Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn Bloomberg: Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

CafeBiz
29/05/2017


Du lịch, Nông nghiệp, Xuất khẩu điện tử sẽ là 3 mũi tiên phong của năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn Bloomberg: Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Trước chuyến thăm nước Mỹ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho trang tin tài chính - kinh tế nổi tiếng Bloomberg một bài phỏng vấn tại Hà Nội. Các vấn đề của nền kinh tế, những giải pháp để mục tiêu 6,7% thành hiện thực và một niềm tin đổi mới nền kinh tế Việt Nam được người đứng đầu Chính phủ thể hiện rõ ràng.
Những chiếc điện thoại bị lỗi...
Giải thích cho tăng trưởng của Việt Nam rơi xuống mức thấp 5,1% quý I vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh lý do khách quan là việc Samsung đã cắt giảm mức sản xuất của mình. Hiểu theo cách khác, điều này đã cho thấy kinh tế Việt Nam đang bị phụ thuộc vào xuất khẩu của các 'ông lớn FDI' như thế nào.
"Tăng trưởng quý I bị chậm lại xảy ra do một vài lý do. Thứ nhất là do giá dầu thô giảm. Lý do thứ hai là từ ngành công nghiệp điện tử. Chúng tôi đã thiệt hại khoảng 1 tỷ USD giá trị xuất khẩu do Galaxy Note 7" -  Thủ tướng cho biết.
Nhìn lại thì trong suốt khoảng thời gian có mặt tại Việt Nam, Samsung đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất điện tử lớn, với giá trị 15 tỉ USD nhận đầu tư từ nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ cũng như các công ty hỗ trợ các tập đoàn này, ví dụ như nhà sản xuất pin Samsung SDI.
Samsung hiện cũng chính là nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Điện thoại di động và linh kiện đang chiếm 27% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, số liệu năm ngoái, tương đương với giá trị gần 40 tỷ USD. Trong số này, phần lớn đóng góp là của Samsung.
Nhìn sang các quý tới, để kinh tế Việt Nam tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ đang chuẩn bị các chiến lược để làm tăng xuất khẩu của hai sản phẩm chính là điện tử và nông nghiệp.
Thủ tướng nói: "Chúng tôi đã có những kế hoạch để củng cố từ các ngành công nghiệp tới mức các sản phẩm, với những nghiên cứu kỹ lưỡng về các thị trường khác nhau để thúc đẩy xuất khẩu".
Thủ tướng có niềm tin mạnh mẽ với mục tiêu 6,7%
Cuộc phỏng vấn ngắn với Bloomberg của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quyết tâm của cả Chính phủ về mục tiêu 6,7%.
Thủ tướng tự tin kinh tế Việt Nam trong năm 2017 này vẫn sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, mà vẫn giữ ổn định lạm phát, bất chấp trong quý I/2017 vừa qua, Việt Nam đã nhận mức tăng trưởng thấp trong 3 năm.
Thủ tướng cũng chia sẻ những bước mà Việt Nam đang tiến hành để củng cố nền kinh tế, qua đó duy trì vị thế một trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Những nội dung này một lần nữa khẳng định lại những gì Thủ tướng đã nói trong một cuộc phỏng vấn tại Văn phòng Chính phủ tại Hà Nội ngày 27/5 vừa qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn Bloomberg: Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% - Ảnh 1.
"Các chỉ số kinh tế chính trong tháng 5 đều rất tốt: Nền kinh tế có làn sóng xuất khẩu mạnh mẽ trong khi giá trị đầu tư nước ngoài và sản xuất nông nghiệp cũng có tín hiệu khả quan. Đây là những dấu hiệu để tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong quý III và IV" - Thủ tướng nói với người dẫn chương trình Haslinda Amin của Bloomberg.
Do đó, "mục tiêu tăng trưởng 6,7% là rất khó nhưng có thể đạt được" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để làm được điều này, Chính phủ Việt Nam sẽ cần nhiều nỗ lực, tuy nhiên cũng cần cân bằng các nỗ lực này để làm sao vừa thúc đẩy được tăng trưởng GDP nhưng cũng đảm bảo lạm phát không vượt quá mục tiêu năm 2017 là 4%. "Chúng ta phải kiềm chế lạm phát ở con số đã cam kết với Quốc hội"- Thủ tướng nói.
Các mục tiêu cụ thể cho 3 quý còn lại đã được đặt ra. Thủ tướng  cho biết ngành du lịch Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng 30%, xuất khẩu nông nghiệp sẽ vượt qua con số 32 tỷ USD của năm ngoái và xuất khẩu điện tử sẽ tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế trước những khó khăn mà quốc gia này đã phải đối mặt trong quý I và các quý tiếp sau.
'Đổi mới'...
Xuất khẩu là động lực phát triển chính của Việt Nam, đã có tổng cộng khoảng 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) được hoàn thành. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục 177 tỷ USD ở năm ngoái. Một con số khác chứng minh đà xuất khẩu của Việt Nam là giá trị nhập hàng Việt của các nhà nhập khẩu đến từ Mỹ đã lên đến 42 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm.
Nhìn lại lịch sử, Việt Nam bắt đầu mở cửa sau khi chương trình "Đổi Mới" được đưa ra và áp dụng vào những năm 1980.
Người ta gọi đây là một cuộc 'lột xác', mang đến nhiều động lực phát triển mới cho kinh tế Việt Nam. Bây giờ, tất nhiên, nhiều cuộc 'Đổi mới' tương tự cũng đang được mong chờ. Tuy nhiên, năm nay sẽ là một thách thức với Việt Nam vì thương mại toàn cầu đang sụt giảm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn Bloomberg: Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% - Ảnh 2.
Nguồn: Linh Luong Thai/Bloomberg
Bên cạnh xuất khẩu, hệ thống tài chính cũng là vấn đề được Chính phủ quan tâm. Việt Nam hiện đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành ngân hàng với những động thái mạnh mẽ hơn đối với vấn đề nợ xấu, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông nhắc lại kế hoạch của Việt Nam với các ngân hàng của Việt Nam gặp khó khăn: "Chúng tôi sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp quản các ngân hàng này nếu họ có ý định mua lại".
Kết thúc cuộc phỏng vấn, Thủ tướng nói: "Tôi lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm nay".

Thủ tướng trả lời phỏng vấn Bloomberg 
Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ

-------------

Thủ tướng trả lời phỏng vấn Bloomberg về kinh tế Việt Nam

Nhân chuyến thăm chính thức tới Mỹ từ ngày 29-31/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 27/5 về quan hệ giữa hai nước.
- Xin Ngài cho biết mục đích chuyến thăm Mỹ lần này và thông điệp của Ngài tới Chính quyền Trump?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhận lời mời của Tổng thống Donald Trump, tôi sẽ cùng Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Mỹ và hội đàm với ngài Tổng thống vào ngày 31/5/2017 tại Nhà Trắng. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. 
Trên cơ sở triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, các nước lớn và chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, chuyến thăm lần này của tôi nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trong thời gian tới, trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Thu tuong tra loi phong van Bloomberg ve kinh te Viet Nam hinh anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi phỏng vấn với Bloomberg. Ảnh: Bloomberg.
Tôi chuyển đến Tổng thống Donald Trump và nhân dân Mỹ thông điệp của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam là chúng tôi nhất quán coi trọng quan hệ với Mỹ, sẵn sàng hợp tác với Chính quyền Tổng thống Donald Trump phát huy các thành quả đáng tự hào của 20 năm quan hệ ngoại giao, và đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ phát triển mạnh mẽ một cách ổn định, lâu dài trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và con đường phát triển của nhau; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.
- Việt Nam có kế hoạch trao đổi về hiệp định thương mại mới với Hoa Kỳ không?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2001, sau đó hai bên tiến hành đàm phán và ký kết nhiều thoả thuận kinh tế. 
Các thỏa thuận này đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ mạnh mẽ cho việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ, quá trình cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, cũng như góp phần hỗ trợ Việt Nam tham gia tích cực hơn trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. 
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, hai bên đã tái khởi động Cơ chế hợp tác theo Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để trao đổi, hợp tác giải quyết những vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. 
Hiện tại các cơ quan chức năng của Việt Nam và Mỹ đang tích cực trao đổi, hoàn thiện cơ chế hợp tác thương mại theo hướng hiệu quả, thuận tiện và đôi bên cùng có lợi.
Với chính sách chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia sâu vào các liên kết kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 59 đối tác, trong đó có 15 thành viên của G20. 
Với tinh thần trên, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, về các hình thức hợp tác mới phù hợp nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế - thương mại trên cơ sở công bằng, cùng có lợi. Đồng thời sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh - đầu tư trong nước, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ, làm ăn tại Việt Nam.
Thu tuong tra loi phong van Bloomberg ve kinh te Viet Nam hinh anh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ gặp Tổng thống Donald Trump vào ngày 31/5 tại Nhà Trắng.
- Xin Ngài cho biết tầm quan trọng của quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, quan hệ kinh tế là một trong những điểm sáng, là trọng tâm và động lực của quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ. Hiện nay Mỹ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Do hai nước có nền kinh tế bổ trợ cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp, quan hệ thương mại giữa hai nước gia tăng liên tục và nhanh chóng, từ mức 500 triệu USD năm 1995 lên gần 50 tỷ USD năm 2016, mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Việt Nam. 
Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng hóa, dịch vụ có hàm lượng vốn cao từ Mỹ và xuất khẩu nhiều mặt hàng Mỹ không còn sản xuất. Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 tại Việt Nam với 815 dự án có tổng vốn đăng ký trên 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, tôi cho rằng quan hệ này còn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của cả hai bên; còn rất nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng - dầu khí, kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, tài chính-ngân hàng, giáo dục - đào tạo, du lịch v.v… 
Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ nhanh chóng trên toàn cầu, các nội dung hợp tác kinh tế khác về khoa học-công nghệ, thúc đẩy sáng tạo trong kỷ nguyên số, v.v… là những lĩnh vực hai bên có thể khai thác hơn nữa.
Tôi khẳng định, hai bên còn rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, nâng cao tăng trưởng và tạo việc làm cho cả hai quốc gia. Đây cũng là một trong những chủ đề trọng tâm mà tôi sẽ trao đổi với Tổng thống Donald Trump. Trong chuyến thăm này, doanh nghiệp hai nước sẽ ký kết nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổng trị giá hàng chục tỷ USD.
- Ngài có suy nghĩ gì trước quan điểm cho rằng Mỹ và các nước khác đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi cho rằng tự do hóa thương mại, hội nhập và liên kết kinh tế vẫn là xu thế chủ đạo tại châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Minh chứng cho điều này là rất nhiều sáng kiến liên kết đã và đang được triển khai mạnh mẽ ở cấp độ khu vực, liên khu vực và toàn cầu. 
Có thể thời điểm này, việc theo đuổi các thỏa thuận tự do thương mại đa phương như TPP chưa được Mỹ ưu tiên. Chúng tôi tôn trọng quyết định của Mỹ, nhưng tôi tin là xu thế tự do hóa, liên kết kinh tế vẫn được Mỹ thúc đẩy trong các thỏa thuận song phương.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở cao trong khu vực (kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm hơn 170% GDP), có quan hệ kinh tế thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký kết và đang đàm phán 16 hiệp định thương mại song phương và đa phương với 59 đối tác, trong đó có các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. 
Về đa phương, Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động tham gia các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại hàng đầu trong khu vực và liên khu vực, nổi bật là Cộng đồng ASEAN năm 2015 và chủ trì tổ chức Năm APEC Việt Nam 2017. 
Chúng tôi nhất quán và kiên trì tiến trình hội nhập quốc tế đi đôi với đẩy mạnh đổi mới toàn diện đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển nhanh và bền vững.
Trong thời gian tới, các nước cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế nhằm tận dụng tối đa lợi ích do toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại và đầu tư đem lại, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực có thế có từ quá trình này.
Với Mỹ, dù tiến trình liên kết kinh tế trong khu vực và trên thế giới diễn biến thế nào, Việt Nam vẫn nhất quán tăng cường hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp hai nước.
Tôi mong rằng Mỹ sẽ phát huy hơn nữa các hoạt động hợp tác của mình, nhất là về kinh tế thương mại, đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Những điểm nhấn trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trở thành lãnh đạo đầu tiên thuộc ASEAN gặp gỡ Tổng thống Donald Trump và sẽ tham dự lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc.

22 năm Việt - Mỹ: Từ cái bắt tay của Bill Clinton đến bún chả Obama

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, quan hệ hợp tác Việt - Mỹ đã phát triển mạnh mẽ và trải rộng trên khắp các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hóa...

TT Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ: Tập trung vào hợp tác thương mại

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, một trong những chủ đề chính mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump sẽ thảo luận là thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước. 
 http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Thu-tuong-tra-loi-phong-van-Bloomberg-ve-kinh-te-Viet-Nam/307291.vgp
Bloomberg/Chinhphu.vn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?