Tin trong nước – 27/07/2016

Tin trong nước – 27/07/2016

‘Hiện tượng’ du khách TQ ở Nha Trang

Vài ngày trước, 66 người Trung Quốc được cho là ‘lao động không phép’ trong lĩnh vực du lịch đã bị thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch lập danh sách kiến nghị trục xuất về nước.
Hôm 26/7, trả lời BBC, ông Lê Kim Nhựt, giám đốc công ty Du lịch Nha Trang Trẻ, Chủ tịch Diễn đàn xúc tiến du lịch Nha Trang (NTP), nói: “Hiện tượng khách Trung Quốc bát nháo và những sự cố liên quan đến chuyện người Trung Quốc làm du lịch ở Nha Trang xảy ra từ khoảng một năm rưỡi nay”.
“Lượng khách Trung Quốc tăng ồ ạt, đổ bộ vào Nha Trang khiến các công ty đón khách từ các thị trường khác gặp khó khăn. Theo ghi nhận của tôi, các công ty đón khách châu Âu mấy năm trước đón 20, 30 đoàn khách mỗi tháng là bình thường. Nhưng bây giờ 1, 2 đoàn khách cũng khó”.
“Công ty tôi chuyên phục vụ khách nội địa, thường xuyên phải đổi tuyến du lịch sang Đà Lạt, Ninh Thuận, Phú Yên… do các khách sạn ở Nha Trang đã đầy khách Trung Quốc”.
Đà Nẵng có vẻ giải quyết tình hình bát nháo của du khách Trung Quốc tốt hơn, còn Nha Trang thì phải có những động thái mạnh tay hơn để khôi phục môi trường du lịch lành mạnhông Lê Kim Nhựt, giám đốc công ty Du lịch Nha Trang Trẻ
Ông Nhựt cũng cho hay: “Các doanh nghiệp du lịch tại Nha Trang muốn có kiến nghị để giải quyết tình trạng người Trung Quốc làm du lịch núp bóng một số công ty Việt Nam, chấn chỉnh sự bát nháo do du khách Trung Quốc mang lại, nhưng nhiều khách sạn không có ý kiến gì, vì thực tế là họ đang có doanh thu rất ổn nhờ thị phần khách này”.
‘Không nên cực đoan’
Hôm 27/7, trao đổi với BBC, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch công ty Du lịch Lửa Việt, nói: “Để xảy ra những sự cố liên quan đến người Trung Quốc làm du lịch và du khách Trung Quốc tại tại Nha Trang, theo tôi trước tiên nên xem lại luật pháp và công tác quản lý thế nào, có những lỗ hổng cho những việc vi phạm pháp luật xảy ra hay không?”.
“Người Trung Quốc qua đây không thể tự tung tự tác nếu không có sự tiếp tay của người trong bộ máy quản lý cũng như các công ty du lịch Việt Nam”.
Ông Mỹ, người cũng là ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho biết thêm: “Việc một số khách sạn, cửa hàng từ chối phục vụ du khách Trung Quốc có hộ chiếu in hình Lưỡi bò cũng như dùng đồng nhân dân tệ tại Việt Nam là quyền cá nhân của họ [chủ khách sạn, cửa hàng], chứ không phải là chủ trương của Nhà nước”.
“Không nên đánh đồng và vơ đũa cả nắm rằng tất cả du khách Trung Quốc đến Việt Nam đều ồn ào, hành xử không đẹp mắt”.
“Tôi nghĩ trong vấn đề này, cơ quan chức năng cần xử lý tỉnh táo, nếu người Trung Quốc làm du lịch và du khách Trung Quốc phạm luật Việt Nam thì cứ xử phạt hoặc trục xuất họ tùy theo mức độ, chứ không nên cực đoan”.
Dân Trí hôm 20/7 tường thuật, bà Phan Thanh Trúc, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa “đã lên tiếng nhận lỗi sau những ‘lùm xùm’ liên quan đến các bất cập khi khách Trung Quốc đến Nha Trang”.
“Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, tôi xin nhận lỗi trước các doanh nghiệp vì một phần nào đó trách nhiệm của công tác quản lý nhà nước trong thời gian qua chưa được triệt để, chưa làm hết tất cả những gì có thể để đảm bảo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh nhất cho các doanh nghiệp”, báo này dẫn lời bà Trúc.

Nhân viên hải quan Việt Nam

viết tiếng “đan mạch” trên hộ chiếu đường lưỡi bò

Một nữ du khách Trung Cộng đến Sài Gòn đưa cho nhân viên hải quan ở phi trường Tân Sơn Nhất cuốn hộ chiếu của mình. Sau khi nhận lại hộ chiếu, bà ta trông thấy hai từ thô tục dùng để chửi bằng tiếng Anh: “F. you”, viết tay trên đó.
Tòa Lãnh Sự Trung Cộng tại Sài Gòn cho hay họ đã yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam điều tra về vụ này. Theo báo People’s Daily, nữ du khách họ Chung từ Quảng Đông đến phi trường Tân Sơn Nhất vào hôm Thứ Bảy 23/07. Trong khi làm thủ tục nhập cảnh, bà Chung giao hộ chiếu cho nhân viên hải quan, và họ đã giữ cuốn hộ chiếu trong khoảng 3 phút. Khi nhận lại cuốn hộ chiếu, bà Chung nhìn thấy hai từ tiếng Anh “F. you” viết tay trên hai trang có in hình nền là bản đồ “đường lưỡi bò”.
Tất cả các hộ chiếu Trung Cộng phát hành từ năm 2012 trở đi đều có in bản đồ “đường lưỡi bò” như một tuyên bố ngang ngược về yêu sách chủ quyền của Trung Cộng ở Biển Đông. Hình bản đồ xuất hiện trên các trang 8, 24 và 46 của hộ chiếu. Hộ chiếu của bà Chung bị nhân viên hải quan Việt Nam viết hai từ “F. you” trên các trang 8 và 24. Việc Bắc Kinh in bản đồ đường lưỡi bò trên hộ chiếu đã gây ra phản ứng của một số quốc gia Đông Nam Á. Để tránh bị hiểu là công nhận chủ quyền của Trung Cộng, nhân viên hải quan tại các quốc gia thường đóng dấu lên một tờ giấy rời thay vì lên hộ chiếu của du khách Hoa Lục.
Huy Lam / SBTN

Khám sức khỏe Quảng Bình vì ‘cá chết’

Tỉnh Quảng Bình đang chuẩn bị khám sức khỏe cho người dân ở các khu vực đã xảy ra hiện tượng cá chết, phó chủ tịch Quảng Bình cho biết.
Ông Trần Tiến Dũng trả lời BBC Tiếng Việt cho biết “các bác sĩ trẻ cũng tham gia vào quá trình này” và “Hội chữ Thập đỏ đang thực hiện”
BBC hỏi ông Dũng vì sao lại quyết định khám sức khỏe cho người dân ở đây, có phải vì những lo ngại do sự kiện cá chết gây ra, ông Dũng nói: “Người dân họ đề nghị như vậy chứ không phải chúng tôi quan ngại”.
Trước câu hỏi lý do nào khiến người dân phải đề nghị được khám sức khỏe, ông Dũng nói:
“Vừa rồi có đoàn của Bộ Y tế vào kiểm tra thì không thấy có hiện tượng gì bất thường với sức khỏe của người dân cả.”
Về thời gian tổ chức việc khám sức khỏe này, ông Dũng nói “chưa biết” và “trước khi đi họ sẽ báo cáo”.
Báo Tuổi Trẻ tại Việt Nam trích lời thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long nói phải “theo dõi, giám sát mọi diễn biến về sức khỏe người dân, đặc biệt là ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng do vụ cá chết”.
‘Chậm trễ’ nhưng ‘đáng hoan nghênh’
Một nhà hoạt động môi trường có mặt ở khu vực xảy ra hiện tượng cá chết bình luận với BBC việc kiểm tra sức khỏe này là”chậm trễ tuy nhiên so với các tỉnh thành khác và so với mức độ trầm trọng của sự việc thì đây là việc đáng hoan nghênh”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn kể lại: “Một tháng ở Vũng Áng, xã Kỳ Phương đã chứng kiến cảnh khi đến thăm các trạm xá nhà thờ trong địa phương. Tôi thấy hàng ngày đều có 15 -20 người dân đến đấy để truyền dịch và điểm chung của họ là đều ăn các loại hải sản trong vùng.”
“Khi họ ăn các loại hải sản xong thì họ có triệu chứng bất thường như nôn mửa, đi ngoài. Khi họ lên bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh thì bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh nói họ về bệnh viện địa phương để truyền dịch. Thì họ về bệnh viện địa phương để truyền dịch, họ có kể cho tôi là khi họ đến thì số lượng rất đông.
“Bà con ở đấy sau này cứ gặp vấn đề về ngộ độc thực phẩm sau khi ăn hải sản thì cứ đến truyền dịch, cứ thấy khỏe lại là đến truyền dịch.
“Họ biết họ gặp vấn đề sức khỏe, tuy nhiên họ không thực sự biết vấn đề họ đang gặp phải là gì.”
Ông Nguyễn Anh Tuấn có mặt tại khu vực trung tâm xảy ra thảm họa cá chết trong thời gian hiện tượng này lan rộng ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
“Tôi lo sợ một thảm họa nhân đạo bị giấu kín. Những chuyện như Formosa gây ra những tác hại kinh hoàng tới sức khỏe của người dân ở Vân Lâm, Đài Loan. Thì tôi được biết nên tôi rất lo chuyện đó sẽ lặp lại ở Vũng Áng cũng như các địa phương miền Trung bị ảnh hưởng bởi Formosa,” nhà hoạt động bày tỏ quan ngại.
“Tôi không nghĩ chỉ có một mình tỉnh Quảng Bình thực hiện mà phải là tất cả các tỉnh chịu ảnh hưởng từ Formosa và nên có một nỗ lực từ trung ương vì tôi khá lo ngại năng lực y tế cấp tỉnh có giải quyết được việc này hay không.”
Ông Tuấn nói việc kiểm tra sức khỏe “để giải tỏa sự hoang mang của người dân và ngăn chặn một thảm họa nhân đạo thì ngay từ bây giờ cần phải hành động dù muộn”

Đà Nẵng đánh giá cao chương trình PP16 và sự trợ giúp của Mỹ

Hoạt động đặc biệt nhất và nổi bật nhất trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2016 là cuộc diễn tập lớn về phòng chống thiên tai và cứu nạn được thực hiện trên sông Hàn, Đà Nẵng vào sáng 26/7.
Theo báo chí Việt Nam, gần 150 người thuộc các lực lượng dân sự và vũ trang của Đà Nẵng cùng với các nhân viên tàu bệnh viện Mỹ USNS Mercy và tàu Hải quân Nhật JSDS Shimokita đã tham gia cuộc diễn tập.
Hai kịch bản diễn tập là bão lớn đổ bộ vào Đà Nẵng với sức gió lên tới 80-100km/giờ, gây ra cháy và hỏng hóc máy móc, làm nhiều ngư dân rơi xuống nước và bị thương. Các lực lượng phải phối hợp để sơ cứu và lai dắt thuyền bị nạn về cầu cảng trong vòng 35-45 phút sau khi sự cố xảy ra.
Đánh giá về cuộc diễn tập, bà Lê Thu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, nói với VOA:
“Các đối tác tham gia chương trình Đối tác Thái Bình Dương cùng với các cơ quan ban ngành của Đà Nẵng đã thực hiện theo đúng kịch bản và kế hoạch đã xây dựng, thống nhất trước đó. Chúng tôi cũng đánh giá rằng đây là một cuộc diễn tập rất là thành công”.
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2016 (PP16) đã khởi động hôm 15/7 ở thành phố Đà Nẵng, với mục tiêu tăng cường ứng phó thảm họa ở các quốc gia khu vực. Về phía Mỹ, nước có vai trò chủ đạo trong chương trình, có sự tham gia của Tàu bệnh viện USNS Mercy. Lần đầu tiên nước chủ nhà Việt Nam cử tàu bệnh viện Khánh Hòa của hải quân tham gia, đây là một điều đặc biệt. Một đối tác lớn trong chương trình là Nhật Bản đã điều đến Đà Nẵng tàu Hải quân JSDS Shimokita.
Trong khuôn khổ chương trình kéo dài đến ngày 28/7, các bác sỹ, nhân viên y tế dự kiến phẫu thuật, khám chữa bệnh cho khoảng gần 1000 người bị các bệnh về khớp, bỏng, mắt, tiết niệu, răng miệng, dị tật.
Bên cạnh đó, các đối tác Việt Nam cùng với Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ nâng cấp 3 trường học và 1 trạm y tế ở Đà Nẵng.
Các bên tham gia cũng có nhiều cuộc trao đổi chuyên môn về cứu hộ cứu nạn, y tế, và các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao.
Bà Lê Thu Hạnh, đại diện thành phố Đà Nẵng, nhận xét: “Chúng tôi đánh giá những hoạt động này rất là có ý nghĩa về mặt nhân đạo, về mặt nhân văn. Nhiều hoạt động giao lưu khác cũng để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân”.
Các hoạt động của chương trình có sự đóng góp công sức của nhiều thành viên hoặc quân nhân Mỹ gốc Việt và sự tham gia của họ được đánh giá cao. Bà Hạnh cho VOA biết thêm chi tiết:
“Chúng tôi đã được cộng tác với rất nhiều các em công dân Mỹ gốc Việt. Phải nói là các em rất là nhiệt tình. Dù xa quê hương lâu năm rồi, tiếng Việt cũng không còn sõi nữa, nhưng các em đã sử dụng các chuyên môn của mình để phục vụ cho người dân. Ví dụ như Bác sỹ Tiến sỹ Andrew Đoàn, Bác sỹ Thành, rồi cả người lập kế hoạch đó là Jason Đào chẳng hạn. Thì tất cả các bạn đấy đều rất là nhiệt tình với quê hương. Và chúng tôi cũng cảm ơn các bạn ấy đã là cầu nối cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam”.
VOA được biết Thiếu tá Jason Dao là sĩ quan Mỹ phụ trách địa bàn Việt Nam trong chương trình PP16.
Trong bối cảnh hồi đầu năm nay có những tin tức là quân đội Mỹ cân nhắc một đề xuất đặt các kho hậu cần ở nước ngoài trong đó có Việt Nam để giúp cho các hoạt động khắc phục thiên tai và trợ giúp nhân đạo được nhanh chóng trong khu vực, khi được hỏi về triển vọng hợp tác Hoa Kỳ-Việt Nam trong vấn đề này, bà Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng phát biểu:
“Chúng tôi đánh giá rất cao công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn. Bởi vì Đà Nẵng nằm ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ và nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu […] Chúng tôi rất là cần trang bị, tăng cường năng lực để ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai”.
Đây là lần thứ 7 trong vòng 11 năm Chương trình Đối tác Thái Bình Dương do Mỹ đứng đầu đã diễn ra ở Việt Nam. Sau Việt Nam, Chương trình PP16 sẽ tiếp tục đến Malaysia và Indonesia.

‘Chống tham nhũng’ và cuộc chiến khốc liệt giành thị phần

Đảng viên, cựu bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng – người được đồn đoán “cực giàu” ở Việt Nam – đang phải đối mặt với không chỉ là nguy cơ, mà rất gần với triển vọng được đảng cầm quyền đưa lên “thớt”.
Vào những ngày này, một chiến dịch đánh ngược từ vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang lên Vũ Huy Hoàng ở Hà Nội đang nở rộ. Hàng loạt tờ báo nhà nước đã tham gia vào chiến dịch “đấu tố” hiếm có kể từ thời “Những việc cần làm ngay” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ba chục năm về trước.
Ông Vũ Huy Hoàng và ‘mỏ vàng’ có lắm vấn đề nhân sự” là một trong những tựa đề nóng bỏng của báo chí. Dựa theo “ tinh thần” này thì “Việc nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đưa thư ký và con trai Vũ Quang Hải về làm Chủ tịch và Phó Tổng giám đốc Sabeco bị dư luận phản ứng gay gắt thời gian qua cho thấy “mỏ vàng” này không chỉ có nhiều vấn đề liên quan đến nhân sự, mà còn liên quan cả việc chậm cổ phần hóa”.
Báo chí cũng liên tiếp phỏng vấn những quan chức về hưu về “nhóm lợi ích nào đã đưa ông Trịnh Xuân Thanh luồn sâu, leo cao?” – một cụm từ mà trước đây thường dùng trong lĩnh vực phản gián và nhắm đến “các thế lực thù địch”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, người phụ trách đảng là Nguyễn Phú Trọng đã quyết định tung ra chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” tương tự như Tập Cận Bình đã tiến hành ở Trung cộng từ năm 2012. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch “chống tham nhũng” ở Việt Nam, hai nhân vật đầu tiên bị đưa lên “thớt” là “ruồi” Trịnh Xuân Thanh” và “hổ nhỏ” Vũ Huy Hoàng.
Cũng vào những ngày này, một “ruồi” khác đang có nhiều nguy cơ bị “chặt chém” là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – một chủ doanh nghiệp tư nhân đầy thần thế và suýt nữa lọt vào danh sách đại biêu quốc hội khóa 14. Bà Hường bị “ai đó” phát hiện có quốc tịch Malta, bị đặt nghi vấn dùng quốc tịch này để trốn thuế, cùng hàng loạt phi vụ làm ăn đầy khuất tất ở Việt Nam…
Nhưng việc chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng nhắm đến những “mỏ vàng” như Vũ Huy Hoàng và Nguyễn Thị Nguyệt Hường đang khiến dư luận đặt câu hỏi: phải chăng phía sau chiến dịch này là động lực thâu tóm thị trường của nhóm lợi ích mới đối với nhóm lợi ích cũ?
Câu hỏi trên là có “cơ sở thực tiễn”.
Ngay sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng mất chức thủ tướng, đã rậm rịch đồn đoán về một chiến dịch từ tranh giành đến thâu tóm doanh nghiệp và thị phần kinh doanh, xuất phát từ những nhóm lợi ích liên quan mật thiết đến những nhóm quyền lực mới. Lãnh địa của tay chân ông Nguyễn Tấn Dũng được coi là vô cùng lớn và vô cùng màu mỡ, vì thế đó là nơi hội tụ mọi con mắt thèm thuồng của những kẻ muốn thâu tóm trong bối cảnh đất nước đang gần như cạn kiệt các nguồn tài nguyên.
Không khó hiểu là nhũng quan chức như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng hay đại gia như Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã đến lúc phải “ói ra” – nói như một từ ngữ rất dung tục của giới giang hồ chính trị chuyên bóp chẹt lẫn nhau.
Thậm chí, chiến dịch thâu tóm thị phần không chỉ dừng ở các “hổ nhỏ” mà còn có thể dẫn đến những “hổ lớn” như Ngân hàng Bản Việt, cùng nhiều dự án khác của bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ông Nguyễn Tấn Dũng.
Bàn cờ chính trị Việt Nam cũng bởi thế đang tái xáo động và lộn xộn sau cuộc đấu kỳ phùng địch thủ trước đại hội 12 vào cuối năm 2015.
Lê Dung / SBTN

Vụ Formosa gây nhiễm độc biển :

Người dân địa phương có thể khởi kiện

Đã gần 4 tháng trôi qua, kể từ sau khi xuất hiện tình trạng cá biển chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung Việt Nam, từ bờ biển thị xã Kỳ Anh đến tỉnh Thừa Thiên – Huế. Không chỉ người dân Việt Nam trong và ngoài nước mà cả báo chí nước ngoài cũng dành nhiều quan tâm đến vụ việc được coi như thảm họa môi trường này của Việt Nam. RFI phỏng vấn luật sư Nguyễn Đình Xuân, văn phòng luật « Dân nguyện », Hà Nội.
Cuối tháng Sáu vừa qua, chính phủ Việt Nam đã tổ chức họp báo, chính thức công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt này là do nước thải của công ty Hưng Nghiệp Formosa gây ra. Đồng thời, Formosa đã thừa nhận, xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, và cam kết bồi thường 500 triệu đô la để khắc phục hậu quả.
Liên quan đến một số việc mà người dân của 4 tỉnh miền Trung Việt Nam cần làm ngay lúc này, RFI đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Đình Xuân, thuộc văn phòng luật « Dân nguyện », có trụ sở tại Hà Nội và ông cũng là thành viên của Hội Luật Gia Việt Nam. Mời quý vị thính giả đón nghe!
RFI : Kính chào luật sư Nguyễn Đình Xuân. Cảm ơn ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn của ban tiếng Việt đài phát thanh quốc tế Pháp RFI. Luật sư là người theo sát hồ sơ của Formosa. Xin ông nhắc lại cho quý thính giả của RFI biết nước biển của 4 tỉnh miền Trung Việt Nam bị nhiễm độc từ khi nào ?
Luật sư Nguyễn Đình Xuân : Ngày 18/06/2016, ông Trần Nguyên Thành (Chen Yuancheng), Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Formosa gửi một văn thư cho Thủ tướng, xác nhận Formosa là thủ phạm gây ra thảm hoạ môi trường tại miền Trung. Tôi trích nguyên văn : « … Nguyên nhân chính của sự cố trong hệ thống xử lý môi trường của chúng tôi là do một số ngày bị mất điện trong thời gian đầu tháng 4 năm 2016, trong thời gian đó hệ thống quản lý của chúng tôi không kiểm soát được chất lượng nước thải, điều này đã làm ảnh hưởng tới môi trường nước biển miền trung và là nguyên nhân sinh ra cá chết … ».
Điều này làm tôi đặt ra 3 nghi vấn :
Thứ nhất: Fosmosa có nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, là nhà máy nhiệt điện lớn nhất Việt Nam với công suất hai tổ máy là 1.200MW. Sao lại nói bị mất điện trong nhiều ngày ? Điều này không thể chấp nhận được.
Thứ hai: Nói mất điện nhưng tại sao máy bơm vẫn hoạt động để bơm nước thải từ bể chứa ra biển?
Thứ ba: Nói mất điện nhưng tại sao ở khu vực xả thải, khu vực sản xuất vẫn có điện để hoạt động? Vì vậy không thể có sự cố mất điện trong nhiều ngày.
Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, phát hiện từ ngày 1/4 đến ngày 5/4, lượng điện tiêu thụ giảm bất thường, chỉ bằng 15% so với ngày trung bình, chứng tỏ Formosa không dùng điện để xử lý chất thải chứ không phải mất điện. Điều này cho thấy Formosa đã cắt điện ở khu vực xử lý để xả thải trực tiếp ra biển. Đây là một hành động có chủ ý.
Theo tôi, lời giải thích bị mất điện của Formosa quá vụng về, là ngụy biện, nhằm che giấu hành vi Formosa cố tình xả thải trực tiếp ra biển không qua công đoạn xử lý. Việc Formosa đổ lỗi cho sự cố mất điện, nên không kiểm soát được hệ thống nước thải độc hại, xả trực tiếp ra biển làm hải sản chết hàng loạt và tàn phá toàn bộ khu vực biển dài 200 cây số, là dối trá. Đây là tội phạm hủy diệt môi sinh có chủ mưu gây ra thảm họa môi trường và thảm họa nhân đạo của Formosa và rất có thể có kẻ đứng sau Formosa, vì một công ty tư nhân như Formosa thì không đủ sức và không dám làm như vậy.
RFI : Với thảm họa môi trường mà Formosa gây ra như vậy, theo ông, trước mắt chính phủ Việt Nam cần làm gì ?
Luật sư Nguyễn Đình Xuân : Theo tôi, trước mắt, điều quan trọng nhất là:
1. Nhà nước phải tổ chức khám sức khỏe, xét nghiệm máu cho người dân vùng biển của 4 tỉnh miền Trung do đánh bắt, chế biến kinh doanh hải sản, do làm muối, do ăn cá nhiễm chất cực độc Formosa thải ra, nếu bị nhiễm độc thì phải được cứu chữa kịp thời;
2. Tạo điều kiện cho người có quyền và lợi ích hợp pháp bị Formosa xả chất cực độc xâm hại khởi kiện đòi Formosa bồi thường thiệt hại về kinh tế, về tinh thần, về sức khỏe, và tính mạng kịp thời;
3. Chăm lo cho người dân bị thiệt hại do ảnh hướng chất thải cực độc của Formosa như hỗ trợ về kinh tế, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp để người dân sớm ổn định cuộc sống.
4. Nhà nước áp dụng mọi biện pháp cấp bách làm sạch môi trường biển trong thời gian sớm nhất
5. Điều tra, kết luận những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức trong việc để Formosa đầu tư bất hợp pháp vào Khu Kinh tế Vũng Áng để xử lý theo pháp luật ; kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của Formosa, của những tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
RFI : Cuối tháng 6 vừa rồi, trong văn bản mà chính phủ Việt Nam công bố, Formosa sẵn sàng bồi thường 500 triệu đô la. Theo ông, có thể coi đó là khoản bồi thường thiệt hại về kinh tế, về sức khỏe, về tinh thần cho người dân ở trong vùng được không ?
Luật sư Nguyễn Đình Xuân : Theo tôi, khoản 500 triệu đô la chưa nói lên điều gì cả. Bởi vì muốn bồi thường về sức khỏe, thì phải khám sức khỏe cho người dân, xem người dân có bị nhiễm độc hay không. Nếu người dân bị nhiễm độc thì không phải một số người nhiễm mà có thể là hàng triệu người, bởi số dân biển của 4 tỉnh miền trung là hàng triệu người. Cho nên cần phải khám đủ cho tất cả số người đó để đòi Formosa bồi thường. Khả năng số tiền đó vượt trên 500 triệu đô la rất nhiều, chứ 500 triệu đô la chỉ mới là thỏa thuận ban đầu, chứ chưa tính toán được cái gì cụ thể cả.
RFI : Điều mà người dân khu vực biển miền Trung có thể làm và cần làm nhất trong lúc này để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình sau khi bị thiệt hại do Formosa gây ra là gì ạ?
Luật sư Nguyễn Đình Xuân : Điều mà người dân khu vực miền Trung cần làm nhất trong lúc này là thu thập chứng cứ để khởi kiện dân sự Formosa ra tòa án, đòi bồi thường thiệt hại thực tế về vật chất, tinh thần, sức khỏe, tính mạng do Formosa xả thải gây ra theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời” theo quy định tại Điều 605 Bộ Luật Dân sự, thiệt hại bao nhiêu được bồi thường bấy nhiêu.
RFI : Ông có nhắc đến điều 605 của Bộ Luật Dân sự : « Thiệt hại bao nhiêu được bồi thường bấy nhiêu ». Vậy để khởi kiện vụ án dân sự này thì cần phải có điều kiện gì ?
Luật sư Nguyễn Đình Xuân : Để khởi kiện vụ án dân sự cần thỏa mãn 3 điều kiện:
  1. Có thiệt hại thực tế xảy ra;
  2. Có chứng cứ cụ thể;
3. Có đơn khởi kiện gửi tòa án có thẩm quyền.
RFI : Ông nhắc đến « người dân của 4 tỉnh miền trung Việt Nam » thì cụ thể đó là những đối tượng người dân nào có thể khởi kiện ?
Luật sư Nguyễn Đình Xuân : Đối tượng người dân khởi kiện ở đây là người dân sống ven biển, cả đời họ chỉ quen chài lưới và chỉ quen kinh doanh hải sản. Học hành của họ không được đầy đủ, cho nên đây là những người dân thuần bám biển. Về hiểu biết pháp luật, họ có nhiều hạn chế. Họ cần những người hiểu biết pháp luật giúp đỡ thì họ mới có được những chứng cứ cụ thể và được tòa chấp nhận.

RFI : Ông có thể nói rõ thêm về việc thu thập chứng cứ để khởi kiện được không ạ ? Người ta sẽ tiến hành công việc thu thập chứng cứ đó như thế nào ạ ?
Luật sư Nguyễn Đình Xuân : Theo tôi, người dân phải tự mình khai những thiệt hại của mình và sau đó, các tổ chức giúp đỡ sẽ căn cứ pháp luật để xem các lời khai đó có đúng quy định pháp luật hay không. Nếu trường hợp khai mà không đúng thì người ta yêu cầu phải sửa lại. Nếu khai đúng, chấp nhận được thì những lời khai đó chính là các chứng cứ cụ thể và theo pháp luật thì có quyền dùng để khởi kiện ra tòa án.
RFI : Ông là người theo rất sát hồ sơ Formosa. Xin ông cho biết đến hiện tại thì người dân của 4 tỉnh miền Trung đã tiến hành được gì rồi và Hội Luật Gia đã giúp được gì cho dân ?
Luật sư Nguyễn Đình Xuân : Theo tôi được biết thì cho đến hiện nay, người dân chưa tiến hành thủ tục khởi kiện dân sự vì đang chờ chính quyền hướng dẫn. Hiện nay, một số luật sư đã đi đến giúp dân. Nhưng theo tôi thấy như vậy là chưa chuẩn xác lắm. Bởi vì mỗi một vùng thì có phong tục, tập quán, cách thức đánh bắt, kinh doanh hải sản khác nhau. Cho nên đánh giá mức độ thiệt hại cũng khác nhau. Cần phải có sự thống nhất giữa các ngư dân và những người bị nhiễm chất độc do Formosa thải ra trong 4 tỉnh phải thống nhất với nhau và ngay trong 1 tỉnh thì người dân cũng phải thống nhất với nhau phương thức khởi kiện như thế nào thì mới tạo được ra cái thế của người đi khởi kiện đòi quyền lợi. Nếu không có sự thống nhất thì rất khó cho các tòa án giải quyết một cách chuẩn mực.
Đây là công việc phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên vì cuộc sống hiện tại và tương lai của người dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, vì sự bền vững của môi trường biển, vì an ninh quốc gia, mất bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của và mất bao nhiêu thời gian cũng cần phải làm.
RFI : Hiện tại ông đã làm được những gì để hỗ trợ cho người dân, sau thảm họa mà Formosa gây ra cho người dân ?
Luật sư Nguyễn Đình Xuân : Bên tổ chức hành nghề của tôi, tôi đã có văn bản gửi cho 4 tỉnh miền Trung : Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và tôi khuyến nghị là Ủy ban nhân dân tỉnh nên mời các tổ chức như Hội Luật Gia, các tổ chức luật sư, các luật sư có kinh nghiệm để giúp người dân thống kê thiệt hại một cách chính xác, khoa học và giúp người dân làm đơn khởi kiện, tranh tụng trong các phiên tòa dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân
RFI : Liệu các luật sư quốc tế có kinh nghiệm trong các vụ án lớn liên quan đến môi trường có thể vào cuộc để hỗ trợ luật gia Việt Nam để khởi kiện Formosa được không ?
Luật sư Nguyễn Đình Xuân : Theo luật luật sư, các luật sư nước ngoài có quyền hành nghề tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các luật sư của nước ngoài vào thì rất thuận lợi cho người dân Việt Nam vì đối với quốc tế, những chuyện này họ làm nhiều rồi. Họ có kinh nghiệm, chứ luật sư Việt Nam thì chưa có những vụ án lớn như thế này.
RFI : Cảm ơn ông đã dành thời gian cho đài phát thanh RFI.
Luật sư Nguyễn Đình Xuân : Dạ, không có gì.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?