Tin khắp nơi – 30/05/2017

Tin khắp nơi – 30/05/2017

Giám đốc truyền thông Nhà Trắng ‘từ chức’

Giám đốc truyền thông của Nhà Trắng, ông Mike Dubke, đã đệ đơn từ chức, ba tháng sau khi được Tổng thống Trump bổ nhiệm.
Trao đổi với kênh Fox News hôm 30/5, bà Kellyanne Conway, cố vấn Nhà Trắng, cho biết rằng ông Dubke đã “bày tỏ mong muốn” từ nhiệm, nhưng đồng ý tiếp tục làm việc cho tới khi Tổng thống Trump kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Trung Đông và châu Âu. Ông Trump và phu nhân trở về Mỹ hôm 27/5.
Reuters dẫn lời trang Axios News đưa tin rằng ông Dubke, chủ một công ty truyền thông, đã đệ đơn hôm 18/5, nhưng hiện chưa rõ ngày giờ ông sẽ chính thức chấm dứt công việc.
Hãng tin của Anh viết rằng sự ra đi của giám đốc truyền thông này xảy ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang có kế hoạch tiến hành một cuộc cải tổ chiến lược và sâu rộng nhằm đương đầu với các cáo buộc về sự trao đổi giữa một số thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga.
Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ tuyển thêm các tân trợ lý cũng như các luật sư để xử lý vụ điều tra liên quan tới Nga, theo Reuters.
Ngoài ra, tin cho hay, nhiều khả năng sẽ có các thay đổi đối với văn phòng truyền thông của Nhà Trắng.
Trang tin Axios News đưa rằng sẽ có ít đi các buổi họp báo với phát ngôn viên Sean Spicer, và ông Trump có thể trực tiếp nhận thêm các câu hỏi từ giới báo chí.

Dưới sức ép, TT Trump lên án vụ giết người trên tàu hoả

Tổng thống Donald Trump hôm 29/05 sử dụng trang Twitter cá nhân để lên án vụ một người đàn ông da trắng đâm chết hai người khách đi tàu, sau khi những người này ngăn cản hắn ta quấy rối hai người phụ nữ trông giống người Hồi giáo.
Ông nói: “Vụ tấn công đầy bạo lực tại Portland hôm thứ Sáu là không thể chấp nhận được. Những nạn nhân đã đứng lên chống lại sự thù hận và thiếu khoan dung. Xin gửi lời cầu nguyện đến họ.”
Động thái này của Tổng thống Trump diễn ra vài ngày sau khi Hội đồng Quan hệ của Người Hồi giáo Mỹ lên tiếng kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ lên án vụ việc.
Người đàn ông thứ ba trong số ba người can thiệp vào vụ việc hiện đang được điều trị tại bệnh viện do những vết thương nghiêm trọng.
Nghi phạm là một người đàn ông da trắng tên Jeremy Joseph Christian, 35 tuổi, hiện đang bị cảnh sát tạm giữ và sẽ ra hầu toà vào ngày 30/05.
Nhân chứng cho biết, Christian đã dùng những lời lẽ xỉ nhục tôn giáo nhắm vào hai người phụ nữ đi cùng chuyến tàu, nói họ “Cút về Ả Rập Xê Út đi.”
Ba người đàn ông sau đó đã can thiệp, một người trong số họ nói rằng “Cậu không thể tỏ thái độ thiếu tôn trọng với những người phụ nữ này như vậy.” Sau đó tranh cãi nổ ra, Christain rút dao đâm chết hai người, một trong số đó là Ricky Best, một cựu chiến binh có vợ là một người phụ nữ gốc Việt.

TTg Canada muốn Đức Giáo hoàng

xin lỗi trẻ em thổ dân bị lạm dụng

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 29/05 lên tiếng thúc giục Đức Giáo hoàng Francis tới thăm và xin lỗi những người thổ dân tại Canada vì cách mà Giáo hội Công giáo đối xử với những trẻ em thổ dân theo học tại các trường do Giáo hội Công giáo điều hành trước đây.
Từ cuối thế kỉ 19, có khoảng 30% trẻ em thổ dân tại Canada (tức khoảng 150.000 em) đã buộc phải theo học tại các trường nội trú, nơi mà chính phủ cố gắng tách các em ra khỏi phong tục tập quán cổ truyền và ngôn ngữ của tổ tiên mình.
Trong suốt hơn một thế kỉ, những ngôi trường này được chính phủ tài trợ, nhưng rất nhiều trong số đó được các Giáo hội Công giáo, phần lớn là Công giáo La Mã, điều hành.
Thủ tướng Trudeau nói với báo giới sau cuộc gặp với Đức Giáo hoàng:
“Tôi nói với ngài ấy về tầm quan trọng của việc người dân Canada tiến về phía trước, trong sự hoà giải thật sự với những người thổ dân nơi đây, và tôi đã nhấn mạnh về việc ngài ấy có thể giúp ra sao nếu đưa ra một lời xin lỗi.”
Thủ tướng Canada nói đã mời Đức Giáo hoàng đến Canada để đưa ra lời xin lỗi.
Năm 2015, Uỷ ban Sự thật và Hoà giải của Canada đã kết luận rằng việc tách các trẻ em thổ dân ra khỏi cha mẹ mình là một dạng “diệt chủng văn hoá”.
Rất nhiều trong số những đứa trẻ đó đã bị lạm dụng tình dục và sức lao động.
Uỷ ban này đã đưa ra 94 lời đề nghị trong đó có việc Đức Giáo hoàng đến Canada đưa ra một lời xin lỗi chính thức tới những người sống sót cùng với con cháu của họ, cho “vai trò của Giáo hội trong việc lạm dụng tinh thần, văn hoá, cảm xúc, thể chất và cả tình dục” những đứa trẻ này.
Các Đức Hồng y của Canada cho biết Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm Canada vào năm tới.

Hàn Quốc:

Chính phủ không biết tin có thêm 4 dàn phóng THAAD

Tổng thống Nam Hàm Moon Jae-in vừa ra lệnh mở cuộc điều tra tìm hiểu lý do tại sao Bộ Quốc Phòng không thông báo cho ông biết chuyện Hoa Kỳ đặt thêm 4 dàn phóng tên lửa THAAD, ngoài 2 dàn phóng được lắp đặt trước ngày bầu cử.
Phát ngôn viên Yoon Young-chan của văn phòng Tổng Thống Nam Hàn cho báo chí biết rằng Tổng Thống Moon kinh ngạc khi biết tin này, nhấn mạnh tân chính phủ và dân chúng Nam Hàn không hề hay biết gì về 4 dàn phóng được đặt thêm.
Hệ thống phòng thủ chống tên lửa THAAD được chính quyền Seoul cũ đồng ý cho Hoa Kỳ đặt trên lãnh thổ Nam Hàn, với mục đích chống lại cuộc tấn công bằng tên lửa mà Bắc Hàn có thể gây nên.
Việc lắp đặt hệ thống này gây nhiều tranh cãi trong dư luận quần chúng miền Nam, đặc biệt trong lúc còn vận đông tranh cử, ông Moon từng tỏ ý cho biết sẽ duyệt lại điều này sau ngày nhậm chức.
Hệ thống THAAD cũng gây trở ngại cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ, Nam Hàn và Trung Quốc. Theo Bắc Kinh, Washington đặt hệ thống với mục đích dò xét hoạt động quân sự của Trung Quốc, đồng thời Bắc Kinh còn cho rằng lắp đặt hệ thống này là một trong những lý do khiến tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn.

Chính phủ Philippines kêu gọi phiến quân Hồi giáo đầu hàng

Marawi nên buông súng đầu hàng.
Kêu gọi này được đưa ra ngày 30 tháng 5, trong lúc binh sĩ Phi tiếp tục thực hiện cuộc hành quân quy mô để chiếm lại thành phố.
Bản tin mới nhất chúng tôi thu thập được cho hay có 8 phiến quân ra đầu hàng. Tin cũng nói hơn 100 người bị thiệt mạng, hầu hết là  những tay súng Hồi Giáo trung thành với Nhà Nước Hồi Giáo ISIS, trong đó có cả những phiến quân người Indonesia và Malaysia.
Quân đội Phi cũng cho hay phần lớn cư dân địa phương đã chạy thoát, trong đó có 85,000 người cư ngụ ở các trại tạm trú do chính phủ thiết lập.
Quân đội Phi cũng cho hay mức độ tiến quân tái chiếm thành phố Marawi phải chậm lại, vì vẫn còn khoảng 2,000 người dân kẹt lại trong thành phố, nhất là những người không may bị phiến quân bắt giữ làm con tin. Tướng Eduarno Ano, Tổng Tham Mưu trưởng Quân Đội Phi khẳng định chuyện quyết sạch phiến quân Hồi Giáo ra khỏi thành phố chỉ là vấn để thời gian.
Tổng Thống Rodrigo Duterte của Phi đã ban hành thiết quân luật ở khu vực miền Nam, nơi thường xuyên xảy ra giao tranh giữa phiến quân Hồi Giáo và binh sĩ chính phủ.

Liên Hiệp Quốc lập ủy ban điều tra quân đội Myanmar

Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mới thành lập một ủy ban điều tra liên quan đến các cáo buộc về những hành động tàn bạo mà binh sĩ và an ninh Miến Điện đã làm đối với người Hồi Giáo Rohingya trong thời gian vừa qua.
Quyết định thành lập ủy ban điều tra được Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu từ hồi tháng Ba năm nay, nhưng đến giờ mới thành hình.
Thông cáo của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cho hay ủy ban gồm 3 người, lãnh trách nhiệm phải điều tra khẩn cấp về những hành động binh sĩ và lực lượng an ninh Miến đã làm đối với người Rohingya, đặc biệt là những trường hợp xảy ra ở bang Rakhine, nơi được nói là người Rohingya không chỉ bị bạc đãi, mà còn bị bắt giữ, bắn giết, hãm hiếp, cướp của và đốt nhà, đẩy cả trăm ngàn người Rohingya phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, phần lớn chạy sang Bangladesh xin tá túc.
Thông cáo cũng cho hay 3 thành viên của Ủy Ban sẽ sớm gặp nhau ở Geneve để soạn thảo chương trình hành động, và sẽ đúc kết cuộc điều tra vào tháng Chín năm nay.
Hiện vẫn chưa rõ chính phủ Miến Điện cho chấp thuận cho ủy ban vào đất Miến cũng như đến tận bang Rakhine để thực hiện cuộc điều tra hay không.
Điều này được nói tới vì đầu tháng này khi ghé Brussels, lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi nói rõ chính phủ do bà lãnh đạo không chấp nhận chuyện Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều ra, đồng thời còn nói thêm rằng những tin tức Liên Hiệp Quốc có được hoàn toàn không đúng với sự thật.
Từ tháng Mười năm ngoái, tin tức liên quan đến những hành vi tàn bạo mà binh sĩ và lực lượng an ninh đối xử với người Hồi Giáo Rohingya loan truyền khắp nơi.
Dựa theo những tin tức đó, một bản báo cáo do Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố cho rằng có thể binh sĩ và an ninh Miến Điện phải bị xét xử vì phạm tội ác chống nhân loại.

11 nước tham gia TPP sẽ đàm phán vào tháng 7 ở Nhật

Các nhà đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) của 11 nước sẽ họp vào tháng 7 tới tại Nhật Bản để tìm phương cách đưa hiệp định này trở thành hiện thực sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi hiệp định vào tháng 1 vừa qua.
Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp các Bộ trưởng thương mại của 11 nước thành viên TPP diễn ra vào hôm 21 tháng 5 vừa qua ở Hà Nội.
Theo hãng tin Kyodo, hiện Nhật Bản, Australia và New Zealand là những nước ủng hộ việc đưa TPP đi vào hiệu lực mà không có Mỹ. Trong khi đó Việt Nam và Malaysia tỏ ra miễn cưỡng vì hai nước này hy vọng nhiều hơn vào việc tiếp cận thị trường Mỹ.
Sau cuộc họp ở Nhật, 11 nước sẽ lại nhóm họp ở Việt Nam vào tháng 11 tới đây bên lề diễn đàn APEC.
TPP được ký vào năm 2016 với sự tham gia của 12 nước. Tổng GDP của các nước trong khối chiếm 40% GDP toàn cầu.

TQ liên quan đến WannaCry, phân tích cho thấy

Phân tích mới cho thấy tội phạm dùng tiếng Trung có lẽ đứng sau mã độc WannaCry làm ảnh hưởng tới hàng ngàn tổ chức trên toàn thế giới.
Các nhà nghiên cứu từ Flashpoint đã truy cứu ngôn ngữ sử dụng trong thông báo máy tính nhiễm mã độc.
Họ phát hiện chỉ có thông báo bằng tiếng Trung mới sử dụng đúng ngữ pháp và dấu câu, cho thấy người viết “là người bản địa hoặc ít nhất là thông thạo” tiếng Trung.
Các phiên bản khác của thông báo mã độc dường như sử dụng “công cụ dịch thuật”.
Thông báo đòi tiền chuộc của WannaCry xuất hiện trong 28 ngôn ngữ khác nhau, nhưng chỉ có bản tiếng Trung và tiếng Anh có vẻ như được người chứ không phải máy tính viết.
Bản tiếng Anh cũng có một số đoạn văn bất thường.
Vụ tấn công mã độc WannaCry ảnh hưởng hơn 200.000 máy tính trên 150 quốc gia, ảnh hưởng các hệ thống chính phủ, y tế và các công ty tư nhân.
Cơ quan Phòng Chống Tội phạm Quốc gia Anh của Anh, FBI và Europol đang điều tra kẻ đứng đằng sau mã độc này.
Một số phân tích trước đó gợi ý rằng thủ phạm có thể ở Bắc Hàn.
Nhưng các nhà nghiên cứu của Flashpoint nhận thấy thông báo tiếng Hàn được dịch còn tệ hơn bản tiếng Anh.
“Chỉ bản tiếng Trung và tiếng Anh là có vẻ như được một người hiểu biết ngôn ngữ viết ra,” chuyên gia an ninh mạng, giáo sư Alan Woodward từ Đại học Surrey nói.
“Các bản còn lại có vẻ là nhờ Google Dịch. Thậm chí cả tiếng Hàn.”
Giáo sư Woodward nói những người đứng đằng sau mã độc tống tiền chưa lấy tiền mà các nạn nhân đã gửi vào Bitcoin, và nói thêm rằng có thể họ đang ẩn mình.

Mỹ: Ba “bảo mẫu” của Donald Trump

Ngày 27/05/2017, sau khi dự thượng đỉnh G7 tại Taormina, Ý, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên đường về nước, kết thúc chuyến công du 8 ngày, ở Trung Đông rồi châu Âu. Trên báo Le Figaro (30/05/2017), nhà báo Renaud Girard “tổng kết” : “Những bài học rút ra từ chuyến công du của Trump“.
Để hiểu rõ được sự vận hành của tân chính quyền Mỹ cũng như nắm bắt được những đường hướng chính trong chính sách đối ngoại của vị tổng thống “không giống ai” này, tác giả tiến hành phân tích riêng rẽ hình thức và nội dung.
Về hình thức, dường như hoạt động của tân chính quyền Mỹ dựa trên ba nguyên tắc lớn. Thứ nhất, có ba “bảo mẫu” đi theo “chăm sóc” “cậu bé” Donald Trump : đó là ngoại trưởng Tillerson, bộ trưởng Quốc Phòng Mattis và cố vấn an ninh quốc gia, tướng McMaster.
Ví dụ, tại thượng đỉnh NATO ở Bruxelles, tổng thống Mỹ đành chấp nhận nêu lên “mối đe dọa Nga” cho dù trong theo bản năng, ông chỉ coi Nhà Nước Hồi Giáo là kẻ thù thực sự của Hoa Kỳ. Thế nhưng, cần phải nói đến “mối đe dọa Nga” để tránh bị coi là “đồng chí” của Matxcơva trong lúc Quốc Hội Hoa Kỳ đang điều tra về nghi án quan hệ giữa các cộng sự của ông Trump với Nga.
Nguyên tắc thứ hai, Donald Trump không “quản lý vi mô“. Cụ thể là ông không cần biết chi tiết các kế hoạch, và ủy quyền cho bộ trưởng Quốc Phòng tướng Mattis tự do đưa ra các sáng kiến được cho là cần thiết để bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ.
Nguyên tắc thứ ba : tân tổng thống Mỹ có cách tiếp cận rất thương mại trong các hoạt động ngoại giao, theo kiểu “ông thò chân giò, bà thò nậm rượu“, tức là có đi có lại. Các đồng minh châu Âu của tân tổng thống Mỹ hiểu rõ điều này : châu Âu phải tăng ngân sách quốc phòng trước đã, rồi sau đó và chỉ sau đó, Hoa Kỳ mới nói đến điều 5 trong Hiến chương NATO, liên quan đến nghĩa vụ phòng thủ chung, bảo vệ lẫn nhau.
Về nội dung, theo báo Le Figaro, Hoa Kỳ đã từ bỏ học thuyết tân bảo thủ mà cựu tổng thống George W. Bush chủ trương, theo đó, để bảo vệ hòa bình thế giới, Hoa Kỳ phải “xuất khẩu” dân chủ, và nếu cần thì không ngần ngại sử dụng bạo lực. Trong chuyến công du Ả Rập Xê Út, Donald Trump đã tái khởi động thỏa thuận Mỹ bảo đảm an ninh cho nước này, được ký kết từ năm 1945. Đổi lại, Ryiad ký hàng loạt hợp đồng trị giá hơn 300 tỷ đô la.
Với thái độ thực dụng, khi tới Israel, Donald Trump đã yêu cầu Tel Aviv không tiếp tục mở rộng thêm các khu định cư Do Thái, không bàn đến chuyện chuyển sứ quán Mỹ về Jerusalem. Bởi vì, tân tổng thống Mỹ nghĩ rằng ông có thể thúc đẩy tái lập hòa bình ở Palestine, trên cơ sở có hai Nhà nước (Do Thái và Hồi giáo), đồng thời ông cũng muốn làm vừa lòng hai đồng minh lớn khác trong khu vực là Ả Rập Xê Út và Ai Cập.
Tại thượng đỉnh G7, tổng thống Mỹ đưa ra hai thông điệp cụ thể : Về thương mại, Donald Trump không nói đến chính sách bảo hộ mậu dịch và chỉ chủ trương “trao đổi thương mại công bằng” thay cho “tự do trao đổi mậu dịch“. Ông cũng lên án những tập quán, biện pháp xấu trong trao đổi thương mại, một uyển ngữ lên án Trung Quốc thực hiện chính sách phá giá dumping.
Còn về hồ sơ nhập cư, Trump đã nói thẳng với châu Âu : Đó là chuyện của các vị, hãy tự giải quyết. Trong vấn đề này, Mỹ chỉ giúp châu Âu tại Libya vì đây là cơ hội tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Vậy nước Pháp có nên phàn nàn về khía cạnh hơi thô bạo này trong chính sách đối ngoại của Mỹ hay không ? Le Figaro nhấn mạnh là không. Đây chính là cơ hội để ngoại giao Pháp tỏa sáng như xưa.

Bắc Triều Tiên : Một cựu quan chức cao cấp tố cáo chế độ

Bắc Triều Tiên tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế bất chấp những lời cảnh cáo mạnh mẽ của Donald Trump. Các cuộc bắn thử tên lửa nối tiếp nhau và mọi người đang chờ đợi một cuộc thử nghiệm nguyên tử mới, được thông báo là « cận kề ». Kim Jong Un không có vẻ gì muốn dừng lại.
Thae Young Ho, một cán bộ ngoại giao từng là nhân vật số 2 đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn, vào năm ngoái đã đào thoát sang Hàn Quốc, cảnh báo về thực tế tình hình. Ông Thae Young Ho là một trong những nhân vật cao cấp nhất Bắc Triều Tiên đã bỏ trốn.
Thông tín viên RFI tại Seoul, Frédéric Ojardias, đã gặp được ông Thae Young Ho trong những điều kiện không khác gì một chuyện trinh thám gián điệp : hẹn được vào giờ phút chót, phỏng vấn trong một phòng khách sạn, với sự hiện diện của cận vệ và dưới sự bảo vệ nghiêm mật của mật vụ Hàn Quốc.
Thae Young Ho nói lên suy nghĩ của ông về viễn ảnh chương trình hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.
« Kim Jong Un không hề điên ! »
Thae Young Ho : Đối với Kim Jong Un, chương trình phát triển hạt nhân và hỏa tiễn liên lục địa là cách duy nhất đảm bảo sự tồn tại của chế độ và « triều đại » của ông ta, cho nên ông ta kiên quyết thực hiện chương trình này, cho đến khi nào triển khai được những đầu đạn hạt nhân và hỏa tiễn có thể sử dụng được trên chiến trường.
Bắc Triều Tiên sẽ không đưa ra bất kỳ biện pháp nào để phi hạt nhân hóa. Tất cả mọi thỏa thuận tạm thời, mọi thỏa hiệp, đối với Bắc Triều Tiên chỉ là một phương cách để được chấp nhận như một cường quốc hạt nhân.
Một số người nghĩ là Kim Jong Un là một kẻ điên rồ, nhưng điều đó không đúng, Kim Jong Un không hề điên !
Kinh nghiệm Đông Âu : Để dân lật đổ chế độ
RFI : Nếu Bắc Triều Tiên từ chối, không phi hạt nhân hóa và nếu đối thoại không hữu ích gì, thì khủng hoảng có thể giải quyết ra sao ?
Thae Young Ho : Vấn đề hạt nhân chỉ có thể được giải quyết khi loại bỏ chế độ Kim Jong Un. Kim Jong Un sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình. Điều này rất rõ.
Giải pháp quân sự thì không thể vì quá mạo hiểm. Giải pháp hòa bình thì sẽ là giải pháp nào ? Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ việc các chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Âu.
Thời Xô Viết, người Đông Âu biết là ở phía Tây, người ta hưởng tự do, dân chủ, được một nhà nước chăm sóc, bảo bọc… Chúng ta phải cần gieo rắc loại thông tin như thế ở bên trong Bắc Triều Tiên, bằng cách này hay khác, bằng nhiều cách.
Bây giờ tại Bắc Triều Tiên, phim ảnh, phim truyện Hàn Quốc, nội dung văn hóa Hàn Quốc đang thâm nhập đời sống hàng ngày người Bắc Triều Tiên (nhờ chợ đen). Qua các phim ảnh này, người Bắc Triều Tiên biết được xã hội Hàn Quốc tự do và trù phú.
Khi người Bắc Triều Tiên được có đầy đủ thông tin và hiểu biết khá rõ ràng, họ có thể nổi dậy, lật đổ chế độ. Tôi rất tin tưởng vào khả năng này.
Dân Bắc Triều Tiên hiện đã có dấu hiệu phản kháng
RFI : Nhưng ở Đông Âu, ngay từ thời Cộng Sản, đã có những cơ cấu mà các hành động phản kháng có thể dựa vào, còn Bắc Triều Tiên thì hoàn toàn không có… ?
Thae Young Ho : Trong thời gian gần đây, nếu đi trên đường phố Bắc Triều Tiên, thì ta thấy có nhiều người bán hàng bày bán những thứ không được chính phủ cho phép. Họ không bỏ chạy khi cảnh sát đến, ngược lại họ còn gây sự với lực lượng an ninh.
Đó là những điều mà chỉ một vài năm trước đây không ai có thể tưởng tượng nổi. Bây giờ ở miền Bắc, người ta bắt đầu kháng cự để có thể tồn tại.
Tầng lớp quyền chức sợ bị dân trả thù
RFI : Ông từng thuộc tầng lớp có chức có quyền ở Bình Nhưỡng. Theo ý ông, quan điểm của tầng lớp này đối với khả năng chế độ thay đổi là như thế nào ?
Thae Young Ho : Sau nhiều năm hành quyết các cán bộ cao cấp, tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa, các tầng lớp lãnh đạo tại Bình Nhưỡng hoàn toàn nhận thức được thực tế là Bắc Triều Tiên sẽ không trở thành thịnh vượng nếu cứ theo chế độ hiện hành.
Nhưng họ phải đối mặt với tình trạng khó xử. Bởi vì họ đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó Kim Jong Un bị loại bỏ, và chế độ bị thay đổi. Các tầng lớp này biết rất rõ rằng phần lớn dân chúng đã bị hiếp đáp và khai thác trong suốt 70 năm. Và họ sợ bị người dân trả thù.
Không một chế độ bạo tàn nào có thể sống mãi
RFI : Theo ông, chế độ Bắc Triều Tiên hiện nay có thể đứng vững được trong bao lâu nữa ?
Thae Young Ho : Tôi không tin rằng tình hình chia cắt hiện thời của bán đảo Triều Tiên sẽ kéo dài được lâu. Người dân ở miền Bắc hiện nay rất ý thức về sự thịnh vượng ở miền Nam.
Ngay chính ông Kim Jong Un cũng tự biết rằng chế độ hiện tại đang trong cơn khủng hoảng. Chính vì lý do đó mà ông ta đã đi đến hành động giết cả người chú dượng và người anh cùng cha khác mẹ của mình ! Bởi vì Kim Jong Un nghĩ rằng chú của ông ta có thể là một mối đe dọa đối với chế độ của ông ta trong tương lai.
Tôi không tin là một chế độ hay một xã hội nào đó có thể tồn tại vô hạn định bằng cách gieo rắc kinh hoàng khủng bố.
(Bài phỏng vấn Thae Young Ho, cựu nhân vật số 2 đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn, Anh Quốc, do thông tín viên RFI Frédéric Ojardias thực hiện tại Seoul.)

Nguyên thủ Pháp – Nga

đối thoại thẳng thắn về các chủ đề nhạy cảm

Họp báo chiều ngày 29/05/2017 tại điện Versailles, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết đã có cuộc đối thoại « thẳng thẳn » và « trực diện » với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo, kể từ khi ông Macron nhậm chức. Trong cuộc đối thoại căng thẳng này, mọi vấn đề được coi là nhạy cảm đã được tổng thống Pháp đề cập đến, như vấn đề xung đột Syria, khủng hoảng Ukraina.
Căng thẳng dâng cao khi tổng thống Pháp chỉ trích một số phương tiện truyền thông Nga, như Sputnik và Russia Today, đưa tin « bịa đặt », tìm cách gây ảnh hưởng. Ông Macron cũng đặc biệt lưu ý đồng nhiệm Nga về tình trạng quyền của người đồng tính, chuyển giới tại Tchetchenia bị xâm phạm nghiêm trọng. Báo chí Pháp ca ngợi « thái độ cứng rắn » và khả năng « làm chủ tình thế » của Emmanuel Macron. Về phía Nga, báo chí nước này nhấn mạnh đến một cuộc gặp kém nồng hậu và thiếu kết quả cụ thể.
Thông tín viên Muriel Pomponne trường trình từ Matxcơva :
« Báo Kommerçant nhấn mạnh là cuộc hội kiến nói trên thiếu nồng hậu, hai nguyên thủ dùng ngôi thứ ba để nói với nhau. Moskovskij Komsomolets thì khẳng định hai bên đã không được ý hợp tâm đầu, tuy nhiên tờ báo phổ thông này cũng cho rằng « cậu bé đáng sợ » Macron đã có thể tiến hành một cuộc đối thoại không khoan nhượng với « cây đại thụ » Putin. 
Trong cuộc họp báo, tổng thống Nga bất ngờ trước thái độ táo bạo của Macron, đã không tìm được lời nào để đáp lại, khi tổng thống Pháp gọi một số báo Nga là phương tiện « gây ảnh hưởng ». Emmanuel Macron đã nhuần nhuyễn nguyên tắc của các chàng ngự lâm : tấn công là cách phòng thủ tốt nhất. 
Tuy nhiên, về phía thái độ của tổng thống Pháp, cũng có điều khá tức cười là khi ông Macron nói về Syria, cứ như thể ông ấy là « cây vĩ cầm chính » trong dàn nhạc. Ở đoạn này, tổng thống Nga đã phản pháo khi nhấn mạnh là ông không thấy mức độ độc lập của Pháp trong hồ sơ này. Nhìn chung, báo chí Nga ghi nhận là cuộc hội kiến đã không dẫn đến một kết quả quan trọng cụ thể nào. Tuy nhiên, đã có một nỗ lực tìm kiếm đồng thuận từ cả hai phía.
Cuối cùng báo chí Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp lịch sử này, về hoàng đế Nga Pierre đệ nhất, nữ hoàng Anna Kiev, lâu đài Versailles, gian các trận đánh lớn… Tuy nhiên, người Nga không hiểu được vì sao Emmanuel Macron lại đến Versailles bằng xe hơi hiệu Renault, họ thấy xe này không sang trọng lắm đối với một vị tổng thống ».
John McCain : Putin nguy hiểm hơn tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo
Đang tham quan Úc, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thuộc phe Cộng Hòa ngày 29/05/2017 đánh giá tổng thống Nga Vladimir Putin là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh thế giới, đối với các nền dân chủ và thậm chí nguy hiểm hơn cả tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech).
Phát biểu với đài ABC, ông John McCain cho rằng, mặc dù chưa thành công, nhưng chắc chắn Nga “đã và sẽ tiếp tục tìm cách can thiệp vào bầu cử của các nước“. Chính vì thế, tổng thống Nga Vladimir Putin là thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối đầu.

Hạt nhân BTT : Tokyo kêu gọi Bắc Kinh “đóng vai trò lớn hơn”

Ngày 29/05/2017, trong cuộc hội kiến với lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc tại Nhật Bản, cố vấn an ninh quốc gia Nhật kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Phát biểu được đưa ra vào lúc Bình Nhưỡng lại thử tên lửa, tên lửa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Cố vấn an ninh của thủ tướng Nhật, ông Shotaro Yachi, đã có cuộc trao đổi khoảng năm giờ với ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), ủy viên Quốc Vụ Viện phụ trách đối ngoại và Đài Loan, tại một địa điểm gần Tokyo. Ông Shotaro Yachi là người đứng đầu Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
Hãng tin Reuters trích lời cố vấn an ninh quốc gia Nhật : “Nhật Bản và Trung Quốc cần làm việc cùng nhau để thuyết phục Bắc Triều Tiên tránh có thêm những hành động khiêu khích mới và tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc”.
Thông báo chính thức của phía Trung Quốc về cuộc hội kiến hôm qua không nhắc đến vấn đề Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, hôm nay, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tái khẳng định lập trường của Trung Quốc là vấn đề Bắc Triều Tiên cần phải giải quyết “bằng các biện pháp hòa bình”.
Cũng ngày hôm nay, hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên dẫn lại một phát biểu của lãnh đạo tối cao Kim Jong Un, ra lệnh phát triển các vũ khí chiến lược hùng mạnh hơn, nhằm tự vệ trước đe dọa Hoa Kỳ, và khẳng định vụ bắn thử hỏa tiễn hôm qua là một thành công.
Về vụ bắn thử tên lửa Bắc Triều Tiên hôm qua, theo một sĩ quan Hàn Quốc, mục tiêu của Bình Nhưỡng là trắc nghiệm một công nghệ dẫn đường kiểu mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự Hàn Quốc nghi ngờ về tuyên bố trắc nghiệm thành công của Bình Nhưỡng, trong bối cảnh Bắc Triều Tiên thiếu các phương tiện kỹ thuật cần thiết như vệ tinh.
Seoul cho biết quân đội Hàn Quốc đã có cuộc tập trận phối hợp với oanh tạc cơ siêu thanh B-1B của Hoa Kỳ hôm qua.

Ân Xá Quốc Tế : Tư pháp Cam Bốt là công cụ đàn áp

Báo cáo của Amnesty International – Ân Xá Quốc Tế ngày 30/05/2017 tố cáo chính quyền Cam Bốt sử dụng hệ thống tư pháp để đàn áp đối lập và những nhà tranh đấu. Tổ chức bảo vệ nhân quyền này lo ngại không khí sợ hãi gia tăng tại Cam Bốt với cuộc bầu cử địa phương Chủ Nhật, 03/06/2017. Đây là một trắc nghiệm quan trọng đối với quyền lực của thủ tướng Hun Sen, tại vị từ 32 năm nay.
Trong dịp công bố bản báo cáo dài 40 trang mang tên « Courts of injustice/Những tòa án bất công », hôm nay 30/05/2017, giám đốc Ân Xá Quốc Tế khu vực Đông Nam Á, bà Champa Patel, khẳng định : « Tại Cam Bốt, các tòa án là công cụ trong tay chính quyền ». Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh : chính quyền Cam Bốt đã thao túng tư pháp, lạm dụng các biện pháp hình sự để « dập tắt tiếng nói của những người mà chính quyền không chấp nhận ».
27 nhà hoạt động, nhà đối lập hiện đang ngồi tù, hàng trăm người khác đang bị truy tố, và một bộ phận đối lập chính trị có thể bị « bỏ tù bất cứ lúc nào ». Giám đốc Ân Xá Quốc Tế Đông Nam Á khuyến cáo chính quyền nên ủng hộ một hệ thống « tư pháp độc lập », thể theo các cam kết quốc tế, thay vì dùng tư pháp để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
AFP dẫn ý kiến của các chuyên gia, theo đó, càng gần đến cuộc bầu cử địa phương, chính quyền Phnom Penh càng lo lắng. Ông Sebastian Strango, tác giả một cuốn sách về thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, đưa ra nhận xét : đảng cầm quyền « có nguy cơ mất quyền kiểm soát ở cấp địa phương, lần đầu tiên kể từ khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979 ».
Ngay sau khi bản báo cáo được công bố, đảng của thủ tướng Hun Sen đã lên án giới bảo vệ nhân quyền có thái độ « thù địch » với chính phủ.
Các thủ đoạn của chính quyền
Báo cáo của Ân Xá Quốc Tế chỉ ra nhiều cách thức mà chính quyền dùng để thao túng hệ thống tư pháp không minh bạch của Cam Bốt, như ra lệnh bắt giam các nhà hoạt động với những cáo buộc không có cơ sở, trước khi đem họ ra xét xử trong các phiên tòa bất công.
Một ví dụ tiêu biểu là năm thành viên và cựu thành viên của hiệp hội ADHOC, tổ chức bảo vệ nhân quyền lâu đời nhất tại Cam Bốt, bị tạm giam cách đây một năm trước khi được đưa ra xử. Hay trường hợp của nhà tranh đấu Tep Vanny, người bảo vệ hàng nghìn gia đình tại Phnom Penh chống lại nạn cướp đất trong suốt thập niên vừa qua. Kể từ năm 2013 đến nay, bà Tep Vanny đã bị bắt giữ ít nhất năm lần.
Một thủ đoạn tiêu biểu khác của tư pháp Cam Bốt là mở ra một vụ án, nhưng không tiến hành điều tra hoặc truy tố, trong nhiều năm trời. Mục tiêu của cách làm này là để cho một không khí bất định kéo dài gây mệt mỏi cho các nạn nhân.
Nhìn chung, theo Ân Xá Quốc Tế, không có bất cứ một nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền hay nhà đối lập nào bị đưa ra tòa lại được trắng án, và rất nhiều phán quyết được đưa ra hoàn toàn không dựa vào kết quả điều tra. Chính quyền Phnom Penh chỉ giảm án cho họ sau khi cộng đồng quốc tế gây áp lực.

Pháp : Cải tổ luật lao động để giải quyết thất nghiệp

Cải tổ luật lao động liệu có là chìa khóa đem lại công việc cho hơn ba triệu rưỡi người thất nghiệp trên đất Pháp ? Trước mắt, đây là hồ sơ đầu tiên trong nhiệm kỳ của tân tổng thống Macron. Chính phủ muốn cải tổ theo hướng nào ? Liệu công luận Pháp có dễ dàng chấp nhận những thay đổi về luật chơi trên thị trường đó hay không ?
Trả lời ban Việt ngữ RFI, chuyên gia Eric Heyer, giám đốc Đài Quan Sát Tình Hình Kinh tế Pháp- OFCE phân tích về kế hoạch cải tổ đang được tổng thống Macron và chính phủ xem là ưu tiên hàng đầu.
Rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm François Hollande đã mất hai năm để thông qua các biện pháp cải tổ luật doanh nghiệp, và thành quả đã đến quá trễ để cho phép ông Hollande ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, Emmanuel Macron đã bắt tay vào việc.
Chưa đầy 10 ngày sau khi nhậm chức, tổng thống Macron đích thân tiếp các công đoàn đại diện cho người lao động và lãnh đạo hiệp hội giới chủ nhân Pháp, để “nhanh chóng xúc tiến cải tổ“. Chủ nhân điện Elysée đề ra mục tiêu luật mới phải được áp dụng kể từ mùa thu này.
Chương trình cải tổ guồng máy kinh tế Pháp do ông Macron chủ xướng bao gồm rất nhiều các lĩnh vực từ cải tổ hệ thống bảo hiểm thất nghiệp đến quy chế hưu bổng, từ các khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội của giới chủ đến việc giảm thuế doanh nghiệp.
Tuy nhiên hồ sơ khẩn cấp nhất vẫn là đẩy lui thất nghiệp và để đạt mục tiêu này, tân tổng thống Pháp cho rằng, cởi trói cho thị trường lao động là chìa khóa dẫn tới thành công. Theo logic đó, Emmanuel Macron chủ trương : nới lỏng các quy định về thời gian làm việc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng nhân viên.
Nói một cách ngắn gọn, dự án cải tổ được ông Macron đề xướng bao gồm ba biện pháp chính : thứ nhất, trong một giới hạn nào đó, mỗi doanh nghiệp có quyền hạn rộng rãi hơn khi cần thương lượng với nhân viên về các điều kiện lao động, về khối lượng giờ làm việc hay mức lương. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu, hay số giờ làm việc 35 giờ một tuần … vẫn được duy trì.
Biện pháp thứ hai dự luật cải tổ lao động hướng tới là ấn định một mức bồi thường tối đa trong trường hợp chủ và nhân viên kiện nhau trước tòa Prud’hommes khi một người lao động bị sa thải mà không có lý do chính đáng.
Điều khoản thứ ba được chú ý tới trong kế hoạch cải tổ của ông Macron nhằm sáp nhập ba định chế đại diện cho người lao động trong một cơ quan xuống còn có một.
Nhưng liệu rằng kế hoạch cải tổ đó có cho phép nước Pháp đẩy lui thất nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn ba triệu rưỡi người đang bị gạt ra ngoài thị trường lao động ? Chuyên gia Eric Heyer, giám đốc Đài Quan Sát Tình Hình Kinh tế Pháp- OFCE trả lời :
Eric Heyer : ” Về câu hỏi liệu kế hoạch cải tổ luật lao động có là biện pháp hiệu quả để giải quyết nạn thất nghiệp hay không, theo tôi câu trả lời không đơn giản. Nhìn chung, không dễ để khẳng định là nạn thất nghiệp ở Pháp hiện tại do lỗi của luật lao động quá gò bó. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này, và hầu hết đều cho thấy không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa việc là luật lao động ở Pháp quá khắt khe khiến các công ty ngại tuyển dụng nhân viên. Bởi vì trên thực tế, nếu một hãng cần tuyển dụng người thì họ vẫn mượn thêm nhân công. 
Ngược lại, luật lao động có dễ dãi cho giới chủ đi tới mấy đi chăng nữa, mà nếu không có tăng trưởng, tức là hàng sản xuất ra không có người mua, hay không có ai yêu cầu được cung cấp một dịch vụ nào đó, thì chủ nhân cũng không thể nào tuyển dụng thêm người. Không có ngõ thoát cho nạn dư thừa lao động.
Tuy nhiên trong chương trình cải tổ, ông Macron quan niệm rằng nếu như luật chơi được quy định rõ ràng, cả về phương diện pháp lý lẫn mức bồi thường thiệt hại, thì các doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn khi cần tuyển thêm người.
Đương nhiên là tất cả các đề nghị cải tổ luật lao động sẽ phải đem ra bàn cãi giữa một bên là đại diện của phía chính phủ, bên kia là các công đoàn bảo vệ quyền lợi cho giới chủ, công đoàn bảo vệ người làm công ăn lương.
Thực ra tôi nghĩ là hiện tại, chính phủ cũng chưa quy định các chuẩn mực một cách chặt chẽ. Dự luật cải tổ chưa đi sâu vào chi tiết và phía chính phủ sẽ sẵn sàng lắng nghe tất cả ý kiến của các bên.
Một hướng cải tổ thứ hai là Emmanuel Macron muốn thay đổi thứ tự ưu tiên theo hướng, tiếng nói của mỗi doanh nghiệp là quan trọng hơn hết. Hiện tại Pháp có luật lao động chung, cho tất cả mọi ngành nghề, cho tất cả mọi người. Luật lao động chung này được xem là mức tối thiểu mà người chủ nào thì cũng phải tuân theo, và người lao động nào thì cũng được hưởng bấy nhiêu quyền lợi, phải làm việc tối thiểu 35 giờ một tuần … Ở một cấp thấp hơn, mỗi ngành nghề, chẳng hạn như công nghiệp luyện kim, hay giáo dục lại có những đòi hỏi khác nhau. Do vậy bên cạnh luật lao động chung, còn có những thỏa thuận riêng cho từng ngành. Ở một cấp thứ ba, là thỏa thuận của từng công ty giữa chủ và nhân viên.
Trong thứ tự này, thỏa thuận nội bộ của một doanh nghiệp phải có lợi cho nhân viên hơn là những quy định cơ bản của luật lao động được áp dụng trên toàn quốc. Theo logic của tổng thống Macron, ưu tiên phải được đặt ở cấp của mỗi doanh nghiệp.
Về điểm này, tôi nghĩ là sẽ không dễ để đạt được đồng thuận với các công đoàn. 
Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước nhiều thay đổi : từ bản chất của công việc làm đến môi trường lao động. Sửa đổi luật lao động là điều cần thiết. Vấn đề còn lại là điều chỉnh bộ luật ấy thế nào để giới làm công ăn lương không quá thiệt thòi, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính cho giới chủ khi họ cần mượn thêm nhân công. Đó là điều tất yếu”.
RFI : Vậy luật lao động của Pháp cần được điều chỉnh như thế nào để vừa khuyến khích tuyển dụng nhân viên, vừa tránh được các trường hợp lạm dụng, chẳng hạn như những hợp đồng quá ngắn hạn, đẩy người lao động vào thế bấp bênh ?
Eric Heyer : ”Theo tôi, đấy chính là điểm nhậy cảm nhất trong phương pháp của tổng thống Emmanuel Macron. Tân tổng thống Pháp muốn đạt được ba mục tiêu cùng một lúc : đó là cởi trói cho thị trường lao động khuyến khích các doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng nhân viên ; bảo vệ người lao động và thứ ba là giảm chi tiêu công cộng. Đạt được cả ba mục tiêu này là nhiệm vụ bất khả thi. Bởi vì nếu muốn bảo vệ giới làm công ăn lương, bắt buộc Nhà nước phải can thiệp và chắc chắn là chính phủ phải tăng ngân sách. Trong khi đó ông Macron lại chủ trương giảm chi”.
RFI : Ông đánh giá thế nào về kế hoạch cải tổ luật lao động tổng thống Emmanuel Macron muốn nhanh chóng tiến hành và liệu rằng các biện pháp đó có dễ được các đối tác xã hội – người lao động, giới chủ chấp nhận hay không ?
Eric Heyer : “Tôi nghĩ là cần phân biệt rõ ràng hai vấn đề. Thứ nhất là tính cứng nhắc của thị trường lao động tại Pháp và thứ nhì là nhu cầu đơn giản hóa bộ luật lao động. Bộ luật này được ban hành từ năm 1910 và từ đó đến nay đã rất nhiều lần được sửa đổi. Vế thứ hai là điều chúng ta cần phải làm và trên điểm này tổng thống Macron hoàn toàn có lý. Câu hỏi đặt ra là cái cách chính phủ Pháp thương lượng với các đối tác về bộ luật được sửa đổi đó.
Riêng trên luận điểm cho rằng luật lao động cứng nhắc là một trở ngại trong mục tiêu giảm thất nghiệp, thì như đã nói, chuyện này không đơn giản chút nào. Tôi cho rằng, thất nghiệp ở Pháp còn cao vì đà tăng trưởng không đủ sức đem lại công việc làm cho tất cả mọi người, không đủ sức để đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới ngưỡng 8 hay 9% chứ không phải do luật lao động của Pháp quá bó buộc.
Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Pháp mới chỉ đạt hơn 1 %, mà đã chúng ta đã tạo được thêm 200.000 chỗ làm. Tôi cho rằng đó là bằng chứng cụ thể nhất cho thấy thị trường lao động Pháp đang khởi sắc trở lại. Chìa khóa giải quyết thất nghiệp là tăng trưởng, chứ không phải do hợp đồng lao động có mang tính rằng buộc quá hay không”.
Ngoài tính hiệu quả, trước mắt để cải tổ luật lao động Pháp, tổng thống Macron cần phải có sự đồng thuận của các công đoàn và sau đó, dự luật còn phải được Quốc Hội và Hội Đồng Bảo Hiến thông qua trước khi có hiệu lực. Tham vọng để cho một bộ luật mới được ra đời và áp dụng kể từ mùa thu năm nay, gần như chắc chắn là nhiệm vụ bất khả thi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?