Tin Biển Đông – 28/07/2016

Tin Biển Đông – 28/07/2016

Trung Quốc và Nga diễn tập hải quân ở biển Đông

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay, 28/7, tuyên bố sẽ thao dượt hải quân với Nga ở biển Đông vào tháng Chín tới nhằm củng cố “mối quan hệ hợp tác chiến lược” giữa hai nước.
Phát ngôn viên của Bộ này nói thêm rằng đây là cuộc diễn tập “thường lệ” và nó “không nhắm vào bất kỳ quốc gia thứ ba nào”.Truyền thông quốc tế dẫn lời người phát ngôn này nói rằng cuộc thao dượt “làm sâu sắc thêm sự tin tưởng lẫn nhau” cũng như “nâng cao khả năng cùng đối phó với các mối đe dọa về an ninh” và nhằm “duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như trên toàn cầu”.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang dâng lên sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” liếm trọn gần như toàn bộ biển Đông của Bắc Kinh.
Trung Quốc kết thúc một cuộc tập trận khác gần Hoàng Sa một ngày trước khi Tòa ở La Haye, Hà Lan, công bố phán quyết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trước đó kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này”. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phớt lờ.
Năm ngoái, Trung Quốc và Nga cũng đã thực hiện các cuộc diễn tập hải quân ở Biển Nhật Bản và Địa Trung Hải.
Theo Reuters, VOA, MOFA

Chiến lược ngoại giao Biển Đông của Mỹ có dấu hiệu thất bại

Trước ngày tòa trọng tài quốc tế tại La Haye ra phán quyết về Biển Đông, các quan chức Mỹ như đã áp dụng chiến lược thành lập một liên minh để áp đặt một cái giá « khủng khiếp » về uy tín mà Bắc Kinh phải trả nếu phớt lờ quyết định của Tòa án. Nhưng chỉ hai tuần sau ngày phán quyết dược ban hành hôm 12/07/2016, mà trên giấy tờ là một sự sỉ nhục đối với Trung Quốc, chiến lược của Hoa Kỳ như đã thất bại, trong lúc phán quyết của tòa có nguy cơ trở nên vô tích sự.
Ngay từ đầu năm nay, các quan chức ngoại giao và quốc phòng đã nhắc đi nhắc lại sự cần thiết đối với các nước trong vùng Châu Á Thái Bình Dương và cả đối với Liên Hiệp Châu Âu, là phải nhấn mạnh trên tính chất ràng buộc của phán quyết về Biển Đông.
Vào tháng Hai chẳng hạn, Amy Searight, lúc ấy là phó trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, đặc trách Đông Nam Á, đã cho rằng : « Chúng ta cần sẵn sàng lên tiếng mạnh mẽ và dõng dạc, cùng nhau nói rằng đó là luật quốc tế, là điều vô cùng quan trọng, mang tính ràng buộc đối với mọi bên ».
Vào tháng Tư, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, Anthony Blinken xác định Trung Quốc sẽ bị tổn thất « khủng khiếp » về uy tín, nếu phớt lờ phán quyết của tòa án La Haye.
Philippines, nước kiện Trung Quốc, cũng cho là Bắc Kinh có nguy cơ lâm vào tình thế « đứng ngoài vòng pháp luật ». Thế nhưng, sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bác bỏ yêu sách Biển Đông của Trung Quốc, mặt trận đoàn kết chống Trung Quốc mà Hoa Kỳ kêu gọi thành lập hầu như không thấy đâu, và chỉ có sáu nước là nhấn mạnh trên tính ràng buộc của phán quyết. Philippines nằm trong số nước này, nhưng không thấy các nước khác cũng có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Brunei.
Vào đầu tuần này, Trung Quốc cũng ghi được một thắng lợi ngoại giao quan trọng tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN ở thủ đô Lào, khi trước thái độ kiên quyết phản đối của Cam Bốt, đồng minh của Trung Quốc, ASEAN đã lặng thinh về phán quyết PCA trong các tuyên bố chung, từ Tuyên Bố Chung của Hội Nghị Ngoại Trưởng AMM, cho đến Tuyên Bố của Diễn Đàn Khu Vực ARF, hay của Hội Nghị Ngoại Trưởng khối Thượng Đỉnh Đông Á EAS.
Ngoài khu vực, Liên Hiệp Châu Âu hôm 15/07 cũng ra thông cáo ghi nhận phán quyết PCA, nhưng tránh nêu đích danh Trung Quốc, và không nói gì đến tính chất ràng buộc về pháp lý của văn kiện này.
Trước thực tế đó, Hoa Kỳ như đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Vào hôm qua, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tỏ ý hài lòng với việc ASEAN đã tuyên bố tôn trọng các quy tắc của pháp luật. Ông cũng cho rằng việc ASEAN không nhắc đến phán quyết trọng tài không hề làm giảm đi tầm quan trọng của văn kiện này. Theo ông phán quyết này « không thể nào » vô ích vì nó có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, nhiều nhà phân tích lại cho rằng chính đó là nguy cơ đang đe dọa văn kiện về Biển Đông, vì lẽ cộng đồng quốc tế có dấu hiệu phớt lờ phán quyết.
Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington cho rằng : « Cộng đồng quốc tế đã lựa chọn bằng cách không nói gì về phán quyết ».
Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Heritage Foundation cho biết, chính Washington đã lộ vẻ miễn cưỡng, không muốn thúc ép Bắc Kinh – một đối thủ chiến lược của Mỹ nhưng cũng là một đối tác kinh tế quan trọng – trong bối cảnh nước Mỹ đang bước vào cuộc bầu cử tổng thống mới.

Cam Bốt khuyến cáo

ASEAN tránh làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông

Cam Bốt hôm 27/07/2016 tuyên bố rằng đã khuyến cáo các nước ASEAN tránh dùng những từ ngữ « có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines » trong thông cáo chung cuối tuần qua.
Cam Bốt ủng hộ lập trường của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh giành chiến thắng ngoại giao trong hội nghị các ngoại trưởng ASEAN vừa qua. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, vốn hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, trong thông cáo chung đã không nhắc đến phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye.
Ông Chum Sounry, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cam Bốt nói với báo chí là Phnom Penh đã can ngăn các ngoại trưởng ASEAN không dùng những từ « có thể làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ».
Theo ông : « Tranh chấp Biển Đông (hàm ý nói vụ kiện và phán quyết của Tòa Án Trọng Tài) là giữa Philippines và Trung Quốc, không phải giữa ASEAN với Trung Quốc. Do đó không nên kéo các nước ASEAN vào vụ tranh chấp, hay lôi kéo Cam Bốt can dự vào ». Khối ASEAN cần duy trì sự trung lập bằng cách không đụng đến vấn đề này.
Hôm 12/07, tòa án La Haye đã ra phán quyết thuận lợi cho Philippines, khẳng định yêu sách đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vạch ra bao trùm lên hầu hết Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh bác bỏ phán quyết, gọi đó là « một tờ giấy lộn ».
Ông Sounry nói rằng mọi ý kiến cho là Trung Quốc đã mua sự ủng hộ của Cam Bốt qua việc cho vay 600 triệu đô la một tuần trước khi hội nghị diễn ra, là một sự « sỉ nhục ». Theo ông, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã đồng ý không nêu phán quyết của Tòa Trọng tài trong thông cáo chung.
Thế nhưng, trong hôm qua, Philippines cho biết đã « thúc đẩy mạnh mẽ » để nêu phán quyết Biển Đông vào thông cáo. Tuy nhiên, ông không cho rằng việc thông cáo chung ASEAN không đề cập đến vấn đề này là một chiến thắng ngoại giao của Bắc Kinh.
Trung Quốc luôn kiên quyết ngăn trở việc khối ASEAN có được một lập trường chung về Biển Đông, nhất quyết đòi thương lượng song phương với các quốc gia thành viên có tranh chấp vốn nhỏ yếu hơn, nhằm chiếm thế thượng phong.

Thông cáo chung

ARF không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng Tài

Trong bản Tuyên Bố đúc kết hội nghị, chủ tịch Diễn Đàn Khu Vực ASEAN đã nêu lại quan điểm của 27 thành viên, trong đó có một số vấn đề đang gây tranh cãi là tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều nước ASEAN, và hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD do Mỹ bố trí tại Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đến từ Bắc Triều Tiên.
Về Biển Đông, nội dung bản Tuyên bố ARF hầu như lập lại nguyên văn những gì từng được nêu lên nhân diễn đàn trước đó tại Kuala Lumpur, nêu lên mối “quan ngại sâu đậm” của “nhiều ngoại trưởng”, hàm ý phản ánh bất đồng vẫn tồn tại giữa các nước trong Diễn Đàn – trước các hành động bồi đắp và “leo thang hoạt động” tại Biển Đông.
Phần nói về Biển Đông được cho là một thắng lợi đối với Trung Quốc, cũng đã bịt miệng được Diễn Đàn ARF, không cho đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông bất lợi hoàn toàn cho Bắc Kinh.
Nếu được cho là đã thắng lợi trên vấn đề Biển Đông, thì Trung Quốc lại đã thất bại trong việc đòi Diễn Đàn ARF bày tỏ quan ngại về việc Mỹ và Hàn Quốc thiết lập hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, một điều bị Bắc Kinh cho là đe dọa an ninh của Trung Quốc và ổn định trong vùng.
Tuyên bố của chủ tịch ARF đã nêu bật vấn đề Triều Tiên, điểm lại một cách cụ thể một loạt hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, kêu gọi Bắc Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, điều không thấy trong Tuyên Bố năm 2015. Thế nhưng, không thấy nói gì đến hệ thống THAAD như Bắc Kinh từng đưa vào dự thảo ban đầu của bản Tuyên Bố ARF, chứng tỏ rằng đề nghị của Trung Quốc không được tán đồng.

Biển Đông : Philippines sẽ áp dụng phán quyết PCA

để đàm phán với Trung Quốc

Trong buổi ăn trưa làm việc ngày 27/07/2016 tại Manila với ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tân tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định áp dụng phán quyết của Tòa Trọng Tài trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông. Đồng thời, ông Duterte cũng không ngần ngại chỉ trích chính sách an ninh của Hoa Kỳ và công khai cởi mở với Trung Quốc.
Hãng tin AP, trích phát biểu của phát ngôn viên tổng thống, ông Ernesto Abella, cho biết : « Trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, tổng thống sẽ bắt đầu bằng phán quyết của Tòa. Đó là nền một nền tảng ». Ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye đã ra phán quyết có lợi cho Philippines và bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngoài chủ đề tranh chấp tại Biển Đông, hai bên còn trao đổi về sở thích cá nhân như xe máy và đi săn, cùng với nhiều chủ đề quan trọng khác như đấu tranh chống khủng bố, nạn bạo lực cực đoan và Hoa Kỳ muốn liên tục hỗ trợ Manila trong chiến dịch này chống buôn bán ma túy. Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ toàn diện và tuyên bố Mỹ hỗ trợ 32 triệu đô la để giúp tăng cường huấn luyện quân đội Philippines.
Ông Mark Toner, phát ngôn viên của ngoại trưởng Mỹ, cho biết, trong bữa ăn, ông Kerry chúc mừng chiến thắng của tổng thống Duterte, người được ông đánh giá là thể hiện được sức mạnh và sức sống của nền dân chủ Philippines.
Cả hai bên tái khẳng định mối quan hệ thân thiết giữa hai đồng minh lâu năm. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên tổng thống Philippines, ông Duterte cũng nhắc lại quá khứ : « Làm thế nào mà Mỹ và các cường quốc thực dân nước ngoài khác lại gây ra rất nhiều nỗi đau trong lịch sử… đặc biệt là đối với người dân trên đảo Mindanao ». Ông muốn nói đến khu vực phía nam Philippines, nơi tổng thống Duterte từng giữ chức thị trưởng thành phố Davao trong vòng nhiều năm.
Ông Duterte khẳng định sẽ là một tổng thống cánh tả và sẽ vạch định một chính sách đối ngoại không lệ thuộc vào Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh đến những lợi ích có ảnh hưởng tích cực đến mối bang giao với Bắc Kinh, trong đó có dự án tài trợ các dự án đường sắt cho Philippines.
Trước đó, trong tháng Bẩy này, trong một bài diễn văn trước cộng đồng người Hồi Giáo, ông Duterte đã lên án sự can thiệp của Mỹ vào xung đột tại Irak và nhiều quốc gia Trung Đông và cho rằng chính sách can thiệp của Mỹ bị trả giá bằng những vụ tấn công khủng bố trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Dưới thời tổng thống Benigno Aquino, Philippines duy trì mối quan hệ nguội lạnh và căng thẳng với Trung Quốc, nhưng lại tăng cường quan hệ an ninh với Hoa Kỳ để ngăn chặn tham vọng chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Cũng trong ngày 27/07, tổng thống Duterte đã triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về chiến lược của chính phủ trong việc đàm phán với Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp tại Biển Đông. Bốn cựu tổng thống cũng được mời tham gia buổi họp tại dinh tổng thống, Fidel Ramos, Joseph Estrada, Gloria Macapagal Arroyo và Benigno Aquino. Cuộc họp với bốn cựu tổng thống là sự kiện đầu tiên trong lịch sử của Philippines.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện