Thủ tướng: ‘VN rất muốn làm ăn với nhà đầu tư Mỹ’
VOA
31/05/2017
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn đầu tư vào Việt Nam ở New York, 30/5/2017
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi 15 tập đoàn lớn của Mỹ gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Tại một diễn đàn ở New York hôm 30/5 về đầu tư vào Việt Nam, ông Phúc quảng bá về một Việt Nam “với chính sách thông thoáng, hấp dẫn và trên hết có nhiều tiềm năng con người”.
Tham gia diễn đàn là đại diện các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn như ACDL, Dow Chemical, Harbinger Capital, Kasowitz, KKR, OneWeb và Warburg Pincus.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam chia sẻ rằng người dân và các doanh nghiệp Việt Nam “rất muốn, rất thích làm ăn” với các tập đoàn đầu tư Hoa Kỳ. Ông bình luận rằng “đó là tình cảm rất tuyệt vời”.
Nói về nguyên nhân có tình cảm như vậy, Thủ tướng Phúc giải thích “vì Hoa Kỳ có sự minh bạch, Hoa Kỳ có sự chống tiêu cực, tham nhũng”, những điều đó trùng hợp với tinh thần của chính phủ liêm chính được ông thúc đẩy kể từ khi nhậm chức.
Chúng tôi muốn đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Chúng tôi đã đầu tư vào tập đoàn Masan hơn nửa tỉ đôla. Tôi muốn chuyển lời đến thủ tướng là chúng tôi rất lạc quan và nhiệt tình về triển vọng kinh tế Việt Nam. Đất nước này có những cơ hội đáng kể, với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, người tiêu dùng chi tiêu ngày càng nhiều. Một số hãng quản lý danh mục đầu tư ở các nước khác trên thế giới đang hoạt động tích cực hơn ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi thấy có cơ hội ngày càng lớn ở Việt Nam cho những hãng đầu tư như KKR.cựu tướng David Petraeus, chủ tịch quỹ đầu tư KKR
Các nhà đầu tư Mỹ một mặt đánh giá cao các cơ hội và tiềm năng đầu tư vào Việt Nam. Cựu tướng David Petraeus, hiện là chủ tịch quỹ đầu tư KKR, nói với các phóng viên ít phút trước khi diễn đàn bắt đầu:
“Chúng tôi muốn đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Chúng tôi đã đầu tư vào tập đoàn Masan hơn nửa tỉ đôla. Tôi muốn chuyển lời đến thủ tướng là chúng tôi rất lạc quan và nhiệt tình về triển vọng kinh tế Việt Nam. Đất nước này có những cơ hội đáng kể, với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, người tiêu dùng chi tiêu ngày càng nhiều. Một số hãng quản lý danh mục đầu tư ở các nước khác trên thế giới đang hoạt động tích cực hơn ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi thấy có cơ hội ngày càng lớn ở Việt Nam cho những hãng đầu tư như KKR”.
Mặt khác, giới đầu tư Mỹ cũng nêu ra những quan ngại, thắc mắc về một số vấn đề quan trọng còn tồn tại ở Việt Nam, xoay quanh các lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, luật đấu thầu, cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, thị trường vốn, trái phiếu, quản trị tốt và minh bạch.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Mỹ còn lưu ý đến những rủi ro, thách thức do những biến động ở tầm quốc tế như nạn tin tặc hay sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo.
Thủ tướng Phúc và các bộ trưởng kế hoạch đầu tư, công thương và nông nghiệp đáp lại rằng họ lắng nghe các ý kiến của các nhà đầu tư Mỹ, và chính phủ Việt Nam đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của đất nước.
Ông Phúc nhấn mạnh rằng tôn chỉ của chính phủ kiến tạo dưới thời ông là xây dựng “môi trường đầu tư minh bạch hơn, thân thiện doanh nghiệp, có độ mở cao”. Ông nói môi trường như vậy cũng “tạo điều kiện thuận lợi nhất” cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ “được tiếp cận những cơ hội, tiềm năng, hoạt động kinh doanh bình đẳng ở Việt Nam theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi”.
Thủ tướng Việt Nam khẳng định đây là "thời điểm chín muồi, có tính chất quyết định" để Hoa Kỳ - với thế mạnh về kinh nghiệm, công nghệ và nguồn tài chính - tham gia tích cực hơn vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng không quên trấn an các nhà đầu tư Mỹ rằng “đầu tư vào Việt Nam không có rủi ro lớn” vì Việt Nam không có các vấn đề về Hồi giáo, khủng bố, tin tặc.
Tính đến nay, các con số chính thức cho thấy Hoa Kỳ chưa phải là nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam. Trong 11 tháng của năm 2016, đầu tư của Mỹ là 238 triệu đôla. Nếu tính lũy kế qua nhiều năm, tới nay, các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam trên 10 tỉ đôla.
Với con số này Mỹ xếp hạng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, xếp sau Hàn Quốc (51,5 tỉ đôla), Nhật Bản (42 tỉ đôla), Singapore (gần 38 tỉ đôla), Đài Loan (31,2 tỉ đôla), và một số nước khác.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích lưu ý rằng nếu tính cả các khoản đầu tư của các tập đoàn Mỹ vào Việt Nam thông qua các chi nhánh ở các nước thứ ba, thì tổng đầu tư của Hoa Kỳ sẽ lớn hơn con số 10 tỉ đôla gấp nhiều lần.
Đường dẫn trực tiếp
Nhận xét
Đăng nhận xét