Tin Việt Nam – 28/05/2017

Tin Việt Nam – 28/05/2017

Giáo dân Quỳnh Lưu bị lực lượng địa phương hành hung

Hằng chục người dân, cũng là giáo dân Công giáo, tại huyện Quỳnh Lưu, tinh Nghệ An bị hành hung đến thương tích nặng vào sáng ngày chủ nhật 28 tháng 5.
Những người dân tại xứ Phú Yên và giáo họ Văn Thai thuộc xứ Song Ngọc được yêu cầu đến Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hải đón người theo lời của một viên chức công an xã Sơn Hải, nơi có giáo họ Văn Thai.
Người được công an thông báo đến đón về là cô Nguyễn Thị Trà, giáo dân Xứ Phú Yên. Cô này vào khoảng 10 giờ sáng ngày 28 tháng 5 đi đến xóm 9, xã Sơn Hải và nhận thấy có những sự kiện mà theo cô là đáng ghi nhận nên lấy điện thoại ra quay lại. Tuy nhiên, theo những người địa phương cho biết lại thì cô bị một số phụ nữ phát hiện nên ra tay đánh cô này. Dù công an có xuất hiện và can thiệp để đưa cô Trà đi nhưng việc đánh đập cô vẫn tiếp diễn cho đến tận ủy ban nhân dân xã Sơn Hải.
Lực lượng đông đến 500 người của công an trong đó có côn đồ ra tay đánh dân  kể cả phụ nữ và trẻ em vì không cho ai dùng điện thoại quay lại tình hình.
-Một người dân
Khi giáo dân, nhất là những người từ Xứ Phú Yên với cô Nguyễn Thị Trà, nhận được thông báo đến đưa người về thì họ đến và có người dùng điện thoại để quay lại sự việc; thế nhưng lực lượng chức năng và những người khác dùng vũ lực ngăn chặn.
Một người dân kể lại sự việc với Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 28 tháng 5 như sau:
“Lực lượng đông đến 500 người của công an trong đó có côn đồ ra tay đánh dân  kể cả phụ nữ và trẻ em vì không cho ai dùng điện thoại quay lại tình hình.”
Theo người này thì có đến 25 người phải đi bệnh viện để chữa trị vết thương.
Bản thân cô Nguyễn Thị Trà sau đó bị đưa đến một chỗ vắng vẻ, tiếp tục bị lục soát thân thể, bị đánh đập và bỏ giữa đường. Cô này may mắn được một người qua được thấy được sau đó và đưa về nhà trong tình trạng thân thể bị đánh bầm dập, tinh thần hoảng loạn.
Sự vụ cô Nguyễn Thị Trà bị hành hung khi đến xóm 9, xã Sơn Hải xảy ra trong thời gian địa phương này tiến hành vụ bắn đạn, nổ mìn trước nhà thờ giáo họ Văn Thai. Theo lời người dân thì chính quyền giải thích là để bảo vệ đường sông; thế nhưng dân chúng địa phương ,nhất là giáo dân Công giáo, không đồng thuận về hoạt động như thế ngay trước nhà thờ của họ.
Linh mục Nguyễn Đình Thục quản xứ Song Ngọc và giáo họ Văn Thai, cho biết ý kiến về hoạt động tập trận bắn súng, nổ mìn trước giáo đường của giáo họ Văn Thai:
“Họ thực hiện việc bắn trước nhà thờ, nơi Thánh, của chúng tôi như thế là hành động thách thức…”
Vụ việc tại giáo họ Văn Thai xảy ra không bao lâu sau vụ ngày 15 tháng 5 khi đoàn xe mục vụ của linh mục Nguyễn Đình Thục bị chặn và một người trong đoàn là anh Hoàng Đức Bình bị những kẻ thường phục bịt mặt bắt cóc đi. Sau đó cơ quan chức năng mới lên tiếng thừa nhận bắt anh Hoàng Đức Bình với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, công dân…’.
Bản thân anh Hoàng Đức Bình trong thời gian qua giúp cho người dân địa phương chịu tác động nặng nề bởi thảm họa môi trường Formosa lên tiếng đòi bồi thường thiệt hại, cũng như làm sạch lại biển để mưu sinh.
Nhiều ngư dân và người dân tại khu vực Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết cuộc sống họ rơi vào bế tắc do thảm họa môi trường Formosa gây nên; thế nhưng số này không được chính phủ Việt Nam đưa vào diện bồi thường. Do đó họ làm đơn khởi kiện và nhiều lần tập trung lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Thế nhưng họ bị đàn án mạnh tay như trong lần đi nộp đơn ngày 14 tháng 2 đến tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh; nơi có nhà máy Formosa gây ô nhiễm.
Từ đó đến nay, theo lời của nhiều giáo dân thì họ tiếp tục gặp phải nhũng nhiễu từ phía lực lượng chức năng mà nay có thêm sự hiện diện của những thành phần thường phục bị chỉ tên đích danh là ‘côn đồ’.
Trong vụ việc vào ngày 28 tháng 5, vào chiều tối Đài Á Châu Tự Do gọi điện đến ông chủ tịch Xã Sơn Hải Trần Văn Hùng và ông trưởng công an xã Thái Bá Hải để tìm hiểu thêm từ phía chính quyền địa phương; nhưng cả hai ông đều từ chối trả lời và cúp máy.

Chuẩn tướng Việt thăng cấp thiếu tướng

Tin từ trang Quốc hội Hoa Kỳ cho hay Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt vừa được Thượng Viện chấp thuận thăng cấp thiếu tướng sau một cuộc bỏ phiếu.
Tân Thiếu tướng Lương Xuân Việt hiện là phó tư lệnh Quân Đoàn 8 ở Nam Hàn.
Ông là một trong 32 chuẩn tướng được thăng cấp trong dịp này.
Như vậy, Thiếu tướng Lương Xuân Việt, sinh tại miền Nam Việt Nam và sang Hoa Kỳ cùng gia đình sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, là vị tướng Mỹ gốc Việt có quân hàm cao nhất trong quân lực Hoa Kỳ.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, ông Lương Xuân Việt cho hay: “Khi vô quân đội, tôi không bao giờ nghĩ có ngày lên tướng. Nhưng khi lên tướng, tôi cũng nghĩ mình là một người may mắn, tôi nghĩ đến công của cha mẹ, của đồng đội tại chiến trường.”
“Tôi nghĩ tôi rất may mắn vì tôi sống ở một nước tự do, và tôi là sĩ quan của một cường quốc, và tôi cũng rất may có dòng máu dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến, và trong máu tôi có dòng máu của Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền.”
‘Quân nhân Việt Nam Cộng hòa thế hệ hai’
“Tổ quốc sẽ mãi mãi ghi ơn anh em chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa.”
Rời Sài Gòn vào thời điểm chế độ Việt Nam Cộng hòa tan rã tháng 4/1975, ông Lương Xuân Việt, mà các tài liệu Mỹ viết là ‘Viet X Luong’, khi đó đã 9 tuổi, theo nhà báo David Vergun trong một bài tháng 5/2016.
Trang tin của Hội Cựu chiến binh Nhật – Mỹ viết chi tiết hơn, rằng ông đã cùng gia đình với tám anh chị em rời Sài Gòn vào ngày 29/4/1975.
Bài báo “Lead from front,’ urges first Vietnamese-American U.S. general” trên trang US Army nhắc lại quá trình đến Hoa Kỳ của ông Việt, con trai một sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng hòa.
Bản thân Tướng Lương Xuân Việt tự nhận mình là quân nhân Hoa Kỳ nhưng cũng là “quân nhân Việt Nam Cộng hòa thế hệ hai”.
Ông cũng nói gia đình ông có gắn bó với các quân nhân từ trường sĩ quan Thủ Đức.
Ông nhắc về một người cậu bị bắt đi cải tạo rồi sau được thả về thì lại bị bắt và tù thêm mười mấy năm “vì tội phản động”.
Trong lần phát biểu, ông cũng nhắc lại lời người cha rằng luôn phải nghĩ về danh dự của các binh sĩ Quân đội Việt Nam Cộng hòa, kể cả khi họ khổ bao nhiêu, thân thể không còn nữa.

Giáo viên tiếng Việt ‘có giá’ ở Đài Loan

Nhu cầu tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Việt ở Đài Loan cao hơn hẳn so với các ngôn ngữ Đông Nam Á khác.
Theo Bộ Giáo dục Đài Loan, số liệu mới nhất cho thấy nhu cầu đối với giáo viên dạy tiếng Việt ở mức 67%; giáo viên tiếng Indonesia là 18%, và các tiếng khác ở Đông Nam Á gồm Miến Điện, Campuchia, Philippines, Malaysia và Thái Lan là 15%, theo Taiwan News.
Báo chí Đài Loan cho biết rằng việc nghiên cứu chương trình giảng dạy tiếng của di dân đã được tiến hành nhiều năm nay và Bộ Giáo dục đã sẵn sàng đưa tiếng Việt và Indonesia vào giảng dạy.
Con số di dân thế hệ thứ hai trong các trường tiểu học và cấp hai ở Đài Loan năm 2015 là hơn 200 nghìn em, trong đó hơn 40% học sinh gốc Việt, hơn 10% gốc Indonesia và 2,2% gốc Philippines.
Focus Taiwan dẫn lời một quan chức của Bộ Giáo dục nói rằng chính phủ chuẩn bị đưa ra chương trình giảng dạy tiếng Đông Nam Á để giúp các học sinh di dân sinh ở Đài Loan học tiếng mẹ đẻ để sau này các em có thể trở về Đông Nam Á làm việc.
Chính phủ cũng khuyến khích giới trẻ học ngôn ngữ của các nước Đông Nam Á, một phần vì chính sách Hướng Nam nhằm củng cố quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á.
Theo số liệu của chính phủ, con số cô dâu nước ngoài, hay thế hệ di dân thứ nhất, ở Đài Loan hiện là hơn 500 nghìn người, trong khi số di dân thế hệ hai là gần 400 nghìn người.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện