Tin Biển Đông – 31/05/2017
Mỹ có thể nhờ Việt Nam giúp về vấn đề Biển Đông
Các chuyên gia quốc tế tại Washington DC cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ làm tăng thêm thế cho mối quan hệ giữa hai nước, chuyển dịch hơn về hướng chiến lược để đối phó với Trung Quốc.
Hãng tin CNBC của Mỹ trích lời chuyên gia Jonathan Stromseth thuộc viện nghiên cứu Brookings của Mỹ nhận định trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng trong khu vực và những lo ngại về việc Mỹ duy trì sức mạnh của mình ở đó, Nhà Trắng đang xích lại gần hơn với các quốc gia ở Đông Nam Á.
Ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phía Hoa Kỳ đã trao cho Việt Nam tàu, xuồng tuần duyên. Ngoài ra các tàu Mỹ cũng thường xuyên ghé thăm Việt Nam thời gian qua. Hoa Kỳ vào năm 2015 cũng đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.
Chuyên gia Stromseth cho rằng những cam kết được minh chứng trên thực tế của Hoa Kỳ với khu vực sẽ củng cố thêm các điều kiện giúp cho sự hợp tác nhiều bên mang tính xây dựng với Trung Quốc ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, giảm cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh trong dài hạn.
Thủ tướng Việt Nam
nhờ LHQ giúp giải quyết vấn đề Biển Đông
Thủ tướng Việt Nam kêu gọi Liên Hiệp Quốc giúp thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại New York hôm 30 tháng 5, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến những diễn biến gần đây tại biển Đông và kêu gọi gọi Liên Hiệp Quốc giúp giải quyết những tranh chấp tại khu vực này dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, đồng thời sớm hoàn tất Bộ Quy tắc về Ứng xử của các bên ở biển Đông (gọi tắt là COC).
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã ghi nhận lời đề nghị này và đồng ý về vai trò của ngoại giao giúp phòng ngừa, giải quyết xung đột, tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cũng nhân dịp này Thủ tướng Việt Nam bày tỏ mong muốn các nước ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Hệ thống quan sát dưới biển của Trung Quốc
cũng nhằm theo dõi tàu ngầm
Trung Quốc vừa thông qua kế hoạch xây một hệ thống quan sát dưới nước sẽ bao phủ cả hai vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, theo tin của báo chí Hồng Kông ngày 29/05/2017, trích dẫn đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV.
Về mặt chính thức thì hệ thống này, sẽ được xây dựng trong 5 năm, với kinh phí lên tới gần 300 triệu đôla, chủ yếu được sử dụng để cung cấp thông tin về điều kiện môi trường và các hoạt động dưới đáy biển, thế nhưng các quan chức Trung Quốc nhìn nhận rằng hệ thống này cũng phục vụ cho mục đích quốc phòng, có nghĩa là sẽ theo dõi sự di chuyển của các tàu ngầm nước ngoài ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo lời một giáo sư của Trường Khoa học Hàng hải và Địa cầu thuộc Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, nói với đài CCTV, ngoài việc thu thập các dữ liệu về hóa học, sinh học và địa cầu, hệ thống quan trắc dưới nước còn có thể được sử dụng cho các lĩnh vực khác như khai thác mỏ, lập bản đồ hoặc bảo vệ các quyền trên biển, cũng như quốc phòng.
Dùng chữ quốc phòng, có lẽ vị giáo sư này muốn nói đến việc bảo tồn, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc tại hai vùng Biển Đông và biển Hoa Đông. Nhưng rất có thể là nhiệm vụ quốc phòng của hệ thống quan sát dưới biển là theo dõi sự di chuyển của các phương tiện quân sự nước ngoài, đặc biệt là tàu ngầm.
Vào đầu tháng 5 vừa qua, tạp chí HIS Jane’s Defence Weekly loan tin, năm ngoái, tại một cuộc triển lãm, Công ty Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc đã trình bày chi tiết một dự án mang tên “ Dự án Bức Trường Thành dưới nước”, cho hải quân Trung Quốc. Dự án này rất giống với dự án mà đài CCTV thông báo về tầm cỡ, cũng như phạm vi.
Trong thời gian chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã từng có một hệ thống tương tự để theo dõi tàu ngầm của Liên Xô, mang tên là Sound Surveillance System, SOSUS. Tuy Liên Xô đã tan rã từ cách đây mấy thập niên, nhưng hệ thống này vẫn được duy trì, để có thể được sử dụng khi có khủng hoảng.
Nhưng đối với Trung Quốc, hệ thống quan sát dưới biển ở Biển Đông và biển Hoa Đông còn sẽ là một công cụ để củng cố đòi hỏi chủ quyền của họ ở cả hai vùng biển này.
Kế hoạch nói trên được loan báo sau khi vào tháng 2 vừa qua, báo chí Nhà nước của Trung Quốc cho biết là nước này sẽ sửa đổi luật về an toàn hàng hải, buộc tàu ngầm nước ngoài đi vào vùng Biển Đông phải chạy trên mặt nước và phải treo quốc kỳ rõ ràng. Những sửa đổi này theo dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ năm 2020.
Hiện giờ Trung Quốc chỉ có một đội tàu ngầm tương đối nhỏ, gồm khoảng 56 tàu ngầm tấn công, mà đa số là tàu được thiết kế từ thời chiến tranh lạnh hoặc các tàu ngầm nhỏ để bảo vệ bờ biển, theo Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược. Nhưng quân đội Trung Quốc có thể sẽ dùng các tàu trên mặt nước và các phi cơ để săn đuổi những tàu ngầm nước ngoài bị xem là vi phạm những quy định mới về an toàn hàng hải ở những vùng biển mà họ xem là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Nhận xét
Đăng nhận xét