Giới chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả trừng phạt Bắc Triều Tiên

Theo RFI

mediaNgoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tiếp đồng nhiệm Mỹ John Kerry (T), Bắc Kinh, ngày 27/01/2016REUTERS
Vào lúc một loạt đề nghị mới nhằm tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên đang được lưu hành tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thì giới chuyên gia ở Trung Quốc và Hàn Quốc tỏ nghi ngờ về hiệu quả của những biện pháp này trong việc buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Sau khi thương lượng với Trung Quốc, ngày 25/02, Hoa Kỳ đã trình lên Hội Đồng Bảo An một dự thảo nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên trên một phạm vi rộng lớn hơn sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào ngày 06/01 và bắn thử tên lửa tầm xa ngày 07/02 ; cả hai hành động này của Bình Nhưỡng đều vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Dự thảo của Mỹ bao gồm những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất mà Hội Đồng Bảo An chưa bao giờ xem xét tới. Nếu được thông qua, nghị quyết sẽ yêu cầu các nước thành viên Liên Hiệp Quốc tiến hành kiểm tra mọi thương vụ đến và đi từ Bắc Triều Tiên, bằng đường bộ, đường biển hay hàng không. Văn bản cũng quy định cấm vận hoàn toàn về các loại vũ khí quy ước và các trang thiết bị dùng cả trong quân sự và dân sự. Bên cạnh đó, Bắc Triều Tiên bị cấm xuất khẩu một số khoáng sản, đặc biệt là than, quặng sắt…
Giáo sư Koh Yu Hwan, thuộc đại học Dongguk ở Seoul, được nhật báo New York Times trích dẫn, nhận định : « Chắc chắn là các biện pháp này sẽ gây thiệt hại cho Bắc Triều Tiên, nhưng tôi không nghĩ là các trừng phạt này gây tổn hại đến mức buộc Bắc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân ».
Giới chuyên gia điểm lại nhiều hạn chế của các trừng phạt mới mà Hoa Kỳ đề xuất.
Trước tiên, dự thảo nghị quyết không có biện pháp ngăn cấm nào đối với các trao đổi thương mại vùng biên trong lúc Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có hơn 1400 km đường biên giới chung. Văn bản cũng không yêu cầu các nước, đặc biệt là Trung Quốc, ngừng xuất khẩu dầu lửa cho Bắc Triều Tiên.
Tiếp theo, dự thảo nghị quyết trừng phạt không có tác động gì đối với hàng chục ngàn nhân công Bắc Triều Tiên đang làm việc trong các nhà máy, công trường xây dựng, trạm khai thác gỗ trong rừng ở Trung Quốc, Nga, Châu Phi và Trung Đông. Theo một số thẩm định, lao động Bắc Triều Tiên ở ngoại quốc hàng năm gửi về nước từ 200 đến 300 triệu đô la.
Ngay cả khi Trung Quốc chấp nhận hạn chế nhập khẩu than và quặng sắt của Bắc Triều Tiên thì biện pháp này cũng không có hiệu quả vì ngay từ năm 2013, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm và Bắc Triều Tiên đã đẩy mạnh xuất khẩu lao động để bù đắp lại sự thiếu hụt ngoại tệ này.
Các chuyên gia và quan chức tại Seoul cho biết thêm, các đề nghị trừng phạt mới không ảnh hưởng tới hoạt động gia công may mặc được ký kết với các công ty Trung Quốc. Xuất khẩu hàng may vải sợi của Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc tăng từ 186 triệu đô la trong năm 2010 lên tới 741 triệu đô la trong năm 2014. Các hàng gia công này được làm trong các nhà máy do quân đội hoặc đảng Lao Động Triều Tiên quản lý.
Giới phân tích nhắc lại, cách tiếp cận của Trung Quốc để giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên khác về cơ bản so với Mỹ hoặc Hàn Quốc. Bắc Kinh nhấn mạnh là trừng phạt không nhằm đẩy Bắc Triều Tiên rơi vào tình trạng mất ổn định. Đây dường như chỉ là một lời cảnh cáo đối với Bình Nhưỡng về những hậu quả phải hứng chịu nếu tiếp tục một vụ thử hạt nhân khác và buộc Bắc Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phá.
Theo các chuyên gia tại Trung Quốc, việc Bắc Kinh chấp thuận các đề nghị trừng phạt do Mỹ đưa ra là một sự tính toán của giới lãnh đạo Trung Quốc. Trong những tuần gần đây, Washington và Seoul tính tới việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Do vậy, Trung Quốc tìm mọi cách ngăn cản dự án này.
Giáo sư Trầm Đinh Lập (Shen Dingli), chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học Phục Đán (Fudan), Thượng Hải nhận định, « nếu không vì dự án THAAD thì có thể không có sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi chấp nhận trừng phạt Bắc Triều Tiên, thì vẫn còn có khả năng Trung Quốc thuyết phục Hoa Kỳ từ bỏ việc triển khai hệ thống THAAD ở ngay cửa ngõ Trung Quốc ».
Từ 2006 đến nay, Bắc Triều Tiên đã phải hứng chịu nhiều trừng phạt do tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa. Thế nhưng, các biện pháp này chỉ tác động hạn chế đối với nền kinh tế Bắc Triều Tiên, nhất là khi Trung Quốc – một trong năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An - không chấp nhận các trừng phạt mạnh mẽ, triệt để nhắm vào đồng minh Bắc Triều Tiên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?