Tin khắp nơi – 31/05/2017

Tin khắp nơi – 31/05/2017

Luật sư riêng của Trump

không cung cấp thông tin cho điều tra Nga-Trump

Luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, Michael Cohen, đã nhận và đã từ chối một yêu cầu cung cấp tài liệu trong một cuộc điều tra đang diễn tiến của Quốc hội về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và những liên lạc với ban vận động của ông Trump.
Cohen, một luật sư lâu năm của Tổ chức Trump, vẫn là luật sư riêng của ông Trump. Ông từng lên truyền hình làm người đại diện phát ngôn cho ông Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Ủy ban Tình báo Hạ viện yêu cầu ông Cohen cung cấp thông tin trong khi các nhà điều tra tiếp tục săm soi những thành viên thân cận của ông Trump.
“Tôi từ chối lời mời tham gia vì yêu cầu được trình bày một cách kém cỏi, quá rộng và không thể nào trả lời được,” ông Cohen nói với hãng tin AP. “Tôi thấy việc yêu cầu gửi đến cho tôi bị rò rỉ bởi những người làm việc trong ủy ban là điều thiếu trách nhiệm và thiếu thỏa đáng.”
Ông Cohen nói với ABC News rằng ông được cả Ủy ban Tình báo của Hạ viện lẫn Thượng viện yêu cầu cung cấp thông tin và lời khai chứng về những liên lạc của ông với các quan chức Nga.
Quan hệ của ông Cohen với các nhân vật có lợi ích ở Nga được nêu ra vào tháng 2 khi báo The New York Times loan tin ông Cohen đã giúp làm trung gian điều giải một kế hoạch hòa bình ở Ukraine mà sẽ kêu gọi quân đội Nga rút khỏi Ukraine và kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý để người dân Ukraine quyết định liệu phần đất bị Nga chiếm đóng vào năm 2014 có nên để cho Moscow thuê tại hay không. Chính phủ Nga phủ nhận không hay biết gì về kế hoạch này.
Theo báo Times, kế hoạch hòa bình là công tác của Felix Sater, một cộng sự kinh doanh đã giúp ông Trump tìm kiếm mối làm ăn ở Nga, và ông Cohen.

Nổ bom khu vực lãnh sự ở Afghanistan, ít nhất 90 người chết

Một xe tải chứa bom có sức công phá lớn đã nổ tung vào sáng thứ Tư ở khu vực ngoại giao tại thủ đô của Afghanistan, giết chết ít nhất 90 người và làm bị thương hơn 300 người khác.
Một giới chức an ninh ẩn danh cho VOA biết về số thương vong vài giờ sau khi xảy ra vụ nổ.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Y tế Afghanistan Wahidullah Majroh loan báo số người chết là ít nhất 80 người và con số này có thể còn tăng cao.
Vụ nổ đã phá nát khu trung tâm Wazir Akbar Khan ở Kabul, nơi tập trung nhiều cơ sở ngoại giao và cơ quan chính phủ nước ngoài, làm hư hại hàng chục xe cộ và các tòa nhà xung quanh.
Các giới chức Afghanistan cho biết chất nổ đã được đóng gói trong một xe bồn chở chất thải.
Vụ đánh bom xảy ra không xa đại sứ quán Đức.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy vụ nổ phá hủy một phần khu vực ngoại giao. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết trên Twitter rằng có một số nhân viên của đại sứ quán Đức bị thương, và một nhân viên an ninh Afghanistan nằm trong số những người thiệt mạng.
Vụ nổ còn phá hủy một tòa nhà gần đó, nơi đặt văn phòng chính của công ty Roshan, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu ở Afghanistan.
Lực lượng an ninh Afghanistan đã nhanh chóng phong tỏa khu vực. Các binh sĩ quốc tế cũng đến hiện trường để góp sức vào nỗ lực giải cứu.
Truyền hình Afghanistan chiếu cảnh hàng chục xe cứu thương đưa các nạn nhân, kể cả nhiều phụ nữ, đến bệnh viện.
Hiện chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm về cuộc tấn công.
Phe nổi dậy Taliban tuyên bố họ không có liên quan đến vụ đánh bom hoặc bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào thường dân. Nhóm nổi dậy này hồi gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Afghanistan, giết chết và gây thương tích cho nhiều người.
Gần đây, nhóm Nhà nước Hồi giáo tuyên bố nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu gây nhiều chú ý ở Afghanistan, kể cả một cuộc tấn công tự sát gây chết người nhắm vào bệnh viện quân sự lớn nhất Afghanistan ở Kabul.
Cuộc tấn công này xảy ra vào tháng 3 đã giết chết ít nhất 50 người, kể cả binh lính và bác sĩ.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm thứ Tư lên án vụ đánh bom là một “cuộc tấn công bất nhân và hèn nhát” nhắm vào thường dân vô tội ngay trong tháng Ramadan thiêng liêng của Hồi giáo.
Sứ mạng “Resolute Support” của NATO do Mỹ lãnh đạo nhằm hỗ trợ cho các lực lượng Afghanistan, nói cuộc tấn công “thể hiện thái độ hoàn toàn coi rẻ mạng sống của thường dân và cho thấy bản chất man rợ của kẻ thù mà người Afghanistan đang phải đối mặt”.
Nước láng giềng Pakistan cũng lên án cuộc tấn công khủng bố, nói rằng vụ tấn công đã làm hư hại tư dinh của các nhà ngoại giao và nhân viên người Pakistan, đồng thời gây thương tích nhẹ cho một số người.
Vụ tấn công bạo lực mới nhất xảy ra vào lúc Tổng thống Ghani đang chuẩn bị chủ trì một hội nghị ở Kabul với sự tham dự của các nước láng giềng và khu vực vào tuần tới để thảo luận về các biện pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột đang ngày càng gây nhiều chết chóc ở Afghanistan.

Đức ‘vuốt ve’ Mỹ sau chỉ trích của Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi các chính sách thương mại và chi tiêu của Đức là “rất tệ” vào ngày thứ Ba, thổi bùng lên tranh cãi giữa hai đồng minh lâu đời và ngay lập tức bị một chính trị gia hàng đầu của Đức gán cho biệt danh “kẻ hủy diệt những giá trị phương Tây.”
Trong khi cuộc khẩu chiến có nguy cơ vuột khỏi tầm kiểm soát, bà Merkel và các chính trị gia cao cấp khác của Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Đức, và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel gợi ý rằng tranh cãi này chỉ là một giai đoạn khó khăn mà thôi.
Ông Trump sáng ngày thứ Ba lên Twitter viết những lời công kích nước Đức, một ngày sau khi Thủ tướng Angela Merkel mạnh mẽ bày tỏ mối hoài nghi của bà về mức độ tin cậy của Washington như một đồng minh.
“Chúng ta có thâm hụt thương mại KHỔNG LỒ với Đức, chưa hết họ chi tiêu ÍT HƠN RẤT NHIỀU cho NATO và quân đội. Rất tệ đối với Mỹ. Chuyện này sẽ thay đổi,” ông Trump viết.
Cuộc tranh cãi qua lại nhanh chóng leo thang sau khi ông Trump, tại các hội nghị thượng đỉnh vào tuần trước, chỉ trích các đồng minh quan trọng của NATO về chi tiêu quân sự của họ và từ chối công khai ủng hộ một thỏa thuận về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hôm Chủ nhật, bà Merkel cho thấy tính nghiêm trọng của mối lo ngại của bà về mức độ tin cậy của Washington dưới thời ông Trump khi bà cảnh báo, trong một buổi vận động tranh cử trong một lều bia chật cứng người ở Bavaria rằng, thời đại mà Châu Âu có thể hoàn toàn trông cậy vào những người khác “đã chấm hết ở một mức độ nhất định.”
Những phát biểu này, gây sốc ở Washington, giãi bày nỗi bất mãn của Châu Âu với ông Trump về chính sách khí hậu nói riêng. Và trong khi các chính trị gia Đức đứng về phía bà Merkel, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel gợi ý rằng đã đến lúc những cái đầu lạnh thắng thế.
“Nước Mỹ lớn hơn và lâu đời hơn vụ xung đột hiện nay,” ông nói và nói thêm rằng mối quan hệ sẽ cải thiện. “Điều không thích hợp là chúng ta đang giao tiếp với nhau giữa lều bia và Twitter,” ông nói ở Berlin.
Bà Merkel đã bắt đầu trau chuốt thông điệp của mình hôm thứ Hai, nhấn mạnh rằng bà là một người tin tưởng vào mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, một thông điệp mà bà nhắc lại sau khi hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở Berlin.

Tổng thống Hàn Quốc đòi điều tra vụ phi đạn THAAD

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ra lệnh thực hiện một cuộc điều tra sau khi Bộ Quốc phòng nước này không thông báo cho ông biết thêm bốn giàn phóng cho hệ thống phi đạn gây tranh cãi của Mỹ THAAD đã được đưa vào nước này, người phát ngôn của ông cho hay.
Giàn phóng của hệ thống Phòng thủ Khu vực Cao độ Cao Giai đoạn cuối (THAAD) lúc đầu được triển khai vào tháng 3 tới vùng Seongju ở đông nam với chỉ hai trong số tối đa sáu giàn phóng để chống lại mối đe dọa phi đạn từ Bắc Triều Tiên.
Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông Moon đã kêu gọi quốc hội thẩm duyệt lại hệ thống này vốn cũng khiến Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bắc Triều Tiên, phẫn nộ.
“Tổng thống Moon nói ông bàng hoàng” khi nghe tin thêm bốn giàn phóng nữa đã được lắp đặt mà không được báo cáo cho chính phủ mới hoặc cho công chúng, phát ngôn viên tổng thống Yoon Young-chan nói trong một cuộc họp báo.
Ông Moon vận động tranh cử với chủ trương hòa dịu hơn đối với Bình Nhưỡng, kêu gọi giao tiếp ngay cả khi quốc gia cô lập này theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo thách thức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các đe dọa áp đặt thêm chế tài.
Quân đội Mỹ tại Hàn Quốc không bình luận ngay tức thì về phát biểu của ông Moon. Quân đội Hàn Quốc cũng không bình luận ngay lập tức.

Trung Quốc đồng ý tăng các chuyến bay từ Hàn Quốc

Hãng hàng không Jeju Air của Hàn Quốc hôm thứ Ba cho hay Trung Quốc đã chấp thuận kế hoạch tăng gấp đôi các chuyến bay của họ đến thành phố Uy Hải của Trung Quốc từ ngày 2 tháng 6, khơi lên hy vọng căng thẳng chính trị đang lắng dịu giữa hai nước.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc lâm vào tình trạng căng thẳng suốt nhiều tháng sau khi Hàn Quốc quyết định triển khai hệ thống phi đạn phòng thủ của Mỹ, nhưng tình hình có phần dịu bớt với việc Tổng thống Moon Jae-in đắc cử trong tháng này.
Jeju Air, hãng hàng không giá rẻ hàng đầu của Hàn Quốc, cho biết họ nộp đơn lần đầu tiên xin gia tăng những chuyến bay tới Uy Hải, từ 7 lên 14 chuyến một tuần, vào đầu tháng 4, nhưng Trung Quốc trước đó đã không chấp thuận kế hoạch này vì tranh cãi ngoại giao.
“Căng thẳng chính trị đã có tác động sâu rộng tới các chuyến bay giữa hai nước bao gồm các chuyến bay mới, các chuyến bay bổ sung và các chuyến bay thuê bao,” phát ngôn viên của Jeju Air, Park Jung-Jun, nói.
“Hành động mới nhất này khơi lên hy vọng rằng căng thẳng đang dịu bớt,” ông nói. Tuy nhiên, ông nói Trung Quốc chưa chấp thuận một yêu cầu của hãng hàng không này nối lại các chuyến bay thuê bao giữa hai nước.
Các công ty Hàn Quốc từ các hãng hàng không cho tới các hãng xe hơi và các công ty bán lẻ đã hứng chịu phản ứng giận dữ của Trung Quốc vào năm ngoái về việc nước này triển khai hệ thống chống phi đạn Phòng thủ Khu vực Cao độ Cao Giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD).
Trung Quốc nói rằng hệ thống radar cường độ mạnh của có thể thâm nhập lãnh thổ của Trung Quốc và làm suy yếu an ninh của nước này. Hàn Quốc và Mỹ nói rằng việc triển khai này nhằm mục đích thuần túy là phòng thủ chống lại Bắc Triều Tiên.

Nhật giục Trung Quốc tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên

Nhật Bản hối thúc Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để gây ảnh hưởng tới Bắc Triều Tiên nhằm giúp gây áp lực buộc nước này ngừng phát triển phi đạn và hạt nhân.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida cho biết trong các cuộc hội đàm ở Tokyo hôm thứ Ba rằng ông đã kêu gọi ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đặc trách đối ngoại, để Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.
Các cuộc hội đàm diễn ra một ngày sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành một cuộc thử nghiệm phi đạn vào tuần thứ ba liên tiếp. Phi đạn rơi xuống vùng biển cách bờ biển phía tây Nhật Bản khoảng 200 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Những mối đe dọa phi đạn đang lớn dần từ Bắc Triều Tiên được cho là yếu tố giúp Nhật Bản và Trung Quốc cải thiện mối quan hệ và hợp tác của mình.
Bắc Kinh có ảnh hưởng đáng kể tới Bình Nhưỡng. 90 phần trăm khối lượng thương mại của Bắc Triều Tiên là với Trung Quốc.

Hội nghị Shangri-La năm nay và kỳ vọng chính sách Châu Á

Cuối tuần này tại Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á, tức Đối Thoại Shangri-La tổ chức tại Singapore, Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis sẽ đọc bài diễn văn quan trọng nói về tình hình an ninh toàn cầu, kêu gọi các nước cùng hợp tác để thúc đẩy Bắc Hàn phải đình chỉ ý định chế tạo võ khí hạt nhân và ngưng những hành động mang tính gây hấn.
Tin từ Washington cho hay trong bài diễn văn, người điều hành Lầu Năm Góc sẽ nhấn mạnh đến mối đe dọa mà Bình Nhưỡng gây nên đối với an ninh và ổn định của toàn khu vực, nhắc nhở mọi quốc gia trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương cần đoàn kết, có chung tiếng nói đối với Bắc Hàn, trong lúc Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng hơn để cùng cộng đồng thế giới giải quyết chuyện Bắc Hàn.
Ông Mattis cũng sẽ nói đến những biện pháp cấm vận cứng rắn hơn mà Hoa Kỳ sẽ đưa ra, kêu gọi các nước ủng hộ và cùng thực hiện điều này.
Trong khi chờ đợi bài diễn văn của ông Tổng Trưởng Mỹ, tin từ giới ngoại giao Châu Á-Thái Bình Dương cho thấy các nước muốn biết rõ chính sách của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với khu vực.
Cho tới giờ, mặc dù Tổng thống Trump và các cố vấn thân cận với ông vẫn nói là đánh giá cao tầm quan trọng của vùng Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng theo lời các viên chức ngoại giao Á Châu, điều này vẫn chưa được thể hiện rõ rệt.
Một số thí dụ được đưa ra, chẳng hạn như đến giờ hai bộ ngoại giao và quốc phòng Mỹ vẫn chưa chính thức có người đặc trách về Châu Á, do đó, chuyện soạn thảo và thực thi chính sách vẫn ở trong tình trạng bỏ lỏng.
Một chuyện khác nữa cũng được nói đến là trong thời gian vận động tranh cử, ứng cử viên Trump thường xuyên lên tiếng chỉ trích việc làm của Bắc Kinh, nhưng từ ngày nhậm chức tới giờ, Tổng Thống Trump dịu giọng hơn, đặc biệt tỏ ý cho thấy ông muốn tạo mối thân tình với lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình.

Moody’s hạ điểm trái phiếu Trung Quốc

Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
Mười ngày sau khi lãnh đạo Bắc Kinh long trọng giới thiệu dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, thì công ty tính điểm tín dụng Moody’s Investors Service đã hạ điểm trái phiếu của Trung Quốc vì mối ưu tư về gánh nợ quá cao của kinh tế Trung Quốc.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. 10 ngày sau khi lãnh đạo Bắc Kinh tổ chức hội nghị quốc tế về Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ thì lần đầu tiên từ gần 30 năm qua, công ty Moody’s Investors Business lại hạ điểm trái phiếu của Trung Quốc vào ngày Thứ Tư 24. Lý do nêu ra là vì tình trạng nợ nần quá cao của kinh tế Trung Quốc. Thưa ông, chúng ta nên hiểu diễn biến này như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước tiên, tôi xin được nói về bối cảnh của việc lượng cấp tín dụng. Khi cần vay tiền qua phát hành trái phiếu, là giấy nợ, thì một doanh nghiệp, địa phương hay quốc gia mời một cơ quan lượng giá độc lập vào tìm hiểu chi tiết về kinh tế, kế toán, tài chánh, tổ chức…, để thẩm định khả năng trả nợ – hay rủi ro trễ hạn, vỡ nợ. Cơ quan này xếp hạng trái phiếu qua hai chục cấp cao thấp. Sự thẩm định ấy cho phép một bên là khách nợ cùng ngân hàng trung gian giúp họ phát hành trái phiếu, bên kia chủ nợ, tức là người mua trái phiếu dễ ngã giá về tiền lãi qua đấu thầu. Nếu an toàn thì tính lãi nhẹ, nếu rủi ro thì đòi phân lời (yield) đắt hơn để ngừa bất trắc. Thế giới có ba công ty lượng cấp lớn nhất và chiếm 95% thị trường xếp hạng là Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings. Tuần qua, Moody’s hạ hai loại trái phiếu dài hạn của Trung Quốc, bằng nội tệ và ngoại tệ, xuống một cấp, từ cao tới thấp là cấp thứ sáu. Trái phiếu trên thị trường Hong Kong cũng bị giảm một hạng vì mối quan hệ với kinh tế Trung Quốc. Thật ra, lý do hạ điểm này chẳng gây ngạc nhiên vì đã hiển nhiên từ mấy năm nay, đó là gánh nợ quá lớn và tăng quá nhanh của Trung Quốc. Tuy nhiên, vì kinh tế cũng là chính trị mà phúc trình của Moody’s lại bỏ qua động lực chính trị của gánh nợ, là điều chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
Nguyên Lam: Nếu vậy thì xin ông trình bày cho yếu tố chính trị đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được nhắc lại là đầu Tháng Năm, Moody’s có báo cáo về nạn “ngân hàng chui” hay shadow banking của Trung Quốc là khi chính quyền muốn kiểm soát tín dụng ngân hàng thì nhiều nơi lại tìm cách vay tiền ngoài ngoài biên chế, là không ghi vào bảng kết toán sổ sách ngân hàng. Lượng tiền đó gây thêm rủi ro mà chưa ai biết được là lên tới bao nhiêu tỷ bạc trong khi tổng số tín dụng đã lên tới 283% của Tổng sản lượng. Trong các nước đang phát triển, Trung Quốc thuộc loại mắc nợ nhiều và nhanh nhất.
Trên đại thể chính trị thì lãnh đạo Bắc Kinh muốn cùng lúc ba điều bất khả, là 1/ duy trì được đà tăng trưởng tạm khả quan để tránh thất nghiệp và động loạn; 2/ ổn định kinh tế và xã hội; 3/ mà vẫn cải cách cơ chế như đảng đã đề ra sau Đại hội 18 vào năm 2012. Từ bối cảnh đó ta thấy mục tiêu dài hạn lồng vào yêu cầu ngắn hạn là tăng trưởng sản xuất là điều rất khó. Mục tiêu dài hạn là tái phân lợi tức để lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy thay cho đầu tư và xuất khẩu. Chiến lược ấy được nêu ra từ gần năm năm qua mà chưa thành, trong khi kinh tế lại lệ thuộc quá nhiều vào khu vực gia cư địa ốc.
Trong các nước đang phát triển, Trung Quốc thuộc loại mắc nợ nhiều và nhanh nhất.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Xin ông đi từng bước trong chuỗi vấn đề quả thật là phức tạp này. Thưa ông vì sao kinh tế Trung Quốc lại lệ thuộc quá nhiều vào khu vực gia cư địa ốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lý do kinh tế là xứ này không có nơi đầu tư hấp dẫn trong khi nhà nước lại kiểm soát tài chính để tránh nạn thất thoát tư bản. Vì vậy tư bản dư dôi mới dồn vào thị trường bất động sản và thổi lên trái bóng đầu cơ là làm giá nhà đất gia tăng. Lý do chính trị là nhà nước cũng muốn khuyến khích khu vực nhà đất vì giúp cho ngành xây cất và tránh thất nghiệp. Một lý do chính trị còn kỳ đặc hơn là đảng viên cán bộ lại có quyền quản lý và mua bán đất đai để kiếm tiền bỏ túi. Hậu quả là đảng Cộng sản phải bơm tiền yểm trợ các doanh nghiệp kém hiệu năng và mắc nợ quá nhiều. Nếu các doanh nghiệp xây cất nhà cửa vỡ nợ hay sụp đổ thì khủng hoảng có thể bùng nổ. Đâm ra yêu cầu dài hạn là cải cách cơ chế và tiết giảm tín dụng vô giá trị kinh tế lại đi ngược mục tiêu chính trị là ổn định và việc chuyển hướng cứ bị đình hoãn mãi.
Bài toán nan giải
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta có thể ngạc nhiên vì cứ nghe nói kinh tế Trung Quốc đứng hạng nhì thế giới về sản lượng chỉ sau nước Mỹ – và thực tế đang là hạng nhất Đông Á với sáng kiến về Con Đường Tơ Lụa mới. Vậy mà bên trong lãnh đạo của họ lại có nhiều bài toán nan giải tới bất ngờ. Thưa ông, vì sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Việc Moody’s vừa hạ điểm trái phiếu của Trung Quốc thật ra là cơ hội cho thế giới nhìn lại, vì nền kinh tế tưởng như lớn lao này mà gặp khủng hoảng thì các nước khác cũng bị ảnh hưởng. Bây giờ tìm hiểu tại sao thì ta thấy ra tính chất duy ý chí của lãnh đạo Bắc Kinh, họ tưởng là có thể phối hợp được mọi chuyện nhưng trung ương chẳng thể điều động được các địa phương mà cũng chẳng sai khiến được thị trường. Các doanh nghiệp nhà nước và công ty đầu tư loại hương trấn do chính quyền địa phương thành lập vẫn vay tiền của ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng tài trợ theo diện chính sách. Chính sách đó là bơm tiền cho doanh nghiệp tạo ra việc làm bất kể lời lỗ lại còn gây ra các tệ nạn cấu kết, tham nhũng và hủy hoại môi sinh. Từ cả chục năm nay, Bắc Kinh muốn sửa mà chưa nổi. Ngày nay, nếu để trái bóng đầu cơ bất động sản xì hay bể, tức là giá nhà đất sụt, thì nhiều công ty vỡ nợ và ngân hàng phá sản. Việc chuyển hướng cho nền kinh tế ít lệ thuộc vào thị trường bất động sản và lấy tiêu thụ nội địa làm đòn bẩy thì cũng chẳng xong vì sức tiêu thụ quá thấp khiến doanh nghiệp tân lập sẽ thiếu khách hàng. Đấy là một vòng luẩn quẩn nên họ vẫn cần xuất khẩu.
Nguyên Lam: Nói đến xuất khẩu là nói đến thị trường bên ngoài thì Bắc Kinh đã vận động hay mua chuộc nhiều quốc gia qua đầu tư, tài trợ tín dụng hoặc xây dựng hạ tầng mà nổi bật nhất là Con Đường Tơ Lụa hay Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á. Như vậy, thưa ông, nội tình kinh tế xã hội rối ren bên trong có là trở ngại quốc tế cho giới lãnh đạo Bắc Kinh không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta nên để ý tới các biến cố chẳng ngẫu nhiên tại Đông Á. Thứ nhất, Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với xứ Philippines và Tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa đầu tư vào xứ này một ngân khoản lên tới 24 tỷ đô la trong mục tiêu kéo Philippines ra khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Tuần qua, Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines lại thăm Liên bang Nga và dù chưa thấy lợi lộc vì Nga chẳng có gì để làm quà thì ông Duterte vẫn có thể chứng tỏ tính chất độc lập của mình giữa ba cường quốc là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Thứ hai, chẳng rõ là ai lại tiết lộ nội dung cuộc điện đàm vào ngày 29 Tháng Tư giữa Tổng thống Donald Trump của Mỹ với ông Duterte. Qua tiết lộ ấy, ta thấy Tổng thống Phi ủng hộ quan điểm của Tổng thống Mỹ về vụ Bắc Hàn và lại còn tự đề nghị làm trung gian với Chủ tịch Trung Quốc về những yêu cầu của ông Trump!
Chuyện thứ ba, cũng ngày Thứ Tư 24 vừa qua là việc Hoa Kỳ đưa chiến hạm vào phạm vi 12 hải lý của vùng Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa, cách đảo Palawan của Philippines có 250 cây số. Đây là khu vực Bắc Kinh cưỡng đoạt của Phi từ năm 1994 và gặp phán quyết bất lợi của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực vào Tháng Bảy năm ngoái. Ba biến cố ấy cho thấy việc Bắc Kinh tính mua chuộc Philippines chưa có kết quả. Đã vậy, Tổng thống Duterte còn ban bố tình trạng khẩn cấp trên đảo Mindanao vì nạn khủng bố phất cờ của lực lượng xưng danh Nhà Nước Hồi Giáo ISIS nên càng tiến gần tới mục tiêu diệt trừ ISIS của Hoa Kỳ. Nạn khủng bố ISIS tại Đông Nam Á còn nhắc đến sự bất trắc của khu vực sẽ thực hiện Sáng Kiến Đới Lộ của Bắc Kinh. Đâm ra việc Moody’s hạ điểm trái phiếu Trung Quốc xảy ra vào thời điểm bất lợi cho uy tín của lãnh đạo Bắc Kinh.
Dù chưa nguy ngập như Trung Quốc, Việt Nam cũng đã vay quá nhiều và quá nhanh, cho nên nghĩa vụ hoàn trả công trái đang thu hẹp khả năng xoay trở của nhà nước. 
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Đấy cũng là lúc các nước Đông Nam Á theo dõi chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam vào ngày Thứ Tư 31 này. Thưa ông, đây là một cấp lãnh đạo đầu tiên của Hiệp hội ASEAN gặp Tổng thống Hoa Kỳ, ông dự đoán gì ở cuộc thăm viếng này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta khó biết được, nhưng cùng Philippines, Việt Nam cũng đang có tranh chấp về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc và được lãnh đạo Bắc Kinh o bế mua chuộc nhăm ly gián tập thể ASEAN. Với dáng khật khùng và phát ngôn gây khó chịu, ông Duterte vừa khéo cho thấy khả năng vận dụng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để bảo vệ độc lập. Trong khi đó, Chính quyền Trump có chủ trương dứt khoát hơn về quyền lưu thông tự do trên vùng biển Đông Nam Á, qua lời phát biểu của hai Tổng trưởng Ngoại giao và Quốc phòng là ông Rex Tillerson và James Mattis. Không chỉ phát biểu, tuần qua Hoa Kỳ còn có hành động cụ thể là lần đầu tiên kể từ Tháng 10 năm ngoái đưa chiến hạm vào vùng biển bị Trung Quốc chiếm đọat và quân sự hóa các bãi cạn. Đấy là quyết định của Mỹ nhằm bác bỏ quan điểm của Bắc Kinh và trấn an các nước Đông Nam Á. Hôm Thứ Năm 25, Bắc Kinh tố giác quyết định của Hoa Kỳ và còn dọa ngưng đàm phán với nhóm ASEAN về quy tắc hành xử trên vùng biển đang có tranh chấp. Vì những diễn biến ấy, tôi thiển nghĩ hoàn cảnh này lại thuận lợi cho Việt Nam hơn trước nếu Hà Nội thật sự muốn bảo vệ chủ quyền và nền độc lập. Nhìn xa hơn vậy thì Hà Nội còn có thể nêu ra quan điểm tiêu biểu cho cả khối ASEAN để tạo ra tư thế cho mình, nhưng có lẽ đấy là điều hơi lạc quan!
Trở về chuyện nợ nần thì Việt Nam nên chú ý tới bài học của xứ láng giềng Trung Quốc. Về chính sách kinh tế quốc gia thì đi vay là tiêu trước và sau này phải trả cho nên tiêu vào việc gì thì có lợi hơn cả để còn trả nợ? Về chính sách quản lý công trái thì cần luật lệ và sổ sách phân minh của các loại nợ ai, vay để làm gì, với hiệu suất ra sao, ai bảo lãnh và ai sẽ phải trả? Về tổ chức thì Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan thống nhất để quản lý các loại công trái nên sẽ còn bị bất ngờ. Dù chưa nguy ngập như Trung Quốc, Việt Nam cũng đã vay quá nhiều và quá nhanh, cho nên nghĩa vụ hoàn trả công trái đang thu hẹp khả năng xoay trở của nhà nước.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn kỳ này.

Mỹ thử hệ thống chặn tên lửa trước quan ngại về Bắc Hàn

Lầu Năm Góc thử nghiệm thành công hệ thống chống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong lúc căng thẳng dâng cao với Bắc Hàn, các quan chức cho biết.
Một lá chắn đặt tại Căn cứ Không quân Vandenberg ở California được sử dụng để bắn một mục tiêu mô phỏng ICBM, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) nói.
Lầu Năm Góc nói vụ thử đã được lên kế hoạch lâu dài nhưng diễn ra khi căng thẳng tăng cao với Bắc Hàn.
Vụ thử diễn ra sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa thứ chín trong năm nay.
Giám đốc MDA, Phó Đô đốc Jim Syring nói vụ thử là “cột mốc quan trọng”.
“Hệ thống này vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc phòng, và vụ thử này chứng tỏ chúng ta có một hệ thống đủ lực và đủ tin cậy chống lại bất kỳ mối đe dọa nào,” ông nói hôm 30/5.
Đây là vụ thử đầu tiên ngăn chăn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Hệ thống Phòng thủ Tên lửa tầm trung mặt đất (GMD).

Tướng Flynn

đồng ý cung cấp một số tài liệu cho Thượng Viện Mỹ

Cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Donald Trump, tướng Michael Flynn sẽ cung cấp một số tài liệu cho Ủy ban Tình báo Thượng Viện Hoa Kỳ, trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan đến nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Hãng tin AP hôm nay 31/05/2017 loan báo như trên.
Quyết định của ông Flynn được đưa ra hôm qua, sau khi luật sư riêng của ông Donald Trump là Michael Cohen đã từ chối cung cấp thông tin cho Ủy ban Tình báo Hạ Viện, và một cựu nhân viên Nhà Trắng, Boris Epshteyn xác nhận đã được Ủy ban này liên lạc với yêu cầu tương tự.
Sự hợp tác của ông Michael Flynn là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ông và Thượng Viện đã tìm được tiếng nói chung. Trước đây cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng đã viện dẫn Tu chính án số 5 trong Hiến Pháp để từ chối cung cấp tài liệu, nhưng nay Thượng Viện đã thu hẹp phạm vi yêu cầu. Ủy ban Tình báo Thượng Viện cũng ra lệnh giao nộp các băng ghi âm từ các công ty của ông Flynn.
Một trong các công ty đó, Flynn Intel Group Inc., đã tư vấn cho một doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ. Còn công ty Flynn Intel Group LLC được sử dụng để nhận tiền chi trả cho các tham luận của ông Flynn, trong đó có số tiền 33.000 đô la từ RT (Russia Today), kênh truyền hình do điện Kremlin tài trợ. Hôm qua, một người thân cận ông Flynn cho hay sẽ giao các tài liệu về hai công ty trên, và một số thông tin khác trong tuần tới.
Trong khi đó cả tổng thống Donald Trump lẫn đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đều lên tiếng chỉ trích cuộc điều tra. Ông Putin khi trả lời Le Figaro đã bác bỏ hẳn mọi liên can trong bầu cử Mỹ, còn ông Trump trên Twitter hôm qua cho rằng đây là « tin giả » của phe Dân Chủ để biện minh cho thất bại.
Ông Michael Cohen trong một thời gian dài là luật sư của Trump Organization, nay tiếp tục là luật sư riêng của tổng thống Mỹ. Theo New York Times, ông Cohen từng can dự vào kế hoạch hòa bình Ukraina theo cách có lợi cho Nga. Một số cổ đông trong hãng taxi của ông Cohen đến từ Liên Xô cũ trong đó có bố vợ sinh tại Ukraina. Còn ông Boris Epshteyn sinh trưởng tại Matxcơva, có làm việc tại Nhà Trắng một thời gian ngắn.

Mỹ giao vũ khí cho chiến binh Kurdistan ở Syria

Hoa Kỳ đã bắt đầu cung cấp vũ khí cho các chiến binh người Kurdistan ở miền bắc Syria đang chiến đấu chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Mỹ Adrian Rankine-Galloway vào hôm qua, 30/05/2017, các thiết bị được giao bao gồm vũ khí hạng nhẹ, trong đó có súng AK-47, và xe cộ.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, việc chuyển giao vũ khí cho các đơn vị người Kurdistan trong Lực Lượng Dân Chủ Syria FDS, một liên minh Ả Rập-Kurdistan chống Daech tại Syria, được tiến hành vào lúc một cuộc tấn công tái chiếm thành phố Raqqa, thủ phủ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria đang được chuẩn bị. Đối với Mỹ, FDS là lực lượng duy nhất trên bộ có khả năng lấy lại thành phố Raqqa.
Vào đầu tháng Năm này, tổng thống Mỹ Donald Trump đã bật đèn xanh cho việc cung cấp vũ khí cho lực lượng dân quân người Kurdistan YPG tại Syria, bất chấp phản đối của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cho là lực lượng này co quan hệ với Đảng Những Người Lao Động Kurdistan PKK bị Ankara xếp vào diện « khủng bố ».
Chiến hạm Nga từ Địa Trung Hải bắn tên lửa vào vùng Palmyra
Vào lúc Mỹ quan tâm đến tình hình tại Raqqa, sáng nay, 31/05, Nga đã cho chiến hạm từ Địa Trung Hải bắn tên lửa hành trình vào các vị trí của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo gần thành phố Palmyra, miền đông bắc Syria.
Theo nguồn tin từ quân đội Nga, 4 chiếc tên lửa loại Kalibr đã được phóng đi từ tàu ngầm Krasnodar và hộ tống hạm Đô đốc Essen có mặt ở miền đông Địa Trung Hải. Hải Quân Nga cho biết, tất cả các tên lửa đều bắn trúng mục tiêu. Phía Nga xác nhận là có báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Hoa Kỳ về đợt oanh kích.
Putin « tin chắc » Damas không dùng vũ khi hóa học
Cũng liên quan đến Nga và Syria, tổng thống Nga Vladimir Putin đã lại bênh vực cho đồng minh Bashar al-Assad khi cho biết rằng ông tin chắc là chế độ Damas không hề tiến hành vụ tấn công hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib, Syria hôm 04/04 vừa qua đã khiến ít nhất 87 người chết trong đó có 31 trẻ em.
Damas bị tình nghi là thủ phạm vụ tấn công, điều mà chính quyền Syria kiên quyết phủ nhận.
Trả lời phỏng vấn của nhật báo Pháp Le Figaro ngày hôm qua, tổng thống Nga tuy nhiên cũng tuyên bố « đồng ý » với làn ranh đỏ mà tổng thống Pháp Emmanuel đã vạch ra, theo đó những kẻ dùng đến vũ khí hóa học tại Syria phải bị trừng trị ngay tức khắc.

Hàng hiệu Ivanka Trump lại có chuyện ở Trung Quốc

Một nhà hoạt động cùng hai cộng sự bị bắt và mất tích từ hôm Chủ nhật, 28/05/2017, khi họ tiến hành bí mật điều tra trong một nhà máy gia công sản phẩm cho nhãn hiệu Ivanka Trump. Vụ bắt giữ này, một lần nữa, lại khuấy lên chuyện làm ăn ở Trung Quốc của cô con gái tổng thống Mỹ, nay là cố vấn của Nhà Trắng.
Ông Lý Cường ( Li Qiang), giám đốc hiệp hội bảo vệ người lao động đóng trụ sở tại Hoa Kỳ, China Labor Watch (CLW), hôm nay, 31/05/2017, cho AFP hay, nhà hoạt động Hoa Hải Phong (Hua Haifeng) cùng hai cộng sự khác trong khi bí mật điều tra về điều kiện làm việc trong các nhà máy đóng giầy của tập đoàn Hoa Kiên tại Trung Quốc, đã bị mất tích từ hôm Chủ nhật.
Theo ông Cường, ông Hoa bị cáo buộc đã ghi lén các cuộc nói chuyện trong một nhà máy tại tỉnh Giang Tây. Vợ ông Hoa được xác nhận là  chồng bà bị bắt sau một cuộc nói chuyện điện thoại với chính quyền tỉnh Giang Tây. Ngoài ra không có tin tức nào về số phận hai nhà hoạt động khác tên là Lý Chiêu ( Li Zhao) và Tô Hằng (Su Heng) bị mất tích từ hôm 28/05.
China Labor Watch cho biết, tổ chức này từ 17 năm qua đã tiến hành rất nhiều cuộc điều tra tương tự nhưng không gặp vấn đề gì, nhưng đây là lần đầu tiên hiệp hội điều tra liên quan đến nhà cung cấp sản phẩm Ivanka Trump và gặp ngay rắc rồi. Giám đốc China Labor Watch tuyên bố: « Chúng tôi kêu gọi tổng thống Trump và bà Ivanka Trump phải gây sức ép để trả tự do cho các nhà hoạt động của chúng tôi”.
Cũng giống như cha, Ivanka Trump, hiện đang làm cố vấn của Nhà Trắng, cam đoan đã chuyển việc quản lý các hoạt động kinh doanh của các công ty cho những người thân chừng nào bà còn tham gia công việc chính phủ.
Cho dù trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Donald Trump đã không ngớt lời tố cáo Trung Quốc « đánh cắp » hàng triệu công ăn việc làm ở nước Mỹ, nhưng con gái ông thì vẫn không muốn từ bỏ làm ăn với Trung Quốc, vốn mệnh danh là công xưởng của thế giới.
Mối quan hệ Mỹ – Trung trở nên nồng ấm đặc biệt từ hồi đầu tháng Tư vừa qua, khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Hoa Kỳ và được đón tiếp long trọng tại dinh thự riêng của gia đình Trump ở Florida, tất nhiên là không thể vắng mặt cô con gái tổng thống Ivanka Trump và chàng rể Jared Kushner, giờ là những cố vấn quan trọng của chính quyền Trump.
Trở lại với cuộc điều tra của tổ chức China Labor Watch tại Trung Quốc. Khi tới nhà máy gia công sản phẩm cho nhãn hiệu Ivanka Trump, hồi tháng Ba năm nay, các nhà hoạt động của hiệp hội đã phát hiện thấy hai nhà máy, một đặt tại Cống Châu ở tỉnh Giang Tây và một nhà máy khác tại Đông Quản, gần Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, đã ép buộc công nhân làm thêm giờ và trả lương thấp hơn theo quy định của pháp luật. Công ty còn sử dụng phiếu lương giả ghi mức lương cao, nhưng thực tế số tiền công nhân nhận được thấp hơn nhiều.
Thực ra, sản phẩm mang nhãn hiệu Ivanka Trump không trực tiếp được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng hãng vẫn đặt một phần sản phẩm cho các công ty tại Trung Quốc chuyên gia công các mặt hàng quần áo, giầy dép hay túi xách tay. Cũng cần phải nói thêm là công ty Hoa Kiên còn sản xuất giầy cho nhiều nhãn mác lớn khác như Coach, Nine West, Karl Lagerfeld…
Đầu tháng Năm, chồng của Ivanka là Jared Kushner cùng với công ty bất động sản Kushner Companies của ông đã gây không ít ồn ào ở Trung Quốc. Đó là chuyện chị gái ông là bà Nicole Kushner Mayer, trong một buổi gặp gỡ giới thiệu dự án tại Bắc Kinh, để thuyết phục các nhà đầu tư Trung Quốc, đã nhấn mạnh đến mối quan hệ gia đình với cố vấn đặc biệt của Nhà Trắng và nhiều lần nhắc đến tên và vai trò của người em trai Jared Kushner trong công ty của gia đình. Kết quả là sau cuộc gặp, bà Nicole Kushner Mayer đã huy động được 150 triệu đô la cho một dự án căn hộ hạng sang tại New Jersey.
Bà thậm chí còn lôi kéo dân nhà giàu Trung Quốc bằng chương trình visa đầu tư EB -5, gây nhiều tranh cãi, tức chương trình cấp « thẻ xanh » định cư dài hạn ở Mỹ cho những người bỏ tiền từ 500 nghìn đô la trở lên đầu tư vào Mỹ. Riêng trong năm 2014, 90% thẻ cư trú dài hạn loại này đã được cấp cho người Trung Quốc.
Ivanka Trump, trường hợp ngoại lệ của quy định ” Buy American”
Việc tập đoàn gia đình nhà Donal Trump có liên hệ làm ăn sâu rộng ở Trung Quốc đã được nói đến nhiều từ trước khi nhà tỷ phú trở thành tổng thống Mỹ. Thế nhưng từ sau khi Donal Trump đắc cử tổng thống thống thì sao ?
Trong diễn văn nhậm chức tổng thống Mỹ hồi đầu năm nay, ông Donald Trump đã hứa “ Chúng tôi theo hai quy định đơn giản: Mua hàng Mỹ và tuyển dụng người Mỹ”.
Thế nhưng cùng thời điểm đó, hơn 50 tấn sản phẩm mang nhãn hiệu “Ivanka Trump” đang trên đường từ các cảng Trung Quốc đến Mỹ. Trong khi mà ứng cử viên tổng thống Mỹ tố cáo Trung Quốc “đánnh cắp” công việc của người Mỹ bằng giá nhân công rẻ mạt, thì sản phẩm của cô con gái Ivanka vẫn đang được sản xuất tại “công xưởng thế giới”.
Từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống, đã có không dưới 1600 chiếc túi xách da, hai tấn áo sơ mi và 23 tấn giầy dép nhãn hiệu Ivanka “Made in China” đã vượt Thái Bình Dương về Mỹ. Hàng trăm chuyến hàng của cô con gái Ivanka vẫn cứ ùn ùn về Mỹ từ khi ông bố làm tổng thống. Các đơn đặt hàng của Ivanka Trump vẫn ngày càng dầy thêm, theo các công ty gia công của Trung Quốc.
Công việc làm ăn của cô con gái tổng thống đã gây tranh cãi ồn ào từ khi nhà phân phối sản phẩm Nordstrom hồi đầu tháng Hai quyết định rút sản phẩm Ivanka Trump ra khỏi các cửa hàng của họ. Lý do là hàng không bán chạy nữa, nhưng thực tế là do hàng Ivaka Trump bị kêu gọi tẩy chay tại Mỹ do vẫn tiếp tục được sản xuất tại Trung Quốc, bất chấp những tuyên bố hùng hồn của ông Trump. Điều đáng nói là ngay lập tức, đích thân ông Trump chỉ trích gay gắt quyết định của Nordstrom. Còn những người thân cận trong chính quyền thì công khai kêu gọi mua sản phẩm Ivanka Trump.
Tuy nhiên, không chỉ có nhãn mác Ivanka mới sản xuất tại Trung Quốc. Theo số liệu của hải quan Mỹ được nhật báo Pháp La Croix trích dẫn, trong vòng 10 năm trở lại đây, hơn 1200 chuyến hàng mang thương hiệu của nhà tỷ phú đã được chuyển từ Trung Quốc hay Hồng Kông đến Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald trump đã chống chế rằng công ty gia đình ông đã bán bản quyền 3/4 số thương hiệu cho các công ty sản xuất tại Trung Quốc.
Trong một phát biểu trước Quốc Hội Mỹ, Donald trump khoe đã thuyết phục được tập đoàn Ford và nhiều công ty đa quốc gia khác phải “hồi hương” một phần sản xuất về Mỹ. Thế nhưng ông không hề đả động gì tới các thương vụ làm ăn của con gái.
Donald Trump cũng như Ivanka Trung đều cam đoan đã trao quyền quản lý công việc làm ăn cho người thân, thế nhưng họ không bán các công ty đó để có thể nắm trở lại công việc kinh doanh khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc.
Cuối tháng Hai vừa qua, tại Nhà Trắng, Ivanka đã tham dự một cuộc họp với sự có mặt của khoảng hơn chục đại diện giới công nghiệp Mỹ. Trong cuộc họp, tổng thống Trump một lần nữa khẳng định sẽ “làm tất cả để đưa công ăn việc làm hồi hương về Mỹ”. Thế nhưng, riêng công việc làm ăn liên quan đến cô con gái Ivanka vẫn diễn ra bình thường. Theo nhật báo Trung Quốc Global Times, ít nhất một công ty ở miền nam Trung Quốc đã nhận được đơn đặt hàng 10 nghìn đôi giày Ivanka Trump cho mùa tới.

Ân Xá Quốc Tế tố cáo Pháp lạm dụng tình trạng khẩn cấp

Bạo lực cảnh sát « không tương xứng », quyền tự do biểu tình bị cản trở, việc áp dụng tình trạng khẩn cấp, có hiệu lực trong mười tám tháng qua ở Pháp nhằm ngăn ngừa khủng bố, đã bị lạm dụng. Trong một bản báo cáo công bố vào hôm nay, 31/05/2017, tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế – Amnesty International – đã phê phán như trên.
Mang tựa đề « Một quyền chứ không phải là một mối đe dọa », bản báo cáo đã nêu bật những trường hợp « lạm dụng » chế độ đặc biệt – tình trạng khẩn cấp, được ban hành ngày 13/11/2015 ngay sau khi nổ ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris và Saint-Denis, khiến 130 người chết, với mục tiêu ngăn chặn các vụ khủng bố mới.
Ân Xá Quốc Tế đặc biệt ghi nhận các hành vi hạn chế quyền tự do biểu tình và tự do đi lại khi nhắc lại rằng theo số liệu được bộ Nội Vụ Pháp cung cấp, các cấp chính quyền đã sử dụng quyền hạn trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp để ký 155 chỉ thị cấm tuần hành, hội họp và biểu tình trong khoảng thời gian từ ngày 14/11/2015 đến 05/05/2017.
Bên cạnh đó, còn có 639 biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại được đưa « một cách rõ ràng » là để « ngăn chặn những người muốn tham gia biểu tình », đặc biệt chống Luật Lao Động, hoặc nhân Hội Nghị Khí Hậu COP-21 vào tháng 12 năm 2015.
Theo ông Marco Perolini, chuyên gia của Ân Xá Quốc Tế và là một trong những tác giả của bản báo cáo : « Các biện pháp khẩn cấp đã được đưa ra để hạn chế quyền của người dân ». Trong lúc, chính quyền lại viện cớ « thiếu lực lượng cảnh sát ».
Amnesty International nhận định, lực lượng an ninh Pháp còn có những hành vi « vi phạm nhân quyền » khi duy trì trật tự nhân các cuộc tụ họp công cộng. Theo ông Nicolas Krameyer, chuyên theo dõi vấn đề quyền tự do tại chi nhánh Pháp của Ân Xá Quốc Tế, thì nhân viên công lực đã có nhiều hành vi bạo lực « quá đáng, không cân xứng, và tùy tiện » nhắm vào người biểu tình.
Bộ Nội Vụ Pháp cho biết, 336 cảnh sát và 45 hiến binh bị thương khi giám sát của cuộc biểu tình. Tuy nhiên, theo Ân Xá Quốc Tế, vào lúc chỉ có « một số người biểu tình muốn đánh nhau với cảnh sát », thì hàng trăm người biểu tình ôn hòa khác đã bị lực lượng an ninh gây thương tích, vì lực lượng này đã sử dụng « võ lực quá mức và không cần thiết ».

Pháp: Bị báo chí tố giác, một bộ trưởng không từ chức

Bị báo chí tố cáo về một vụ kinh doanh địa ốc liên quan đến vợ, bộ trưởng Pháp đặc trách Gắn Kết Các Vùng, Richard Ferrand, dứt khoát không từ chức, mặc dù đa số dân Pháp muốn ông phải rời khỏi chính phủ của tân tổng thống Emmanuel Macron.
Ông Ferrand, nguyên là dân biểu Đảng Xã Hội ngả theo phe của ông Macron ngay từ đầu, bị báo chí tố cáo về một hợp đồng thuê bất động sản vào năm 2011 có lợi cho vợ của ông, khi ông còn là giám đốc của công ty bảo hiểm y tế Mutuelles de Bretagne.
Tuyên bố trên đài phát thanh France Inter hôm nay, 31/05/2017, bộ trưởng Ferrand khẳng định tất cả những gì ông đã làm trong trách nhiệm công việc đều “hợp pháp, công khai và minh bạch”, và ông sẽ không từ chức, một phần vì ông không bị tư pháp điều tra.
Trên đài truyền hình France 2 tối qua, thủ tướng Edouard Philippe cũng tuyên bố là ông Richard Ferrand có thể ở lại trong chính phủ cho dù dân Pháp đang rất phẫn nộ. Trong khi đó, phát ngôn viên chính phủ Pháp Christophe Castaner hôm nay bảo đảm sẽ không có ai ngăn cản tư pháp điều tra về bộ trưởng Ferrand. Thứ Sáu tuần trước, viện công tố thành phố Brest đã thông báo là họ sẽ không điều tra sơ bộ những tiết lộ của báo chí về ông Ferrand.
Không chỉ có ông Richard Ferrand, một bộ trưởng khác của chính phủ Macron cũng đang bị tai tiếng, đó là bà Marielle de Sarnez, bộ trưởng đặc trách các vấn đề châu Âu. Đang bị tư pháp điều tra sơ bộ vì bị nghi tạo việc làm trợ lý giả ở Nghị Viện Châu Âu, bà de Sarnez cũng khẳng định không có làm gì sai trái và đã đệ đơn kiện nữ nghị sĩ châu Âu đã tố bà.
Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố hôm nay, có đến khoảng 7 phần 10 dân Pháp cho rằng hai bộ trưởng nói trên phải từ chức, nhất là vào lúc mà chính phủ của tổng thống Macron đang chuẩn bị một dự luật về đạo đức trong đời sống chính trị nước Pháp.
Ngoài bộ trưởng de Sarnez, nhiều nghị sĩ châu Âu khác thuộc phe tả lẫn phe hữu cũng đang bị điều tra về nghi án việc làm trợ lý giả.

Ấn Độ bác đề nghị của Úc muốn tập trận chung

New Delhi đã từ chối yêu cầu của Úc muốn tham gia cuộc tập trận hải quân ba bên Ấn-Mỹ-Nhật vì không muốn khiêu khích Trung Quốc. Bắc Kinh từng cảnh cáo Ấn Độ là không nên mở rộng các cuộc tập trận hải quân chung với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hãng tin Anh Reuters đã tiết lộ tin trên ngày 30/05/2017, trích dẫn một số quan chức ngoại giao và hải quân tại New Delhi.
Sự vụ nẩy sinh từ tháng Giêng vừa qua, khi Úc chính thức viết thư cho bộ Quốc Phòng Ấn Độ, đề nghị được gởi tàu hải quân Úc đến tham gia cuộc tập trận Malabar giữa Ấn, Mỹ và Nhật, dự trù vào tháng 7. Úc muốn tham gia với tư cách quan sát viên, một bước mở đường cho việc trở thành thành viên chính thức của cuộc tập trận.
Tuy nhiên, bốn quan chức từ Ấn Độ, Úc và Nhật Bản xác nhận với Reuters rằng New Delhi đã từ chối việc Canberra gởi tàu, mà chỉ đề nghị Úc gởi quan sát viên đến theo dõi cuộc tập trận từ trên boong tàu của chiến hạm ba nước tham gia.
Theo các nguồn tin quân sự và ngoại giao Ấn Độ, New Delhi lo ngại trước khả năng Bắc Kinh sẽ trả đũa việc để tàu Úc cùng tập trận, bằng cách đẩy mạnh các hoạt động của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương, nơi họ đang xây dựng cơ sở hạ tầng tại Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan, khiến Ấn Độ lo lắng về nguy cơ bị bao vây,
Quan chức Hải Quân Ấn Độ cho biết đã có ít nhất sáu tàu ngầm Trung Quốc được triển khai tại Ấn Độ Dương từ năm 2013 đến nay, và tàu ngầm Trung Quốc đã ghé cảng Sri Lanka cũng như Pakistan, đồng minh lâu năm của Bắc Kinh.
Abhijit Singh, một cựu quan chức Hải Quân Ấn Độ, hiện là chủ nhiệm chương trình nghiên cứu về biển tại quỹ Observer Research Foundation ở New Delhi, công nhận: « Ấn Độ đang rất thận trọng về Trung Quốc ».
Theo chuyên gia này : « Ấn Độ nhận thức được rằng Trung Quốc đã tăng cường sự can dự trên biển tại phần này của thế giới, và họ chỉ có thể trở nên bạo dạn hơn khi cho triển khai tàu ngầm của họ ».
Trên mặt chính thức dĩ nhiên là bộ Quốc Phòng Ấn Độ không xác nhận quyết định từ chối yêu cầu tham gia tập trận chung của Úc, trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản lại khuyến khích việc mời Úc, vì xem Canberra là một đối tác tự nhiên trong nỗ lực cân bằng uy lực ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ban đầu, Malabar là một cuộc tập trận song phương Ấn-Mỹ có từ năm 1992. Từ năm 2014 đến nay, cuộc tập trận hàng năm đều mời Nhật Bản tham gia.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?