Tin Biển Đông – 30/07/2016

Tin Biển Đông – 30/07/2016

Mỹ đưa máy bay chiến lược B-1 tới Guam

trong lúc Biển Đông căng thẳng

Không quân Hoa Kỳ, ngày 28/07/2016, ra thông báo cho biết sẽ tiến hành triển khai máy bay ném bom chiến lược B-1 tại căn cứ Guam, Thái Bình Dương, cách Biển Đông khoảng 2000 hải lý. Đây là lần đầu tiên kể từ 10 năm qua, Không quân Mỹ đưa máy bay B-1 đến Guam.
Thông cáo của Không quân Hoa Kỳ cho biết : Các phi đội B-1 có nhiều kinh nghiệm tác chiến trong khu vực Thái Bình Dương, giúp nâng cao đáng kể khả năng tấn công nhanh, rộng, trấn an các đồng minh của Mỹ và tăng cường an ninh, ổn định trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Việc điều máy bay ném bom chiến lược B-1 cùng với khoảng 300 phi công và nhân viên kỹ thuật đến Guam là nhằm thay thế cho loại oanh tạc cơ B-52 và trong khuôn khổ kế hoạch của bộ Quốc Phòng Mỹ muốn chuyển khoảng 60% lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ tới vùng Thái Bình Dương, từ nay đến 2020.
Theo nhận định của báo Japan Times, kế hoạch triển khai này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông, sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực này.
Trong thời gian qua, Hoa Kỳ thường xuyên tố cáo Trung Quốc tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông và Washington đã điều nhiều tàu chiến đi sát vào những thực thể địa lý mà Bắc Kinh kiểm soát, nhân danh quyền « tự do lưu thông hàng hải ».
Hồi tháng Ba vừa qua, báo chí đưa tin là Washington đang tiến hành đàm phán với Canberra về việc điều động oanh tạc cơ chiến lược B-1 đến Úc.
Với tầm hoạt động 9400 km, việc triển khai B-1 tại Guam và Úc sẽ cho phép loại oanh tạc cơ này hoạt động dễ dàng trong khu vực Biển Đông.
Theo giới chuyên gia quân sự, oanh tạc cơ chiến lược B-1, tuy đã hoạt động từ 30 năm qua, nhưng có tốc độ cao, tầm hoạt động lớn và và khả năng bay thấp, sẽ tạo ra nhiều lợi thế để đối phó với chiến lược « ngăn chặn và chống tiếp cận » của Trung Quốc.
Gần đây, Trung Quốc cũng thông báo điều động oanh tạc cơ H6-K, có khả năng mang bom nguyên tử, đến hoạt động ở vùng Biển Đông.
Mỹ triển khai 2 máy bay do thám ở Singapore
Báo Straits Times, ngày hôm qua, 29/07/2016, cho biết, hai máy bay do thám hiện đại của Mỹ tham gia cuộc tập trận chung giữa hải quân Hoa Kỳ và Singapore và hai máy bay này sẽ tiếp tục hiện diện ở quốc đảo cho đến giữua tháng Tám.
Hai máy bay do thám P-8A Poseidon, sẽ xuất phát từ căn cứ không quân Paya Lebar của Singapore để tham gia vào cuộc tập trận chung giữa hai nước, từ 15/07 đến 12/08.
Theo giới chuyên gia quân sự, máy bay P-8A Poseidon ngoài nhiệm vụ tuần duyên, còn tiến hành các hoạt động do thám, hỗ trợ nhiều Singapore bởi vì khả năng tuần duyên của không quân nước này còn yếu kém.
Các thông tin mà máy bay do thám P-8 thu thập được không chỉ chia sẻ cho Singapore mà cả với các nước láng giềng trong khu vực.

Campuchia tuyên bố

đang nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông

Ngoại trưởng Campuchia, Prak Sokhon, loan báo nước ông đang nỗ lực sau hậu trường để dàn xếp tranh chấp Biển Đông giữa đồng minh Trung Quốc với các đối tác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông Sokhon bác cáo giác cho rằng Campuchia đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, ngăn chặn việc phát hành tuyên bố chung ASEAN mấy ngày trước đây trong tuần.
Ngoại trưởng Campuchia nói với báo giới ngày 29/7 tại Phnom Penh rằng: “Campuchia đã làm gì trong vấn đề này? Trước tiên, [Campuchia] duy trì lập trường chính đáng của mình rằng sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp, và đặc biệt đã góp phần đáng kể ngăn không cho tình hình Biển Đông rơi vào bầu không khí suy thoái thông qua việc tạo điều kiện cho tất cả các bên liên quan”.
Ông Sokhon nói Philippines, nước vừa thắng vụ kiện bản đồ lưỡi bò ra tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc, đã đồng ý không đưa vào tuyên bố chung cụm từ đề cập tới việc các nước liên quan trong tranh chấp ‘tôn trọng hoàn toàn tiến trình pháp lý và ngoại giao’, ý muốn nhắc tới phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.
Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, ca ngợi hành động của Campuchia giữ phiếu trắng trong việc ra tuyên bố chung ASEAN sau phán quyết vừa kể của tòa.
Trước đó trong tháng này, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố đồng ý nhận thêm 600 triệu đô la từ các nguồn viện trợ và khoản vay từ Trung Quốc, mà tin nói, hầu đổi lấy sự ủng hộ ngoại giao trong vấn đề Biển Đông.
Ông Chheng Vannarith, một nhà phân tích chính trị chuyên về khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhận xét Campuchea khó lòng duy trì bộ mặt trung lập trong khi vẫn tiếp tục chấp nhận các gói viện trợ khổng lồ như thế từ đồng minh cường quốc phương bắc.
Ông Vannarith nói: “Thúc đẩy cái gọi là vô tư trung lập nghĩa là nếu chúng ta không có thêm các bạn hàng và các đối tác kinh tế khác ngoài Trung Quốc, chúng ta không thể thật sự độc lập”.
Bình luận của Ngoại trưởng Campuchia được đưa ra sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin tới Trung Quốc trong tuần này, gặp gỡ một số quan chức cấp cao, bao gồm Phó Chủ tịch Trung Quốc.

Tàu cá Đài Loan tới Ba Bình Trường Sa

để khẳng định chủ quyền của Đài Bắc

Hãng thông tấn Đài Loan CNA, ngày hôm qua, 29/07/2016, đưa tin, bốn tàu cá Đài Loan sẽ tới đảo Thái Bình (tên quốc tế là Itu Aba, mà Việt Nam gọi là Ba Bình) ở Trường Sa vào Chủ Nhật, 31/07.
Chuyến đi này nhằm khẳng định chủ quyền của Đài Loan đối với đảo Ba Bình, sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, trong phán quyết công bố ngày 12/07, coi Ba Bình chỉ là một bãi đá, có lãnh hải 12 hải lý và không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Đài Loan chiếm giữ Ba Bình từ năm 1946.
Bốn tàu cá Đài Loan xuất phát từ cảng Bình Đông, ngày 20/07. Một chiếc sẽ tới Ba Bình vào Chủ Nhật, 31/07, ba tàu còn lại tới đây vào thứ Hai, 01/08. Cả bốn tàu không được phép neo đậu tại Ba Bình vì chuyên chở một nhóm phóng viên truyền hình Hồng Kông Phoenix TV.
Sau khi được tiếp nước, lương thực, cả bốn tàu sẽ rời Ba Bình vào chiều thứ Ba 02/08.

Cam Bốt phàn nàn bị cáo buộc oan về Biển Đông

Chính quyền Phnom Penh đã bị một số nước trong khối ASEAN trách nhầm là có thái độ không thẳng thắn và đã cản trở việc đưa ra một thông cáo chung của khu vực về phán quyết Biển Đông. Trên đây là tuyên bố của ngoại trưởng Cam Bốt Prak Sokhonn trước giới báo chí ngày 29/07/2016.
Theo tường thuật của tờ Cambodia Daily, phát biểu trong buổi họp báo, ngoại trưởng Sokhonn cho hay, một số truyền thông và nhiều nhà ngoại giao nước ngoài đã trách lầm Cam Bốt là cản trở việc đưa phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA) về Biển Đông vào trong bản thông cáo chung của khối ASEAN.
Ông nói: “Tôi không muốn nói về những chuyện nội bộ của ASEAN, nhưng Cam Bốt đã chịu đựng quá nhiều bất công. Họ cáo buộc chúng tôi đã gây những cản trở bởi vì họ có những lợi ích riêng, nhưng Cam Bốt cũng cần bảo vệ những lợi ích riêng của mình”.
Theo ngoại trưởng Cam Bốt, “tình hình Biển Đông xuống cấp, nhất là sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đưa ra vào ngày 12/7 và đã làm cho một số bên nghĩ rằng họ đã giành được thắng lợi và số khác thì bác bỏ quyết định trên”.
Đối với ông Sokhonn, việc đưa phán quyết này vào trong thông cáo chung của ASEAN chỉ dẫn đến đối đầu với Trung Quốc một cách vô ích. Trung Quốc đương nhiên sẽ bác bỏ. “Vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Tình hình có thể sẽ còn xuống cấp hơn và làm gia tăng nguy hiểm cho khu vực”.
Khi bị chất vấn về khoản hỗ trợ tài chính hơn 600 triệu đô la từ Trung Quốc, ngay sau khi có phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, ngoại trưởng Cam Bốt đã khẳng định rằng điều này không làm thay đổi lập trường của Phnom Penh về Biển Đông là độc lập và trung lập.
Ông nói: “Cam Bốt không hưởng được lợi lộc gì khi ủng hộ bất kỳ ai. Chúng tôi chỉ muốn giữ thái độ trung lập”.
Theo trích dẫn của tờ Cambodia Daily, một số tờ báo trong khu vực đã chỉ trích vai trò trách nhiệm của Cam Bốt về việc ASEAN không thể đưa phán quyết vào trong thông cáo chung.
Hãng Kyodo trích dẫn một nguồn tin ngoại giao Cam Bốt ẩn danh cho biết một số thành viên khác trong khối ASEAN đã cảm ơn Cam Bốt đã “làm cho Trung Quốc cảm thấy hài lòng” với ASEAN.
Bất chấp khẳng định của ngoại trưởng Cam Bốt, một số chuyên gia trong khu vực tỏ ra nghi ngờ về vai trò trung lập của Phnom Penh. Ông Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, đại học Chulalongkorn, tại Bangkok nhận định về vai trò trung lập “tương đối” vì Cam Bốt khó có thể trung lập với Trung Quốc và ASEAN cùng một lúc.
Vị chuyên gia này còn cho rằng việc gạt phán quyết của Tòa về Biển Đông ra khỏi thông cáo chung rất có thể tác động lên mối quan hệ giữa Cam Bốt với các thành viên khác trong ASEAN.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?