà Nhà Khâm Sứ 42 Nhà Chung và Dòng Chúa Cứu Thế 178 Nguyễn Lương Bằng, chính phủ Việt Nam cấm việc chuyển đổi mục đích các cơ sở có nguồn gốc tôn giáo để tránh nổ ra những bất ổn xã hội.
Ngoài ra, theo văn bản vừa nêu, những nơi nào còn sử dụng cho mục đích xã hội như trường học, trạm y tế hay công sở thì vẫn tiếp tục duy trì. Những nơi nào không sử dụng được, nếu có thể trả lại cho các hội, nhóm tôn giáo ban đầu thì trả lại; nếu không trả lại, cần giữ nguyên trạng.
Tuy nhiên, theo các nữ tu, những gia đình ở số 5 phố Quang Trung, nơi Hội Dòng cho thuê đã biến thành khu tập thể của Bộ Y Tế và nay được chính quyền Hà Nội cấp sổ đỏ. Các nữ tu của Hội Dòng cho rằng, điều đó không những vi phạm quyền và lợi ích chính đáng và liên tục của họ với tư cách là những công dân, của một tổ chức, nó còn vi phạm pháp luật về đất đai của nhà nước Việt Nam cũng như vi phạm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Hộ chiếu TQ bị viết bậy càng cho thấy VN bức xúc về Biển Đông

Nhà chức trách Việt Nam vẫn chưa có phát biểu chính thức mặc dù hai ngày đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc yêu cầu Việt Nam điều tra về cáo buộc là một nhân viên hải quan ở thành phố Hồ Chí Minh đã viết các từ chửi bậy bằng tiếng Anh lên một hộ chiếu Trung Quốc.
Lãnh sự quán Trung Quốc ở Tp. HCM hôm 27/7 ra thông cáo cực lực lên án hành động “đáng hổ thẹn và hèn nhát”, đồng thời yêu cầu Việt Nam truy tìm và trừng phạt nhân viên hải quan viết bậy vào hộ chiếu có in hình đường 9 đoạn, còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông.
Trước đó, một nữ du khách Trung Quốc kể lại với báo chí nước này rằng khi chị ta nhập cảnh hôm 23/7, hộ chiếu của chị đã bị ghi các từ chửi tục sau khi bị nhân viên hải quan giữ khoảng vài phút.
Liệu việc Việt Nam vẫn im lặng về vụ này có gây ra những bất lợi về mặt ngoại giao và hình ảnh hay không, Tiến sỹ Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam, nhận định rằng Việt Nam chưa nhanh chóng đưa ra câu trả lời về vụ việc này vì cần phải có thời gian để xác định câu chuyện có thật hay không và ai đã gây ra. Ông nói với VOA:
“Cái chuyện để tìm ra người nào đó thì tôi nghĩ chắc chắn là nó phải có một quá trình, phải truy xét, xem chữ viết của ai, hay là ca kíp thế nào có lẽ phải có một thời gian. Nhất định là tìm ra những cái nguyên nhân. Thậm chí là có thể không phải người Việt Nam, thậm chí có thể là đây là một cái tính toán nào đó chẳng hạn. Tôi nghĩ là phải có một cái điều tra, chứ không thể nhanh chóng có thể nói được”.
Chỉ ít giờ sau khi vụ việc xuất hiện trên mạng xã hội, thông tin đã được hàng chục nghìn người chia sẻ, trong đó có một số người nêu nghi vấn về khả năng chính một người Trung Quốc nào đó tự viết các từ bậy vào hộ chiếu để “vu oan” cho nhân viên cửa khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người “hoan nghênh” hành động của nhân viên cửa khẩu.
Bình luận về điều này, ông Trần Công Trục cho rằng mọi người có quyền suy luận. Ông cũng nói nếu quả thật sự việc do một nhân viên Việt Nam gây ra, điều đó không đúng với các quy định ngoại giao và không nên cổ vũ. Mặt khác, ông nhìn nhận là việc làm đó cũng cho thấy sự bức xúc ở Việt Nam về “đường lưỡi bò vô lý” của Trung Quốc”. Ông nói:
“Đây chỉ là một hành động của cá nhân thôi. Chứ đây không phải là chủ trương của nhà nước Việt Nam đâu, của các cơ quan chức năng đâu. […] Qua cái này cũng phải thấy rằng là nó phản ánh cái sự bức xúc, cái bực bội của cán bộ, người dân Việt Nam đối với cái việc là Trung Quốc đã in cái đường biên giới lưỡi bò vào trong hộ chiếu. Nó thể hiện cái thái độ phản ứng, phản đối của người Việt Nam. Tất nhiên là tôi không ca ngợi cái việc viết bậy vào đấy”.
Trung Quốc từ nhiều năm nay đã đưa ra đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, để nói rằng họ có chủ quyền lịch sử đối với hầu hết Biển Đông có tranh chấp với Việt Nam và một số nước khác.
Cựu Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam Trần Công Trục nhấn mạnh với VOA rằng chắc chắn “tham vọng đó” của Trung Quốc “vấp phải sự phản kháng rất mạnh” không chỉ của Việt Nam mà từ nhiều nước trên thế giới.

Hai phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất

tắc nghẽn vì máy điện toán bị tấn công

Sau khi hệ thống thông tin điện tử tại các phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị tin tặc tấn công, giới hữu trách đã đi đến quyết định tắt hệ thống mạng nội bộ và các nhân viên phải làm thủ tục bay bằng tay.
Báo mạng VnExpress mô tả cảnh tượng vào lúc 7 giờ tối Thứ Sáu 29/07 tại phi trường Tân Sơn Nhất là “dày đặc người xếp hàng chờ đợi tại khu vực check-in”. Trong khi đó, vào khoảng 8 giờ tối tại phi trường Nội Bài, các màn hình điện tử trong khu vực làm thủ tục của Vietnam Airline đều bị tắt, trở nên tối thui. Các loa thông báo điện tử cũng không hoạt động, vì trước đó bọn tin tặc đã chiếm quyền kiểm soát hệ thống phát thanh, và đã dùng hệ thống này để phát ra những tiếng cười quái đản.
Ngay sau khi tin tặc tấn công hệ thống thông tin điện tử tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, giới hữu trách tại cả hai phi trường đã đóng hệ thống mạng nội bộ để ngăn chặn các nội dung xuyên tạc của bọn tin tặc. Hậu quả là nhân viên tại tất cả các quầy check-in điện tử đều chuyển sang làm thủ tục bằng tay.
Một giới chức Cảng Vụ Hàng Không Miền Bắc nói với VnExpress rằng hệ thống loa phi trường đã được thay thế bằng loa tay để thông báo cho hành khách ra cửa máy bay.
Huy Lam / SBTN

Tin tặc Trung Cộng tấn công

Vietnam Airlines và các phi trường Việt Nam

Truyền thông mạng trong nước vừa báo động một vụ tấn công bất ngờ và nghiêm trọng của tin tặc Trung Cộng, nhắm vào các trang mạng và hệ thống thông tin điện tử của Vietnam Airlines và các phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Trang mạng chính thức của Vietnam Airlines đã bị tin tặc xóa trang chủ thay bằng nội dung khác. Trên trang này cách đây vài tiếng đồng hồ xuất hiện một thông báo ghi rõ đã bị nhóm 1937cN tấn công. Các chuyên gia an ninh mạng Việt Nam cho biết 1937cN là một nhóm tin tặc đến từ Trung Cộng. Hình ảnh giao diện trang chủ của Vietnam Airlines bị thay đổi, kèm theo đó là những lời công kích từ nhóm tin tặc 1937cN. Tin cho hay đến hơn 5 giờ chiều ngày 29/07, trang mạng của Vietnam Airlines mới được truy cập trở lại bình thường.
Theo báo Thanh Niên, hiện nay các tin tặc đã cho phát tán trên mạng một danh sách của hơn 400,000 khách hàng là hội viên của Vietnam Airlines, trong đó có đầy đủ thông tin như ngày gia nhập, điểm tích lũy, ngày hết hạn.
Trong khi đó, tại phi trường Tân Sơn Nhất vào khoảng 2 giờ chiều Thứ Sáu 29/07, một màn hình ở khu vực làm thủ tục hành khách của hãng hàng không Vietjet tại phi trường này, bỗng trình chiếu nội dung xúc phạm Việt Nam và Philippines, tuyên truyền về Biển Đông theo quan điểm của Trung Cộng. Theo một nguồn tin thì Tân Sơn Nhất bị tấn công ba lần. Hai lần đầu tin tặc trình chiếu nội dung xuyên tạc về Biển Đông, lần thứ 3 thì đánh sập hệ thống.
Vụ tấn công vào hệ thống thông tin điện tử tại phi trường Nội Bài còn trầm trọng hơn, khi các nội dung xuyên tạc xuất hiện ở hầu hết các quầy thủ tục và còn lan sang hệ thống phát thanh. Theo tường thuật của báo Thanh Niên, từ hệ thống phát thanh của phi trường Nội Bài đã phát ra những tiếng cười ngạo man, và tiếp theo là một đoạn nội dung thông tin sai trái, xuyên tạc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Bộ Công An CSVN đang trong tình trạng báo động và đã mở cuộc điều tra.
Huy Lam / SBTN

Nhà máy sản xuất Alumin ở Đắk Nông

để hóa chất độc hại tràn ra suối

Trong nhiều ngày qua, tại suối Đắk Dao, xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) xảy ra hiện tượng cá chết rất nhiều. Người dân quanh vùng lội suối bắt cá chết thì bị nổi mẫn ngứa, lở loét bưng mủ liền phản ánh lên chính quyền. Đến chiều ngày 28/7, sau nhiều ngày điều tra, chính quyền tỉnh Đắk Nông cho biết hiện tượng cá chết hàng loạt, người dân lội suối mắc những bệnh liên quan đến da khi tiếp xúc với suối Đắk Dao là do nhà máy Alumin Nhân cơ để tràn hóa chất ra bên ngoài.
Ông Ngô Xuân Lộc-Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, vào sáng ngày 23/7, trong quá trình vận hành thử, nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ đã để chảy hóa chất ra bên ngoài nhà máy. Có đến gần 10 khối hóa chất độc hại được thải ra. Dòng hóa chất độc hại này đã thẩm thấu xuống đất trong phạm vi lên đến 600m2. Nó còn chảy ra suối Đắk Dao gây ra hiện tượng cá chết và làm cho rất nhiều người mắc bệnh về da khi tiếp xúc với dòng suối.
Suối Đắk Dao là nguồn cung cấp nước cho cây trồng, chăn nuôi thủy sản. Suối Đắk Dao còn là nguồn cung cấp nước uống, tắm giặt cho hàng chục nhà dân của năm thôn nằm phía hạ nguồn. Mặc dù chỉ là dòng suối nhỏ, nhưng nó lại có lưu lượng rất lớn. Từ lúc suối Đắk Dao nhiễm hóa chất từ nhà máy, người dân quanh vùng rất đỗi lo lắng. Nhà máy sản xuất alumin nằm trong khu kỹ nghệ Nhân Cơ, lại được đặt tại thượng nguồn con suối
Theo ông Lộc, sau khi để hóa chất tràn ra bên ngoài, lãnh đạo nhà máy Nhân Cơ và chính quyền tỉnh Đắk Nông đã trình bày sự việc với Bộ tài nguyên-môi trường. Cho đến nay, vẫn chưa biết được nhà máy sản xuất alumin sẽ đền bù thiệt hại đối với người dân quanh vùng như thế nào. Nhưng với những gì đang xảy ra sẽ khiến người dân đứng ngồi không yên. Hiện nay, có đến vài chục trẻ em quanh con suối Đắk Dao bị bệnh liên quan đến da, nhưng không rõ với việc uống nước nhiễm hóa chất có ảnh hưởng gì đến con người hay không. Ông Trương Thanh Tùng- phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông nói đó là tai nạn ngoài ý muốn, hiện tại cũng chỉ biết khống chế sự vụ để tránh nghiêm trọng về sau.
Khu kỹ nghệ Nhân Cơ ngay từ lúc đưa vào xây dựng đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ các chuyên gia, các nhà môi trường. Tuy nhiên, chính quyền CSVN vẫn quyết tâm làm. Họ lý giải sản lượng nhôm ở Nhân Cơ rất nhiều có thể biến Việt Nam thành quốc gia cung cấp nhôm cho thế giới. Chính từ tham vọng đó, chính quyền CSVN bỏ mặc những cảnh báo về thảm họa môi trường.
Đất nước Việt Nam đang bị đầu độc khắp nơi bởi những dự án của Trung Cộng, bởi lòng tham vô đáy, bởi tầm nhìn ngắn hạn của chính quyền CSVN.
Ngọc Quân/SBTN

Giáo phận Vinh thông báo

tổ chức Ngày Môi Trường 7 tháng 8 2016

Ban Công Lý và Hòa Bình trực thuộc Giáo phận Vinh đã ra thông báo về việc tổ chức ngày bảo vệ môi trường vào Chúa Nhật, ngày 07 tháng 8 năm 2016. Thông báo này được gửi đến các Cha, các tu sĩ, chủng sinh và toàn thể giáo dân trong giáo phận.
Mở đầu, thông báo cho biết: “Môi trường sống của chúng ta đang bị đe dọa nghiêm trọng. Việc công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xã chất độc hại ra biển làm thủy sản chết hàng loạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tác hại này còn kéo dài trong nhiều năm.
Thời gian qua, báo chí cũng cho biết Formosa không chỉ xã thải ra biển mà còn chôn giấu nhiều tất chất thải độc hại trên đất liền. Mặc dù Formosa đã nhận trách nhiệm và hứa bồi thường, nhưng đến nay người dân vẫn lao đao trong thảm họa. Sự chậm trễ và thiếu minh bạch của nhà cầm quyền càng làm cho thảm họa nên tệ hại hơn.” 
Trước thảm cảnh hiện tại, bản thông báo kêu gọi giáo dân hãy nhớ lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxico trong thông điệp Laudato Si, đó là cần hành động để cải thiện môi trường sống của chính mình cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Thông báo của Ban Công Lý và Hòa Bình yêu cầu các Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và toàn thể bà con trong toàn giáo phận tổ chức “Một ngày vì môi trường” vào Chúa Nhật, ngày 07 tháng 8 năm 2016 sắp tới.
Cùng với đó, thông báo kêu gọi các giáo xứ trong toàn giáo phận sẽ hiệp dâng Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, làm giờ cầu nguyện cho việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, toàn thể các hội đoàn, các giáo xứ tổ chức dọn vệ sinh môi trường trong toàn giáo xứ và môi trường sống xung quanh mình.
Xin được nhắc lại, trước khi Formosa thừa nhận chính là “thủ phạm” gây ra thảm họa cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua, Đức giám mục Nguyễn Thái Hợp đã ra thư chung vào ngày 13/5/2016, nói về thực trạng thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung. Ngài đã tha thiết mời gọi toàn thể giáo dân thể hiện căn tính Ki-tô hữu của mình, có tránh nhiệm với quê hương đất nước và các thế hệ tương lai, đồng thời hiệp thông chia sẻ với những người đang là nạn nhân của ô nhiễm môi trường.
Sau đó truyền thông nhà nước CSVN, bắt đầu với đài VTV1 vào ngày 15/05/2016 đã quy chụp nhiều người, trong đó có Đức cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh đã. Đài VTV truyền truyền rằng Đức cha Hợp đã “…diễn tả sự việc một cách thiếu khách quan, thổi phồng, gây hoang mang và dùng những lời lẽ kích động giáo dân…” 
Trong suốt nhiều tuần lễ, hàng ngàn giáo dân thuộc giáo phận Vinh đã liên tiếp xuống đường biểu tình lên tiếng vì môi trường, yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam, cũng như yêu cầu truyền thông nhà nước phải xin lỗi Đức cha Nguyễn Thái Hợp.
Nguyên Nguyễn / SBTN

Vì sao phá sản kế hoạch phát hành

3 tỷ USD ‘trái phiếu đặc biệt’ của Chính phủ?

Sau hơn nửa năm kế hoạch phát hành 3 tỷ USD “trái phiếu đặc biệt” của chính phủ CSVN được giới quan chức và báo chí nhà nước ồn ào tung hô, vào tháng 7/2016 Bộ Tài chính đã phải thừa nhận rằng: “Việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ đang tạm thời phải hoãn lại do diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới không thuận lợi”, trong báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016.
Nhưng có đúng là “do diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới không thuận lợi”? Hay còn bởi nguyên do sâu kín nào khác mà không thể và không dám thú nhận?
Cần nhắc lại, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với tổng mức tối đa là 3 tỷ USD đã được Quốc hội giao trong Nghị quyết số 99 về dự toán ngân sách năm 2016, ban hành tháng 11/ 2015. Mục tiêu của kế hoạch này là “nhằm cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ”, mà về thực chất là đảo nợ.
Tháng 11 năm ngoái cũng là thời điểm mà Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng bước vào đấu trường sinh tử đại hội 12 cho số phận chính trị của ông. Trong bối cảnh ngân sách trung ương “chỉ còn 45,000 tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì”, hẳn nhiên Thủ tướng Dũng phải đôn đáo tìm cách tung ra những bánh vẽ nhằm gỡ gạc uy tín cho mình.
Khi đó, mặc dù luật quản lý nợ công đã quy định không cho phép phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế để đảo nợ trong nước và đã có một số ý kiến chuyên gia nhấn mạnh “cần thượng tôn pháp luật”, nhưng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn bất chấp để trình kế hoạch phát hành trái phiếu, và cuối cùng Quốc hội CSVN lại một lần nữa “gật” theo một quán tật cực kỳ khó sửa.
Giới quan chức hy vọng vào một phép màu sẽ xảy đến khi các tập đoàn quốc tế giang tay ôm “trái phiếu đặc biệt” và góp thêm một khoản tiền vừa để trả lương vừa trả nợ cho Việt Nam.
Tuy thế, hy vọng ấy đã tan vỡ như bong bóng xà phòng.
Nếu lần phát hành trái phiếu gần nhất của chính phủ ra thị trường quốc tế diễn ra vào năm 2014 đã thất bại đến mức Chính phủ phải “ép” Ngân hàng Vietcombank – một trong số ngân hàng mà nhà nước có cổ phần chi phối, phải mua 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm, thì nay có thể thấy rõ là chẳng một doanh nghiệp quốc tế nào quan tâm đến “giấy lộn” của chính phủ CSVN.
Ở trong nước, kinh nghiệm xương máu trong hàng chục năm qua, và đặc biệt từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng là lượng phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2.5 lần giai đoạn 2006-2010, chủ yếu phát hành cho khối ngân hàng thương mại. Sau một thời gian đủ dài, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng ngân sách nhà nước.
Trong một vòng luẩn quẩn, Chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước. Hậu quả là, từ năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ đến hạn thanh toán và chính phủ đang phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ mới do ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Hệ quả là quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành trái phiếu chính phủ…
Với thất bại quá rõ ràng về phát hành 3 tỷ USD “trái phiếu đặc biệt”, có thể cho rằng cánh cửa thoát hiểm quốc tế đã đóng sập trước mưu tính “đảo nợ” bằng thủ thuật đổi giấy lấy tiền mặt. Giờ đây, tình trạng khốn quẫn về nợ công chỉ còn hy vọng vào việc phát hành trái phiếu cho thị trường trong nước, mà chủ yếu vào hệ thống ngân hàng thương mại.
Nhưng cứ nhìn cái cách hai ngân hàng BIDV và VietinBank vừa quay lưng với yêu cầu của Bộ Tài chính về nộp cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt – giá trị lên đến gần 5,000 tỷ đồng, có thể thấy ngay cả các ngân hàng lớn cũng đang khó khăn và phải lo thủ thân như thế nào trước cơn suy trầm kinh tế đang gõ cửa từng nhà.
Lê Dung / SBTN

Ngôi sao judo từ Việt Nam về nhà

Được chẩn đoán chỉ có 1% cơ hội sống sót sau tai nạn xe máy tại Việt Nam, vận động viên judo người Scotland, Stephanie Inglish, đã trở về nhà.
Huy chương bạc giải Khối Thịnh vượng chung đã thề sẽ trở lại với judo sau 79 ngày chấn thương nghiêm trọng bao gồm cả hai vết thương ở cổ.
“Tôi đã luyện tập kể từ lúc tôi mới bốn tuổi,” Inglis giải thích.
“Không được luyện tập judo nghĩa là tôi không được trở lại cuộc sống bình thường của mình.”
Stephanie đã bị chấn thương đầu nghiêm trọng sau tai nạn vào ngày 11 tháng 5, dẫn đến nhiều di chứng.
“Ra viện chỉ là bước khởi đầu trong hành trình dài trong cuộc đời tôi,” Cô nói.
“Tôi vẫn sẽ tiếp tục trị liệu mỗi ngày và tập vật lí trị liệu cho đến khi con người trước kia của tôi quay lại”.
“Sau năm nay tôi sẽ trở lại với thể thao và bắt đầu luyện tập để lấy lại thể lực như trước. Nhưng hiện tại, tôi phải trở về Inverness.”
“Tôi sẽ hỗ trợ giảng dạy trong câu lạc bộ judo của bố tôi và ít nhất là tôi được có mặt trong môi trường tập luyện đó vì tôi nhớ bộ môn này rất nhiều.”
Chăm sóc đặc biệt
Inglish trở lại Scotland sáu tuần trước và được điều trị tại bệnh viện trung ương phía Tây Edinburgh trước khi chuyển đến cơ sở chuyên khoa tại ở Fife.
“Ý nghĩ đầu tiên khi tôi thức dậy ở bệnh viện Edinburgh là đã có chuyện gì xảy ra và tại sao tôi lại ở đây?”
“May mắn thay bố và mẹ tôi đã ở đó và cho tôi biết rằng tôi đã trải qua một vụ tai nạn xe máy đồng thời một vài thông tin vắn tắt vầ những chuyện sau đó. Thật khủng khiếp khi được nghe kể về những việc đi trật hướng mà tôi còn không có ‎thức rằng nó sẽ sẽ đi đến đâu.”
“Điều thứ hai thay đổi mà tôi nhận ra nữa đó là đầu tôi bị cạo sạch cho việc phẫu thuật não, và đó thật kinh hoàng.”
Nhưng Stephanie tin rằng cô đang hồi phục rất tốt và sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn.
“Chuyên gia điều trị của tôi đang hỗ trợ tôi mỗi ngày, tôi cản thấy tự tin hơn với đôi chân của mình đồng thời tôi cũng có một chuyên gia vật lí trị liệu và chuyên gia ngôn ngữ, nên tôi nghĩ khả năng nói của tôi đang trở lại bình thường.”
Dù nữ vận động viên judo này không nhớ gì về vụ tai nạn hay việc cô đã phải chuyển sang Bangkok để chữa trị, cô vẫn cảm nhận được sự tốt bụng và hào phóng của nhưng người đã gây quỹ đóng góp hơn £304,000 giúp cô lấy lại cuộc sống này.
“Nó thật khổng lồ, tôi không thể biết được hết những người đã hộ trợ và đóng góp cho tôi nhưng chắc chắn họ thực sự là những người đáng yêu trên thế giới này.”
“Tôi sẽ và mãi biết ơn điều này vì nếu không có sự giúp đỡ của họ, tôi sẽ không có tiền để trở về nhà và ai biết được, có lẽ tôi sẽ không được ngồi đây để nói chuyện với bạn ngày hôm nay.”

Những ngả đường vào Mỹ

Bùi Văn PhúGửi cho BBC từ San Jose, California
Trong những ngày qua dư luận trong nước xôn xao việc ông Trương Đình Anh, nguyên Tổng Giám đốc tập đoàn viễn thông FPT, đưa cả gia đình sang Mỹ định cư.
Trước đó không lâu dư luận cũng bàn tán về việc một đại biểu quốc hội là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị truất quyền đại biểu vì mang song tịch Việt Nam và Cộng hòa Malta, một đảo quốc nhỏ ở Địa Trung Hải gần bên nước Ý.
Theo luật Malta, một người nước ngoài chỉ cần bỏ nửa triệu đôla vào đầu tư, không bắt buộc phải sinh sống ở đó cũng có thể được nhập tịch. Điều này khơi lên nghi vấn là có bao nhiêu người Việt khác có chức quyền và những triệu phú đã có quốc tịch Malta như bà Hường, hoặc đang là thường trú nhân, hay đã mang hộ chiếu một nước khác.
Báo chí trong nước đưa tin ông Trương Đình Anh rời Việt Nam hôm 23/7 nhưng không cho biết ông và gia đình gồm vợ và bốn người con dưới 21 tuổi được vào Mỹ định cư theo diện nào.
Theo ông Lương Duy Phương từ Công ty Pháp lý DP Legal Solutions có văn phòng dịch vụ ở vùng Vịnh San Francisco thì có khả năng cao là ông Anh đến Mỹ định cư theo diện bỏ vốn đầu tư.
Ông Phương nói: “Hiện nay ở Mỹ có những vùng sâu xa cần đầu tư, nếu một người nước ngoài có thể bỏ ra 500 nghìn hay một triệu đôla đầu tư vào một cơ sở thương mại hay những dự án có sẵn và có thể thuê 10 công nhân làm việc chính thức toàn thời gian thì nhà đầu tư và cả gia đình sẽ được chính phủ Mỹ cấp thẻ xanh.”
Với kinh nghiệm dịch vụ về pháp lý và di dân lâu năm, ông Phương cho biết những địa phương nào người nước ngoài có thể đầu tư để được thẻ xanh thì do sở di trú Mỹ quyết định. Ngay ở California cũng có những vùng xâu xa, khu vực gần sa mạc nếu người nước ngoài bỏ tiền vào đầu tư sẽ được thẻ xanh, theo lời ông Phương.
“Với một người như ông Trương Đình Anh thì không chỉ cần 1 triệu đôla mà ngay cả 10 triệu đôla để đầu tư vào Mỹ thì điều đó không khó,” ông Phương đưa ra nhận xét như thế về trường hợp ông Trương Đình Anh và gia đình.
Như thế, cứ theo đúng tiến trình thì từ việc có thẻ xanh đến việc nhập tịch Mỹ, nếu muốn, chỉ còn là vấn đề thời gian đối với ông Anh.
Những ngả đường vào Mỹ
Với hàng triệu người Việt đã đến Mỹ định cư từ năm 1975, để trở thành công dân Mỹ đã qua các giai đoạn sau: người vượt biên, vượt biển được nhận cho định cư qua qui chế tị nạn với giấy I-94, một năm sau có thẻ xanh và 5 năm kể từ ngày đặt chân đến Mỹ thì có thể xin nhập tịch.
Bình thường một di dân đến Mỹ khi còn trẻ, có khả năng học hiểu tiếng Anh và hiểu biết cơ bản về tổ chức công quyền, quyền lợi công dân và không phạm luật thì chừng sáu bảy năm là có thể trở thành công dân Mỹ dễ dàng.
Những người lớn tuổi với khả năng tiếng Anh giới hạn, nếu trên 65 tuổi và ở Mỹ hơn 15 năm có thể xin thi nhập tịch bằng tiếng Việt.
Khi làn sóng thuyền nhân vượt biển chấm dứt, đến lớp người được Hoa Kỳ nhận cho định cư theo diện HO, con lai hay ROVR, là diện hồi hương từ các trại tị nạn, vào thập niên 1990 và hầu hết cũng được hưởng qui chế tị nạn với thẻ I-94.
Ngày nay vẫn còn nhiều người Việt đến Mỹ định cư, đa số theo diện di dân đoàn tụ do người thân trong gia đình bảo lãnh và họ nhận được thẻ xanh trong một thời gian rất ngắn, chừng vài tuần, sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ.
Nếu đến Mỹ theo diện hôn thê hôn phu hay vợ chồng, thời gian có thẻ xanh sẽ lâu hơn vì cơ quan di trú muốn có thời gian để xác minh những đám cưới không phải những cuộc kết hôn giả tạo.
Trong những năm qua, với quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển hơn thì người Việt vào Mỹ qua diện đầu tư hay nghề nghiệp cũng nhiều.
Diện di dân theo nghề nghiệp, cao cũng như thấp, một năm chính phủ Mỹ cấp hơn một trăm nghìn visa, trong số đó khoảng 40 nghìn thuộc loại EB-3 dành cho những ngành nghề đòi hỏi có bằng cử nhân hay cao hơn từ đại học Mỹ như kiến trúc sư, kỹ sư, luật sư, bác sĩ, giáo viên các cấp và giới hạn không quá 7% số visa dành cho một quốc gia.
Nhiều sinh viên du học từ Việt Nam đã được định cư tại Mỹ sau khi hoàn tất học trình là qua diện này. Trung Quốc và Ấn Độ luôn sử dụng hết số visa được cấp vì quá đông dân.
Như thế con đường định cư và trở thành công dân Mỹ có nhiều cơ hội hơn cho người Việt, so với việc định cư ở các nước như Đức, Anh hay Pháp. Không những được định cư cho gia đình, sau đó còn có thể đem bố mẹ, anh chị em qua nữa.
Trong quá khứ đã có nhiều nghệ sĩ Việt di dân hợp pháp sang Mỹ như Thu Phương, Trần Thu Hà, Lam Trường, Bằng Kiều, Quang Dũng qua kết hôn với Việt kiều có quốc tịch Mỹ.
Chuyện ông Trương Đình Anh đưa cả gia đình sang Mỹ định cư tuần qua là sự kiện đầu tiên một người nổi tiếng trên thương trường bỏ nước ra đi được truyền thông công khai nhắc đến.
Cơ hội cho người Cộng sản?
Sự việc có nhiều người từ Việt Nam qua Hoa Kỳ định cư, trong đó có thể có những đảng viên Đảng Cộng sản, từ lâu nay đã gây chú ý trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đặc biệt ở California với nhiều cơ sở thương mại do người trong nước mới qua làm chủ.
Điều này đã khiến một ứng cử viên gốc Việt ở San Jose quan tâm.
Kỹ sư Công Đỗ, ứng cử dân biểu tiểu bang California trong kỳ bầu sơ bộ vừa qua nhưng không thành công, đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Mỹ thu hồi thẻ xanh của những người đã từng là đảng viên cộng sản và ông đã nêu vấn đề này với giới chức dân cử địa phương cũng như với sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Một đảng viên Đảng Cộng sản có thể định cư tại Mỹ được không? Theo hồ sơ xin thẻ xanh mẫu, I-485, có câu hỏi số 6, nguyên văn như sau: “Have you EVER been a member of, or in any way affiliated with, the Communist Party or any other totalitarian party?” (Ông/Bà đã có bao giờ là thành viên, hay qua bất cứ hình thức nào có liên hệ với Đảng Cộng sản hay một đảng độc tài toàn trị nào khác?)
Câu hỏi tương tự cũng có trong đơn xin nhập tịch Hoa Kỳ, mẫu đơn N-400, và thêm quan hệ với tổ chức khủng bố: “Have you EVER been a member of, or in any way associated (either directly or indirectly) with: A. The Communist Party? B. Any other totalitarian party? C. A terrorist organization?” (Ông/Bà đã có bao giờ là thành viên, hay qua bất cứ hình thức nào có liên hệ (trực tiếp hoặc gián tiếp) với: A. Đảng Cộng sản? B. Với bất cứ đảng độc tài toàn trị nào khác? C. Một tổ chức khủng bố?)
Vì lý do này mà trong thập niên 1980 nhiều bộ đội cộng sản Việt Nam vượt biên giới từ Cambodia qua Thái Lan và đến được các trại tị nạn thì không được Hoa Kỳ nhận cho định cư. Hầu hết họ đi Canada, Úc hay các nước Tây Âu.
Về việc thu hồi thẻ xanh, nếu đã cấp cho một đảng viên cộng sản, theo nhận định của ông Lương Duy Phương là điều khó thực hiện: “Đưa việc này vào vấn đề tranh cử thì được, nhưng để thực hiện thì rất khó vì sở di trú INS không đủ người để điều tra. Chỉ khi một người có những hành vi phạm luật khác, khi đó họ mới xét lại hồ sơ.”
Tôi biết một bà mẹ được con bảo lãnh qua Mỹ, khi khai hồ sơ đánh dấu YES cho câu hỏi về tư cách đảng viên Đảng Cộng sản vì bà thực sự là một đảng viên cấp chi bộ và đã nghỉ hưu. Nhân viên di trú bác hồ sơ và nói với bà hãy thôi tham gia sinh hoạt đảng rồi khiếu nại thì phía Mỹ sẽ tái cứu xét hồ sơ.
Hoa Kỳ là nước có chính sách đón tiếp di dân rất thoáng vì truyền thống lịch sử. Những ai có tài năng vượt trội, có nhiều tiền đều có cơ hội đến Mỹ để đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước này, dù theo nhiều bảng xếp hạng toàn cầu nước Mỹ không phải là nơi hạnh phúc nhất.
Theo một khảo sát mới đây của tổ chức New Economics Foundation, Việt Nam đứng cao thứ 5 về chỉ số hạnh phúc trong số 140 quốc gia, còn Hoa Kỳ đứng thứ 108. Nhưng mỗi năm có gần trăm nghìn người rời Việt Nam đi định cư ở nước khác, đông nhất vẫn là đến Mỹ.
Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do sống tại California.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?