CHUYỆN CUỐI TUẦN Ở CỬA KHẨU TÂN SƠN NHẤT
29/05/2017
Anh Phan Châu Thành và chị Hà Thị Huệ Chi hiện đang sinh sống tại Warszawa, Ba Lan; mang hai quốc tịch. Hôm qua thứ bảy 27.5, hai vợ chồng đáp chuyến bay VN527 từ Thượng Hải về Tp.HCM lúc 18:40. Tại Tân Sơn Nhất, sau khi xuất trình passport Việt Nam, an ninh cửa khẩu đã giữ hộ chiếu, vé máy bay và mời anh Thành đi làm việc.
Sau hơn 5 tiếng thẩm vấn, Thành bị cấm nhập cảnh vì lý do an ninh. Vào 6:50 sáng nay 28.5, anh buộc quay lại Thượng Hải để bay tiếp qua Châu Âu về nhà!
*
Anh Thành kể lại. Trong buổi làm việc, bên an ninh đưa ra nhiều bản in trên trang Dân Luận, Dân làm báo ký tên Phan Châu Thành và bảo anh là tác giả. Thành phủ nhận, cho rằng chỉ trùng tên, anh không đủ trình để viết mấy bài như vậy; và cương quyết không ký biên bản. Rồi, mấy an ninh nói anh Thành ở Ba Lan có biểu tình chống Trung Quốc và phản đối Formosa trên facebook.
Rồi, an ninh bắt Thành phải ký cam kết sẽ không tham gia tổ chức chống phá nhà nước. Anh bảo, nếu ký là đến hôm nay chưa tham gia thì ký. Chứ mai sau biết thế nào mà ký. Thành hỏi, thế nào là chống phá. An ninh bảo, là không được đi biểu tình ^-^.
Thành cho biết, chẳng thà không về VN chứ Trung Quốc xâm lấn và với chuyện xả thải Formosa là vẫn chống đến cùng, vấn đề môi trường là cho tương lai, chứ chẳng phải cho anh. Và, Thành đã không mặc cả!
*
Anh Phan Châu Thành (1978) là doanh nhân, tốt nghiệp ngành Luật tại Đại học Warszawa năm 2006 và nhập quốc tịch Ba Lan 2012. Những năm gần đây, anh tham gia một số hoạt động phát triển cộng đồng; như kêu gọi kiều bào quyên góp ủng hộ chương trình Sách Hóa Nông Thôn, Nhà chống lũ… và nhiều công việc từ thiện khác.
Thành khẳng định, anh làm thiện nguyện chứ không phải nhà hoạt động đối kháng. Và hài hước, an ninh bảo anh chống Trung Quốc nhưng lại chịu tiền vé trả về Thượng Hải .
Không phải riêng Việt Nam, ở quốc gia nào cũng vậy, tới cửa khẩu an ninh là… vua, ha. Về luật pháp, vấn đề của những người mang song tịch cũng khá rối rắm. Tuy nhiên, câu chuyện của Phan Châu Thành có thể thấy tình hình an ninh trong nước đang xiết chặt.
*
Trong 5 tháng đầu của 2017, có ít nhất 8 vụ bắt giữ liên quan đến các nhà hoạt động XHDS, các nhà báo tự do và thanh niên công giáo.
Trước ngày 30.4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (K20) đã điều tới 8.000 quân và các lực lượng hỗ trợ canh giữ vùng Nghệ An – Hà Tĩnh bảo vệ quanh FMS. Vụ trấn áp ở Diễn Châu sau khi nhà hoạt động Hoàng Bình bị chặn xe bắt, là minh chứng cho sự hiện diện của các lực lượng án binh ở đây!
Mọi thứ đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các vụ hồi tố trách nhiệm – ồn ào như chuyện cựu Bí Thăng, gây hoang mang cho các doanh nghiệp và làm xấu đi môi trường đầu tư!
Việt Nam đang trong một trạng thái hiểm nghèo chưa từng có. Suốt 42 năm, có lẽ đây là lần hiếm hoi đất nước đối mặt với nguy cơ sụp đổ từ kinh tế lan sang chính trị!
***
Cập nhật từ anh Thành 12:35 ngày 28.5:
Vừa xuống Shanghai Pudong International Airport, đã có cảnh sát Trung Quốc ra ... tháp tùng. Hiện vẫn chưa cho nhập cảnh. Hai vợ chồng đang chạy loạn xạ từ phòng nọ ra phòng kia.
Trang Dân Luận phản hồi, cho biết: "Khẳng định, anh Phan Châu Thành không phải là tác giả các bài viết ký tên Phan Châu Thành đăng trên Dân Luận. Tác giả Phan Châu Thành không sống ở Ba Lan!".
*
Cập nhật lúc 15:30 chiều 28.5:
Sau hơn 2 tiếng chờ đợi tại Shanghai Pudong International Airport, vợ chồng Thành - Chi đã qua cửa khẩu an ninh, và đang chờ 9 tiếng để có máy bay về Ba Lan!
Anh Thành kể: "Hải quan Trung Quốc khá lịch sự và tử tế. Hôm qua tại Tân Sơn Nhất, an ninh đưa tôi biên bản trục xuất bắt ký. Lần đầu ghi lý do không có visa trong hộ chiếu Ba Lan, tôi bảo mình vào bằng passport VN mà. Sau đó lại sửa, ghi là vì lý do an ninh, nhưng tôi không đồng ý và yêu cầu phải ghi trong hộ chiếu VN. An ninh sân bay bảo… không thích, ghi một cái đủ rồi. Tôi nói, thế thì không ký. Bên kia nói, không ký cũng trục xuất à!".
Phan Châu Thành mang hộ chiếu Việt Nam và Ba Lan, đã bị trục xuất mà không có giấy tờ gì! Anh cho biết, sẽ nhờ luật sư kiện!
Vợ chồng Phan Châu Thành và Chi
Hải quan ở Thượng Hải trưa 28.5.
***
Một công dân Việt Nam bị cấm nhập cảnh Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất
Ông Phan Châu Thành (phải) và bà Hà Thị Huệ Chi (giữa) cùng ông Nguyễn Quang Thạch trong lễ trao giải UNESCO cho chương trình Sách hoá Nông thôn năm 2016. Ảnh: FB nhân vật.
Tối ngày 27/5/2017, ông Phan Châu Thành, một công dân Việt Nam và Ba Lan, bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Trao đổi với Luật Khoa tạp chí, bà Hà Thị Huệ Chi, vợ ông Thành, cho biết: “Tôi cùng chồng về Việt Nam lần này để giải quyết công việc. Chúng tôi cùng xuất trình hộ chiếu Việt Nam ở cửa khẩu nhưng tôi được nhập cảnh còn chồng tôi thì bị cán bộ xuất nhập cảnh dẫn vào một phòng riêng”.
Bà Chi được một nhân viên cửa khẩu nói rằng họ không có nghĩa vụ thông báo cho bà lý do ông Thành bị giữ lại. Tuy nhiên, khoảng hai giờ đồng hồ sau đó, bà liên lạc được với ông Thành qua điện thoại và được ông Thành nói rằng nhân viên an ninh đã tịch thu và mang đi tất cả giấy tờ của ông, bao gồm cả hộ chiếu và vé máy bay.
“Còn tôi thì được họ đưa cho vé lấy hành lý của cả tôi và anh Thành, nhưng cũng không thông báo gì thêm”, bà Chi nói.
Khoảng 12:00 đêm, bà Chi được một nhân viên an ninh thông báo ông Thành bị cấm nhập cảnh vì lý do “an ninh”.
“Tôi yêu cầu cung cấp văn bản thì họ từ chối, cũng không giải thích gì thêm, chỉ cho tôi chụp lại vé máy bay mới của anh Thành. Tôi nói rõ với họ là họ không có quyền cấm công dân Việt Nam nhập cảnh vào chính đất nước mình”, bà Chi cho biết.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo thông tin ghi trên vé, ông Phan Châu Thành sẽ phải rời Việt Nam trên chuyến bay VN522 khởi hành từ thành phố Hồ Chí Minh đi Shanghai (Thượng Hải) vào lúc 6:50 phút sáng ngày 28/5.
Nhầm lẫn của cơ quan an ninh?
Ngay khi làm việc xong với các nhân viên an ninh và có thể truy cập Internet trở lại, ông Thành đã thông báo trên Facebook: “Các đồng chí an ninh đưa một loạt bài trên Dân Luận/Dân Làm Báo ký tên Phan Châu Thành rồi bảo đấy là của mình, từ chối không cho nhập cảnh. Vấn đề là mình đã đủ trình độ viết thế đâu?”
Luật Khoa đã liên lạc được với ông Phan Châu Thành và ông xác nhận những thông tin trên là chính xác.
Ông Phan Châu Thành là một doanh nhân ở Ba Lan. Ông cho biết ông tốt nghiệp ngành Luật, Đại học Warsaw năm 2006 và nhập quốc tịch Ba Lan năm 2012.
Luật Khoa đã xác minh các bài viết ký tên “Phan Châu Thành” trên hai trang Dân Luận và Dân Làm Báo. Có 50 bài ký tên như vậy được đăng trên Dân Luận từ năm 2010 đến nay và rất nhiều bài khác được đăng trên Dân Làm Báo.
Tuy nhiên, trong một bài viết đăng năm 2014 trên Dân Luận, tác giả “Phan Châu Thành” nói rằng ông thuộc thế hệ 5x. Trong khi đó, ông Phan Châu Thành, người bị cấm nhập cảnh, sinh năm 1978.
Tác giả “Phan Châu Thành” cũng tiết lộ năm 16 tuổi, lớp ông tiễn 8 người bạn vào chiến trường Quảng Trị và cả 8 người đều hi sinh. Ông Phan Châu Thành sinh năm 1978, nghĩa là sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc được 3 năm.
Trong một bài viết khác, tác giả “Phan Châu Thành” nói ông từng làm việc 10 năm tại một cơ quan nhà nước, là “một giám đốc kỹ thuật kiên quyết không vào đảng” và sau đó bỏ cơ quan nhà nước ra ngoài làm ăn. Thông tin này cũng không ăn nhập với tiểu sử học luật và làm việc tại Ba Lan của ông Phan Châu Thành.
Các bài viết của tác giả “Phan Châu Thành” trên Dân Luận cho thấy ngoài việc trùng tên, hai ông còn ít nhất hai điểm chung là từng đi học ở Đông Âu và hiện nay đều là doanh nhân. Có thể đây là lý do khiến ông Phan Châu Thành bị cấm nhập cảnh?
Luật Khoa tạp chí đã liên hệ với Đồn Công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất để xác minh vụ việc nhưng được trả lời rằng họ “chỉ là trực ban” và không thể xác minh được thông tin vụ cấm nhập cảnh này.
Ông Thành vốn là người thường xuyên tham gia các sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam ở Ba Lan. Ông có mặt trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Ba Lan và đồng thời là người tài trợ cho một số dự án phát triển cộng đồng ở Việt Nam như Sách hoá Nông thôn, Nhà Chống Lũ. Ông cũng là người tài trợ cho Luật Khoa tạp chí như chúng tôi đã công bố.
Trả lời phỏng vấn Luật Khoa tạp chí, ông Nguyễn Quang Thạch, Giám đốc dự án Sách hoá Nông thôn, nói vợ chồng ông Thành đã “giúp cho nhiều trẻ em nông thôn có sách đọc”.
“Anh Thành luôn đồng quan điểm với tôi là chúng ta cần nỗ lực nâng cao dân trí để xã hội phát triển trong hòa bình. Nhóm Tủ Sách của anh Thành đã làm được hơn 300 tủ sách cho vùng sâu, vùng xa”.
Tháng 12/2013, một công dân Việt Nam khác là Phạm Văn Điệp cũng bị an ninh cửa khẩu từ chối cho nhập cảnh Việt Nam khi đáp xuống sân bay Nội Bài.
Điều 23, Hiến pháp Việt Nam quy định công dân Việt Nam “có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966, trong đó có điều khoản “không ai bị tước đoạt một cách tuỳ tiện quyền được trở về nước mình”.
T.H.L.
Nhận xét
Đăng nhận xét