Ngồi

Phan Thanh Tâm   

Thứ Bảy, ngày 27 tháng 2 năm 2016


Ai cũng phải có lúc ngồi. Chẳng ai có thể đi đứng mãi. Chỉ có người bệnh nặng mới phải nằm hoài thôi. Theo Việt Nam Tự Điển của nhà sách Khai Trí ở Saigon ấn hành năm 1970 ngồi là đặt đít xuống hoặc gặp chân lại cho đít hỏng. Có tới hơn trăm lối ngồi: ngồi bẹp, ngồi bệt, ngồi trệt, ngồi chem bẹp, ngồi lì, ngồi chóc ngóc, ngồi xó ró, ngồi xếp bằng, ngồi ngom ngỏm, ngồi nhao nháo, ngồi tót, ngồi một đống, ngồi buồn, ngồi cho hỏ, ngồi chong ngóc, ngồi chum hum, ngồi ghé, ngồi xếp chè he... nhưng tôi không thấy tự điển nói tới lối ngồi được viết 
 trong Những Lời Dạy Từ Các Thiền Sư Việt Nam (Teaching From Ancient Vietnamese Zen Masters ).                              

Sách này là bản dịch tiếng Anh kèm theo bản tiếng Việt về kho tàng pháp báo của Phật Giáo Việt Nam. Ngoài phần dịch, cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải còn viết phẩm bình bằng tiếng Anh và dịch luôn sang tiếng Việt. Đây là những bài pháp, bài thơ và kệ của các thiền sư trải dài 16 thế kỷ, từ Ngài Khương Tăng Hội, vị khai tổ của Phật Giáo Việt Nam ở thế kỷ thứ ba sau Tây lịch đến thế kỷ 19. Tác phẩm “chứa đựng tất cả những tinh yếu của Phật Pháp, đặc biệt và nổi bật nhất là về thiền”.

Trong  lời giới thiệu, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu cho biết, tác phẩm trên do Tu Viện Pháp Vương thành phố Escondido, Quận San Diego, California ấn hành, không bán và do cư sĩ  Nguyên Giác Phan Tấn Hải thực hiện. Cư sĩ Nguyên Giác đã sưu tập các bản tiếng Việt được nhiều người dịch từ những bài thi kệ quý giá của chư tôn thiền đức sáng tác bằng tiếng Hán. Sách có 90 bài. Bài Ngồi là bài đầu tiên trong tập sách:

Ngồi.

Có ba lối ngồi theo đạo.
Một là ngồi sổ tức.
Hai là ngồi tụng kinh.
Ba là ngồi vui nghe kinh.  Đó là ba.

Ngồi có ba cấp.
Một là ngồi hiệp vị.
Hai là ngôi tịnh.
Ba là ngồi không có kết.

Ngồi hiệp vị là gì?
Là ý bám lấy hạnh không rời, đó là ngồi hiệp vị.

Ngồi tịnh là gì?
Là không niệm nghĩ, đó là ngồi tịnh.

Ngồi không có kết là gì?
Là kết đã hết, đó là ngồi không có kết.

Khương Tăng Hội (Giới thiệu Kinh An Ban Thủ Ý. Bản dịch TT Trí Siêu Lê Mạnh Phát.)

(Bình: Khi niệm hơi thở, bạn cũng đang niệm tâm của bạn. Sau đó bạn sẽ thấy tâm của bạn trở thành một với hơi thở. Khi niệm các hành động của thân, như lúc này là ngồi, bạn cũng đang niệm tâm của bạn. Rồi bạn sẽ thấy thân và tâm là một. Nhìn vào tâm bạn, bạn thấy các niệm đến rồi đi, hệt như sóng lên rồi xuống. Khi bạn thấy không niệm nào khởi, tâm bạn sẽ an tĩnh như mặt hồ phẳng lặng.)

Tôi gửi điện thư hỏi cư sĩ Nguyên Giác; người đã tặng tôi cuốn sách này: “nhờ ông cho biết thêm về thế ngồi trong bài NGỒI trang 15 của cuốn những lời dạy”.  Ông bạn Phan Tấn Hải trả lời như sau [“ Đó là lời người xưa. Thực ra, không cần ngồi, vì tu là cả đi đứng nằm ngồi đều an tâm.
Đó là cốt tủy thiền tông”.]

Một cuốn sách khác: ”BHÀVANÀ Thiền Phật Giáo Toát Yếu”  [BHÀVANÀ A Manual of Buddhist Medictation] của Bhikkhu T. Seelananda do cư sĩ Liễu Pháp Tôn Thất Đào chuyển ngữ tặng. Tác giả cuốn sách là một vị sư Nam Tông kỳ cựu, người nước Tích Lan (Sri Lanka). Ngài đến Bắc Mỹ giảng dạy Phật pháp và phương pháp thiền tập. Hiện nay ngài là Phó Viện Trưởng Tu Viện Bhavana Society Forest Monastery, High View, West Virginia

Mục đích cuốn sách ngắn này là để giảng nghĩa sáu phương pháp thiền theo giáo pháp nguyên thủy của Bậc Chánh Giác và truyền thống Nam Tông Theravada. Sách do khoảng hơn 30 thiền sinh ở chùa Phật Ân Minnesota đóng góp để ấn tống. Sách có 40 trang để tặng không bán. Thiền sinh Nguyễn Đình Đại Lộc cho biết, nhóm Thiền sinh hoạt hàng tuần mỗi sáng thứ Bảy từ 7am-9am. Nhóm do cư sĩ Liễu Pháp thành lập từ  năm 1990

Trong sách kể ra ba thế ngồi mà tôi không thấy trong tự điển nói trên do Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu biên soạn và Lê Ngọc Trụ hiệu đính. Đó là: ngồi kiết già (giữ hai chân tréo trong hai bắp vế, để hai tay vào lòng và hai ngón cái với hai ngón trỏ làm thành một vòng tròn); ngồi bán già (đặt chân chồng lên chân kia và giữ tay vào lòng hay trên đầu gối); kiểu ngồi dễ dàng (kiểu “Kiểu Miến Điện” đặt một chân đằng trước chân kia và giữ tay vào lòng hay trên đầu gối).

Sách cho biết thiền sẽ giúp cho ta tìm thấy một ít thư giãn, an bình; giúp phát triển sức mạnh để đối đầu; tạo lòng tự tin; giúp hiểu được bản chất của đời sống; giúp ta bằng lòng với chính mình; giúp ta vượt qua sự ghét bỏ, nóng giận; giúp hiểu được bản chất của nhục dục; giúp ta trau dồi kiến thức, tăng trưởng tâm ta, phát triển ý chí để vượt qua sự yếu ớt và hiểu được lý do của sự sợ hãi. Thiền có thể hấp dẫn mọi người ở  mọi tầng lớp.

Sách  Những Lời Dạy Từ Các Thiền Sư Việt Nam (Teaching From Ancient Vietnamese Zen Masters) ấn  tặng tháng 12,2010. Địa chỉ  liên lạc: Phap Vuong Monastery, 715, Vista AvenueEscondidoCA 92026. Và sách BHÀVANÀ Thiền Phật Giáo Toát Yếu ấn tặng năm 2015. Bìa sau đề: Minnesota Buddhist Vihara, 3401 N 4th StMinneapolisMN 55412; email: info@mnbv.org. 

ngồi bắt chéo chân: hại cho sức khỏe? 

Khoảng tháng 10/2015 trang web của đài BBC có một bài về Ngồi. Tựa đề: ngồi bắt chéo chân: lịch lãm hay tai hại của Claudia Hammond. Theo tác giả số người ngồi bắt chân trái lên chân phải ít hơn số người ngồi bắt chân phải lên chân trái. Bài báo viết “Việc giữ nguyên tư thế trong nhiều tiếng đồng hồ có thể dẫn đến một hội chứng gọi là tê liệt dây thần kinh xương mác, khiến bạn không thể nâng phần nửa trên của bàn chân và các ngón chân”.  (1) 

Bài báo còn cho hay, một số người khác lại không thích ngồi bắt chéo và thay vào đó là ‘ngồi dạng chân’, hướng đầu gối về hai phía ra ngoài. Và bất cứ ai ngồi cạnh bạn trên tàu hay trên xe buýt sẽ rất cảm kích nếu bạn chiếm ít chỗ hơn những người ngồi dạng chân. Đến năm 2010, bảy nghiên cứu đã chứng minh rằng việc ngồi bắt chéo chân trên thực tế có thể làm tăng huyết áp, trong khi một nghiên cứu khác cho rằng điều này không gây nên sự khác biệt gì. Bài báo đặt câu hỏi: Thế nhưng liệu việc tránh bắt chéo chân có giúp bạn khoẻ mạnh hơn? Có hai nguyên nhân được cho là có thể giải thích vì sao việc ngồi bắt chéo chân khiến huyết áp tăng tạm thời. Một là do việc đặt đùi này lên trên đùi kia làm tăng lượng máu đẩy đi từ tim, khiến huyết áp tăng. Hai là huyết áp tăng vì các cơ chân vận động mà không cần sự di chuyển của các khớp xương, làm tăng lực cản đối với lượng máu đi qua các mạch máu. 

Bài báo còn cho biết, khi chúng ta đi đo máu, bác sỹ hoặc y tá thường yêu cầu bệnh nhân đặt tay trên bàn hoặc trên ghế và không ngồi bắt chéo chân. Lý do là vì việc ngồi bắt chéo chân sẽ ảnh hưởng tới kết quả khám do làm tăng huyết áp. Việc ngồi khoanh chân có vẻ như làm tăng huyết áp tạm thời, nhưng bằng chứng về những hậu quả lâu dài thì chưa có.  Thực tế cho thấy chỉ số huyết áp cao hơn khi bệnh nhân ngồi vắt chân, nhưng khi việc đo huyết áp được thực hiện chỉ ba phút sau khi người đó hết ngồi vắt chân, huyết áp lại quay lại mức bình thường. Những người có huyết áp tăng cao nhất khi ngồi bắt chéo chân thường là những người đã được điều trị vì bệnh cao huyết áp.

Mặt khác, hai câu thơ trong truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu Khoan khoan ngồi đó chớ ranàng là phận gái ta là phận trai và hai câu thơ trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du buồn trông gió cuốn mặt duềnh, ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi  thường được nhắc tới không phải vì lối ngồi của hai người đẹp Nguyệt Nga và Thúy Kiều mà vì phong cách và định mệnh của các nhân vật trong hai truyện. Truyện của cụ Đồ Chiểu thể hiện cái hào khí của dân Nam kỳ: ‘giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”. Truyện của cụ Nguyễn Du thì nói về chữ tài chữ mệnh và cái nhân cái quả do mình tạo ra trong đạo Phật.

Lục Vân Tiên được sáng tác từ cuối thê kỷ 19. Trên đường đi lên kinh ứng thi chàng trai 16 tuổi đánh tan một bọn cướp hung hãn; cứu thoát hai thiếu nữ Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên. Khi nghe Nguyệt Nga ngồi trong kiệu vọng ra muốn tạ ơn Lục Vân Tiên đã chối từ vì làm ơn há dễ trông người trả ơn. Đó là  “tinh thần Lục Vân Tiên”, được thể hiện rõ trong đời sống ở miền Nam từ khi miền đất này được khai phá cho tới ngày Sài Gòn bị đổi tên thành TP Hồ Chí Minh mà có người gọi là TP (tội phạm) Hồ Chí Minh.   

Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ!
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

Hai câu khoan khoan ngồi đó chớ ra; nàng là phận gái ta là phận trai đã tóm gọn cái văn hóa thời xưa: trai thời trung hiếu làm đầu; gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. Lục Vân Tiên đã cứu cuộc đời trong trắng của Kiều Nguyệt Nga. Để đền đáp lại nàng tự xem mình như đã thuộc về người hùng hào hiệp: “thiếp nguyện một tấm lòng ngay với chàng”.  Truyện Lục Vân Tiên cũng như truyện Kiều được sáng tác theo thể lục bát. Truyện của cụ Đồ Chiểu có tính truyền dạy đạo lý làm người. Chính thắng tà có hậu dù gặp trắc trở; về sau đôi trai tài gái sắc sum vầy hạnh phúc. 


Còn truyện Kiều được cụ Nguyễn Du viết từ đầu thế kỷ 19. Nàng Kiều đã trở thành biểu tượng cho cái Mệnh Bạc của người Tài Sắc, cái Ngang Trái, long đong trôi sông lạc chợ của Khách Má Hồng. Bị lừa, bị “hãm hiếp" bởi Mã Giám Sinh, rồi Tú Bà làm nhục. Kiều dùng dao muốn kết liễu đời mình nhưng được cứu sống. Tú Bà bày kế mới, dụ Kiều ra ở lầu Ngưng Bích. Câu thơ ầm ầm tiếng sóng kêu quanh nghế ngồiđược trích trong tám câu thơ dưới đây cho thấy tâm trạng của kẻ bị sa cơ lỡ vận; ngồi đây mà không biết sẽ ra sao ngày sau; rồi sẽ trôi giạt về phương hướng nào? 

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.


Quanh ghế ngồi và quanh ngôi báu đều thường có âm mưu đen tối. Vì ngồi là một sinh hoạt tự nhiên không ai không ngồi nên có nhiều tục ngữ và thành ngữ liên hệ với ngồi: ngồi ăn núi lở; ngồi lê đôi mach; ngồi không nóng đít; ngồi trên lưng cọp; ngồi chơi xơi nước; ngồi lê nói hớ; ngồi mát ăn bát vàng; ngồi dai khoai nát; ngồi mà nghĩ, đứng mà suy, vàng còn phải chẩn huống gì thân em; ngồi buồn kẻ ruốc nhau ra, ruốc ông cũng thối, ruốc bà chẳng thơm; ngồi rồi sao chẳng xe gai, đến khi có cá mượn chài ai cho; ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương; ngồi buồn quấy nước trông trăng, nước trong, trăng lặn, buồn chăng hỡi buồn; nhớ ai bổi hổi bồi hồi, như đứng đống lửa, như ngồi đống than

Theo tôi, trong các câu thành ngữ về ngồi, câu Ngồi Chơi Xơi Nước có lẽ được nhiều người thích nhất. Vì sao? Vì ngồi chơi xơi nước ở đâu, lúc nào cũng đặng; không cần phải ngồi nghiêm chỉnh, đàng hoàng; không cần thích hợp cho sự thực tập, yên tĩnh, thuận tiện, ít bị quấy rầy. Người ngồi tha hồ mơ xa lại nghĩ gần; cứ để mặc dòng suy nghĩ lan man như quả bong bóng bay lơ lửng theo chiều gió; trông có vẻ suy nghĩ rất nhiều, nhưng thật sự chằng nghĩ suy gì cả mà thỉnh thoảng lại nhấm nháp đôi chút!  khoẻ re!

Thật ra, câu nói giỡn ngắn gọn này lưu hành trong câu văn, lời nói của mọi người rồi quen miệng trở nên thành ngữ. Nghĩa bóng của Ngồi chơi xơi nước là để nhắm đến các ông, các bà, các quan viên tuy còn tại chức nhưng vì thời thế đã mất quyền uy, mất thế, mất lực giờ còn ngồi đó chỉ là hư vị, không làm nên trò trống gì. Thành ngữ này còn có ý mỉa mai các con ông, cháu cha chẳng có tài cán chi nhưng được cất nhắc vào công quyền. Họ chẳng được cái tích sự gì ngoài việc ngồi chơi xơi nước. Có nghĩa là chỉ nghĩ quanh ghế ngồi; vì mất ghế là mất tất cả. 

Phan Thanh Tâm

Saint Paul, Dec 2015.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện