Tin Việt Nam – 30/05/2017

Tin Việt Nam – 30/05/2017

Bảy bệnh nhân chết khi đang chạy thận

Trong lĩnh vực y tế, Cơ quan chức năng Việt Nam tìm nguyên nhân khiến 7 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vào sáng ngày 29/5.
Tin cho biết trước khi tai nạn xảy ra bệnh viện này đang chạy thận cho 18 bệnh nhân nhưng đột ngột xuất hiện hiện tượng được nói là ‘sốc phản vệ’. Sau đó bệnh viện cho ngừng chạy thận và chuyển sang khoa hồi sức nhưng 7 bệnh nhân đã tử vong tính đến đêm 29/5. Tin cho biết thêm các bệnh nhân khác hiện đã qua cơn nguy kịch.
Trao đổi với phóng viên AFP, ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân và cộng đồng vì sự cố hiếm hoi trên.
Vụ việc hiện đã được Bộ Công an giao cho Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm và công an tỉnh Hòa Bình điều tra nguyên nhân. Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án.
Đến gần trưa ngày 30/5, bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới thăm các bệnh nhân may mắn sống sót và yêu cầu sở Y tế Hòa Bình lập hội đồng chuyên môn tìm nguyên nhân.
Cơ quan chức năng cho biết hiện gia đình các nạn nhân được trợ cấp khoản tiền $660 USD.

Tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Người nhà nạn nhân nói gì?

Thân nhân của một nạn nhân bị tai biến sau khi chạy thận ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình kể vợ mình ‘đang bình thường bỗng ngã lăn ra’.
Ông Lê Tiến Dũng, chồng của giáo viên Nguyễn Thị Bích Nguyên, hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch, cho biết vợ ông vẫn đang ngồi nói chuyện thì bỗng ‘ngã lăn ra’.
Thân nhân một bệnh nhân khác tại bệnh viện cũng nói thêm, “mọi người đang rất hoang mang”.
Bảy người đã tử vong và nhiều người khác phải cấp cứu sau khi được điều trị chạy thận nhân tạo tại bệnh viện tỉnh Hòa Bình, phía Tây Hà Nội hôm 29/05.
18 người, là các bệnh nhân bị suy thận định kỳ, được điều trị chạy thận nhân tạo tại khoa Điều trị tích cực. Sau 45 phút, các bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, đau bụng. Sau đó các bác sĩ đã phát hiện tình trạng hôn mê ở cả 18 bệnh nhân, truyền thông Việt Nam đưa tin.
Bộ Y tế Việt Nam đánh giá đây là ca tai biến y khoa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án để điều tra nguyên nhân sự việc này.

Sức ép nhân quyền

trong chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/5 đã đáp máy bay xuống sân bay quốc tế John F. Kennedy, New Yok, bắt đầu chuyến thăm 3 ngày đến Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump, với trọng tâm là thúc đẩy thương mại và kinh tế. Thế nhưng theo các nhà vận động, sức ép nhân quyền trong chuyến đi này là điều không tránh khỏi.
Từ Sài gòn, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận định sức ép nhân quyền trong chuyến thăm Mỹ của ông Phúc như sau:
“Sức ép nhân quyền đến từ cộng đồng người Việt Nam ở trong nước, đặc biệt là nạn nhân của chế độ bạo hành nhân quyền; thứ hai là đến từ cộng đồng người Việt Nam ở Hải Ngoại, đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, họ đang kêu gọi cuộc biểu tình để phản đối chuyến đi Mỹ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; thứ ba là đến từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ, vừa qua đã có cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt lần thứ 21 tại Hà Nội, nhưng theo tôi biết là kết quả rất mong lung hoặc là gần như không có kết quả gì.”
Sức ép nhân quyền đến từ cộng đồng người Việt Nam ở trong nước, từ cộng đồng người Việt Nam ở Hải Ngoại, đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, và từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ.
Nhà báo Phạm Chí Dũng
Dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith, đảng Cộng Hòa, đại diện bang New Jersey, nói với VOA – Việt ngữ:
“Sức ép do nhiều sự việc khác nhau, trên cơ sở là chính quyền toàn trị ở Việt Nam đã đàn áp người dân. Tổng thống, Chính phủ, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần đề cập vấn đề này với chính quyền Việt Nam. Chúng ta muốn một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Việt Nam, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi Việt Nam có tôn trọng nhân quyền.”
Chúng ta muốn một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Việt Nam, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi Việt Nam có tôn trọng nhân quyền.
Dân biểu Chris Smith
Vào ngày 31/5, Thủ tướng Phúc sẽ gặp Tổng thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc để thảo luận quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “làm quen với tân tổng thống và chính quyền mới của Mỹ, đồng thời tìm hiểu chính sách của Washington với châu Á và Đông Nam Á”, theo nhận định của tờ Zing.vn.
Trước đó, hôm 25/5, Hạ viện Hoa Kỳ đã có buổi điều trần về sự “khủng hoảng nhân quyền Việt Nam,” trong đó dân biểu Smith và các dân biểu khác như Ed Royce, Alan Lowenthal đều đồng thanh hối thúc Tổng thống Trump ra điều kiện nhân quyền đối với chính phủ Hà Nội.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gửi một phái đoàn đến Hà Nội để thực hiện đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ hôm 23/5 và gặp gỡ các chức sắc tôn giáo độc lập, cũng như các nhà tranh đấu nhân quyền hôm 25/5 tại Sài Gòn.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch của tổ chức phi chính phủ BPSOS nói với VOA rằng cơ quan lập pháp, hành pháp của Hoa Kỳ, và cả Tòa Bạch Ốc đều quan tâm đến vấn đề nhân quyền Việt Nam, cụ thể ngày 26/5 vừa qua, ông Matt Pottinger, Giám đốc cao cấp phụ trách Châu Á, Hội đồng An ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc đã tham khảo ý kiến các nhà tranh đấu nhân quyền và tự do tôn giáo gốc Việt ở Mỹ trước khi ông Trump gặp Phúc.
Từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Thắng nói thêm về sức ép nhân quyền trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phúc:
“Áp lực lớn nhất là chế độ ở Việt Nam hiện đang rất muốn cứu vãn nền kinh tế ở Việt Nam bằng con đường phát triển mậu dịch với Hoa Kỳ. Để đổi lại thì họ phải nhượng bộ những điều mà chúng ta muốn. Đó là cải thiện về nhân quyền, thực sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo, chấm dứt ngay các hành vi tra tấn và cưỡng chế đất đai. Việt Nam phải trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm.”
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, trước chuyến đi của ông Phúc mà Hạ viện Hoa Kỳ tổ chức một buổi điều trần về nhân quyền và tự do tôn giáo như vậy là rất hiếm. Vì vậy, theo ông, sức ép này là “đủ lớn.”
Ngoài khi, khi hỏi về hiện tượng nhiều nhà tranh đấu nhân quyền và môi trường bị bắt trước chuyến công du Hoa Kỳ của ông Phúc, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định rằng các vụ đàn áp nhân quyền rộng khắp vừa qua tại Việt Nam là sự thách thức với Mỹ của phe bảo thủ trong giới lãnh đạo Việt Nam, họ muốn đưa ra một thông điệp với Mỹ rằng “chúng tôi không cần nước Mỹ, và Việt Nam vẫn đàn áp nhân quyền.”
Tuy nhiên, theo nhà báo Phạm Chí Dũng, vẫn có một giả thuyết khác, rằng sự đàn áp nhân quyền vừa qua là “một chiến dịch cố ý nhằm phá đám” chuyến đi Mỹ của ông Phúc, do phe bảo thủ thực hiện:
“Trận đàn áp nhân quyền vừa qua là một chiến dịch cố ý để phá đám chuyến đi của ông Nguyễn Xuân Phúc. Lần đàn áp này là trải rộng. Thông điệp này không rõ ràng. Trong các các lãnh đạo Việt có những người vẫn âm thầm mong muốn cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng có những người khác thì bảo thủ, những người khác thì phá đám lẫn nhau. Nhưng chỉ biết rằngvới “thành tích” nhân quyền như vậy, phần nhiều, chuyến đi của ông Phúc khó mà đạt được những thành tựu khác như về thương mại.”
Theo nhà báo độc lập, chuyện các lãnh đạo Việt Nam “phá đám” nhau bằng cách bắt giữ các nhà tranh đấu nhân quyền là có cơ sở, vì trước giờ vẫn thường xảy ra khi có lãnh đạo Việt Nam xuất ngoại, đặc biệt là đi thăm Mỹ, họ bắt các nhà tranh đấu nhân quyền có tiếng tăm “làm vật hy sinh.”
“Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ rơi vào một thế khó trong con đường sự nghiệp chính trị, và khó cho cả đảng cầm quyền của Việt Nam. Ông sẽ về báo cáo cho Bộ Chính trị và ông Nguyễn Phú Trọng rằng chỉ còn một lối thoát là mở dân chủ, nhân quyền ra mà thôi.”
Ông sẽ về báo cáo cho Bộ Chính trị và ông Nguyễn Phú Trọng rằng chỉ còn một lối thoát là mở dân chủ, nhân quyền ra mà thôi.
Nhà báo Phạm Chí Dũng
Vì nếu không mở dân chủ, nhân quyền, Việt Nam không những không đáp ứng các điều kiện trong quan hệ thương mại với Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới hiệp định Tự do thương mại với châu Âu – EVFTA, tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhấn mạnh.

Ông Phúc đi Mỹ là ‘cơ hội kết thân với ông Trump’

Chuyến đi Washington của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 30-31/5/2017 giúp làm tăng vị thế ngoại giao của Việt Nam và là cơ hội tốt để nhà lãnh đạo Việt Nam nâng cao vai trò cá nhân, theo một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Hoa Kỳ.
“Ông Phúc là lãnh đạo đầu tiên của các nước ở Đông Nam Á được mời sang [Washington D.C. ]. Điều đó làm tăng uy tín ngoại giao và vai trò của Việt Nam,” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói với BBC hôm 27/5.
Điểm đáng chú ‎ý ở đây, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, là ông Phúc chỉ là một trong nhiều lãnh đạo thế giới nói chuyện qua điện thoại với ông Trump, nhưng lại là một trong số ít những người được ông Trump mời gặp.
Thêm vào đó, tùy viên báo chí của ông Trump ra thông cáo nói rằng vị tổng thống “rất vui lòng tiếp đón một trong những đối tác quan trọng của Mỹ ở Á châu”, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, khiến cho tầm quan trọng của chuyến đi càng được nhấn mạnh.
Trong cuộc trao đổi với BBC ít hôm trước ngày ông Phúc đi Mỹ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng việc cá nhân ông Trump không mặn mà với Đông Á không có nghĩa là chính quyền Mỹ lơ là khu vực này, và dẫu cho phía Việt Nam có thể không đạt được nhiều kết quả trong mảng kinh tế, thương mại như mong muốn, nhưng ít nhất cũng sẽ đạt được những “thắng lợi ngoại giao” nhất định.
‘Cơ hội xây dựng quan hệ cá nhân’
Không chỉ ở vị thế đại diện quốc gia, chuyến đi còn trao cho ông thủ tướng Việt Nam một cơ hội tốt để nâng cao vị thế cá nhân, theo nhà nghiên cứu đồng thời là giáo sư về bang giao quốc tế tại Đại học George Mason.
“Ông [Phúc] có cơ hội tiếp xúc riêng với ông Trump, thân mật với ông Trump, [qua đó] có thể tạo một ấn tượng nào đó đối với ông Trump, để thăm dò xem chính sách của ông ấy đối với Trung Quốc, đối với Việt Nam,” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
“Mỹ có chính quyền mới, ông [Phúc] muốn sang để tìm hiểu. Đây là cơ hội tốt để ông ấy thiết lập đường dây cá nhân, mối liên hệ cá nhân, thăm dò tìm hiểu để tìm cách gây ảnh hưởng đến chính sách của ông Trump, nếu có thể được.”
Khác với các nhà lãnh đạo khác, ông Trump là người “thích ngoại giao cá nhân”, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
“Vấn đề là làm sao để ông Phúc tạo ra được ấn tượng với ông Trump, để ông ấy thích mình. Nếu ông ấy thích mình thì sẽ có lợi cho đất nước.”
“Làm được vậy thì đó chính là thắng lợi của ông Phúc.”
Vai trò của Việt Nam trong chính sách an ninh vùng
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm những thế lực có thể giúp tạo đối trọng với Trung Quốc, như Nhật Bản, Ấn Độ và ở khối ASEAN, nhưng rõ ràng, cho đến lúc này thì “đối trọng quan trọng nhất là Mỹ”, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
“Cơ cấu an ninh vùng đang hình thành trước sự lớn mạnh của Trung Quốc. Nếu Mỹ rút ra thì Trung Quốc sẽ độc quyền, bá quyền mà không ai cưỡng lại được. Cho nên các nước nhỏ muốn Mỹ hiện diện để tạo đối trọng an ninh, tạo sức cân bằng nhất định để các nước nhỏ còn có thể ‘thở’ được.”
Từ phía nước chủ nhà, tuy ông Trump “lơ là Đông Nam Á”, nhưng các chiến lược gia và bộ máy cố vấn của ông tổng thống “đều hiểu tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong cơ cấu an ninh vùng”, và chính sách chung của Mỹ luôn muốn có “thế cấu trúc an ninh đa cực” trong khu vực.
“Sẽ còn có cả Nhật, Ấn Độ, và có những quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam,” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói, trong đó “Việt Nam có vai trò quan trọng đối với các nhà chiến lược Mỹ.”
Trong lúc chính quyền Mỹ ở cấp cao chưa đưa ra được một chính sách ngoại giao có hệ thống đối với Á châu để thay thế cho chính sách xoay trục trước đây, thì một trong những điều ông Phúc có thể làm được khi gặp gỡ trực tiếp với ông Trump là “cần chứng tỏ là mình hiểu biết, nước mình có một vai trò quan trọng trong nền an ninh Á châu-Thái Bình Dương”, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng bình luận.
Mặt khác, bất chấp khoảng trống ở phần thượng tầng, hệ thống hành chính cấp dưới vẫn “có sự liên tục về chính sách” bởi “như ông Trump nói ông trao rất nhiều quyền cho các tướng lĩnh để họ tự làm”, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
“Cho nên chúng ta thấy vẫn xảy ra việc [Mỹ] vừa trao tàu tuần duyên [cho Việt Nam], bởi đó chỉ là sự tiếp nối của chính sách cũ, là điều mà những người trong bộ máy hành chính có thể làm được, họ tiếp tục thực hiện, miễn là đảm bảo quyền lợi của nước Mỹ,” Giáo sư Hùng nêu ví dụ.
Thách thức lớn cho VN trong chủ đề kinh tế, thương mại
Một trong những thách thức chính của chuyến đi là việc đàm phán song phương với Hoa Kỳ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.
“Ông [Trump] chỉ thích điều đình song phương thôi, nếu Việt Nam muốn hưởng những quyền lợi mà đáng lẽ Việt Nam được hưởng nếu có TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), thì đây cũng là dịp Việt Nam phải điều đình song phương với ông ấy, thành ra đây cũng vừa là một cơ hội, mà cũng vừa là thử thách đối với Việt Nam,” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
“Ông [Phúc] sang vào thời điểm không được thuận lợi như trường hợp của những ông thủ tướng khác.”
“Ông sang vào lúc Tổng thống Trump rất lơ là với vấn đề Đông Nam Á và Á châu, không coi [khu vực] đấy là quan trọng.”
“Điểm thứ hai là ông ấy đã quay lưng lại với TPP, là một xương sống, cột trụ của chính sách xoay trục của Mỹ ở Á châu.”
“Điểm thứ ba là ông ấy đang phải đối phó với rất nhiều vấn đề nội bộ, liệu ông ấy có thể làm được cái gì quan trọng, lớn hay không?”
“Đó là những thách thức lớn, nhất là khi Việt Nam đặt trọng tâm chuyến đi là vấn đề thương mại.”
“Thắng lợi ngoại giao”
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, là cả ông Nguyễn Xuân Phúc lẫn ông Donald Trump đều muốn có thắng lợi ngoại giao.
“Sẽ có sự dàn xếp trao đổi nào đó, để ông nào cũng có thể tuyên bố thắng lợi với những người ủng hộ mình.”
“Có nhiều chuyện có thể xảy ra, như có thể là tuyên bố đạt được một số hợp đồng mua hàng nào đó, hoặc hai bên có thể đạt được một số đồng ý về nguyên tắc nhằm đưa tầm quan trọng của quan hệ hai nước lên một bậc cao hơn.”
“Có thể là hai bên sẽ đặt ra một số nguyên tắc điều đình, tạo cơ chế để tiếp tục liên hệ với nhau. Có thể giống như cơ chế khi ông Tập Cận Bình gặp ông Trump để giải quyết những vấn đề khó khăn giữa hai nước…”
Tuy nhiên, kết quả cụ thể có đạt được gì hay không, hay đạt được tới mức nào, sẽ “phụ thuộc rất nhiều vào sự điều đình, chuẩn bị” của ban tham mưu của hai nhà lãnh đạo.

’30 phút quan trọng’ của Thủ tướng Việt Nam ở Nhà Trắng

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump khoảng 30 phút ở Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, theo một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ.
Ông David Brown, nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, viết trên báo mạng Asia Sentinel rằng khi gặp nhau, ông Phúc sẽ nói “đúng theo kịch bản”, còn ông Trump sẽ “chi phối cuộc gặp, nói rất nhiều”.
Với phong cách “phóng đại và không chính xác” khi phát ngôn, biết đâu ông Trump sẽ đem lại một vài ngạc nhiên trong cuộc gặp, theo tác giả.
Ông David Brown cho rằng việc ông Donald Trump tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc như lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Nhà Trắng chứng tỏ giới ngoại giao Việt Nam, cụ thể là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Đại sứ Phạm Quang Vinh, đã thực hiện được “một giây phút quan trọng”.
Ngoài ra, cuộc gặp cũng cho Việt Nam hy vọng rằng sau khi TPP đã thất bại với Mỹ, một thỏa thuận thương mại song phương vẫn có thể hứa hẹn.
Trong cuộc gặp, Thủ tướng Việt Nam cũng có thể bày tỏ mong muốn mua hàng hóa quốc phòng từ Mỹ.
Về vấn đề tranh chấp Biển Đông, ông David Brown cho rằng nhiều khả năng Tổng thống Mỹ sẽ không có cam kết cụ thể nào, do bận rộn với vấn đề Bắc Hàn vốn cần sự hợp tác của Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài viết đăng trên báo Mỹ Washington Times hôm 30/5.
Trong đó, ông bày tỏ “ủng hộ nhiệt thành quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ, để cùng viết thêm một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc”.
Đồng thời trả lời Bloomberg, ông Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ: “Trong chuyến thăm này, doanh nghiệp hai nước sẽ ký kết nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổng trị giá hàng chục tỷ USD.”

Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước

Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016- 2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tin trong nước ngày 30/5 cho biết mục tiêu của đề án là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để các doanh nghiệp nhà nước trọng tâm vào các lĩnh vực quan trọng như dịch vụ xã hội, quốc phòng an ninh, độc quyền tự nhiên, khoa học công nghệ,…
Cũng theo đề án này, các điểm yếu kém của doanh nghiệp nhà nước cần được giải quyết công minh theo quy định của pháp luật. Đồng thời sẽ sớm tách việc đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước với việc quản lý nhà nước của các bộ, ngành.
Tin cho biết thêm nhiệm vụ trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 của đề án là cổ phần hóa 137 doanh nghiệp và Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp.

Nhập siêu của Việt Nam gần 2,7 tỷ USD trong 5 tháng

Trong lĩnh vực kinh tế, tính đến hết tháng 5/ 2017, Việt Nam nhập siêu gần 2,7 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5 thâm hụt 800 triệu USD.
Tổng cục Hải quan ngày 30/5 cho biết trong 5 tháng đầu năm tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam ước đạt hơn 161 tỷ đô la Mỹ tăng 20,7%, so với cùng kỳ năm 2016 và tổng giá trị nhập khẩu ước chừng 82 tỷ tăng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về xuất khẩu, nhóm hàng điện thoại và linh kiện tăng 12%, hàng dệt may tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016.
Về nhập khẩu, nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 38,8%, nhóm điện thoại, linh kiện tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thái Lan bắt giữ 4 tàu cá và 48 thuyền viên Việt Nam

Thái Lan lại vừa bắt giữ tàu cá Việt Nam bị cho là đánh bắt trái phép trong vùng biển của Xứ Chùa Vàng.
Lực lượng Cảnh sát Biển tỉnh Narathiwath của Thái Lan ngày 29/5/2017 đã bắt giữ 4 tàu cá Việt Nam với 48 thuyền viên, với cáo buộc đánh bắt  trong lãnh hải của Thái lan. Vị trí được phía Thái lan  cho biết là cách bờ biển phía đông của tỉnh Narathiwath miền Nam Thái lan 35 hải lý. Trong số những thuyền viên bị bắt có 6 người ở độ tuổi vị thành niên – dưới 18 tuổi.
Một sĩ quan trực ban Đồn Cảnh sát Đường thủy tỉnh Narathiwath yêu cầu không nêu danh tính cho biết:
Ông này nói đại ý rằng, ngày hôm qua tàu tuần tra của  Cảnh sát biển vùng 7, thuộc tỉnh Narathiwath tiến hành tuần tra đã phát hiện ra 4 tàu cá nước ngoài đang tiến hành đánh bắt hải sản trong lãnh hải thuộc chủ quyền của Thái Lan. Chúng tôi đã tiến hành bắt giữ 4 tàu cá và 48 thuyền viên đưa về trụ sở Cảnh sát biển tỉnh Narathiwath. Toàn bộ phương tiện và thiết bị trên tàu sẽ bị tịch thu, số người bị bắt sẽ được giao cho đồn cảnh sát Thị xã Narathiwath, tỉnh Narathiwath tiến hành xử lý các tội danh nhập cảnh và đánh cá trái phép theo quy định của pháp luật Thái Lan.
Theo nhật báo Manager online ngày 30/5/2017 của Thái lan cho biết, trong số 48 thuyền viên bị bắt kể trên có 6 người ở độ tuổi vị thành niên. Số những người vị thành niên kể trên đã được đưa đến trung tâm giáo dục người vị thành niên tỉnh Narathiwath, để chăm sóc và điều tra làm rõ có liên quan đến đường dây buôn người hay không?
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới Bí thư thứ nhất phụ trách bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok – ông Nguyễn Hải Ngọc để tìm hiểu vụ việc này nhưng không nhận được sự trả lời.
Theo thống kê của báo chí Thái lan cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, phía Thái lan đã bắt giữ 65 tàu cá và 430 thuyền viên người Việt Nam xâm phạm lãnh hải Thái Lan.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?