Điểm báo Pháp ngày 27-2-2016

Tham vọng Biển Đông của Trung Quốc đẩy Úc vào chạy đua vũ trang

mediaTrung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên một khu vực gần chiếm trọn Biển Đông. Trong ảnh, yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc, còn gọi là "đường lưỡi bò".Ảnh : UNCLOS/CIA
Các báo Pháp ra ngày cuối tuần chủ yếu tập trung vào các chủ đề nóng ở trong nước như cuộc khủng hoảng nông nghiệp, dự luật lao động mới đang gây chia rẽ sâu sắc trong đảng Xã Hội cầm quyền, hay châu Âu tiếp tục bế tắc và phân hóa trên hồ sơ di dân tị nạn. Về châu Á, chạy đua vũ trang trong khu vực châu Á Thái Bình Dương là một chủ đề nổi bật.
Nhật báo Le Monde trở lại với sự kiện Úc vừa công bố Sách trắng về quốc phòng qua bài viết : «  Úc đầu tư vào quốc phòng để kiềm chế Trung Quốc ».
Tờ báo cho biết : « là đồng minh lớn của Hoa Kỳ, Úc đang đầu tư mạnh vào quốc phòng. Chi phí quân sự của nước này trong 10 năm đã tăng gần gấp đôi. Trong Sách trắng quốc phòng vừa công bố, Úc cho biết ngân sách dành cho quân đội trong năm 2016-2017 sẽ lên đến 32,4 tỷ đô la Úc, tương đương khoảng 23 tỷ đô la Mỹ và đến năm 2025-2026, con số này sẽ tăng tới 58,7 tỷ đô la Úc, tức chiếm hơn 2% tổng thu nhập của nước này ».
Theo cuốn Sách trắng trên, lý do để Canberra đầu tư mạnh vào quốc phòng như vậy là vì nước Úc đang phải đối mặt với « môi trường chiến lược biến động và khó khăn nhất » chưa từng có trong thời kỳ hòa bình. Tài liệu quốc phòng của Úc lý giải thêm rằng trong vòng 20 năm tới, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ được đánh dấu bằng việc quân sự hóa mạnh mẽ tới mức độ mà nơi đây sẽ tập trung tới « một nửa số tầu ngầm và chiến đấu cơ của cả thế giới ».
Le Monde nhận thấy, thực tế diễn ra trong khu vực này thì chính sự trỗi dậy thành cường quốc quân sự của Trung Quốc mới là mối lo ngại chính của Úc. Bởi vậy mà Caberra yêu cầu Bắc Kinh phải minh bạch hơn nữa « trong chính sách quốc phòng, đặc biệt trên Biển Đông », nơi mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ và đó cũng vì thế mà làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Theo le Monde, quan điểm của Úc về Biển Đông là rõ ràng. Canberra «  phản đối xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông vì mục đích quân sự », nhất là trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và nhiều nước như Việt Nam và Philippines.
Le Monde nhắc lại việc quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc gần đây đã liên tục bị Hoa Kỳ tố cáo và Úc hồi giữa tháng này đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh « chấm dứt quân sự hóa » trên các đảo ở Biển Đông. Trước đó không quân Úc không giấu diếm việc đã tham gia vào các phi vụ tuần tra nhân danh bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải do Mỹ dẫn đầu.
Bênn cạnh các động thái cứng rắn, Le Monde ghi nhận, Úc vẫn muốn chơi « trò chơi thăng bằng », đẩy mạnh quan hệ quân sự với Trung Quốc, duy trì các quan hệ kinh tế vì dù sao Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Úc, đồng thời là nước nhập khẩu chủ yếu khoáng sản nguyên liệu của Úc.
Trong bối cảnh có nhiều biến động trong khu vực, chính sách quốc phòng của Canberra chủ yếu tập trung đầu tư vào lực lượng hải quân. Thủ tướng Úc Malcom Turnbull cho biết là hải quân Úc đang được nâng cấp trên quy mô lớn nhất từ « sau thế chiến thứ 2 » đến nay.
Với ngân sách 50 tỷ đô la, từ nay đến năm 2030, hải quân Úc có kế hoạch đặt đóng 12 tàu ngầm. Ngoài ra Úc sẽ trang bị thêm ba khu trục hạm, 9 hộ tống hạm và 12 tuần dương hạm. Trên không thì không quân được tăng cường thêm 72 chiến đấu cơ loại F-35. Quân đội Úc cũng phải tăng 2.500 nâng tổng số lên 62 400 người.
Đối lập Nga, phần hồn đã chết
Nhìn sang châu Âu, nhân sự kiện một năm lãnh đạo đối lập hàng đầu của Nga ông Boris Nemtsov bị ám sát, Libération có bài « đối lập Nga bị bóp nghẹt sau nhiều năm bị trấn áp ».
Bài báo phác họa bức tranh toàn cảnh phong trào đối lập ở Nga hiện nay cho thấy : «  những gương mặt dám thách thức quyền lực của ông Putin, khá nhất thì bị bị cô lập trong im lặng, tệ hơn thì sống lưu vong, bị cầm tù hoặc bị sát hại ».
Libération nhắc lại các cuộc biểu tình phản đối gian lận bầu cử để ông Putin trở lại nắm quyền hồi cuối năm 2011 đến giữa năm 2012 còn huy động được hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người tham gia. Khi đó dẫn đầu phong trào đối lập đó người ta còn thấy những tên tuổi ít nhiều khá nổi tiếng như các cựu bộ trưởng : Boris Nemtsov, Mikhail Kassianov và một số các nghị sĩ Vladimir Rijkov rồi cựu quán quân cờ vua thế giới Gary Kassparov hay Alexei Navalny, một blogger nổi tiếng chống tham nhũng. Ngoài ra còn có một số lãnh đạo các phong trào cực tả như Setrguei Oudaltsov….
Libération điểm lại thì thấy : « Bốn năm sau, đội ngũ đối lập kể trên giờ còn lại lưa thưa : Nemtsov thì bị giết hại, Oudaltsov thì ngồi tù còn Kasparov thì rời bỏ đất nước sang Mỹ sống và tờ báo nhận định : đối lập Nga đã chết phần hồn ».
Những người còn lại thường xuyên bị sách nhiễu, bị đe dọa bằng mọi hình thức thậm chí đến cả tính mạng. Nhiều người còn ý định hoạt động chính trị bị chính quyền tìm cách buộc tội đưa vào tầm ngắm của tư pháp.
Ngày càng có nhiều gương mặt đối lập không thể chịu đựng được những đòn tấn công nhằm vô hiệu hóa của chính quyền. Họ buộc phải chọn con đường rời bỏ đất nước sông lưu vong.
Bầu cử Iran : Vệ binh Cách mạng, thách thức chính của tổng thống Rohani
Chuyển qua với nhật báo le Figaro. Trang quốc tế của tờ báo dành ưu tiên cho cuộc bầu cử Quốc hội Iran với bài : «  Tại Iran, thách thức bầu cử của Vệ binh Cách mạng ».
Báo chí thường chỉ nói đến cạnh tranh của phe bảo thủ và phe cải cách của tổng thống Rohani. Nhưng dù kết quả của cuộc bầu cử thế nào thì tổng thống hiện nay của Iran vẫn phải kiêng nể lực lượng Vệ binh Cách mạng, một thế lực lớn ở nước Cộng hòa Hồi giáo.
Tờ báo nhận định, cuộc đọ sức giữa lực lượng Vệ binh cách mạng với tổng thống ôn hòa Rohani vẫn tiếp tục sau cuộc bầu cử hôm qua (26/02).
Nếu như ở Iran có Khamenei là lãnh tụ tinh thần cùng quyền lực chính trị tối cao thì những người của Vệ binh Cách mạng là một lực lượng cực kỳ có thế lực trên chính trường của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Những người lính trong lực lượng này sau nhiều năm phục vụ Cách mạng Hồi giáo đã xâm nhập sâu vào giới kinh doanh và ngày càng có nhiều người không giấu diếm tham vọng chính trị.
Theo Le Figaro, một chân bên kinh doanh, một chân cắm vào chính trị đó là công thức đã trở nên phổ biến của những người của Vệ binh Cách mạng, đặc biệt trong 8 năm dưới thời của tổng thống Mahmoud Ahmedinejad.
Tổng thống ôn hòa hiện nay không thể không tính đến thế lực có ảnh hưởng lớn trong nền chính trị Iran này. Le Figaro trích dẫn ý kiến của một chuyên gia nước ngoài ẩn danh cho biết : « Hiện tại 75% nền kinh tế Iran nằm trong tay Nhà nước và những người của Vệ binh Cách mạng kiểm soát phần lớn số 75% đó… Rohani sẽ phải thương lượng thỏa hiệp » với những người này, nhất là để không làm phật ý lãnh tụ tối cao Khamenei.
Pháp : Nông nghiệp tụt hậu, nhà nông phẫn nộ
Vấn đề nổi cộm của nước Pháp là nỗi phẫn nộ của nhà nông. Các báo chú ý đến chủ đề này, không chỉ vì từ hàng tháng nay nông dân ở khắp nơi của nước Pháp đã không ngừng bày tỏ sự phẫn nộ của mình bằng mọi cách, từ đập phá các công trình công cộng, bao vây trụ sở chính quyền, phong tỏa giao thông… mà còn vì hôm nay, tại Paris khai mạc Hội chợ nông nghiệp Pháp – Foire de Paris, một sự kiện hàng năm vẫn được ví như là chiếc tủ kính phô trương những thành quả nông nghiệp, từng là niềm tự hào của nước Pháp.
Giờ đây bộ mặt ngành nông nghiệp Pháp đã nhiều thay đổi. Theo đánh giá trên Le Figaro : « Trong chưa đầy 15 năm, Pháp đã tụt từ thứ hai xuống hàng thứ năm các cường quốc xuất khẩu nông sản trên thế giới ». Nông nghiệp Pháp đã bị các nước như Hà lan và Brazil vượt lên trên. Mô hình sản xuất nông nghiệp của Pháp đang gặp phải rất nhiều vấn đề : Tính cạnh tranh thấp do giá thành lao động tại Pháp cao, sản phẩm bị đè nén chồng chất bởi các chuẩn mực chung của châu Âu, chính sách nông nghiệp chung ngày càng lộ rõ nhược điểm và cuối cùng phải nói đến tác động của lệnh cấm vận của Nga.
Tóm lại toàn bộ ngành nông nghiệp Pháp đang rơi vào khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Chính phủ ý thức được điều này nhưng làm thế nào để thoát ra được thì chưa có câu trả lời. Le Figaro kêu gọi Nhà nước phải can thiệp ngay, ít nhất là phải có một vài quy định mới tháo gỡ dần những khó khăn cho người làm nông nghiệp.
Gianni Infantino đắc cử chủ tịch FIFA
Sự kiện ông Gianni Infantino được bầu chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới FIFA, ngày hôm qua được tất cả các báo ra hôm nay đều đang tải.
Thời sự trở nên quan trọng thu hút sự chú ý của dưluận bởi cuộc bầu cử này là hệ quả của một loạt các bê bối tham nhũng, quản lý bất minh đã phát nát định chế bóng đá lớn nhất thế giới này từ hơn nửa năm qua. Tuy nhiên chắc hẳn tân chủ tịch FIFA không phải là đấng cứu thế mà làng bóng tròn thế giới đang mong chờ để có thể dọn dẹp sạch sẽ hết những vết nhơ của FIFA.
Hầu hết các báo đều phân vân với câu hỏi liệu ông Infantion có thể làm được gì để dựng lại ngôi nhà chung đổ nát của làng bóng đá thế giới ? Giữa đống hồ sơ ẩn chứa bùng nổ như vụ lùm xùm trong việc trao quyền đăng cai Cúp thế giới 2022 cho Qatar, cho đến các nghi án tham nhũng vẫn còn đang trong quá trình điều tra của tư pháp, người kế tục của ông Sepp Blatter sẽ phải kế thừa một di sản nặng nề đầy rủi ro.
Trước mặt ông Gianni Infantino là thách thức lớn nhất như ông vẫn khẳng định trước và sau khi đắc cử là «  phục hồi hình ảnh của FIFA ». Muốn vậy ông tân chủ tịch chỉ có cách là dám dẹp bỏ toàn bộ hệ thống cũ dựa trên những mạng lưới quan hệ chằng chịt về quyền lợi, tiền bạc đã trở thành truyền thống của định chế dưới thời Sepp Blatter, như nhận định của tờ Le Parisien. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?