Việt Nam, đồng minh của ông Trump trong vấn đề Biển Đông?

VOA

31/05/2017

Khu vực Biển Đông
Khu vực Biển Đông
Hà Nội có thể nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nỗ lực dài hạn của chính quyền Mỹ về Đông Nam Á, nhắm mục đích hóa giải ảnh hưởng của Bắc Kinh trong Biển Đông.
Hôm thứ Tư, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của ASEAN đến thăm Tòa Bạch Ốc kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Hoa Kỳ có thể tìm cách khai thác sự xung đột giữa Việt Nam, một thị trường đang trỗi dậy, với Trung Quốc.
Theo ông Rodger Baker, Phó Chủ tịch đặc trách phân tích chiến lược của Stratfor Global Intelligence, một công ty an ninh ở Mỹ, chuyên nghiên cứu chiến lược an ninh cho các tổ chức chính phủ, Việt Nam đang giữ một vị trí đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á. Ông Baker giải thích rằng Hà Nội vẫn giữ lập trường cứng rắn, phản đối các hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông, và vì vậy ông Trump có thể coi Việt Nam như là một lực đối trọng với Trung Quốc có tiềm năng trong vùng tranh chấp.
Ông Trump có thể coi Việt Nam như là một lực đối trọng với Trung Quốc có tiềm năng trong vùng tranh chấp.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích biển Đông với hơn 250 hòn đảo, nơi có nhiều trữ lượng khí đốt thiên nhiên, nơi mà Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Hà Nội đã công khai lên tiếng tố cáo Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tiến hành xây dựng các cơ cấu quân sự trên các đảo trong vòng tranh chấp.
Lính hải quân Trung Quốc ở Bãi đá Chữ Thập - quần đảo Trường Sa
Lính hải quân Trung Quốc ở Bãi đá Chữ Thập – quần đảo Trường Sa
Chính sách bành trướng của Trung Quốc trong Biển Đông cũng gây bực bội cho Washington. Vài ngày sau khi nhậm chức, ông Trump tuyên bố sẽ ngăn chặn Bắc Kinh xây đảo nhân tạo. Trong khi ông Trump không rộng tay hành động vì đang cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc để kiềm hãm Bắc Triều Tiên, thì vấn đề biển Đông vẫn là một vấn đề lớn bao trùm khu vực. Tuần trước, hải quân Trung Quốc triển khai hai tàu khu trục tên lửa áp sát một tàu chiến của Hải quân Mỹ đang tuần tra một vùng biển gần quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Ông Jonathan Stromseth, thành viên cấp cao thuộc viện Brookings, lưu ý rằng chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Washington đã “tăng thêm đà cho mối quan hệ Mỹ-Việt ngày càng có tính cách chiến lược hơn.”
Thật vậy, hai nước đã bắt đầu các cuộc trao đổi quân sự song phương, có thể gây khó chịu cho Bắc Kinh.
Ông Baker nói ông dự kiến hình thức hợp tác quân sự như thế có thể tiếp tục:
“Trong một tuần qua, Washington đã chuyển giao một số tàu cho lực lượng Tuần duyên Việt Nam. Hai bên đã có chuyến giao lưu hải quân và Hoa Kỳ cũng đã dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam.”
Tất nhiên, Việt Nam không phải là đồng minh ASEAN duy nhất của ông Trump trong cuộc xung đột lãnh hải.
Ông Stromseth nói Tòa Bạch Ốc cũng đang ve vãn một số quốc gia Đông Nam Á khác giữa lúc Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng và quan ngại ngày càng tăng về cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực, đặc biệt sau khi Washington rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương-TPP.”
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (bên trái) và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại trụ sở ASEAN ở Jakarta, Indonesia, ngày 20/4/2017.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (bên trái) và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại trụ sở ASEAN ở Jakarta, Indonesia, ngày 20/4/2017.
Trong tháng qua, Phó Tổng thống Mike Pence đã đi thăm Indonesia, ông Trump điện đàm với một số lãnh đạo ASEAN, kể cả Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã đón tiếp các ngoại trưởng ASEAN tại thủ đô Washington.
Ông Stromseth nói nếu Washington có thể chứng minh cam kết đối với khu vực thì điều đó có thể “tạo điều kiện thúc đẩy mối quan hệ đa phương có tính xây dựng với Trung Quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, giúp giảm thiểu sự đối đầu chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh.
Hãng tin Bloomberg trích lời ông Alexander Vuving, nhà phân tích chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii, nói “Chính quyền Trump rất quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, vì Hoa Kỳ nhận thức rõ vai trò chiến lược của Việt Nam tại Châu Á”.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Bloomberg, ông Phúc né tránh câu hỏi liệu Việt Nam có mưu tìm sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở Biển Đông hay không.
Ông Phúc nói: “Chúng tôi cần thảo luận với các bên liên quan để đảm bảo tất cả các bên sẽ được hưởng lợi từ bất cứ hành động nào do chúng tôi quyết định, hầu đảm bảo hòa bình trong khu vực.”
Ông Michael Green, từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới quyền Tổng thống George W. Bush, nói với tờ Washington Times rằng thắt chặt quan hệ an ninh liên minh với Hoa Kỳ cũng là một mục tiêu hàng đầu trong chuyến đi Mỹ của ông Phúc.
Ông Green, hiện là Phó Chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), dự đoán ông Phúc sẽ mưu tìm một liên minh với ông Trump tương tự như liên minh mà ông Trump đã thiết lập với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Ông Green nói: “Việt Nam không phải là một quốc gia muốn xa lánh Hoa Kỳ vì ông Donald Trump làm tổng thống.”
Tàu bệnh viện USNS Mercy thăm cảng Nha Trang, Khánh Hòa
Tàu bệnh viện USNS Mercy thăm cảng Nha Trang, Khánh Hòa
Báo Washington Times dẫn lời ông Anthony Cordesman, chiến lược gia quân sự của CSIS, nói ai cũng biết là Việt Nam từ lâu vẫn coi Trung Quốc là một mối đe doạ đối với sự tồn tại của mình, và ông Phúc mong muốn Hoa Kỳ đóng một vai trò lớn hơn trong vấn đề Biển Đông.
Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác tin rằng chỉ có Hoa Kỳ mới có thể kiềm chế những hành động hung hăng nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Một lựa chọn cho chính quyền Trump là bán thêm vũ khí hoặc chuyển giao thiết bị cho các đồng minh như Việt Nam, để tăng khả năng chiến đấu của lực lượng hải quân các nước này.
Nguồn: CNBC, Bloomberg News, Washington Times

Diễn đàn Facebook

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?