Khoảng cách giàu nghèo gia tăng: Báo động nguy cơ bất ổn


000_SAHK990502534410.jpg
Một cậu bé kéo cha mình đi ăn xin trên một đường phố Hà Nội. (minh họa)
 AFP PHOTO


Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016-02-28
Tại buổi họp để lấy ý kiền về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 đến 2016 của chính phủ và thủ tướng, chủ tịch Hội Đồng Dân Tộc là ông  Ksor Phước cho rằng khoảng cách giàu nghèo trong nước đã tới mức đáng báo động.
Nêu thí dụ điển hình về thực trạng khoảng cách giàu nghèo, ông Ksor Phước nói ông có đầy đủ số liệu để chứng minh khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng cao và điều  này sẽ gây bất ổn và xung đột xã hội.
Ông Nguyễn Trung, từng có thời là cố vấn cho thủ tướng Phan Văn Khải, nói rằng  khoảng cách giàu nghèo gây bất ổn xã hội là chuyện xảy ra ở mọi quốc gia:
“Nếu không giải quyết được, chữ nếu quan trọng lắm, đừng quên chỗ đó. Nói chung là khoảng cách giàu nghèo thì có ở mọi quốc gia, nước nào cũng có vấn đề này, nước nào cũng phải giải quyết thôi chứ không phải  riêng Việt Nam. Việt Nam là nước đang phát triển thì phải càng chú ý hơn nữa.”
Người nghèo nhìn thấy người giàu lên mà không tìm thấy sự chính đáng ở trong cái giàu đó thì sẽ gây ra sự bất bình. Rốt cuộc khi một đại bộ phận hay một phần  lớn người dân trong xã hội không vừa lòng với thực trạng hiện nay thì sự bất bình đó sẽ gây tình trạng bất ổn.
- ông Bùi Văn
Bác sĩ Hồ Hải, bác sĩ đang hành nghề trong nước, bày tỏ sự đồng tình với cảnh báo của ông Ksor Phước, vì ngành nghề của ông là tiếp xúc với con người nên ông nhận thấy trong 15 năm qua  khoảng cách giàu nghèo giữa người dân chừng như càng ngày càng rõ ràng hơn và có thể dẫn đến hậu quả là:
“Ông Ksor Phước nói đúng thôi, xã hội Việt Nam sẽ đi đến chỗ người dân nghèo cùng liên kết lại với nhau, đầu tiên là biểu tình rồi sau đó là đến những chuyện khác, đó mới là cái di hại. Nhưng mà ở bất cứ xã hội nào cũng có khoảng cách giàu nghèo, còn ở Việt Nam càng ngày càng đi xuống thì nó sẽ dẫn tới chuyện tức nước vỡ bờ thôi.”
Theo báo cáo của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội tháng Mười Hai 2015, sự  phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam càng ngày càng rõ nét, tình trạng bất bình đẳng về mức sống cũng gia tăng rõ ràng trong hai thập niên qua.
Giảng viên kinh tế của chương trình học Fulbright, ông Bùi Văn, khi một xã hội càng phát triển lên thì khoảng cách giàu nghèo đương nhiên càng xa ra:
“Người có tiền sẽ giàu lên nhanh hơn người không có tiền, xã hội càng giàu lên thì khoảng cách giàu nghèo tính theo tỷ lệ phần trăm càng ngày càng xa ra. 
Tôi nghĩ ông Ksor Phước muốn nói người nghèo nhìn thấy người giàu lên mà không tìm thấy sự chính đáng ở trong cái giàu đó thì sẽ gây ra sự bất bình. Rốt cuộc khi một đại bộ phận hay một phần  lớn người dân trong xã hội không vừa lòng với thực trạng hiện nay thì sự bất bình đó sẽ gây tình trạng bất ổn. Đây là chuyện đau đầu của tất cả các nước trên thế giới.”
Dưới mắt tiến sĩ Đặng Kim Sơn, viện trưởng Viện Chiến Lược Nông Nghiệp, tư vấn bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, 30  năm trước  một nửa số người Việt Nam sống dưới mức đói nghèo nhưng đến giờ chỉ còn vài phần trăm thôi. Với mức độ giảm tỷ lệ  nghèo chừng 2% một năm và liên tục trong 30 năm, ông nói, so với nhiều  nước cùng tốc độ phát triển thì Việt Nam tương đối là nổi hơn:
000_APH2000042410932.jpg
Một người chạy xích lô trong xóm lao động.
“Tuy nhiên điều lo lắng của ông Ksor Phước, chủ tịch Hội Đồng Dân Tộc trong quốc hội, là sự lo lắng hợp lý. Bởi vì trong 5 năm gần đây thì tăng trưởng nông nghiệp đã chậm lại, đói nghèo hiện nay tập trung nhiều vào những vùng khó khăn nhất là xa vùng sâu, miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Chính vì thế trong thời gian gần đây tốc độ giảm nghèo chậm lại. Song song với đó thì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp cũng chậm lại.”
Một thực trạng khác được chuyên gia tư vấn Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn chỉ ra là tuy khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị tương đối không quá lớn, nhưng khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và miền xuôi còn rất rộng:
“Và ngay trong nông thôn, khoảng cách giữa nhóm giàu và nhóm nghèo cũng chênh nhau đáng kể. Cho nên ý của ông Ksor Phước là  xu thế chung tức quá trình giảm nghèo đang càng ngày càng gặp khó khăn hơn, nghèo đang tập trung ở những nhóm yếu thế cả về dân tộc, cả  về địa bàn, cả về ngành nghề, cả về lãnh thổ. Với tốc độ tăng tốc nhanh ở những nhóm giàu ở đô thị, trong tầng lớp trung lưu, ở những vùng trọng điểm kinh tế... thì nguy cơ xảy ra mâu thuẫn, xung đột trong xã hội là một điều đáng lo ngại. Thực sự mà nói nhìn về tương lai thì cái thách thức khá là quan trọng, phải tính đến một cách rất nghiêm túc.”
Theo đánh giá của ông Ksor Phước, tuy công tác xóa đói giảm nghèo của chính phủ trong nhiệm kỳ qua đạt những thành tựu tốt đẹp nhưng nếu nhìn từ các góc độ thu nhập, giáo dục, y tế thì mới thấy cái nghèo hiện nay là nghèo cùng cực vì mỗi năm Nhà Nước phải xuất hàng trăm tấn gạo cứu đói cũng như chi trả hàng nghìn bảo hiểm cho người nghèo.
Vậy thế nào thì gọi là nghèo cùng cực, tiến sĩ Đặng Kim Sơn giải thích:
“Nghèo cùng cực là từ mang tính chất kỹ thuật. Hiện nay, trong phân loại của các chuyên gia, nhóm gặp rất nhiều khó khăn ở các tiêu chí căn bản nhất thì chia vào nhóm nghèo cùng cực. 
Điều đó không có nghĩa những người nghèo hiện nay đều bị dồn vào  cùng cực mà nghĩa là hiện nay những người còn  lại trong nhóm nghèo thường là những người ở nhóm  khó xử lý nhất, ý là như thế. 
Một điểm mới nữa trong phân loại mới của Việt Nam là tiêu chí nghèo hiện nay cũng nâng lên, những người trước đây không được coi là nghèo thì hiện nay bị coi là nghèo. Một điểm nữa là chúng ta chuyển sang nghèo đa chiều, tức trước đây chỉ tập trung  tiêu chí về thu nhập, về mức sống căn bản, về ăn uống... thì bây giờ tiêu chí về nghèo được nhìn nhận ra cả là quyền làm chủ rồi tiếp cận văn hóa rồi là chăm sóc sức khỏe. Như vậy có thể nói tiêu chí nâng lên thì sự đánh giá về nghèo nó rộng hơn và nó cũng khác trước nhiều.” 
Cũng tại  phiên báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của chính phủ và thủ tướng, chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế trong quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, bày tỏ sự lo lắng rằng nông nghiệp bị chững lại trong 5 năm qua đã dẫn đến sự sụt giảm rất lớn, kéo theo sự xuống dốc trong thu nhập của nông dân. Mặt khác, nông nghiệp sụt giảm còn khiến giá cả thị trường bấp bênh, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và xã hội.
Xã hội Việt Nam sẽ đi đến chỗ người dân nghèo cùng liên kết lại với nhau, đầu tiên là biểu tình rồi sau đó là đến những chuyện khác, đó mới là cái di hại.
- Bác sĩ Hồ Hải
Trong thời gian gần đây thì nông nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đi kèm với cạnh tranh gay gắt, kinh tế thế giới nói chung bị suy giảm nên khi sức cầu trên thế giới giảm thì sức cung của nông nghiệp cũng giảm, vì thế thu nhập của nông dân giảm. Gần đây miền Trung và Tây Nguyên hạn hán liên tục, phía Bắc trong thời gian vừa qua lạnh một cách đột biến khiến cho tình hình nông nghiệp càng gay go. Rõ ràng sản xuất nông nghiệp vừa qua gặp rất nhiều khó khăn và rõ ràng nông nghiệp giảm tăng trưởng liên tục 5 năm vừa qua sẽ làm tình trạng giảm nghèo bị ảnh hưởng. Đây là một trong những nguyên do quan trọng làm cho tốc độ giảm nghèo của Việt Nam thời gian gần đây chậm lại.” 
San bằng khoảng cách giàu nghèo đang dần tăng cao hầu có thể tránh được bất ổn xã hội là một công việc rất khó theo cái nhìn của giảng viên kinh tế chương trình Fulbright, ông Bùi Văn:
“Không bao giờ san bằng được. Việt Nam đang thiếu tầng lớp trung lưu. Trong xã hội phân ra đại khái là ba khối, một khối rất giàu, một khối trung lưu và một  khối nghèo. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam nhỏ so với qui mô của thế giới. Việt Nam cần phát triển tầng lớp trung lưu, phải cố gắng đưa càng nhiều người nghèo vào trong tầng lới trung lưu càng tốt chứ còn không thể nào san bằng, không thể nào xóa bỏ được cái phân biệt giàu nghèo. Xóa bỏ phân biệt giàu nghèo là quay trở lại thời kỳ mà muốn cào bằng tất cả.” 
Còn theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn thì:
“Hiện nay trong chương trình phát triển nông thôn của Việt Nam, gọi là chương trình phát triển nông thôn mới, rồi chương trình giảm nghèo bền vững và cả chương trình phát triển dân tộc thì chúng tôi đang tìm mọi  cách để mà lồng ghép, đưa nội dung xóa nghèo vào ngay trong nội dung phát triển, bảo đảm cho tất cả mọi người đều có cơ hội. Đấy chính là định  hướng mới mà Việt Nam đang cố gắng thực hiện bằng được.” 
Tòm lại, tiến sĩ Đặng Kim Sơn kết luận, phải làm sao để  tầng lớp nghèo được  hưởng sự ích lợi từ mọi quá trình phát triển, làm thế nào để ngay trong chính sách tăng trưởng, ngay trong chính sách phát triển đều bao  gồm kế hoạch hỗ trợ công ăn việc làm để cuộc sống người nghèo được thăng tiến, được nâng cao hơn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện